Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Mưu lược Đặng Tiểu Bình

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 24057 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mưu lược Đặng Tiểu Bình
Xuân Duy, Quỳnh Dung

Phần 1- E

1.16 Ba Kim đề nghị lập “nhà bảo tàng về cách mạng văn hoá”. Đặng rõ ràng là không tán thành, bởi vì nó quá đi vào chi tiết. Vì vậy, ông nhiều lần nhắc lại là xử lý vấn đề lịch sử nên khái lược mà không nên đi vào chi tiết
Benedetto Croce (nhà triết học Italia, 1866-1952 - Người dịch) từng nói: Mọi lịch sử chân chính đều là lịch sử hiện đại. Những người hiện đại muốn sáng tạo tương lai, đều phải xem xét lại, thậm chí phải viết lại lịch sử quá khứ. Chỉ có như thế, người hiện đại mới không thấy khoảng cách về không gian giữa mình với thế hệ trước: ở nguyên vị trí cũ hay đã tiến lên một bước? Đã đi một bước nhỏ hay tiến một bước lớn?
Người ta có thể sáng tạo lịch sử, nhưng không người nào có thể vượt khỏi lịch sử. Một cá nhân càng muốn sáng tạo những trang sử mới, thì càng đứng trước nhiều vấn đề lịch sử.
Khi Đặng Tiểu Bình xuất hiện trên vũ đài lịch sử Trung quốc với tư thế người cải cách, mở cửa, điều trước hết ông gặp phải không phải là cải cách như thế nào và phân tích việc mở cửa như thế nào mà là một đống những vấn đề lịch sử do thời đại Mao Trạch Đông để lại, đòi hỏi ông phải giải quyết, phải thanh lý.
Những vấn đề lịch sử mà Đặng gặp phải có thể phân làm hai loại: Một loại là sự đúng sai, công tội của những sự kiện lịch sử lớn và những nhân vật lịch sử quan trọng, cần được đánh giá lại theo những tiêu chuẩn giá trị hiện tại thí dụ vấn đề đúng sai của đại cách mạng văn hóa, vấn đề công lao và sai lầm của Mao Trạch Đông. Loại thứ hai là việc sửa chữa lại những việc mà thực tiễn đã chứng minh là trước kia làm sai, thí dụ, một số án oan, án giả, án sai trong cách mạng văn hóa, thậm chí trước cách mạng văn hóa và trước giải phóng còn để lại.
Đặng ý thức đầy đủ rằng, không giải quyết những vấn đề đó thì Trung quốc sẽ không thể nào tiến lên được. Không làm rõ những việc đúng sai lớn trong lịch sử, thì không thể tổng kết đúng đàn kinh nghiệm lịch sử, học được bài học lịch sử, không thể biết được Trung quốc nên đi theo hướng nào. Một số lớn án oan, án giả, án sai, nếu không kịp thời sửa chữa thì không thuận lòng dân, thông suốt ý dân, không phát huy được mọi nhân tố tích cực, thực hiện được cục diện chính trị ổn định đoàn kết, sinh động sôi nổi. Đặng Tiểu Bình muốn đưa Trung quốc tiến sang thời đại lịch sử mới thì trước hết phải giải quyết nhũng vấn đề do lịch sử để lại đặt ra trước mắt ông. Nhưng khi người ta lật giở các trang lịch sử nặng trĩu, những người lãnh đạo mới đứng trước vấn đề: Biết bao chuyện ân oán, đúng sai, thật giả do lịch sử để lại, biết đến năm tháng nào mới làm cho rõ hết được. Đặng Tiểu Bình tỉnh táo nhận ra rằng: Nếu lật giở những món nợ cũ của lịch sử thì có thể dẫn tới hai hậu quả: Một là, giải phóng được một năng lượng to lớn, đưa Trung quốc tới phồn vinh thịnh vượng; hai là, bới ra rất nhiều chuyện phiền phức, đưa nhân dân tới những cuộc tranh cãi không bao giờ dứt.
Do đó, khi Đặng Tiểu Bình bắt tay vào việc giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại, ngoài việc đề ra nguyên tắc thực sự cầu thị, có sai thì sửa, còn nhiều lần nhắc lại vấn đề mức độ, giải quyết vấn đề lịch sử nên khái lược chứ không nên quá chi tiết.
Theo nguyên tắc thực sự cầu thi để giải quyết vấn đề do lịch sử để lại, cái gì nên khái lược thì khái lược, nên chi tiết thì chi tiết. Đặng lại thêm là nên khái lược, không nên chi tiết, có nghĩa là, với những vấn đề có khái lược, có chi tiết thì nên chọn thái độ nên khái lược mà không nên chi tiết. Khái lược tốt hơn là chi tiết, quá chi tiết thì không thỏa đáng.
Sự phân biệt khái lược, chi tiết thể hiện cá tính độc đáo của ông Đặng và tầm nhìn chiến lược của một chính khách. Khái lược không phải là giản đơn, qua loa, mà là yêu cầu nắm những vấn đề đúng sai lớn có quan hệ rộng và ảnh hưởng lớn, chứ không đi sâu vào những vấn đề chi tiết về những món nợ cũ trong lịch sử. Đồng thời, giải quyết những vấn đề lịch sử lớn đó, cần khái quát một chút, chú trọng đến cái lớn, làm rõ cái đúng sai lớn chứ không cần làm rõ mọi chi tiết, cũng không nên yêu cầu vấn đề nào cũng phải giải quyết thật trọn vẹn.
Tại sao khái lược lại tốt hơn chi tiết? Đặng nói rất rõ ràng: Giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại, mục đích là để kết thúc quá khứ, mở ra tương lai, dẫn mọi người đoàn kết nhất trí nhìn về phía trước. Với vấn đề lịch sử, cần chú ý vào điểm lớn, cũng có nghĩa là chú ý vào hiện tại, chú ý tới tương lai. Ngược lại, với món nợ cũ lâu năm, tính toán quá chi tiết, chỉ dẫn sức chú ý của người ta về phía sau, quanh quẩn mãi với món nợ cũ trong lịch sử. Như vậy, không những không có lợi cho xây dựng bốn hiện đại hóa mà còn ảnh hưởng đến an định đoàn kết, hoàn toàn đi ngược lại mong muốn đoàn kết nhất trí nhìn về phía trước.
Nên khái lược, không nên chi tiết còn có một lý do nữa. Những vấn đề lịch sử mà Đặng muốn bắt tay vào giải quyết đều là những vấn đề phát sinh trong bản thân Đảng Cộng sản Trung quốc. Những vấn đề đó nếu không giải quyết thì không có cách nào tiến lên; nếu giải quyết quá chi tiết, lại không có lợi cho hình tượng vẻ vang của Đảng. Bởi vậy, chỉ nên giải quyết khái lược, khái quát một chút. Thí dụ như đối với sai lầm có tính toàn cục của cách mạng văn hóa, Đặng chủ trương nhất định phải sửa, nhất định phải phân rõ đúng sai lớn, không làm như vậy thì không thể có cục diện mới cải cách mở cửa như sau Hội nghị toàn thể Trung ương ba. Nhưng, nếu làm như đề nghị của Ba Kim, lập một “nhà bảo tàng cách mạng văn hóa” thì rõ ràng là Đặng không tán thành. Bởi vì, trong cách mạng văn hóa, rút cục vẫn tồn tại một đảng, phương thức trưng bày trong nhà bảo tàng, cố nhiên có lợi cho con cháu đời sau rút ra bài học, nhưng nó không tránh khỏi quá đi vào chi tiết, không thỏa đáng.

1.17. Định luận về Mao Trạch Đông sau khi chết
Người Trung quốc xưa nay vẫn cho rằng, một con người chỉ sau khi chết mới có thể đưa ra lời đánh giá thật công bằng. Lời nói đó không phải là không có lý. Bởi vì con người còn sống thì còn thay đổi, khó có thể kết luận ổn định. Sau khi chết, không còn thay đổi nữa, thì mới có thể “định luận” được. Song đối với nhân vật có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử như Mao Trạch Đông, thì đậy nắp áo quan rồi cũng chưa hẳn đã “định luận” được.
Sau khi Mao Trạch Đông mất, mọi việc làm của Đặng Tiểu Bình nhằm dẹp yên rối loạn, trở lại ổn định có thể khái quát thành một câu: Thông qua những sai lầm cuối đời Mao để cứu vớt cuộc cách mạng Trung quốc mà Mao đã khai sáng. Song quá trình biện chứng phủ định cái phủ định ấy lại phải thông qua sự vận động có quan hệ tương hỗ giữa Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong, Mao Trạch Đông. Mỗi thay đổi nhỏ nhặt trong quan hệ giữa Đặng và Hoa đều liên quan đến sự đánh giá người đã mất là Mao Trạch Đông. Linh hồn của Mao Trạch Đông vẫn tác động tới mỗi bước lịch sử của thời đại hậu Mao Trạch Đông. Tiên sinh Lỗ Phàm Chi đã chỉ ra: “Trung quốc muốn chấm dứt (cái “chấm dứt” này bao hàm sự vứt bỏ và phát triển một cách biện chứng chứ không có nghĩa phủ định toàn bộ) “thời đại Mao Trạch Đông” thì lại phải thông qua tiến trình có thể gọi là “phi Mao hóa” để phối hợp” Cái gọi là “phi Mao hóa” không có gì khác hơn là phá bỏ thần thoại về Mao Trạch Đông, phê phán những sai lầm cuối đời của Mao, không gì khác hơn là xác lập tính hợp pháp của chính quyền mới do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo và chứng minh tính không hợp lý của sự lãnh đạo cứng nhắc của Hoa Quốc Phong, đều cần được hoàn thành với sự làm yếu hình tượng hoàn mỹ của lãnh tụ vĩ đại, phê phán những sai lầm cuối đời của Mao. Nhưng ai nấy đều biết rằng “trước khi xóa bỏ ảnh hưởng của những kẻ theo đuôi Mao và “bọn bốn tên” về mặt chính trị và trong tầng lớp lãnh đạo, thì bất kỳ ai muốn phê phán Mao một cách dứt khoát và thiếu nghệ thuật, coi như là tự sát về chính trị hoặc ít nhất cũng là rất nguy hiểm” Đặng Tiểu Bình thấy được sự nguy hiểm đó, nên trong cuộc đọ sức với các đối thủ chính trị, ban đầu bao giờ ông cũng thận trọng, gắng hết sức tránh đề cập tới đúng sai công tội của Mao Trạch Đông và nỗ lực áp dụng những cái đúng đắn của Mao để biện hộ cho mình. Ví dụ, khi phản bác “hai phàm là” Đặng chỉ nhấn mạnh việc phái “phàm là” chỉ biết nắm mấy câu chữ cá biệt mà không suy nghĩ tìm hiểu đúng đắn tư tưởng Mao Trạch Đông; khi thanh toán sai lầm trong “cách mạng văn hóa”, ông ra sức quy trách nhiệm vào sự phá hoại của hai tập đoàn phản cách mạng là Lâm Bưu và “nhóm bốn tên”. Đến Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba, khóa XI, Đặng đã nắm được chính quyền trên thực tế, nhưng ông vẫn dồn sức vào sửa chữa từng sai lầm một trong”cách mạng văn hóa”, thí dụ như sửa sai từng bước cho các vụ án oan, án giả, án sai, chứ không vội kết luận về toàn bộ cách mạng văn hóa, đặc biệt là về Mao Trạch Đông.
Nhưng đến năm 1980, khi Đặng quyết định sửa sai cho án oan lớn nhất - án của Lưu Thiếu Kỳ, thì đã không thể tránh được việc đánh giá công khai toàn diện về Mao Trạch Đông.
Mục đích phát động cách mạng văn hoá của Mao Trạch Đông là nhằm phê phán “đường lối xét lại phản cách mạng” do Lưu Thiếu Kỳ làm đại biểu, mà việc đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ là cái mốc chủ yếu của “thắng lợi vĩ đại” có tính lịch sử của cách mạng văn hóa. Nếu Lưu Thiếu Kỳ là đúng đắn, bị oan, thì đủ chứng minh rằng đại cách mạng văn hóa từ điểm xuất phát tới tư tưởng chỉ đạo căn bản đều là sai lầm, chứng minh rằng trong hai việc lớn của cuộc đời Mao Trạch Đông thì một việc là sai lầm. Đặng bình tĩnh phân tích tình hình lúc đó: “Sau khi nghị quyết của Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ năm về sửa sai cho đồng chí Lưu Thiếu Kỳ được truyền đạt xuống dưới, tư tưởng trong một số người khá hỗn loạn. Có người phản đối việc sửa sai cho Lưu Thiếu Kỳ, cho rằng làm như thế là đi ngược lại tư tưởng Mao Trạch Đông; một số người khác cho rằng đã sửa sai cho đồng chí Lưu Thiếu Kỳ thì tức là tư tưởng Mao Trạch Đông đã sai”.
Đặng cho rằng “cả hai cách nhìn nhận đó đều sai”. Rõ ràng, muốn khắc phục sự hỗn loạn tư tưởng đó, cần phải có cách nói có quyền uy đối với một số vấn đề lịch sử quan trọng, đặc biệt là đối với đại cách mạng văn hóa và tư tưởng Mao Trạch Đông. Đó là nguyên nhân vì sao Đặng quyết tâm viết “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng từ ngày lập nước đến nay”.
Thấy sự phức tạp của việc phê phán Mao lúc đó có người đề xuất: Nghị quyết này đã vội đưa ra chưa? Đặng nói: “Không nên để chậm nữa. Để chậm không có lợi cho chúng ta. Bởi vì trong đảng ngoài đảng “đều đang viết”, “đều đang chú ý xem chúng ta nói thế nào”. Anh không đưa ra một nhận định gì thì những vấn đề quan trọng sẽ không có cách nhìn nhận thống nhất”
Đúng như vậy, không có cách nhìn nhận thống nhất, thì sẽ có các kiểu nói khác nhau. Như vậy, ở mức độ nhẹ thì gây nên hỗn loạn tư tưởng, ở mức độ nặng thì ảnh hưởng tới an định đoàn kết. Vả lại lúc đó Đặng đã giành được thắng lợi quyết định đối với Hoa, cũng tức là đã giành được quyền tuyệt đối trong việc giải thích tư tưởng Mao Trạch Đông, còn cần thiết gì phải né tránh vấn đề phê phán Mao nữa?
Công việc phê phán Mao của Đặng Tiểu Bình gồm hai ý cơ bản không dễ nhất trí với nhau: Vừa kiên trì tư tưởng Mao Trạch Đông, lại vừa phê phán sai lầm cuối đời của Mao. Đặng hy vọng thông qua sự biện luận tổng hợp về hai mặt dó để tỏ rõ cho người đời biết tư tưởng Mao Trạch Đông mà người lãnh đạo mới kiên trì là cái gì. Trên thực tế đó là dùng hình thức nghị quyết của Đảng để trịnh trọng cáo biệt một thời đại cũ, trang nghiêm tuyên cáo về sự ra đời của một thời đại mới. Đó đương nhiên là một nhiệm vụ chính trị hết sức nghiêm túc và cũng hết sức khó khăn, chỉ được phép làm tốt, không được làm hỏng.
Văn kiện sắp ra đời, về nhiều mặt có thể được coi là đỉnh cao nhất trong lịch sử văn chương thế giới. Đặng tự cầm đầu, Hồ Diệu Bang chủ trì, Hồ Kiều Mộc chủ bút, bên dưới có ủy ban khởi thảo gồm hơn hai mươi thành viên. Trong quá trình khởi thảo văn kiện, qua việc thảo luận trong bốn người, cuối cùng là thảo luận trong mấy chục người, trong Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, trong Hội nghị trù bị của Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 6, khóa XI, riêng việc thảo luận quy mô đã có bốn lần như vậy Văn kiện viết xong chỉ có hơn hai vạn chữ, mà khởi thảo mất 15 tháng (từ 3.1980 đến 6.1981), qua không biết bao nhiêu lần dự thảo. Trình độ thận trọng đó vượt hơn việc khởi thảo hiến pháp của nhà nước.
Đặng quan tâm đến mỗi chi tiết nhỏ trong bài văn như quan tâm đến một chiến dịch lớn quyết định việc mất còn sống chết. Ít nhất ông đã 9 lần nói chuyện về công việc khởi thảo văn kiện, tự mình nêu ra sự đánh giá và mức độ cần nắm vững cho từng sự kiện lịch sử, từng nhân vật lịch sử quan trọng. Đặng đã chỉ đạo tỷ mỉ về tư tưởng chỉ đạo của toàn văn, về nguyên tắc cơ bản, thậm chí cả đặc sắc ngữ khí của văn chương và sự dài ngắn của từng đoạn. Trong cuộc đời Đặng đã viết nhiều văn kiện, song văn kiện này có thể là văn kiện được viết nghiêm túc, tỉ mỉ nhất.
Tại sao lại coi trọng như vậy? Bởi vì Đặng mong muốn văn kiện này “có thể có tác dụng như Nghị quyết lịch sử năm 1945”
Năm 1945, Mao Trạch Đông chủ trì khởi thảo “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử trong đảng”, khiến tư tưởng của toàn đảng thống nhất với tư tưởng Mao Trạch Đông, từ đó đã đặt nền móng cho thời đại Mao Trạch Đông. Nghị quyết lịch sử do Đặng Tiểu Bình chủ trì lần này thêm vào bản Nghị quyết 35 năm trước mấy chữ “từ ngày lập nước đến nay”. Mục đích của nó là nhằm thống nhất tư tưởng toàn đảng với tư tưởng Đặng Tiểu Bình, hoặc thống nhất với tư tưởng Mao Trạch Đông đã được Đặng Tiểu Bình giải thích lại, để xác định phương vi của thời đại hậu Mao Trạch Đông tức là thời đại Đặng Tiểu Bình.
Tháng 6.1981, Đảng Cộng sản Trung quốc triệu tập Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 6, khóa XI, đồng thời hoàn thành bốn nhiệm vụ. Một là, thông qua “nghị quyết lịch sử”, hoàn thành việc đánh giá lịch sử với Mao Trạch Đông. Hai là, bầu Hồ Diệu Bang làm chủ tịch Đảng, Hoa Quốc Phong chính thức rút khỏi vũ đài lịch sử. Đây là mốc đánh dấu ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông đã chuyển từ tay Hoa Quốc Phong sang tay Đặng Tiểu Bình. Trong phiên họp bế mạc, Đặng nhấn mạnh, bản nghị quyết lịch sử “có tác dụng rất quan trọng đối với việc thống nhất tư tưởng trong đảng ta”, “Từ nay, với tư cách một đảng viên cộng sản, phải phát biểu trong tinh thần thống nhất đó, dù tư tưởng không thông cũng phải phục tùng tổ chức”
Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ 6 họp đúng trước dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng. Đặng cảm thấy vào dịp kỷ niệm 60 năm này, không cần làm cái gì thêm, có bản nghị quyết này là quá đủ rồi. Ông hy vọng sau khi nghị quyết công bố “Tư tưởng trong đảng và trong nhân dân được rõ ràng, nhận thức đạt tới nhất trí, việc tranh luận về các vấn đề lịch sử quan trọng tới đây kết thúc” Công việc còn lại là một lòng một dạ xây dựng bốn hiện đại hóa, đoàn kết nhất trí nhìn về phía trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương mới.

1.18. “Muốn tiến hành sự đánh giá lịch sử nghiêm túc với Mao Trạch Đông, là một việc làm chính trị vô cùng nguy hiểm”
“Muốn tiến hành sự đánh giá lịch sử nghiêm túc với Mao Trạch Đông, là một việc làm chính trị vô cùng nguy hiểm”. Nguy hiểm lớn nhất là phải gánh lấy trách nhiệm,,làm gãy cờ”.
Năm 1978, khi phái thực tiễn muốn “thông qua việc xác nhận tiêu chuẩn thực tiễn của chân lý để phá bỏ thần thoại về Mao Trạch Đông, thì Uông Đông Hưng đã uy hiếp bằng tội danh “làm gẫy cờ” và “vứt bỏ kiếm”. Phái thực tiễn chỉ có thể đối phó bằng chiến thuật anh giương cao, tôi cũng giương cao. Đặng Tiểu Bình đã nhằm vào thuyết “làm gãy cờ”, đề ra vấn đề “thế nào là giương cao”, “làm thế nào để giương cao”. Ông không bàn tới việc có cần giương cao ngọn cờ đỏ vĩ đại là tư tưởng Mao Trạch Đông không, mà chia vấn đề giương cao thành hai loại, là giương cao thật một cách thực sự cầu thị, giương cao giả một cách hình thức chủ nghĩa để kịp thời hất cái mũ mà phái “phàm là” chụp cho mình. Lúc đó phái “phàm là” chiếm ưu thế, nên việc “bảo vệ cờ” của Đặng mang tính sách lược, để đáp lại sự khiêu chiến chứ không phải là sự đề xuất vấn đề xuất phát từ nhu cầu tự thân của chính quyền mới.
Đến khi Đặng Tiểu Bình không bị sự kiềm chế của phái “phàm là”, có quyền cái quan định luận với Mao Trạch Đông, liền tự giác nhận thấy rằng không thể để mất ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông. Đương nhiên đây là một sự suy xét về chiến lược. Người cộng sản lão luyện này không quên bài học trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế: Những năm 50, Khơrutsôp hoàn toàn phủ định Xtalin, kết quả có gì tốt đâu? Bất kỳ đối với Đảng Cộng sản Liên xô, với phong trào cộng sản quốc tế hay với bản thân Khơrutsôp, đều không có gì tốt. Đặng công khai tuyên bố: “Tôi sẽ không đối xử với Mao Trạch Đông như Khơrutsôp đã đối xử với Xtalin” Điều đó không chỉ do giữa Mao Trạch Đông và Xtalin có nhiều mặt khác nhau, mà chủ yếu hơn là cách làm đó của Khơrutsôp rất không khôn ngoan. Khẳng định Xtalin là có sai lầm. Đặng đã từng phê phán nghiêm khắc trong Đại hội VIII Đảng Cộng sản Trung quốc rằng việc sùng bái cá nhân do Xtalin gây ra đã đưa tới “hậu quả xấu nghiêm trọng”.. Nhưng, muốn phê phán sai lầm của Xtalin, cần gì phải phủ định toàn bộ Xtalin? Dù có phủ định toàn bộ đối với Xtalin thì cũng không cần thiết phải kêu gào theo tình cảm kiểu Khơrutsôp.
Năm 1980, căn cứ nhu cầu phát triển của tình hình, Đặng quyết định chính thức đưa ra lời đánh giá lịch sử với Mao Trạch Đông. Sự đánh giá này đương nhiên không phải nhằm đưa Mao Trạch Đông đã xuống khỏi thần đàn trở lại thần vị, mà mục đích cuối cùng là Đặng muốn thông qua việc đánh giá Mao Trạch Đông để tỏ cho người đời biết rằng thế hệ lãnh đạo mới có cách làm khác Mao Trạch Đông ở những mặt nào, mà muốn chứng minh tính hợp lý của sự khác nhau đó, cần phải vạch ra những việc làm sai lầm không thích hợp của Mao Trạch Đông trước kia. So sánh sự đánh giá đó với việc ca tụng công đức của Mao Trạch Đông trong mấy chục năm qua, có đặc điểm nổi bật là chỉ ra rằng Mao Trạch Đông có khuyết điểm sai lầm, mà có những sai lầm nghiêm trọng. Nhưng mặc dù như vậy, khi khởi thảo nghị quyết đánh giá Mao, Đặng vẫn đề xuất ba nguyên tắc lớn, trong đó điều “quan trọng nhất, căn bản nhất, then chốt nhất”, mà trung tâm nhất lại là “giữ vững và phát triển tư tưởng Mao Trạch Đông”. Ông thẳng thắn chỉ ra rằng: “Bộ phận trình bày tư tưởng Mao Trạch Đông trong nghị quyết không thể không có. Đó không chỉ là vấn đề lý luận, mà quan trọng hơn là vấn đề chính trị, là vấn đề chính trị lớn trong nước và trên quốc tế. Nếu không viết hoặc viết không tốt phần đó thì chi bằng không ra nghị quyết”.
Tại sao “không viết hoặc không giữ vững tư tưởng Mao Trạch Đông, chúng ta sẽ phạm sai lầm lớn có tính lịch sử. Một là,”không đề ra tư tưởng Mao Trạch Đông, đánh giá không thỏa đáng về công lao và sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông thì giai cấp công nhân không chấp nhận, bần nông và trung nông lớp dưới thời cải cách ruộng đất không chấp nhận, đông đảo cán bộ có liên hệ với họ cũng không chấp nhận”. Ba bộ phận đó là quần chúng cơ bản của Mao Trạch Đông. Trong lòng họ, Mao Trạch Đông là đại cứu tinh giúp họ vươn mình giải phóng. Nhất là trong lòng nông dân, hàng triệu, hàng chục triệu nông dân đối với hình ảnh Mao Trạch Đông đã được thần thoại hóa như là đối tượng sùng bái. Những chính khách dù to gan thế nào cũng không thể không suy xét tình hình thực tế đó. Đặng tỉnh táo nhận rõ, nếu hủy hoại hình tượng Mao Trạch Đông trong lòng dân, thì chính quyền mới của ông coi như xây dựng trên bãi cát, những chính sách mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân của ông sẽ không được nhân dân coi là phúc lành mà sẽ được coi là tà ác.
Hai là, lúc đó có một động thái chính trị rất dáng chú ý Đặng đã nhắc nhở: “Hiện nay tàn dư của “nhóm bốn tên” và một số người có dụng tâm khác đang giương ngọn cờ của ai?” “đó là ngọn cờ Hoa Quốc Phong, ủng hộ Hoa Quốc Phong” Ngọn cờ Hoa Quốc Phong có gì để giương? Bởi vì Hoa là người thừa kế được đích thân Mao Trạch Đông sắp xếp, trên vai vác lá cờ của Mao Trạch Đông. Đặng không đồng ý việc Hoa bảo vệ cách làm sai lầm cuối đời của Mao, nhưng nếu trong khi phê phán sai lầm của Mao, ông hoàn toàn phủ nhận Mao thì coi như đã trao lá cờ đỏ của Mao Trạch Đông cho đối thủ chính trị của mình. Một số người có dụng tâm khác sẽ dùng khẩu hiệu bảo vệ Mao Chủ tịch, ủng hộ Hoa Chủ tịch để thách thức tính hợp pháp của sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình.
Ba là, đúng như Morixơ Maixơna đã nói, Đặng Tiểu Bình và những người cộng tác của ông tuy có thấy sự cần thiết về chính trị là đưa Mao Trạch Đông làm tượng trưng cho sự hợp pháp cách mạng, “nhưng sự tán dương Mao Trạch Đông của họ quyết không chỉ là sự suy xét về hiện thực chính trị”. Tư tưởng Mao Trạch Đông đã giáo dục cả một thế hệ. Cả một thế hệ người cách mạng có Đặng Tiểu Bình trong đó đều đã bước lên vũ đài lịch sử dưới ngọn cờ tư tưởng của Mao Trạch Đông. Vận mệnh chính trị của họ có mối liên hệ tự nhiên với tên tuổi Mao Trạch Đông, cho nên dù trong “cách mạng văn hóa” họ có bị phê phán vì sự sai lầm của Mao Trạch Đông, họ cũng không thể không tha thứ cho lãnh tụ vĩ đại. Lại bước lên vũ đài chính trị sau cách mạng văn hóa, dù đường lối mà họ chấp hành có khác với Mao Trạch Đông thế nào, họ cũng đều nhớ tới Mao Trạch Đông trong lịch sử. Nếu hoàn toàn phủ định Mao Trạch Đông thì ắt sẽ làm tổn thương đến cuộc cách mạng đã xây dựng trước dây và từ nay về sau của Trung quốc, và cuối cùng lại như Khơrutsôp, sẽ phủ định luôn cả chính mình nữa. Đặng rất tỉnh táo khi ý thức điều đó, nên ông nói “Bất kỳ lúc nào chúng ta cũng không được làm tổn hại đến hình tượng đồng chí Mao Trạch Đông trong toàn bộ lịch sử cách mạng huy hoàng của Trung quốc, không được dao động trong nguyên tắc giương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông. Chúng ta cần có sự giác ngộ đó, cần có nhận thức đó. Dó không chỉ là vì lợi ích của Đảng Cộng sản Trung quốc, vì lợi ích của dân tộc Trung Hoa, mà còn vì lợi ích của phong trào cộng sản quốc tế”. Theo nhu cầu của thực tiễn chính trị hiện hành, vừa cần phê phán sai lầm của Mao, vừa không thể vứt bỏ tư tưởng Mao Trạch Đông, công việc đó thật không dễ thực hiện. Nhưng Đặng vẫn thực hiện được và thực hiện thật tốt đẹp. Cách làm của ông là trước hết phân biệt tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng của bản thân Mao Trạch Đông. Tư tưởng Mao Trạch Đông là kết tinh trí tuệ tập thể, trong đó có phần cống hiến của Mao Trạch Đông nhưng không ngang bằng với tư tưởng của cá nhân Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông là người chứ không phải thần thánh, tư tưởng của bản thân ông có đúng đắn, nhưng cũng không tránh khỏi sai lầm. Thế là, Đặng tiến lên một bước, phân biệt tư tưởng Mao Trạch Đông với những sai lầm cuối dời Mao, “Tư tưởng Mao Trạch Đông là phần đúng đắn trong cuộc đời Mao Chủ tịch”, “Sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông là ở chỗ đã đi ngược lại phần đúng đắn trong tư tưởng của mình” Do đó, tư tưởng sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông không nằm trong tư tưởng Mao Trạch Đông. Nói ngược lại, kiên trì tư tưởng Mao Trạch Đông thì tất phải phê phán, sửa chữa những tư tưởng sai lầm cuối đời Mao. Phê phán những sai lầm cuối đời Mao, không những không phải là chặt gãy cờ mà là thực sự giương cao lá cờ tư tưởng Mao Trạch Đông.
Đặng nói: ”Phân biệt tư tưởng Mao Trạch Đông với những tư tưởng sai lầm cuối đời Mao như vậy có thể tránh được rất nhiều hỗn loạn”. Ông dùng phương pháp đó để giải thích việc dẹp bỏ rối loạn, trở lại ổn định lúc đó, “tức là dẹp bỏ rối loạn do Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” gây ra, phê phán sai lầm cuối đời của đồng chí Mao Trạch Đông, trở về quỹ đạo của tư tưởng Mao Trạch Đông”. Hoa Quốc Phong chủ trương “hai phàm là”, “tức kiên trì tư tưởng sai lầm cuối đời của đồng chí Mao Trạch Đông một cách nguyên xi, không thay đổi”. Tóm lại, Đặng nói: “Đường lối mà Trung ương mới kiên trì, là tư tưởng Mao Trạch Đông”. Nếu nói hiện nay và trước kia có gì khác nhau thì đó chỉ là sự phát triển của tư tưởng Mao Trạch Đông.

1.19. Lên án “nhóm bốn tên” không thể không nhắc tới tên tuổi Mao Trạch Đông, nhưng sai lầm của Mao chủ tịch có sự khác nhau về tính chất với vấn đề lâm Bưu và “nhóm bốn tên”
Trong khi Đặng Tiểu Bình đánh giá về đúng sai, công tội của Mao Trạch Đông, còn kéo theo một quá trình khiến mọi người chú ý, tức là việc xử án công khai những tội lỗi của các thành viên chủ yếu trong hai tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh đã phạm phải trong thời kỳ “cách mạng văn hóa”. Trước kia, từ đầu 1979, Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố “Phong trào quần chúng đã vạch trần và phê phán Lâm Bưu, “nhóm bốn tên” đã kết thúc thắng lợi trên phạm vi toàn quốc” Sau hơn hai năm rưỡi, lại đưa hai tập đoàn phản cách mạng đó ra tòa án lịch sử, hành động đó rõ ràng có liên quan đến việc đánh giá Mao Trạch Đông đang được tiến hành lúc đó.
Đồng thời, Đặng còn triển khai hành động thứ ba, tức khai trừ đảng tịch của Khang Sinh, Tạ Phú Trị, và xóa bỏ lời điếu trước kia đối với họ, công bố cho quần chúng biết những tội trạng nghiêm trọng mà họ đã phạm phải trong thời kỳ cách mạng văn hóa. Hai người đó đã chết như Lâm Bưu là những bị cáo vắng mặt, xuất hiện trong cuộc xử hai vụ án đó vì họ được coi là những thành viên quan trọng của hai tập đoàn phản cách mạng, trực tiếp tham gia những âm mưu hoạt động thoán đảng đoạt quyền của Lâm Bưu, Giang Thanh.
Phê phán sai lầm cuối đời của Mao, xử án hai tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh, công bố hành vi nghiêm trọng của Khang Sinh, Tạ Phú Trị đều là những việc từ thời cách mạng văn hóa, là việc triệt để thanh toán hậu quả của cách mạng văn hóa, đồng thời cũng là để xác lập quyền uy lãnh đạo của thế hệ mới. Đó là những biện pháp cần thiết không thể không làm. Đặng Tiểu Bình phối hợp ba hành động đó với nhau, rõ ràng là có sức mạnh hơn việc chỉ đơn độc phê phán sai lầm của Mao Trạch Đông, mà làm như thế cũng tránh được sự quá tập trung sức chú ý của mọi người vào bị kịch cuối đời của Mao Trạch Đông.
Từ 26.9.1980, ngày Ban chấp hành trung ương thông tri về việc xử án hai tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh, Bộ Chính trị đã chỉ huy sát sao toàn bộ quá trình xét xử từ khi khởi tố đến khi tuyên án. Cục trưởng cục kiểm sát đặc biệt thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Hóa Thanh đã đọc bản khởi tố dài trước tòa án nhân dân tối cao, vạch rõ 4 tội trạng lớn của Lâm, Giang và 48 tội cụ thể, gồm có âm mưu thoán đảng, đoạt quyền mưu toan ám hại Mao Chủ tịch, bắt bớ và tra tấn phi pháp, bức hại hơn 70 vạn người, bức hại đến chết ba, bốn vạn người. Đặng Tiểu Bình cho rằng định tội như thế với Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” cũng không quá đáng, nhưng việc phê phán Mao Trạch Đông thì cần nắm vững mức độ. Công khai tố cáo những tội ác trên, gán tất cả tội lỗi cho hai tập đoàn phản cách mạng, rõ ràng là làm nhẹ đi trách nhiệm của Mao đối với trận hào kiếp của “cách mạng văn hóa”, gây cho người ta một ấn tượng: So sánh với tội ác tày trời của Lâm Bưu, Giang Thanh, những sai lầm của Mao chỉ là sai lầm nhỏ của một nhà mác xít vĩ đại. Hai phương thức “đấu tranh” khác nhau: Phê phán trong đảng và xét xử công khai tự bản thân chúng đã nói rõ: “Sai lầm của Mao Chủ tịch và vấn đề Lâm Bưu, “nhóm bốn tên” là khác nhau về tính chất”. Đặng nói với nhà báo ý Pharaxi: Dù việc xét xử,nhóm bốn tên” không thể không nhắc tới tên tuổi Mao Chủ tịch, “nhưng xét xử “nhóm bốn tên” không thể ảnh hưởng tới Mao Chủ tịch”.
Mặc dù như vậy, muốn “tách rời hoàn toàn Lâm Bưu, đặc biệt là “nhóm bốn tên” ra khỏi Mao Trạch Đông vẫn có khó khăn. Nói tới “nhóm bốn tên”, trong nước có người giơ lên 8 ngón tay, ngoài nước có người nói Mao Trạch Đông là bị cáo không được nêu tên; trong quá trình xét xử Giang Thanh càng không ngừng dựa vào quyền uy của ông chồng đã quá cố để biện hộ cho mình. Thậm chí bà ta còn nói: “Tôi chỉ là một con chó của Mao Chủ tịch, Chủ tịch bảo tôi cắn ai thì tôi cắn người đó”.
Mọi loại dư luận và bóng gió đã ít nhiều có ảnh hưởng tới danh dự Mao Trạch Đông. Nhưng nếu xét tới việc trong Đảng vẫn còn một số người thấy không nên đánh giá đúng sai, công tội của Mao Trạch Đông một cách thực sự cầu thị, thì những ảnh hưởng ấy lại phục vụ tốt cho mục đích của Đặng Tiểu Bình là phê phản sai lầm cuối đời của Mao Trạch Đông. Làm xấu Lâm Bưu và “nhóm bốn tên”, dù rằng có lợi hay không có lợi cho danh dự của Mao Trạch Đông nhưng đều có lợi cho uy tín của Đặng Tiểu Bình. Dù rằng trên thực tế không dễ phân biệt, Đặng vẫn tuyên bố “cần phân biệt sai lầm của Mao Chủ tịch với tội ác của Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” Việc phân biệt của Đặng đại thể có mấy mặt sau:
1) Mao đã phạm những sai lầm chính trị không nhỏ, nhưng mặt khác, những sai lầm ấy lại bị Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” lợi dụng.
2) “Nhóm bốn tên” giương cờ Mao để làm việc xấu, nhưng Mao bất lực trong việc can thiệp, điều đó ông cũng có trách nhiệm.
3) bị kịch của “cách mạng văn hóa” không thể do một mình Mao chịu trách nhiệm, có một số việc do Lâm Bưu, “nhóm bốn tên” tạo nên việc đã rồi, có một số là chúng làm nhân danh Mao, nhưng Mao có trách nhiệm trong việc sử dụng chúng.

Dựa trên sự phân biệt đó, 5 tháng sau khi tuyên án bọn đầu sỏ trong “cách mạng văn hóa” Lâm Bưu, Giang Thanh, Đặng công khai phát biểu kết luận lịch sử về Mao Trạch Đông. Bản án “cách mạng văn hóa” đã được định như vậy.
1.20. Đánh giá Mao Trạch Đông, vừa thực sự cầu thị, vừa có mức độ, phê phán sai lầm cuối đời của Mao không nên quá phạm vi
Hai khó khăn mà Đặng Tiểu Bình gặp phải khi đánh giá Mao Trạch Đông là: Vừa phải kiên trì tư tưởng Mao Trạch Đông, lại phải phê bình sai lầm cuối đời của Mao Trạch Đông. Rõ ràng là, muốn cho “hai khó khăn” đạt tới “hai toàn vẹn”, thì việc chỉ phân biệt trên nguyên tắc sai lầm nhảy cuối đời của Mao Trạch Đông với tư tưởng Mao Trạch Đông là không đủ, còn cần nắm vững vấn đề mức độ mang tính kỹ thuật nữa.
Khi bắt đầu nghĩ đến việc đánh giá Mao, Đặng chủ trương cần thực sự cầu thị, danh giá công tội đúng sai của Mao một cách khách quan như thực. Kết quả phát hiện thấy trước năm 1957, sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông là chính xác, từ sau cuộc đấu tranh chống phải hữu năm 1957, sai lầm càng ngày càng lớn: Sai lầm mở rộng cuộc đấu tranh chống phải hữu năm 1957, sai lầm đại nhảy vọt năm 1958, sai lầm trong Hội nghị Lư Sơn năm 1959 và cuộc chống hữu khuynh sau đó, Mao Trạch Đông đều chịu trách nhiệm chính. Sai lầm trong mười năm “cách mạng văn hóa” so sánh với sai lầm trong mười năm trước “cách mạng văn hóa” là sai lầm nghiêm trọng mang tính toàn cục, đương nhiên Mao Trạch Đông cũng phải chịu trách nhiệm chú yếu.
Phân tích như thế, thì thấy trong hơn 40 năm lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung quốc của Mao Trạch Đông, sai lầm đã chiếm 20 năm. Đặng dần dần thấy nói hết ra như thế thì quá nghiêm trọng. Sai lầm của Mao Trạch Đông có thể nói hết ra, nhưng làm sao còn giương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông được nữa? Vì vậy, cùng với nguyên tắc thực sự cầu thị, Đặng lại bổ sung thêm một nguyên tắc: Có mức độ. Có mức độ tức là vấn đề độ, triết học gọi là giới hạn quyết định chất của lượng. Giống như nông dân đánh giá mùa màng, nếu năm nào thu hoạch được từ 5/10 trở xuống thì không thể gọi là năm được mùa. Đánh giá một nhân vật, nếu là người tốt, thì người đó có thể có sai lầm, khuyết điểm, nhưng không thể vượt quá 5/10. Thí dụ như 7/8 (7 phần thành tích, 3 phần sai lầm), 8/2, 6/4 thì coi là người tốt, còn như 8/7 chẳng hạn thì cơ bản là sự đánh giá phủ định. Với một người tốt, nếu đánh giá sai lầm vượt quá thành tích thì là sự đánh giá quá mức độ, quá phạm vi. Đánh giá Mao Trạch Đông, vừa phải thực sự cầu thị, lại vừa phải có mức độ, có nghĩa là: Vừa phải chỉ ra đúng sự thực những sai lầm mà Mao Trạch Đông đã phạm phải, để chứng minh rằng hiện nay không làm theo như thế là đúng; lại phải nắm đúng tỷ lệ giữa đúng đắn và sai lầm, làm cho công lao chiếm hàng đầu, sai lầm chiếm hàng thứ hai. Nếu lại tính sai lầm lớn hơn công lao thì là quá mức độ, “sẽ tạo nên sự hỗn loạn về tư tưởng, dẫn tới sự không ổn định về chính trị” gây hậu quả nghiêm trọng Đặng hiểu rõ rằng đánh giá Mao Trạch Đông khác với đánh giá những người khác, nếu không nắm vững mức độ, viết quá mức về sai lầm của Mao “bôi nhọ đồng chí Mao Trạch Đông, thì cũng tức là bôi nhọ đảng ta, nhà nước ta”. Làm như vậy “chỉ gây tổn thương đến hình tượng Đảng và Nhà nước ta, chỉ gây tổn thương cho uy tín của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, chỉ làm tan rã khối đoàn kết của toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc trong toàn quốc”.
Để nói có mức độ, không quá phạm vi về sai lầm của Mao, bảo đảm công lao chiếm hàng đầu, sai lầm chiếm hàng thứ hai, Đặng Tiểu Bình hầu như đã vận dụng mọi kỹ xảo văn chương.
1) “Nghị quyết” đánh giá Mao vốn dự định chỉ đề cập đến đoạn lịch sử 27 năm từ ngày lập nước. 27 năm đó theo sự danh giá đã được công nhận, thì 7 năm đầu là đúng đắn, 10 năm trước “cách mạng văn hóa” thì đúng đắn và sai lầm ngang nhau, 10 năm “cách mạng văn hóa” là sai lầm mang tính toàn cục. Những sai lầm đó không thể không viết, nhưng viết như thế rất khó thể hiện là công lao của Mao Trạch Đông chiếm hàng đầu, sai lầm chiếm hàng thứ hai. Sau Trần Vân đề nghị thêm vào một chương nói về lịch sử đảng trước giải phóng, viết gộp cả 60 năm. Đặng thấy ý kiến đó rất tốt. Viết gộp cả 60 năm tuy vượt khỏi hạn chế của tiêu đề “từ ngày lập nước đến nay”, nhưng “công lao và cống hiến của đồng chí Mao Trạch Đông sẽ được khái quát toàn diện hơn”.Làm như vậy có thể làm nhạt bớt sai lầm của 20 năm sau, khiến công lao của Mao Trạch Đông lớn hơn sai lầm rất nhiều.
2) Sai lầm viết một cách khái quát, trọng điểm đặt ở phần công lao. 20 năm sau, đặc biệt là 10 năm “cách mạng văn hóa” sai lầm không phải là nhỏ. Nếu viết ra tất cả, e rằng khó bảo đảm công lao là hàng đầu, nhưng lại không thể không viết.
Thế là, Đặng đành tập trung giải quyết phương pháp viết, yêu cầu “viết một cách khái quát” về sai lầm, “nội dung chủ yếu, tập trung dành cho phần công lao”. “Trọng điểm đặt trong phần tư tưởng Mao Trạch Đông là thế nào, những điều đúng đắn của đồng chí Mao Trạch Đông là gì”. Đặng phát hiện, cũng là viết về sai lầm, nhưng cách thể hiện thì nhiều. Thí dụ, cách viết miêu tả có lợi về phản ánh sự thực khách quan, nhưng khó bảo đảm có mức độ, nên ông chủ trương tránh lối viết miêu tả, mà tăng cường lối viết nghị luận. Ngay khi miêu tả sự thực, cũng chú ý lựa chọn phương pháp, thứ tự, đặc biệt là lời lẽ khi miêu tả, cách miêu tả thuần khách quan và trung tính rõ ràng là không thỏa đáng.
3) Sai lầm cũng có phần của người khác nữa. “Nói sai lầm, không nên chỉ nói đồng chí Mao Trạch Đông, những đồng chí phụ trách chủ yếu trong Trung ương cũng có sai lầm không nên tạo thành ấn tượng là mọi người đều đúng đắn, chỉ có một người sai lầm. Dù Mao phải chịu trách nhiệm chính về sai lầm, nhưng “không nên né tránh phần của chúng ta. Đưa cả “chúng ta” vào, làm cho số người phạm sai lầm nhiều lên, nhưng “chúng ta nhận một phần trách nhiệm, không có gì là xấu, mà lại có điểm tốt”. Một trong những điểm tốt, là để những người khác chia một phần trách nhiệm có thể làm giảm bớt phần sai lầm của Mao Trạch Đông. Hai là, những người lãnh đạo hiện nay chủ động nhận phần trách nhiệm, phê bình những sai lầm trước kia, thì càng đứng vững. Ba là, chúng ta có thể rút ra bài học từ đó, biến việc phê phán sai lầm của Mao thành việc tự phê bình trên một mức độ nhất định, để từ nay vĩnh viễn không tái phạm.
4) “Sai lầm đã bị hai tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” lợi dụng”. Để đoạt quyền, Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” đã lợi dụng sai lầm của Mao, đưa nhiều vấn đề đến chỗ cực đoan, hoặc giương lá cờ Mao để làm việc xấu, như vậy đã tạo nên hậu quả nghiêm trọng cho “cách mạng văn hóa”. Hậu quả của “cách mạng văn hóa” không thể nói là Mao Trạch Đông không có trách nhiệm, “nhưng không phải chỉ do một mình đồng chí chịu trách nhiệm. Có một số việc do Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” trách nhiệm. Có một số việc do Lâm Bưu và “nhóm bốn tên” tạo thành chuyện đã rồi, có một số việc chúng làm sau lưng Mao” Vì vậy muốn tính sổ, trước hết phải tính sổ với bọn phá hoại bên trong.
5) “Không nên quy kết mọi vấn đề vào phẩm chất cá nhân”, “chế độ là nhân tố quyết định”2. Người Trung quốc khi đánh giá người, thường chú trọng nhân phẩm. Quyền uy của Mao Trạch Đông trong lòng nhân dân Trung quốc chủ yếu là do cá tính và nghị lực của ông. Nếu quy kết sai lầm của Mao vào phẩm chất kém cỏi của ông thì sẽ rất dễ làm xấu Mao Trạch Đông, đồng thời cũng không có lợi cho việc chỉ ra sai lầm, hấp thu bài học. Đặng nhấn mạnh chế độ có tác dụng quyết định, nhấn mạnh phản tác dụng của hoàn cảnh đối với cá nhân, một mặt có thể làm nhạt bớt phần sai lầm của Mao Trạch Đông, giữ gìn được hình tượng của Mao, mặt khác có thể tổng kết những bài học của cách mạng văn hóa cho những người sau Mao, chuẩn bị cho việc triển khai cải cách thể chế kinh tế chính trị sau này.
6) “Sai lầm của Mao Chủ tịch là sai lầm về chính trị. Sai lầm đó không phải là nhỏ”. Nhưng “không nêu sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông là sai lầm về đường lối”. Đó cũng là vấn đề mức độ.
7) “Sai lầm mà đồng chí Mao Trạch Đông phạm phải, là sai lầm của một nhà cách mạng vĩ đại, sai lầm của một nhà mác xít vĩ đại” khác về nguyên tắc với tội ác của Lâm Bưu và “nhóm bốn tên”.
8) “Sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông là ở chỗ đã đi ngược lại tư tưởng đúng đắn của mình” Như vậy, dù Mao có phạm sai lầm nghiêm trọng cũng không phương hại đến tính đúng đắn của tư tưởng Mao Trạch Đông, không ảnh hưởng đến việc những người lãnh đạo hiện nay giương cao ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông. Qua những công việc tỉ mỉ đó, cuối cùng Đặng đã đạt tới mục đích của mình: Vừa phê bình nghiêm túc những sai lầm của Mao Trạch Đông, vừa không vượt quá giới hạn, tức là khẳng định trong cuộc đời Mao Trạch Đông thì công lao lớn hơn sai lầm rất nhiều.

<< Phần 1- D | Phần 1 - F >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 973

Return to top