Sáng ngày hôm sau, cuộc sống mới của Êrik đã đi vào nề nếp bình thường. Trước tiên, bác sĩ Svariênkrôna dẫn chú bé đến tiệm may, sắm cho chú đủ mọi thứ từ giầy đến mũ cho thích hợp với người thành phố, sau đó đến gặp ông hiệu trưởng một trường tốt nhất ở Xtôckhôm. Đó là trường “Hogre Elementar Lauroverk", một trường giống như trường Lyxê (Lyceé - Trường trung học ở các nước Tây Âu) của Pháp. Ở đó người ta dạy các thứ ngữ cổ và tân, các nguyên lý khoa học, tất cả những gì cần thiết để thi vào Trường Đại học Tổng hợp. Cũng giống như ở Đức và Ý, tất cả học sinh trường này điều là học sinh tự do, tức là ở ngoài nhà trường. Học sinh ở xa thì ở đậu nhà thầy giáo hoặc một người đỡ đầu. Học phí vừa phải, còn những người nghèo thì được miễn phí. Mỗi trường đều có phòng thể dục riêng: và như vậy là, cùng với nền giáo dục phổ thông, người ta còn thực hiện cả việc giáo dục về thể lực.
Êrik liền đứng đầu lớp. Chú tiếp thu các môn học đều dễ dàng một cách kỳ diệu: vậy nên chú còn nhiều thời gian rảnh rỗi. Do đó bác sĩ quyết định tạo điều kiện cho chú buổi tối đến học trường “Slojdskolan” (trường công nghiệp ở Xtôckhôm). Đây là trường dành riêng để thực hành môn vật lý, hóa học, hình học và hội họa - là những môn mà ở trường bình thường chỉ học lý thuyết.
Bác sĩ Svariênkrôna đã có lý khi cho rằng việc đến trường công nghiệp, một trong những trường tốt nhất ở thủ đô, sẽ tạo điều kiện cho Êrik tiến bộ nhanh hơn nữa. Nhưng ngay cả ông cũng chưa thể ngờ được là việc học song song như thế sẽ đem lại cho đứa trẻ được ông nuôi dưỡng cái lợi to lớn như thế nào trong thực tế! Nắm vững một cách dễ dàng chương trình của phổ thông, Êrik bây giờ có thể đi vào nghiên cứu sâu hơn những môn học cơ bản. Thay vì những kiến thức hời hợt, tản mạn của phần lớn học sinh, chú đã tích luỹ được những kiến thức chính xác rõ ràng, sâu sắc. Việc phát triển hơn nữa những kiến thức ấy chỉ còn là vấn đề thời gian. Chú đã được đào tạo chắc chắn đến mức việcnghiên cứu những phần phức tạp nhất của giáo trình Đại học Tổng hợp bây giờ đối với chú không có gì là khó khăn.
Maljarius đã giúp đỡ Êrik rất nhiều về ngoại ngữ, lịch sử, địa lý và thực vật. “Slojdskolan”, đến lượt mình, đã tập cho chú những kỹ năng thực hành trong lĩnh vực kỹ thuật mà thiếu chúng thì bất kỳ lý thuyết tuyệt vời nào cũng chỉ có thể là một món hàng vô dụng mà thôi.
Sự phong phú và đa dạng của các môn học không những làm cho Êrik mệt mỏi, mà ngược lại, đã làm cho chú phát triển một cách rõ rệt, tốt hơn nhiều so với việc chỉ nghiền ngẫm những giáo trình lý thuyết. Hơn nữa, các bài tập thể dục giúp chú vừa tăng cường thể lực, vừa cho óc nghỉ ngơi và phòng ngừa hiện tượng quá mệt mỏi về trí não. Êrik là một trong những người đứng đầu không phải chỉ trong lớp, mà còn cả trong phòng thể dục. Còn những giờ rảnh thì chú ra chơi trên bờ biển mà từ lúc tuổi thơ đã trở nên thân thuộc với chú. Chú bé lấy làm sung sướng được chuyện trò với những người thủy thủ, những người đánh cá và sốt sắng giúp đỡ họ trong công việc. Thỉnh thoảng chú bắt được một con cá to đem về và fru Grêta đón nhận lấy với vẻ hài lòng.
Người phụ nữ đáng mến này chẳng bao lâu đã thấy có cảm tình sâu sắc đối với thành viên mới trong gia đình. Êrik là đứa trẻ có bản tính hiền từ và lễ phép, thật thà và siêng năng đến mức không thể không yêu quý được. Không đầy một tuần sau, Brêđêzhor và Horstedl đã đối xử với chú chân thành như bác sĩ Svariênkrôna vậy. Duy có Kaisa là cô không có cảm tình với chú. Lúc thì “cô tiên” nhỏ cho rằng chú về đây làm cho quyền bá chủ của cô trong nhà bị lung lay, lúc thì cô bực tức vì bác sĩ hay cười chế diễu những điệu bộ õng ẹo “công chúa hay hờn dỗi" của cô ngay trước mặt Êrik, mặc dù chẳng có hại gì. Bằng cách này hay cách khác, cô ta luôn cố tìm cách làm cho Êrik cảm thấy sự khinh miệt lạnh nhạt của mình mà ngay cả thái độ rất mực lịch sự của chú cũng không thể chịu được. May mà Kaisa không phải lúc nào cũng có dịp để tỏ thái độ coi thường đối với Êrik, vì lúc thì chú đi vắng, lúc thì chú ngồi học trong phòng mình.
Cuộc sống của chú trôi đi khá phẳng lặng, chẳng bị biến cố gì đặc biệt ngăn trở cả. Vậy nên tiện thể chúng ta lướt qua luôn hai năm và cùng với Êrik trở lại vùng Nôrôê.
Từ sau khi Êrik ra đi, ở nhà mọi người đã hai lần ăn mừng lễ Nôen. Ở Trung Âu và Bắc Âu, lễ Nôen được coi là lễ lớn nhất trong năm, hơn nữa, ngày lễ lại trùng với "mùa nghỉ việc" hầu như trong tất cả các nghề thủ công. Ở Na Uy ngày lễ này kéo dài tới mười ba ngày - tretten julen dage - và người ta đã dùng những ngày ấy để tổ chức tất cả những trò vui giải trí. Nôen còn là mùa của những lễ mừng trong các gia đình, của những bữa cơm khách và lễ đính hôn.
Thậm chí các nhà ít dư dật nhất vào mùa này cũng chuẩn bị đủ các món ăn, trong những ngày lễ người ta đặc biệt coi trọng các phép tắc đón khách nồng hậu. "Jule of” - bia Nôen - được uống thả cửa. Mỗi vị khách được mời một cốc vại đầy để trong chiếc khay bằng vàng, bạc hoặc đồng mà các gia đình dù nghèo nhất đi nữa cũng còn lưu giữ được theo lối cha truyền con nối từ đời xửa đời xưa. Khách đứng uống cạn cốc bia một cách khoan khoái, và trao đổi với chủ nhà những lời chúc mừng năm mới tốt lành và làm ăn may mắn. Vào dịp Nôen, những người đầy tớ, coi như một món thưởng thêm vào tiền công của họ, thậm chí trong những ngày Nôen, bò, cừu, chim chóc cũng được hưởng khẩu phần tăng gấp đôi và các món khao ngoại lệ nữa.
Trong mười ba ngày lễ hội thì ngày vui nhất là đêm hôm trước Nôen. Theo phong tục, nam nữ thanh niên đi giày trượt tuyết gọi là "Schnec-shuhe" vào trong làng, dừng lại bên các nhà và đồng thanh hát những bài hát dân tộc cổ xưa. Những giọng hát trong trẻo của họ bất chợt vang lên trong màn đêm băng giá, giữa cảnh tĩnh mịch của đồng quê phủ đầy tuyết gây nên một ấn lượng lạ lùng và mê ly. Lập tức cánh cửa mở ra và những người hát trẻ được mời vào nhà. Họ được thết đãi các loại bánh, táo sấy khô, đôi khi còn được nhảy múa nữa. Sau bữa tiệc đạm bạc, cả toán người vui vẻ nhanh chóng biến đi và lại xuất hiện ở nơi khác chẳng khác nào bầy chim di cư.
Khi trượt tuyết bằng những thanh dài hai hoặc ba mét mà có dây da buộc vào chân thì đường xa họ cũng chẳng ngại. Những người nông dân Na Uy dùng gậy đẩy tuyết rất nhanh và họ cứ trượt như vậy hàng chục ki - lô - mét với tốc độ lạ kỳ.
Ở nhà bác Hecsêbom năm ấy đặc biệt tưng bừng. Mọi người chờ đợi Êrik. Từ Xtôckhôm, chú đã viết thư báo tin chú sẽ về đúng đêm Nôen. Thật là dễ hiểu vì sao cả Ôttô lẫn Vanđa đều đứng ngồi không yên. Cứ chốc chốc chúng lại chạy ra cửa xem vị khách bấy lâu mong ngóng đã về chưa. Bà Katrina cứ trách chúng nôn nóng, nhưng chính bà cũng thắc thỏm. Duy có bác Hecsêbom là vẫn lặng lẽ hút tẩu thuốc của mình, dường như bác chịu ảnh hưởng của cả hai thứ tình cảm trái ngược nhau: Vui mừng sắp gặp thằng con nuôi và buồn bã vì rồi cũng phải xa nó.
Sau khi ra ngóng (có đến lần thứ một trăm), bỗng Ôttô chạy về reo lên mừng rỡ: - Mẹ ơi, Vanđa ơi! Hình như Êrik về kìa! Mọi người lao ra ngoài cửa. Đằng xa, trên đường đi Berghen, thấy có một chấm đen rất rõ. Cái chấm ấy cứ to dần lên và chẳng mấy chốc đã biến thành hình người. Người ấy cứ thoăn thoắt trượt tuyết lại gần. Kìa, đã có thể trông rõ cái áo măng tô bằng nỉ, cái mũ lông và cái ba lô da bóng lộn khoác sau vai. Chẳng còn mảy may nghi ngờ gì nữa: Khách bộ hành đã nhìn thấy những người đã đợi chú ngay bên cạnh nhà, chú bỏ mũ ra vẫy.
Mấy phút sau Êrik đã ở trong vòng tay ôm ấp của bà Katrina, Ôttô, Vanđa, và sau đó là bác Hecsêbom. Bác đã rời chiếc ghế bành để ra đón chú bé ngoài ngưỡng cửa.
Mọi người ôm hôn Êrik, trìu mến, vồ vập, khen chú nom khỏe mạnh. Bà Katrina biểu hiện niềm vui của mình xôi nổi nhất.
Phải chăng đây là đứa con trai mà mới đây không lâu bà đã ẵm ru trên tay? Phải chăng chàng thanh niên cao lớn, vai rộng với gương mặt cởi mở và dũng cảm, chàng thanh niên cân đối, chững chạc với hàng lông măng sẫm phía trên môi này đây là Êrik của bà?
Người đàn bà phúc hậu thậm chí còn cảm thấy quý trọng đứa con nuôi của mình. Bà tự hào về chú, nhất là những giọt nước mắt sung sướng long lanh trong đôi mắt đen nhánh của chú. Bởi vì chính Êrik cũng thấy xúc động tận đáy lòng mà! - Mẹ ơi, có phải mẹ đây, mẹ thật đây ư? - chú hỏi lại. - Thế là cuối cùng con được gặp và ôm mẹ! Sao hai năm mà con thấy dài đằng đẵng! Bố mẹ có nhớ con bằng con nhớ bố mẹ không? - Tất nhiên là nhớ chứ. - Bác Hecsêbom trả lời một cách nghiêm chỉnh. Không có ngày nào mà bố mẹ không nhắc đến con. Lúc ban tối hay buổi sáng ngồi điểm tâm bố mẹ cũng luôn luôn nhớ đến con. Còn con, chú bạn nhỏ, nơi đô thị lớn con không quên bố mẹ và gia đình chứ? Con có sung sướng khi thấy lại quê hương và ngôi nhà cũ của mình không? - Conhy vọng bố mẹ không phải nghi ngờ về điều ấy! - Êrik trả lời và lần lượt ôm hôn tất cả mọi gười - Bố mẹ luôn luôn ở bên con. Mỗi khi gió nổi lên và bão táp đến gần là con chỉ nghĩ đến bố thôi, bố ạ, và thầm hỏi: Bây giờ bố đang ở đâu, bố đã kịp trở về chưa, đã tìm được nơi ẩn trú chưa?... Tối nào con cũng tìm đọc bản tin khí tượng trên báo để biết thời tiết nơi bố có giống như trên vùng duyên hải Thụy Điển không? Và con đã hiểu rõ rằng ở chỗ bố những trận bão từ Mỹ tràn đến và ập vào vùng rừng núi của ta còn dữ dội hơn ở Xtôckhôm nhiều. Ôi, sao con cứ muốn trong những giờ phút ấy con cùng bố có mặt trên thuyền để giúp bố buộc chặt cánh buồm và chèo chống qua mọi khó khăn đến thế! Còn khi bão đã tan, thời tiết bắt đầu tốt trở lại thì con cảm thấy con bị giam hãm trong thành phố lớn ấy, giữa các tòa nhà cao của nó, và chỉ muốn trả lại mọi thứ trên đời để được dù chỉ là một giờ thôi vùng vẫy giữa biển khơi và cảm thấy mình được tự do và hạnh phúc như trước đây... Nụ cười làm rạng rỡ gương mặt xạm nắng của người đánh cá. - Thế nghĩa là sách vở đã không làm cho nó hư hỏng - Ông nói với vẻ vô cùng mãn nguyện, - Con trai của bố, chúc con một năm hạnh phúc và mọi điều may mắn - ông nói thêm - còn bây giờ, con ngồi vào bàn đi, chỉ còn thiếu con nữa thôi! Ngồi vào chỗ cũ của mình bên phải bà Katrina, Êrik cuối cùng cũng đã có thể quan sát và nhận xét những thay đổi trong gia đình sau hai năm. Ôttô đã mười sáu tuổi, một chàng trai to lớn, khỏe mạnh, thoạt nhìn có thể đoán đến hai mươi tuổi. Vanđa trong thời gian qua cũng đã lớn lên trông thấy và đẹp ra. Gương mặt xinh đẹp của cô bé càng trở nên gợi cảm hơn. Mái tóc màu tro hiền dịu trùm lên đầu cô bé như một làn sương bạc, hai bím tóc dày kết đôi buông trĩu phía sau lưng. Vẫn khiêm tốn và dịu dàng như hồi nào: cô kín đáo chăm lo sao cho mọi người ngồi vào bàn không thiếu thứ gì. - Vanđa đã trở thành cô gái lớn thật sự rồi. - bà mẹ tự hào nói - Êrik này, giá mà con biết rằng Vanđa ở nhà ngoan như thế nào! Bây giờ nó được coi là học sinh giỏi nhất trường đấy! Ngài Maljarius bảo rằng sau con thì nó là người an ủi duy nhất của ngài ấy đấy. - Thưa thầy Maljarius quý mến, con sẽ hạnh phúc biết bao nếu con được ôm thầy! - Êrik thốt lên - Thế có nghĩa là Vanđa nhà ta đã trở nên người có học thức thật sự rồi đấy nhỉ? - Chú hỏi sau khi liếc nhìn một cách hóm hỉnh cô gái đang ngượng chín người vì những lời khen của mẹ. - Em nó còn chơi cả Ocgan nữa. -Bà Katrina nói thêm - và ngài Maljarius khẳng định rằng nó có giọng tốt nhất trong dàn đồng ca đấy. - Thế mà con đâu có ngờ rằng đây là một nhân vật trẻ tài năng hết cỡ! - Êrik nói đùa. - Yêu cầu cô nàng ngày mai trổ hết tài năng của mình xem! Và, để xua tan sự lúng túng của cô em gái, Êrik bắt đầu hỏi thăm một cách chân tình về dân cư ở Nôrôê, về các tin tức vùng thôn quê, về sự tiến bộ của bạn bè, về tất cả những gì xảy ra từ sau khi chú bé đi vắng. Sau đó bản thân Êrik cũng phải thỏa mãn sự “tò mò" của mọi người thân thiết trong nhà, kể tỉ mỉ chuyện chú sống ở Xtôckhôm ra sao, bác sĩ, Fru Greta và Kaisa đã đối xử với chú như thế nào. - Suýt nữa thì con quên mất, con có mang theo thư gửi cho bố đây, bố ạ. - Êrik sực nhớ và rút ở túi áo trong ra một cái phong bì. Con không biết nội dung thư, nhưng bác sĩ có nói trước là thư liên quan đến con và bảo con phải giữ gìn lá thư cẩn thận. Bác Hecsêbom cầm lấy chiếc phong bì to đang dán kín và để lên bàn bên cạnh mình. - Chẳng lẽ bố không đọc thư cho mẹ và chúng con nghe với sao? Êrik hỏi. - Không - người đánh cá trả lời ngắn gọn. - Nhưng, thư có liên quan đến con kia mà! - Anh chàng nài nỉ. - Thư đề gửi cho bố đấy chứ, - bác Hecsêbom đáp và chăm chú nhìn chiếc phong bì- Bố sẽ đọc khi nào thấy cần thiết. Con cái biết vâng lời là nét đặc biệt của gia đình Na Uy. Êrik cúi đầu. Mọi người rời bàn đứng dậy. Ba đứa trẻ ngồi trên chiếc ghế băng thấp bên cạnh bếp lò như trước đây chúng vẫn hay ngồi, và hàn huyên đủ mọi chuyện. Chúng kể hết những gì chúng muốn biết về nhau và nhắc đi nhắc lại nhiều chuyện đã được kể rồi...
Trong khi đó bà Katrina thu dọn bàn, cứ một mực để cho Vanđa hôm nay trở thành "tiểu thư thật sự”, khỏi phải lo việc nội trợ. Còn bác Hecsêbom thì ngồi trên chiếc ghế bành to của mình, lặng lẽ hút tẩu thuốc; mãi đến khi làm xong việc quan trọng ấy bác mới quyết định bóc phong thư của bác sĩ gửi.
Bác im lặng đọc thư, sau đó gấp lại và cất vào túi, rồi lại nhồi thuốc vào tẩu lần thứ hai và hút như lần trước, chẳng nói chẳng rằng. Suốt cả buổi tối, người đánh cá già không bứt ra khỏi trạng thái suy nghĩ ray rứt.
Bác Hecsêbom chưa bao giờ tỏ ra là người hay nói nhiều, vì vậy sự im lặng của bác chẳng làm cho ai ngạc nhiên cả. Bà Katrina sau khi lo xong những công việc bận rộn cũng đã ngồi xuống bên bếp lò, định gợi chồng chuyện trò nhưng không thành công. Thấy những cố gắng của mình uổng công vô ích, bà xìu mặt xuống. Chẳng mấy chốc tâm trạng buồn rầu của bố mẹ đã lan sang những đứa con lúc ấy đã nói với nhau chán chê đủ chuyện.
Bỗng thật là đúng lúc, ngoài cửa vang lên những tiếng nói ríu rít khiến mọi người chú ý. Một toán nam nữ học sinh vui vẻ nảy ra ý rất hay là đến mừng Êrik trở về.
Mọi người vội vàng mời họ vào nhà và bắt đầu tiếp đãi một cách niềm nở. Cả toán vây quanh người bạn cũ, bày tỏ niềm vui mừng gặp bạn một cách sôi nổi. Êrik xúc động trước sự đến thăm bất ngờ của bạn bè thời thơ ấu, nên đã quyết định cho dù thế nào đi nữa cũng phải tham gia vào cuộc tuần hành truyền thống nhân ngày Nôen với họ. Còn Ôttô và Vanđa tất nhiên là không muốn rời chú rồi. Bà Katrina đã yêu cầu họ không nên đi lâu, bởi vì Êrik cần đượcc nghỉ ngơi.
Cửa vừa đóng lại, bà Katrina đã nói với chồng: - Thế nào, ông bác sĩ đã làm sáng tỏ điều gì chưa? - bà lo lắng hỏi. Thay vào câu trả lời, bác Hecsêbom lại rút lá thư trong phong bì ra và bắt đầu đọc to lên, thỉnh thoảng lại ngắc ngứ ở những chữ mà bác chưa biết.
“Hecsêbom thân mến. - Bác sĩ viết - thế là đã sắp được hai năm kể từ ngày bác giao cháu Êrik đáng yêu cho tôi, và trong suốt thời gian ấy không có ngày nào mà những tiến bộ muôn màu muôn vẻ của cháu không làm cho tôi vui mừng cả. Trí tuệ của cháu cũng thâm thúy và nhạy cảm như trái tim độ lượng và vị tha của cháu vậy. Êrik thật sự là chú bé siêu phàm. Những người cha mẹ bị mất một đứa con trai như thế này hẳn là phải khóc than cho cháu nhiều lắm. Nhưng, bây giờ khó mà cho rằng bố mẹ cháu còn sống. Nhưng chúng ta đã thỏa thuận với nhau, tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được để tìm ra dấu tích của họ. Tôi đã trao đổi thư từ với nhiều nhân vật ở Anh, đã ủy thác cho các hãng đặc biệt đảm nhận việc tìm kiếm, đăng tin trên ít nhất trên hai chục tờ báo Anh, Scôtlen và Ailen, nhưng vẫn chưa đem lại được điều gì sáng tỏ về cái lai lịch huyền bí ấy. Hơn thế nữa, những tin tức không nhiều lắm mà tôi đã khai thác được lại càng làm cho nó huyền bí hơn. Cái lên tàu "Cintia" rất phổ biến trong hạm đội Anh. Văn phòng hãng Lôiđa đã thống kê cho tôi ít nhất là mười bảy chiếc tàu mang tên như vậy. Một số tàu đăng ký ở các cảng Anh,những tàu khác đăng ký ở cảng Scôtlen hoặc Ailen. Do vậy mà những giả thiết của tôi về dân tộc của cháu trong chừng mực nào đó đã được khẳng định như trước rằng Êrik xuất thân từ một gia đình Ailen. Tôi không nhớ đã viết cho bác về điều phỏng đoán này chưa, nhưng sau khi ở Nôrôê về, tôi đã thông báo cho hai người bạn thân thiết của tôi biết và bây giờ tôi càng tin chắc rằng mình đúng. Gia đình Ailen ấy có bị tử nạn không hay vì những lý do đặc biệt nào đó mà đến nay vẫn còn bặt tin? Dù thế này hay thế khác, gia đình ấy chưa có dấu hiệu gì là còn sống cả. Một tình huống khác không kém lạ lùng, thậm chí đáng nghi ngờ nữa, theo tôi là: cả hãng Lôiđa lẫn các công ty bảo hiểm khác đều không có ghi lại một tai nạn đắm tàu nào trong thời gian cháu bé trôi vào vùng biển của ta cả. Đúng là trong thế kỷ này đã có hai tàu “Cintia" bị đắm: một cái đắm ở Ấn Độ Dương, ba mươi hai năm trước đây, còn cái kia thì đắm ở gần Portxmut, mười tám năm về trước. Từ đó đi đến kết luận rằng cháu bé không phải là nạn nhân của vụ đắm tàu. Nghĩa là có ai đó đã bỏ cháu xuống biển! Điều đó cắt nghĩa lại sao tất cả những tin đăng báo của tôi không có lời nào hồi âm cả. Và bây giờ, sau khi tôi đã hỏi tất cả các chủ tàu mang tên "Cintia”, sau khi tôi đã tận dụng hết mọi phương tiện có thể có để thẩm tra, tôi cảm thấy tôi có quyền tuyên bố rằng đã mất hết mọi hy vọng tìm được gia đình Êrik. Bây giờ, bác Hecsêbom thân mến, đối với chúng ta (và trước hết là đối vớ bác) đặt ra một vấn đề là: Thông báo cho chú bé về điều ấy như thế nào và làm sao nữa với cháu đây? Nếu ở cương vị của bác, tôi nói điều này với tất cả tấm lòng thành thực của mình, thì tôi để cho cháu từ nay trở đi tự quyết định lấy số phận của mình và tạo cho cháu điều kiện tự chọn lấy con đường đi tiếp. Vì rằng tôi và bác đã qui ước với nhau là chúng ta sẽ làm như vậy nếu như những cuộc tìm kiếm của tôi không thành công. Đã đến lúc phải giữ lời hứa. Tôi muốn tự bác sẽ nói hết với Êrik. Khi trở về Nôrôê cháu vẫn chưa biết rằng cháu không phải là con đẻ của bác, cũng như cháu có trở lại Xtôckhôm nữa hay không, hay ở lại với bác, đều là do bác quyết định. Nhưng, có điều bác nên nhớ rằng, nếu bác không quyết định nói cho cháu biết sự thật thì sớm hay muộn cũng sẽ đến ngày chú bé tự biết, và khi đó cháu càng đau khổ hơn. Và bác cũng đừng quên rằng ngoài những khả năng siêu phàm về khoa học và văn hóa, Êrik còn có khả năng hết sức đặc biệt để tự phán định cuộc sống của mình. Hai năm trước đây cháu chưa được như thế. Còn bây giờ, sau khi cháu đạt được những thành công rực rỡ như vậy ở Xtôckhôm thì việc không nói cho cháu biết sẽ thật sự là bất công đấy! Thế nên tôi lại nhắc lại những đề nghị của tôi. Tôi sẽ tạo điều kiện cho cháu hoàn tất học vấn và tốt nghiệp học vị bác sĩ y khoa ở trường Đại học Tổng hợp Upxal. Vẫn như trước đây, cháu sẽ được nuôi dạy như con trai của tôi và sẽ tạo mọi sự cần thiết để có một địa vị trong xã hội và cuộc sống vật chất đầy đủ. Khi trao đổi với bác và bà mẹ rất đáng yêu của Êrik, tôi không hề nghi ngờ rằng tôi đã phó thác số phận của cháu cho những bàn tay rất đáng tin cậy. Không có sự suy tính cá nhân nào - tôi tin chắc như vậy - cản trở bác làm theo lời khuyên của tôi cả. Tôi mong bác hỏi thêm ý kiến của Maljarius nữa. Trong khi chờ đợi trả lời, thưa bác Hecsêbom, tôi xin bắt chặt tay bác và nhờ chuyển đến phu nhân kính mến của bác và các cháu những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi. R.V.Svariênkrôna, bác sĩ y khoa.”
Nghe bác Hecsêbom đọc xong, bà Katrina không cầm được nước mắt, đã hỏi chồng xem bây giờ quyết định thế nào. - Thế nào thì đã rõ ràng rồi, nói hết cho thằng bé biết - bác trả lời. - Tôi cũng nghĩ như thế, phải kết thúc chuyện này thôi, nếu không đằng nào mình cũng không yên tâm đâu. -Người và nói qua nước mắt. Sau đó, sự yên lặng bao trùm trong nhà. Đúng lúc nửa đêm, ba đứa trẻ đi chơi trở về, người nóng ran vì phải rảo bước ngoài trời giá lạnh, đứa nào đứa nấy mắt sáng lên vì sung sướng. Chúng lại ngồi vào chỗ mọi khi của mình bên bếp lửa sau khi đã quyết định một cách vui vẻ đêm trước ngày Nôen. Cả ba đứa ngồi trước bếp lò lớn như một cái hang lửa, trong đó những thanh củi cuối cùng đang cháy nốt, và ngấu nghiến một cách ngon lành những chiếc bánh còn lại.