Học trò thò lò mũi xanh,
Cầm miếng bánh đúc chạy quanh nhà thầy (Câu hát trẻ con)
Cả nhà tôi, ai cũng bảo tôi là một đưá trẻ nhút nhát, nhút nhát như con cáy. Động người nào nói đuà một chút cũng đỏ mặt. Hễ đi đến chỗ lạ tôi chỉ đứng thì lì, một ngón tay trỏ đút vào mồm. Thầy tôi nói: "Con trai con đưá mà nhát như mày sẽ chẳng làm nên được đỉnh đùng gì đâu. Phải mạnh dạn mới được." Thuở đó, tôi không lấy những lời ấy là một điều suy nghĩ. Nhưng sau này tôi nghiệm ra cũng đúng. Nhút nhát thành khờ dại; mà khờ dại thì hay sợ hãi, hốt hoảng, không làm được việc gì đến nơi đến chốn.
Thuở đó, thấy nhiều người bảo mình nhát, song chính tôi, tôi vẫn cho là tôi bạo lắm. Tuy tôi chẳng bắt nạt ai, tôi chẳng chơi với một trẻ nào trong xóm, nhưng tôi cũng có thể bắt nạt được lũ ngan, lũ vịt, mấy con chó tí nhau cuả nhà tôi. Tôi đá chúng, chúng chỉ biết kêu rồi lảng chạy. Tôi sung sướng, phồng hai lỗ mũi. Và tôi lại doạ được cả em bé tôi. Hễ khi nào tôi ngoặc hai ngón tay vào vành mép, trợn mắt, mồm nói: "ngoaáp oọp . . . ngoaáp oọp" là em bé tôi sợ nhợt mặt, ôm bám lấy u tôi.
Tôi lại có tài nưã. Tôi có tài hát, suốt ngày nghêu ngao. Tôi học được một bài hát cuả anh Nhọ, trước làm tá điền cho nhà tôi, bài hát hay lắm. Tôi thường ra sân sau, đứng giưã đám gà vịt vưà giơ chân, giơ tay vưà hát rằng:
- Bồ cu bồ các; (tôi đá cậu gà ranh mãnh một cái) tha rác lên cây; (tôi đá cô vịt lạch đạch một cái) gió đánh lung lay; (tôi đá anh ngan ngẩn ngơ một cái, và cứ mỗi câu hát thì tôi thưởng cho mỗi anh, mỗi chị một cái đá cho đến hết bài) là ông Cao Tổ. Những người mặt rỗ; là chú Tiêu Hà. Tính toán chẳng ra; là thím Lý Bí. Những người vô ý; là chị Hoắc Quang. Ăn no chạy quàng; là người Tào Tháo. Không quần không áo; là chú Trần Bình. Cái bụng tầy đình; là ông Lưu Bị, . . .
Bọn loài vật ngơ ngác, nhìn mắt bên phải, nhìn mắt bên trái, ra lối như thầm phục tôi lắm. Tôi thấy tôi là giỏi và càng làm bộ tợn. Ngày tháng tôi chỉ lẩn quẩn rong chơi với lũ bạn ngợm như thế.
Một hôm đương cao hứng giở các thứ giọng ra hát cho các bạn gà, bạn chó nghe ở đàng sân sau, thì thầy tôi gọi tôi vào trong nhà. Thầy tôi bảo:
- Mày hư lắm. Cả ngày chỉ hát với hỏng. Từ giờ phải ăn mặc cho tề chỉnh, cử chỉ cho đứng đắn, để sáng ngày kia, tao cho sang thầy đồ Biền, bên xóm Giếng, mà ăn mày lấy đôi ba chữ thánh hiền.
Đứng đắn? tề chỉnh? Tôi biết đứng đắn, tề chỉnh như thế nào? Xóm Giếng? thầy đồ Biền? Toàn những nơi lạ, những người lạ. Chữ thánh hiền ? Thế nghiã là tôi sắp phải đi học đây, đi học như bọn thằng Sinh, thằng Má ở trong xóm. Tay cầm quyển sách bià đen, đầu thì cạo trắng hếu và thường có những vết son đỏ hay vết mực đen cứ nắm đuôi áo nhau, giả cách làm ô-tô, chạy toe toe ngoài đường. Cũng vui lắm !
Nhưng tôi chưa biết công việc học hành. Học hành gì ? Học hành ra làm sao ? Thấy thầy tôi đóng sách, sắm sưả bút nghiên, tôi thêm nghĩ ngợi bâng khuâng, và tôi cũng lo lắm. Chao ôi ! cái gì mà lại đi học với đi hành !