Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tuổi hai mươi yêu dấu

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 42571 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuổi hai mươi yêu dấu
Nguyễn Huy Thiệp

CHƯƠNG 23

Thế lực của tối tăm
L. Tôlstôi39
 
Gần như không có rắc rối gì trong chuyến đi của tôi, trừ lúc xuống sân ga, bác Bảo Định nhờ tôi chuyển hộ mấy cái lồng chó lồng mèo nên tôi phải đặt cái xắc du lịch nặng chịch xuống ngay đường ke. Ngay lập tức, tay nhà sư đi sau huých vào vai tôi rồi nói:
-           A di đà Phật! Người nào việc nấy!
Tôi đành xin lỗi bác Bảo Định rồi bỏ đi. Bác Bảo Định đứng ở cửa sổ chửi om lên bảo tôi:
-           Nhớ đấy nhé! Thằng lỏi! Rồi tao sẽ về mách bố mày cho!
Thật tình tôi cũng thấy hơi áy náy vì không giúp gì cho bác Bảo Định. Nhưng nhớ đến nhiệm vụ được giao, lỡ có ai xách nhầm hoặc cướp cái xắc du lịch của tôi bỏ chạy thì tôi nguy to! Kiểu gì thì tôi cũng sẽ rắc rối! Tôi bỗng thấy tay nhà sư có nét mặt trông giống với hoà thượng Thích Thanh Mừng có lý: “Người nào việc nấy”. Đúng là trên thế gian này cũng không ai cứu được ai. Ai ai cũng là người khác, mỗi người là một riêng biệt, “một thực thể hữu hạn có cá tính”. Câu “một thực thể hữu hạn có cá tính” là tôi mượn lời của ông giáo sư trường Đảng cao cấp hôm giảng bài cho chúng tôi nghe ở trên hội trường. Vị giáo sư ba ba ấy rất hay nói chữ. Nhớ đến ông ta, tôi lại nhớ đến cái lớp học của tôi trong trường đại học. Quả thật, bọn sinh viên lớp tôi dù toàn là bọn chân đất mắt toét (ý tôi muốn nói chúng đều xuất thân từ nông thôn ra) và khá ngơ ngẩn nhưng chúng đều lương thiện và trong sáng ghê gớm. Kết luận này tôi rút ra được là sau những ngày mà tôi lang thang bụi bặm trên đường.
Tôi tìm đến nhà ông Chu ở chợ Kỳ Lừa theo hướng dẫn của anh mặt sẹo từ dưới Hà Nội. Nhà ông Chu sát ngay gần chợ, có vẻ như một kho hàng hơn là nhà ở. Người ta dẫn tôi đi lên gác hai, ở đấy có những căn phòng thông vách với nhau, kê những cái phản cho nhiều người nằm. Trên vách, trên cột dán đầy những chữ Trung Hoa viết trên giấy hồng như “Cung chúc Tân Xuân” hay “Phát tài thịnh vượng”. Chính giữa nhà là một chữ “Phúc” treo ngược viết theo lối “triện” rất đẹp. Tôi rất ngạc nhiên thấy ông chủ nhà (chắc là ông Chu) đang ngồi với anh mặt sẹo và tay nhà sư trên tàu. Tay nhà sư đã kịp bỏ bộ đồ tu hành để mặc bộ quần áo chàm xanh của người Tày. Hóa ra đấy chính là người đi theo dõi tôi suốt dọc đường đi! Thật đúng như truyện trinh thám Hồng Kông. Bây giờ tôi mới thấy ảnh hưởng của những băng hình phim chưởng hay phim trinh thám từ ngoại quốc tuồn vào lợi hại thế nào.
Anh mặt sẹo thấy tôi thực hiện chuyến đi an toàn thì rất hài lòng. Hóa ra trong túi xách và ba-lô toàn là tiền mặt. Cả thảy có tới hơn ba tỉ đồng! Tôi chưa bao giờ trông thấy số tiền lớn thế. Anh mặt sẹo giao số tiền cho ông Chu và một cô có vẻ như quản gia của ông ta. Xong xuôi, ông Chu và anh mặt sẹo cùng nằm xuống giường, đầu kê lên chiếc gối xếp. Một người đàn ông để râu tóc dài cùng một cô gái bưng ra hai bộ bàn đèn để hút thuốc phiện. Người đàn ông để râu tóc dài bồi tiêm thuốc phiện. Ông ta vê vê điếu thuốc ở trên hai đầu ngón tay, trộn nó với nửa viên thuốc cảm rồi hơ chúng lên lửa nhiều lần làm thành một hòn bi nhỏ dẻo và bóng nhẫy. Hai đầu ngón tay ông ta to đến gấp đôi người thường và như đã hóa thành chai. Có lẽ ông ta đã từng bồi tiêm thuốc phiện hàng chục năm trời. Cô gái nâng dọc cần tẩu và châm lửa cho hai người hút. Ông Chu và anh mặt sẹo lần lượt thay nhau mỗi người hút tám điếu, “bốn tiến, bốn lùi”. “Bốn tiến” là bốn điếu thuốc phiện nguyên chất, còn “bốn lùi” là sái của bốn điếu nguyên chất kia. Ông bồi tiêm giải thích cho tôi đấy là sái một, những con nghiện nghèo có thể còn hút đến cả sái ba, sái bốn. Sái một nhiều khi hút còn ngon hơn là điếu thuốc phiện nguyên chất. Ông ta hỏi tôi có muốn thử không nhưng tôi lắc đầu. Ông ta bảo:
-           Đúng rồi! Thanh niên bây giờ dùng “trắng” mới là sành điệu!
Ông Chu và anh mặt sẹo ngồi dậy, “hãm” bằng một chén trà sâm nóng bỏng. Xong xuôi, cô gái đi ra bưng vào cho mỗi người một bát rượu nếp cẩm đỏ au. Bữa tiệc thuốc phiện kết thúc, lúc ấy họ mới bắt đầu trao đổi công việc với nhau.
Ông Chu bảo người quản gia mang sổ sách ra giới thiệu mặt hàng với anh mặt sẹo. Ông Chu cố ép anh mặt sẹo lấy “hàng trắng” (tức là heroin) nhưng anh ta không chịu, nói rằng không bao giờ anh ta dính vào thứ hàng này vì muốn “”làm ăn yên ổn lâu dài”. Tôi thấy những thứ anh ta chọn lựa phần lớn đều là những hàng tiêu dùng, chủ yếu là vải vóc và những thứ cần cho nhà nông, có điều số lượng rất lớn, tựa như anh ta đảm nhiệm phân phối cho đến một nửa quốc gia!
Ông Chu cho phép “tay nhà sư” dẫn tôi đi chơi Lạng Sơn. Hóa ra anh ta là cháu ruột ông Chu, tên là Kiều. Anh ta tốt nghiệp đại học Lâm nghiệp nhưng bỏ nghề, ở nhà đi buôn.
-           Nhiều tiền và phiêu lưu lắm! – Anh ta bảo tôi – Thú hơn cái nghề trồng rừng rất nhiều.
Chúng tôi vào chợ Kỳ Lừa rồi đi loanh quanh các phố. Kiều có vẻ quen với tất cả những tay lái xe ôm ở đấy. Họ đều mặc áo Nato, đội mũ cối, đi xe máy Minsk, sẵn sàng đi chở hàng lậu cả đêm lẫn ngày cho các ông chủ, bà chủ. Ở một số điểm tập kết, số lượng xe ôm có tới hàng trăm chiếc, trông hệt như một tiểu đoàn quân đội. Ngay cả những người lái xe ôm cũng không biết họ chở hàng chính xác cho ông chủ, bà chủ nào. Điểm đến, điểm đi chỉ được báo trước một giây trước khi xuất phát. Ở vùng núi hiểm trở, đội quân cửu vạn có tới hàng nghìn người gồng gánh, mang vác đi bộ len lỏi qua các đường mòn cheo leo, không làm sao kiểm soát họ được. Như có một con bạch tuộc vô hình lơ lửng ở đâu trên cao, đưa những cái vòi khủng khiếp thu gom hàng lại, rồi phân tán nó đi, suốt ngày suốt đêm không hề mệt mỏi.
Thành phố Lạng Sơn nhan nhản những khách du lịch, khách đi buôn, khách vãng lai. Tất cả đều có vẻ bí hiểm và đáng ngờ. Bề ngoài thành phố có vẻ yên bình, thậm chí còn mến khách nữa nhưng bên trong là những tính toán, những sát phạt, những âm mưu hiểm độc chết người. Cảm giác ấy rất rõ trong tôi khi đi một vòng quanh trong thành phố.
Kiều dẫn tôi đi ăn trong một tiệm ăn của một người quen. Món thịt vịt quay Lạng Sơn thật tuyệt. Tôi chén gần hết con vịt. Ăn xong, chủ nhà đãi chúng tôi heroin như món tráng miệng. Tôi hết sức ngạc nhiên thì Kiều bảo tôi:
-           Gần như quá nửa thanh niên ở thành phố này đều nghiện.
Lạng Sơn! Thành phố bạch tuộc biên giới! Để cứu vãn nó, chắc người ta phải tốn sức tốn của không biết chừng nào.
Kiều còn muốn dẫn tôi đi hát karaoke. “Có em rất xinh”. Anh ta bảo thế nhưng tôi từ chối, có lẽ vì tôi đang còn phê thuốc. Tôi đã bắt đầu thấy thích cái cảm giác bâng khuâng, lâng lâng của heroin, cái cảm giác mà không có thứ gì so sánh được với nó, có lẽ đến cả đàn bà.
---

39.  Liev Tônxtôi: Nhà văn Nga thế kỷ XIX, tác giả “Chiến tranh và hòa bình”, “Anna Kareenina”, “Phục sinh”...

<< CHƯƠNG 22 | CHƯƠNG 24 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 712

Return to top