Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Mưu lược Đặng Tiểu Bình

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24065 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mưu lược Đặng Tiểu Bình
Xuân Duy, Quỳnh Dung

Phần 1- B

1.6. Cuộc thí nghiệm cải cách lần thứ nhất của Đặng bị thất bại, nhưng khi đưa lý luận của ông ra phê phán nhân dân phát hiện thấy những điều ông nói chính là điều họ nghĩ
Ngày 13.10.1989, Đặng nói với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Hungari I. Ca-đa rằng: Cuộc cải cách của Trung quốc vào thập kỷ 80 kỳ thực đã được chúng tôi thí nghiệm một phần từ năm 1974.1975... Cuộc cải cách lúc đó, được gọi là chỉnh đốn
Sau khi từ chuồng bò ở Giang Tây trở về, thời gian đầu, Đặng giúp Chu Ân Lai quản lý một phần công việc của Quốc vụ viện. Đầu năm 1975, bệnh tình của Chu nặng thêm: trong trường hợp nguy nan. Đặng được lệnh thay Chu chủ trì công việc hàng ngày của trung ương. Điều này là một thử thách nghiêm trọng đối với Đặng. Dù lúc đó Đặng được Mao trao cho ba quyền lớn: Phó Chủ tịch Đảng Phó Thủ tướng thứ nhất, Phó Chủ tịch quân ủy kiêm Tổng tham mưu trưởng, nhưng đối thủ chính trị của ông là nhóm bốn tên cũng có thực lực không nhỏ: chức vụ của Vương Hồng Văn trong Bộ Chính trị không thấp hơn so với Đặng, chức vụ của Trương Xuân Kiều trong Bộ Chính trị và quân đội chỉ kém có Đặng, Diêu Văn Nguyên vẫn nắm quyền thao túng dư luận, Giang Thanh sau khi thất bại trong ý đồ lập nội các càng điên cuồng công kích. Sách lược của Mao Trạch Đông đối với Đặng Tiểu Bình và phái cách mạng văn hóa là giữ thế thăng bằng, kìm giữ cả hai bên. ưu thế chủ yếu của Đặng là có sự ủng hộ của Chu Ân Lai, cộng với kinh nghiệm và uy tín nhiều năm trong việc chủ trì công tác đảng. Trong kết cấu quyền lực ba chân đó, Đặng tiến hành được việc chỉnh đốn chủ yếu là dựa vào việc giải quyết quan hệ với Mao như thế nào, và quyết định trước hết là cán cân của Mao nghiêng về bên nào.
Đặng hiểu rõ rằng trong khi làm mạnh mẽ, lúc nào cũng phải hành động với danh nghĩa của Mao. Đó không phải là phong cách của Đặng, mà chỉ vì đối thủ của ông là chuyên gia về lĩnh vực đó, ông phải “học tập” đối thủ, mới không bị đối thủ giành mất tính hợp pháp. Vì vậy, trong mỗi cuộc nói chuyện về chỉnh đốn, ông đều không quên nói rằng mình căn cứ vào một chỉ thị nào đó của Mao hoặc được Mao đồng ý. Thí dụ ông nói: “Đồng chí Mao Trạch Đông nói quân đội cần chỉnh đốn, trong toàn đảng cũng có vấn đề đó” “Tôi nói trong Bộ Chính trị về sự chỉnh đốn trong mấy mặt, đã báo cáo với đồng chí Mao Trạch Đông, đồng chí Mao Trạch Đông đã tán thành”. Vũ khí chủ yếu để Đặng đối phó với nhóm bốn tên, đẩy mạnh toàn diện việc chỉnh đốn là ba chỉ thị của Mao Trạch Đông. Đặng khôn khéo lợi dụng hai trong ba điều đó, là chú trọng đến an định đoàn kết, đẩy kinh tế quốc dân lên. Đặng nắm vững hai thanh Thượng Phương bảo kiếm đó, triển khai thế tiến công mạnh mẽ từ các lĩnh vực vào nhóm bốn tên cùng cơ sở xã hội của nó và vào những thành quả của cách mạng văn hóa.
Điều đầu tiên, Đặng muốn dẹp là tính bè phái. Thanh bảo kiếm an định đoàn kết phát huy tác dụng tốt ở mặt này. Nhưng Đặng biết rõ chỉ gào suông an định đoàn kết thì không đủ để trị chứng bệnh ngoan cố của cách mạng văn hóa. Thực tiễn nhiều năm công tác đảng cho ông biết rằng, phương pháp mạnh mẽ để đối phó với tính bè phái là tính đảng. Nước cờ cao thứ nhất của Đặng là dùng đảng tính để thủ tiêu tính bè phái. Ông nói: “Muốn an định đoàn kết, thì cần phải thủ tiêu tính bè phái, tăng cường tính đảng, đặt tính đảng lên hàng đầu”. “Hiện nay, giải quyết mọi vấn đề trong các địa phương, các ngành đều cần bắt đầu từ việc chống tính bè phái, tăng cường tính đảng”. Đặng phân tích hoạt động bè phái lúc đó “có khi là do kẻ địch lợi dụng bè phái để gây rối, có khi là một số người lôi kéo bè phái để giành danh lợi cá nhân; có người đã hoạt động bè phái trong nhiều năm, bị tính bè phái làm mê muội”. Ông không giống như Mao, với cái gì cũng phân tích giai cấp; bất kể là anh thuộc phái nào, ông đều đem nó đối lập với tính đảng và liên hệ cuộc đấu tranh với những cuộc đấu tranh chống bè phái trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung quốc; với nguyên tắc nên đoàn kết, không nên chia rẽ do Mao Trạch Đông đề ra. Như vậy, là tước đi quyền phát ngôn của những phần tử bè phái, khiến những kẻ tự xưng là phái cách mạng không cựa quậy được.
Bước thứ hai, là xây dựng một đội ngũ lãnh đạo dũng cảm. Đặng nhấn mạnh “Hạt nhân của chỉnh đốn là chỉnh đốn đảng. Chỉ cần nắm khâu trung tâm là chỉnh đảng, thì việc chỉnh đốn các mặt sẽ không khó”. Điều đặc biệt sáng suốt là ông coi việc chỉnh đảng chủ yếu là chỉnh đốn ban lãnh đạo các cấp, ông nói: “Muốn đấu tranh với tính bè phái, không có một ban lãnh đạo dũng cảm thì không được”. Đặng phân tích, trong các ban lãnh đạo lúc đó tôn tại ba vấn đề: Yếu đuối, lười biếng, tản mạn. Yếu đuối là sợ đấu tranh, không dám phụ trách, nhất là không dám đấu tranh với tính bè phái. Kết quả của yếu đuối là lười biếng trong công việc, đi đến tiêu cực bị động. Tản mạn có quan hệ đến hoạt động bè phái, là biểu hiện sự tồn tại bè phái trong nội bộ ban lãnh đạo. Biện pháp chỉnh đốn: Một là, nâng đỡ khuyến khích ban lãnh đạo cũ đã bị phái tạo phản đánh đổ, không dám phụ trách, cổ vũ họ mạnh dạn đứng lên, không sợ mó dái ngựa. Hai là, tìm một số người không sợ bị đả đảo đưa vào ban lãnh đạo, do trung ương và tỉnh ủy ủng hộ. Qua sự cố gắng về hai mặt đó phối hợp cả hai tay, xây dựng nên một ban lãnh đạo vững mạnh dũng cảm. Làm như vậy, Đặng rất nhanh chóng nắm lại được quyền trong hệ thống đảng và chính quyền mà ông đã nắm trước cách mạng văn hóa, giải quyết được vấn đề không có sự lãnh đạo của Đảng, và lời nói của Đảng không có hiệu lực.
Thứ ba, sau khi có các ban lãnh đạo mạnh, Đặng bắt đầu những biện pháp tổ chức quả đoán, điều những kẻ đứng đầu các phe nhóm ở các bộ phận đi nơi khác. “Sau khi điều động lại nảy ra những kẻ cầm đầu mới thì làm thế nào? Lại điều đi. Điều hai lần, ba lần, cuối cùng chẳng giải quyết được vấn đề sao?... Những kẻ cầm đầu phe nhóm không phục tùng lệnh điều động thì không phát lương. “Nghề” của các anh là lập phe nhóm, thì đến lĩnh lương ở chỗ chúng tôi làm gì?”. Mục đích của việc điều người là để giải quyết hiện tượng chiếm chỗ mà không làm việc. Lúc đó chưa làm gì được những người đó, đẩy được họ đi đã là tốt rồi. Thí dụ: Văn phòng bộ quốc phòng lúc đó đã dùng kế điệu hổ ly sơn, gọi các người cầm đầu phái tạo phản về Bắc Kinh họp, tham gia lớp học, khiến họ không còn gây trở ngại được cho người khác.
Sau cùng, phát động quần chúng đứng lên chống bệnh bè phái. Đặng vốn không thích phong trào quần chúng, nhưng để đối phó với bệnh bè phái thì đó vẫn là cần thiết. Bởi vì những kẻ bè phái bao giờ cũng xuất hiện dưới hình thức quần chúng, không sợ cả trung ương và tỉnh ủy, càng không coi lãnh đạo cơ sở ra gì. “Nhưng chúng rất sợ quần chúng, sợ quần chúng đứng lên. Vì vậy biện pháp trị loại người này, là phải phát dộng quần chúng đấu chúng, không buông tha một bước, mà phải có thanh thế, không thể lèo tèo lặng lẽ” Cách làm đó khiến bọn bè phái mất cơ sở quần chúng, mất đi mầu sắc bảo vệ của “quần chúng cách mạng”, tự nhiên rất có hiệu quả.
Bọn bè phái sở dĩ có thể tạo nên không khí, một trong những nguyên nhân là nhờ có pháp bảo đấu tranh giai cấp Đặng dùng an định đoàn kết để khống chế hoạt động bè phái, trên thực tế là làm yếu địa vị của đấu tranh giai cấp, Đưa kinh tế phát triển lên là một biện pháp hiệu quả khác của Đặng để khống chế đấu tranh giai cấp.
Công thức của Mao là nắm khâu cách mạng, đẩy mạnh sản xuất, nhìn qua thì hình như là coi trọng cả đấu tranh giai cấp và xây dựng kinh tế, nhưng trên thực tế là đặt cách mạng lên trên, không cho phép bất kỳ ai dùng sản xuất để cản trở cách mạng. Vì vậy, cán bộ các cấp dưới sự lãnh đạo của Mao đều hiểu quy luật là nắm cách mạng thì an toàn, nắm sản xuất thì nguy hiểm. Rất nhiều người vì nắm sản xuất mà mang tội, trở thành phần tử xét lại theo thuyết duy sản xuất. Đặng đương nhiên không thể thay đổi công thức đó của Mao, ông chỉ có thể lặng lẽ chuyển trọng tâm sang phía sản xuất. Ông nói: “Mao Chủ tịch nói: “Phải nắm khâu cách mạng, đẩy mạnh sản xuất”,... nay có đồng chí chỉ dám nắm khâu cách mạng, không dám nắm sản xuất, như thế là hết sức sai lầm”. Sau đó ông đối chiếu tình trạng sản xuất đáng được đặc biệt chú ý với đại cục của toàn dân là mục tiêu hiện đại hóa do kỳ họp quốc hội thứ 4 nêu ra, kêu gọi toàn đảng nắm đại cục, đẩy sản xuất phát triển lên. Hiện đại hóa và xây dựng kinh tế đã là đại cục của toàn đảng thì cách mạng và đấu tranh giai cấp tự nhiên bị lui xuống hàng thứ hai.
Đặng lấy việc vận chuyển đường sắt làm đột phá khẩu của chỉnh đốn kinh tế, bởi vì đường sắt là mạch máu chính chi phối toàn bộ nền kinh tế quốc dân vừa là khu vực chịu nhiều tai họa nhất của tệ bè phái. Hệ thống đường sắt sau hai tháng chỉnh đốn lập tức có hiệu quả. Đặng lấy đó làm căn cứ đầu tiên, lần lượt chỉnh đốn công nghiệp gang thép, công nghiệp quốc phòng và những ngành quan trọng trong hệ thống quân đội. Đến tháng 9 năm đó, công tác chỉnh đốn đã triển khai toàn diện trong công nghiệp, giao thông, nông nghiệp, nghiên cứu khoa học. Nội dung chỉnh đốn bao gồm khôi phục trật tự trên mọi mặt, giữ nghiêm kỷ luật các mặt, khôi phục, kiện toàn mọi quy định, chế độ, quán triệt thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động, điều chỉnh phương châm văn nghệ và chính sách với phần tử trí thức v.v..
Hiệu quả chỉnh đốn là rõ ràng, nghe nói có 9 hạng mục sản xuất tới tháng 6 năm đó đã đạt mức cao nhất trong lịch sử. Việc chỉnh đốn trong quân đội đã kịp thời chặn đứng nhóm bốn tên nhúng tay vào công việc của quân đội. Các mặt nghiên cứu khoa học và văn hóa giáo dục chưa đạt hiệu quả lớn vì hậu quả cũ khá nặng nề, chưa thanh toán kịp, nhưng đã sơ bộ đề xuất một số ý kiến rất tốt, thí dụ nếu nghiên cứu khoa học không tiến lên thì sẽ kéo lùi toàn bộ việc xây dựng kinh tế, khoa học kỹ thuật không thể đóng cửa, phải lãnh đạo nghiệp vụ, làm hùng hậu đội ngũ chuyên môn, tăng cường nghiên cứu lý luận, chú trọng chuyên môn còn tốt hơn chiếm chỗ mà không làm việc nhiều. Loại trường đại học 21.7 không phải là hình thức duy nhất... Những ý kiến đó đã có tác dụng giải phóng tư tưởng.
Chỉnh đốn không chỉ giải phóng sức sản xuất, giải phóng tư tưởng, mà còn giải phóng được rất nhiều người. Đặng căn cứ vào ý kiến “phải nhanh chóng kết thúc việc thẩm tra chuyên án để thả người ra” của Mao để tha một lúc hơn 300 cán bộ cao cấp bị giam giữ lâu năm. Đặng còn đưa bức thư của con gái Hà Thành viết cho ông yêu cầu phân công tác cho Hà Thành để Mao Trạch Đông xem, được lời phê “Hà Thành vô tội” của Mao Trạch Đông, Đặng thừa cơ thúc đẩy chính sách sử dụng cán bộ. Những cán bộ được giải phóng lần này là cơ sở quan trọng để Đặng được phục hồi lần thứ ba.
Nhưng trong khi Đặng Tiểu Bình tiến hành chỉnh đốn toàn diện với khẩu hiệu “an định đoàn kết” và “kinh tế quốc dân” thì điều thứ 3 trong chỉ thị của Mao la “học tập lý luận, phòng và chống xét lại” bị “nhóm bốn tên” nắm lấy và phát huy lên. Trước hết, bọn bồi bút đó dấy lên cuộc học tập lý luận chuyên chính vô sản và phong trào bình “Thủy Hử”, toan thông qua việc chống chủ nghĩa kinh nghiệm và phê phán chủ nghĩa đầu hàng để đánh đổ Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Song, chúng đã không thành công. Nguyên nhân vì mấy chiếc mũ đó bị Mao Trạch Đông gạt đi Mao cho rằng những điều đó không nên nêu ra. Điều thực sự mà Mao coi trọng là một vấn đề khác.
Từ cuối tháng 9 tới đầu tháng 11, cháu Mao Trạch Đông là Mao Viễn Tân đã mấy lần báo cáo với Mao về những động hướng đấu tranh giai cấp mới mà anh ta ngửi thấy ở cơ sở. Mấy điểm dưới đây đặc biệt khiến Mao cảm thấy không yên tâm: Trong năm nay đã có một làn gió nhằm vào đại cách mạng văn hóa, làn gió này còn mạnh hơn làn gió phê phán cực tả năm 1972. Trong những bài nói chuyện của đồng chí Tiểu Bình rất ít đề cập tới thành tích của cách mạng văn hóa, rất ít phê bình đường lối xét lại của Lưu Thiếu Kỳ; có còn cần kiên trì những điều phê phán của cách mạng văn hóa về đường lối xét lại trong 17 năm ở các mặt trận hay không; ba chỉ thị lớn là cương lĩnh, kỳ thực chỉ còn lại một điều là phát triển sản xuất.
Mao Trạch Đông rất nhanh chóng tỏ ra cảnh giác: Thì ra việc chỉnh đốn trong nửa năm nay của Đặng Tiểu Bình là nhằm vào cách mạng văn hóa. Đó chẳng phải là muốn lật bản án 17 năm, muốn tính sổ với cách mạng văn hóa, muốn quay lại con đường cũ hay sao? Mao tuyệt đối không cho phép xảy ra tình hình đó, vì cách mạng văn hóa là một trong hai việc lớn nhất trong suốt cuộc đời ông. Nếu để Đặng Tiểu Bình tiếp tục chỉnh đốn theo hướng đó thì một loạt thành tựu của cách mạng văn hóa sẽ bị xóa bỏ hết. Ông cần phải xoay lại hướng đi. Vì vậy, ông nhanh chóng thay đổi lập trường ủng hộ Đặng Tiểu Bình, và phát động một phong trào phản kích việc lật án, hữu khuynh nhằm bảo vệ thành quả cách mạng văn hóa. Đặng Tiểu Bình tiếp đó bị “nhóm bốn tên” gọi là tên đi đường lối tư bản “chết cũng không chịu hối cải”, là “tên đầu sỏ ngóc đầu dậy đòi lật án”.
Cuộc thí nghiệm cải cách lần thứ nhất của Đặng Tiểu Bình thất bại, nhưng ông lại thu được lợi lớn. Vì chỉnh đốn mà ông bị va vấp, nhưng cũng vì chỉnh đốn mà ông được đi sâu vào lòng người. Ba văn kiện mà ông vạch ra trong khi chỉnh đốn, sau này bị “nhóm bốn tên” phê phán là “ba cây cỏ độc lớn”. Nhưng khi tba cây cỏ độc lớn” ấy cùng với một số “ngôn luận đòi vùng lên lật án” được đưa ra trước nhân dân, thì nhân dân lại phát hiện thấy những điều mà ông nói đúng là những điều mà họ nghĩ. Những lời nói và việc làm của Đặng đặt ra trước nhân dân vấn đề khẳng định hay phủ định đại cách mạng văn hóa. Qua bản thân Đặng, nhân dân thấy Trung quốc có hai tiền đồ có thể chọn lựa: Ngoài chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao ra, còn có một phương thức sinh hoạt hấp dẫn người ta hơn. Nếu không có cuộc chỉnh đốn toàn diện năm 1975, thì quảng đại nhân dân có lẽ không biết Trung quốc còn có một vị cứu tinh mới có thể trông cậy.
“Trong phong trào ngày 5.4.1976, nhân dân tưởng nhớ Chu Ân Lai, và nhiều người ủng hộ tôi. Điều đó chứng minh, việc cải cách năm 1974 và 1975 rất được lòng người, đã phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân”.
Tại sao Đặng sau khi được phục hồi lần thứ ba, dám vận dụng biện pháp mạnh dạn chống lại phái “phàm là” để triệt để phủ định đại cách mạng văn hóa, đẩy mạnh việc cải cách và mở cửa? Chính là vì qua cuộc thí nghiệm năm 1975, ông tin tưởng sâu sắc rằng nhân dân sẽ ủng hộ ông.

1.7. Sao lại: “Ba chỉ thị đều là then chốt”? An định đoàn kết không phải là không cần đấu tranh giai cấp. Đấu tranh giai cấp là điểm then chốt, mọi điều khác đều là phụ thuộc” Mao Trạch Đông vạch trần “âm mưu” của Đặng dùng điểm phụ thuộc để làm rối điểm then chốt
Sau khi Chu Ân Lai mắc bệnh phải nằm viện, Đặng Tiểu Bình nhận nhiệm vụ trong lúc nguy nan, thay thế Chu chủ trì công việc hàng ngày của Trung ương. Đó là thời cơ tốt để Đặng thực hiện lý tưởng đứng ra cứu nước, đồng thời cũng là một thử thách nghiêm trọng đối với ông. Vấn đề không phải là năng lực và khí phách mà là ở chỗ chiếc nút buộc “cách mạng văn hóa” vẫn chưa được cởi ra. Đặng đứng trước hai vấn đề: Một là, vấn đề ai thắng ai giữa ông và “nhóm bốn tên” vẫn chưa được giải quyết. Hai là mức độ ủng hộ của Mao với ông tới đâu còn là điều chưa biết. Chìa khoá để giải quyết hai vấn đề đó chỉ có một: đó là nắm ngọn cờ Mao trong tay.
Đặng hiểu rõ rằng, trong khi mạnh dạn tiến hành chỉnh đốn, ông phải chú ý đến sách lược đấu tranh, ở đâu cũng làm việc với danh nghĩa Mao. Điều này không phải là phong cách cố hữu của ông. Nhưng không còn cách nào khác, đối thủ của ông là “chuyên gia” về mặt này, ông phải học tập cách làm này của đối thủ, mới giữ cho tính hợp pháp của mình không bị mất. Vì vậy, trong mỗi cuộc nói chuyện về chỉnh đốn, Đặng đều không quên nói là mình căn cứ vào một chỉ thị nào đó của Mao và đã được Mao gật đầu đồng ý.
Trong một cuộc nói chuyện vào tháng 7.1975, Đặng nói: “Thời kỳ trước đây, đồng chí Mao Trạch Đông có ba chỉ thị quan trọng: Một là, phải học tập lý luận, phòng và chống chủ nghĩa xét lại. Hai là, phải an định đoàn kết. Ba là phải đẩy kinh tế quốc dân lên”.
Ba chỉ thị đó phản ánh tâm lý mâu thuẫn của Mao Trạch Đông trong thời kỳ sau cách mạng văn hóa: ông hy vọng kết thúc được sự hỗn loạn của cách mạng văn hóa, nhưng không muốn sủa chữa sai lầm của cách mạng văn hóa. Mục đích phát động cách mạng văn hóa là để phòng và chống xét lại, nay cần nắm an định đoàn kết và kinh tế quốc dân để củng cố những thành quả và biện pháp phòng chống xét lại của cách mạng văn hóa và giữ vững nó. Dùng cách nói quen thuộc của Mao thì trong 3 điều, điều thứ nhất là chủ yếu, hai điều sau là phụ thuộc, điều chủ yếu kéo theo điều phụ thuộc, điều phụ thuộc phục vụ cho điều chủ yếu.
Nhưng đối với Đặng, 3 chỉ thị của Mao thì ông hưởng ứng hai điều sau một trăm phần trăm. Sự thực, cương lĩnh cơ sở của Trung quốc trong thập kỷ 80 vẫn là hai điều đó. Còn điều thứ nhất, dù Đặng không hoàn toàn phản đối, nhưng cũng không tán thành đặt nó ở vị trí chủ yếu. Sự bất đồng chính là ở mối quan hệ giữa 3 chỉ thị trên. Lấy điều nào làm chủ yếu là vấn đề nguyên tắc quan hệ đến toàn cục, Đặng rất khó thỏa hiệp nhượng bộ trên vấn đề nguyên tắc. Nhưng ông biết mình không thể cưỡng lại Mao Trạch Đông. Điều này không thể không dùng đến trí tuệ mưu lược.
May mà Mao Trạch Đông không quy định rõ điều nào là điều chủ yếu. Đặng lợi dụng “sơ hở” đó, liền gọi cả ba điều trong chỉ thị là chủ yếu. Ông nhấn mạnh: “Ba chỉ thị đó có quan hệ với nhau, là một chỉnh thể, không thể để mất điều nào. Đó là những điều chủ yếu trong công tác của chúng ta thời kỳ này”. Trong khẩu hiệu “ba chỉ thị đều là chủ yếu” này, thì điều chủ yếu đối với Mao và điều chủ yếu đối với Đặng đều được thỏa mãn.
Tiếp sau đó, khi nhấn mạnh đến sự vận dụng cụ thể, Đặng nói: “Năm ngoái, đồng chí Mao Trạch Đông đã nói, đại cách mạng văn hóa đã tám năm rồi, nên an định là tốt. Nay thêm một năm nữa, là chín năm, cần phải đoàn kết lại, an định lại. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm. Cuộc đấu tranh trên quốc tế có rất nhiều việc, trong nước cũng có nhiều việc phải làm, đặc biệt là phải đẩy kinh tế quốc dân lên” Còn việc học tập lý luận, Đặng không phản đối, cũng không nhấn mạnh. Đặng cố ý loại bỏ điều đó trong chỉnh thể. “
Nhưng không thể nói an định đoàn kết và kinh tế quốc dân là hai điều “của riêng” Đặng, bởi vì đó cũng là chỉ thị tối cao của Mao. Đặng nắm chặt hai thanh bảo kiếm Thượng Phương có lợi cho mình đó, để thúc đẩy việc chỉnh đốn trên các mặt, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế, dùng để đối phó với mọi dòn công kích công khai và ngấm ngầm của “nhóm bốn tên”.
“An định đoàn kết”, thanh bảo kiếm đó dùng rất thích hợp vào việc dẹp bỏ bệnh bè phái do cách mạng văn hóa để lại Đặng ra sức dọn dẹp, liền thu được hiệu quả rất tốt. Trật tự mà ông cần có đã được khôi phục rất nhanh. Nhưng bản thân việc thực hiện an định đoàn kết không phải là mục đích, mục đích chính là phải dẹp bỏ mọi sự quấy rối để chuyên tâm vào việc đẩy kinh tế quốc dân lên. Đó là điều sau nhất trong ba chỉ thị của Mao, nhưng đối với Đặng lại là điều quan trọng nhất.
Đến đây, thì Đặng hoàn toàn đảo ngược lại quan hệ giữa ba chỉ thị của Mao. Nhưng ông không thể chỉ đơn độc làm điều chủ yếu là kinh tế quốc dân. Nếu không, thì sẽ chọi lại điều chủ yếu của Mao là đấu tranh giai cấp. Thế là Đặng dùng một từ khác: đại cục. “Hiện nay có một đại cục, toàn đảng phải chú ý nhiều. Đại cục là thế nào? Đặng nói: Thực hiện mục tiêu bốn hiện đại hóa do khóa họp thứ 3 và thứ 4 của Quốc hội đề ra, “đó là đại cục” ông tiến hành đối chiếu mục tiêu bốn hiện đại hóa với tình hình sản xuất “rất đáng được nghiêm chỉnh chú ý” lúc đó, hiệu triệu toàn đảng chú trọng đại cục, đẩy kinh tế quốc dân lên.
Công thức của Mao là “nắm khâu cách mạng, đẩy mạnh sản xuất”, xem qua thì thấy như là coi trọng cả cách mạng và sản xuất, nhưng thực tế là Mao luôn đặt cách mạng lên hàng đầu, không cho phép bất kỳ ai dùng sản xuất để ngăn trở cách mạng. Cho nên những cán bộ các cấp dưới quyền Mao đều hiểu một quy luật: “Nắm cách mạng thì bảo đảm, nắm sản xuất thì nguy hiểm. Rất nhiều người đã vì nắm sản xuất mà mắc tội, bị quy thành kẻ “duy lực lượng sản xuất”, thành phần tử xét lại. Đặng đương nhiên không thể thay đổi được công thức của Mao, chỉ có thể lặng lẽ chuyển trọng tâm trên thực tế sang sản xuất kinh tế. Ông nói: “Mao Chủ tịch nói, phải nắm khâu cách mạng, đẩy mạnh sản xuất, nay có đồng chí chỉ dám nắm khâu cách mạng, không dám nắm sản xuất... như thế là hết sức sai lầm” Không lâu sau, “nhóm bốn tên” gọi bài nói chuyện đó là “cương lĩnh phục hồi”.
Phòng nghiên cứu chính trị của Đặng còn soạn riêng một văn kiện “Bàn về cương lĩnh chung của mọi công tác của toàn đảng, toàn quốc”. Gọi là “cương lĩnh chung” đương nhiên là chỉ ba chỉ thị của Mao Trạch Đông mà không phải riêng một điều nào. Nhưng trên thực tế, văn kiện đó lại lấy xây dựng kinh tế làm chủ yếu. Văn kiện dẫn lời Mao trong những năm 40: “Tách rời công tác kinh tế mà nói chuyện giáo dục hoặc học tập, thì chẳng qua chỉ là nói suông vô ích. Tách rời công tác kinh tế mà nói cách mạng, thì chỉ là cách cái mạng của sở tài chính, cách cái mạng của bản thân mình, còn kẻ địch thì không bị tổn hại gì”. Tiếp đó, văn kiện bác bỏ một cách sắc bén khuynh hướng sai lầm coi nhẹ sản xuất: “Một địa phương, một đơn vị sản xuất rất kém mà cứ nói là cách mạng rất tốt thì chỉ là lời nói lừa bịp. Cách nhìn nhận cho rằng cứ nắm cách mạng là sản xuất tự nhiên đi lên, không cần phải tốn công nắm sản xuất thì chỉ có những người say mê chuyện đồng thoại về phép biến đá thành vàng tin được mà thôi”. Sau này khi phê Đặng, văn kiện đó và hai văn kiện khác bị gọi là “ba cây cỏ độc lớn”. Những lời nói của Đặng về phương pháp phát triển sản xuất chủ yếu là xây dựng và kiện toàn quy định chế độ; nâng cao trách nhiệm trong sản xuất và kỷ luật trong lao động, thực hiện chính sách phân phối theo lao động v.v.. không phải là cái gì mới, chẳng qua chỉ là khôi phục lại những trật tự và quy tắc đã bị cách mạng văn hoá phá hoại, vì vậy mới gọi là chỉnh đốn.
Việc chỉnh đốn kinh tế của Đặng lấy ngành vận tải đường sắt làm đột phá khẩu, vì ngành đường sắt vừa là nơi chịu nhiều tai họa của bệnh bè phải, lại vừa là mạch máu chi phối toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Ngành đường sắt sau hai tháng chỉnh đốn đã có hiệu quả, Đặng lấy đó làm khởi điểm, lần lượt chỉnh đốn các ngành công nghiệp gang thép, công nghiệp quốc phòng và một số ngành quan trọng trong quân đội. Đến tháng 9, công tác chỉnh đốn được mở rộng sang tất cả các ngành.
Thành tích chỉnh đốn là khả quan. Nghe nói ít nhất có 9 chỉ tiêu sản xuất đến tháng 6 đã đạt được mức cao nhất trong lịch sử. Các ngành nghiên cứu khoa học, văn hóa giáo dục thu được hiệu quả không lớn vì tích luỹ nhiều vấn đề khó thanh toán được nhanh nhưng bước đầu đã nêu ra được một số ý kiến tốt, giải phóng được tư tưởng cho mọi người.
Nhưng chính trong lúc Đặng Tiểu Bình đang nắm an định đoàn kết và kinh tế quốc dân để tiến hành chỉnh đốn, phục hưng đại nghiệp, thì “nhóm bốn tên” đã nắm lấy chỉ thị “học tập lý luận, phòng và chống xét lại” của Mao để làm to chuyện. Nhưng cũng không làm nên chuyện gì.
Giang Thanh lại tìm thấy lời Mao trong khi phê phán chuyện Thủy Hử để làm vũ khí. Bà ta nói : “Tống Giang vô hiệu hóa Triều Cái, hiện nay có kẻ nào vô hiệu hóa Chủ tịch không? Tôi thấy là có”. “Tống Giang” đó, tất nhiên là
Đặng Tiểu Bình. Nhưng, mũi tên đó không bắn trúng đích. “Triều Cái” hầu như tình nguyện để “Tống Giang” vô hiệu hóa mình vì tin rằng “Tống Giang” không hề có ác ý. Anh có thể vô hiệu hóa, ta lại không thể vô hiệu hóa sao? Qua việc bàn định kỹ lưỡng, “nhóm bốn tên” tìm ra được một ý tuyệt diệu: đưa Mao Viễn Tân, cháu của Mao vào làm “liên lạc viên” ở cạnh giường bệnh của Mao. Sau khi vào Trung Nam Hải từ tháng 9, Mao Viễn Tân được đặt một máy điện thoại ở cạnh giường ngủ của Mao, một đầu nối với Mao Trạch Đông, một đầu nối với Bộ Chính trị. Những gì nói tới Mao và từ Mao nói đi đều phải qua máy này. Như thế, Mao Trạch Đông hầu như đã bị “nhóm bốn tên” lũng đoạn.
Một ngày đầu tháng 11, Mao Viễn Tân theo lệnh Giang Thanh, rỉ tai với Mao một tin: có người muốn chống lại đại cách mạng văn hóa. Liên lạc viên nói: Làn gió này, khi công tác ở tỉnh tôi đã cảm thấy, hình như còn dữ dội hơn việc phê phán cực tả năm 1972 nữa. Trong những bài nói chuyện của đồng chí Đặng Tiểu Bình, rất ít nói đến thành tích của đại cách mạng văn hóa, rất ít phê phán đường lối xét lại của Lưu Thiếu Kỳ. Việc phê phán đường lối xét lại trong các mặt suốt 17 năm mà đại cách mạng văn hóa nêu ra có cần kiên trì nữa không. Ba chỉ thị lớn là chủ yếu, kỳ thực chỉ còn lại một điều, là đẩy mạnh sản xuất...
Mũi tên về sự “nổi dậy lật án” do “nhóm bốn tên” nêu ra đã bắn trúng đích. Suốt đời Mao Trạch Đông chỉ làm hai việc lớn, trong đó một việc là cuộc đại cách mạng văn hóa. Đó là việc đắc ý cuối đời của Mao, sao có thể cho phép người khác phủ định? Cán cân của Mao lập tức nghiêng sang một bên. Từ 10.1975 đến 1.1976, nhiều chỉ thị tối cao bất lợi cho Đặng do Mao Viễn Tân ghi lại được chuyển sang Bộ Chính trị.
“Sao lại: “3 chỉ thị” đều là chủ yếu, an định đoàn kết không thể không cần đấu tranh giai cấp, đấu tranh giai cấp là chủ yếu, các điều khác đều là phụ thuộc”. Mao Trạch Đông vạch trần “âm mưu” của Đặng Tiểu Bình lấy điều phụ thuộc làm loạn điều chủ yếu. “Đại cách mạng văn hóa là để làm gì, là để đấu tranh giai cấp”. “Tiểu Bình không nắm đấu tranh giai cấp, không đề ra điều chủ yếu này, vẫn cứ “mèo trắng mèo đen”, không phân biệt chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa Mác”. “Nói là vĩnh viễn không đòi lật án, không tin được”.
Ban đầu, Mao còn nuôi hy vọng là Đặng Tiểu Bình sẽ hồi tâm chuyển ý, trở lại với “đường lối đúng đắn”. Mao đề xuất ý kiến là Đặng Tiểu Bình chủ trì thảo một nghị quyết khẳng định thành tích của đại cách mạng văn hóa. Đặng xưa nay vẫn không nhượng bộ về vấn đề nguyên tắc. Ông nói: Tôi là người trong suối hoa đào, “không biết đến triều Hán, không biết thời Ngụy Tấn” tỏ rõ là để ông viết nghị quyết đó là không thích hợp, ông khéo léo từ chối. Tiếp theo đó là cuộc phê phán Đặng Tiểu Bình, phản kích làn gió hữu khuynh đòi lật án, Đặng Tiểu Bình bị đánh đổ lần thứ ba.
Parasi Đainâysơ so sánh Đặng Tiểu Bình với Chu Ân Lai. Ông ta nói “Đặng Tiểu Bình không giống Chu Ân Lai, tác phong của ông ta khác. Chu Ân Lai chú ý sách lược, làm cho mình có thể nổi trên mặt nước, nhưng không làm thay đổi được phương hướng chủ yếu của dòng nước xiết. Đặng Tiểu Bình thì không chịu xuôi theo dòng nước xiết, mà lập tức đắp đập để ngăn dòng chảy. Lúc đầu thành công, nhưng sau vẫn bị nước cuốn đi. Muốn đạt tới mục đích mà sách lược của Chu Ân Lai không dạt được, ông cần có thời gian là năm năm, thậm chí lâu hơn nữa”.

1.8. Hoa Quốc Phong đánh giá thấp thực lực của những người ủng hộ Đặng Tiểu Bình. Người thấp bé “đánh không đổ” lại vùng lên trên vũ đài chính trị Trung quốc. Từ đây bắt đầu một thời đại mới
Mao Trạch Đông vì phát hiện thấy trong cuộc chỉnh đốn năm 1975, Đặng Tiểu Bình muốn sửa chữa một cách có hệ thống những sai lầm trong đại cách mạng văn hóa, và không chịu nhượng bộ trên vấn đề khẳng định hoặc phủ định đại cách mạng văn hóa, nên đã quyết định thay ngựa, dùng Hoa Quốc Phong thay Đặng Tiểu Bình chủ trì công việc hàng ngày của trung ương. Ban đầu, Mao còn cho rằng Đặng là vấn đề mâu thuẫn nội bộ, tuy cần phê phán nhưng vẫn không muốn đánh một đòn chết tươi, vừa phê phán vừa bảo vệ, để Đặng “chuyên quản việc bên ngoài”. Mấy văn kiện của “nhóm bốn tên” phê phán, phản kích làn gió hữu khuynh đòi lật án cũng đành chỉ nói là họ phê phán “đường lối xét lại của đồng chí Đặng Tiểu Bình”. Hai chữ “đồng chí” tỏ rằng Đặng Tiểu Bình vẫn không phải là kẻ thù giai cấp. Nhưng sau này, vào tháng 4.1976, Mao Trạch Đông tin vào sự phản ánh sai tình hình của Mao Viễn Tân, rằng hoạt động kỷ niệm Chu Ân Lai trong “tiết thanh minh”, chống lại “nhóm bốn tên” là “sự kiện phản cách mạng” và cho Đặng Tiểu Bình là người đứng sau sự kiện đó. Căn cứ vào đó, Mao Trạch Đông quyết định triệt tiêu mọi chức vụ trong và ngoài đảng của Đặng Tiểu Bình, bảo lưu đảng tịch để xem xét thêm. Đặng vẫn là đảng viên và trước tên ông không có hai chữ “đồng chí” nữa, như vậy vấn đề Đặng Tiểu Bình đã chuyển hóa thành tính chất mâu thuẫn đối kháng rồi. Đặng chính thức bị đánh đổ đây là lần bị đánh đổ thứ hai từ sau khi thành lập nước, và lần thứ ba trong cả cuộc đời ông. Đối thủ của ông hy vọng là lần này ông vĩnh viễn không thể vùng dậy được.
Song việc trúng tên ngã ngựa lần này của Đặng Tiểu Bình không làm ông tỏ ra buồn rầu nản chí và tuyệt vọng. Giống như lần ở trong “chuồng bò” Giang Tây, ông vẫn cứ đi tản bộ vòng quanh sân, vẫn hút thuốc lá điếu này tiếp điếu khác, vẫn kiên trì tắm nước lạnh hàng ngày mặc dù lúc đó ông đã 72 tuổi. Những nhân viên cảnh vệ hồi đó nhớ lại dáng diệu của ông lúc đi tản bộ: “Mỗi khi bước chậm lại, đồng chí Tiểu Bình lại ngẩng đầu, bắt dầu thở sâu, đôi mắt trở nên trầm tĩnh, ánh mắt vẫn như tôi thường thấy, trong sự trang nghiêm lộ ra sự mạnh mẽ? trong sự ôn hòa có dấu vẻ sắc bén”
Sự trầm tĩnh tự tin của Đặng xuất phát từ hai điểm: Một là, sự ủng hộ của nhân dân. Điều này đã được tỏ rõ trong ngày 5-4; hai là, sự ủng hộ của các vị nguyên lão. Sau khi Chu Ân Lai qua đời không lâu, Đặng đã có lần trao đổi với nguyên soái Diệp Kiếm Anh. Lúc đó Đặng đã chuẩn bị đầy đủ cho việc bị đánh đổ, nhưng ông tin rằng miễn là còn các lão nguyên soái, còn các lão đồng chí khác thì ông không sợ gì bọn xấu nhãi nhép quấy phá? Diệp Kiếm Anh tỏ ý, chỉ cần còn một hơi thở: là còn đấu tranh. Quy luật dấu tranh chính trị là: khi hai đối thủ đọ sức thắng lợi lại thường rơi vào kẻ thứ ba. Cuộc đấu tranh giữa Đặng Tiểu Bình và “nhóm bốn tên” rõ ràng có lợi cho Hoa Quốc Phong: Mao Trạch Đông đã không tín nhiệm kẻ muốn lật án là Đặng Tiểu Bình, lại cũng không tin vào “nhóm bốn tên” có dã tâm, thế là ông đưa ra một quyết sách sáng suốt cuối cùng: trao quyền lực cho Hoa Quốc Phong, người không thuộc phái nào. Mao mong muốn Hoa có tác dụng giữ thăng bằng và trung hòa, đồng thời cũng được hai thế lực tiếp nhận. Do tính toán rằng mình không lâu nữa sẽ đi gặp Các Mác, để dự phòng bất trắc, Mao còn có ý xếp đặt sẵn. Ông không những giao rõ ràng chức quyền thủ tướng thay Chu Ân Lai cho Hoa Quốc Phong, mà còn phá lệ, xếp Hoa vào vị trí phó chủ tịch thứ nhất. Nhưng “nhóm bốn tên” không chịu phục sự sắp xếp đó của Mao. Họ dồn hết sức đánh đổ Đặng Tiểu Bình không phải để dọn đường cho người ngoài cuộc là Hoa Quốc Phong lên nắm quyền. “Quả thực thắng lợi” của việc đánh đổ Đặng đáng ra phải thuộc về họ, sao có thể để rơi vào tay Hoa Quốc Phong được? Vì vậy, sau khi Đặng bị đổ, trong tập đoàn lãnh đạo tối cao có sự biến đổi mới, Hoa thay Đặng trở thành đối tượng tranh đoạt quyền lực của “nhóm bốn tên”. Mâu thuẫn đó càng nổi bật sau khi Mao chết. Một trong những chứng cớ là bộ máy tuyên truyền trong khi tiếp tục phê phán “tên đi theo đường lối tư bản không chịu hối cải” còn thêm cả “phái đang đi theo đường lối tư bản”. Đặng thì không còn có thể “đi” nữa, thì ai là người đang “đi”? Ai cũng rõ đó là chỉ Hoa.
Điều kiện có lợi của Hoa là ông ở vị trí phó chủ tịch và có ba câu nói của Mao bảo đảm tính hợp pháp của ông. Ba câu nói đó là: “Không vội vàng, cứ thong thả”, “đồng chí làm việc, tôi yên tâm” và “Làm theo phương châm trước kia”. Trương Xuân Kiều trong “nhóm bốn tên” thấy tính hàm hồ trong ba chỉ thị tối cao đó có rất nhiều điều có thể bàn luận, thế là ông ta đưa ra lời dặn dò trước lúc lâm chung của Mao: “Làm theo phương châm đã định” và ra sức tuyên truyền sau lưng Hoa. “Làm theo phương châm trước kia” và “làm theo phương châm đã định”, về hàm nghĩa vốn không có gì khác nhau. Nhưng trong sáu chữ đó lại có ba chữ khác nhau (Nguyên văn: “Chiếu quá khứ phương châm biện” và “án dĩ định phương châm biện”, khác nhau ba chữ đầu- Người dịch). Những người chú ý đến điểm này lập tức nảy sinh nghi vấn: Di chúc của Mao Chủ tịch lại có hai câu gần giống nhau. Vậy câu nào là đúng? Đặc điểm của việc khống chế dư luận là cái gì đưa ra trước là có ưu thế. Nếu Hoa Quốc Phong có ý đồ sửa ba chữ thì có thể bị coi là sửa chữa chỉ thị tối cao. Lúc này ai thật ai giả lại được quyết định ở chỗ ai nắm được dư luận. Điều quan trọng hơn nữa là, mọi người chỉ biết Mao Chủ tịch dặn họ phải làm theo phương châm đã định, nhưng phương châm đã định rút cục là thế nào? Mao Chủ tịch lại không nói. Như thế có nghĩa là “nhóm bốn tên” muốn nói cái gì thì cái đó là lời dặn của Mao Chủ tịch lúc lâm chung. Điều này tỏ rõ địa vị của Hoa đang bị “nhóm bốn tên” uy hiếp.
Sự đấu đá giữa Hoa Quốc Phong với “nhóm bốn tên” ngược lại, lại có lợi cho phái nguyên lão là Đặng và Diệp. Hiện nay đối với cả Hoa và “nhóm bốn tên”, việc phê Đặng hầu như không có gì quan trọng nữa, vì Đặng đã trở thành con hổ bị đánh gục. Như vậy Đặng có khả năng tổ chức lại lực lượng. Theo nói lại, một hôm sau khi Mao chết, Đặng đang đi dạo trong sân thì có tướng Vương Chấn đến thăm. Dạng gặp Vương liền hỏi xem hiện Diệp Kiếm Anh đang ở đâu Vương cho Đặng biết Diệp đang ở Tiểu Tường Phượng. Hôm sau, Đặng lấy cớ “đi dạo phố”, lặng lẽ đến chỗ Diệp. Đặng và Diệp đều là người gặp nạn, khi Đặng bị cách chức, Diệp cũng bị nghỉ việc vì “tật bệnh”, chỉ có điều chưa bị chính thức bãi quan và đó có thể là nguyên nhân để Đặng tìm gặp Diệp. Lần đó Đặng và Diệp bàn luận những gì không ai biết, nhưng có thể khẳng định một điều, là việc trao đổi không thể thiếu đề tài là làm thế nào để đối phó với “nhóm bốn tên”. Đặng đương nhiên tin tưởng Diệp có năng lực thanh toán toàn cục. Theo hồi ức của bí thư của Diệp vào năm 1979: “Trong thời kỳ Mao Trạch Đông ốm nặng, Vương Chấn nhiều lần đến bàn bạc bí mật với Diệp. Một lần bàn đến vấn đề “Vương, Trương, Giang, Diêu”, Vương Chấn hỏi Diệp Kiếm Anh: “Tại sao lại để chúng càn rỡ như thế. Tóm chúng nó lại có phải là giải quyết được vấn đề không?” Diệp Kiếm Anh đưa ra nắm đấm tay phải, chĩa ngón cái ra, vòng trên không hai vòng rồi đảo ngược ngón cái xuống, ấn xuống dưới. Vương Chấn nghĩ một chút, cuối cùng hiểu ý: Mao Chủ tịch còn sống, không thể làm liều, để ông ấy chết đi rồi sẽ tính toán, phải chờ thời cơ” Bây giờ Mao đi rồi, thời cơ đã đến. Vấn đề còn lại chỉ là làm sao được sự ủng hộ của Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng. Do từ ngày Mao mất, xung đột giữa Hoa với “nhóm bốn tên” ngày càng gay gắt, tuy Hoa đối với Giang Thanh có nghĩ đến thể diện của Cố Chủ tịch, nhưng đứng trước cảnh “nhóm bốn tên” ngày càng lấn lướt, ông ta không thể không lo nghĩ tới việc củng cố quyền lực của mình. Như vậy là Hoa, Uông nhanh chóng thống nhất về vấn đề giải quyết “nhóm bốn tên”. Kết quả như mọi người đã rõ,ngày 6-10, “nhóm bốn tên” bó tay chịu trói. Ngày 7-10, xuất hiện trung ương mới do Hoa. Diệp, Uông làm chủ.
Bốn ngày sau, khi đang điều trị bệnh viêm tiền liệt tuyến tại bệnh viện 301, Đặng Tiểu Bình nhận được tin này. Nỗi vui mừng của ông không kém gì khi được tin Lâm Bưu bị diệt vong trước dây năm năm. Điều cần nói là có sự khác nhau ở chỗ đối với việc năm năm trước đây ông có phần hơi kinh ngạc, còn lần này thì ít nhiều cũng đã dự tính tới. Đặng thấy rằng lại một thời cơ xuất hiện trước mắt ông. Thế là, giống như năm năm trước đây, việc đầu tiên là ông viết thư cho trung ương để biểu đạt “cảm thụ sâu sắc nhất” trong lúc này. Trong bức thư ngắn gọn này, ngoài việc tỏ rõ “niềm phấn khởi từ nội tâm” trước việc trung ương đảng đứng đầu là Hoa Chủ tịch đã giành được thắng lợi vĩ đại trong việc dẹp tan “nhóm bốn tên”, còn tỏ rõ thái độ chính trị không thể thiếu đối với Hoa: “Tôi thành tâm ủng hộ nghị quyết của trung ương, cử đồng chí Hoa Quốc Phong làm chủ tịch Ban chấp hành trung ương và Chủ tịch quân ủy. Tôi hết sức phấn khởi trước nghị quyết đó, nó có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Đảng mà với cả sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Về chính trị và tư tưởng, đồng chí Hoa Quốc Phong là người thừa kế thích hợp nhất của Mao Chủ tịch. Tuổi của đồng chí bảo đảm cho sự lãnh đạo của giai cấp vô sản ổn định được trong 15 hoặc 20 năm. Đó là một quyết định sáng suốt đối với Đảng và nhân dân. Lẽ nào đó không phải là niềm vui chung cho tất cả mọi người?”.
Bức thư đó của Đặng Tiểu Bình khiến thế lực yêu cầu phục hồi cho ông ở khắp nơi có được căn cứ. Nhưng trước bức thư tràn đầy nhiệt tình đó, thái độ của Hoa rất lãnh đạm. Theo ông ta, việc đập tan “nhóm bốn tên” là thắng lợi của ông ta - Hoa chủ tịch, chứ không phải là thắng lợi của Đặng Tiểu Bình, “tội lỗi” của “nhóm bốn tên” không có nghĩa là xóa bỏ được “sai lầm” của Đặng Tiểu Bình. Đương nhiên, hai kẻ đối địch hiện nay đều đã bị đánh đổ, vấn đề có phần trở nên phức tạp.
Ngày 26-10, sau khi nghe báo cáo về công tác tuyên truyền, Hoa đề xuất 4 ý kiến, sơ bộ tỏ rõ suy nghĩ của ông về cách giải quyết mối quan hệ giữa Đặng Tiểu Bình, “nhóm bốn tên” và Mao Chủ tịch. Một là, tập trung phê phán “nhóm bốn tên”, kèm theo phê phán Đặng. Hai là, đường lối của “nhóm bốn tên” là đường lối cực hữu. Ba là, phàm những việc được Mao Chủ tịch đồng ý đều không được phê bình. Bốn là, không nói về sự kiện Thiên An Môn. Trong hội nghị tháng 12, Hoa tiến thêm, nhấn mạnh sự cần thiết phải phê phán Đặng.
Hoa nắm chặt không buông việc phê Đặng là vì Đặng có uy tín cao hơn Hoa rất nhiều trong các cơ sở đảng, chính quyền và trong giới nhân sĩ khắp nơi. Về mặt năng lực thì sự hơn kém lại càng dễ nhận thấy. Nếu để Đặng được phục hồi thì Hoa sẽ đứng trước vấn đề rất khó giải quyết tức là sẽ đặt Đặng vào vị trí nào trong chính phủ của Hoa, nếu không khéo xử trí, sẽ gây uy hiếp cho địa vị lãnh đạo mà Hoa vừa giành được. Ngoài ra, Hoa còn lo lắng tới một vấn đề khác: ông ta nhận chức vụ là theo di chúc của Mao Trạch Đông, mà việc phê Đặng là do Mao định ra lúc còn sống, nếu ngày nay thay đổi đi thì chẳng phải là làm trái với lời dạy của Mao Chủ tịch hay sao? Dù sau khi được phục hồi, Đặng không có gì uy hiếp tới Hoa thì Hoa cũng không thể làm như vậy. Trong hai sự cân nhắc thì sự cân nhắc sau càng có tính thuyết phục, vì vậy, trong các trường hợp công khai nêu vấn đề phê Đặng, nguyên nhân chủ yếu mà Hoa nêu ra là “hai phàm là”, tức là “phàm những quyết sách của Mao Chủ tịch, chúng ta đều kiên quyết ủng hộ; phàm những chỉ thị của Mao Chủ tịch. chúng ta đều triệt để tuân theo”. Có hai điều đó, không nhưng có thể ngăn trở việc phục hồi Đặng Tiểu Bình một cách danh chính ngôn thuận, mà còn tỏ rõ cho mọi người thấy rằng ông ta đã chấp hành trung thành ý chí của Mao Chủ tịch. Thực tế đã cho thấy rõ, Hoa đối với Mao không phải cái gì cũng “phàm là” và cũng không thể đối với việc gì cũng “phàm là”. Thí dụ có người đã bắt bẻ: Vào thập kỷ 50, Mao Chủ tịch đã dẫn đầu ký vào bản quy định hỏa thiêu và không xây lăng mộ những người lãnh đạo sau khi chết, nhưng Hoa lại không hề do dự trong việc bảo tồn di thể và xây nhà kỷ niệm Mao. Thêm nữa, lúc còn sống Mao không hề nói phải bắt “nhóm bốn tên”, nhưng Hoa lại đồng ý bắt chúng. Thuyết “phàm là” không đứng vững được trước những bắt bẻ đó, đã làm lộ tính yếu ớt về địa vị của Hoa.
Rất nhiều dấu hiệu tỏ rõ, sau khi “nhóm bốn tên” không còn thì mâu thuẫn giữa Hoa với các nhân vật phái Đặng lại nổi bật lên. Sự xung đột giữa hai thế lực đã được công khai hóa trong cuộc Hội nghị công tác Trung ương vào tháng 3- 1977. Khi dự thảo báo cáo trước cuộc họp, Diệp Kiếm Anh đã nhiều lần nói rằng phần viết về Đặng Tiểu Bình cần nêu tốt hơn một chút để tạo điều kiện cho Đặng sớm ra công tác trở lại. Nhưng Hoa Quốc Phong đại phát biểu trong hội nghị: Việc phê phán Đặng, phản kích lại làn gió hữu khuynh đòi lật án là do Mao Chủ tịch quyết định, phê là cần thiết, “tội lỗi” của “nhóm bốn tên” chỉ là ở chỗ trong khi phê Đặng, chúng lại có ý đồ khác. Việc tiếp tục phê Đặng sau khi đã đập tan “nhóm bốn tên” là nhằm phá tan về căn bản “nhóm bốn tên” và dư đảng cùng với các thế lực phản cách mạng khác, không cho chúng lợi dụng vấn đề này làm cái cớ để tiến hành xúi giục phản cách mạng. Ở đây, rõ ràng là Hoa muốn trói cả Đặng Tiểu Bình và “nhóm bốn tên” vào một buộc. Cái gọi là “xúi giục phản cách mạng” là chỉ nhóm Lý Đông Dân gồm hơn 10 thanh niên Bắc Kinh đã viết biểu ngữ lớn ở đường Trường An, yêu cầu sửa sai cho Đặng Tiểu Bình, sửa sai với sự kiện Thiên An Môn. Lúc đó, bí thư thị ủy Bắc Kinh Ngô Đức gọi vụ này là “Đề cao Đặng, chống Hoa, bảo vệ Vương Hồng Văn lên đài”. Hoa còn nhân đó tăng cường đàn áp, trước sau ban bố ba văn kiện đối phó với sự kiện này. Nhân đó, Hoa nói trong hội nghị: Hiện đã điều tra rõ, có một nhúm nhỏ phản cách mạng, sách lược của chúng là, trước hết giương ngọn cờ yêu cầu đồng chí Đặng Tiểu Bình trở lại công tác, buộc Trung ương phải tỏ thái độ, sau đó công kích chúng ta đi ngược lại di chúc của Mao Chủ tịch, để xúi giục lật đổ Trung ương đảng, bảo vệ cho Vương Hồng Văn lên đài, lật lại bản án “nhóm bốn tên”. Vì vậy, nếu chúng ta vội vã để đồng chí Đặng Tiểu Bình trở lại công tác thì sẽ mắc lừa kẻ thù giai cấp. Hoa lại đưa ra bảo bối là “hai phàm là” để tăng thêm sức nặng, Hoa đổi “phàm là” thứ hai sang dạng phủ định: “Phàm là những ngôn luận gây tổn hại đến hình tượng Mao Chủ tịch, đều cần phải ngăn chặn”.
Nhưng Hoa Quốc Phong đã đánh giá thấp dũng khí của những người ủng hộ Đặng Tiểu Bình. Ngay trong cuộc thảo luận tiểu tổ trong hội nghị đó, Trần Vân, Vương Chấn đã đối chọi lại, công khai đề xuất việc phải sửa sai cho Đặng Tiểu Bình. Trần Vân nói: Tôi cho rằng lúc đó tuyệt đại đa số quần chúng đến Thiên An Môn là để tưởng niệm Thủ tướng Chu Ân Lai, cần phải điều tra xem “nhóm bốn tên” có nhúng tay vào vụ Thiên An Môn không, có quỷ kế gì không. Đặng Tiểu Bình không liên quan gì đến sự kiện Thiên An Môn. Vì nhu cầu của cách mạng Trung quốc và Đảng cộng sản Trung quốc, để đồng chí Đặng Tiểu Bình trở lại công tác là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Vương Chấn nói: Đặng Tiểu Bình có tư tưởng chính trị vững vàng, là nhân tài hiếm có, đó là lời nhận xét của Mao Chủ tịch, được Chu tổng lý truyền đạt. Năm 1975, đồng chí ấy chủ trì công tác của Trung ương và Quốc vụ viện giành được thành tích rất lớn, đồng chí ấy đã đi tiên phong trong cuộc đấu tranh với “nhóm bốn tên”. “Nhóm bốn tên” đã dùng trăm phương ngàn kế để hãm hại đồng chí ấy một cách xấu xa. Sự kiện Thiên An Môn là phong trào chống trả mạnh mẽ của quảng đại quần chúng chống lại “nhóm bốn tên”, là niềm tự hào của dân tộc chúng ta. Ai không thừa nhận bản chất và dòng chính của sự kiện Thiên An Môn thì thực tế là biện hộ cho “nhóm bốn tên”. Sức mạnh chinh phục của những lời lẽ đó mạnh mẽ hơn thuyết “phàm là” của Hoa rất nhiều, vì vậy, tuy không được đăng lên bản tin tóm tắt của Hội nghị, nhưng vẫn được hưởng ứng rộng rãi, mạnh mẽ trong toàn hội nghị. Sau hội nghị, lời kêu gọi mời Đặng trở lại làm việc càng mạnh. Vì vậy, Hoa Quốc Phong không thể không nhượng bộ, hứa sẽ để Đặng Tiểu Bình trở lại làm việc vào thời cơ thích hợp, đồng thời nói rằng việc quần chúng đến Thiên An Môn vào dịp Thanh Minh để tỏ tình cảm tưởng nhớ Chu Ân Lai là hợp tình hợp lý.
Sự đấu tranh của các cán bộ cũ đã giúp cho Đặng rất nhiều. Nhưng ông không chỉ ngồi chờ người khác đến mời mình ra. Ngày 10-4, ông lại chủ động viết một bức thư nữa cho Hoa. Trong thư, Đặng tỏ sự ủng hộ hoàn toàn với lời phát biểu và những hành động gần đây của Hoa. Ông cám ơn Trung ương đã chứng minh là ông không có liên hệ gì với sự kiện Thiên An Môn và tỏ lòng phấn khởi trước ý kiến của Hoa cho hành động của quần chúng trong ngày lễ Thanh minh là chính đáng. Điều đó là sự an ủi lớn đối với Hoa, ít nhiều có thể xua tan mối lo lắng trong Hoa trước sự quay trở lại của Đặng. Nhưng tiếp ngay sau đó, ông lại đề xuất việc dùng tư tưởng Mao Trạch Đông hoàn chỉnh, chuẩn xác để chỉ đạo cho mọi thế hệ. Đó rõ ràng muốn nói tới lá bùa hộ mệnh “hai phàm là” của Hoa. Đặng còn đưa ra sự tự phê bình cần thiết, thừa nhận trong công tác năm 1975 khó tránh khỏi có thiếu sót và sai lầm. Ông chân thành tiếp thu sự phê bình và dạy bảo của lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch.
C Đácxơ cho rằng: Sự tự phê bình đó là cần thiết để làm yên lòng những người phản đối ông và những người cho rằng cần phải bảo vệ thích đáng thanh danh của Mao Chủ tịch. Sau cùng Đặng đề nghị cho in bức thư này cùng với bức thư trước để phổ biến trong đảng. Đặng tin rằng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong đảng. Khi vấn đề của ông đã được công khai trước mọi người thì một thiểu số sẽ không thể lung lạc dân tâm được nữa.
Ngày 3-5, Trung ương phân phát bức thư của Đặng. Vấn đề Đặng Tiểu Bình trở thành trọng điểm chú ý của toàn đảng. Bây giờ mà còn ngăn trở việc Đặng Tiểu Bình trở lại thì sẽ thành một thiểu số bị cô lập. Hoa Quốc Phong bắt đầu nghĩ tới việc tiếp xúc với Đặng. Mấy hôm sau, ông ta phái Uông Đông Hưng và Lý Hâm đi gặp Đặng. Đặng bắt đầu chủ động phản kích. Trước hết, ông nhằm mục tiêu là bùa hộ mệnh “hai phàm là” của Hoa và Uông, vũ khí mà ông sử dụng là chính hai câu nói của Hoa. Đặng nói: “Hai phàm là” không đúng, nếu theo “hai phàm là” thì không thể nói cho xuôi việc phục hồi cho tôi, cũng không thể nói cho xuôi hành động của quần chúng ở quảng trường Thiên An Môn là hợp tình hợp lý. Hoa không ngờ rằng hai câu nói mà ông buộc phải nói trước hội nghị Trung ương mấy hôm trước lại bị Đặng túm lấy để chứng minh rằng “hai phàm là” có mâu thuẫn. Bây giờ Hoa chỉ giữ thế thủ và trên tay chỉ còn một con bài là sự kiện Thiên An Môn. Ông ta cử người đi gặp Đặng Tiểu Bình nêu điều kiện, yêu cầu Đặng Tiểu Bình làm kiểm thảo, thừa nhận sai lầm, khẳng định sự kiện Thiên An Môn là sự kiện phản cách mạng, thì có thể để Đặng trở lại công tác. Hoa nghĩ rằng có chiếc gông là sự kiện Thiên An Môn thì việc Đặng trở lại sẽ không có gì đáng sợ nữa. Song, câu trả lời của Đặng là: “Việc tôi có trở lại hay không không quan hệ, nhưng sự kiện Thiên An Môn là hành động cách mạng”. Sở dĩ Đặng bị đánh đổ là do sự kiện Thiên An Môn, bây giờ ông không chú ý đến vận mệnh của mình mà khảng khái giữ sự đánh giá trước hành động của quần chúng bị bức hại trong sự kiện Thiên An Môn, như vậy càng làm tăng thêm số người ủng hộ ông. Hoa đã mất trận địa cuối cùng, thì không còn sự lựa chọn nào khác là phục hồi vô điều kiện cho Đặng.
Tháng 7.1977, Hội nghị toàn thể lần thứ ba Trung ương khóa X chính thức quyết định khôi phục lại chức vụ mà Đặng Tiểu Bình đã bị mất 15 tháng trước: ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Trung ương đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy, Phó Thủ tướng chính phủ, Tổng tham mưu trưởng quân đội. Người thấp bé không thể bị đánh đổ lại một lần nữa vùng lên trên vũ đài chính trị Trung quốc, một thời đại mới đã bắt đầu.

<< Phần 1 | Phần 1 - C >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 523

Return to top