Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tuổi hai mươi yêu dấu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 42574 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuổi hai mươi yêu dấu
Nguyễn Huy Thiệp

CHƯƠNG 24

Có tôn giáo trong khôn ngoan và khôn ngoan trong tôn giáo.
Laetence40
 
Kiều đưa tôi về ngủ ở nhà ông Chu. Đêm đến, nhà ông Chu thực sự là một nhà trọ bình dân. Có tới hàng chục người nằm ngủ la liệt ở đó. Gần sáng, họ lại biến đi như bị ma bắt. Có lẽ phần lớn họ đều là những người đi buôn hay bán hàng ở chợ.
Anh mặt sẹo đã đi khỏi nhà ông Chu từ tối hôm qua. Ông Chu gọi tôi dậy, đưa cho tôi một gói “hàng trắng ” nói rằng đó là tiền công của tôi. Ông ta bảo:
-           Mày mang nó về Hà Nội. Vứt đi cũng được chục triệu.
Tôi không nghe nhưng ông ta không nói năng gì bỏ đi. Tôi đành giắt thứ hàng chết người ấy vào người rồi “ phắn ”.
Lạng Sơn không có gì quyến rũ tôi nên tôi tìm đường ra bến ô tô. Trên đường đi, tôi gặp lại toán giáo dân trên tàu hôm qua nên nhập bọn với họ. Họ đi theo một ông cha đạo tên là cha Thảo. Cha Thảo chừng 50 tuổi, người gày gò thấp bé trông giống như một giáo viên cấp Một trường làng. Cha Thảo rất vui tính, vừa đi vừa giảng giải lịch sử Lạng Sơn cho mọi người nghe, ông kể sự tích nàng Tô Thị, động Tam Thanh, Nhị Thanh nghe rất lý thú. Hóa ra con sông Kỳ Cùng là con sông rất đặc biệt, đây là con sông duy nhất ở Việt Nam chảy ngược. Tất cả hàng trăm, hàng ngìn con sông ở Việt Nam đều chảy từ Tây Bắc xuống Đông Nam rồi ra biển Đông, riêng con sông Kỳ Cùng lại chảy từ Nam lên Bắc.
Chúng tôi đi vào nhà thờ Lạng Sơn. Nhà thờ này đã bị phá hủy từ thời chiến tranh, chuông nhà thờ được treo trên một cái cây cổ thụ. Người ta đang quyên góp tiền để xây dựng lại nhà thờ. Cha xứ ở đây đón tiếp chúng tôi rất tử tế, nghe nói ông ta đã từng du học ở Vatican. Cha xứ cho xem hình vẽ phối cảnh kiến trúc của ngôi nhà thờ tương lai. Tôi rất ngạc nhiên vì nó có hình mái vòm trông giống như một khu liên hợp thể dục thể thao hiện đại, có tầng hầm để ô tô chứ không giống như các ngôi nhà thờ có kiến trúc kiểu Gôtic khác thường thấy ở Việt Nam.
Cha Thảo thay mặt cho giáo dân địa phận Bắc Giang trao tiền cho cha xứ Lạng Sơn. Mọi người đọc kinh Kính mừng rồi cùng uống nước, ăn hoa quả, chuyện trò vui vẻ. Cha xứ Lạng Sơn xin lỗi vì nghèo, điều kiện eo hẹp nên không thể tiếp khách được chu đáo hơn.
Mọi người lên một chiếc ô tô ca để về. Tôi cũng được mời lên xe như họ. Trên xe, mọi người cùng hát Thánh ca. Tôi đúng như một con chiên ghẻ lạc bầy, lúng túng và rất khó xử.
Cha Thảo có vẻ nhận ra sự lúng túng của tôi. Ông bảo tôi đến ngồi gần ông. Ông hỏi han tôi về bản thân và gia đình. Tôi phịa ra rằng tôi là anh em con bác con chú với con Huyền mờ ở làng đạo Hải Khoang. Hóa ra cha Thảo biết ông trùm Thịnh. Cộng đồng Ki tô hữu ở miền Bắc Việt Nam gần như đều biết nhau cả. Mọi người trong xe hỏi han tôi về con Huyền mờ, ai cũng ngậm ngùi thương cảm cho nó. Cha Thảo mời tôi về thăm nhà thờ của ông. Tôi đồng ý ngay vì thực ra tôi cũng chẳng có việc gì để làm. Tôi giống như cánh bèo trôi dạt trên dòng sông đời, thôi thì phó mặc, kệ theo ý Chúa.
Nhà thờ Bẩm41 là một ngôi nhà thờ mới được xây dựng lại. Di tích của ngôi nhà thờ cũ làm từ năm 1927 nay chỉ còn có ngôi nhà chung là nơi cha Thảo đang ở. Nhà nguyện bị bom, còn mỗi một cái gác chuông. Năm 1998 người ta quyên góp tiền của để xây dựng lại nhà thờ. Tất cả vật liệu xây dựng nội thất bên trong đều là hàng Trung Quốc: từ viên gạch hoa đến những cửa sổ song sắt và các hàng ghế nhựa rẻ tiền. Không thể nói đây là một ngôi nhà thờ đẹp được vì cung cách “ tân trang ” của nó có cái gì hơi trưởng giả và bóng bẩy quá. Tôi thích những ngôi nhà thờ cổ ở vùng Bùi Chu, Phát Diệm hơn. Trước đây, có lần tôi đi theo bố tôi đến vùng Bùi Chu, đi vào một số ngôi nhà thờ họ nhỏ nhắn, có ngôi làm từ nửa cuối thế kỷ XIX còn nguyên những hàng ghế gỗ ngày xưa. Những hàng ghế gỗ nứt nẻ, đen bóng vì đã chứng kiến không biết bao nhiêu lượt người ngồi đấy quỳ lạy gây cho tôi một sự xúc động ghê gớm. Những bức tường gạch mốc meo vì năm tháng, trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, lặng im một cách đớn đau khiến ai bước vào trong đấy ngắm nhìn cũng thấy mủi lòng thương cảm. Rất tiếc những ngôi nhà thờ này còn lại không nhiều, những ý định “tân trang” cho nó có thể làm mất đi sự thiêng liêng và là mất đi “màu thời gian” là những thứ không phải một sớm một chiều có được.
Niềm tin tôn giáo thật khó hiểu và sức mạnh của nó đôi khi phi phàm. Tôi đã đến xem người ta xây dựng nhà thờ Kiên Lao. Ngôi nhà thờ này trị giá khoảng năm triệu đô la, được làm ròng rã gần chục năm trời. Giữa một vùng nông thôn nghèo xác nghèo xơ, trường học không có, y tế thì không, đường xá thì lầy lội nhưng sáng sáng khi nghe tiếng chuông nguyện, giáo dân lại lũ lượt kéo nhau đến đóng gạch, luyện thép, xây cất. Cứ thế suốt ngày. Nhà thờ Kiên Lao được xây dựng phỏng theo nhà thờ Đức Mẹ Bùi Chu, thậm chí còn to hơn, cao hơn một chút. “Kiến trúc sư” đều là những tay thợ xây ở làng, họ vẽ mô hình nhà thờ vào một tấm vải, đánh dấu kích thước bằng chữ Hán, hệt như một trăm năm trước vẫn làm. Xem bảng “công đức” xây dựng nhà thờ, tôi ngạc nhiên thấy những gia đình nông dân đóng góp tới hàng chục lượng vàng, ngoại tệ duy nhất chỉ có 400 đô la do một Việt kiều vô danh ở Pháp gửi tặng. Niềm tin tôn giáo tự phát có một cái gì thật cảm động và ngu ngốc, liều lĩnh, thậm chí còn khiêu khích nữa... Tất cả những thứ đó trộn lẫn vào nhau khiến tôi không sao hiểu được. Bố tôi nói rằng trên đời có bốn phạm trù là tôn giáo, chính trị, phụ nữ và tiền bạc, đó là bốn lực lượng xã hội siêu nhiên mà người ta vừa phải kính trọng nó, vừa phải chịu đựng nó, nó vừa ban phước vừa gây tai họa cho con người, y hệt như những hiện tượng thiên nhiên xảy ra trên trái đất này.
Cha Thảo rất tự hào vì những việc mình làm ở đây. Ông dẫn tôi vào xem những lớp mẫu giáo do ông lập ra. Ở đấy có cả một phòng vi tính cho thanh niên học miễn phí. Trước nhà chung là một khuôn viên cây cảnh, đằng sau có dãy chuồng lợn đến hơn chục con. Ý thức tập hợp cộng đồng Kitô hữu của ông cha đạo bé nhỏ, người sắt lại như chỉ còn là biểu tượng ý chí khiến tôi sợ hãi. Cha Thảo cho biết vào năm 1956, giáo dân ở đây chỉ có 24 gia đình nhưng nay đã có tám trăm nghìn hộ với hơn một triệu tín đồ.
Tôi kể cho cha Thảo nghe chuyện ông sư Hạnh ở một ngôi chùa ven bờ Hồ Tây Hà Nội. Sư Hạnh ít học, giỏi võ, đọc kinh còn nhịu nhưng rất biết giữ gìn đạo hạnh. Ngôi chùa cổ hoang phế nhiều năm là nơi trú ngụ của trộm cướp, có thời người ta còn dùng làm kho vật liệu của Công ty cá Hồ Tây. Sư Hạnh về chùa một mình dọn dẹp đánh nhau với dân xung quanh lấn chiếm đất chùa, một mình xách côn đi đến những ngôi chùa nội thành khá giả xin “vay” tiền công đức của các hòa thượng trụ trì ở đó. Mang tiền về, sư Hạnh thuê thợ sửa chữa lại chùa. Bảy năm trời liền ngôi chùa bỏ hoang dần dần được tu tạo lại. Sư Hạnh bị người ta chỉ trích gọi là “sư hổ mang”, “sư tử”, “sư ăn thịt chó”. Sư Hạnh chỉ cười, ngồi uống rượu suông chửi đổng.
Cha Thảo cười bảo tôi: “ Con đường tu thân của bậc thánh nhân không phải ai cũng hiểu được. Có câu “Phật ở nơi không có Phật”. Đức Chúa Jesus Critx còn bị đầy ải ra khỏi quê hương... Thế con tưởng ta ở đây không bị mọi người rủa xả hay sao? Nhiều lần uất hận chỉ muốn liều thân nhưng rồi lại nghĩ mình cứ làm việc mình đi. Có phúc có phần. Cơ hội của Chúa chia đều trên cõi nhân gian...”
Buổi tối, tôi dự một buổi lễ trên nhà nguyện. Giáo dân lác đác đến dự lễ. Những cô gái quê vừa đi vừa mặc vội chiếc áo dài trắng, tất tả xếp hàng vào lễ. Giữa một vùng quê yên tĩnh, những lời đọc kinh râm ran có một cái gì âm u huyền ảo lạ lùng.Tan buổi chầu, mấy người đàn ông ra sân nhà thờ ngồi lại tập kèn. Có lẽ đây là đội kèn đồng đang tập luyện cho ngày lễ trọng.
Đêm về, cha Thảo mời tôi ăn cơm rồi nghỉ ở trong nhà khách. Tôi trằn trọc không ngủ được. Gần sáng, tôi thèm heroin ghê gớm. Tôi bèn ngồi dậy, mở gói “hàng trắng” ra xem. Tôi lấy một chút bột nhỏ rồi châm lửa để hít. Ngay lúc ấy, cửa bật mở ra, cha Thảo và hai người đàn ông lực lưỡng bước vào! Chúa không cho tôi cơ hội nào cả! Tôi bị người ta tống ra khỏi làng ngay trong đêm tối. Hai người đàn ông lực lưỡng “dẫn độ” tôi đến tận sát đường quốc lộ. Họ xỉ vả tôi thậm tệ, gọi tôi là quỷ Satan mang tai họa đến gieo rắc cho họ đạo. Tôi rất buồn rầu, không biết phân trần ra sao.
Thì tôi vẫn nói gốc gác nguyên thủy của tôi là quỷ Satan mà lại!
Tôi biết đi đâu về đâu trong “cõi nhân gian bé tí” này?
---

40.  Đề từ trích trong “Bách khoa danh nhân từ điển” (sách đã dẫn). Chương này mượn tên cuốn tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà (sinh năm 1962 ở Hà Nội) là một nhà văn Việt Nam.

41.  Không có trong thực tế.

<< CHƯƠNG 23 | CHƯƠNG 25 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 727

Return to top