Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Phiêu Lưu, Mạo Hiểm >> Chú bé thoát nạn đắm tàu

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26385 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chú bé thoát nạn đắm tàu
Jules Verne & André Laurie

Chương tám

Những tin tức mà bác sĩ Svariênknôna khai thác được, mặc dù bản thân chúng chưa có ý nghĩa gì lớn lắm, nhưng có thể là hướng để lần ra dấu vết. Ông đã biết được tên viên giám đốc trước đây của Công ty các chủ tàu Canađa là Đgiôsui Socsin. Tiếc rằng ông không biết những gì đã xảy ra với con người ấy từ khi giải tán công ty. Dĩ nhiên là những cuộc tìm kiếm sau này đã được giải quyết theo hướng đó. Nếu như tìm ra Đgiôsui Socsin thì có thể qua ông ta biết được danh sách hành khách của tàu "Cintia". Trong đó, chắc có nhắc đến cháu bé cùng những người trong gia đình của cháu hoặc những người mà cháu được gửi theo. Từ nay trở đi, phạm vi tìm kiếm cần phải hạn chế lại, ít nhất đó cũng là lời khuyên của một luật sư, người đã nắm trong tay cuốn sổ hành khách trong thời gian giải thể các hoạt động của công ty. Nhưng đã mười năm nay ông ta không nghe nói gì về Đgiôsui Socsin cả.
Lúc đầu, bác sĩ đã tỏ ra mừng quá sớm khi biết rằng các tờ báo Mỹ thường xuyên đăng danh sách hành khách đi châu Âu. Ông nghĩ chỉ việc giở các tập báo cũ ra là sẽ thấy danh sách hành khách của tàu “Cintia". Nhưng sau khi kiểm tra lại thì thấy dự tính ấy không thực hiện được: việc công bố những danh sách hóa ra chỉ mới được bắt đầu trong thời gian mấy năm gần đây thôi. Tuy vậy, những tờ báo cũ cũng đã đem lại cái lợi là giúp xác định được chính xác ngày "Cintia" rời bến. Nó đã rời bến ngày 3 tháng mười một, nhưng không phải từ một cảng Canađa như đã dự đoán, mà là từ Niu-York đi Hamburg.
Khi ấy, bác sĩ đã có ý định tìm hiểu những sự việc cần thiết, đầu tiên là ở Hamburg, sau đó ở Mỹ.
Ở Hamburg, những cuộc tìm kiếm đã không đưa lại những kết quả cần thiết. Các thương gia đã từng có thời gian làm trong công ty Canađa không biết gì về hành khách của "Cintia" cả và chỉ có thể cho biết những thứ hàng gì đã được chuyên chở trên chiếc tàu ấy. Nhưng, chẳng cần đến họ cũng có thể biết được điều đó.
Sau khi Êrik trở lại Xtôckhôm được nửa năm thì rốt cuộc cũng đã có tin từ Niu-York cho biết Đgiôsui Socsin, nguyên giám đốc công ty đã mất từ bảy năm trước tại một bệnh viện ở khu thứ chín, không để lại người thừa kế hợp pháp nào và cũng không để lại của thừa tự gì cả. Còn về những cuốn sổ ghi tên hành khách của công ty thì có lẽ từ lâu đã bị biến thành giấy lộn để cho những người bán tạp hóa dùng vào việc cuốn thuốc lá.
Thế là dấu vết lại bị mất...
Cuộc điều tra kéo dài và không có kết quả này chỉ càng làm cho Brêđêzhor có thêm lý do giễu cợt, xúc phạm lòng tự ái của bác sĩ, mặc dù thực ra những chuyện giễu cợt ấy chẳng có hại gì.
Ở nhà bác sĩ, chuyện của Êrik bây giờ mọi người đều biết cả. Ai nấy đều nói công khai, chẳng e ngại gì hết. Tất cả các đợt điều tra đều được bàn bạc sôi nổi sau bàn ăn hoặc trong phòng làm việc của bác sĩ. Có lẽ ông xử sự như trong hai năm đầu tiên có lý hơn, vì lúc ấy ông còn giữ bí mật mọi chuyện. Bây giờ bí mật về nguồn gốc của Êrik lại là đề tài cho những câu chuyện vô tận của Fru Grêta và Kaisa, và làm cho bản thân Êrik suy tư buồn bã.
“Không biết bố mẹ mình có còn sống không, có lẽ chẳng bao giờ được biết sự thật về gia đình nữa, tất cả những điều đó tự chúng cũng đã đủ buồn rồi. Nhưng còn nặng nề hơn nữa là không biết Tổ quốc của mình là đâu...
"Đến một thằng bé lêu lổng đáng thương nhất, một người nông dân nghèo nhất cũng có thể ít ra là xưng danh Tổ quốc mình và dân tộc mình được nữa là! - Êrik lập luận, chú không lúc nào ngưng nghĩ đến những vấn đề ấy - Thế mà mình không biết gì về mình cả, mình là một hạt cát nhỏ bé chẳng biết phong tục tập quán của đất nước mình, mình không có một tấc đất quê hương, không có quá khứ! Mảnh đất nơi mình đã sinh ra hoặc nơi mẹ mình đang yên nghỉ dưới mộ có thể đang bị bọn nước ngoài xâm chiếm và làm nhục, còn mình thì lại không được quyền bảo vệ Tổ quốc và đổ máu vì Tổ quốc!"
Những ý nghĩ ấy đè nặng lên Êrik tội nghiệp. Những lúc như thế, chú luôn an ủi mình bằng cách coi bà Katrina là người mẹ ruột, coi nhà bác Hecsêbom là ngôi nhà thân yêu, còn Nôrôê là quê hương xứ sở. Chú cứ hứa mãi với mình sẽ đền bù thật hậu cho họ về tất cả những gì tốt đẹp mà họ đã dành cho chú, và sẽ trở thành một người con trung thành nhất của Na Uy. Dù sao chú cũng không thể không cảm thấy vị trí không bình thường của chú.
Ngay đến vẻ bề ngoài của chú - sắc da, màu mắt và tóc - tất cả những gì làm cho chú khác biệt những người xung quanh - đều gợi cho chú sự đau khổ mỗi khi nghĩ đến điều đó. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương hay tủ kính các cửa hàng là chàng thanh niên lại nghĩ ngay đến điều ấy. Đôi lúc Êrik tự hỏi mình thích Tổ quốc nào hơn, nếu như chú được quyền lựa chọn.
Những ý nghĩ ấy chi phối Êrik trong suốt các buổi học và làm nảy ra một hướng khác, ngoài ý muốn của chú. Chú bắt đầu nghiên cứu một cách cần mẫn môn vũ trụ học (Vũ trụ học - những kiến thức chung về thiên văn và địa lý. Đây là môn học có ý nghĩ thực tế đối với ngành hàng hải và điều khiến tàu thủy. Hiện nay môn vũ trụ học đã được thay thế bằng môn thiên văn hàng hải), địa lý, giao thông đường thủy, nghĩa là tất cả những gì nằm trong chương trình của các trường hàng hải. Tưởng như mọi việc đã được quyết định xong xuôi từ trước và chú sẽ đi du hành đó đây.
"Sẽ đến ngày mình thi tốt nghiệp thuyền trưởng viễn dương - chú thầm nghĩ - và mình sẽ tự lập tổ chức đi Niu-York để tiếp tục việc điều tra những sự việc liên quan đến tàu "Cintia".
Tất nhiên là Êrik không thể kìm chế những câu chuyện về đề tài này. Vốn là người rất chân thành, chú không thể không thông báo cho những người chung quanh về các kế hoạch tương lai của mình.
Bác sĩ Svanêrikrôna, trạng sư Brêđêzhor và giáo sư Hostedt tâm đắc với ý định ấy đến mức coi đây như là ý chính của mình. Nếu lúc đầu bí mật về nguồn gốc của chú bé đối với họ chỉ là một vấn đề đáng quan tâm thì bây giờ nó đã chi phối mọi suy nghĩ của họ. Thấy Êrik lo lắng dằn vặt nhiều quá, hơn nữa, thật tình họ yêu quí chú và hiểu rằng điều đó có nghĩa như thế nào đối với chú, họ quyết định làm tất cả những gì có thể làm được để xác minh chân lý.
Và thế là trong một buổi tối đẹp trời họ đã nảy ra ý định cùng nhau tổ chức chuyến đi nghỉ ở Niu-York và thử phát hiện tại chỗ những sự việc thực tế mới mẻ nào đấy.
Ai là người đầu tiên nảy ra ý định này? Vấn đề vẫn chưa ngã ngũ và suốt thời gian dài đã là đối tượng tranh cãi giữa bác sĩ và Brêđêzhor. Ai cũng cho mình là prioritet (người đầu tiên sáng chế, phát minh ra một cái gì đó). Nói đúng hơn là ý đồ đi du lịch đã cùng lúc nảy ra ở cả hai người. Nó cứ như giấc mơ tiên vậy, vì lúc nào Êrik cũng nói đến những dự đinh tương lai của mình. Dầu sao, ước mơ của chú cũng đã biến thành hiện thực. Và tháng chín năm sau đó, ba người bạn đã cùng Êrik đến thành phố Crixtiania và đáp tàu thủy đi Mỹ.
Sau mười ngày, họ đến Niu-York và bắt đầu ngay những cuộc hội đàm với văn phòng của ông Đgiơrem Xmit, Uoker và Ko, là nơi đã thu được những tin tức đầu tiên.
Từ giờ phút ấy một nhân tố mới mà ý nghĩa của nó trước đây không ai ngờ tới đã bắt đầu phát huy tác dụng - đó là nguồn nghị lực vô tận của chính bản thân Êrik. Ở Niu-York và Mỹ, trong hoàn cảnh mới mẽ và khác lạ ấy, chú đã cố gắng nhận xét tất cả những gì có thể giúp chú tiếp cận với đối tượng tìm kiếm. Từ sáng sớm chú đã ra cảng, đi dạo trên bờ, nhìn những con tàu đỗ ở bến và không biết mệt mỏi tìm kiếm và thu lượm những tin tức mà thoạt đầu tưởng như chẳng đáng kể gì.
- Ngài có biết gì về Công ty các chủ tàu Canađa không ạ? Ngài có thể chỉ giúp cho cháu một sĩ quan, một hành khách hay một thủy thủ nào đó đã đi trên tàu “Cintia" được không ạ? - chú hỏi khắp nơi như thế.
Nhờ kiến thức tiếng Anh tuyệt vời, chàng thanh niên đứng đắn và niềm nở ấy, một người am hiểu tường tận mọi công việc của nghề biển, đến đâu cũng được đón tiếp nồng hậu. Chú luôn luôn được người ta chỉ cho gặp những sĩ quan, thủy thủ và nhân viên truớc đây của Công ty các chủ tàu Canađa. Đôi khi chú đã tìm gặp được họ, có lúc dấu vết đã bị mất. Không một ai báo được cho chú điều gì về chuyến đi biển cuối cùng của “Cintia” cả. Đã qua gần hai tuần liên tục đi lại và kiên trì tìm kiếm, cuối cùng Êrik vẫn không thu lượm được tin tức nào đáng tin cậy trong số hàng mớ tin tức không rõ ràng, thường là mâu thuẫn nhau, mà bấy lâu nay chú bé từng đặt nhiều hy vọng. Thật vậy, khó có thể định giá được ý nghĩa của những bằng chứng ấy.
Điều được xác định rõ là: Có một thủy thủ nào đó tên là Patric Ô Đônôgan còn sống sót trong vụ đắm tàu "Cintia" và từ đó đến nay đã nhiều lần ông ta đến Niu-York. Người ta khẳng định rằng Patric Ô Đônôgan trong chuyến đi biển lần cuối cùng của "Cintia" đã có mặt trên boong với tư cách là thủy thủ tập sự. Anh ta phục vụ thuyền trưởng và, căn cứ trên tất cả các mặt, thì anh ta phải biết những hành khách vé hạng nhất thường ăn cơm ở phòng chung của tàu. Bởi vì chú bé được buộc vào phao cứu hộ chắc chắn phải thuộc số những hành khách hạng nhất. Điều ấy đã được tất cả các đồ dùng đẹp đẽ và sang trọng của chú khẳng định. Chính vì thế mà việc quan trọng nhất và không thể trì hoãn được bây giờ là tìm bằng được Patric Ô Đônôgan!
Bác sĩ và Brêđêzhor đã đi đến quyết định ấy khi Êrik trao đổi với họ về những tin tức của mình sau khi trở về khách sạn ở khu số năm để ăn trưa. Tuy nhiên, cuộc nói chuyện đã tức khắc bi gạt sang một bên, bởi vì bác sĩ đã cố gắng khai thác được từ trong thông tin của Êrik một sự khẳng định mới cho cái lập luận ưa thích nhất của mình.
- Nếu có thể coi một cái tên nào đó là tên của người Ailen, thì, không còn nghi ngờ gì nữa, đó là cái tên của Patric Ô Đônôgan! Bởi vì đâu phải vô cớ mà tôi nói rằng số phận của Êrik gắn bó với nước Ailen!
- Tạm thời tôi vẫn chưa thấy ra điều ấy - Brêđêzhor bác lại, mỉm cười - Một thủy thủ Ailen ở trên boong tàu!? Thế thì có sao! Tôi cảm thấy tìm được một chiếc tàu Mỹ mà trên đó không có ai trong đoàn thủy thủ là gốc người Âyrơ Xanh (Ailen dịch ra có nghĩa là “Đất nước xanh”. Quốc danh chính thức là Âyrơ) còn khó hơn nhiều.
Bây giờ, trong hai - ba giờ tới đã có chuyện để mà tranh luận với nhau và tất nhiên ba người bạn không bỏ lỡ dịp ấy. Còn nói về Êrik thì từ giờ phút đó chú tập trung mọi cố gắng của mình để đạt đến một mục đích: tìm bằng được Patric Ô Đônôgan.
Mặc dù cả điều ấy nữa chú cũng không đạt được, nhưng, những cuộc tìm kiếm và hỏi thăm kiên trì đã giúp chú cuối cùng gặp được trên bờ biển Guđzôn một thủy thủ không những biết rõ Ô Đônôgan, mà còn kể được một số điều cụ thể nào đấy về anh ta.
Patric Ô Đônôgan quả đúng là người Ailen, sinh ở Innisgornơ, tỉnh Kork. Căn cứ theo sự miêu tả thì đó là người trạc ba mươi ba - ba mươi nhăm tuổi, tầm thước, tóc hung, mắt đen, mũi bị tẹt sau một tai nạn không may nào đó.
- Cái anh chàng cừ khôi ấy có thể dễ dàng nhận ra trong số hàng trăm người khác, - người thủy thủ nói - Tôi còn nhớ mặt anh ta lắm, mặc dù đã bảy hoặc tám năm nay rồi không gặp lại.
- Ông thường gặp ông ấy ở Niu-York à?
- Ở cả Niu-York lẫn những nơi khác. Lần cuối cùng có nhẽ ở Niu-York.
- Ông có thể mách giùm một người nào đó biết ông ta bây giờ ở đâu không ạ?
- Úi trời, không đâu. À, mà không biết ông chủ tửu quán "Mỏ neo đỏ" ở Bruclen có biết gì về anh ta không? Patric Ô Đônôgan mỗi lần đến Niu-York đều ghé lại chỗ ông ta mà. Đó là ông Boul nào đó, trước là thủy thủ. Nếu ông ấy mà cũng không biết nữa thì chắc gì đã có ai chỉ được cho cháu nơi tìm Patric Ô Đônôgan?
Êrik vội vàng ra canô đi Ist-river, và hai mươi phút sau chú đã có mặt ở Bruclen.
Bên ngưỡng cửa "Mỏ neo đỏ" chú gặp một người đàn bà đã có tuổi đang chăm chú gọt khoai tây.
- Thưa bà, ông Boul có ở nhà không ạ? - Êrik hơi cúi mình chào với vẻ lịch sự thường thấy ở chú.
- Ông ấy có nhà, có điều là ông ấy đang nghỉ trưa - bà chủ trả lời một cách nhã nhặn, sau khi đưa mắt tò mò nhìn khách - Nếu cậu muốn nhắn gì cho ông ấy thì cứ nói với tôi, tôi là bà Boul.
- Nếu vậy thì thưa bà, tất nhiên là bà có thể thay ông nhà để giúp cháu. Cháu muốn hỏi bà có biết người thủy thủ tên là Patric Ô Đônôgan không ạ? Ông ta hiện giờ có ở chỗ bà đây không? Bà chỉ giùm cháu có thể tìm ông ấy ở đâu được không ạ?
- Patric Ô Đônôgan ư? Phải, tôi biết ông ta. Nhưng đã năm sáu năm nay không thấy ông ta đến đây nữa. Và nói thật, tôi khó mà nói được bây giờ ông ta ở đâu.
Nét mặt Êrik biểu hiện nỗi thất vọng sâu xa, đến mức thấy vậy, bà già đã phải xúc động thật sự.
- Thế có nghĩa là cậu rất cần gặp Patric Ô Đônôgan, vì thấy không gặp ông ta ở đây cậu có vẻ buồn rầu, có phải thế không?
- Rất cần, thưa bà - chàng thanh niên trả lời vẻ buồn buồn - Chỉ có một mình ông ấy mới có thể rọi ánh sáng vào màn bí mật mà suốt đời mình cháu có định khám phá cũng chỉ uổng công vô ích mà thôi.


Trong suốt ba tuần lễ thu lượm tin tức ở khắp nơi, Êrik đã học được ở chừng mực nào đấy cách phân biệt tính khí con người. Cảm thấy sự việc khêu gợi mạnh mẽ sự tò mò của bà Boul, Êrik cho rằng mình có lý đo để hỏi bà ấy vài điều. Chú đã hỏi xem bà ấy có thể cho chú một ly nước gaz không, và sau khi được chấp thuận, chú đã bước vào phòng.
Căn phòng trần thấp, kê mấy chiếc bàn gỗ đánh bóng và vài chiếc ghế bện bằng rơm, không có ai hết.


Điều đó làm cho Êrik thêm quyết tâm tiếp tục cuộc nói chuyện với bà chủ, và khi bà vừa quay trở lại với cái bình bằng đất sét nung trong tay, chú liền bắt chuyện.
- Thưa bà, chắc chắn bà nghĩ rằng cháu cần Patric Ô Đônôgan để làm gì phải không ạ? - chú hỏi, hạ thấp giọng - Thưa, thế này: như người ta cho biết, Patric Ô Đônôgan là người đã chứng kiến vụ chiếc tàu Mỹ "Cintia" bị đắm cách đây đã gần mười bảy năm ở gần bờ biển Na Uy. Cháu thấy cần nói ngay với bà rằng sự việc ấy có liên quan trực tiếp đến cháu, vì ngay sau khi tàu "Cintia" bị đắm thì cháu được một người đánh cá Na Uy vớt trên mặt biển. Ông ấy đã vớt được cháu lúc đó còn bé tí tẹo, mới được chín tháng, đang nằm trong nôi buộc vào một cái phao cứu hộ của tàu "Cintia". Cháu tìm Ô Đônôgan để hỏi xem ông ấy có biết gì về gia đình cháu, hoặc là Tổ quốc cháu không?
Một tiếng reo ngạc nhiên bật ra nơi bà Boul đã cắt ngang những lời giải thích của Êrik.
- Cậu nói là trên phao cứu hộ á? Cậu đã bị buộc vào phao cứu hộ à?
Và không đợi trả lời, bà quầy quả lại chỗ cầu thang.
- Boul! Boul! Xuống đây mau lên! - bà ta gọi chồng  - Trên phao cứu hộ! Vậy, cậu là đứa bé bị buộc vào phao cứu hộ? Ai mà có thể tưởng tượng như vậy được? - bà nhắc lại, bước gần đến Êrik đang tái nhợt đi vì hồi hộp và hy vọng.
Phải chăng cuối cùng Êrik sẽ biết được điều bí mật mà chú đã kiên quyết giải đoán?
Trên cầu thang vang lên những bước chân nặng nề. Một ông già nhỏ con, béo phệ, xuất hiện. Mặt ông hồng hào, râu quai nón rậm rạp và bạc phơ, hai tai lủng lẳng những chiếc vòng vàng. Ông ta vận bộ len thô màu nước biển.
- Gì thế?...Có chuyện gì xảy ra thế? - ông già vừa hỏi vừa dụi mắt.
- Gì à, chúng tôi cần ông - Bà Boul đáp với vẻ quyết đoán - Ông ngồi xuống và nghe cậu thanh niên này sẽ nói lại tất cả những gì cậu ấy đã kể với tôi.
Ông Boul "ngoan ngoãn" phục tùng. Êrik đã kể lại hầu như đầy đủ mọi chi tiết.
Và khi ấy khuôn mặt ông Boul trở nên tròn trĩnh y như đêm trăng rằm, miệng ông ta ngoác ra cười toe toét, ông dán mắt nhìn vợ, xoa tay hí hửng. Bà Boul cũng tỏ ra khoái chí lắm.
- Vậy cháu có thể dự đoán được là ông đã rõ lai lịch của cháu?
Êrik hỏi, nghẹn ngào vì hồi hộp.
Ông Boul gật đầu khẳng định, gãi gãi tai và cuối cùng đáp:
- Rõ và cũng chưa rõ, cũng như nhà tôi thôi. Chúng tôi thường nói về chuyện này, nhưng có điều là không hiểu gì cả.
Êrik tái người đi, hai hàm răng cắn chặt, háo hức bắt lấy từng lời với hi vọng được giải thích tỏ tường mọi chuyện. Nhưng, lời giải thích lại vòng vo. Ông Boul không có tài hùng biện, cũng không có khả năng diễn đạt những ý nghĩ của mình. Chẳng những thế, những ý nghĩ của ông ta vẫn còn lờ mờ vì ảnh hưởng của giấc ngủ. Để xua tan cơn ngái ngủ giấc trưa, thường Boul phải dùng đến hai ly nước "thức tỉnh" nhãn hiệu "Pick me up (Hãy nâng tôi lên - tiếng Mỹ) giống hệt như loại Đzhin (Loại rượi Anh nấu bằng một thú gỗ tùng).


Bà vợ vừa đặt trước mặt đức ông chồng đáng kính một chai rượu với hai cái ly, ông ta liền trổ tài nói ngay.


Qua lời kể tràng giang đại hải của Boul, từ trong mớ chi tiết vụn vặt không cần thiết, chỉ có thể lượm ra được vài sự việc. Câu chuyện của ông Boul kéo dài không dưới hai tiếng đồng hồ. Êrik tội nghiệp đã phải hết sức chú ý lắng nghe để rút ra được một cái gì đó từ trong những lời thao thao bất tuyệt ấy. Nhờ có những câu hỏi gợi ý, tính kiên nhẫn, cũng như sự tác động của bà Boul, chú cũng đã đạt được đôi điều gì đấy.

<< Chương bảy | Chương chín >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 164

Return to top