– Từ My ơi! Bồ viết lại bài thuyết trình hôm nọ tổ mình đã thảo luận chưa?
Biết Ái Thu đến rủ mình đi học, Từ My đã chuẩn bị sẵn sàng.
– Mình đã viết lại rồi. Ta đi thôi.
Mấy ngày nay, cô bé cứ thắc mắc về người đàn ông mà mẹ cô gọi là ông Luân. Hình như giữa mẹ cô và người đàn ông này đang có quan hệ làm ăn gì đó mà cô chưa rõ. Chẳng lẽ mẹ cô lại trở về với con đường cũ? Một dấu ấn muôn đời không bao giờ cô quên được.
– Hôm nay, bồ làm sao vậy? – Ái Thu lo lắng hỏi bạn.
– Ơ! Mình đang nghĩ đến bài thuyết trình. – Cô dối bạn.
Buổi sáng, không khí thật trong lành, cô để yên cho làn gió xuân phả vào mặt, tóc cô rối tung theo gió. Tà áo dài trắng của hai cô bé như quyện vào nhau đùa giỡn. Vừa vào đến cổng trường thì:
“My đi, mình theo sau.
My không dám đi mau…”.
Không hẹn mà hai cô bé cùng quay lại xem thủ phạm là ai, thì Ái Thu ứng khẩu liền:
“Phước sợ My quay lại.
Thế là hết khao khao… như vịt đực”.
Phước – biệt hiệu Ăng– gô– la cười toét miệng. Đứng gần hai chiếc áo dài trắng, trông anh ta tối sầm lại. Tuy nước da đen, nhưng Phước co đôi mắt thật đẹp. Hắn là cây toán cừ khôi của lớp, do đó không hề tỏ ra giận dữ khi bạn bè gọi đến biệt danh của mình, mà hình như Phước còn cảm thấy kiêu hãnh nữa.
– Ê! Đừng thấy người ta hiền hậu, dễ thương mà ăn hiếp à nha. – Phước cố kéo dài giọng.
– Hổng dám đâu. – Từ My không nín được cười.
– À! Còn bài thuyết trình chuẩn bị đến đâu rồi Từ My? – Phước bỗng nghiêm giọng.
– Xong cả rồi, Phước.
– Phước cũng đã chuẩn bị một số câu hỏi. Phen này mình phải dứt dây bọn Anh Huyền mới được.
– Chứ bộ người ta không biết chuẩn bị câu hỏi để dập mình à? – Ái Thu nói.
– Nhưng rõ ràng phe ta có ưu thế hơn, vì đã có Từ My.
– Đừng tự tin quá vậy. Từ My sợ sẽ làm các bạn thất vọng đấy.
– Dù có thua cũng không sao mà. – Phước nói trở lại.
Mải nói chuyện với nhau, ba cô cậu đã đến trước phòng lớp mình.
– “Hoa hậu mồ côi” đến kìa, các bạn ơi. – Tiến Duy, ảo thuật gia của lớp thông báo.
Không hiể sao mỗi lần nghe các bạn nói đến hai chữ “mồ côi” thì nước mắt Từ My như chực trào ra. Cô bé cố gắng nén lại để cười với các bạn.
Một hồi trống vang lên, mọi người xếp hàng vào lớp.
Hôm nay, cô Ngữ thật đẹp. Cô mặc áo dài trắng có cài con bướm nhỏ trước cổ áo, trông cô trẻ như nữ sinh so với tuổi ba mươi của mình. Cô Ngữ bao giờ cũng có tác phong nhanh nhẹn. Cô vẫn thường bảo với mọi người. “Đừng để thời gian qua đi một cách vô ích”. Thế là cô vào đề ngay khi vừa cho học sinh mình ngồi xuống:
– Tổ I cử đại diện lên thuyết trình đi các em.
– Cố gắng lên nghe Từ My! Đừng xúc động quá như thế, hãy hít thở thật sâu.
Mặc dù đã nhiều lần lên sân khấu, từng tập nói trước các bạn, nhưng không hiểu sao hôm nay cô bé cảm thấy hồi hộp quá. Cô mím chặt môi và bước ra khỏi bàn:
– Thưa cô và các bạn. Chắc chắn rằng không ai trong chúng ta lại không biết đến nhà văn nổi tiếng Nhất Linh. Đúng, phải khẳng định như vậy, vì đọc tác phẩm ông, chúng ta tìm thấy ở đó cả một xã hội với bao nhiêu số phận nghiệt ngã. – Lúc này Từ My đã bình tĩnh. Cô nói thật lưu loát mà không cần nhìn vào đề cương – Tên thật của Nhất Linh là Nguyễn Tường Tam. Ông sinh năm 1905 tại Cẩm Giang, tỉnh Hải Dương. Ông đổ cử nhân khoa học tại Pháp, trở về dạy học tư. Thời gian này, ông viết nhiều tác phẩm có giá trị…
Từ My say sưa nói về đề tài của mình. Với chất giọng phong phú và sự nhiệt tình đặc biệt cô bé đã làm cho cô Ngữ rất hài lòng và bạn bè thán phục. Tất cả những vấn đề chung quanh nhà văn Nhất Linh đều được đưa ra mổ xẻ, phân tích. Khi cô kết thúc bài thuyết trình, thì mọi khuôn mặt đều thấy tiếc rẻ.
– Mời các bạn cho ý kiến về đề tài thuyết trình của tổ I.
– …
– Nào! Xin mời các bạn đặt câu hỏi. – Từ My nhắc lại lần thứ hai.
– Đề nghị tổ I nói rõ hơn về mối quan hệ giữa Nhất Linh, nhà văn Hoàng Đạo và Thạch Lam. Ngoài những tác phẩm dài, thì Nhất Linh còn những truyện ngắn, tiểu luận gì hoặc những tác phẩm nào viết chung với Khái Hưng? – Thúy Nga của tổ III đặt câu hỏi.
Từ My khẽ mỉm cười, cô trả lời rành rọt:
– Câu hỏi cảu Thúy Nga đặt ra có ba vấn đề cần giải quyết.
Vấn đề thứ nhất: Nhất Linh là anh ruột của nhà văn Hoàng Đạo và Thạch Lam.
Vấn đề thứ hai: Truyện ngắn của Nhất Linh là: “Hai buổi chiều vàng”, còn tiểu luận có: “Viết và đọc tiểu thuyết”.
Vấn đề thứ ba: Những tác phẩm viết chung với Khái Hưng gồm: Anh phải sống, Gánh hàng hoa, Đời mưa gió…
– Tuyệt quá! – Có nhiều tiếng xì xầm.
– Mời các bạn tiếp tục đặt câu hỏi!
– …
– Nếu không có ai thắc mắc gì nữa, thì đề nghị Từ My về chỗ. Mời tổ II. – Cô Ngữ xen vào.
Khuôn mặt Anh Huyền cắt không còn chút máu. Cô run rẩy thật sự, đôi mắt cứ dán vào quyển tập trên tay.
– Vi– ta tên thật là Lê Ngọc Vị, những tác phẩm nổi tiếng của ông là: Mây ngàn, Suối tình, Nhớ thương… Trước kia, ông là nhà giáo chuyên môn dạy Pháp văn ở các trường trung học…
Có lẽ vì không được bình tĩnh nên cô bé trình bày không theo trình tự gì cả.
Cuối cùng, phải khó khăn lắm cô mới trình bày hết bài thuyết trình của nhóm mình. “Nhìn cô bé thật tội nghiệp!”. Từ My nghĩ bụng.
– Tổ II bị loại ngay từ vòng đầu mà. – Phước hí hửng.
– Mời các bạn đặt câu hỏi.
Ái Thu đứng dậy:
– Tổ II có thể đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong những tác phẩm của Vi– ta được không?
Anh Huyền toát mồ hôi khi Ái Thu vừa ngồi xuống. Những tác phẩm của Vi– ta thì cô có rất nhiều, nhưng chắc gì có ai mang theo. Cô nhanh chóng thảo luận với các bạn tổ II lúc này cũng đang hồi hộp. Những cái lắc đầu nhè nhẹ… “Thế thì tiêu đời rồi!”. Không chờ cô Ngữ nhắc trở lại chỗ ngồi, cô bé tự động đi về phía cuối lớp.
– Thôi, ta tiếp tục. Mời tổ III.
– …
– Tổ IV.
– …
Hai tổ còn lại không hơn gì tổ II. Hình như chỉ có hai người thuyết trình là có chuẩn bị thôi, còn tất cả đều như trơ ra.
Tiếng chuông báo hiệu hai giờ văn đã hết. Hai giờ Anh văn thầy Khánh vắng vì bị bệnh. Thế là mọi người vui vẻ ra về.
– Từ My ở lại, bọn mình chiêu đãi nha.
– Các bạn cứ tự nhiên, hôm nay My bận quá.
– Vậy thì để hôm khác cũng được.
Trên đường về nhà, Từ My cứ thấp thỏm không yên. Linh tính báo cho cô biết sẽ có một điều gì đó xảy ra. Vừa ra khỏi cổng trường, cô bé bước nhanh về nhà như bị ma đuổi. Ái Thu còn ghé lại một chỗ nào đó không cùng về với cô.
Căn nhà có giàn hoa ti– gôn hiện ra phía trước mặt. Cô bé không đi nhanh nữa. Tiến sát lại cổng, Từ My ngạc nhiên tự hỏi: “Sáng nay, trước khi đi học, ta có khóa cổng mà. Hay là kẻ trộm đã vào nhà? Nếu thế thì nguy rồi”. Cô bé loay hoay không biết phải thế nào. “Ta có nên mời công an? Hay là hô toáng lên báo hiệu cho người hàng xóm?” Bao nhiêu ý nghĩ phút chốc bị đảo lộn. “Từ Anh đã lên trường từ sáng sớm, mẹ thì đi làm chiều mới về. Còn cu Kỳ chẳng lẽ trốn học?” Cuối cùng cô quyết định một mình đi vào nhà.
Soạt! – Có tiếng bước chân người. Tim cô bé như ngừng đập. Cô nhanh chóng bước vào vườn hoa nấp sau cây dâm bụt Đà Lạt để quan sát.
Một lần nữa tim cô bé như thắt lại khi thấy một bóng người từ từ bước ra cổng. Đôi mắt cô mở to, miệng há hốc tưởng như không bao giờ khép lại được.
“Tại sao lại là ông ta? Mẹ và ông ta đã nói với nhau những gì khi không có ai ở nhà? Lẽ ra giờ này mẹ phải ở trong xí nghiệp cơ mà?”
Bao nhiêu câu hỏi trong cái đầu bé nhỏ của cô. Từ My vẫn nhướng đôi mắt dõi theo người đàn ông. Trước khi đóng cổng, ông ta còn nhìn một lượt phía sau mình.
– Bịch!
Chiếc cặp da của Từ My tự dưng lại rơi xuống đất. Dừng lại một phút, quét đôi mắt về hướng xảy ra tiếng động, nhưng hình như người đàn ông không thấy gì cả.
Từ My không dám động đậy, cô gần như chết đứng tại chỗ. Nhưng mãi một lúc sau không thấy động tĩnh gì, người đàn ông quay lưng bước ra đường.
Từ My ngồi bệt xuống đất, chân cô bé không còn vững nữa, vì cô đã đứng với tư thế đó khá lâu. Trời đất như đổ sụp xuống chân. Không muốn suy nghĩ gì nữa, cô bé ngồi dậy vả lê bước vào nhà.
Bà Thi vẫn còn ngồi trong phòng khách, thấy Từ My bước vào, bà hoảng hốt thật sự:
– Từ My! Con bệnh hay sao mà về sớm thế? Quần áo sao lắm lem thế này? Không ai đưa con về à?
– Con không muốn làm phiền đến các bạn, mẹ à. – Cô nói dối mẹ.
Nói xong, Từ My đi về phía phòng mình. Cô không buồn hỏi lý do vì sao mẹ có mặt ở nhà giờ này.
“Như vậy là mẹ lại một lần nữa tự đánh mất mình”.