Phần 6.1 Tiến quân vào tây tạng, chính trị đi trướcTây Tạng là địa phương tuy nhân khẩu không nhiều, nhưng địa vị quốc tế vô cùng quan trọng. Để tránh nước ngoài nhúng tay vào và Tây Tạng đòi độc lập, khi đại quân Lưu, Đặng sắp kết thúc chiến sự giải phóng Đại Tây Nam, Mao Trạch Đông kịp thời đưa ra lời kêu gọi “Tiến quân vào Tây Tạng nên sớm, không nên muộn”.
Cử ai phụ trách công việc quan trọng này? Lúc đầu, Mao dự định lấy Cục Tây Bắc làm chủ giải quyết việc Tây Tạng”. Bành Đức Hoài là người chủ trì Cục Tây Bắc cho rằng theo đường đó tiến vào Tây Tạng rất khó khăn, không thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Để có thể tiến quân vào Tây Tạng sớm, Mao Trạch Đông liền giao cho Cục Tây Nam đảm đương nhiệm vụ lịch sử quan trọng đó. Đặng Tiểu Bình là bí thư Cục Tây Nam kiêm chính ủy dã chiến quân hai, đương nhiên trở thành người trực tiếp ra quyết sách và đặt kế hoạch cụ thể cho việc giải quyết vấn đề Tây Tạng.
Các binh gia cổ đại Trung quốc thường nói: Binh mã chưa xuất động, lương thảo phải đi trước. Tiến quân vào Tây Tạng, theo dự tính của Đặng, không những lương thảo phải đi trước, mà quan trọng hơn là chính trị phải đi trước.
Giỏi xét vấn đề từ góc độ chính trị là phong cách nhất quán của Đặng. Ngay từ trên đường tiến quân của dã chiến quân hai vào Ba Thục, qua các vùng dân tộc thiểu số ở vùng giáp giới Hồ Nam - Quý Châu, Đặng từng nói, ở những vùng dân tộc thiểu số thế này, cần chú trọng giải quyết vấn đề từ góc độ chính trị, có thể thành lập những vùng dân tộc tự trị, để lợi cho sự phát triển của họ. Tình hình Tây Tạng lại càng đặc biệt và nhạy cảm, rất nhiều đế vương, quan tướng trong lịch sử đã dùng binh nhiều lần, nhưng người thì bị lật thuyền, hao binh tổn tướng, người thì không đánh mà phải lui; sau khi phân tích, so sánh lịch sử và hiện thực, chính trị và quân sự, tôn giáo và thần quyền ở Tây Tạng, Đặng nêu ra kết luận là vấn đề Tây Tạng có “ý nghĩa chính sách rất sâu sắc”.
Ông nói: Giải phóng Tây Tạng, cần có một lực lượng quân sự nhất định. Xét về lịch sử, nhiều lần dùng binh vào Tây Tạng mà chưa giải quyết được. Lần này phải dựa nhiều vào chính trị, phải đoàn kết hai phái Lạt Ma và Ban Thiền, phải dựa vào chính trị mà hành quân, dựa vào chính sách mà có cơm ăn.
Căn cứ vào đó, Đặng đề ra mưu lược cơ bản khi tiến quân vào Tây Tạng là: “Chính trị trọng hơn quân sự, cung cấp trọng hơn chiến đấu.
Giải phóng Tây Tạng đương nhiên cần một số quân, nhưng Đặng thấy nếu nhiều quân quá sẽ khó giải quyết vấn đề về sau, vì vậy, bộ đội vào Tây Tạng cần tinh nhuệ, Đặng cho rằng quân chủ lực chỉ cần ba vạn là đủ, còn tuyến cung cấp ít nhất cũng cần tới 1 vạn người dể lập tuyến binh trạm. Về sau còn tổ chức một bộ tư lệnh chi viện với quy mô lớn, bao gồm bộ đội hậu cần và Bộ Tư lệnh quân khu Tây Nam, thống nhất giải quyết vấn đề sửa đường và vận tải. Những biện pháp đó là để giải quyết khi tiến quân không phải dùng lương thực của địa phương, để tạo nên hình tượng đội quân nhân nghĩa, mở đường cho việc giải quyết bằng chính trị.
Bộ đội vào Tây Tạng cần tinh nhuệ, vậy cử ai đi là thích hợp? Qua cân nhắc nhiều lần, Đặng quyết định cử Trương Quốc Hoa lúc đó mới 38 tuổi dẫn quân đoàn 18 đi làm nhiệm vụ này. Vì quân đoàn 18 có cán bộ tốt, đã có nhiều thành tích trong xây dựng khu mới. Quân đoàn trưởng Trương Quốc Hoa trẻ tuổi, có năng lực, có lợi cho việc ở lâu xây dựng Tây Tạng.
Một đội quân ba vạn người đơn độc đi vào cao nguyên Tây Tạng bát ngát, nếu không làm tốt, có thể rơi vào nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Lưu, Đặng không thể không suy nghĩ tới điều đó. Do đó, trong khi quyết định để quân đoàn 18 vào Tây Tạng, Trung ương đã “bố trí các quân đội anh em ở Tân Cương, Thanh Hải và Vân Nam yểm hộ hai bên sườn” để khi cần có thể giúp đỡ. Bố trí được hình thành như sau: Quân đoàn 18 từ tây Tứ Xuyên tiến đến Đặng Kha, Đức Lạc, Ba Đường ở bờ phía đông sông Kim Sa; trung đoàn 126 của quân khu Vân Nam tiến đến Cống Sơn, chi đội kỵ binh Thanh Hải tiến đến Ngọc Thụ; sư đoàn kỵ binh độc lập của Tân Cương tiến đến Vu Điền; ngoài ra, còn một trung đoàn tinh nhuệ tiến theo Đức Khâm, Khoa Mạch, theo sông Ra Lu Chang Pu tiến về phía tây, phối hợp và chi viện cho quân đoàn 18. Có một trận thế như vậy, “quân” tiến vào Tây Tạng tuy không nhiều, nhưng “lực” lại không nhỏ.
Đặng để đại quân ở ngoại vi mà cho một ít lực lượng tiến vào là xuất phát từ sự suy xét về chính trị, đồng thời có thể đối phó với mọi hành động quân sự lớn, đề phòng không xảy ra thất lợi.
Quân sự chỉ là hậu thuẫn, chính trị vẫn đi trước. Đặng chỉ thị cho bộ đội vào Tây Tạng thành lập “Phòng nghiên cứu Chính trị” chuyên nghiên cứu những vấn đề chính sách khi tiến quân vào Tây Tạng. Ông nhắc nhở bộ đội: chính sách là sinh mạng cần phải liên hệ chặt chẽ, dựa vào quần chúng, dùng chính sách đúng đắn để dẹp tan những lời đồn đại hoang mang do bọn phản động trong và ngoài nước tung ra, xoá bỏ những ngăn cách và thành kiến tích luỹ trong lịch sử, đoàn kết mọi giới tăng lữ và nhân dân yêu nước dưới lá cờ yêu nước chống đế quốc. Ông còn cho soạn thảo “nguyên tắc và kỷ luật tiến quân”, yêu cầu bộ đội phải gương mẫu chấp hành chính sách dân tộc của đảng, nghiêm chỉnh tuân thủ kỷ luật, tôn trọng phong tục tập quán của dân Tạng. Bộ đội dù có phải hành quân trong gió tuyết, cũng chỉ được ở lều bạt mà không được vào ở các đền chùa, cấp trên không chấp nhận thì không được vào nhà dân, không xâm phạm cái kim sợi chỉ của dân. Theo nói lại, có một chiến sĩ trên dường hành quân đã dùng chân đá một con chim ưng nằm ngang giữa đường, lập tức bị xử lý kỷ luật vì không tôn trọng phong tục đồng bào Tạng, vi phạm chính sách dân tộc và kỷ luật quân đội. Yêu cầu nghiêm khắc đó đã khiến dân Tạng gọi bộ đội là “người Hán mới” và “quân Bồ Tát”.
Tôn giáo là vấn đề rất nhạy cảm của Tây Tạng, cũng là then chốt quyết định việc thành bại của việc giải quyết bằng chính trị. Đặng nhiều lần nhắc nhở bộ đội phải chú ý giữ gìn chùa chiền Lạt Ma, tôn trọng tín ngưỡng của tăng lữ và nhân dân. Sau này, bộ đội đi trước chuẩn bị vào La Sa, Đặng tự mình nhắc nhở: Sau khi đến La Sa, khi hội kiến Đạt Lai Lạt Ma, nếu ông ta đề xuất việc xoa đầu, thì có thể không giữ sự gò bó của quân kỷ, mà để ông ta xoa đầu, còn cần thay mặt cán bộ, chiến sĩ tặng lễ vật cho ông ta.
Ngày 25.2.1950, Trung ương đánh điện chỉ thị cho Cục Tây Nam: “Kế hoạch tiến vào Tây Tạng của chúng ta là kiên quyết không thay đổi, nhưng có thể dùng mọi biện pháp đàm phán với Đạt Lai Lạt Ma, để Đạt Ma ở lại Tây Tạng hòa giải với chúng ta”. Căn cứ chỉ thị đó, Đặng quyết đoán đưa biện pháp giải quyết vấn đề Tây Tạng ngả sang hướng hòa bình. Ông tự mình soạn ra 10 chính sách làm điều kiện đàm phán hòa bình với nhà đương cục Tây Tạng. Nội dung chủ yếu là: Nhân dân Tây Tạng đoàn kết lại, đuổi thế lực xâm lược Anh, Mỹ khỏi Tây Tạng; thực hiện quyền tự trị của dân tộc Tây Tạng; giữ nguyên trạng mọi chế độ hiện hành ở Tây Tạng, địa vị và chức quyền của Phật sống Đạt Lai không hề thay đổi, các quan chức giữ nguyên chức vụ; thực hiện quyền tự do tôn giáo, giữ nguyên chùa chiền Lạt Ma, tôn trọng tự do tín ngưỡng và phong tục tập quán của nhân dân Tây Tạng; duy trì chế độ quân sự hiện hành của Tây Tạng, quân đội hiện có của Tây Tạng trở thành một bộ phận của quân đội nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; phát triển ngôn ngữ, văn tự và trường học của Tây Tạng; phát triển nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bản của Tây Tạng, cải thiện đời sống nhân dân; toàn bộ việc cải cách ở Tây Tạng phụ thuộc vào ý chí của nhân dân, do nhân dân Tây Tạng và những người lãnh đạo Tây Tạng bàn bạc giải quyết; với những quan chức trước kia thân Anh, Mỹ và thân Quốc dân Đảng, chỉ cần họ cắt đứt quan hệ với Anh, Mỹ và Quốc dân đảng, không phá hoại và chống đối, thì đều để giữ chức, không xét chuyện cũ; Trung quốc Nhân dân Giải phóng quân tiến vào Tây Tạng là để củng cố quốc phòng.
Sau này, Chính phủ nhân dân Trung ương và Chính phủ địa phương Tây Tạng ký kết hiệp nghị hòa bình giải phóng Tây Tạng gồm 17 điều là căn cứ vào 10 điều đó mà phát triển lên. Điều càng thú vị là, một số nội dung của chính sách đó có nhiều điểm tương tự với chính sách do Đặng đề ra để giải quyết vấn đề Đài Loan, Hương Cảng vào những năm 80.
Mười chính sách đó xuất phát từ sự suy xét đầy đủ đối với lịch sử và hiện tình xã hội Tây Tạng, chiếu cố đến lợi ích của mọi tầng lớp. Có nhân sĩ đại biểu dân tộc Tạng sau khi xem có cảm giác là những chính sách đó rộng rãi quá. Đặng nói: “Cần phải rộng rãi một chút. Đó là thực chứ không phải là giả, không phải là lừa đối các ông đâu. Vì vậy, chính sách này có ảnh hưởng rất lớn, sức mạnh của nó không nên đánh giá thấp”
Đề phòng bộ đội vào Tây Tạng mang theo quan điểm đấu tranh giai cấp, không quen nhìn cảnh bọn chủ nô áp bức bóc lột nô lệ, phạm vào bệnh nôn nóng, vi phạm chính sách, Đặng nhắc nhở cán bộ chiến sĩ, gặp trường hợp đó, nên một mắt mở một mắt nhắm. Đó không phải là vấn đề giác ngộ giai cấp hay không mà “Nhiệm vụ trung tâm trong công tác dân tộc của chúng ta là giữ vững đoàn kết, xoá bỏ ngăn cách”
Vậy cử ai đi làm sứ giả hòa bình? Cục Tây Bắc trước cử hai tốp, một tốp bị đuổi về, một tốp bị giữ lại. Cục Tây Nam có một người rất lý tưởng, là ủy viên chính trị quân khu Tây Nam, phó chủ tịch tỉnh Tây Khang, một bạn người Tạng mà Chu Đức kết giao trên đường trường chinh, là Phật sống Cách Đạt ở chùa Cam Tư Bạch Lợi. Khi Cách Đạt tình nguyện vào La Sa khuyên hòa, Đặng tán dương tinh thần yêu nước của ông, nhưng cho ông biết tình hình La Sa rất phức tạp, khuyên ông không nên vội đi. Nhưng Cách Đạt kiên quyết xin đi, Đặng phải tôn trọng ý nguyện của ông và viết một bức thư đề nghị Cách Đạt chuyển giao cho Đạt Lai Lạt Ma, nói rõ quyết sách sáng suốt và lòng thành thực của Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng muốn hòa bình thống nhất Tổ quốc. Đáng tiếc là Phật sống Cách Đạt chưa hoàn thành sứ mạng hòa bình thì đã bị ám hại tại Xương Đô. Đặng hết sức tiếc thương, đã tổ chức đại hội truy điệu, viết lời điếu, gọi Cách Đạt là “Quang vinh tuẫn quốc, vĩnh thùy bất hủ”. Để biểu dương hình tượng “bất hủ” đó. Ngày nay ở Cam Tư có dựng một bức tượng hữu nghị giữa tổng tư lệnh Chu Đức với Phật sống Cách Đạt.
Khuyên hòa không thành, tiên lễ hậu binh. Chính trị đi trước, nhưng có lúc cũng cần mở đầu bằng quân sự. Nhà đương cục Cát Độ do nhiếp chính Đạt Trát cầm đầu đã ép Đạt Lai đời 14 chạy đến A Đông, với ý đồ đưa Đạt Lai ra nước ngoài, và điều động hơn một nửa số quân Tạng khoảng 9 đại bản (tương đương trung đoàn) cộng thêm 3000 dân quân bố phòng dọc sông Kim Sa phía đông Xương Đô và ở khu vực phụ cận Xương Đô, hòng dùng vũ lực chống lại Quân giải phóng vào Tây Tạng. Trong tình hình đó, Đặng quyết định lấy đánh để thúc đẩy đàm cho nhà đương cục biết sức mạnh để họ biết vương sư là không thể ngăn được.
Trận đánh diễn ra rất đẹp. Lưu, Đặng chỉ dùng một lực lượng nhỏ dương công để thu hút địch, và dùng bộ đội chủ lực tiến hành bao vây vu hồi hai bên nam bắc Xương Đô. Qua 20 ngày chiến đấu, quân ta tiêu diệt hoàn toàn 6 đại bản quân Tạng và một phần của 3 đại bản còn lại, tranh thủ động viên một đại bản khởi nghĩa, tổng cộng tiêu diệt 5.700 người là quân chủ lực của Tây Tạng, giải phóng hoàn toàn Xương Đô, mở toang cánh cửa vào Tây Tạng.
Trước thế tiến công quân sự mạnh mẽ, tầng lớp trên của Tây Tạng phân hóa mạnh mẽ, lực lượng yêu nước lâu nay bị kiềm chế (phái Ban Thiền) nay phát triển càng vững vàng; còn những phần tử thân đế quốc (phái Lạt Ma) bị đả kích nặng nề, bắt đầu dao động. Sau thắng lợi Xương Đô, việc giải quyết vấn đề Tây Tạng lại trở lại biện pháp hòa bình. Chính phủ trung ương yêu cầu nhà đương cục dịa phương Tây Tạng nhanh chóng cử đại biểu về Bắc Kinh đàm phán, đồng thời tỏ ý trước khi đạt được hiệp nghị hòa bình, tạm thời không tiến quận về La Sa. Bộ đội và nhân viên công tác tiến vào Xương Đô, tuân theo chỉ thị của Đặng đẩy mạnh công tác tuyên truyền dùng hành động thực tế để gây ảnh hưởng tới nhân dân Tạng. Chu Ân Lai thông qua ấn Độ, tác động với chính phủ địa phương Tây Tạng, thúc đẩy tầng lớp trên phân hóa thêm một bước. A Bây, A Oang Dịch Mê và một số quan chức địa phương ở Xương ĐÔ hai lần đưa thư lên Lạt Ma xin đàm phán hoà bình. Dưới sức ép nhiều mặt, Đạt Lai Lạt Ma buộc nhìn thẳng vào hiện thực, cử đoàn đại biểu địa phương Tây Tạng do A Bây, A Oang Dịch Mê cầm đầu đi đàm phán.
Đoàn của A Bây đến Trùng Khánh, được tổ chức đảng và Chính quyền, quân đội ở Tây Nam nhiệt tình tiếp đãi. Đặng tán dương cao độ A Bây, A Oang Dịch Mê vào giờ phút then chốt đã hiểu rõ đại nghĩa, tiến hành sự lựa chọn lịch sử, trình bày với họ 10 chính sách để giải phóng hoà bình Tây Tạng và đề nghị Đạt Lai từ A Đông trở về đàm phán, hết sức nhấn mạnh rằng những chính sách trên là chân thành, mong họ xoá bỏ mọi hiềm nghi, thúc đẩy hòa đàm đi tới thành công.
Tháng 5.1951, Chính phủ nhân dân Trung ương ký kết với Chính phủ địa phương Tây Tạng bản hiệp nghị về biện pháp giải quyết hoà bình vấn đề Tây Tạng. Tháng 7, Quân Giải phóng nhân dân chia nhiều đường tiến vào La Sa. Ngày 9-10, bộ đội đi trước đến La Sa, ngày 26-10, bộ đội chủ lực tiến vào La Sa. Đặng đã không phụ lòng mong đợi đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ lịch sử tiến quân vào Tây Tạng.
Vấn đề còn lại là làm thế nào để quản lý Tây Tạng, một khu vực có tình hình đặc biệt này. Năm 1952, Đặng được điều lên trung ương công tác, nhưng luôn luôn chú ý tới vấn đề Tây Tạng: “Thí dụ như thực hiện khu tự trị dân tộc chúng ta có cử cán bộ không? Cử là cần thiết, nhưng nhất định phải ít mà tinh”. Ông nói với Trương Quốc Hoa: mỗi huyện nhiều nhất cử 5, 6 người tới bồi dưỡng cán bộ người Tạng, tìm hiểu tình hình, làm tốt việc đoàn kết. Cơ cấu ở Tây Tạng cần hết sức tinh giản, phương thức công tác phần nhiều dùng lời, hạn chế dùng giấy tờ. Cơ quan các cấp đều tiếp nhận cán bộ người Tạng vào làm việc. Đặng chủ trương bồi dưỡng cán bộ người Tạng bằng ba nguồn: Một là, chọn trong nông nô một số có khổ lớn thù sâu bồi dưỡng tại chỗ thành cốt cán. Hai là, lập các trường dạy người Tạng ở Thiểm Tây, Hàm Dương. Ba là, đưa một số ưu tú về học viện dân tộc ở Thành Đô, Bắc Kinh đào tạo lâu dài. Những biện pháp đó nằm trong mưu lược “Dùng người Tạng quản lý người Tạng”.
Mục tiêu cuối cùng của việc tiến quân vào Tây Tạng là thực hiện chính sách dân chủ. Đặng hiểu rõ vấn đề này rất nhạy cảm: “Chúng ta xác định, trong dân tộc thiểu số, do trước kia có mâu thuẫn rất sâu với người Hán, tình hình rất phức tạp, nên không thể dùng lực lượng bên ngoài để áp đặt và phát động đấu tranh giai cấp, không thể bằng biện pháp bên ngoài để tiến hành cải cách”, “cải cách là cần thiết, không tiến hành cải cách thì không xóa bỏ được tình trạng nghèo nàn trong dân tộc thiểu số, không xoá bỏ nghèo nàn thì không xóa bỏ được lạc hậu. Nhưng chính sách đó cần đợi tới khi điều kiện nội bộ của dân tộc thiểu số có đủ đã mới tiến hành được”. Đặng nói, vấn đề này có “chậm một chút cũng không có quan hệ gì”.
Năm 1956, các tỉnh khác trên đại lục đua nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội, chính sách dân chủ ở Tây Tạng đã nên làm chưa? Hiệp định về hoà bình giải phóng Tây Tạng có mấy điểm ghi rõ là “không thay đổi”, nếu ngày nay thay đổi, sẽ có quan hệ đến sự ổn định của đại cục. Đặng chủ trì hội nghị Ban bí thư, nhiều lần thận trọng thảo luận vấn đề này, nhận thấy thời cơ cải cách ở Tây Tạng vẫn chưa chín muồi, xác định kỳ hạn 6 năm chưa cải sách. Nhằm vào những ý kiến khác nhau về chính sách trong các cán bộ tây Tạng, Đặng nói rõ: Sáu năm nữa, chưa cải cách ở Tây Tạng là điều khẳng định. Mọi việc từ nhân viên, bộ máy, sự nghiệp, tài chính đều đình chỉ, đình chỉ càng nhanh càng tốt, nhân viên điều về càng nhanh càng tốt. Phương châm thu lại đó là căn cứ vào tình hình chính phủ địa phương Tây Tạng không muốn thay đổi hiện trạng, và đã có một vài nơi phản loạn bài xích người Hán. Phản loạn đã phát sinh thì cần có quyết sách đối phó. Đối với việc phản loạn ở Tây Khang đến Tây Tạng, ngoài lực lượng thời kỳ đầu, Đặng chỉ thị “Nhà đương cục Tây Tạng vẫn giữ nguyên bản chất cũ. Hiện nay không phát động quần chúng, chỉ chỉnh đốn đội ngũ, kết bạn và học tập. Trong xã hội, cũng không nên tuyên truyền chủ nghĩa xã hội. Bộ đội vũ trang phản loạn ở Tây Khang đến Tây Tạng, ngoài lực lượng của bản thân chính quyền Tây Tạng, chúng ta không cần cử người đi đánh. Bộ đội ở Tây Tạng tuân theo chỉ thị, co về các tuyến giao thông và cứ điểm, có một số lui về nội địa.
Bọn phản loạn hiểu sai sự kiềm chế và nhân nhượng của Đặng, chúng càng lấn tới, khiến cuộc phản loạn không ngừng leo thang, đến 1958 diễn biến thành cuộc phản loạn vũ trang mang tính toàn cục. Lúc đó, Đặng trao đổi sách lược với Trương Quốc Hoa: Nếu bọn phỉ uy hiếp cơ quan đảng chính quyền và tuyến giao thông thì phải đánh, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh. Giao thông cần được bảo vệ. Hai biện pháp đồng thời tiến hành, trước hết chú trọng dường giao thông, đồng thời bảo vệ lực lượng. Sáu năm không thay đổi, nhưng xuất hiện rối loạn do họ chịu trách nhiệm.
Mấy hôm sau, Trương Quốc Hoa và một số cán bộ về Tây Tạng để bố trí việc quân sự. Đặng lại trực tiếp dặn việc quyền biến với họ: “Ngươi không phạm đến ta thì ta không phạm đến ngươi. Củng cố trận địa của mình, bảo đảm giao thông. Nếu bị uy hiếp giao thông và chắc thắng thì đánh, Giải phóng quân không nên khinh xuất khi chiến đấu, không nên khinh suất sử dụng bộ đội, Còn thời gian bốn năm nữa, còn dài lắm.
Co về là để giành chủ động, chủ động về chính trị, lấy thoái làm tiến. Không lâu sau, Đặng lại có chỉ thị quan trọng về vấn đề Tây Tạng: Sáu năm không thay đổi, phương châm co về không thay đổi, co về là đúng. Nếu bọn thống trị muốn thay đổi thì là việc khác, không quan hệ đến ta. Nếu họ muốn thay đổi, chúng ta sẽ phát động quần chúng. Phương châm cải cách hòa bình không thể thay đổi, nhưng khó có thể hoàn toàn giải quyết bằng hòa bình. Chúng ta cần phải chuẩn bị.
Co về và nhân nhượng đến đầu năm 1959, lực lượng vũ trang phản loạn tiến công toàn diện vào bộ đội ở Tây Tạng. Kỳ hạn sáu năm chưa hết, nhưng “ngươi đã phạm đến ta”, điều đó chứng tỏ rằng nhà đương cục Tây Tạng đã xé bỏ hiệp nghị và họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Thế là từ 20-3, bộ đội đã co về các tuyến giao thông tiến hành cuộc đấu tranh dẹp loạn toàn diện từ La Sa. Lúc này, vấn đề cải cách cũng dễ giải quyết, bộ đội dẹp loạn theo chỉ thị vừa đánh trận vừa cải cách. Khí thế như gió quét lá khô, chỉ trong một thời gian ngắn, đã xoá bỏ chế độ nông nô phong kiến ở Tây Tạng. Đến tháng 3.1962, vừa hết kỳ hạn 6 năm, toàn bộ cuộc nổi loạn trong nội địa Tây Tạng đã được dẹp yên. Đồng thời, thời đại chuyên chế của quý tộc và tăng lữ trên cao nguyên Tây Tạng cũng vĩnh viễn kết thúc, thay vào đó là một Tây Tạng mới xã hội chủ nghĩa.
Tướng âm Pháp Đường, người năm đó theo Đặng Tiểu Bình tiến quân vào Tây Tạng nhớ lại: Tuy năm tháng qua đi tang thương biến đổi, nhiều chuyện lịch sử đã dần dần phai nhạt, nhưng việc đồng chí Đặng Tiểu Bình tiến quân vào Tây Tạng, dẹp cuộc phản loạn ở Tây Tạng, đóng góp công lao và có sự cống hiến đặc biệt với việc hoàn thành cải cách dân chủ ở Tây Tạng thì sẽ vĩnh viễn được ghi khắc trên nóc nhà của thế giới.
6.2. Đối với Đài Loan, Mao Trạch Đông ôm mối hận như lục du; chính sách một quốc gia hai chế độ, thống nhất bằng biện pháp hòa bình của ông Đặng phù hợp với nhân dân hai bờ eo biển
Nhà báo Mỹ Oalaisơ hỏi Đặng Tiểu Bình: “Có gì là cần thiết mà phải thống nhất Đài Loan với Trung quốc?”. Câu hỏi đó có điểm ngớ ngẩn, chứng tỏ người nước ngoài không hiểu về chính trị, văn hóa Trung quốc. (“xuân thư đại nhất thống đó là lẽ thường của trời đất, là điều thông suốt cổ kim” (Đổng Trọng Thư). Trung quốc thời Tần Thủy Hoàng gồm thâu 6 nước, quân vương các triều đại đều xây dựng một giang sơn nhất thống, coi việc giữ gìn bản đồ thống nhất là thiên thu đại nghiệp. Rất nhiều nhân sĩ trí thức để lại niềm cảm thán “cảm thương không thấy chín châu đồng” (Chín châu - tức Cừu Châu, là quan niệm của người Trung Hoa về Trung quốc - Người dịch).
Năm 1949, tuy Đảng Cộng sản chiếm được thiên hạ, nhưng chưa đạt tới thống nhất vì Đài Loan và đại lục còn tách rời nhau. Mao Trạch Đông nhất định đòi giải phóng Đài Loan, nhưng vẫn chưa được toại nguyện, đã ôm mối hận như Lục Du (Lục Du, nhà yêu nước, nhà thơ lớn thời Nam Tống, người luôn mong muốn giành lại phần đất phía bắc bị nước Kim chiếm, nhưng ông chết mà không được chứng kiến việc đó - Người dịch).
Đặng Tiểu Bình quyết tâm hoàn thành đại nghiệp thống nhất mà người trước chưa thực hiện được, cho đó là một trong ba nhiệm vụ lớn của thập kỷ 80. Ông nói về hai lý do cần thống nhất: Trước hết là vấn đề tình cảm dân tộc. Phàm là con em dân tộc Trung Hoa, ai cũng hy vọng Trung quốc thống nhất. Trường kỳ không thống nhất, biết đâu có một ngày Đài Loan sẽ thoát ly Tổ quốc, vĩnh viễn biến mất trên bản đồ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nếu đó là kết cục của việc tranh giành giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản, thì sẽ nói với nhân dân thế nào, nói với con cháu đời sau thế nào?
Đương nhiên, chỉ nói là chúng ta đều là con cháu Viêm Hoàng thì cần thống nhất trong một quốc gia, vẫn chưa đủ lý lẽ. Những di dân sang châu Mỹ, châu úc đều là con cháu đời sau của các dân tộc châu Âu, nhưng họ nhất định đòi độc lập thoát khỏi sự bảo hộ của nước tổ tiên, tự lập thành quốc gia, sống riêng rẽ. Đối với Đài Loan, Đặng nghĩ tới điều quan trọng nhất là chủ quyền và lãnh thổ hoàn chỉnh của quốc gia. “Nếu Đài Loan không thống nhất với đại lục thì địa vị là lãnh thổ Trung quốc sẽ không được bảo đảm, không biết ngày nào sẽ bị người khác chiếm đi”
Hai thập kỷ 50 và 60, sở dĩ Mao Trạch Đông liên tục cho pháo kích Kim Môn, Mã Tổ, giữ trạng thái nội chiến giữa hai bờ eo biển, với tư thế muốn giải phóng Đài Loan, mục đích là để “cho trưởng Giới Thạch gần lại chúng ta một chút”, đề phòng vấn đề Đài Loan bị quốc tế hoá. Sau khi Trung quốc và Mỹ xây dựng quan hệ ngoại giao, vấn đề Đài Loan từ chỗ tranh chấp chủ quyền biến thành vấn đề nội chính của Trung quốc, nhưng trên quốc tế vẫn có người nghĩ tới việc (TQ) đánh Đài Loan. Vấn đề Đài Loan trở thành một quả bom nổ chậm trong lịch sử quan hệ Trung-Mỹ, tự nhiên cũng trở thành một mối lo trong lòng Đặng. Đặng luôn luôn phải tiến hành việc chọn lựa khó khăn giữa việc bảo vệ lãnh thổ hoàn chỉnh với việc duy trì quan hệ Trung - Mỹ. Khi nào Đài Loan thống nhất với Trung quốc, quả bom nổ chậm đó sẽ được tự động tháo gỡ. Cần thống nhất là điều không có gì phải nghi ngờ. Chỉ có hai phương pháp để lựa chọn: giải quyết bằng vũ lực và đàm phán hòa bình. Tuy Đặng không loại bỏ khả năng dùng vũ lực, nhưng trước sau ông vẫn cho rằng dùng vũ lực là hạ sách. Người Trung quốc đã nếm đủ nỗi khổ chiến loạn, hiện nay cần tập trung tinh lực xây dựng bốn hiện đại Để thống nhất, thực hiện một cuộc nội chiến nữa sẽ phải trả giá rất lớn. Vả lại, Đài Loan đã có một năng lực phòng vệ mạnh nếu đánh sẽ thương vong không ít. Làm tổn hại đến nhân dân Đài Loan, rồi lại phải ổn định tình hình ở đó, là một việc rất phiền phức. Hai bờ eo biển nếu đánh nhau, tất động chạm tới toàn bộ khu vực Đông Nam Á, có khả năng khiến quan hệ giữa Trung quốc với các nước Đông Nam Á trở nên căng thẳng gây tổn hại cho hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương và ổn định quanh vùng là điều đã có được một cách không dễ dàng. Đài Loan rút cục không phải là Thiên An Môn, rất nhiều nước phương Tây có lợi ích ở đó. Nếu chiến tranh thực sự xảy ra, khó giữ cho nước ngoài không nhúng tay vào, như vậy sẽ khiến cho quan hệ giữa Trung quốc với các nước Mỹ, Nhật, châu Âu trở nên phức tạp, làm hỏng cục diện mới về ngoại giao vừa mới mở ra. Tất cả những điều đó đều bất lợi cho sự nghiệp bốn hiện đại.
Thập kỷ 50, 60, ở hai bên eo biển, 2 đảng Cộng sản và Quốc dân đảng đều dốc sức vào việc thống nhất, một bên đòi “giải phóng Đài Loan”, một bên đòi “phản công đại lục” đều muốn nuốt sống đối phương, thống nhất đối phương vào tay mình. Kết quả, chẳng ai nuốt được ai, lại làm cho mâu thuẫn thêm sâu, hai bên thù địch nhau hơn 80 năm. Cứ căng thẳng mãi như thế thì sẽ có ngày nổ ra xung đột, thậm chí chiến tranh. Xung đột chỉ làm cho nút thắt càng chặt, cuối cùng chỉ có dùng vũ lực để quyết định sống mái trên chiến trường. Nếu vũ lực không giải quyết được thì chỉ có một con đường. Đài Loan độc lập, ai đi đường ấy, đi vào ngõ cụt chia rẽ dân tộc.
Không thống nhất không được, giải quyết bằng vũ lực không thỏa đáng, kéo dài nhiều năm cũng không phải là biện pháp hay. Nhiều năm nay, Đặng luôn suy nghĩ để tìm biện pháp, làm sao không dùng vũ lực mà dùng phương pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, thoát ra khỏi ngõ cụt.
Thời cuối Minh đầu Thanh, Trịnh Thành Công đã thu phục Đài Loan từ tay thực dân Hà Lan, đời sau ca ngợi ông là anh hùng dân tộc. Nhưng triều Thanh lại coi chính quyền của họ Trịnh ở Đài Loan là lực lượng nằm bên ngoài giang sơn nhất thống, và tiến hành phong tỏa, bao vây. Đến năm Khang Hy, nhà Thanh đã đổi chính sách thảo phạt bằng vũ lực sang chính sách chiêu dụ hòa bình, hai lần cử người ra Đài Loan đàm phán. Kết quả, triều Thanh công nhận vai trò của họ Trịnh ở Đài Loan và mở cửa ven biển để cùng buôn bán, họ Trịnh đồng ý quy phục, xưng thần nộp cống. Nhưng, sau này lại sử dụng vũ lực, Khang Hy sai danh tướng Thi Lang, người có công dẹp loạn Tam Phiên đi bình định vùng biển. Qua chiến đấu kịch liệt, Thi Lang đã chiếm được Bành Hồ “giành lại vùng biển dài hàng ngàn dặm với hơn một triệu dân” từ tay họ Trịnh. Tại sao cục thế hoà bình bị phá vỡ? Nguyên do là họ Trịnh tuy thần phục nhưng “theo lệ Triều Tiên, không chịu tết bím tóc và thay đổi trang phục” theo phong tục Mãn Thanh. Khang Hy thì cho rằng “Triều Tiên xưa nay là nước ngoài, còn họ Trịnh là người Trung quốc”, không thể coi như nhau. Đó là một tư duy kỳ quái về sự đại nhất thống của Trung quốc: nước ngoài thì không quản được, nên có thể khác; còn người Trung quốc dưới quyền cai trị thì không cho phép được khác, xưng thần nộp cống vẫn chưa kể là thống nhất, còn yêu cầu ăn mặc và đầu tóc phải thống nhất. Chỉ vì không nhân nhượng về điểm đó, mà không tránh được chiến tranh. Nếu Khang Hy nghĩ thoáng hơn một chút, cho phép người Đài Loan giữ trang phục và đầu tóc khác, không cần dùng tới lực lượng vũ trang, thì Đài Loan đã chẳng thuộc về Trung quốc hay sao?
Lịch sử nền văn minh Trung quốc trong mấy ngàn năm luôn xoay quanh việc chia rồi hợp, chiến rồi hòa. Người ta ai cũng ghét chiến tranh, có biết đâu rằng quá nửa số cuộc chiến tranh là để thống nhất. Thống nhất là việc tốt có thể tránh khỏi chiến loạn, nhưng bản thân thống nhất lại phải thực hiện bằng chiến tranh. Tại sao thống nhất khó khăn như thế, không dùng chiến tranh thì không dược? Trong đó ít nhất có một nửa nguyên nhân là do yêu cầu thống nhất quá hà khắc. Gọi là thống nhất tức là bên này nuốt sống bên kia, muốn không bị nuốt sống, chỉ có một cách là dùng vũ lực chống trả hoặc khoanh vùng tự chủ. Kẻ thống trị độc tôn không cho phép kẻ bị thống trị có chút nào khác biệt. Kiểu thống nhất như thế đương nhiên không dùng vũ lực thì không thể đạt được. Rất nhiều kẻ thống trị vì mục đích bình định thiên hạ, thống nhất quốc gia đã hao mòn sức lực, thậm chí bươu đầu sứt trán. Nếu nghĩ thoáng hơn một chút, hạ thấp tiêu chuẩn thống nhất xuống một chút không gò ép chư hầu bốn phương phải tuyệt đối nhất trí với vương triều trung ương, làm cho dung lượng thống nhất được nới rộng ra, có thể tiếp nhận sự khác biệt, thì chiến tranh chẳng phải có thể tránh được sao?
Đài Loan và đại lục đã phân liệt đối kháng hơn 30 năm, căn nguyên là do chế độ và chủ nghĩa hai bên khác nhau, hai bên đều có tư duy chính trị giống nhau, cho rằng trong một nước không thể có hai chủ nghĩa. Có thể nói tới thống nhất, nhưng phải dùng chủ nghĩa của mình để thống trị đối phương. Thống nhất mang ý nghĩa một sống một chết, bên này nuốt sống bên kia. Bên nào cũng muốn nuốt sống đối phương và sợ đối phương nuốt sống mình. Vì thế mà đối chọi nhau, trong khi những nước thù địch trước kia nay đã hòa dịu, thì hai bên eo biển lại vẫn không hòa hợp được với nhau. Vì vậy mà phải suy nghĩ rất nhiều: Giữa các nước còn có thể bỏ qua sự khác biệt về chế độ và hình thái ý thức để bắt tay hòa hảo, tại sao cùng là con cháu Viêm Hoàng lại không thể vượt qua điểm đó, cứ để sự khác biệt về chế độ gây trở ngại cho sự nghiệp thống nhất?
Chẳng lẽ máu không đậm đặc hơn nước, không nuốt sống đối phương thì không thỏa dạ? Tại sao không nghĩ thoáng hơn một chút, gác sang một bên sự tranh chấp về chế độ, trước hết nắm điều chủ yếu là giải quyết vấn đề thống nhất đất nước.
Đặng khuyên mọi người nghĩ thoáng hơn một chút: “Nhà đương cục Đài Loan đề ra yêu cầu phải thống nhất theo chủ nghĩa Tam Dân, ít nhất cũng tỏ ra thiếu nhận thức về hiện thực. Có thể dùng chế độ của mười mấy triệu dân Đài Loan để thống nhất đại lục có 1.100 triệu dân sao?” Tương tự, đại lục muốn dùng chế độ xã hội chủ nghĩa để thống nhất Đài Loan cũng không làm được, trừ phi dùng vũ lực. Dùng vũ lực cưỡng ép đối phương tiếp thu, cũng có thể gây nên hỗn loạn lớn. Dù không xảy ra xung đột, Đài Loan cũng sẽ bị tiêu điều, để lại nhiều di chứng. Đó không phải là hy vọng muốn có của Đảng Cộng sản với Đài Loan. Hai bên đã không dễ nuốt sống nhau, thì phải tôn trọng hiện thực, thừa nhận sự khác biệt, hạ thấp tiêu chuẩn thống nhất xuống một chút, thực hiện biện pháp tôi không thanh toán anh, anh cũng không thanh toán tôi, hai bên đều có thể tiếp nhận, hai bờ eo biển gác sang một bên sự khác biệt, thống nhất trong một quốc gia. Còn chế độ xã hội, lối sống và quan niệm giá trị của mỗi bên thì cứ giữ, anh theo chủ nghĩa tam dân, tôi theo chủ nghĩa xã hội, không ép nhau phải nhất trí. Như vậy, thì trở ngại cho thống nhất có thể gạt bỏ, hai bên có thể ngồi lại đàm phán với nhau.
Đặng đưa ra những điều kiện hòa đàm với Đài Loan rất rộng: Sau khi thống nhất, Đài Loan là một khu hành chính đặc biệt, tuy là chính quyền địa phương nhưng có những quyền lực đặc biệt mà không tỉnh, thành phố, khu tự trị nào có được: hoàn toàn tự thực hiện chính sách đối nội, chế độ xã hội, kinh tế hiện hành và lối sống có thể giữ nguyên không thay đổi, tư pháp độc lập, quyền chung thẩm không cần tới Bắc Kinh, miễn là không gây tổn hại đến hai ích thống nhất quốc gia là được. Đại lục không cử người đến Đài Loan, mọi hệ thống đảng, chính quyền, quân đội của Đài Loan do Đài Loan tự quản lý, chính phủ trung ương vẫn để ngoài danh sách. Đài Loan có thể phát triển quan hệ kinh tế văn hóa đối ngoại, chỉ cần thay đổi danh nghĩa là “Đài Loan Trung quốc” chứ không phải “Trung Hoa dân quốc”, tỏ rõ thay mặt cho Trung quốc trên quốc tế chỉ có nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Quân đội là vấn đề gay cấn nhất. Theo lẽ, đã là một nước, thì ít nhất ngoại giao và quốc phòng phải thống nhất. Trong vấn đề Hương Cảng, Đặng nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa quân đội sang: “Đã là lãnh thổ Trung quốc thì tại sao không được đóng quân?”, “Ngoài việc đóng quân, Trung quốc còn có gì để thể hiện việc thực hiện chủ quyền ở Hương Cảng nữa?”. Nhưng Đài Loan có chỗ khác. Trong thập kỷ 40, hai đảng Quốc-Cộng đã có mấy lần hòa đàm, nhưng đều tan vỡ vì vấn đề quy thuộc quân đội. Nay nếu lại đề xuất việc đóng quân tại Đài Loan, thì nhà đương cục Đài Loan nhất định sẽ không tiếp nhận, vì khó mà giải thích được là “tôi sẽ không nuốt sống anh”. Đặng dứt khoát không đòi hỏi ngay cả điểm đó nữa, hứa là sau khi thống nhất, vẫn để Đài Loan giữ nguyên quân đội, có điều cần đổi tên, không thể gọi là “Quốc quân”, còn gọi là gì thì có thể bàn bạc trong đàm phán.
Tuy sau khi thống nhất, Đài Loan nhất định chỉ là chính phủ địa phương, nhưng nghĩ đến thể diện của Trung quốc, không nêu ra là đàm phán giữa trung ương và dịa phương, mà gọi là đàm phán giữa hai đảng. Chỉ có hai đảng đàm phán, chứ không để người nước ngoài nhúng tay như thập kỷ 40 thì sẽ có hậu hoạn vô cùng lớn. Trên thế giới này còn có quốc gia nào mà chính phủ đề ra một chính sách sáng suốt như vậy? Đài Loan sau khi thống nhất chỉ thay đổi quốc kỳ, quốc huy, còn hầu như vẫn như cũ. Việc thống nhất như vậy có gì tổn hại cho Đài Loan? Nhà đương cục Đài Loan nếu vẫn không hướng về Tổ quốc thì thật là khó nói.
Điều kiện và thành ý của Đặng về thống nhất Tổ quốc khiến nhà đương cục Đài Loan khó cự tuyệt. Mọi cái đều có thể thương lượng, còn đòi hỏi gì nữa? Đồng thời, trước sau Đặng vẫn không đưa ra lời hứa từ bỏ phương thức thống nhất không hòa bình. “Chúng ta không thể hứa như vậy. Nếu nhà đương cục Đài Loan vĩnh viễn không đàm phán với chúng ta, lẽ nào chúng ta có thể từ bỏ sự nghiệp thống nhất Tổ quốc? Đương nhiên không thể khinh suất sử dụng vũ lực, nhưng, không thể từ bỏ biện pháp sử dụng vũ lực Đó là sự suy xét về chiến lược”. Một là thống nhất, hai là hòa bình, ba là vũ lực, quyết tâm thống nhất và thành ý hòa bình đều công khai. Nếu nhà đương cục Đài Loan không muốn mang tội chia rẽ, không muốn mạo hiểm về quân sự, thì họ chỉ còn một sự chọn lựa: ngồi lại đàm phán.
Vì giá đề ra đã rất thấp, phía Đài Loan chỉ có thể nhận đàm phán trên cơ sở đó, mà khó đề xuất thêm yêu cầu gì. Có thể Đài Loan không hài lòng với vai trò “chính phủ địa phương”, muốn tranh địa vị chính thống với Đảng Cộng sản, nhưng Đài Loan có thể coi đại lục với 1.100 triệu người là chính phủ địa phương chăng? Một quốc gia chỉ có một chính phủ trung ương, nếu lập ra hai trung ương, ngang hàng nhau thì coi như thực hiện “một Trung quốc một Đài Loan”, không còn thống nhất nữa. Làm sao có thể có lý lẽ “Một nước hai chính phủ”? Đòi tự trị chăng, thì đã có đầy đủ rồi, ngay quân đội vẫn còn có thể giữ, có thể gọi là tự trị đến cao độ. Còn đòi tự trị nữa, trở thành “hoàn toàn tự trị”, thì có khác gì một nước độc lập, lại chẳng thành “hai Trung quốc” sao? Tất cả những cuộc mặc cả có thể có như vậy chỉ khiến người ta thấy là thiếu thành ý hòa bình thống nhất. Mưu lược hạ thấp tiêu chuẩn thống nhất của ông Đặng đã chặn đứng mọi luận cứ của Đài Loan muốn chia rẽ, đòi độc lập.
Đặng nói với các bạn Mỹ: “Biện pháp áp dụng một nước hai chế độ, không những chỉ giải quyết việc thống nhất Trung quốc, mà lợi ích của Mỹ cũng không bị tổn hại” Người Mỹ vẫn có thể buôn bán với Đài Loan như cũ và giao dịch với Đài Loan, có điều cần làm rõ là giao dịch với một tỉnh của Trung quốc, cần phải tôn trọng ý kiến của Bắc Kinh, không thể coi Đài Loan là một “hàng không mẫu hạm không thể bị đánh chìm” để đối phó với Trung quốc nữa.
Có thể có người nói thống nhất như thế chỉ là danh nghĩa, thực chất là không thống nhất. Theo tiêu chuẩn cũ mà xét thì đúng như vậy, nhưng như thế có quan hệ gì? Thực chất thống nhất hay không là vấn đề nội chính, có thể để bước sau, chỉ cần thống nhất trên danh nghĩa, địa vị Đài Loan là một bộ phận của Trung quốc được bảo đảm. “Dù mọi chế độ mà nó thực hiện không thay đổi, nhưng tình hình sẽ ổn định”. Một số người muốn muốn việc Đài Loan để gây chuyện cũng không còn cách gì, điểm nóng trong quan hệ Trung - Mỹ cũng được trừ bỏ. Những ai muốn gây chuyện với Trung quốc phải tìm đề tài khác. Tình hình đã ổn định, cũng dễ nói với nhân dân. Đặng chỉ nới rộng một chút, càng không cần tốn một phát đạn cũng hoàn thành được đại nghiệp thống nhất mà người trước chưa làm xong. Đại lục không bị thua thiệt gì, ít nhất là về chính trị vẫn được bảo đảm, Đài Loan dù đặc biệt thế nào cũng vẫn là chính phủ địa phương. Một số người chưa thoát khỏi khuôn sáo cũ có thể thấy việc thống nhất như thế chưa thỏa đáng, chưa triệt để nuốt sống được đối phương. Điều đó không quan trọng. Đặng có thể giải thích, thuyết phục bằng “chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc riêng của Trung quốc”, không nuốt sống không những không có gì hại, mà lại có lợi. Hai bờ eo biển không còn phải nhăm nhăm súng đạn, không còn lo Đài Loan độc lập, không lo nước ngoài nhúng tay. Còn mâu thuẫn giữa hai chế độ, có thể dần dần giải quyết sau.
6.3. Hai chế độ chung sống hòa bình, đó là cách nghĩ mới mẻ, trong lịch sử phong trào cộng sản thế giới chưa bao giờ cóMưu lược quan trọng để Đặng Tiểu Bình làm sống động quan hệ đối ngoại của Trung quốc là chung sống hòa bình, vượt qua những khác biệt về chế độ xã hội và hình thái ý thức giữa các quốc gia.
Qua sự suy xét sâu thêm, Đặng phát hiện nguyên tắc chung sống hòa bình cũng là một biện pháp tốt để giải quyết một số vấn đề trong nội bộ một quốc gia. Dùng biện pháp một quốc gia hai chế độ để giải quyết vấn đề thống nhất Trung quốc, sau khi thống nhất, trên một tỷ dân dại lục vẫn tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đài Loan và Hương Cảng vẫn cứ xây. dựng chủ nghĩa tư bản của họ, Bắc Kinh không phái người đến, anh không nuốt sống tôi, tôi cũng không nuốt sống anh, thế chẳng phải là chung sống hòa bình hay sao?
Suy luận theo lôgích một nước hai chế độ cũng chỉ có thể như sau: 50 năm không thay đổi và cả hai bên đều không thay đổi, không những chủ nghĩa tư bản ở Hương Cảng, Đài Loan không thay đổi, mà chủ nghĩa xã hội ở lục địa cũng không thay đổi, kết luận chỉ có thể là chung sống hòa bình, ít nhất cũng là chung sống 50 năm.
Đó là cách nghĩ mới mẻ chưa từng có trong lịch sử phong trào cộng sản thế giới. Quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản xưa nay vẫn được coi là một mất một còn, sao có thể “chung sống hòa bình”? Trong và ngoài nước đều có người cho rằng Đặng làm như thế là một sự thách thức với cơ sở của hình thái ý thức xã hội của Đảng Cộng sản Trung quốc. Nhưng Đặng đã sớm có sự đối phó: “Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc riêng của Trung quốc”, “mầu sắc riêng đó, nội dung rất quan trọng là sự giải quyết vấn đề Đài Loan, Hương Cảng, áo Môn”, “có thể cho phép tồn tại hai chế độ”
Đúng là, chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc riêng của Trung quốc đã dung nạp mấy đặc khu kinh tế và hơn 20 thành phố mở cửa. Những nơi đó đều cho phép tư bản nước ngoài tồn tại, mà vẫn không làm thay đổi được chế độ xã hội chủ nghĩa ở đó. Chủ nghĩa xã hội đã có thể chung sống hòa bình với tư bản nước ngoài, tại sao lại không thể chung sống hòa bình với tư bản trong nước? Đặng chỉ cần mở rộng một chút khái niệm về đặc khu kinh tế, là có thể tìm thấy chỗ đứng cho Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan trong tương lai trong chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc riêng của Trung quốc. Từ “đặc khu kinh tế” đến “khu hành chính đặc biệt” chỉ là sự mở rộng hợp lôgích, mà chỉ thêm hai chữ “hành chính”. Theo lôgích đó suy luận tiếp, Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan sau khi thống nhất với đại lục sẽ không cần vội vã thay đổi quan hệ sản xuất ở những nơi đó, chẳng qua chỉ là thêm vào trong bản đồ của nước Cộng hòa mấy vùng có chữ “đặc biệt” mà thôi. Đương nhiên, hai chế độ chung sống hòa bình không có nghĩa là lực lượng ngang nhau. Đặng nhấn mạnh “Một quốc gia hai chế độ, ngoài chủ nghĩa tư bản còn có chủ nghĩa xã hội là chủ thể của Trung quốc, vùng rộng lớn gồm hơn 1 tỷ dân vững vàng xây dựng chủ nghĩa xã hội”. “Đó là một tiền đề, không có tiền đề đó thì không được. Dưới tiền đề đó, có thể cho phép thực hiện chủ nghĩa tư bản trong khu vực nhỏ và phạm vi nhỏ ngay bên cạnh mình” Đó đại thể là vì ông thấy chủ nghĩa xã hội còn chưa hoàn toàn phát huy được ưu thế so với chủ nghĩa tư bản (trước nửa đầu thế kỷ sau). Nếu không có ưu thế về số lượng (diện tích và nhân khẩu), mà cứ chung sống trong tình trạng “nửa cân tám lạng”, thì chủ nghĩa xã hội rất có khả năng bị chủ nghĩa tư bản dần dần “nuốt sống”. Đến lúc đó Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan bao nhiêu năm không thay đổi sẽ được bảo đảm nhưng phía đại lục sẽ thay đổi. Như vậy “hai chế độ”sẽ chẳng thành “một chế độ” sao? Đặng nói như vậy, chủ yếu là làm công tác với phía mình: Xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể không có đảm lược và dũng khí đó. Đồng thời cũng tỏ rõ thái độ của người cộng sản với bên ngoài: Đại lục không thể vì tính linh hoạt một nước hai chế độ mà vứt bỏ nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, địa vi chủ thể của đại lục là sự thực rành rành, đại lục có hơn 1 tỷ dân, Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan cộng lại mới có 25 triệu, “càng quan trọng hơn là chính quyền nằm trong tay chúng ta” Trừ phi Đảng Cộng sản chủ động vứt bỏ chủ nghĩa xã hội, nếu không dù Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan dù có phát triển thế nào cũng không thay đổi được hiện thực của hơn một tỷ dân đại lục. Lại nói về mặt chính trị, đã là một nước thì chỉ có một chính phủ trung ương. Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan dù có đặc thù thế nào, tự trị thế nào, cũng chỉ được coi là chính quyền địa phương. Không nói Hương Cảng, áo Môn, riêng Đài Loan rất có khả năng không phục, muốn tranh quyền chính thống với Đảng Cộng sản. Nhưng Đài Loan sao có thể gọi đại lục là chính quyền địa phương được?
Chính phủ trung ương cố nhiên là có thể để dành chỗ cho Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan, song bản thân chính phủ trung ương cũng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Như vậy, Đài Loan chỉ có thể nhận địa vị là chính quyền địa phương. Dù cho phép họ còn có quân đội, thì cũng chỉ có thể là quân đội địa phương. Quân đội địa phương nếu xung đột với quân đội quốc gia, thì ai có lý ai vô lý chẳng đã rõ ràng sao? Còn có gì đáng sợ nữa? Có thể cũng có “ảnh hưởng” tư bản. Nhưng cần biết rằng hai chế độ lại ở hai khu vực khác nhau, mà ở giữa còn có sự cách ly bởi các đặc khu kinh tế của chủ nghĩa xã hội nữa. Sau khi Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan thống nhất với đại lục, những đặc khu kinh tế như Thẩm Quyến sẽ trở thành dải đất đệm, có thể làm giảm rất nhiều làn sóng xung kích của chủ nghĩa tư bản vào đại lục các đặc khu ven biển có thể ví như bộ lọc, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa bản trong một phạm vi nhất định, đồng thời tận khả năng hấp thu tác dụng tích cực của nó.
Hương Cảng và Đài Loan không thể nuốt được đại lục xã hội chủ nghĩa, vấn đề còn lại là đại lục có thể nuốt sống chủ nghĩa tư bản ở Hương Cảng, Đài Loan không? Đại lục có nhà lý luận đưa ra lý luận: “Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đã cùng sống với nhau trên trái đất lâu như thế, tại sao chúng lại không thể cùng tồn tại và chung sống trong một quốc gia?” Kỳ thực, sự so sánh đó không hoàn toàn thỏa đáng, không thể suy từ “cùng một trái đất” thành “cùng một quốc gia”. Hai chế độ mà Đặng nói không giống với hai chế độ của các nước độc lập trong pháp luật quốc tế Hai chế độ của các quốc gia độc lập sở dĩ không thể cùng chung sống hòa bình là vì có sự bảo đảm về chủ quyền quốc gia. Một quốc gia này muốn thay đổi chế độ nội bộ của một quốc gia khác thì gọi là “can thiệp vào chính trị nội bộ”, không thể được quốc tế chấp nhận. Còn sự chung sống hòa bình giữa hai chế độ trong một quốc gia thì lấy gì để bảo đảm? Đặng đưa ra sự bảo đảm từ bản thân nền thống nhất quốc gia và chủ nghĩa xã hội: “Nếu không bảo đảm cho Hương Cảng và Đài Loan thực hiện chế độ tư bản, thì sẽ không thể bảo đảm sự phồn vinh và ổn định của họ, và cũng không giải quyết được vấn đề hoà bình thống nhất Tổ quốc”
Các nhân sĩ ở Hương Cảng, Đài Loan không rõ điều đó rút cục là sự nhượng bộ về nguyên tắc hay sự tính toán về sách lược. Đặng không phủ nhận đó là sách lược mặt trận, nhưng ông thừa nhận đó “không phải là sự bồng bột tình cảm nhất thời, cũng không phải là trò lừa bịp”, mà do lợi ích chiến lược của sự phát triển lớn mạnh của Trung quốc quyết định. Lý do là, dưới tiền đề chủ nghĩa xã hội là chủ thể, cho phép thực hiện chủ nghĩa tư bản trong một phạm vi nhỏ, không những không thay đổi được chỉnh thể là tính chất xã hội chủ nghĩa của Trung quốc, mà ngược lại, có lợi cho việc phát triển và lớn mạnh của chủ nghĩa xã hội ở Trung quốc. Đã có lợi cho chủ nghĩa xã hội, thì chủ nghĩa xã hội sao lại nuốt sống đi? Hai chế độ chung sống hòa bình, bổ sung cho nhau, thúc đẩy lẫn nhau, sau cùng có khả năng tiếp cận nhau. Điều đó rút cục có phải là sự nhượng bộ về nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội hay không, điều đó tùy thuộc vào những người lãnh đạo sau này hiểu “nguyên tắc” là thế nào.
Nhân tố thực sự khiến cho hai chế độ mất đi sự cân bằng, phá vỡ cục diện chung sống rất có thể không phải là mâu thuẫn về mặt kinh tế giữa chế độ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, mà là giữa trung ương và địa phương đối đãi thế nào với nhau về mặt chính trị. Có người nói đại lục tạm thời chưa nuốt sống Hương Cảng, Đài Loan, là vì lực lượng của chủ nghĩa xã hội còn chưa đủ, tới khi chủ nghĩa xã hội phát triển lớn mạnh rồi, thì sẽ không ngần ngại gì mà không nuốt sống. Chỉ cần sau khi thống nhất, đại lục hoàn toàn có năng lực dùng mọi phương thức thanh toán gọn mấy khu vực tư bản chủ nghĩa, coi đó là việc nội bộ, không lực lượng nước ngoài nào can thiệp được Bởi vì quyền chủ động ở trong tay đại lục, trong tay chính phủ trung ương, trong tay Đảng Cộng sản, nên nuốt sống hay không không phải là vấn đề năng lực mà là có muốn hay không. Thuyết đó chưa hẳn đã hợp với thực tế.
Thực tế đã không nuốt là bởi vì chủ nghĩa tư bản ở Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan phồn vinh có lợi cho sự phát triển chủ nghĩa xã hội ở đại lục, ít nhất cũng là lợi nhiều hơn hại. Chỉ khi sự tồn tại đó không có lợi cho đại lục, thậm chí uy hiếp, thí dụ trở thành căn cứ chống cộng, chống đại lục phát sinh động loạn, hòng làm thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa ở đại lục hoặc lật đổ địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tới mức một mất một còn, thì nhất định sẽ phải thanh toán, và có đầy đủ lý do để thanh toán: Ngươi không phạm đến ta, ta không phạm đến ngươi, ngươi đã phạm đến ta, ta đương nhiên sẽ phạm đến ngươi!
Nhưng, tính hai cực có thể duy trì được bao lâu? Đại lục có nuốt sống được Hương Cảng, Đài Loan không? Sự việc vẫn là do con người định đoạt, cần xem sự vận dụng chính sách của đại lục đối đãi với chủ nghĩa tư bản như thế nào, xét cho cùng, do những người ra quyết sách của hai phía đối đãi với nhau như thế nào, chỉ cần thỏa mãn hai điều kiện:
1)Đại lục giữ vững, không thay đổi chính sách cải cách mở cửa;
2) Đài Loan tương đối an phận, không công khai thách thức với chế độ hiện hành ở đại lục, đặc biệt là đối với địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Hai mặt đó, trong một trình độ nhất định lại có tác động nhân quả với nhau thì hai chế độ có thể tiếp tục chung sống hòa bình.
Hai ngàn năm trước, nhà chính trị Lã Bất Vi đã chẩn đoán chứng bệnh chính trị của Trung quốc bằng 6 chữ: “Một là trị, hai là loạn”. Hai chế độ khác nhau, thậm chí ngược nhau có thể trường kỳ tồn tại, chung sống hòa bình đều phát triển bình an vô sự như Đặng Tiểu Bình đã thiết kế, sẽ có ảnh hưởng to lớn không lường hết đối với mô thức chính trị đại nhất thống từ mấy ngàn năm nay ở Trung quốc. Nền chính trị Trung quốc luôn tuần hoàn giữa trị và loạn, hợp và phân trên cơ sở mâu thuẫn trường kỳ giữa trung ương và địa phương, không thoát ra khỏi vòng: nhất thống là chết, buông ra là loạn. Cho đến tận ngày nay, việc phân quyền thỏa đáng giữa trung ương và địa phương vẫn là một vấn đề rất khó nắm vững. Tuy Mao và Đặng đều đã bỏ ra rất nhiều công sức vào hai mặt đó, vẫn luôn luôn nhấn mạnh việc tập trung thống nhất của trung ương dễ hy sinh sức sống của địa phương mà nhấn mạnh sức sống của địa phương, trao quyền lực xuống dưới, lại có thể làm yếu quyền uy của trung ương, có mối nguy mất điều khiển về chính trị. Nếu tính năng đặc biệt của Hương Cảng, Đài Loan có thể dung hợp với sự tập quyền của Trung ương, thì sau này, người Trung quốc khi xử lý mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, tập quyền và phân quyền khẳng định sẽ ngày càng có lý trí, càng giàu tính hiện đại.