Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tuổi hai mươi yêu dấu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 42528 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuổi hai mươi yêu dấu
Nguyễn Huy Thiệp

CHƯƠNG 12

- Vậy Trời đã quên hết những gì tôi đã làm cho Người sao?
Louis XIV
 
Rời nhà Huyền mờ, túi tôi rỗng không. Tôi chẳng tiếc gì số tiền tôi để lại đó. Nếu tiếc thì tôi chỉ tiếc rằng số tiền đó ít quá mà thôi. Huyền thật tội nghiệp, nếu phải chết ở tuổi hai mươi thì thật đau đớn vô cùng.
Tôi đi bộ ra khỏi làng Hải Khoang và tìm đến nhà con Dung cận. Nó giàu nhất trong số bạn bè của tôi.
Nhà con Dung cận là một ngôi nhà ba tầng ở ngay sát mặt đường, cửa đóng then gài rất chắc chắn. Nghe nói ngôi nhà này trị giá tới 10 tỉ đồng. Bố nó đúng là khệ thật. Con Dung cận ở đây một mình với một bà già giúp việc tin cậy. Bà già này người ở Quảng Ninh, trước đây vốn là vú nuôi của nó.
Tôi bấm chuông và con Dung cận đi ra mở cửa. Nó rất mừng vì cuộc thăm viếng bất ngờ của tôi. Nó đánh giá tôi rất cao, có lẽ một phần vì do danh tiếng của bố tôi. Nó vẫn bảo tôi là “con nhà nòi”, nòi gì thì không biết nhưng nếu là nòi viết văn tôi cũng chẳng mê. Nghề viết văn là nghề nguy hiểm và chẳng hứa hẹn một tương lai chắc chắn gì, nó chỉ hấp dẫn với ai mê danh vọng hão.
Con Dung cận đang ăn sáng. Nó mời tôi cùng ngồi “dùng bữa” với nó. Tôi chẳng nỡ từ chối. Nó có vẻ khoái phong cách tự nhiên của tôi, nó bảo thế mới là “hiện đại”.
Căn bếp nơi chúng tôi ngồi ăn sáng đúng là xịn hết chê, Tây đặc một trăm phần trăm. Con Dung cận hâm lại cà phê cho nóng. Nó pha cà phê theo lối Mỹ, nghĩa là hơi loãng và vào cốc to, có thể uống ừng ực như uống nước chè. Tôi khoái thứ cà phê này hơn là thứ cà phê của Pháp và Ý, đặc cồn cả ruột và phải dùng phin để pha, chỉ ngồi chờ từng giọt cà phê tí tách rơi mà sốt ruột.
Chúng tôi ăn bánh mì, mứt nho và trứng ôplếp. Con Dung cận hỏi tôi có cần thêm gì không. Tôi bảo rằng nếu có vài điếu thuốc lá thơm nữa thì hoàn hảo. Nó lập tức sai ngay bà già giúp việc đi mua về một bao thuốc lá “ba số 5”, bao thuốc này giá bán lẻ trên thị trường là hai mươi nhăm nghìn.
Chúng tôi cùng “buôn dưa lê” tức là nói chuyện tầm phào với nhau một lúc. Tôi kể cho Dung cận nghe chuyện Huyền mờ. Nó chỉ hơi ngạc nhiên và ngậm ngùi tí chút. Tôi rất khó chịu về thái độ đó nhưng không để lộ ra. Con Dung cận tỏ ý muốn đãi tôi xem bộ phim “American beauty” (Vẻ đẹp Mỹ) của đạo diễn Sam Mendes là một bộ phim thời thượng trong giới sành điệu bây giờ. Tôi đã nghe nói về bộ phim đoạt tới 5 giải Oscar này nên cũng háo hức muốn xem.
Con Dung cận dẫn tôi lên gác để vào phòng ngủ của nó. Chúng tôi ngồi ngay dưới sàn xem phim. Con Dung cận có cả một bộ dàn loa máy deluxe rất oách, giá cả một bộ dàn loa máy như thế này ở trên thị trường có lẽ phải tới năm nghìn đô-la.
Bộ phim “American beauty” là một bộ phim khá hay. Trừ chi tiết những bông hoa hồng nhung trong bồn tắm và cái bao nylon bay trong không trung là có vẻ cố ý nghệ thuật quá còn lại thì phải công nhận những tay làm ra phim này quả là những tay đại bợm. Tác giả kịch bản chắc là một gã có máu lạnh và nhiều ẩn ức, hắn chẳng kiêng dè bất cứ một giá trị đạo đức nào.
Bộ phim không có phần phụ đề tiếng Việt nên con Dung cận phải ngồi dịch những lời đối thoại trên phim cho tôi nghe. Phải nói con bé nhà khệ này thông minh kinh khủng, ngôn ngữ của nó rất chính xác và mạch lạc. Thâm tâm tôi rất kính trọng nó và tôi biết rằng nếu tôi có theo học tiếng Anh đến hết cả kiếp sau nữa thì kết quả cũng không bằng được cái móng chân nó.
Bộ phim mang lại cho tôi một tâm trạng lo lắng vẩn vơ. Hóa ra ở Mỹ, cuộc sống cũng nặng nề và chẳng an toàn gì cho cam! Tôi chợt nhớ đến câu hát trong bài hát quảng cáo cho băng vệ sinh Kotex Softina và nhận ra nó có “ý nghĩa quốc tế” kinh khủng: “Tôi muốn vô tư cùng bạn bè đi khắp nơi, mà sao vẫn thấy khó thế... không được an toàn!” Đức Phật thật chí thánh! Người nói “đời là bể khổ” quả thật dã man!
Tôi rất muốn ngỏ ý vay con Dung cận tiền. Chắc nó sẽ cho tôi vay ngay nhưng làm thế thì thật xấu mặt. Cũng có thể nó không cho tôi vay vì nó cũng chẳng lạ gì hạnh kiểm của tôi. Ở trường phổ thông trung học, tôi nổi tiếng là một thằng bựa chuyên thất tín và chày cối. Con Dung cận chơi với tôi có lẽ vì uy tín của gia đình tôi hơn là vì cá nhân tôi. Tương lai của nó ngời ngời, nó hoàn toàn có thể vớ được một tay chồng sộp là người nước ngoài hoặc là một thiếu gia con nhà khệ khác. Tôi không bao giờ là một “ý trung nhân” trong tầm ngắm của nó. Mà nếu nó có chọn tôi thì bố nó cũng không bao giờ đồng ý. Tôi thừa biết các tay khệ quan chức, họ rất ngại “thông gia” với những nhà văn như bố tôi, dù rằng bố tôi rất nổi tiếng. Theo họ, nhà văn là những con dao hai lưỡi. Tóm lại, giữa gia đình tôi và gia đình con Dung cận là cả một vực thẳm mà ta có thể gọi là “sự ngăn cách xã hội do nhận thức thời thế”.
Tôi với con Dung cận cũng có thể chơi trò yêu đương lăng nhăng nhưng tất cũng chẳng đi đến đâu. “Bạn có phải là người yêu đương lăng nhăng không?” Nếu làm trắc nghiệm thì con Dung cận không bao giờ là người như thế. Nó không phải típ người hư hỏng. Cứ xem cung cách nó tiếp tôi khi xem phim trong buồng ngủ của nó thì biết: nó ngồi xếp bằng tròn từ đầu đến cuối, đến những cảnh phim có hình ảnh sex thì nó đưa mắt nhìn vào góc tường, nơi ấy chỉ có mỗi một cái chổi làm bằng lông gà đứng dựng ngược!
Con Dung cận muốn đưa tôi sang “phòng học tập” của nó để kiểm tra trình độ vi tính của tôi nhưng tôi khéo léo từ chối. Còn tâm trạng nào mà ngồi mò mẫm trên mạng Internet bây giờ? Tôi khách khí cám ơn nó về bữa ăn sáng ngon miệng và cả “bữa ăn tinh thần” mà nó đãi tôi vừa rồi. Con Dung cận thỏa mãn ra mặt. Nó hẹn tôi hôm nào sẽ đến xem mấy bộ phim mới của Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca là những đạo diễn hàng đầu bây giờ ở Trung Quốc; theo nó những bộ phim ấy đều thuộc diện “hết chê”. Tôi nhận lời và cho nó số điện thoại nhà tôi. Nó ghi vào một băng giấy rồi đính ngay lên cửa tủ lạnh.
Khi con Dung cận tiễn tôi ra cửa thì tôi nhìn thấy chiếc xe đạp của nó dựng ở góc nhà. Giả vờ lo lắng, tôi nhìn chiếc đồng hồ treo ở trên tường và phàn nàn rằng do mải xem phim nên có thể bị muộn trong cuộc hẹn với một giáo sư ở trường đại học Ngoại ngữ, ông này đang muốn chuyển cho bố tôi một số sách vở gì đấy trước khi bay sang Úc. Con Dung cận hỏi tôi tên vị giáo sư ấy vì nó biết hết tên tuổi của họ (nó đã học ở trường này 8 năm). Thật may cho tôi là thỉnh thoảng tôi vẫn có xem chương trình học hát tiếng Anh trên truyền hình và tôi kể tên khá chính xác cái ông răng vẩu đã từng dạy bài “Merry Christmas” trước kỳ Giáng sinh năm ngoái. Người ta giới thiệu ông là giáo sư âm nhạc ở trường Ngoại ngữ. Con Dung cận tin tôi ngay và có thể vì “mặc cảm tội lỗi” (bộ phim “American beauty” dài tới hai tiếng đồng hồ và nó chủ động mời tôi xem phim) nên khi tôi ngỏ ý muốn mượn xe đạp “để khỏi bị rắc rối với ông bô” thì nó đồng ý ngay.
Trước khi đi nó còn cẩn thận dặn tôi:
-           Khuê phải về trước 1 giờ chiều để tớ có xe đi học.
Tôi trơ tráo bảo nó:
-           Được rồi. Tớ sẽ trả xe cho Dung, chỉ 30 phút là cùng!
Hỡi ơi! Tôi đã đốn mạt lừa nó, “cái quý bà sang trọng” ấy! Như người ta nói, sai lầm lại đẻ sai lầm! Tôi mang chiếc xe vào tiệm cầm đồ. Chiếc xe mới tinh, nhãn hiệu Made in Japan giá trên thị trường là một triệu tám trăm nghìn, ấy thế mà bọn cầm đồ chó má chỉ chi cho tôi có sáu trăm nghìn! Nếu tôi là thủ tướng chính phủ thì sắc lệnh tôi ký đầu tiên sẽ là bắt tống giam ngay tất cả bọn cầm đồ không sót một mảy may đứa nào trong phạm vi toàn quốc!

<< CHƯƠNG 11 | CHƯƠNG 13 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 827

Return to top