Thi sĩ à? Đấy có phải là anh chàng dở hơi kia không?
Lời người qua đường.
Tôi ngồi ở ven đường, buồn quá lại giở heroin ra hít. Với số thuốc này, có lẽ tôi dùng đến nửa năm trời mới hết. Nửa tỉnh nửa mê, tôi có cảm giác như mình lạc vào một thế giới khác. Tôi thấy tôi đứng trên bục hội trường giảng bài cho sinh viên nghe.
- Thưa các vị, chẳng ai hiểu cóc khô gì...
Tôi nói như thế và mọi người vỗ tay ran lên. Tôi nói về những ngộ nhận của con người ta trong đời. Ngộ nhận thứ nhất chính là nền giáo dục tai hại ở trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Gần nửa đời người, bị những lời ru của mẹ, những lời giáo huấn của cha và chỉ dẫn của những người đi trước, cộng với những kiến thức vô bổ ở các trường học, con người tự nhiên bị khoác vào mình bao nhiêu định kiến. Thật ra những kiến thức đấy chỉ nhằm trang bị cho người ta sống phù hợp với một khuôn khổ xã hội chật hẹp đúng với cơ chế chính trị hiện hành mong muốn mà thôi. Đổi mới hoàn cảnh trong không gian khác, thời gian khác với một cơ chế chính trị khác đi, con người gần như phải làm lại từ đầu. Điều mà chúng ta tưởng bở là “kiến thức” ấy thực ra cực kỳ vớ vẩn, phiến diện, thậm chí còn hủ bại nữa. Người nào trung thành với nó thì chỉ suốt đời sống trong thế giới quan và nhân sinh quan “ giáo khoa thư”. Càng được giáo dục, con người càng bị lúng túng, bản năng tự nhiên tuyệt vời gần như bị che lấp hoàn toàn, không được bộc lộ. “Trở lại bản lai diện mục” chỉ là câu nói trăng trối nghẹn ngào nuối tiếc của người sắp chết mà thôi. Khi còn sống, không ai trong số chúng ta biết rõ “bản lai diện mục” của mình là gì, từ bậc đế vương cho đến gã dân cày đều như thế hết. Ngộ nhận thứ hai chính là ngộ nhận giới tính. Khi Thượng Đế sinh ra anh là đàn ông, chị là đàn bà tức là đã đặt giả thiết cho cuộc đời anh hay chị. Cuộc đời chúng ta là quá trình chứng minh cho cái giả thiết phiến diện kia của Thượng Đế và hầu hết đều bất cập, đều chứng minh sai. Khi còn trẻ, cái mà chúng ta gọi là tình yêu thực sự chỉ là bản năng tình dục. Do thiếu kinh nghiệm sống, người ta đã đặt vào đấy quá nhiều hy vọng hay lý tưởng sống, bởi thế bi kịch sẽ là tất yếu cho tất cả mọi tình yêu. Do luôn bất cập, bản chất của giới tính là loạn luân – và kết cục của loạn luân cũng lại là bi kịch. Kết cấu gia đình chỉ là kinh nghiệm sinh tồn cho việc duy trì nòi giống. Không phải tự dưng đạo Phật cho bố mẹ chỉ là “nhà trọ” của con cái, đây là bài học nước mắt chảy xuôi cho tất cả các bậc phụ mẫu trên thế gian này. Mặc dầu tiến hóa đến đâu nhưng riêng lĩnh vực giới tính, con người không tiến hóa được thêm bước nào so với những người nguyên thủy. Ảo tưởng về một tình yêu chung thủy vĩnh viễn là điều nực cười nhất trong các hài kịch cuộc đời. Sự hòa hợp giới tính chỉ mang tính chất tạm thời, cục bộ giống như tiếp tuyến của các đường thẳng với các đường tròn trong hình học không gian. Những giây phút hạnh phúc nhất bao giờ cũng ngắn ngủi và tạm bợ, những vectơ âm dương lại đẩy nhau ra trong cái cõi cô đơn mênh mông của mỗi kiếp người. Ngộ nhận thứ ba chính là ngộ nhận về cái chết. Khi còn trẻ, con người tưởng bở là sống vĩnh viễn, ảo tưởng về sức mạnh con người, phung phí cuộc sống. Thực ra, cái chết rình rập con người ngay từ khi bắt đầu sự sống. Nó có thể đến bất ngờ phụt tắt như bóng đèn kia. Ý thức về cái chết chỉ đến khi người ta đã nằm trong tay thần Chết. Khi người nào ý thức được nó thì coi như anh ta cũng đã chết rồi. “Người chết cai trị người sống” là một chân lý đớn đau, thảm thiết nhất mà con người chúng ta hứng chịu.
Tôi đứng trên bục hội trường và nói liên miên. Mái nhà hội trường mở ra trên đầu tôi. Bọn sinh viên reo hò không ngớt. Vị giáo sư ba ba bị ấn xuống ghế, chân tay giãy giụa lung tung. Con Liên lùn chạy đến hôn tôi vào má, cái kính của nó rơi ra và bị ai đó giẫm vào.
- Hoan hô Khuê! Hoan hô Khuê!
Tôi bị công kênh đi khắp hội trường rồi bị vứt vuống bậc cửa ra vào. Tôi thấy đau nhói ở hông và bừng tỉnh dậy, nhận ra tôi đang nằm ở ven đường quốc lộ.
Tôi đứng dậy, khập khiễng bước đi. Ngay lúc ấy một chiếc xe ô tô chở hàng chạy vút qua. Tôi đuổi theo, bám được vào sau thùng xe. Tôi rúc vào đấy, nằm lăn ra trên đống hàng chẳng biết là hàng gì và ngủ thiếp đi.
Khi tôi tỉnh dậy thì thấy xe đỗ ở một ngã ba. Tôi nhìn biển hiệu bên đường và biết đây đang ở địa phận của cảng Đình Vũ Hải Phòng. Heroin đã làm tôi kiệt hết sức lực. Nó lại đòi tôi và tôi biết rằng tôi không còn kiểm soát được mình. Tôi lại ngồi dậy hít tiếp thêm một liều nữa.
Khi tôi đang phê thuốc thì người lái xe mở cửa thùng xe, nhận ra tôi. Ngay lập tức, tôi bị kéo xuống và rất nhiều người xông vào đánh tôi nhừ tử. Gói “ hàng trắng” tung ra khiến tôi càng thêm nguy khốn.
- Đánh chết nó đi!
- Đánh chết thằng nghiện!
Ngay lúc ấy một người xông vào cứu tôi. Đấy là một người đàn ông to khỏe, bặm trợn, khuôn mặt đỏ hồng như mặt Quan Công. Tôi nhận ra đó là một người quen: bác Nhan Như Ngọc42, một nhà thơ bạn của bố tôi.
Bác Ngọc đuổi những người đánh tôi lui ra, kéo tôi ra khỏi đống bùn. Bác chửi ầm lên khi người lái xe còn định xông vào đánh tiếp.
Về bác Nhan Như Ngọc thì đấy là một chuyện dài.
Cách đây mười năm, bố tôi khi ấy đã là một nhà văn thành danh và rất nổi tiếng. Một hôm có một vị khách đến chơi nhà tôi. Bác ấy nói ở xa đến, nghe danh bố tôi nên muốn tìm đến đàm đạo văn chương. Bố tôi mời khách ở lại ăn cơm. Hai người cùng trò chuyện và khá tâm đắc. Đêm ấy hai người cùng thức thâu đêm. Cuộc nói chuyện nhiều khi khá gay gắt. Bác ấy xưng là nhà thơ, tên bác ấy là Nhan Như Ngọc.
- Thế ông nghĩ thế nào là nhà thơ?
- Có ba loại - Bố tôi đáp - Loại một là các thiên thần. Họ vụt đến vụt đi và để lại những bài thơ, những câu thơ thiên thần. “Nhưng chưa chi chiều đã tắt”. Trong đời người, ai cũng có một giai đoạn thiên thần. Đấy là khi người ta trẻ trung, là trai tân. Khi ấy, những câu thơ vụt đến như những bổng lộc thần linh.
- Còn loại hai?
- Là thơ của những người khởi nghĩa, của lửa, của những nhà cách mạng xã hội. Khởi nghĩa với cả tình yêu, với đàn bà, với cái ác, cái tẻ nhạt, tầm thường, dung tục... với khá nhiều thứ - để biểu dương cái chí. Đó là “thi ngôn chí”: làm thơ để nói cái chí của mình. Đa số là chí tình, chí nghĩa, chí thanh cao. Những nhà cách mạng xã hội, những anh hùng đa số đều là nhà thơ.
- Còn loại ba?
- Loại ba không nói làm gì, nó viển vông, suy đồi, điếm đàng, đểu, say rượu, đa dâm, hạ lưu.
Bác Ngọc lại hỏi:
- Thế thơ là gì?
Bố tôi đáp:
- Thơ là mẹ của mọi thể loại văn học, thậm chí là mẹ của mọi hình thức sáng tạo: của chính trị, của toán, của nấu ăn, của hội họa, của “mốt”, của rất nhiều thứ. Người nào không thơ giống như một kẻ mồ côi: “mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”.
- Con người trông cậy được gì vào thơ?
- Tùy! - Bố tôi nói – Thơ không bao giờ là một sự nghiệp. Mẹ không bao giờ là một sự nghiệp của con.
Bác Ngọc ngồi im, vẻ rất căng thẳng. Bỗng nhiên bác cười ha hả bảo với bố tôi:
- Thơ là ma quỷ ám vào! Có tay nhà thơ suốt ngày làm thơ, cái gì cũng thơ, lúc nào cũng thơ. Vợ hắn bực tức, không sao chịu nổi. Tay nhà thơ này mới có thơ rằng:
“ Vợ tôi nửa dại nửa khôn
Hôm qua nó bảo: Dí l... vào thơ
Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
Hôm nay lại bảo: Dí thơ vào l...”
Cả hai cười ngất. Bác Ngọc đọc cho bố tôi nghe những bài thơ của bác. Bố tôi khuyên bác nên chọn lọc để in. Gần một tháng ròng, bác Ngọc ở luôn nhà tôi để làm việc ấy.
Bố tôi rất quý bác Ngọc. Bác Ngọc rất ngông, nhiều khi làm cả những việc oái oăm điên rồ, có khi cãi lộn với người hàng xóm chẳng ra sao cả. Lúc ấy bố tôi lại nói:
- Thi sĩ mà! Phải ngông chứ!
Bố tôi nói đùa bác Ngọc có “cái mặt ăn quan”, quan chức rất sợ và nể bác ấy. Bác Ngọc đi lại trong chốn công đường, công sở như không. Rất nhiều quan chức cao cấp bạn bè với bác. Bố tôi giảng giải:
- Phải thừa nhận đa số những tay quan chức cũng là những tay anh hùng. Họ lọc lõi, ghê gớm. Chỉ các thi sĩ mới đáng để họ trông lên. Thi sĩ với anh hùng, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Dĩ nhiên, đây là nói đến những thi sĩ, anh hùng xịn.
Bác Nhan Như Ngọc chơi với bố tôi, cả hai vẫn trêu nhau là Bá Nha với Tử Kỳ, khi đùa nhả lại bảo là “mèo mả gà đồng” hay “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Sau đó lại uống rượu say rồi cười ha hả với nhau.
Bác Ngọc nhận ra tôi, quát nhặng xị lên. Bác bảo:
- Con ơi... Mày dính đến ma túy là thôi mày chết! Không ai cứu được! Chỉ có tự mày phải cứu mày thôi.
Tôi hoàn toàn không còn kiểm soát được mình. Tôi lơ lửng như ở trong mơ. Tôi thấy mình bị đẩy lên xe ô tô chở đi đâu đó. Rồi tôi thấy mình bị chuyển lên một chiếc xuồng máy tông thẳng ra biển. Trời đen như mực, tiếng sóng biển đều đều nghe rất xa xôi. Cứ thế lâu lắm. Khi tôi tỉnh dậy, tôi bỗng thấy mình trơ trọi nằm trên một hòn đảo hoang không một bóng người.
---
42. Nhan Như Ngọc: mặt như ngọc. Nhan không phải là một họ phổ biến ở Việt Nam. Có thể ông nhà thơ này họ khác (họ Đồng, họ Cù) nhưng ông ta đổi là họ Nhan. Thường người Việt Nam đổi tên chứ không đổi họ, nhưng do ngông nên ông nhà thơ lại đi đổi họ chứ không đổi tên! Đoạn đối thoại về sau đã được viết lại thành lời tựa cho tập thơ của Nhan Như Ngọc. Nguyên văn lời tựa như sau:
“ Tôi (tức tác giả) đã có lúc cho thơ là mẹ của mọi thể loại văn học, thậm chí là mẹ của mọi hình thức sáng tạo (của chính trị, của toán, của kiến trúc, của nấu ăn, của hội họa, của “mốt”...) Người nào không thơ khác nào một kẻ mồ côi. “Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường”.
Con người vô ơn (con người bao giờ cũng vô ơn) thường rất bạc với mẹ. Có ai ghi nhớ việc mẹ sinh hạ, mẹ bú mớm, mẹ giặt giũ, mẹ đính cho chiếc khuy trên áo... Thơ thường không bao giờ là một sự nghiệp. Mẹ không bao giờ là một sự nghiệp của con.
Thơ là một thể loại văn học cổ điển nhất, xưa nhất. Thơ hình như là một thể loại khó nhất trong các thể loại văn học. Về hình thức, thơ có lẽ là một thể loại “loạn luân” nhất.
Có mấy loại người làm thơ?
Loại một chắc chắn là các thiên thần. Họ vụt đến, vụt đi và để lại những câu thơ thiên thần. “Nhưng chưa chi chiều đã tắt”. Trong đời mỗi người cũng có những giai đoạn, những khoảnh khắc thiên thần. Đấy là những người thơ trẻ trung, những trai tân. Khi ấy những bài thơ, những câu thơ hiện lên như những bổng lộc của thần linh. (Vậy sao không phải gái tân? Gái tân thì thơ làm gì? Đừng lầm với vật hiến tế!).
Loại hai là thơ của những người khởi nghĩa, của lửa, của những nhà cách mạng xã hội “Bay thẳng tới muôn trùng Tiêu Hán / Phá vòng vây bạn với Kim Ô / Giang sơn khách diệc tri hồ”… Khởi nghĩa với cả tình yêu, với đàn bà, với cái ác, cái tẻ nhạt, cái tầm thường, cái dung tục... với khá nhiều thứ, để biểu dương cái “chí”: “thi ngôn chí” (thơ để nói chí).
Ngoài loại một, loại hai là gì? Là loại ba: là phản thơ, là vi khuẩn, là mầm thơ, là “những tìm tòi”, đa phÇn viÓn vông, suy đồi, điếm đàng, đểu, say rượu, đa dâm, hạ lưu.
Vượt lên trên là triết học, vượt lên thơ là triết học. Tư tưởng là thơ “bay lên”.
Nhan Như Ngọc là ai? Nhan Như Ngọc là một nhà thơ loại hai theo cách phân loại như trên. Tiếc thay, đấy không phải là thiên thần, chỉ là một người khởi nghĩa. Đấy là một người có những tình cảm ngẩn ngơ, ngây ngất, dại khờ. Đấy là một kẻ chí tình.
Thơ Nhan Như Ngọc cũng hay.”