Khi người ta đói
Trọng Huân
Có kẻ từng mỉa mai về người viết sự đói, người đói, rằng tầm nhìn không thoát khỏi miếng ăn(!) Đúng rồi, nếu người ta no thì miếng ăn quá khẩu thành tàn, còn nếu đói, như các cụ nói, đói rã họng ra ấy à...
Chủ nhật vừa rồi tôi đi uống bia với anh bạn cùng cơ quan và vài người nữa ở quán bia Bò Tùng Xẻo trên đường Thái Hà. Anh bạn béo tốt, béo tốt tới mức, anh em trong cơ quan gọi đùa - Dũng Di Lặc và cậu ta là cỏi thước đo mức tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà mấy năm qua.
Vốn người sành ăn, hễ đi nhậu, anh em đều tín nhiệm cậu ta khoản “đi chợ”. Tôi lần đầu tiên tới quán bia đó, còn bọn họ là khách quen. Quán đang đông, sau cú trăm phần trăm vại bia hơi Hà Nội, mới thấy anh bạn béo gọi đồ nhậu.
- Cho đĩa ... rau bí xào!
Bữa đó tôi là chủ chi, nên hơi áy náy, nhắc bạn, xem gọi thêm vài món gì nữa. Ông bạn bảo từ từ thôi, cậu ta khề khà nhắc chủ quán: chọn rau non, tước kỹ rồi xào nhiều tỏi vào... Nghĩa là chỉ đĩa rau thôi, ông béo hành nhà hàng đủ thứ. Chưa hết, cậu ta còn nhấn rõ, làm đĩa năm nghìn. Sau hai, ba lần trăm phần trăm nữa, vẫn chưa thấy ông bạn kêu thêm, mà lại gọi nhân viên tới, huơ huơ đũa, trỏ miếng bã rau trên bàn, cậu ta hất hàm hỏi:
- Này, rau chăn nuôi hay sao mà ăn phải nhả bã thế này!
Để cho cậu chàng chạy bàn phân trần một lúc, anh bạn béo mới tiếp:
- Cho đĩa thịt trâu xào cần! Mười nghìn.
Tôi hơi ngạc nhiên, lấy đâu ra thứ oái oăm đó, hay tay này tếu. Lại tiếng cậu ta cao vống:
- Xem nào, có đúng thịt trâu không!
Đầu bếp phải giương mịếng thịt trâu sát mặt cho cậu ta kiểm tra. Hoá ra quán đây có thịt trâu. Đĩa thịt 10 nghìn, còn xem có đúng không, mà tiếng ông bạn tôi đâu nhỏ, chắc không ít khách bia bàn khác phải nhìn sang. Sau tiết mục kiểm tra thịt, ông bạn Dũng Di Lặc oang oang tiếp:
- Miếng ăn là miếng nhục, nhưng miếng nhục lại là miếng thịt... Giống thịt trâu nó đậm hơn thịt bò, quán này có thịt trâu, không biết mà gọi thịt bò, nó mang thế bằng trâu, trâu mà tưởng bò, bò lại tưởng trâu... nó đã chém, lại còn cười mình con vịt... Nên cái gì bây giờ cũng phải xem, giả giả thật thật. Thôi nào, rước các chú chuẩn bị xơi món thịt trâu xào nào... H..à h...à!
Nghe tiếng mời giễu của bạn, tôi chợt nhớ tới từ “rước” trong bữa được mời cơm khách cũng trong một bữa ăn cách đây tròn ba mươi năm.
Ấy là mùa hè năm 1969, sau khi Giôn Xơn phải ngưng cuộc bắn phá miền Bắc lần thứ nhất, tôi được chuyến ra thăm Thủ đô, lần đầu tiên biết Hà Nội. Bầu đàn chúng tôi khá đông, ông chú ruột, 3 đứa em họ và tôi, tất cả 5 người. Quá hiểu và thông cảm với hoàn cảnh người nhà ở Hà Nội, sau chiến tranh khó khăn, nên dù là khách, ông chú tôi vẫn tự túc mọi thứ phục vụ cho sự ăn uống của đoàn. Trong bốn đứa, cậu em họ hơn tôi một tuổi, lớn nhất, được giao nhiệm vụ nặng nề, vác bó củi. Bó củi sắp tầy tặn, chằng bó cẩn thận, nặng không dưới 30 cân. Cậu thứ hai bằng tuổi, nhưng vóc dáng hơn tôi, được phân công vác bao tượng gạo chẵn mười lăm bơ, loại ống cân chín lạng. Đó vừa là lương thực của đoàn trong chuyến viếng thăm thủ đô, vừa là quà nhà quê đem đi biếu. Còn tôi đội quả dưa hấu. Không phải quả dưa mang đi làm đồ giải khát dọc đường, nó là món quà cho một người họ hàng danh giá bên ngoại của chú tôi. Sau chặng chen lấn ô tô khách từ quê tôi - Ninh Giang lên thị xã Hải Dương, chúng tôi lại tiếp chầu nữa rồng rắn xô đẩy xếp hàng mua vé, rồi tranh cướp nhau lên tàu hoả. Khoảng sáu, bảy giờ tối, tàu đến ga Hàng Cỏ, thầy trò tôi lếch thếch tìm đến người nhà ở ngã tư Khâm Thiên, khu 2A bây giờ. Dù cả ngày vất vả, hai ba giờ sáng xếp hàng tranh vé ô tô và khoảng bảy tiếng đồng hồ ngồi tàu xe trên quãng đường vỏn vẹn 87 km, tôi vẫn mê mẩn Thủ đô. Một đứa trẻ nhà quê lần đầu tiên ra tỉnh, thật cái gì cũng lạ. Có lẽ mải hếch mắt ngắm nhà, ngắm xe, ngắm tàu điện, lại loạng quạng vì đèn đường, tôi vấp rễ cây, ngã lăn cu chiêng, quả dưa hấu - món qùa mang đi biếu, đội trên đầu - lăn lông lốc và... vỡ toác. Tôi không rõ ông chú mắng mỏ, quát tháo những gì, chỉ nhớ đại ý rằng, lúc ấy ông cáu lắm. Thôi thế là món quà nhà quê có ý đồ đem biếu bị vỡ mất rồi!
Chuyến đi thật nhiều kỷ niệm và là kho chuyện cho tôi kể với đám bạn bè quê: Hồ Gươm to rộng bằng trăm cái ao đình làng mình, mà không bèo, nước xanh biêng biếc cơ; xì, cây gạo làng mình chưa đi đến đâu, vườn Bách Thảo cây to mười mấy người ôm mới xuể; ôi kem lạnh toát, thì kem là kem chứ còn là cái gì, thế mới lạ, lạnh mà lại bốc khói nhé, tao vừa mút vừa phải xuýt xoa cho răng đỡ bu?t; quầy bán xi rô Hà Nội chỗ nào cũng có, ngọt lắm, lại ngọt... không như xi rô trên thị trấn, nhạt thếch;... Phải đến cả tháng tôi tự hào kể với đám bạn như vậy, những đứa chưa một lần rờ chân tới phố huyện, chứ nói gì tới Thủ đô, chúng cứ tròn xoe mắt nghe. Có một chuyện mà tôi không kể, thực ra mới đầu về quê tôi đã kể, sau mấy cậu em họ nhắc nhở, bảo chú tôi dặn, đừng kể chuyện ấy nữa - đó là bữa được mời cơm.
Hà Nội vui quá, người đông quá, phố xá tấp nập, tưng bừng. Ba hôm ở thăm mà tôi thấy thời gian đi vèo vèo. Rồi bọn trẻ được ông chú thông báo, chiều mai có người họ hàng bên ngoại nhà chú tôi mời cơm. Mấy hôm thăm chơi Thủ đô, chúng tôi ở một nhà người họ hàng, tự nấu ăn lấy, củi gạo đã mang sẵn từ quê lên rồi. Lâu nay ở quê nghe nhiều về người Hà Nội. Ôi cái gì người Hà Nội cũng đẹp cũng hay, người Hà Nội lịch sự lắm, người Hà Nội nấu ăn ngon lắm, cỗ Hà Nội to, to lắm! Biết tin mai được mời cơm, tuy không nói ra, song chắc chắn trong thâm tâm mấy đứa trẻ chúng tôi, ai nấy đều khấp khởi mừng thầm, sẽ được một bữa thoả thuê, cỗ bàn Hà Nội mà, thịnh soạn, thịt cá ê hề, cứ thoả sức ăn.
Trước và trong chuyến đi, điều thường xuyên chúng tôi được nhắc nhở, khi công khai, lúc thầm thì, kể cả dùng ám hiệu nhắc nhở về vấn đề ăn uống. Bài học “Phải, không” có rất nhiều điều: phải ăn uống từ tốn; phải mời trước khi ăn; không nhai nuốt nhồm nhoàm; không tự tiện múc gắp;...! Nội dung bài học nhắc đi giảng lại đến mức tôi thuộc lòng. Dù vậy vẫn sợ hớ hênh hay quên, thỉnh thoảng tôi còn đem ra ôn tập, lẩm nhẩm đọc thành lời: không gắp, không nhai, không... Tức là phải lịch sự như người Hà Nội. Nếu không lịch sự được cái gì, thì chí ít gắng mà giữ cái sự ăn uống. Vâng, giấy rách phải giữ lấy lề, cái lề nhà quê. Trong lúc ở quê dạy các lễ nghi “Phải, không” kia, ông chú cao hứng, làm luôn một tràng, chẳng rõ nói với lũ tý nhau chúng tôi hay nói với ai:
- Người nhà quê vẫn bảo, lời chào cao hơn mâm cỗ cơ. Đúng quá! Đâu phải đói, mà cũng đâu phải người nhà quê sĩ.
Người mời cơm chúng tôi ở một phố tôi không còn nhớ rõ nữa, hình như nhà ở quãng quá Cửa Nam một chút. Ngoài chú cháu chúng tôi, gồm năm người và vợ chồng chủ nhà (ông bà không con cái), cũn cú người em ruột của ông ta. Nhà ông em ấy thì tôi biết, bởi chú cháu tôi một lần đã tới thăm gia đình đó. Gọi là nhà, nhưng thực ra đấy chỉ là hỏm chân cái cầu thang. Trước đây ngôi nhà là của ông ta, sau gia đình đi xây dựng kinh tế mới, nơi rừng thiêng nước độc, dân Hà Nội không quen cuốc cày, quyết tâm chưa cao, đã không vượt nổi cái hói hựng chốn chim kêu vượn hú, đành quay về Hà Nội. Lúc quay về nhà ông ta người khác ở rồi, gia đình tám khẩu đành tạm trú nơi chân cầu thang của chính nhà mình ngày trước.
Trở lại chuyện bữa cơm mời khách, tất cả chủ khách gồm 8 người. Phải nói rằng bát đĩa đẹp, mâm đồng sáng loáng, không nhôm nhoam mâm gỗ sứt mẻ kiểu làng tôi. Tôi chỉ hơi thất vọng, cơm mời khách sao sơ sài thế. Hay người ta để cho thức ăn nóng, chưa bày ra mâm. Đến khi chủ khách đã quây quần hết cả, tôi mới hết thấp thỏm hy vọng, sẽ còn nhiều món nữa.
Trên mâm có đĩa rau sống, cái đĩa rất to và đẹp, diềm đĩa lượn sóng, phía trên lồng bồng mấy cây hành chẻ tỉa như nhành hoa, rau muống cuộn lại tròn vo, xen vào đó là những nhánh rau xanh nhỏ, trông từa tựa rau húng quê tôi, nhưng cuống màu lại tia tía, lá thì nhỏ săn hơn. Trong bữa ăn tôi mới biết là húng Láng, một đặc sản của Hà Nội, ông chủ nhà cứ luôn miệng giới thiệu, còn chú tôi thì xuýt xoa khen rằng ngon, thơm thế!
Bày kế đĩa rau sống là món rau muống xào, cũng đựng trong cái đĩa to tương xứng với cái đĩa rau sống. Món rau muống xào không có gì đặc biệt so với món rau muống xào quê tôi, ngo?i trừ nó điểm hoa trắng bằng những mảnh tỏi đập dập, cay xộc mũi.
Tiếp nữa là hai cái đĩa nhỏ, lòng đĩa to hơn miệng cái bát ăn cơm, đĩa trứng tráng và đậu rán.
Thứ sang và lạ mắt nhất với tôi là bát ô tô có con chim bồ câu nằm gần ngập mình trong nước váng mỡ và được đặt trang trọng giữa mâm. Bồ câu thì tôi không lạ, chỉ lạ là dưới làn nước váng mỡ và đùng đục, thấy những hạt tròn tròn trăng trắng. Sau này tôi được giải thích, ấy là món chim ninh hạt sen, thứ đó ăn vào đại bổ và dễ ngủ.
Đếm ngắm các món, tôi nghĩ bụng, hoá ra cỗ Hà Nội cũng không sang và to tát gì, thậm chí còn kém cỗ giỗ hay cỗ Tết quê tôi. Chắc là bởi vì người Hà Nội ăn uống thanh cảnh, như lâu nay người nhà quê chúng tôi thường đàm luận.
Anh em tôi khoanh chân ngồi theo sự sắp xếp ngầm của ông chú. Tôi nhớ, quy trình từ động tác soạn đũa, chia bát, đến rót rượu và “rước nhau xơi” kéo dài chừng 15 phút.
Đợi quá lâu tôi đành ngắm con chim câu ninh trong cái bát ô tô sứ đẹp. Tự dưng lúc đó nước b?t tôi cứ tứa ra. Vì tôi ngắm nghía món chim ninh kỹ quá, cậu em họ lớn hơn tôi đã huých một nhát vào mạng sườn tôi, đấy là tín hiệu nhắc nhở, không được nhìn như vậy nữa, cả không được tứa nước bọt nữa...
Dù dềnh dàng bao nhiêu, bữa cơm thết khách cũng phải đến lúc bắt đầu, người ta mời nhau đến đây ăn, có phải đến xem cơm đâu, tôi nghĩ bụng vậy. Người lớn thì nhắm rượu, còn chúng tôi “xơi cơm”, đấy là từ ngữ nói như ông bà chủ dùng, vì từ đầu bữa ông bà chủ toàn dùng từ xơi: “Rước ông xơi!” và chú tôi đáp lại “Ông cứ để em dùng tự nhiên...” Tuy gạo mậu dịch, thổi khô, không thơm như gạo quê, mà mùi hôi xộc lên, vậy mà chỉ cơm không - chúng tôi được học tập trước rồi, không tự nhiên mà múc gắp - tôi vẫn cảm thấy ngon thế. Mà có muốn ăn, muốn gắp thì gắp thứ gì đây, món chim ninh tất nhiên là không được rồi, đĩa đậu rán cũng vậy, nó nhỏ xíu xếp lát cỡ chục miếng...
- Ngon, bà chị nấu ngon quá!
Tiếng ông chú tôi. Chẳng rõ chú tôi khen món nào. Không thể là rau sống và rau xào được. Cơm ở quê, ngày nào chẳng ăn rau muống, cả một rổ rau muống đầy tú hụ.
Hay là ông khen món trứng tráng? Tôi được bà chủ gắp cho một miếng, đĩa trứng trông thì vàng ngậy và dày, nhưng bở bùng bục, tôi lại nghĩ có lẽ do trứng gà ung, sau mới hay, người ta cho nhiều bột mỳ vào độn.
Hay là món chim? Ông chú đã dùng đâu, làm sao biết được nó ngon thế nào.
Sau những lời rước nhau xơi trịnh trọng, thời gian khoảng được nửa tuần rượu, ông chủ nhà hướng đôi đũa về phía bát chim ninh:
- Rước ông xơi! Kìa các cháu gắp ăn đi!
Ông chủ chưa kịp dứt câu, đã thấy tiếng chú tôi đỡ lời:
- Dạ vâng, ông cứ để em dùng tự nhiên!
Câu tiếp lời hơi to và rõ của chú, tôi biết đấy là sự cảnh báo ngầm của ông, chúng mày đừng có mà sa đà, tưởng người ta mời là gắp đấy nhá! Vâng, thưa chú chúng cháu nhớ chứ! Gi?y rách phải giữ lấy lề!
Tôi vừa thầm nghĩ vậy thì ông chủ ra đũa. Phải đến lúc này tôi mới thấy con chim được ninh nấu kỹ lắm. Ông chủ dùng đôi đũa đụng nhẹ một cái, thân hình con chim đã rời ra làm đôi. Ông dùng đũa gắp và cả cái muôi đỡ nửa con chim lên. Như chú tôi, động tác đồng loạt của các em tôi là giật lùi cái bát của mình lại một chút. Theo lý trí, cái bát của tôi cũng được điều khiển lùi lùi lại.
Quả thật, tuy lùi lùi bát, nhưng đầu óc tôi lại cầu mong: Bác ơi, bác gắp cho cháu nhá! Kìa cháu ngồi sát gần bác cơ mà! Và suýt nữa thì thứ tình cảm thầm kín trong tôi buột ra thành lời và cả xui khiến cả đôi tay tôi làm cái việc đưa bát của mình vươn ra. May sao phần lý trí trong tôi đã thắng.
Nửa con chim về bát ai, bởi ai cũng rụt bát cả lại?
Chắc nó lại phải trở về vị trí xuất phát ban đầu thôi!
Không, tôi thấy đôi đũa và cái muôi của ông chủ thu lại... và rồi, nửa con chim vào bát của ông.
Không khí bữa ăn hình như lặng đi, ngoại trừ đâu đó tiếng xương gãy, kêu r..ắ...c r...ắ...c!
Thời gian trôi đi dăm, ba phút, cả chủ và khách không thấy ai rước mời nhau xơi, nhau dùng gì nữa, chắc mọi người - lũ nhỏ chúng tôi ăn cơm thì thưởng thức cơm, còn ông chủ thì thưởng thức món chim ninh, mấy người lớn kia nhắm rượu thì thưởng thức rượu...
Lát sau tôi mới thấy lại tiếng ông chủ, trước đó ông rót tuần rượu thứ hai vào các chén, tất nhiên lần này không phải câu ông rước xách gì đâu, mà là đề tài mới, nội dung chuyện thăm thú Hà Nội của chúng tôi: “Thế các cháu đi được những đâu rồi?” “ồ phải ra hồ Gươm!” “à ra rồi à!” “ Thế thì nên đưa tiếp các cháu ra Bách Thảo!” “Đền Quan Thánh đẹp lắm!” “ Nghe bảo bức tượng đồng đen nặng đến mấy tấn cơ. Tôi là người Hà Nội mà đã đến được đâu.” “Thế nào, kem Hà Nội các cháu ăn có thấy ngon không?”
Sau những nội dung thăm hỏi và giới thiệu các điểm hấp dẫn cần tới thăm, tôi lại thấy ông chủ “Rước ông xơi” và điệp khúc của chú tôi đáp lại “Ông cứ để em dùng tự nhiên!”
Kìa, đôi đũa của ông chủ nhà đang hướng xuống bát chim ninh kìa.
Lần này, đôi đũa không dềnh dàng như trước, cũng không thấy ông nói câu “rước” nữa, chỉ thấy cái bát của ông đã đón sẵn và nửa con chim còn lại rơi gọn vào bát ông.
Tại sao bao nhiêu năm rồi tôi không quên bữa cơm khách đó và vẫn còn hình dung con chim bồ câu ninh nhừ, nhừ là, rất béo và ngậy nữa?