Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tuổi hai mươi yêu dấu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 42544 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuổi hai mươi yêu dấu
Nguyễn Huy Thiệp

CHƯƠNG 27

Bao nhiêu là thứ bùa mê
Vẫn không bằng được nhà quê của mình
Đồng Đức Bốn
Con người tự do: luôn luôn bạn thích biển.
Ch.Baudelaire44
 
Tôi xuống biển tắm, tìm cách bắt cá vì cá rất nhiều. Tôi không có kinh nghiệm nên loay hoay cả buổi sáng mà không bắt được con cá nào. Tôi đói, không thể chén toàn đu đủ mà sống được. Nó làm tôi bị đi ngoài, bị kiệt sức. Tôi trèo lên núi, cố gắng tìm ra thứ gì ăn được. Mãi về sau, tôi mới tìm ra được mấy cây khoai sọ nhưng củ của chúng đều non. Tôi cũng tìm ra được một số tổ chim có trứng, không biết đây là tổ quạ, tổ chim sâu hay là chim gì. Tôi cóc cần, miễn là ăn vào không chết là được. Tôi cho vào nồi luộc ráo cả lên, trệu trạo nhai nuốt. Cái nồi mà ông nhà thơ vứt cho tôi chắc là xin được ở trên cái thuyền, cái bè nào đó. Nó là cái xoong nhôm cũ méo mó, được cái còn chưa bị thủng. Ở trên núi có một khe nước rất trong. Chắc đây là chỗ duy nhất có nước ngọt ở đảo. Tôi nhìn kỹ xung quanh, thấy có nhiều vết chân thú và có cả vết chân người.
Tôi không thấy sợ bị bỏ rơi ở đây vì thỉnh thoảng tôi vẫn còn nhìn thấy có ca nô chở khách du lịch đi thăm vịnh ở phía xa xa. Có cả những thuyền câu mực và đánh cá nữa. Tôi hy vọng nếu có chiếc thuyền nào đi lại gần đảo thì họ sẽ phát hiện ra tôi. Tôi không thể chết ở đây được, trừ phi tôi gặp rủi ro như bị ngã từ trên núi đá xuống biển hoặc bị rắn cắn.
Một buổi trưa nọ tôi ngủ thiếp đi. Đang ngủ thì tôi giật mình nghe tiếng loạt soạt xung quanh. Tôi chồm ngay dậy vớ lấy con dao. Trước mặt tôi là một ông già cao lớn tay cầm dao quắm trông rất phong trần. Ông già cười:
-           Bắt được thằng ăn trộm thầu dầu đây rồi!
Chúng tôi làm quen nhau. Tôi rất cảm ơn vì ông già không hỏi han lí do gì mà tôi lại ở đây một mình. Ông già nói tên là Hào, làm công nhân môi trường trên đảo Cát Bà, hôm nay sang đây thu hoạch đu đủ. Hóa ra những cây đu đủ trên núi là do ông trồng.
Ông Hào bảo tôi:
-           Chú ở đây không ổn. Mưa gió thì không ở được. Tôi có cái chòi ở bên kia đảo, ở đấy tôi thả mấy con dê. Có gì sang đấy mà ở.
Ông Hào và tôi dọn đồ xuống cái thuyền tre mà dân ở đây gọi là cái mủng. Ông Hào chèo thuyền đưa tôi về phía bên kia đảo. Ở bên đó bằng phẳng hơn bên này, lại có cả một bãi cát nhỏ rộng chừng 200 mét vuông tuyệt đẹp. Ông Hào dựng ở đây một cái lán nhỏ, có hàng rào vây xung quanh.
Ông Hào bảo tôi:
-           Tôi nuôi mười sáu con dê, cứ thả cho nó sống tự nhiên. Ở đây không có thú rừng nào hết nên không sợ. Tôi ở bên đảo Cát Bà, cứ vài ba ngày thì tôi lại đi ra đây một lần.
Trong lán ông Hào cũng còn ít gạo và muối, ông Hào bảo tôi cứ lấy mà dùng. Ông Hào hỏi tôi:
-           Chú định ở đây lâu không?
Tôi trả lời rằng tôi muốn ở đây chữa bệnh, sống với thiên nhiên một thời gian dài. Nếu khỏe hẳn lên tôi sẽ đi làm công việc gì đấy để tự kiếm sống.
Ông Hào bảo:
-           Tốt lắm! Nhưng muốn sống ở đây phải kiếm được cái mủng. Cái mủng là phương tiện đi lại, cũng là phương tiện kiếm sống, nó như cái xe máy, xe đạp ở trên đất liền. Có cái mủng, chú có thể đi về Cát Bà, Cát Hải hay đi Tuần Châu cũng được. Nhà tôi còn có một cái mủng cũ, có gì tôi sẽ mang cho chú mượn.
Ông Hào đi về, để tôi ở lại. Ông Hào đúng là “quý nhân phù trợ”, là “phúc thiện tinh” của tôi. Hôm sau ông lại đến, mang theo một cái mủng cũ. Ông dạy tôi cách lái mủng. Tôi học nó rất nhanh. Lái mủng không phải là dễ, nhất là khi có sóng to. Sau hơn một ngày xoay xở, tôi đã bắt đầu điều khiển cái mủng như ý muốn.
Có cái mủng, tôi chủ động hơn và không còn sợ bị chết đói. Tôi lái mủng vào vịnh Cát Bà, làm quen với các cư dân ở đây.
Cát Bà là một vịnh lớn, ở đây neo đậu hàng trăm chiếc thuyền đánh cá từ các nơi đổ về: từ Quảng Ninh xuống, từ Thủy Nguyên Hải Phòng ra, có rất nhiều cái từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng đến... Thỉnh thoảng cũng có vài cái thuyền Trung Quốc đến xin neo đậu. Trên bờ có một xưởng làm đá ướp lạnh và một chợ cá khá sầm uất. Gần đây, huyện đảo Cát Bà mở mang du lịch nên có khá nhiều thuyền bè du lịch chở khách đi lại tham quan trong vịnh.
Có khoảng chừng vài trăm cái mủng làm việc chuyên chở người và hàng hóa đi lại trong vịnh Cát Bà. Có nhiều gia đình cả bố mẹ, con cháu đều làm nghề này, ăn uống, sinh hoạt tất tật đều ở trên mủng.
Hàng trăm cái mủng neo đậu thành một xóm nhỏ ở trên mặt vịnh. Có người làm bè để sống trên đó. Lại có những tàu chuyên bán nước ngọt. Gần như trên bờ có nghề ngỗng gì thì những cư dân sống ở trên vịnh cũng có nghề ngỗng như vậy: có người chuyên bán tạp hóa, có người chuyên bán rau quả, thậm chí có người chuyên đi thu mua phế liệu như sắt vụn, vỏ chai hoặc đồ nhựa hỏng.
Những khi có thuyền cá về thì hàng chục cái mủng bu lại xung quanh. Người mua, người bán phân loại cua, cá, tôm, mực: loại tốt mang đi bán cho cửa hàng xuất khẩu hoặc các cửa hàng chuyên bán đặc sản trên bờ, loại thường mang đi lên chợ.
Tôi hòa nhập với những người ở đây rất nhanh. Loay hoay, khi thì chở khách, khi thì chở hàng, mỗi ngày cũng kiếm được đủ tiền mua gạo, mua thức ăn. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra giá trị đồng tiền mà mình kiếm được. Tôi rất nể phục vài người ở đây như ông Cẩn, như chị Nga hay chú Thăng.
Ông Cẩn đã già, làm nghề lái mủng từ nhỏ. Đời ông, đời cha cũng đều sống ở vịnh này. Ông Cẩn có cả một đại gia đình có tới hơn bốn chục người con cháu. Ban ngày đi làm, buổi tối mọi người quây lại bên nhau. Dù sống kham khổ và chẳng nhiều tiền nhưng không thấy mọi người trong đại gia đình ấy cãi nhau bao giờ. Có con cá, con mực gì ngon, những người con lại dành phần mang biếu bố mẹ. Gia đình ông Cẩn gửi tiền về quê trong Thanh Hóa đóng góp tiền xây dựng đình làng tới cả năm chục triệu đồng có dư. Rất có thể số tiền ấy bọn nha lại, hương lý ở quê chén sạch cũng nên, chúng không hề biết ở đây gia đình ông Cẩn đã phải vất vả, cực nhọc thế nào.
Chị Nga quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Chồng chết để lại mẹ già với hai đứa con. Chị Nga ra vịnh Cát Bà kiếm sống, hàng tháng gửi tiền về quê nuôi mẹ, nuôi con. Mùa hè đông khách, có khi chị lái mủng suốt đêm không ngủ.
Chú Thăng là thương binh cụt cả hai chân. Ngồi lái mủng, chú có thể lái nhanh hơn cả người lành lặn khỏe mạnh. Chú rất tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người nếu ai nhờ cậy, chẳng nề hà gì.
Những người sống ở trên vịnh thật chất phác. Có lẽ thiên nhiên đã dạy cho họ những kinh nghiệm, những bài học về cuộc sống. Trước thiên nhiên, con người thật bé nhỏ. Chỉ có chân thực thôi mới được thiên nhiên chấp nhận. Còn thủ đoạn, dối trá, loanh quanh sẽ chỉ chuốc vào cho mình tai họa.
Tôi sống ở đảo, thấy mình khỏe ra và thấy mình suy nghĩ đơn giản hơn về cuộc sống. Cái quá khứ trên bờ, cái nhịp sống nhốn nháo ở thành phố với đầy rẫy cạm bẫy hư vinh giả tạo khiến tôi lộn mửa.
I don t know! I don t know! Tôi không biết! Tôi không biết tôi có đi đúng đường không?
---

44.  Charles Baudelaire (1821 – 1876): Nhà thơ Pháp

<< CHƯƠNG 26 | CHƯƠNG 28 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 930

Return to top