Triết Tây trở thành cần thiết trong giai đoạn mới thì đó không thành vấn đề, vì không những đã được công nhận mà còn được hiện thực trong chương trình giáo dục. Bàn tới triết Tây ở đây không phải có ý đặt lại vấn đề, nhưng là nhằm suy tư về sự kiện đó hầu cho việc nhận thức trở thành minh nhiên, vì đó là nhiệm vụ của triết. Triết cần suy tư trên những tác động, những sự việc của đời sống đặng soi dọi vào đó những tia sáng hầu giúp cho việc làm giữ được thế quân bình và càng ngày càng gia thêm độ ý thức: tiến hóa của con người nằm ở chỗ đó. Sau đây là mấy lý do biện hộ cho sự cần thiết của triết Tây.
Lý do thứ nhất là chúng ta đang bước vào một nền văn minh mới mà Hegel kêu là Civilisation parlante “văn minh nói”, có ý chọi với chữ Cinéma parlant, tiếp sau Cinéma câm, phần nào giống nền văn minh xưa, tuy không câm nín, nhưng ít nói, và tuy ít cũng đã đủ, vì con người xưa sống trong cảnh thư thái có đủ thì giờ, đủ yên tĩnh để suy nghĩ, không cần nói dài.
Cảnh an nhàn xưa không còn nữa và con người thời đại đang bị xô vào cảnh mải miết tranh sống, ai cũng bắt buộc phải vội vàng, thế mà một trật có đến trăm ngàn lời nói oang oang bao phủ. Cho nên một vài cử chỉ nhẹ nhàng thanh tao kèm với dăm ba câu thâm thuý vắn tắt không còn thấm thía vào đâu nữa. Muốn ảnh hưởng đến con người thời đại thì phải nói nhiều, nói oang oang, nói toạc móng chân móng tay. Có vậy mới may ra còn dính lại chút ít. Vì thế chúng ta cần lý giải suy diễn để chứng minh đạo lý. Thiếu điều đó thì đối với người thời nay, họ là không biết. Vương Thuỳ Sơn nói “Biết thực mà không biết danh hay biết danh mà không biết thực, cũng đều là không biết cả “tri thực nhi bất tri danh, tri danh nhi bất tri thực, giai bất tri dã”. Vì thế muốn có triết lý, muốn khai sinh một nền tư tưởng, tất phải dùng lời nói biện chứng (langage conceptuel) để trình bày. Những điều chỉ cảm thấy hoặc cả sống nữa mà không nói lên được cách hệ thống thì người nay cho là chưa có chưa nắm được mà chỉ là cái gì mập mờ thấp thoáng thôi, như đàn cá dưới nước có đó mà không nắm được trong tay: cần phải có lưới có chài mới lôi lên bờ bỏ vào thùng, lúc ấy mới kể là có. Lưới chài là những công thức, những ngữ thuật. Biết bao điều chúng ta cảm thấy lờ mờ như thế cách mặc nhiên nghĩa là không nói lên được. Nay nếu có một người tìm được những ngữ thuật ám hợp, những ý tưởng minh nhiên để nói lên thành lời, sắp đặt thành thứ lớp, thì đấy là ngư phủ có trang bị máy móc lưới chài để vãi vào tiềm thức con người thời đại đặng kéo lên những ý nghĩ được gói ghém trong những hộp làm bằng lời biện luận, người đó sẽ được coi như vị khai sáng ra nền triết lý mới vậy.
Đấy là ước lệ của nền văn minh hiện đại mà chúng ta nên chào đón như một tiến bộ cần thiết cho giai đoạn liên lục địa. Một ý nghĩ dù tế vi đến đâu nếu nói lên được cách khúc chiết mạch lạc, liền có thể bay vòng quanh thế giới. Do đó chúng ta rất cần vun tưới tài năng lý giải. Triết Tây sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc này vì nó vốn là một nền triết học lý niệm, nên đã bàn đến đâu là nói lên rành mạch khúc chiết. Về điểm này triết Tây hơn hẳn triết Đông, nên cần thiết cho triết Đông trong giai đoạn mới.
Lý do thứ hai là triết Tây chuyên về lý trí, phê phán, phân tích và tổ chức các ý tưởng thành hệ thống. Vì thế hễ đã bàn tới vấn đề nào là đào bới đủ các khía cạnh, lật đi lật lại khắp mặt không còn để hở chỗ nào, khiến cho sự tìm tòi khảo cứu vừa phong phú vừa xác thiết. Dùng đến tài liệu nào cũng được đưa qua ánh sáng phê bình nghiêm túc, khiến cho khi đi được bước nào, vững chắc bước đó.
Đấy là chỗ hơn hẳn triết Đông, nhất là quãng hai thế kỷ sau này càng trở thành bệ rạc, luộm thuộm cũ kỹ. Tài liệu dùng bừa bãi, viết ra thì lê thê, lắp đi lắp lại lải nhải. Với Trung Hoa còn khá hơn, chứ với Việt Nam chưa thấy sách nào phản chiếu được lối viết có phương pháp khoa học. Cho nên riêng người Việt Nam còn phải cố gắng nhiều trong phạm vi này.
Một ơn ích khác của lý trí là có thể giúp chúng ta thanh toán những tàn tích ma thuật, tai dị còn vướng lại trong những kinh sách cổ truyền. Óc phê bình phân tích Tây phương giúp ta rất nhiều trong việc thanh lọc này.
Lý do thứ ba là triết Tây giúp cho triết Đông nhận thức ra mình. Sự nhận thức ra mình chỉ hiện thực do sự đối diện với tha nhân tha vật. Đây là điểm chung cho mọi nền văn hóa khác xa lạ, và càng xa lạ càng dị biệt thì càng giúp vào sự lay động khiếu năng nhận thức. Mỗi điều chống lại, mỗi vấn đề đặt khác đi, mỗi lối giải quyết mới lạ, mỗi sự thành công cũng như thất bại của tha nhân đều giúp mình hồi tỉnh khảo sát lại lập trường của mình, đặt vấn đề giá trị của mình cũng như của tha nhân. Nhiều khi làm cho thắc mắc, suy nghĩ lao lung không cho phép quyết đoán tiên thiên một chiều, không cho yên nghỉ với mớ quan niệm tưởng đâu là đã định luận xong xuôi, không dè bị tha nhân lật ngược hẳn lại. Nhưng chính sự so đọ này làm cho loé lên cả từng luồng tia sáng, ý tưởng trào ra phong phú và cái nhìn trở nên thấu triệt sâu xa hơn hẳn với lúc chỉ biết có triết Đông hoặc triết Tây. Nietzsche cho sự đối chiếu này là một ơn ích lớn nhất trong thời mới mà chúng ta cần khai thác đến triệt để.
Làm như thế chúng ta sẽ đạt được sự vững chắc trong việc luận đoán (sureté de jugement) vì mỗi phán quyết có kèm theo lập trường đối kháng với những hậu quả của nó. Nhờ đấy ta có thể nắm vững được vấn đề, bớt đi rất nhiều những câu võ đoán. Đó là nói theo nguyên tắc, trong thực tế thì vẫn có thể nhỡ như thường do sự áp dụng phương pháp chưa được triệt để.
Lý do thứ tư là trong hai thế kỷ vừa qua, cái gì của Tây phương cũng tiến bộ vượt bậc bằng cả ba, bốn ngàn năm xưa, nhờ đó họ tích luỹ lại được muôn vàn yếu tố và sự kiện mới mà chỉ đọc sách Tây mới có. Trong hai trăm năm tiến mạnh nhất đó, số sách xuất bản hầu như vô tận, vượt rất xa khả năng thâu nhận của một người, dầy là vào tay đọc rộng. Nếu sách vở không nhiều thì tiến bộ kém hẳn đi. Thế mà trong hai trăm năm vừa qua Đông phương bị lúng túng với vấn đề chính trị, kinh tế đã không tiến vượt bực mà riêng trong phạm vi triết học còn thụt lùi so với các thế kỷ trước kia. Đã thế ngày nay không đọc nổi chữ nho đang khi hầu hết chúng ta biết tiếng Pháp tiếng Anh và chỉ cần cố gắng lên một giai đoạn nữa thì đạt trình độ thâu thái nổi tư tưởng qua sách vở bày bán ngập hiệu, hoặc vào các thư viện kể cả các thư viện của các tòa đại sứ. Cho nên về điểm này có thể đoan quyết là không học triết Tây thì cũng như cái kiềng thiếu hết một chân vậy. Huống chi cái hướng tiến của giai đoạn này là hòa hợp, là thống nhất. Nếu không biết triết Tây là chịu khoanh tay. Vậy nên đừng có hỏi phải học triết nào như là có thể chọn một, bỏ một, vì trong hiện tại ta cần cả hai.
Đó là một hai lý luận chứng minh sự cần thiết phải học triết Tây. Lý do thứ ba thuộc khu vực văn hóa và nó thật cho bất cứ nền văn hóa nào,vì có thể nói là thuộc không gian. Còn lý do thứ bốn thuộc thời gian: trong hoàn cảnh này, ở thời đại lịch sử hiện nay. Cả hai thuộc hoàn cảnh bên ngoài để hợp với hai lý do trên thuộc tính chất nội tại, tất cả hợp lực chứng minh sự cần thiết của triết học Tây phương trong giai đoạn hiện tại nước nhà.
Lý do thứ hai là để chứng minh sự cần thiết của triết Tây thuộc về loại nào: có phải là cần thiết loại độc chiếm hay là cần thiết loại bổ túc. Cho đến nay người mình thường nghiêng về ý kiến độc chiếm, vì khi nhìn vào triết Tây Âu kể từ Platon, Aristote, qua Descartes, Kant, Hegel rồi đến các triết gia hiện đại: sách vở rất phong phú với những hệ thống nguy nga đồ sộ chương trình đã đâu ra đấy. Đang khi đó xem lại mình mới được dăm ba quyển với nội dung nghèo nàn, xếp đặt luộm thuộm thiếu hệ thống, gọi là đạo học, luận lý hay văn học thì được, chứ nói là triết lý thì không. Cho nên những người đưa triết Tây vào chương trình tuyệt nhiên không hề có ý nghĩ nào đẩy triết Đông ra ngoài, nhưng chỉ cốt để thêm vào cho di sản nước nhà một môn học mới mà trước đây chưa hề có và do đó là độc chiếm mà không nghĩ là độc chiếm, nghĩa là với họ triết Đông đã có đâu để mà có thể bị chiếm đoạt.
Vì tâm trạng vô tội của thế hệ hiện đại là thế (cho tới năm 1956) và vì sự kiện độc chiếm của triết Tây trong chương trình giáo dục nuớc nhà (cho tới nay 1968 còn thật cho trung học). Vì thế chúng ta cần đem vấn đề lên bàn mổ để trong việc rất hệ trọng là vấn đề giáo dục của một nước tránh được những lầm lẫn có hại sâu xa cho tiền đồ tổ quốc. Trước hết chúng ta chủ trương rằng không nên để triết Tây độc chiếm như nay vì triết Tây tuy nguy nga đồ sộ nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn đã định luận ở bài đầu tức là học hành, ít ra cho chúng ta, bởi mỗi dân tộc có một lối suy tư riêng, một lối cảm nghĩ sinh sống khác nhau, mang theo một sắc thái đặc thù mà một nền triết trung thực không thể bỏ qua, ít ra ở khởi điểm, để làm những nấc thang tâm linh hầu đi lên đến con người phổ biến muôn thưở, nghĩa là thuộc hết mọi thời gian, không gian. Nhưng đó là lý tưởng cần nêu lên làm đích điểm, còn ở khởi điểm phải chú trọng đến các nét đặc trưng.
Đó có lẽ là sự khác biệt giữa triết học Tây Âu với triết Đông. Triết Đông phát xuất từ trong nhân gian (kinh thi) un đúc trong lò lịch sử (kinh thư và Xuân Thu) trong những lối giao liên giữa người với người (kinh lễ). Còn trái lại triết Tây đặt bên ngoài thời gian, không có lịch sử (xem chữ Thời) không chú ý đến cụ thể, nên ít ăn nhập vào đời sống. Có người nói giả sử vất hết triết đi xã hội Tây Âu cũng không mất mát chi cả, hay sự mất mát chỉ trong vòng hàn lâm nghĩa là chỉ liên hệ đến một số chuyên viên, một ít học sinh, sinh viên, ngoài ra trong đời sống thì học triết hay không học triết cũng thế: đàng nào cũng không có hướng cũng thiếu chủ đạo.
Với triết Đông không nói như vậy đựơc vì nếu vất bỏ triết lý của mình thì xã hội Viễn Đông sẽ mất kỷ cương, đời sống trở thành con thuyền không lái và trí thức không còn liên hệ chi với quảng đại quần chúng đã thấm nhuần triết lý nhân sinh từ nhiều ngàn xưa.
Đấy là lý do đầu tiên đủ mạnh để phải lưu tâm đến triết Đông. Huống chi đứng về phương diện dân tộc mà xét, thì lại khác kiểu xét cá nhân. Cá nhân thường suy nghiệm trong vòng một trăm năm và nhấn mạnh trên hiện trạng, mà hiện trạng thì mình thua người nên phải học của người. Còn khi đứng trên quan điểm dân tộc thì lại lấy từng ngàn năm làm đơn vị, vì dân tộc cũng như nhân loại gồm cả người chết và người sẽ đến, bao cả dĩ vãng và tương lai. Hiện tại mình thua người nhưng phải dọn đường cho con cháu sửa soạn một tương lai đẹp hơn. Đã thế còn tiên tổ mình nữa, đã vị tất các ngài không có kinh nghiệm để lưu lại cho con cháu dòng tộc.
Trong khi đối chiếu Đông Tây ta mới nhận ra không chỉ có triết Đông mới kém mà triết Tây cũng có những khía cạnh đó: hay chiều này dở chiều khác. Do đó không thể chấp nhận toàn bộ kiểu độc chiếm được, nhưng phải đi lối minh biện: chọn hay bỏ dở, và cái oái ăm là lấy cái hay cũng rất dễ rước luôn cái dở. Vì cái dở của triết Tây cũng chính là cái hay đã bị đẩy quá đà. Cái hay của triết Tây là lý trí. Điều đó rất cần thiết, nhưng khi đẩy quá đà thì lý trí trở thành duy lý đến độ độc chiếm và bóp nghẹt mọi khả năng khác của con người như tình cảm là một. Cái đó liệu có hợp cho người Việt Nam chúng ta đã quá quen với lối tình lý tương tham chăng?
Với người Việt Nam chúng ta thì không cứ “tôi suy tư vậy là có tôi” nhưng tôi cảm xúc, tôi hờn tủi, tôi cười đùa, tôi sống, tôi chơi cũng vẫn có tôi rồi, nên trong triết lý cũng như trong chế độ và hệ thống giáo dục phải dành quyền dành chỗ cho phát triển, hàm xúc, điều lý săn sóc cho những năng khiếu đó.
Điểm hay thứ hai của triết Tây là hệ thống. Hệ thống làm cho sự học được dễ dàng nên rất tốt và đối với thời đại nói nhiều này thì còn trở thành cần thiết là khác. Vì thế chúng ta cần vươn tưới óc hệ thống hóa hay sự tổ chức tư tưởng giáo khoa (systématisation scolaire) và nên ngừng lại ở đó, vì nếu mải mê đến nỗi biến hệ thống trường ốc văn học thành ý hệ tức là một thứ hệ thống hữu thể (systématisation ontologique) nghĩa là lấy lý niệm làm tất cả thực tại thì đó là đều tai họa vì đòi gói ghém tất cả sự vật, trời đất người vào một số ý niệm khô đét, thì sẽ bị chúng che mất không còn thấy gì bên ngoài, con người sẽ trở thành chấp nhất: đã hữu thì chỉ biết hữu, đã vô thì chỉ biết vô, thiếu uyển chuyển. Sở dĩ những người như Schopenhauer, Nietzsche, Jung hay hầu hết giới trí thức Tây Âu đều cho triết học gia của họ là cận thị, thì chính vì cái tật chấp nhất xả bách gắn liền với óc ý hệ khiến cho người theo trở thành kẻ tôn thờ ý hệ, đặt lý tưởng lên trên con người. Hậu quả là sẵn sàng biến con người thành dụng cụ để phụng sự cho lý tưởng, có chết trăm ngàn nhân mạng cũng không sao. Đó là lý do sâu xa nhất gây tan hoang điêu đứng cho dân tộc chúng ta. Hàng trăm ngàn người đã phải bức tử vì có kẻ đang nắm quyền thế lại đi tôn thờ lý tưởng, đang phủ phục trước bàn thờ ý hệ quá xác định đến làm nghẹt thở tự do con người.
Chính ở đây chúng ta chạm vấn đề quan trọng nhưng xưa rầy chưa có một triết gia nào đề cập, đó là phương pháp tổng quan khác biệt với đường lối xác định. Triết gia thành công hay thất bại là do dùng lối tổng quan hay lối xác định. Vì phương pháp này liện hệ đến vận mạng của triết lý nên cần chúng ta phải nghiên cứu kỹ. Phương pháp tổng quan là học về toàn thể còn xác định là học về từng phần. Trước hết để nhận chân thế nào là tổng quan thì cần phân biệt với đại khái tổng hợp (global). Đại khái chỉ là lối nhìn một vật hay một hoàn cảnh cách sơ sài phiến diện để có một ý niệm khái quát, thí dụ nhìn chung cái radio. Sau đó là cái nhìn phân tích xác định từng phần của máy, mỗi phần liên hệ với nhau ra sao.Lối nhìn phân tích xác định này cũng y như lối nhìn khái quát vừa nói trên chỉ hợp cho bình diện hiện tượng tức là khoa học thực nghiệm, không thể đem vào triết được. Đây là điều căn bản tối hệ.
Ở triết phải dùng lối tổng quan phổ biến không hướng vào từng sự vật lẻ tẻ, nhưng hướng tới toàn thể vạn vật, toàn thể vũ trụ, nhưng vì mắt người không bao quát nổi vũ trụ vô biên, nên phải dùng lối khác là “nhìn” xem cái cực nhỏ tế vi đến độ không còn chiếm không gian và thời gian nữa và vì thế triết Đông kêu là tâm, cũng có khi kêu là huệ nhãn, hay tâm nhãn. Tất cả đều chỉ cái “điểm” phi thời gian nên cũng là phi không gian, ta hãy gọi nó là điểm tụ hợp hay là Thái Nhất tức cái nhất siêu hình chứ không phải cái nhất toán học. Còn toàn thể vạn vật thì kể là chu vi rộng nhất được tượng bằng số 9: tất cả các sự vật lẻ tẻ đều nằm ở khoảng giữa 1 và 9, và bị đổ khuôn theo cái nhìn chung đó không vật nào lọt ra khỏi được. Ta sẽ gọi là vạn vật 2, 3, 4, 8 như trong hình sau:
Điểm 1 liên hệ mật thiết với số 9 như bóng với hình, như hai mặt của một thân thể nhưng đi ngược chiều: đi vào 1 càng nhỏ thì đi ra 9 càng lớn, khi 1 đã đạt đợt chí cực (Thái Nhất) thì 9 bao trùm hết mọi vật được biểu thị bằng các số từ 2-8, không gì thoát ra ngoài. Do đó vạn vật (2-8) được nhìn trong liên hệ từ 1 đến 9, y như các vật trong bức vẽ cao thấp đều theo đường chạy trốn hình học, không vật nào vượt ra ngoài đường đó, nên vật nào cũng tương hợp với điểm trốn. Đó là một lối thử cụ thể hóa mối tương quan nền móng giữa cái “nhìn” của con người với vạn vật. Bởi vì triết lý không được nhìn sự vật riêng lẻ như nó hiện hình ra trước giác quan ta, đó là cái nhì không thật, gọi là hiện tượng dành cho lương tri và khoa học. Còn cái nhìn triết lý thì siêu linh theo nghĩa vô hình, nên nó khuôn theo và đổi thay cùng với sự mở ra của tâm thức. Khi tâm thức đã mở đến cực độ, thì cái nhìn cũng đạt cực độ không thể đi xa hơn, nên cũng trở thành “chân xác”.
Sở dĩ cái nhìn của Kinh Dịch vẫn giữ được giá trị là đã biết đưa tới 1 và 9 hay nói khác đã đạt tới cái cực nhỏ cũng như cái cực to gọi chung là thái cực. Thái cực có hai đầu một là cực nhỏ đến độ không gì có thể ở lại bên trong, dù tế vi như thanh sắc, nên gọi là “vô thanh, vô xú,vô ảnh, vô hình”; nhưng đầu kia lại cực lớn đến độ không vật nào có thể ở ngoài, nhưng tất cả ở trong như những phần của một Nhất Thể, của đại vũ trụ. Vì thế sách Trung Dung nói “cố quân tử ngứ đại thiên hạ mạc năng tải yên, ngứ tiểu, thiên hạ mạc năng yên (12) == cho nên khi triết gia nói đến chỗ rộng lớn thì trong thiên hạ không gì chứa hết. Còn nói tới chỗ nhỏ thì trong thiên hạ không gì phân tách ra được nữa, nên gọi là “phổ bác uyên tuyền” T.D 31. “Phổ bác” là tới đến hết mọi sự và từng sự một “attingens omnia et singula” còn “uyên tuyền” là tới đến cõi nguồn sâu thẳm. Tuân Tử nói “chuyên tâm chú ý để hiểu rõ sự vật thì sẽ hiểu thấu đáo riêng về một sự vật được khảo sát, còn khi chuyên tâm chú ý để hiểu rõ đạo thì sẽ hiểu thấu đáo về Đạo và về tất cả sự vật. Cho nên người quân tử chuyên nhất về Đạo để giúp khảo sát sự vật, chuyên nhất về Đạo thì cái biết được đúng, để khảo sát về vật thì cái biết được rành.
Tinh vu vật giả dĩ vật vật
Tinh vu đạo giả kiêm vật vật
Cố quân tử nhất vu đạo nhi dĩ tán kê vật
Nhất vu đạo tắc chính
Dĩ tán kê vật tắc sát.
精于物者以物物
精于道者兼物物
故君子壹于道而以替壹物
壹于道则正
以替稽物则察
Nên ghi nhận hai chữ chính và sát chỉ lối nhìn sự vật của triết gia phải thấu đến điểm 1 (gọi là chính) còn phần bao quát phải đạt tới số 9 (lão dương chỉ vạn vật phân tán đến cực độ có thể). Nói khác triết gia phải biết nhìn vạn vật trong mối tương liên của toàn thể (1-9). Có nhìn được như thế mới vượt đượt thời gian không gian, trở nên trường cửu, và triết sẽ không bị đảo lộn mỗi khi tâm thức mở rộng như trong lối xác định. Xác định là lối nhìn từng sự vật lẻ tẻ 1, 2, 3, 8. Đó là lối nhìn bên ngoài mối liên hệ với toàn thể lẽ ra phải để dành cho thường nhân kể cả nhà khoa học. Khoa học luôn luôn đổi mới do mối liên hệ mở rộng theo đà tâm thức đi lên, nếu triết học cũng nhìn vật đích khách quan kiểu đó thì sẽ luôn luôn đổi hướng nên không thể hướng dẫn được đời sống. Đã thế vì không nhìn theo được cái toàn thể thì chỉ là triết lý trục vật, triết lý chết khô. Bởi vì sự vật chỉ sống khi còn toàn thân, nếu chỉ còn một nửa làm sao sống, làm sao linh động. Cho nên có học mà thiếu hành thì nguyên nhân căn do là tại cái nhìn phần mớ. Triết học không gây nổi hứng thú cũng vì đấy, vì sự chọn lầm phương pháp: thay vì theo nguyên lý uyên nguyên thì lại chỉ xác định sự kiện (information of facts); thay vì tri thức hiện thực (knowledge actual) thì đi sang tri thức kiện tính (knowledge factual). Sự định hướng sai lầm căn bản đó kéo theo những bất tiện như sau:
Thứ nhất là dẫm chân lên phạm vi khoa học chuyên môn, gây ra sự trùng hợp (double emploi) vô ích, đã vậy dễ làm cho triết lý bị hạ giá ở chỗ đi vào cương vị mà triết không được trang bị, thí dụ thuyết biến hóa đưa những khẳng định cụ thể về tầng trời, lòng đất, những hình thái biến hóa của thú vật hay con người. Đó toàn là những vấn đề thuộc kiện tính, nên cần phải đào bới, phải có máy đo lường với các phương pháp thực nhiệm thâu thái tài liệu, dùng giả thuyết làm việc, rồi kiểm chứng nghĩa là những phương tiện hoàn toàn thuộc phạm vi thực nghiệm. Nếu thiếu trang bị những điều kiện khách quan mà cứ nói là nói mò, chẳng ai bắt phải ra khỏi phạmvi của triết để nói mò như vậy.
Tưởng cũng nên nhắc đến ý kiến cho rằng Tây Âu đã giúp cho khoa học tiến bộ. Đó là nhận định sai lầm và thường do những triết học gia không biết khoa học, nên bị mặc cảm, mới đề cao phần đóng góp của triết vào khoa học. Họ đã bị những triết học gia có rành khoa học như Bachelard thí dụ đả kích nặng nề. Ý kiến trên cũng là một nhận định đã lạc hậu. Nó sinh ra do sự lóa mắt trước các tiến bộ của khoa học. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi. Triết học cũng hùa theo ca khúc chiến thắng của khoa học, và thấy siêu hình chỉ là một chuỗi những thất bại, nên hô hào triết học cần phải để ý đến khoa học. Bachelard cho đó chỉ là một lối “khoa học thường thức hơn là khoa học làm việc”. Ông trách triết học chỉ chú ý đến thông báo thắng trận, hoặc là đi theo sau trận đánh để đề nghị một bản khải hoàn ca mà bỏ việc chính của triết học. Suy luận về khoa học hay về phương pháp khoa học như các triết học gia hàn lâm đang làm hiện nay chỉ biểu lộ sự kém cỏi của triết học. Triết học có sứ mạng của nó, còn cần thiết cho nhân loại hơn khoa học. Vì thế triết học đã xuất hiện trên năm ngàn năm được ghi nhận, còn khoa học mới ra đời tự vài ba trăm năm. Từ ngày có khoa học chưa thấy xuất hiện nền triết nào khả dĩ so với cổ thời. Vậy người học triết nên nhận thức sâu sắc sức mạnh của triết khác với khoa học. Khoa học là một ngành chuyên môn bàn về sự vật riêng lẻ thuộc phạm vi ăn làm hay là bình diện hiện tượng. Tất nhiên triết học cũng suy tư về khoa học, nhưng cũng y như về hết mọi hiện tượng trong đời mà thôi. Không nên quá quan trọng hóa khoa học vì sứ mạng của triết học là bàn về những vấn đề thuộc toàn thể đạo lý, về vũ trụ, về ý hướng cuộc sống v.v
không nhận thức được như thế để chu toàn sứ mạng lại đi bàn góp về khoa học thì chỉ là một thứ triết học bóp hành coi mèo.
Điều bất lợi thứ hai là hễ đã xác định tức khắc khiến cho triết học chóng lỗi thời, vì sự vật cũng như hoàn cảnh biến đổi như bàn cờ: ván ván khác nhau nên mọi ý hệ dù có công hiệu thì cũng rất hạn hẹp trong không gian với 30, 40 năm. Còn gì đồ sộ bằng ý hệ của Hegel ngự trị cả một thời trên làng triết Tây, thế mà 10 năm sau khi Hegel khuất bóng thì lời chửi nặng nhất là gán cho đối phương theo Hegel, nghĩa là lỗi thời. Cái bản chất của ý hệ làm cứng đọng không thể linh động được như chủ đạo. Tuân tử bình luận các nhà biện giải đồng thời với ông có nói “thậm sát nhi bất huệ, biện nhi vô dụng. Đa sự nhi quả công”. Thậm sát lục lọi cùng khắp bốn góc, không hòn đá nào không lật lên, nhưng không đi vào được trung cung, nên không có huệ nhãn tức là cái nhìn chính trung, thì có biện luận tràng giang đại hải rồi cũng lỗi thời, và sẽ bị đào thải như Mạnh Tử nói về Bổn Thành Quát (VII. 29) “tiểu hữu tài, vị văn quân tử chi đại đạo dã,” 小有才﹐未聞君子之大道也 có tài nhỏ xây đắp ý hệ, biện luận đanh thép nhưng chưa vượt tầm lý trí, chưa được nghe đến đại đạo quân tử. Vì đại đạo đó vượt qua tầm ý niệm và lặn sâu trong thẩm cung lòng người. Đạo đức học không đựơc phép đốc ra khoa giảng tập tục, đi xác định những điều này nọ kia khác, nhưng phải là “khoa học khơi nguồn năng lực” (énergétique), làm sao cho nguồn sinh lực đó được vun tưới, được canh tân mỗi ngày “nhật tân kỳ đức” (Dịch). Nếu không đạt tới thâm tâm mà toàn bò ngang trong đợt xác định, thì dẫu tư tưởng có dồi dào chẳng qua cũng là những máy gió xay lời như Pierre Naville khi nói về triết cổ điển ví với “le bon vieux moulin à paroles de la philosophie classique”.
Chính vì không đặt trọng tâm ở đợt sâu thẳm nên triết học lý niệm mất định hướng và chẳng bảo được khoa nào; ngược lại khoa học nào bất kỳ cũng coi thường triết lý, còn đời sống xã hội thì phó cho lương tri dẫn được tới đâu biết tới đó. Cho nên văn hóa Tây Âu trở thành cái bao chứa ngàn thứ bệnh như Jung nhận xét: “Our own Western culture sickens with a thousand ills”. Commentary on the secret of the golden Flower. Psyché and symbol p.305. Hay nói như một nhà khoa học kia, đó là thứ bàn là-kim để trong cái tàu làm bằng sắt, thành ra kim bị sắt tầu điều động nên tuy tầu theo kim, nhưng kim cũng theo tầu, thiếu hướng và gây nên cái mà Heidegger kêu là “sự xoay quẩn” (Wirbel). Đó là mấy điểm tối quan trọng xưa nay chưa ai nhìn ra nên mới gây thành cảnh loạn xạ như nay. Bởi vậy chúng ta phải thẳng thắn nhận định, không nên để mình bị lóa mắt bởi hệ thống, vì tư tưởng hay vì lời nói đẹp. Những cái đó trong triết lý toàn là đồ trang trí. Có quý tới đâu cũng không cứu nổi cái nền móng và cái nóc tượng bằng số 1-9.
Nhân tiện bàn về cách truyền thông tư tưởng có lẽ cũng cần nhắc đến nhận xét cho rằng triết Đông không biết chuyển đạt tư tưởng. Sự thật thì khác hẳn: người xưa truyền đạt tư tưởng còn hiệu nghiệm hơn người nay cả trăm lần so với mức độ triết cổ điển truyền bá trong các xã hội Tây Âu vì thế chưa một nền triết Tây Âu nào truyền bá rộng được đủ để phổ cập như một tôn giáo kiểu triết Đông. Triết Đông cũng có khi gọi là tôn giáo vì lối truyền thông thực thần tài. Những tư tưởng triết lý cao thăm thẳm mà hầu như không hang cùng ngõ hẻm nào lại không biết đến dăm ba câu, chẳng hạn như “nhân chi sơ tính bản thiện, tính tương cận, tập tương viễn”. “Tam tài giả thiên địa nhân”
Người nay không nhận ra chỗ tài tình đó, nên đi hạ giá người xưa cho là “tri thực nhi bất tri danh” rồi kết luận “giai bất tri dã”. Nói thế là tỏ ra đã hoàn toàn theo lưu tục của thời nay, thời của nền “văn minh nói” nên cho “tri thực nhi bất danh” cũng chỉ có giá trị ngang hàng với “tri danh nhi bất tri thực”, mà chính ra “tri thực nhi bất chi danh “ cao hơn hẳn “tri danh nhi bất tri thực, vì “tri thực nhi bất tri danh” thuộc “tự thành minh giả vị chi tính”, còn “tri danh bất tri thực” thì chưa đáng kể là giáo, mặc dầu giáo còn ở dưới tính, theo câu “tự minh thành vị chi giáo” T.D. Tức là biết rồi hiện thực thì gọi là giáo còn “hiện thực rồi hiểu sau là tính”. Tri thực nhi bất tri danh đã kể là tính. Còn tri danh nhi bất tri thực đã đáng kể là giáo đâu?
Thứ đến là tỏ ra chưa nhận xét được sự phân biệt quan trọng là triết Đông có tri danh nhưng là Danh chỉ thị (parole indicative) còn danh biện giải (parole explicative) cũng không phải là không có, chẳng hạn từ Luận ngữ đến Chu Hy ta thấy có 4 đợt tiến trong lối trình bày.
Luận ngữ là một lời nói, một khúc của câu chuyện.
Đến Mạnh Tử thì đưa ra cả một câu chuyện dài làm khung.
Đến Tuân Tử thì viết theo lối cảo luận.
Cuối cùng đến Chu Hy thì bước vào hệ thống tư tưởng.
Tuy nhiên danh biện giải không được chú trọng nhiều như Tây Âu, vì đã có phần lễ và nhạc. Lễ nhạc là một lối giảng diễn triết lý nhưng không bằng lời mà bằng dáng điệu, bằng hành vi, bằng cử chỉ, bằng hát và vũ
Vì thế mà quan trọng đặt lên danh chỉ thị, bởi đó là một lối văn hóa đi vào chiều sâu (culture intensive) có tầm ảnh hưởng rất êm đềm nhưng thấm nhập. Chỉ cần xem đời sống dân Viễn Đông được tô tạo bởi nền Đạo lý học đến đâu thì biết. Từ người làm ruộng, đi chợ, tất cả những người không học cũng sống theo một nền triết lý mà lâu lâu họ cũng nói lên một hai câu cách ngôn. Ngày nay bầu khí lễ không còn, nên chúng ta cần đến lối “danh biện luận” để lý giải. Đó cũng là một việc phải theo thời, chứ vị tất đã hiệu bằng lối “danh chỉ thị”. Cần ý thức như vậy để khỏi quá chuyên chú danh biện giải của triết Tây đến ruồng bỏ danh chỉ thị của triết Đông. Làm thế là đánh mất một lối văn bi ký kiểu châm ngôn triết lý đã kết đúc tư tưởng đến độ giản ước tối đa mà lại trong sáng (une pensée parvenue à l expression la plus limpide et la plus concise) trở thành những sấm ngôn giống mũi tên bắn đi cực sâu vào thâm cung lòng người.
Nếu chúng ta cố tìm hiểu để giữ lại một số thì khi đi vào lối danh biện giải theo kiểu Tây phương sẽ hy vọng tránh được cái bệnh đánh mất thực chất (déréalisation) vì nói nhiều mà triết Tây Âu đã mắc phải nên học không hiểu nổi mấy danh từ quan trọng nhất hồi xưa, chẳng hạn Phuséis, Logos, Être như trong suốt 20 thế kỷ của triết học lý niệm, cũng như hiện nay mấy thuật ngữ in-der-welt-sein hoặc Dasein
của Heidegger mà cả một thế triết từ Sartre, Merleau Ponty, G.Marcel, de Waelhens, Paul Ricoeur không hiểu trúng (xem thí dụ quyển Médard Boss: Introduction Psychosomatique, Payot p.39-53). Cho tới nay nghĩa là 25 thế kỷ triết học sử dệt toàn bằng những ngộ nhận đó, vì thế là một lịch sử tang thương bi đát (dramatique như ông Médard Boss nói).
Hiện nay người ta nhận ra giá trị của danh chỉ thị, nên một số tác giả (mà Nietzsche là một dùng lối văn định đề (axiomatique), lối triết ngôn, kiểu thánh phán (oracle); cũng như bên thế giới cộng sản dùng khẩu hiệu. Tất cả đều tỏ ra chân nhận giá trị của danh chỉ thị. Tuy nhiên muốn dùng được danh chỉ thị phải vươn tới đợt chính Sát để có thể khơi nguồn sinh lực thì danh chỉ thị mới có hồn, có linh nghiệm
Chí như cứ bám lấy đợt xác định mà đòi dùng danh chỉ thị thì đó chỉ là những lời võ đoán, phán quyết vô bằng (affirmations gratuites) hoặc là khẩu hiệu theo nghĩa lời phát ra từ cuống họng, xuyên qua lưỡi, tận cùng ở môi mép. Chung quy lại là “cái máy xay ra lời” như xưa.
Hãy kết luận chương này bằng một hình ảnh. Nghĩ đến triết tây với phương pháp lý giải phân tích hệ thống tôi thích ví với con được rộng tráng nhựa trơn tru xe hơi chạy thong thả; thế nhưng các vấn đề bàn tới lại không thiết thực, trục vật, thiếu hướng quy tụ nên chỉ là con đường chạy quanh chân núi. Triết Đông thì như đã lên tới đỉnh núi nhờ vào cái nhìn trực giác thấu thị, nhưng với lối nói quá đúc kết nên với người nay kể là mới leo bằng đường mòn, nên không còn hợp thời đại xe hơi nữa, vì thế rất ít người muốn ngó tới. Sứ mạng của triết lý ngày mai là phải mở con đường nhựa theo triền núi để leo tới đỉnh. Muốn được như thế cần học triết Đông trước hết, đặng có được cái nhìn toàn thể, cái nhìn thống nhất để có đường hướng. Có hướng rồi cái học mới có hành theo sau; nhưng sau đó chúng ta phải học triết Tây, để thêm phong phú, chính xác, minh định, rộng mở. Và lúc đó càng đọc nhiều càng hay vì khi đã có hướng thì có đọc nhiều cũng không còn sợ tâm trạng tán loạn ủ ê, vu vơ như chúng ta dễ thấy chán chường gương cả trong sách lẫn nơi người học.