Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Mưu lược Đặng Tiểu Bình

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24056 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mưu lược Đặng Tiểu Bình
Xuân Duy, Quỳnh Dung

Phần 3- C

3.13. Đặng trao đổi kinh nghiệm cho Xihanuc: cần coi trọng giao lưu quốc tế rộng rãi. Có thể giao dịch với bất kỳ ai, trong quá trình giao dịch phải tìm lợi tránh hại. Theo cách nói của chúng tôi, đó là mở cửa với bên ngoài
Mưu lược kinh tế của Đặng Tiểu Bình khái quát lại chẳng qua có hai điều: cải cách bên trong, mở cửa với bên ngoài. Đặng trao đổi kinh nghiệm cho Xixanua (Tổng thống Môdămbích): “Xây dựng một đất nước, không nên đặt mình vào trạng thái đóng kín và địa vị cô lập. Cần coi trọng giao lưu quốc tế rộng rãi. Có thể giao dịch với bất kỳ ai, trong quá trình giao dịch phải tìm lợi tránh hại. Theo cách nói của chúng tôi, đó là mở cửa với bên ngoài”. Đặng coi việc mở cửa với bên ngoài là một quốc sách căn bản để mưu cầu phát triển cho Trung quốc, là xuất phát từ tầm nhìn “kinh tế thế giới”. Khoảng từ sau cách mạng công nghiệp, sự phát triển kinh tế của các nước trên thế giới ngày càng nhất thể hoá, khiến bất kỳ nước nào muốn phát triển đều không thể đóng kín cửa. Trung quốc trong một thời gian dài ở vào trạng thái đình trệ, lạc hậu, theo Đặng, một nguyên nhân quan trọng là đóng kín cửa. Tính từ giữa triều Minh đến chiến tranh nha phiến, có tới hơn ba trăm năm đóng kín cửa. Chiến tranh nha phiến đã khiến người Trung quốc phải nếm quả đắng của việc đóng cửa, thế là có cuộc vận động học tập phương Tây. Nhưng cuộc vận động này lại phá sản sau thất bại của cuộc chiến tranh trên biển năm Giáp Ngọ (tức chiến tranh Trung- Nhật 1894 - Người dịch). Từ đó, người Trung quốc ôm mối hận bị ngoại bang đè nén thay cho việc suy nghĩ phải học tập nước ngoài. Thắng lợi năm 1949 có thể coi là giành được độc lập dân tộc, nhưng con đường đi ra thế giới hầu như càng quanh co hơn. Các nước phương Tây không thừa nhận nước Trung Hoa mới xã hội chủ nghĩa, Mao Trạch Đông đành ngả hẳn về phía Liên xô. Như vậy cũng coi là mở cưa. nhưng mới mở hé được một nửa. Không lâu sau Trung -Xô phân liệt, nửa cánh cửa đó cũng bị đóng lại. Theo cách nói của Đặng, hơn 30 năm sau khi lập nước, trên một trình độ nhất định, vẫn là đóng cửa. Trong đó có nguyên nhân bên ngoài, tức “người ta phong toả chúng ta”, cũng có nguyên nhân bản thân, là quá tin vào kỳ tích tự lực cánh sinh. Trong đại cách mạng văn hóa, “nhóm bốn tên” mượn sự kiện tàu Phong Khánh, phê phán việc “sùng bái nịnh nọt phương Tây”. Đặng Tiểu Bình tranh cãi với họ: “Mới có một vạn tấn đã làm rùm beng. Năm 1920, khi sang Pháp du học tôi đã đi tàu ngoại quốc 5 vạn tấn” Đặng đã tổng kết nỗi đắng cay của việc đóng cửa lâu dài sau cuộc đi Tây Dương của Trịnh Hòa: “làm cho Trung quốc nghèo nàn lạc hậu, ngu muội vô tri”
Lại tổng kết bài học hơn 30 năm từ khi Đảng Cộng sản Trung quốc cầm quyền: “Đóng cửa lại xây dựng là không được, không thể phát triển lên được”. Kết luận là “Trung quốc muốn mưu cầu phát triển, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, thì phải mở cửa”
Đặng làm công tác tư tưởng với các lão đồng chí gần gũi với mình: “Nếu không mở cửa, mà lại đóng cửa như cũ, mà muốn trong 50 năm tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới, khẳng định là không thể được”. Hiện nay thị trường thế giới đều bị các nước phát triển chiếm hết, một nước chưa phát triển như Trung quốc mà giao dịch với họ thì thu được lợi gì? Đặng có cách nhìn của mình, nhìn vào ba vấn đề: tiền vốn, kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài. Những cái mà các nước phương Tây có, đó là điều vô cùng cần thiết cho Trung quốc.
Trung quốc muốn hiện đại hóa, nhưng vốn liếng mỏng, tiền bạc ít. Tiếp nhận và lợi dụng tiền vốn nước ngoài, theo Đặng, “là nguồn bổ sung không thể thiếu được”
Nói tới khoa học kỹ thuật, Đặng nói: “Nếu không mở cửa, chúng ta chế tạo xe hơi, sẽ vẫn cứ phải dùng búa nện chí chát như trước kia sao?”. Ngày nay tuy không phải dùng búa nữa, nhưng khoảng cách với các nước tiên tiến, theo Đặng, ít nhất cũng phải 30 năm nữa.
Mở cửa với bên ngoài là nhu cầu nội tại của kinh tế Trung quốc để hướng ra thế giới. Đặng làm một con toán, thực hiện mục tiêu chiến lược của bước thứ ba, tổng giá trị sản lượng quốc gia cả năm sẽ đạt 1000 tỷ đô la. Đến lúc đó “Sản phẩm của chúng ta sẽ làm thế nào? Hoàn toàn tiêu thụ trong nước chăng? Cái gì cũng tự làm lấy sao? Vẫn cứ phải nhập từ ngoài một số và bán ra ngoài một số”. Cho nên Đặng nói: “Nếu không có chính sách mở cửa, thì tăng lên gấp bốn lần rất khó, và sau đó tiếp tục tiến lên lại càng khó hơn”. Theo thiết kế của ông, Trung quốc ít nhất trong 50 năm cũng không bỏ được chính sách mở cửa.
Việc mở cửa của Đặng không chỉ là nghiêng về một nước nào, mà là mở cửa toàn diện với mọi nước trên thế giới, bao gồm ba mặt:
Một là, mở cửa với các nước phát triển phương Tây. Đặng chủ yếu nhằm vào vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước đó.
Hai là, mở cửa với các nước thuộc Liên xô cũ và các nước Đông Âu. Với những nước này, không trông mong gì có vốn, nhưng có thể buôn bán, hợp tác kỹ thuật, đổi mới kỹ thuật hoặc góp vốn kinh doanh.
Ba là, mở cửa với các nước đang phát triển trong thế giới thứ ba. Những nước này còn chưa phát triển bằng Trung quốc, giao dịch với họ không bị thiệt, nên Đặng nói là có thể hợp tác về nhiều mặt.
Mở cửa về ba mặt đó, Đặng nhằm mục tiêu chủ yếu là các nước phát triển phương Tây, vì họ có cái mà công cuộc hiện đại hóa của Trung quốc cần tới, nhất là vốn và kỹ thuật. Đương nhiên, nhà tư bản không thể cho không vốn và kỹ thuật, Đặng chỉ cần tuân thủ quy tắc của chủ nghĩa tư bản, cho phép “những người giúp chúng ta về vốn và kỹ thuật sẽ thu được lợi ích không nhỏ hơn phần họ đã giúp đỡ chúng ta”. Cho người ta được lợi, được ăn quả ngọt, là nhằm mục đích lấy được vốn và kỹ thuật của họ để làm lợi cho ta.
Các nước phương Tây chiếm ưu thế về vốn và kỹ thuật, Trung quốc giao dịch với họ, rõ ràng là chịu thiệt, vậy phải làm thế nào? Đặng không thể không chấp nhận điều đó ông tính toán được mất, tạm thời chịu thiệt một chút, thậm chí chịu bóc lột một chút, chỉ cần để đổi lấy sự phát triển cho Trung quốc, đặt cơ sở để sau này trong giao lưu trên thế giới, Trung quốc sẽ có sức mạnh để không chịu thiệt nữa. Như vậy cũng đáng để trả giá rồi.
Ngoài ra, còn phải xét tới mặt chính trị: tiếp nhận vốn nước ngoài, có thể làm mất cái gốc là chủ nghĩa xã hội không? Đặng tin rằng không thể, dù có tiếp nhận mấy chục tỷ, mấy trăm tỷ tiền vốn nước ngoài cũng không thể làm tan rã được cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa, vì cơ sở đó rất lớn, dù mở cửa thế nào, dù vốn nước ngoài đổ vào bao nhiêu, thì tỷ lệ cũng vẫn là rất nhỏ, không thể gây ảnh hưởng đến chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa.
Với “những cái của phương Tây”, Đặng đã lựa chọn theo nguyên tắc tìm lợi tránh hại. Khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của phương Tây là sản phẩm của nền sản xuất lớn xã hội hóa, bản thân không có tính giai cấp, có thể mạnh dạn tiếp nhận để dùng cho mình. Còn chế độ chính trị và quan niệm giá trị phương Tây thì Đặng cho rằng không nên du nhập, nếu du nhập thì sẽ không có lợi cho ổn định xã hội và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.
Đương nhiên, trong hiện thực, rất khó mà tách biệt hoàn toàn mặt lợi và hại. Đặng thừa nhận rằng trong khi tiếp nhận vốn và kỹ thuật phương Tây, khẳng định rằng có thể kèm theo những nhân tố tiêu cực. Có nhân tố tiêu cực thì đóng cửa lại chăng? Không, Đặng cân nhắc lợi hại, thấy rằng “những nhân tố tiêu cực xen vào, so với hiệu quả tích cực mà vốn nước ngoài giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển, thì ít hơn rất nhiều”. Ngoài ra, nhân tố tiêu cực cũng không khó khắc phục. Đặng đã có biện pháp, đó là biện pháp Đặng đã dùng để kiềm chế mặt cải cách mở cửa: Giữ vững bốn nguyên tắc cơ bản, trừng trị nghiêm khắc các hoạt động phạm tội, tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước v. v..
Trải qua hơn 10 năm cố gắng, Đặng đã đưa nước Trung Hoa già nua từng bước, từng bước tiến ra thế giới. Trước mắt đã hình thành việc mở cửa toàn diện đi từ bước mở cửa ở các đặc khu kinh tế, các thành phố ven biển, các khu vực mở cửa đến việc mở cửa trên toàn lục địa.

3.14. Có thể khoanh một vùng gọi là đặc khu. Thiểm-Cam-Ninh là một đặc khu. Trung ương không có tiền các đồng chí hãy tự làm, mở một con đường máu tiến lên
Đặng Tiểu Bình đã nghĩ tới đặc khu kinh tế như thế nào? Theo nói lại, ý nghĩ nảy ra tại hội nghị công tác trung ương vào tháng 4.1979. Trong hội nghị, những người phụ trách tỉnh ủy Quảng Đông là Tập Trọng Huân, Dương Thượng Côn nói tới việc cần phát huy ưu thế của Quảng Dông, Đặng luôn tiện đề ra ý tưởng lập đặc khu kinh tế: Có thể khoanh một vùng gọi là đặc khu. Thiểm - Cam - Ninh là một đặc khu. Trung ương không có tiền. Các đồng chí hãy tự làm, mở một con đường máu tiến lên. Sau, cử Cốc Mục dẫn một tổ công tác đến Quảng Đông, Phúc Kiến khảo sát, chọn Thẩm Quyến, Chu Hải, Sáu Đầu và Hạ Môn làm đặc khu. Kiến nghị đó được chấp thuận vào tháng 7 trong năm. Từ đó, trên bản đồ xã hội chủ nghĩa của Trung quốc nảy ra bốn bông hoa có mầu sắc đặc biệt. Đặc khu là cửa sổ mở ra bên ngoài, cần móc nối với thế giới tư bản, cho phép tồn tại một số nhân tố tư bản chủ nghĩa. Như vậy là không giống với chế độ xã hội chủ nghĩa trên toàn đại lục.
Trên thế giới, chưa có nước xã hội chủ nghĩa nào tiến hành cuộc thí nghiệm như vậy. Đặng dùng một chữ “đặc” để giải thích: Chính sách ở đặc khu khác với các khu vực khác, không như thế thì sao gọi là đặc khu? Ông nhớ tới biên khu Thiểm - Cam - Ninh năm nào, đó là một khu vực đặc biệt trong thời Quốc dân đảng. Ông và Mao Trạch Đông cùng những đồng chí khác chính là đã từ khu Xô viết Trung ương - biên khu Thiểm - Cam - Ninh - khu giải phóng Hoa Bắc đó để mở một con đường máu tiến lên.
Ngày nay, vì sự nghiệp hiện đại hóa, tại sao lại không làm một lần nữa?
Trung ương không có tiền, nhưng có chính sách. Hạt nhân của chính sách đó là trao quyền tự chủ cho địa phương. Còn đặc khu, thì cần phải đặc biệt, để cho họ tự làm lấy. Tháng 7.1979, Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc và Quốc vụ viện cho phép hai tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến thực hiện chính sách đặc biệt, áp dụng những biện pháp đặc biệt trong hoạt động kinh tế. Hai tỉnh lại mở rộng mô hình đó, thực hiện chính sách đặc biệt trong bốn đặc khu thuộc vùng của mình. Có người so sánh: Những đặc khu trong lục địa cho phép tư bản nước ngoài lợi dụng sức lao động và tài nguyên thiên nhiên còn ưu đãi hơn cả Hương Cảng và Đài Loan nữa.
Trung ương chỉ cho chính sách mà không cho tiền, đặc khu liền biến chính sách thành tiền, dựa vào tiền vốn đầu tư, trước hết là tiền vốn của Hoa kiều và của Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan để tự phát triển. Thẩm Quyến giáp với Hương Cảng, Chu Hải giáp với áo Môn, Sáu Đầu thì vì có nhiều người Triều Châu ở các nước Đông Nam Á, Hạ Môn thì vì có rất nhiều người nam Phúc Kiến buôn bán ở ngoại quốc Đặng tin rằng chỉ cần nới rộng chính sách, cung cấp nhiều ưu đãi, cho người ta mối lợi, đồng thời chú ý đến tín dụng, thì người Hoa ở nước ngoài, thương gia Hoa kiều sẽ ưu tiên đầu tư vào đại lục, thương nhân nước ngoài cũng sẽ nối gót, như vậy đặc khu sẽ giống như hồ chứa nước, thu hút vốn nước ngoài đổ vào.
Mưu lược đó quả nhiên đem lại hiệu quả. Theo thống kê, hai tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến thông qua đặc khu, trong năm đầu đã thu nút được khoản đầu tư là 1, 7 tỷ đô la, chiếm 43, 5% tổng số vốn đầu tư trong cả nước cùng thời gian đó.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng thu nhập ngoại tệ tăng thêm việc làm, làm kinh tế địa phương phồn vinh là một trong những mục đích lập đặc khu của Đặng Tiểu Bình, nhưng không phải là tất cả, thậm chí không phải là mục tiêu chủ yếu. Theo nhận xét của Đặng, đặc khu không phải là kho vàng, mà là cửa sổ: “Cửa sổ về kỹ thuật, cửa sổ về quản lý, cửa sổ về tri thức, cửa sổ về chính sách đối ngoại. Từ đặc khu có thể nhập kỹ thuật, học được tri thức, học được cách quản lý”. Đó mới là những cái có ý nghĩa chiến lược giúp cho kinh tế Trung quốc cất cánh. Rõ ràng Đặng dùng đặc khu làm cầu nhảy để đưa Trung quốc tiến ra thế giới, qua cầu nhảy đó mà tiếp cận khoa học kỹ thuật và phương thức quản lý tiên tiến trên thế giới, mở một con đường máu tiến ra vũ đài kinh tế thế giới.
Đặng đặc biệt đề cập tới cửa sổ về chính sách đối ngoại: “Đặc khu trở thành căn cứ địa để mở cửa, không những về mặt kinh tế, bồi dưỡng nhân tài đều có lợi cho ta, mà còn mở rộng ảnh hưởng đối ngoại của chúng ta”. Bốn đặc khu mở tại vùng tiếp giáp Hương Cảng, áo Môn, Đài Loan là thiết kế khôn khéo của Đặng. Theo nói lại, trước kia có người đã dựng một kính viễn vọng trên cao ở Hương Cảng để cho du khách quan sát tình trạng “nước sôi lửa bỏng” ở đại lục Trung quốc. Đặng hô khẩu hiệu, lập thêm mấy “Hương Cảng” mới, tức là mở thêm mấy cửa sổ để cho người ngoài xem thấy đại lục cũng có cái hấp dẫn, Đảng Cộng sản cũng có thể tạo được phồn vinh, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung quốc không hề thua kém chủ nghĩa tư bản. Năm 1984, Đặng đến thăm Thẩm Quyến, thấy có người trước đã kia xông pha nguy hiểm từ Bảo An chạy ra Hương Cảng, nay lại bị thu hút trở về. Đặng tin tưởng sự phát triển của đặc khu sẽ có tác dụng làm ổn định lòng người Hương Cảng, áo Môn, thu hồi chủ quyền ở Hương Cảng, áo Môn và thúc đẩy Đài Loan trở về với Tổ quốc. Năm 1997, Hương Cảng sẽ trở về với Tổ quốc, lúc đó tuyến biên giới giữa Hương Cảng và Thẩm Quyến sẽ không còn nữa, nhưng sự khác nhau giữa hai chế độ vẫn tồn tại. Nếu Thẩm Quyến vẫn là một thị trấn nhỏ lèo tèo như trước kia, thì thu hồi Hương Cảng lái chẳng thành một tai nạn hay sao?
Tác dụng của đặc khu không phải chỉ có một chiều, đối ngoại, nó là cửa sổ mở ra bên ngoài, đối nội, nó lại là một hình mẫu cải cách. Về cải cách thể chế kinh tế ở thành thị, ngay từ năm 1979 đã có rất nhiều thành phố làm thí điểm nhưng rất kỳ quái là những điểm đó mãi tới đầu năm 1984 vẫn không dựng lên được. May mà Đặng Tiểu Bình còn có nước cờ khác, dùng mở cửa để thúc đẩy cải cách, ông đưa rất nhiều biện pháp cải cách áp dụng ở đặc khu. Thí nghiệm cải cách ở đặc khu thuận lợi hơn ở các nơi khác rất nhiều. Vì đây là đặc khu, có thể phóng tay làm. Đây lại là khu vực nhỏ, có thất bại cũng không quan trọng lắm. Lúc đầu thí nghiệm, những người có thái độ hoài nghi, phản đối cũng không ít, nhưng lý do của họ không chống lại được sự phản bác: Đây là đặc khu, là thí nghiệm mà, để xem xem rồi hãy nói. Thành công của đặc khu coi như mở ra con đường máu trong thể chế kinh tế cứng nhắc từ bao lâu nay, cung cấp một khuôn mẫu cho cải cách thể chế kinh tế. Những năm 80, người đến Thẩm Quyến học tập kinh nghiệm cũng như những năm 70 người ta tấp nập đến học tập Đại Trại. Bản thân Đặng cũng không bỏ lỡ thời cơ, lợi dụng đặc khu làm nơi diễn giảng về cải cách mở cửa. Trước sau, ông tiến hành hai chuyến đi nổi tiếng tới đặc khu, mỗi lần đến đây cải cách tiến lên một bước lớn.
Chuyến đi Thẩm Quyến năm 1984 đã mở ra màn đầu cho cải cách ở thành thị. Chuyến tuần du phương Nam năm 1992 lại xúc tiến cương lĩnh kinh tế thị trường cho Đại hội lần thứ XIV Đa vít Trương bình luận: “Thí nghiệm về đặc khu kinh tế phù hợp với hai mục tiêu cách mạng của Đặng: Một là, mở cửa với bên ngoài. Hai là, làm sống động bên trong”.

3.15. Nếu ví 18.000 km bờ biển ở đông nam Trung quốc là một cái cung, thì Trường Giang chảy ngang từ tây sang đông qua 8 tỉnh đại lục sẽ là một mũi tên, mục tiêu là thế kỷ Thái bình dương
Sự phát triển của Trung quốc không thể tách rời khỏi thế giới. Với sự chỉ đạo bằng tư tưởng đó, Đặng Tiểu Bình đã biến đổi một cách có kế hoạch nền kinh tế hướng nội truyền thống thành nền kinh tế hướng ngoại. Trước kia vì lo ngại miền duyên hải không an toàn nên đã đặt các hạng mục trọng điểm ở hậu tuyến chiến lược gọi là “phòng tuyến thứ ba”. Đặng lại đưa tầm mắt nhằm vào “tiền tuyến”ven biển, dồn sức vào phát huy ưu thế của miền ven biển để dẫn dắt nội địa phát triển, mưu cầu sự mở cửa từng cấp từ duyên hải đến nội địa.
Đầu năm 1984, Đặng đi khắp ba đặc khu ven biển, sau khi trở về Bắc Kinh, triệu tập mấy đồng chí lãnh đạo trung ương, yêu cầu họ làm rõ tư tưởng chỉ đạo của cải cách mở cửa “không phải là đóng, mà là mở”. Đặng cảm thấy đặc khu Hạ Môn khoanh vùng hẹp quá, cần phải để cho toàn đảo Hạ Môn thành đặc khu. Đặc khu Hạ Môn không gọi là cảng tự do, nhưng có thực hiện một số chính sách của cảng tự do. Hành động mạnh dạn nhất của Đặng trong năm đó là mở cửa 14 thành phố cảng ven biển. Những thành phố này không gọi là đặc khu nhưng có thực hiện một số chính sách của đặc khu, thí dụ như cung cấp một số ưu đãi cho những thương gia nước ngoài đầu tư và cung cấp kỹ thuật, khiến cho họ có lợi; mở rộng quyền tự chủ cho những thành phố mở cửa đó, khiến họ có đầy đủ sức sống để triển khai hoạt động kinh tế. Làm như vậy thực tế là mở đường cho việc bắt đầu cải cách thể chế kinh tế toàn diện, thể hiện mưu lược của Đặng dùng mở cửa để thúc đẩy cải cách.
Bốn đặc khu kinh tế cộng thêm 14 thành phố mở cửa, gần như là đã xuyên suốt toàn bộ miền ven biển. Theo luồng suy nghĩ đó, Đặng lại đề xuất ý tưởng lập các khu khai phát kinh tế ven biển. Ý tưởng đó vào đầu năm 1985 đã hình thành phác thảo, đặt kế hoạch đi làm hai bước, trước hết làm ở các vùng tam giác châu Trường Giang, tam giác châu Chu Giang và vùng tam giác Hạ Chương Truyền ở nam Phúc Kiến, sau đó sẽ làm ở bán đảo Liêu Đông và bán đảo Giao Đông. Đặng dự kiến năm “khu” đó cộng thêm 18 “điểm” có trước thì có thể tạo thành một dải mở cửa từ Nam lên Bắc đủ để gây ảnh hưởng ra khắp nước và tiến vào thế giới.
Miền ven biển (đặc khu kinh tế, thành phố mở cửa, khu khai phát) muốn có tác dụng tiến ra thế giới và dẫn dắt toàn quốc, thì phải đứng chân ở kinh tế hướng ngoại, vốn liếng, kỹ thuật và sản phẩm đều “từ bên ngoài và ra bên ngoài”, tham dự vào quá trình giao lưu quốc tế, mở rộng xuất khẩu, đồng thời tăng cường liên hệ với nội địa, như cùng khai thác tài nguyên, liên hợp sản xuất sản phẩm chất lượng cao, trao đổi kỹ thuật và nhân tài.
Nhưng, những dự kiến đó mấy năm trước chưa thể hiện ở các đặc khu như Thẩm Quyến. Các đặc khu lợi dụng ưu thế của họ, bán đại bộ phận sản phẩm vào nội địa. Như vậy, đặc khu trở thành cầu nối để thương nhân nước ngoài nhảy vào nội địa Trung quốc, chứ không phải là cầu nối để Trung quốc nhảy ra nước ngoài. Năm 1984, khi khảo sát Thẩm Quyến, Đặng đã phát hiện ra vấn đề đó, đề ra yêu cầu chuyển từ hướng nội sang hướng ngoại, cho rằng nếu Thẩm Quyến chưa làm được như thế thì chưa thể chứng minh được rằng sự phát triển của nó là lành mạnh. Sau dó, đặc khu trải qua một cuộc chuyển đổi, lợi dụng vốn và kỹ thuật nước ngoài, xây dựng hệ thống sản xuất tư sản - công nhân - nông dân, tức là căn cứ vào nhu cầu xuất khẩu, phát triển công nghiệp gia công, căn cứ vào nhu cầu gia công để phát triển nông nghiệp và các ngành sản xuất khác. Đến năm 1987, đặc khu đã có trên 50% sản phẩm bán ra thị trường thế giới (Ngày nay, hàng của Quảng Đông đã bán trong tỉnh, trong nước và ngoài nước, mỗi nơi 1/3).
Sau khi mọi hoài nghi với đặc khu đã tiêu tan, Đặng bắt đầu nghĩ tới việc mở mang đảo Hải Nam, để xây dựng Hải Nam thành một đặc khu lớn nhất nước. Từ nhãn quan kinh tế hướng ngoại mà xem xét, Hải Nam là một mảnh đất qúy. Hải Nam và Đài Loan có diện tích xấp xỉ nhau, điều kiện tự nhiên cũng tương tự, giống như hai con mắt của Trung quốc ngoài biển Đông. Không hiểu tại sao trước kia chỉ nghĩ đến việc giải phóng Đài Loan mà để Hải Nam hoang phế lâu dài, khiến cho hai con mắt, một thì sáng long lanh, còn một thì mờ đục. So với thành tựu kinh tế của Đài Loan thì hiện trạng đảo Hải Nam thật bất lợi cho thanh danh của chủ nghĩa xã hội, và cũng là một thất sách lớn đối với việc mở mang vùng biển Trung quốc ở miền Nam và việc củng cố biên phòng ở vùng biển phía Nam. Theo tính toán của chuyên gia, vùng biển truyền thống của Trung quốc ở biển Nam có trữ lượng dầu khí khoảng 45 tỷ tấn, giá trị khoảng 1500 tỷ đô la. Các nước lân cận đã lần lượt khoan 500 giếng ở vùng này, mỗi năm lấy đi hàng trăm triệu tấn dầu khí, mà Trung quốc mãi tới năm 1990 mới có một mỏ chính thức có dầu. Hải Nam còn có 38% vùng biển đạt 80 vạn km vuông diện tích bị nước láng giềng vạch làm của họ, Trường Sa (nguyên văn gọi là Nam Sa- Người dịch) có hơn 320 đảo, trừ đảo Thái Bình do Quốc dân đảng chiếm cứ và đảo Thủy Thử do quân đội đại lục chiếm được năm 1988, còn lại đều trong tay nước ngoài. (* Khu vực biển Đông hiện đang có tranh chấp về chủ quyền giữa một số nước và lãnh thổ. Việt Nam luôn luôn khẳng định và có đầy đủ cơ sở cả lịch sử cũng như pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông - Biên tập ) Tạo thành cục diện bị động đó là do kinh tế Trung quốc lạc hậu và hướng nội, con mắt chỉ nhìn vào lục địa, coi nhẹ lâu dài việc khai thác ven biển và trên biển, chỉ sợ nông dân có thêm một chút đất phần trăm mà để một vùng biển lớn rơi vào tay nước ngoài. Đặng ý thức rằng việc khai thác đảo Hải Nam sẽ là một thắng lợi quan trọng, vì đó sẽ là trạm thứ nhất để Trung quốc tiến ra toàn bộ vùng biển Nam. (* Khu vực biển Đông hiện đang có tranh chấp về chủ quyền giữa một số nước và lãnh thổ. Việt Nam luôn luôn khẳng định và có đầy đủ cơ sở cả lịch sử cũng như pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông - Biên tập ) Nhưng mở mang Hải Nam, trung ương càng không có tiền, biện pháp vẫn là mướn gà đẻ trứng, dùng biện pháp mở cửa để thúc đẩy việc khai thác đảo. Kỳ thực, các nước xung quanh sở dĩ chiếm trước vùng biển Nam cũng là dùng biện pháp đó. Thí dụ như Việt Nam ngay từ thập kỷ 70 đã ký kết với Liên xô hiệp định hợp tác khai thác dầu khí ven biển. Mời nước ngoài đến khai thác thì tất phải để họ hưởng một số lợi, nhưng vẫn còn tốt hơn là để người chiếm mất. Bản thân mình được lợi một phần, và quan trọng hơn là có sự bảo đảm về chủ quyền. Năm 1988, Hải Nam chính thức được lập thành tỉnh. Nay việc mở cửa và khai phát trong đảo đã vươn tới Dương Phố ở bờ Tây và Tam á ở mũi cực Nam.
Đầu năm 1992 ông Đặng tuần du phương Nam đã đề xuất khẩu hiệu “đại khai phóng”, hình thành phong trào sôi nổi mở cửa ở “ba vùng ven”: Ven biển, ven biên giới và ven sông. Dọc theo hơn hai vạn km vuông biên giới trên bộ trong đại lục vốn là vùng cấm, đóng cửa, nay là một loạt cửa khẩu buôn bán và trao đổi hàng hóa nối tiếp nhau, việc buôn bán vùng biên giới phát triển rầm rộ. Lần mở cửa này được người ta quan tâm nhất là việc mở cửa ven sông, mà Thượng Hải là một cái đầu rồng. Trong một thời gian ngắn đã mở 12 cửa khẩu ven sông, và mở hơn 100 khu khai phát ở 23 thành phố ven sông. Đặng đặc biệt nhấn mạnh tác dụng của Thượng Hải. Ông nói khi đề ra làm bốn đặc khu kinh tế mà quên nghĩ tới Thượng Hải là “một sai lầm lớn”, hối hận đã không mở Phố Đông sớm mấy năm như Thẩm Quyến. Năm 1984, xếp Thượng Hải vào số thành phố mở cửa miền ven biển, nhưng đó mới coi như một thành phố thông thường thôi. Thượng Hải có cơ sở hùng hậu, có ưu thế về nhân tài vật lực. Nay Đặng muốn đưa con chủ bài này ra, khai phát Phố Đông, lợi dụng Thượng Hải làm căn cứ phát triển tam giác châu Trường Giang và toàn bộ lưu vực Trường Giang. Đặng cho rằng đó là dùng việc khai phát ven biển làm một con đường ngắn để dẫn dắt việc phát triển nội địa. Nếu ví 18. 000 km ven biển Đông Nam Trung quốc là một chiếc cung, thì sông Trường Giang chảy từ Tây sang Đông ngang qua 8 tỉnh nội địa sẽ là một mũi tên. Tên được lắp lên cung, mục tiêu tất nhiên là thế kỷ Thái Bình Dương.
Tháng 10.1991, báo “nhà kinh tế học” của Anh đã ca ngợi chiến lược mở cửa từ ven biển đến nội địa của Đặng: “Hiện nay vùng ven biển phía nam Trung quốc không những sống động về kinh tế mà còn là hạt nhân của màng lưới của dân tộc Trung Hoa vươn từ Đông á đến Đông- Nam Á. Màng lưới người Hoa này đã khiến cho Hoa kiều hải ngoại trở thành một lực lượng thương nghiệp chỉ kém có Nhật Bản. Tiền bạc, nhà máy, nhân viên quản lý và việc buôn bán đều thông qua con đường ngôn ngữ và huyết thống, không ngừng chảy vào Trung quốc”. Đặc khu ven biển, thành phố mở cửa và khu khai phát đã trở thành sợi dây nối liền Trung quốc với thế giới phương Tây, đồng thời lại trở thành một dây xích để kéo nền kinh tế nội địa Trung quốc phát triển.

3.16. Trong thiên hạ, không có ai không sợ bị thiệt. Chỉ nhưng người hiểu rõ mối quan hệ giữa bị thiệt và không bị thiệt, mới dám nói mà không sợ bị thiệt
Trong thiên hạ, không có ai không sợ bị thiệt. Chỉ những người hiểu rõ mối quan hệ giữa bị thiệt và không bị thiệt, mới dám nói là không sợ bị thiệt. Mở cửa với bên ngoài, thu hút vốn nước ngoài, lập “xí nghiệp tam tư”, thậm chí cho phép tư bản nước ngoài hoàn toàn bỏ vốn lập nhà máy ở Trung quốc, có một số người không thông, sợ bị thiệt. Không phải là sợ mình không được gì mà sợ người ta kiếm lợi mang về. Cho phép kinh tế cá thể, xí nghiệp tư nhân tồn tại và phát triển, cho một số người giàu lên trước, tuy cũng có chút đỏ mắt cay cú, nhưng những mối lợi đó cũng không phải dành cho người nước ngoài. Còn để cho người nước ngoài kiếm tiền mang về thì nghĩ không thông. Đặc biệt là khi liên hệ những tư bản với thương gia nước ngoài đó với bọn đế quốc trong ký ức. Cho “bọn đế quốc” được hưởng cái mà chúng dùng chiến tranh cũng khó đạt được chẳng phải là tạo thuận lợi cho chúng nhiều quá sao? Sợ người khác được lợi, nên cảm thấy mình bị thiệt.
Đặng Tiểu Bình nghĩ được: Đầu tư mà không có lợi thì ai còn muốn đến? Nguyên tắc của kinh tế hàng hóa là tự nguyện và cùng có lợi, thương gia nước ngoài được lợi không có gì quan trọng, điều then chốt là xem ta có dược lợi không, được lợi nhiều hay ít. “Thu hút nhiều vốn nước ngoài, nước ngoài cố nhiên được lợi, cuối cùng tất nhiên vẫn là chúng ta được lợi” “Người được lợi nhiều là nhà nước, là nhân dân, chứ không phải là chủ nghĩa tư bản”. Đặng tính toán từng khoản một:
Thu hút vốn nước ngoài qua xí nghiệp tam tư, giải quyết được vấn đề vốn cấp thiết cho xây dựng. Biện pháp giải quyết đó tốt hơn là đi vay nợ. Vay nợ thì phải trả, còn thêm cả tiền lãi nữa. Chung vốn kinh doanh, không mất tiền, không mang nợ, lại còn kiếm thêm được một ít, tại sao lại không làm? Thương gia nước ngoài có kiếm một số tiền mang về, nhưng chúng ta cũng không bị thiệt! Bản thân thu nhập của các xí nghiệp hợp tư hợp tác cũng thuộc về chúng ta một phần, ngoài ra chúng ta còn được thu thuế, được lợi về sức lao động nữa. Cộng cả lại, hiệu quả thực tế của kinh doanh hợp tư, quá nửa là thuộc về chúng ta. Ngay cả xí nghiệp do người nước ngoài hoàn toàn bỏ vốn, nhà nước cũng vẫn thu được thuế, công nhân cũng được lĩnh tiền lương, cũng không bị thiệt.
Còn có thể qua đó, học được khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, bồi dưỡng được nhân tài chuyên môn cần thiết cho hiện đại hóa. Đó là một thứ trao đổi không mất tiền học phí cũng học được, sao không tính đến điều đó?
Ta còn thông qua việc trao đổi buôn bán với nước ngoài mà tìm hiểu thông tin ở bên ngoài, hiểu rõ hiện tình thế giới, chuẩn bị cho việc đưa hàng hóa của chúng ta tiến vào thị trường quốc tế còn có thể phát triển một số ngành phục vụ cho tư bản nước ngoài, lập một số xí nghiệp kiếm lợi xung quanh các xí nghiệp nước ngoài, làm sống động nền kinh tế của chúng ta.
Người nước ngoài dùng tiền vốn và ưu thế kỹ thuật, lợi dụng giá sức lao động và tài nguyên rẻ của Trung quốc, kiếm tiền của chúng ta đem về. Về điểm đó, rõ ràng là chúng ta bị thiệt, bị thiệt do nghèo nàn lạc hậu. Nhưng để thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, “cần cho phép bị thiệt, không sợ bị thiệt, chỉ cần về lâu dài có lợi là có thể làm”. Trước mắt chịu thiệt một ít chính vì để sau này khỏi bị thiệt nhiều.
Có nhà bình luận nước ngoài nói Đặng Tiểu Bình là một người buôn bán sành sỏi. Đúng vậy, xuất phát điểm tính toán của người buôn bán không phải là sợ người khác được lợi mà là xem đối với mình có lợi không, có lợi nhiều hay ít. Nếu có lợi, hoặc được lợi lớn, hoặc được lợi về sau, thì có thể làm, hà tất phải sợ người khác được lợi? Lo người khác được lợi, kết quả lại là làm khổ mình.

3.17. Người ta bỏ tiền ra cho chúng ta vay còn không sợ, chúng ta sợ cái gì?
Bao nhiêu năm nay, người Trung quốc tự hào vì không nợ nước ngoài, cũng không có nợ trong nước. Đặng Tiểu Bình thì không như thế, ông nói: “Có một số nước vay nợ nước ngoài rất nhiều, không thể nói họ đều thất bại cả. Họ đã từ những nước lạc hậu về kinh tế nhanh chóng tiến lên thành những nước phát triển trung bình”. Trung quốc cũng là một nước lạc hậu. Có thể vay nợ nước ngoài một ít không? Dạng chủ trương ba điều: Một là, để tăng tốc độ phát triển, phải mạnh dạn vay nợ nước ngoài. Năm 1986, thành phố Thiên Tân chuẩn bị vay 10 tỷ đô la, sau khi được biết, Đặng không những không phê bình, mà còn động viên họ không nên sợ. “Người ta bỏ tiền ra cho chúng ta vay còn không sợ, chúng ta sợ cái gì?” Có lần Goócbachốp xin 7 nước phương Tây cấp viện trợ, họ còn không cho nữa là.
Hai là, vay nợ cần vừa mức, không nên vay quá nhiều. Đó là một nguyên tắc hiện thực. Vay nợ cần suy nghĩ tới khả năng trả nợ, nếu vay nhiều quá, trong một thời gian nhất định, tăng trưởng kinh tế không bù được tiền lãi, thì sẽ mang gánh nặng nợ nần, ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển, đi ngược lại mục đích vay nợ. Ba là, vay nợ phải dùng để phát triển sản xuất, mà không phải để bù vào khoản thiếu hụt tài chính. Vay nợ không đáng sợ là vì nó có thể giúp phát triển kinh tế, tăng cường lực lượng quốc gia, bây giờ tạm thời vay nợ là đế sau này khỏi phải vay nợ. Nếu vay nợ để giải quyết vấn đề ăn, thì càng vay càng bị động, rất khó thoát khỏi được thân phận nước đi vay nợ.

3.18. Phê bình cần đúng vào con người cụ thể mới được
Năm 1960, đúng là “bốn năm ba hạn” ở huyện Túc tỉnh An Huy có một kỳ tích: Một nông dân đã 70 tuổi vì phải chăm sóc người con có bệnh phổi nên không tham gia lao động tập thể, nên đương nhiên không được chia chút lương thực nào. Ông già không chịu chết đói, cũng không xin công xã cứu tế, ông chỉ xin cán bộ công xã mở ra một mắt lưới, cho phép ông mang con trai vào vùng núi dưỡng bệnh đồng thời sản xuất tự cứu. Hai cha con một già một ốm, rời khỏi “nồi cơm to” xã hội chủ nghĩa, hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự sống chết của mình. Ông già chỉ có một cái cuốc một cái cào bốn răng, khai khẩn được 16 mẫu đất hoang. Đến cuối năm, ông không những đủ lương ăn, hạt giống, thức ăn gia súc, mà còn nộp cho công xã được 1800 cân lương thực và nuôi gà bán được 60 đồng. Thu hoạch của ông thật khác hẳn tình hình trong toàn tỉnh An Huy lúc đó là khắp nơi đói khát không có lương thực. Việc đó đã gợi mở cho cán bộ và quần chúng: Chia ruộng cho các cá nhân phụ trách có thể nâng cao hiệu suất, thoát được cảnh khó khăn. Lời kêu gọi khoán ruộng cho từng hộ bay khắp An Huy. Mùa xuân năm sau, bí thư tỉnh ủy Tăng Hy Thánh viết thư cho Mao Trạch Đông, ra sức trình bày chỗ lợi của việc phân ruộng, giao trách nhiệm cho nông dân. Mao đồng ý làm thử, nhưng chỉ cho thử một năm. Mùa xuân năm 1962, liền phê phán là “làm riêng lẻ” và đình chỉ.
Việc đúng sai của chế độ phân ruộng theo trách nhiệm ở An Huy, Đặng biết rất rõ. Chính vì ông đã biện hộ cho việc khoán sản phẩm đến hộ bằng “lý luận con mèo” mà nảy sinh bất đồng với Mao về việc làm thế nào để cho chủ nghĩa xã hội sống động. Sau này, tuy Đặng bị đánh đổ hai lần, nhưng trước sau ông vẫn tin vào chế độ khoán trách nhiệm. Ông tin rằng chế độ khoán trách nhiệm sẽ làm thay đổi bộ mặt Trung quốc.
Năm 1978, trong đồ án cải cách lần thứ nhất của Đặng, chế độ khoán trách nhiệm chiếm một vị trí nổi bật. Những biện pháp tách riêng chính quyền và xí nghiệp, giao quyền xuống dưới, tách riêng hai quyền theo Đặng, đều thực hiện thông qua chế độ khoán trách nhiệm. Việc cải cách thành thị, nông thôn có năm trăm ngàn việc cụ thể, Đặng nắm vững sợi dây chính là khoán trách nhiệm. “Nội dung cải cách ở nông thôn nói tóm lại là thực hiện chế độ khoán trách nhiệm, vứt bỏ biện pháp “nồi cơm to”, phát huy tính tích cực của nông dân”. Còn cải cách ở thành thị? Đặng nói: “Nguyên tắc cơ bản là thực hiện chế độ trách nhiệm, điều này là khẳng định”, chế độ trách nhiệm trong kinh tế mà Đặng thiết kế là hình thức quản lý kinh tế thống nhất giữa ba mặt: trách nhiệm (cần làm cái gì), quyền lực (có thể làm cái gì) và lợi ích (sẽ được cái gì). Trong mô hình “nồi cơm to”cũng có ba loại, nhưng không thống nhất, không cụ thể. Chế độ trách nhiệm của Đặng kết hợp chặt chẽ ba mặt đó với nhau, và cụ thể hóa chúng, cụ thể tới đơn vị kinh tế ở cấp thấp nhất, cuối cùng cụ thể tới từng cá nhân. Trách nhiệm tới từng người, nói theo cách nói của Đặng, là: phê bình cần đúng vào con người cụ thể mới được. Một ông sư gánh nước, hai ông sư múc nước uống, tại sao cả ba ông sư đều không có nước dùng? Bởi vì trách nhiệm không rõ ràng, không có ai chịu trách nhiệm, ai cũng nghĩ là “rút cục không phải chỉ có một mình mình chịu khát”, “tại sao mình vất vả để họ dùng hết cả”, “mình gánh được tại sao họ không gánh được”. Đặng phát hiện trong các xí nghiệp, các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan hành chính nhà nước trong chế độ xã hội chủ nghĩa, hiện tượng không có người phụ trách là rất nghiêm trọng. Gọi là tập thể phụ trách, mọi người phụ trách, nhưng trên thực tế là không ai phụ trách. Có người không có việc làm, có việc lại không có người làm, người và việc không được ghép với nhau, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất Biện pháp xóa bỏ hiện tượng đó là xây dựng chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt, thực hiện quy định nhiệm vụ, quy định người, quy định số lượng, quy định chất lượng, quy định thời gian, cũng tức là “khoán”. Ai làm việc gì và làm bao nhiêu được quy định rõ, ai làm chức vụ gì, có trách nhiệm gì, không dựa dẫm, không đùn đẩy cho người khác, khiến mọi người đều lo toan, chứ không phải chỉ một số người lo toan, càng không có người không lo toan gì. “Trách nhiệm đến từng người thì quyền lực cũng phải đến từng người”. Mỗi người có trách nhiệm của mình, mỗi người cũng có quyền lực của mình, người khác không được xâm phạm. Quan hệ quyền lực và trách nhiệm cũng giống như quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ trong pháp luật.
Tôi có nghĩa vụ hoàn thành nhiệm vụ mà anh giao, nhưng tôi có quyền lực tìm cách hoàn thành nhiệm vụ. Nếu anh quy định tôi chỉ được làm thế này mà không được làm thế kia, thì kết quả ra sao sẽ do anh chịu trách nhiệm, đó là thiên kinh địa nghĩa. Nhưng trong thể chế kinh tế truyền thống, quyền lực càng mơ hồ hơn trách nhiệm, thường thường xuất hiện hiện tượng kỳ quái thế này: cấp trên đề ra chủ ý nhưng lại bắt cấp dưới chịu trách nhiệm. Như vậy không thể giải thích được, và cấp dưới cũng không thể chịu trách nhiệm được. Đặng nhiều lần nhấn mạnh cần mở rộng quyền tự chủ cho các cấp chính là nhằm vào hiện tượng đó. Ông nói quả quyết: “Chỉ giao trách nhiệm, không giao quyền lực, thì chế độ trách nhiệm không thể thực hiện được”
Khâu cuối cùng của chế độ trách nhiệm là kiểm tra nghiêm túc thưởng phạt phân minh. Đảm nhận trách nhiệm nhất định thì được quyền có thù lao tương ứng, điều này cũng là thiên kinh địa nghĩa, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Đặng hy vọng liên hệ chặt chẽ giữa cống hiến với hưởng thụ, khắc phục hiện tượng làm nhiều làm ít, làm tốt làm xấu đều như nhau. Cán bộ nhà nước, căn cứ vào thành tích công tác nhiều ít, tốt xấu đều có thưởng phạt, thăng giáng. Cũng như vậy, nhân viên chuyên môn và phần tử trí thức cũng được trao chức vụ kỹ thuật và học vị tương xứng với năng lực và cống hiến. Đồng thời, chức vụ và cấp bậc cũng liên quan với lợi ích vật chất. Còn về người lao động bình thường, càng cần có sự gắn bó trực tiếp giữa cống hiến lao động và lợi ích vật chất. Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, có thưởng có phạt, thưởng phạt phân minh. Chế độ trách nhiệm như vậy mới có thể đưa vào thực tiễn và có tác dụng phát huy tính tích cực của con người. Xét từ góc độ người lãnh đạo, người quản lý, chế độ trách nhiệm cũng có thể gọi là “chuyển hóa mâu thuẫn”: để mọi người đều lo toan, đều chịu trách nhiệm, đều chịu sức ép Nhưng sau khi phụ trách và đem sức ra, thì làm nhiều hưởng nhiều, làm tốt, làm nhiều đều có lợi cho mình, như vậy thì ai mà không tình nguyện chịu trách nhiệm? Ngược lại, người lãnh đạo tuy mất một phần quyền lực nhưng có thể bớt phải lo toan, không cần tốn sức lo những việc như trên mảnh ruộng của nông dân đang trồng thứ gì. Có được tính tích cực của toàn thể nhân dân và cán bộ, sản xuất được nhiều lương thực, nhiều sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, nhà nước cũng không bị thiệt. Như vậy là tốt cho tất cả.
Trước hết, Đặng nhìn thấy cái hay của chế độ trách nhiệm trong cải cách nông thôn. Nông thôn thực hiện chế độ khoán trách nhiệm sản phẩm đến gia đình trong một thời gian ngắn đã phát huy tính tích cực của mấy trăm triệu nông dân, làm thay đổi rất nhành chóng bộ mặt của nông thôn. Năm 1984, Đặng đi thăm các đặc khu ở miền Nam, lại phát hiện việc xây dựng của Thẩm Quyến “có hiệu suất cao là nhờ nguyên nhân đã thực hiện chế độ khoán, thưởng phạt phân minh”
Chế độ khoán trách nhiệm ở nông thôn được nhen nhóm trong một số ít khu vực vào cuối những năm 70, đến đầu năm 1988 đã bao trùm hơn 90% nông hộ và ruộng đất. Năm 1984, chữ “khoán” vào thành phố, đến cuối năm 1988, toàn quốc dự tính trong các xí nghiệp công nghiệp có trên 80% thực hiện khoán, trong đó số xí nghiệp lớn và vừa đạt tới 85% trở lên. Dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Đặng, toàn bộ Trung quốc đều đã “khoán”.

<< Phần 3 - B | Phần 4- A >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 986

Return to top