Căn nhà của bác Hecsêbom cũng như mọi nhà khác ở Nôrôê, được phủ bằng một lớp cỏ mọc xanh và ghép bằng những tấm gỗ thông to theo lối cổ truyền ở vùng Scanđinav: hai phòng lớn, ở giữa được ngăn bằng một lối đi dài và hẹp thông ra nhà kho để thuyền, các dụng cụ đồ nghề đánh cá và hàng đống cá tuyết vùng Na Uy và Băng đảo. Loại cá này sau khi phơi khô, người ta đem bán cho các nhà buôn.
Mỗi căn phòng đều vừa làm nơi tiếp khách, vừa làm nơi ngủ. Các đồ dùng để ngủ như khăn trải giường và chăn làm bằng da thú được để trong những cái hộc đặc biệt ẩn trong tường gỗ và chỉ đụợc lấy ra lúc ngủ đêm. Sự trang bị thuận tiện này, cũng như những bức tường mới sơn lại màu trắng, cái bếp lò cao ở góc nhà, trong đó luôn luôn có bó củi to cháy lách tách vui tai, đem lại cho những căn nhà bình dị nhất sự tươm tất và ấm cúng vốn chưa phải là đặc trưng của những căn nhà nông dân ở Nam Âu.
Buổi tối hôm ấy, cả gia đình bác Hecsêbom sum họp quanh chiếc bếp lò: trên bếp món cá trích xông khói, cá hồi và khoai tây đang được nấu trong một cái nồi to, lửa để riu riu. Bác Hecsêbom ngồi trên chiếc ghế gỗ cao đan lưới, công việc bác thường làm những khi không đi biển hoặc ra bãi phơi cá. Đó là một ngư phủ mặt đỏ au, dãi dầu sương gió, tóc sớm hoa râm, mặc dù bác đang độ sung sức. Con trai bác, Ôttô, một chú bé 14 tuổi cao lớn, giống cha như đúc, chắc chắn sau này sẽ trở thành người đánh cá giỏi. Còn bây giờ chú đang cố gắng hết sức nắm bí mật của “qui tắc tam suất", viết chi chít những con số lên một tấm bảng con làm bằng granit. Cánh tay lực lưỡng của chú hình như thích hợp với việc chèo thuyền hơn là một việc như thế. Êrik đang cúi trên một chiếc bàn ăn say mê đọc cuốn sách dày về lịch sử mới mượn của thầy giáo Maljarius. Bên cạnh chú là bà Katrina Hecsêbom, một người phụ nữ nhân hậu, đang se sợi một cách thanh thản. Còn Vanđa tóc vàng, cô bé chừng 10-12 tuổi, ngồi trên chiếc ghế thấp miệt mài đan một chiếc bít tất dày bằng len đỏ. Chú chó vàng to đốm trắng, lông xoăn như lông cừu nằm khoanh dưới chân cô.
Sự yên lặng cứ như vậy kéo dài ít nhất một tiếng đồng hồ. Cây đèn bằng đồng đầy ắp dầu cá với bốn chiếc bấc tỏa sáng đều đặn khắp nơi trong căn nhà thanh bình này.
Nói cho đúng, sự im lặng đã bắt đầu đè nặng lên bà Katrina. Mấy lần bà đã định lên tiếng gợi chuyện rồi. Cuối cùng bà không nén được nữa. - Tối nay làm việc như vậy đủ rồi, bà nói. Giờ đi ăn tối thôi. Êrik răm rắp nghe lời bà, ôm cuốn sách dày của mình chuyển sang ngồi gần bếp lò, còn Vanđa thì cất đồ đan, lại chỗ tủ búp phê lấy đĩa và thìa. - Ôttô này- bà Katrina nói - Có phải con bảo hôm nay Êrik nhà ta đã trả lời ngài bác sĩ khá lắm phải không? - Trả lời khá à? Nó nói y như đọc trong sách ấy, thật đấy! Ôttô khoái chí kêu lên - Đến con cũng không hiểu vì sao mà nó lại biết hết được những chuyện ấy, bác sĩ càng nói nhiều thì nó càng trả lời lắm! Mà nó nói cứ làu làu ấy chứ! Thầy Maljarius hài lòng hết chỗ nói! - Cả em cũng rất hài lòng nữa - Vanđa nói vẻ nghiêm túc. - Dĩ nhiên! Cả nhà ta đều vui chứ! Mẹ ơi, giá mẹ thấy chúng con há hốc miệng ra như thế nào nhỉ! Chúng con chỉ sợ bị gọi lên thôi. Thế mà nó thì chả sợ gì hết, trả lời bác sĩ cứ y như là trả lời thầy giáo chúng con ấy! - Hừ! Thầy Maljarius sánh ngang với bất kỳ bác sĩ nào đó và tất nhiên thầy hiểu biết chẳng kém ai đâu! - Êrik nói, thấy mọi người khen mình quá, nên tỏ ra rất lúng túng. Bác ngư dân già mỉm cười tán thưởng. - Thằng bé nói đúng - Ông nói, đôi tay chai sần sùi vẫn không rời công việc. Thầy Maljarius nếu muốn thì rõ ràng là ăn đứt tất cả các ngài bác sĩ ở thành phố. Vả lại, thầy giáo không dùng học thức thông thái của mình để làm cho những người nghèo bị khánh kiệt! - Thế chả nhẽ bác sĩ Svariênkrôna đã làm cho ai có bị khánh kiệt rồi sao? - Êrik tò mò hỏi. - Hừ! Hừ!... Nếu điều đó xảy ra thì cũng không phải lỗi lại ngài ấy! Nhưng bố nói để cả nhà biết, và mọi người có thể tin ở bố rằng, bố thấy chẳng vừa lòng chút nào về chuyện cái nhà máy của ngài ấy đã được xây dựng và đang um đầy khói trên bờ vịnh kia. Mẹ các con có thể khẳng định với các con rằng trước đây chúng ta tự sản xuất dầu cá và bán được ở Berghen mỗi năm 150, thậm chí 200 curon! Còn bây giờ thì xin đủ. Không ai muốn mua dầu cá chưa tinh chế nữa, hoặc trả rẻ đến mức không đủ chi phí đi đường. Chỉ còn mỗi một cách là bán gan cá tuyết cho nhà máy thôi. Nhưng, có trời chứng giám, viên quản lý của bác sĩ lần nào cũng cố đòi mua rẻ hơn, bố vất vả lắm mới bán được 45 curon thôi, nhưng cái công bỏ ra phải gấp 3 lần so với truớc… Đó, vì sao mà bố bảo rằng điều đó là bất công. Thà bác sĩ cứ lo chữa bệnh cho các bệnh nhân của mình ở Xtôckhôm, còn hơn là đoạt nghề và cướp công của chúng ta.
Mọi người lặng thinh sau những lời nói cay đắng ấy. Có đến mấy phút đồng hồ chỉ nghe thấy tiếng đĩa lách cách nơi Vanda đang dọn cơm, trong khi đó người mẹ lấy thức ăn để vào một cái đĩa to bằng sứ tráng men.
Êrik suy nghĩ sâu sắc về những lời lẽ của bác Hecsêbom. Trong óc chú đã nảy ra những lời phản ứng mơ hồ và chú là người thẳng thắn lắm, nên đã nói rõ những điều suy nghĩ của mình: - Bố ạ, con cảm thấy bố tiếc món tiền lời của những năm qua là đúng - chú nói - Nhưng buộc tội bác sĩ Svariênkrôna đã làm giảm mất số tiền ấy thì không hoàn toàn hợp lý. Chẳng lẽ dầu cá của ông ấy không tốt hơn của chúng ta sao? - Tốt hơn à? Chỉ trong hơn, thế thôi! Ừ, mà người ta nói rằng dầu của ông ấy không có mùi khói như của chúng ta… Vì vậy, tất cả đàn bà, con gái thành thị đều ưa dùng thứ ấy hơn. Nhưng, làm sau biết nó có chữa được bệnh phổi như dầu cá tốt lành trước đây của chúng ta không! - Dù với lý do nào đi nữa, nhưng người ta vẫn ưa chuộng dầu của ông ấy hơn. Còn vì đây là thứ thuốc chữa bệnh rất tốt thì điều quan trọng là bệnh nhân dùng nó không cảm thấv ớn. Bởi vậy, nếu thầy thuốc tìm được cách giảm bớt mùi vị khó chịu của thuốc, thay đổi phương thức chế tạo, thì đương nhiên ông ta phải chiếm được ưu thế hơn chứ. Bác Hecsêbom gãi gáy. - Tất nhiên - ông trả lời với vẻ nuối tiếc- có thể đây là trách nhiệm của ông ấy, trách nhiệm của một bác sĩ. Nhưng, cũng đừng vì thế mà cản trở những ngư dân nghèo kiếm sống… - Như con biết thì ở nhà máy của bác sĩ có hơn ba trăm người làm, trong khi đó, theo bố nói, ở Nôrêô không có đến hai mươi người làm nghề này thôi. Êrik phản đối một cách rụt rè. - Vì công việc ấy bây giờ có đáng giá gì đâu! - Bác Hecsêbom kêu lên. - Thôi, đủ rồi! Cơm tối đã dọn xong, mời cả nhà ngồi vào bàn - bà Katrina nói khi thấy cuộc tranh luận mỗi lúc một gay gắt hơn mức bà tưởng. Êrik hiểu rằng những lời phản ứng tiếp theo sẽ là không thích hợp, nên không đáp lại lời kết luận của bác Hecsêbom nữa và ngồi vào chỗ thường ngày của mình ở sau bàn ăn cạnh Vanđa. - Bác sĩ và thầy Maljarius gọi nhau bằng "mày" “tao”. Như vậy hai người là bạn với nhau từ hồi nhỏ phải không ạ? Chú hỏi, cố ý lái câu chuyện sang hướng khác. - Dĩ nhiên rồi - bác ngư dân già nói và ngồi vào bàn - cả hai người đều sinh ra ở Nôrêô, nên bố còn nhớ thời họ chơi với nhau trên bãi đất trước cổng trường, mặc dù bố trẻ hơn họ cỡ 10 tuổi. Maljarius là con trai của ông bác sĩ chữa bệnh cho nhà ta, còn Svariênkrôna là con trai của một người đánh cá bình thường. Nhưng từ đó đến nay, ông ấy đã thay đổi nhiều lắm rồi! Người ta bảo ông ấy là triệu phú, sống ở Xtốckhôm, trong một tòa lâu đài sang trọng. Phải rồi, có học lại có của mà lại. Bác nông dân vừa nói xong câu ấy, định nhúng thìa xúc món cá nấu với khoai tây còn đang bốc hơi nghi ngút, bỗng ngưng lại vì có tiếng gõ cửa. - Có thể vào được không, thưa ông chủ Hecsêbom? - Ngoài hiên vang lên một giọng nói sang sảng. Và không đợi trả lời, chính người mà họ vừa mới nhắc đến đã bước vào phòng, mang theo luồng không khí giá lạnh. - Ngài bác sĩ Svariênkrôna! - Ba đứa trẻ kêu lên, trong khi đó cả ông bố, bà mẹ đều vội vàng đứng dậy sau chiếc bàn. - Hecsêbom thân mến của tôi. - Nhà bác học nói và bắt tay người đánh cá. Đã bao nhiêu năm nay rồi chúng mình chưa gặp nhau. Nhưng tôi vẫn chưa quên người cha tuyệt diệu của anh và nghĩ rằng tôi có thể ghé thăm anh một cách tự nhiên, với tư cách là người bạn thời niên thiếu. Người đánh cá thật thà hơi có vẻ lúng túng, vì vừa mới đứng ra tố cáo bác sĩ xong, bây giờ không biết phải đáp lời ông ta như thế nào, chỉ biết bắt tay chặt và cười niềm nở. Còn vợ ông trong khi đó rối rít thúc giục con cái: - Mau lên nào, Ôttô, Êrik, giúp ngài bác sĩ cởi áo khoác ra. Còn con, Vanđa, lấy thêm đĩa và thìa ra. - Bà Katrina vốn mến khách như mọi bà chủ nhà Na Uy khác. - Nói thật lòng, các bạn cứ tin là tôi sẽ không từ chối món ăn hấp dẫn này đâu, nếu tôi đói. Nhưng mới cách đây một tiếng đồng hồ, tôi đã dùng bữa tối với ông bạn Maljarius của tôi rồi. Giá biết sẽ gặp các bạn đang bữa thì tất nhiên là tôi sẽ không đến sớm thế này. Xin đề nghị các bạn cho tôi một điều vui là: các bạn đừng bận tâm về tôi và cứ tiếp tục dùng bữa tối đi. - Thế thì mời ngài hãy uống với chúng tôi một tách trà nhỏ với mứt “Snorgas" vậy. - người phụ nữ nhân hậu khẩn khoản yêu cầu. - Uống tách trà thì tôi đồng ý, nhưng chỉ với điều kiện là trước hết các bạn ăn tối đi đã. - Bác sĩ trả lời, sau khi đã tìm được thế ngồi thuận tiện trên chiếc ghế bành lớn. Vanđa nhẹ tay đặt lên bếp một siêu nước và lẻn sang phòng bên bí mật như một nàng tiên vậy. Còn tất cả những người khác, với bản tính tế nhị, hiểu rằng có nài nữa thì chỉ làm bác sĩ thêm ngại ngùng thôi, nên họ tiếp tục ăn. Mấy phút sau, bác sĩ đã hoàn toàn tự chủ. Vừa chất than vào bếp lò, vừa hơ chân gần lửa, ông vừa nhớ lại quá khứ, những người quen biết cũ mà nhiều người trong số họ đã mất, và nói về những thay đổi trong nước và ở ngay Berghen này. Ông cảm thấy hoàn toàn như ở nhà vậy, và thật lạ lùng, thậm chí ông đã trả lại cho Hecsêbom vẻ điềm tĩnh thường ngày của bác ấy. Vanđa trở vào phòng với một khay gỗ để các đĩa, tách nhỏ và đưa mời bác sĩ khéo léo đến nỗi ông không thể nào từ chối được. Đó là món mứt “Snogras" Na Uy nổi tiếng - những miếng thịt hươu, cá trích xông khói rắc ớt lên trên, những vụn bánh mì đen, bơ nguyên chất và các gia vị khác trộn vào, người ta ăn bất kỳ lúc nào để kích thích khẩu vị. Món "Snorgas" đã tỏ rõ công dụng của nó đến mức bác sĩ lúc đầu chỉ nếm theo phép lịch sự, bây giờ đã phải "hạ cố" đến bà chủ nhà nếm thêm món mứt dâu nổi tiếng của bà. Còn để cho đỡ khát, ông đã dùng ít nhất bảy - tám tách trà không có đường. Bác Hecsêbom đặt lên bàn một cái bình bằng sành đựng thứ “Skid" tuyệt trần đời - thứ rượu trắng của Hà Lan - mà ông đã mua được của một thương nhân Hà Lan. Sau đó, khi bữa tối đã xong, bác sĩ nhận từ tay chủ nhà một cái tẩu lớn, nhồi thuốc vào đó và bắt đầu hút, ai nấy đều rất hài lòng. Chẳng phải nói thêm gì nữa, "tảng băng" đã bị phá vỡ, và bác sĩ bắt đầu cảm thấy ông ở trong căn nhà này như một thành viên gia đình từ lâu. Câu chuyện sôi nổi, những lời đùa vui và tiếng cười đã bị chen ngang bởi mười tiếng điểm của chiếc đồng hồ treo tường cũ kỹ để trong chiếc hộp gỗ láng bóng. - Đã khuya rồi, các bạn thân mến - bác sĩ nói - Nếu đã đến giờ các cháu đi ngủ thì tôi có thể nói với các bạn những điều quan trọng được. Người mẹ ra hiệu cho các con đi ngủ, Ôttô, Êrik, Vanđa chúc mọi người ngủ ngon, rồi đi ra ngay. - Các bạn chắc là ngạc nhiên về sự "đột nhập" của tôi - bác sĩ nói tiếp sau một phút im lặng, chăm chú nhìn bác Hecsêbom. - Chúng tôi luôn luôn vui mừng khi có khách đến, - người đánh cá đáp lời một cách nghiêm chỉnh. - Ồ tôi biết. Nôrôê luôn có tiếng là mến khách! Và hẳn là các bạn vẫn nghĩ rằng không phải vô cớ mà buổi tối hôm nay, sau khi tôi tạm biệt ông bạn già Maljarius của tôi, tôi đã đến đây với các bạn. Tôi dám chắc là bà Hecsêbom thậm chí còn nghi ngại điều gì đó về chuyện này. - Chúng tôi sẽ chỉ được biết điều ấy khi nào tự ngài nói ra thôi ạ, - người phụ nữ đáng mến nhận xét một cách xã giao. - Thôi được. - Bác sĩ thở dài - nếu các bạn không muốn giúp, thì tự tôi phải khởi sự vậy. Cậu con trai Êrik của các bạn là một đứa trẻ siêu phàm đấy, bác Hecsêhom ạ. - Tôi không phải than phiền về cháu - người đánh cá trả lời. - Đối với độ tuổi của mình thì cháu rất thông minh và hiểu biết rộng - bác sĩ nói tiếp - Hôm nay ở trường tôi đã kiểm tra kiến thức của cháu và đã phải ngạc nhiên trước những khả năng phi thường của cháu về các môn khoa học và tư duy. Tôi cũng đã phải ngạc nhiên khi biết tên của cháu, bởi vì cháu hoàn toàn không giống và khác hẳn những trẻ em địa phương. Người đánh cá và vợ ông im lặng và chăm chú nghe. - Nói tóm lại, - bác sĩ nói tiếp, có phần hơi sốt ruột, - chú bé này chẳng những hấp dẫn tôi mà còn khiến tôi thực sự quan tâm. Tôi đã nói chuyện về cháu với Maljarius và qua ông ấy tôi được biết rằng cháu không phải là con trai ruột của ông bà, rằng cháu được đưa về đây sau một vụ đắm tàu, rằng ông bà đã vớt được cháu, giáo dục, nuôi nấng và thậm chí đặt tên cho cháu nữa. Mọi chuyện là vậy, có phải thế không ? - Vâng, thưa ngài bác sĩ. - bác Hecsêhom trả lời một cách nghiêm túc. - Dù cháu không phải là con cùng máu mủ, nhưng chúng tôi cũng vẫn yêu quý cháu với tất cả trái tim! - Katrina kêu lên. Đôi môi bà run run và nước mắt lưng tròng. - Chúng tôi không làm điều gì khác biệt giữa cháu với Ôttô và Vanđa của chúng tôi, thậm chí không bao giờ nhắc đến điều ấy. - Những tình cảm ấy đã tôn thêm phẩm giá của bác. - Bác sĩ nói, mủi lòng trước sự xúc động của người phụ nữ nhân hậu. - Nhưng các bạn của tôi ạ, tôi yêu cầu các bạn kể cho tôi nghe hết mọi chuyện về cháu bé này. Tôi cố ý tìm đến các bạn để biết rõ điều đó và, các bạn hãy tin tôi, tôi cầu chúc cho cháu điều tốt lành nhất. Người đánh cá gãi tai, vẻ như lưỡng lự, nhưng thấy bác sĩ sốt ruột đòi bác kể, nên cuối cùng bác đã quyết định và bắt đầu câu chuyện: - Mọi việc đúng như ngài đã biết, quả thật cháu bé không phải là con trai của chúng tôi, - bác nói, giọng bùi ngùi. - Thế là sắp được mười ba năm, kể từ ngày tôi đi đánh cá ở hòn đảo chắn ngang cửa vịnh biển. Ngài cũng biết đó, đằng sau hòn đảo nhỏ này có bãi cát chạy dài và ở đó có rất nhiều cá tuyết. Sau một mẻ lưới trúng nhiều cá, tôi thu dọn những đồ nghề cuối cùng của mình và định giương buồm trở về thì lại trông thấy có vật gì trăng trăng lấp lánh ánh nắng chiều và dập dềnh trôi trên sóng. Biển lúc ấy phẳng lặng, và tôi cũng chưa vội về. Thay vì quay thuyền về Nôrêô, tôi đã tò mò hướng thuyền đến chỗ vật trăng trắng ấy. Mười phút sau thì tôi đến nơi. Hóa ra đó là một chiếc nôi con đan bằng những cành liễu, phủ vải muslin và được buộc chặt vào một cái phao cứu hộ hình tròn. Cái phao được thủy triều lên đẩy vào bờ. Tôi đến gần cái nôi và rất hồi hộp. Tôi túm lấy chiếc phao nâng lên khỏi mặt nước và khi ấy mới thấy trong nôi có một hài nhi tội nghiệp chừng 7 -8 tháng tuổi. Đứa bé đang ngủ say. Người cháu nhợt nhạt và tím ngắt vì lạnh, nhưng hình như không đến nỗi bị đau ốm gì nặng lắm do ảnh hưởng của cuộc hành trình phi thường và nguy hiểm như thế gây ra. Tôi có thể khẳng định điều đó, vì cháu bé khóc tướng lên khi không còn cảm thấy có sóng biển ru vỗ nữa. Hồi ấy chúng tôi đã sinh được Ôttô, vì thế tôi cũng biết chăm sóc những cháu bé như vậy. Tôi vội vàng làm một cái núm vú giả bằng khăn, nhúng vào rượu pha nước và nhét vào miệng cháu. Cháu nín ngay tức thì và hình như có vẻ ưng chịu bài thuốc trợ sức ấy lắm. Nhưng tôi biết rằng đối với cháu như vậy là chưa đủ, nên đã nhanh chóng trở về Nôrêô. Tất nhiên là tôi đã tháo cái nôi con ra và để lên thuyền dưới chân mình. Tôi vừa giữ chắc cần điều khiển buồm, vừa để ý cháu nhỏ và tự hỏi mình cháu từ đâu giạt đến? Chắc là cháu từ chiếc tàu bị nạn trôi giạt vào đây chăng? Hồi đêm qua, biển động, có bão hoành hành. Nhưng cơ cảnh nào đã xui khiến cháu phải xa lìa những người ruột thịt? Ai đã nghĩ ra việc buộc cháu vào cái phao cứu hộ! Cháu bị trôi trên sóng được bao lâu rồi ? Có chuyện gì xảy ra với cha mẹ cháu và tất cả những ai yêu quý cháu? Biết bao nhiêu câu hỏi đã đặt ra, nhưng vĩnh viễn không được trả lời, bởi vì chú bé tội nghiệp không thể giải thích điều gì cả. Nói tóm lại, không đầy nửa giờ sau, tôi đã về đến nhà và trao chú bé tìm được cho Katrina. Dạo ấy chúng tôi nuôi một con bò cái, và nó trở thành “vú em" của thằng bé. Được uống sữa thỏa thuê và được sưởi ấm gần lửa, cháu bé trở nên kháu khỉnh, hồng hào và nhoẻn miệng cười nom thật dễ thương, đến nỗi, nói thật lòng, ngay từ đấy chúng tôi đã yêu quý cháu như đứa con trai của mình vậy. Đấy, toàn bộ câu chuyện là thế đó! Chúng tôi chăm sóc, giữ cháu lại nuôi trong nhà và không bao giờ phân biệt đối xử giữa cháu với hai đứa con của chúng tôi. Có phải thế không, hả bà nó? - bác Hecsêbom quay sang bà Katrina hỏi. - Tất nhiên là thế rồi, tội nghiệp thằng bé! - bà chủ đáp, tay lau nước mắt. Một khi chúng tôi đã nhận cháu là con trai thì cháu đích thực là con của chúng tôi. Tôi thậm chí không thể hiểu được vì sao ngài Maljarius lại cần phải nói rằng cháu không phải là ruột thịt của chúng tôi. Và người phụ nữ đáng mến đã phẫn nộ sâu sắc về chuyện đó. Sau đấy bà lại bắt tay vào việc guồng sợi của mình với vẻ hậm hực. - Đúng thế, - bác Hecsêbom khẳng định - Lẽ nào điều đó lại còn liên quan gì đến ai khác nữa sao? - Các bạn có lý, - bác sĩ nói - nhưng có gì đâu mà cần phải khép cho Maljarius cái tội bép xép. Lỗi là lại tôi cả. Đó là do tôi đã yêu cầu ông ấy tiết lộ cho tôi biết chuyện về chú bé mà sáng nay đã làm cho tôi kinh ngạc. Maljarius đã không giấu rằng Êrik coi mình như con trai của các bạn,và ở Nôrêô đã từ lâu mọi người quên chuyện cháu từ đâu đến rồi. Các bạn cũng thấy đó, tôi đã nói chuyện này khi vắng mặt cháu bé và đã yêu cầu cho cháu đi ngũ cùng với Ôttô và Vanđa kia mà…Các bạn nói rằng lúc thấy cháu thì cháu có thể đã được 7-8 tháng à? - Khoảng thế. Cu cậu đã mọc được khoảng bốn cái răng,và tôi cam đoan với ngài rằng sau đó răng của ông mãnh cứ mọc “tua tủa”. - Hacsêbom vừa nói, vừa cười. - Ồ, đó là một thằng bé tuyệt diệu. - Katrina hào hứng bắt lời theo - vạm vỡ, trắng trẻo, mũm mĩm! Còn chân tay nó ấy à - cứ gọi là nhìn không biết chán! - Thế lúc ấy cháu mặc thế nào? - bác sĩ hỏi. Hecsêbom không trả lời câu nào, nhưng vợ ông tỏ ra ít giữ gìn ý tứ hơn. - Như một hoàng tử bé con vậy! - bà kêu lên - Ngài hãy thử tưởng tượng, thưa ngài bác sĩ, quần áo bằng vải pikê viền đăng ten, áo lông khoác ngoài lót bằng lụa - chẳng kém gì của một hoàng tử thật sự, chiếc mũ trùm xếp nếp và cái chăn bằng nhung trắng. Toàn những thứ đẹp nhất! Tất nhiên là về chuyện này chính ngài có thể được thấy rõ tận mắt: tôi đã giữ lại nguyên vẹn các đồ đẹp của cháu. Ngài cũng biết đó, chúng tôi không diện cho cháu những thứ ấy nữa. Tôi đã cho cháu mặc quần áo mà Ôttô đã dùng chật, rồi chuyển tiếp cho Vanđa. Các thứ của cháu còn đây, tôi sẽ đưa cho ngài coi ngay bây giờ. Vừa nói, người phụ nữ thật thà vừa quỳ xuống trước một cái hòm to bằng gỗ sồi khóa bằng một cái khóa cũ kỹ, nâng nắp hòm lên và bắt đầu lục tìm một cách sốt sắng. Bà lần lượt lấy ra tất cả các thứ nói trên và hãnh diện giở ra cho ngài bác sĩ thấy. Trong số đó có cả những chiếc tã bằng vải batist rất mỏng: cái mũ xếp viền đăng ten sang trọng, cái chăn nhỏ bằng lụa và những đôi tất nhỏ bằng len trắng. Bác sĩ đã để ý thấy ngay là tất cả những đồ dùng ấy đều được ghi dấu bằng những chữ tắt E. Đ. thêu rất đẹp. - E. Đ. Có phải vì thế mà các bạn đã đặt tên cho thằng bé là Êrik không? - Ông hỏi. - Ngài đã đoán đúng. - Katrina trả lời. Cái việc làm ấy của bà đã làm cho bà vui hẳn lên, trong khi đó thì trái lại, nét mặt chồng bà trở nên rầu rĩ. Còn đây là cái đẹp nhất. Cái này cháu đeo ở cổ. - Bà Katrina nói thêm và lấy từ trong "kho bí mật" ra một cãi nhẫn vàng có sợi dây chuyền nhỏ. Trên mặt nhẫn cũng khắc những chữ tắt E.Đ. như trên và câu danh ngôn hằng tiếng La tinh "Sempcridem". - Chúng tôi đã tưởng đây là tên của cháu bé - vừa nói bà vừa nhìn ngài bác sĩ đang cố đọc dòng chữ - Nhưng ngài Maljarius đã giải thích cho chúng tôi biết chữ ấy nghĩa là: "Trước sau như một". Có phải vậy không ạ? - Ngài Maljarius nói đúng. - bác sĩ đã trả lời một câu hỏi mà chính ông cũng thấy hoàn toàn không đơn giản chút nào. - Rõ ràng là cháu bé đã sinh ra trong một gia đình giàu có và quyền quý... - ông nói thêm, trong khi Katrina cất đồ dùng quần áo của cháu nhỏ vào hòm. - Thế các bạn chưa nghĩ đến gốc tích của cháu sao? - Làm sao mà biết được chuyện ấy, một khi tôi nhặt được cháu ở trên biển?- bác Hecsêbom trả lời. - Vâng, nhưng chính các bạn đã nói rằng chiếc nôi được buộc vào một cái phao cứu hộ phải không? Mà theo tập quán đi biển thì trên phao bao giờ cũng đề tên của chiếc tàu sở hữu nó. - Bác sĩ vấn lại, nhìn chăm chăm vào đôi mắt người đánh cá. - Đương nhiên là như vậy - người đánh cá đáp, đầu cúi xuống. - Vậy thế tên tàu đề trên chiếc phao cứu hộ ấy là gì? - Chà! Thưa ngài, tôi đâu có phải là bác học? Tôi chỉ biết đọc võ vẽ trong cuốn vần quốc ngữ của tôi thôi, chứ các thứ tiếng lạ thì xin ngài miễn thứ cho. Vả lại chuyện ấy đã lâu quá rồi. - Dẫu sao, bác cần nhớ lại ang áng thôi cũng được. Bởi vì, dĩ nhiên là bác đã đưa cái phao này cũng như tất cả những thứ khác cho ngài Maljarius xem rồi chứ? Thôi nào, bác nhớ lại đi! Có phải trên cái phao ấy viết chữ “Cintia” không? - Tôi cảm thấy trên phao viết chữ gì đó từa tựa như thế. - người đánh cá trả lời quanh co. - Đó là một tên nước ngoài. Nhưng theo bác thì đó là nước nào, hả bác Hecsêbom? - Làm sao mà tôi biết được? Và tôi đâu biết được tất cả những nước quỷ thần ấy. Bởi vì tôi chưa bao giờ ra khỏi địa phận Berghen và Nôrôê cả, nếu không kể một hoặc hai lần tôi đã đánh cá ở gần bờ biển Aixlen và Grơnlan. - Ông đáp bằng một giọng không vừa ý lắm. - Tôi cho rằng đây là một cái tên Anh hoặc Đức - bác sĩ nói, làm như cố tình không để ý đến giọng nói của người đang nói chuyện với mình. - Nếu được trông thấy cái phao, tôi có thể căn cứ vào hình dáng của chữ và xác định được điều đó dễ dàng. Ông có còn giữ được nó không ? - Không, quỷ thật, nó đã bị đốt từ hồi tám hoành nào mất rồi! bác Hecsêbom kêu lên. - Maljarius nhớ được rằng các chữ ấy là chữ La tinh, bác sĩ nói. Và cả trên quần áo cũng là chữ La tinh; nghĩa là có thể cho rằng "Cintia" không phải là một tàu Đức (Hồi thế kỷ thứ XIX - ở Đức dùng phổ biến chữ Gôtich). Tôi nghiêng về ý đây là một tàu Anh. Còn bác nghĩ thế nào, hả bác Hecsêbom? - Điều ấy ít làm tôi quan tâm -người đánh cá đáp - cho dù nó là tàu Anh, tàu Nga hay tàu Patagônia, thì nó cũng không phải là điều tôi quan tâm. Từ cái ngày chiếc tàu ấy bị chìm dưới đáy đại dương sâu ba hoặc bốn kilômet đến nay, thời gian đâucó ít ỏi gì? Người ta có thể tưởng rằng bác Hecsêbom thậm chí lấy làm vui thú trước việc con tàu bị đắm dưới đáy biển. - Nhưng, tất nhiên là bác đã có ý định tìm kiếm gia đình của cháu bé chứ? - Bác sĩ hỏi, và hình như qua cặp mục kỉnh mắt ông ta ánh lên vẻ giảo hoạt. - Hẳn là bác đã gặp ông thị trưởng thành Berghen, yêu cầu cho đăng thông báo trên các báo rồi chứ? Có phải thế không? - Tôi ư? - người đánh cá thốt lên. - Tôi không làm điều gì như vậy cả. Có trời mà biết được cháu nhỏ ấy ở đâu đến và có ai lo âu cho nó không? Mà tôi thì làm sao có thể ném tiền qua cửa sổ để đi tìm những người đã ít lo lắng cho cháu như thế? Thưa ngài bác sĩ, ngài hãy thử tưởng tượng ở địa vị của tôi mà xem. Ai ai đó, chứ tôi thì còn lâu mới thành triệu phú! Chắc chắn là cho dù chúng tôi có tiêu phí tất cả những gì mình có thì cũng chẳng ăn thua gì! Chúng tôi đã làm những gì có thể làm được: Dạy dỗ thằng bé như con trai ruột của mình, yêu quý nó, nâng niu nó... - Thậm chí còn hơn cả con ruột của mình ấy, miễn là điều kiện cho phép thôi. - Katrina nói chen ngang chồng và lấy góc tạp dề lau nước mắt - Nếu như chúng tôi có thể trách được mình điều gì thì đó chỉ là dành cho cháu quá nhiều sự âu yếm. - Quỷ thật, bác Hecsêbom ạ, quả là bác làm tôi phật lòng đấy, nếu bác tưởng rằng thái độ tốt và thiện cảm của bác đối với thằng con nuôi tội nghiệp đã gây cho tôi một tình cảm nào khác, ngoài sự khâm phục sâu sắc! Không đâu, bác không nên nghĩ như vậy đâu! Nhưng nếu bác muốn tôi nói thẳng với bác, thì tôi nghĩ rằng chính tình yêu Êrik đã khiến bác quên mất nghĩa vụ của mình. Mà nghĩa vụ ấy là tìm ra gia đình cháu bé, dành hết công sức để làm việc ấy ! Bắt đầu một sự im lặng sâu lắng. - Có thể lắm. - cuối cùng bác Hecsêbom nói, đầu cúi xuống vì những lời trách móc ấy. - Nhưng chuyện đã rồi, đâu có làm lại được. Bây giờ Êrik đã thật sự là của chúng tôi, và tôi không có ý định kể cho cháu nghe chuyện cũ này nữa. - Bác hãy yên tâm ! Tất nhiên là tôi không có ác ý với niềm tin của bác đâu, - bác sĩ vừa nói, vừa đứng dậy - Đã muộn rồi, tôi phải tạm biệt các bạn thôi, những người bạn tốt bụng của tôi ạ. Xin chúc các bạn ngủ ngon và không phải ăn năn hối hận gì hết. - ông nói thêm vẻ đầy ý nghĩa.
Sau đó, ông mặc áo khoác lông của mình, khước từ lời đề nghị của người đánh cá muốn tiễn ông, thân tình bắt tay các chủ nhà và đi về phía nhà máy. Hecsêbom nán lại vài giây bên thềm cửa, nhìn theo cái bóng xa dần của bác sĩ thấp thoáng dưới ánh trăng. - Quỷ thật! Ông lẩm bẩm qua hàm răng,và cuối cùng, quyết định đóng cửa lại.