Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Y Học, Sức Khỏe >> Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 22887 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe
nhiều tác giả

Chương 9: Tứ ngũ lục tuần

Chương này bàn về cái tuổi chưa già nhưng không còn trẻ, là lứa tuổi có nhiều chuyển biến về sức khoẻ và tinh thần. Tuỳ cơ thể, nhân sinh quan và hoàn cảnh sống của từng người, những thay đổi này đến với người này thì sớm, với người khác lại chậm hơn, do đó mới có một chương “vơ đũa cả nắm” tên là “Tứ ngũ lục tuần”.
Một số tâm trạng của tuổi tứ ngũ lục tuần
Đến tuổi này, người ta nhận thấy có gì đó đang thay đổi trong cơ thể mình. Một vài nếp nhăn xuất hiện đâu đó trên khuôn mặt, mái tóc xen lẫn những sợi bạc, mắt nhìn kém tinh tường, phải nhờ tới đôi kính, cơ thể thi thoảng trục trặc theo thời tiết... Đôi lúc, ta không tránh khỏi cảm thấy chạnh lòng nuối tiếc cái tuổi sung sức. Có nhiều người bắt đầu chiến dịch níu giữ tuổi xuân. Phụ nữ khéo léo dùng đồ trang điểm để che vài nếp nhăn, nam giới vuốt chút thuốc nhuộm tóc, ăn mặc chỉn chu hơn. Người ta vẫn thường gọi đây là tuổi “hồi xuân” mà.
"Mình càng có tuổi cần phải chăm sóc sắc đẹp, cho chồng không chán mà các con nó cũng hãnh diện chứ. Mỗi khi ra đường tôi rất cẩn thận trong quần áo, trang điểm. Các con nó bảo trông mẹ cứ như bà phu nhân Marcot cốt ấy. Trông tôi thế này không ai bảo hơn 60 đâu".
(bà Thảo, 62 tuổi)
"Tôi thay mỗi ngày một bộ quần áo, ở cái tuổi của mình luộm thuộm là không chịu được".
(ông Phương, 56 tuổi)
Cũng có những người mới ngoài 50 tuổi đã nghĩ mình “già rồi”, chẳng cảm thấy cần phải chăm sóc cho bản thân nữa:
"Ôi dào, có sao mặc vậy. Quần áo tôi toàn là của con lớn thải ra hết. Gớm, già rồi thì làm đẹp cho ai ngắm mà phải cầu kỳ".
(bà Lịch, 48 tuổi)
Ở thời gian này, công việc xã hội của con người cũng có những điều đáng nói. Giờ đây, ta đã có thể tự hào về kho tàng kinh nghiệm được tích luỹ sau mấy chục năm công tác, đã trải qua một chặng đường dài để có thể tự coi mình là người “biết tuốt sự đời”. Nhưng đây cũng là lúc tư duy kém nhạy bén, ngại mạo hiểm, ngại thay đổi hơn trước, điều này có thể khiến bạn gặp những hạn chế trong công việc.
"Tôi không còn nhận được nhiều ưu ái như trước. Tôi bực vì nhiều khi những phần việc đó tôi có thể làm tốt hơn, hay chí ít thì cũng bằng những người được sếp giao việc. Được giao việc gì tôi đều làm tốt hơn người trẻ, nhưng quả thực phải bỏ nhiều thời gian. Nhưng cũng không thể trách người trung niên về cường độ làm việc được, vì người ta tích luỹ được nhiều kinh nghiệm rất có giá trị. Người ta được quyền tự hào về điều đó".
(ông Tuấn, 50 tuổi)
Sau nhiều năm công tác, những người ở tuổi tứ ngũ lục tuần bắt đầu phải suy nghĩ và chuẩn bị cho một bước thay đổi lớn, đó là khi ta ngừng công tác, nhường cho “măng mọc”. Chuyện nghỉ hưu là một thách thức không nhỏ đối với đời sống và tâm lý của mỗi người. Có người coi về hưu là sự mất mát to lớn, giảm sút về kinh tế, tâm trạng chán nản, hụt hẫng:
"Nhịp sống của mình đột nhiên thay đổi, sự nhàn rỗi làm mình thấy mệt mỏi, chán nản. Nhiều khi thấy thèm được làm việc, được đến cơ quan bàn tán chuyện thời sự".
(ông Phong, 60 tuổi)
"Bây giờ tôi coi như hết rồi cô ạ, đi làm bác sĩ cả đời, lên đến trưởng phòng, rồi về hưu thì cũng thế thôi, chả biết làm gì, chả ai cần mình nữa".
(ông Trung, 65 tuổi)
Song cũng rất nhiều người không chịu bó tay đầu hàng tuổi tác. Họ vẫn không ngừng hoạt động, phấn đấu, thực hiện nhiều công trình hữu ích. Họ còn tích cực chuẩn bị cho khi về hưu với những kế hoạch mà trước đây không có thời gian thực hiện: làm vườn, chăn nuôi, đi dã ngoại, chụp ảnh nghệ thuật, tham gia công tác từ thiện...
"Ngoài các công việc thường lệ, tôi vẫn phải theo lớp tại chức tiếng Anh buổi tối và theo những khoá đào tạo nâng cao về chuyên môn".
(bà Thành, 50 tuổi)
"Mấy năm còn công tác lúc nào cũng lu bù với công việc, không hở ra phút nào mà ngồi vào bàn viết được. Bây giờ nghỉ hưu mới tĩnh tâm ghi chép, sắp xếp những kiến thức, kinh nghiệm về môn khoa học mà tôi đã theo đuổi hàng chục năm trời. Việc này vừa đem lại niềm vui cho bản thân vừa hữu ích cho thế hệ sau".
(ông Ngọc, 62 tuổi)
"Cứ đến phiên chợ Bưởi là tôi dắt xe đi từ sớm, lọ mọ tha về được đủ thứ cây hay hay. Chăm sóc cây cũng là một cái thú, nhưng phải có nhiều thời gian, mà cũng phải kiên nhẫn lắm. Bà nhà tôi cứ cằn nhằn tôi suốt ngày lẩn mẩn cây lá quên cả ăn, nhưng đến khi cây nào ra hoa đẹp đẹp thì chẳng thấy nói gì".
(ông Lục, 69 tuổi)
"Tôi bỏ thời gian đi vào Nam ra Bắc, tìm hiểu về các món ăn chay của các miền, để lập cái quán chay này".
(bà Phúc, 57 tuổi)
Trong gia đình, quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái có những thay đổi đòi hỏi phải thích nghi. Mấy chục năm qua hai vợ chồng luôn bận rộn với những lo toan của đời sống thường ngày, chuyện kiếm sống, chuyện học hành của con cái... Đến thời điểm rút khỏi công việc xã hội, các con đã trưởng thành, họ lại có thời gian sống bên nhau nhiều hơn, ôn lại những năm chung sống. Nhiều cặp vợ chồng như tìm lại được tình yêu với bạn đời, yêu thương, chăm sóc nhau hơn:
"Dạo này con cái lớn cả rồi, chúng nó có cuộc sống riêng của chúng nó, ông nhà tôi lại đâm ra chiều tôi ra phết. Đi công tác đâu về, ông ấy cũng mua quà. Có lần lại mua cho tôi một cái váy mặc ở nhà, trông cũng điệu lắm, nhưng mà tôi cả đời có mặc váy bao giờ đâu. Ông ấy bảo: “Mình cứ mặc đại đi, con nó diện thì mình cũng phải diện chứ”
(bà Hà, 50 tuổi)
"Ngày trước tôi yêu bà ấy 8 phần thì giờ tôi yêu bà ấy 10, 12 phần. Đúng là mình mải công mải việc, rồi bạn bè bù khú nên bao nhiêu việc nhà, con cái đều tới tay bà ấy cả. Tôi vẫn bảo với bạn bè là tôi biết ơn vợ tôi nhiều".
(ông Bình, 58 tuổi)
Nhưng cũng vì nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lý ở người tuổi tứ ngũ lục tuần mà có những cặp vợ chồng trở nên khó tính, khó nhường nhịn với những khuyết điểm của bạn đời nên ít gần gũi hơn xưa:
"Chồng ơi là chồng, sao mà chán thế cơ chứ. Lúc nào cũng khó tính, lúc nào cũng chì chiết người khác. Càng ngày càng thấy ông ấy dở hơi. Nói thực không có các con thì tôi không sống nổi".
(bà Vân, 47 tuổi)
"Thời gian hai vợ chồng tôi thực sự sống bên nhau rất ít ỏi. Lấy nhau được vài ba tháng thì tôi nhập ngũ. Hết chiến tranh tôi tiếp tục công tác trong quân đội. Doanh trại đóng xa nhà mấy trăm cây số, mỗi năm chỉ được về ăn tết với vợ con được vài ngày, mọi việc con cái, họ hàng vợ tôi gánh vác cả. Đến khi phục viên về nhà thì đúng là tôi không có thực tế gia đình, cứ như người ở trọ, làm bà ấy không chịu nổi. Thành ra có hai vợ chồng mà mỗi người một nồi ăn riêng".
(ông Tuấn, 55 tuổi)
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng thường nảy sinh nhiều bất đồng. Các con tự thấy mình đã trưởng thánh, mọc đủ lông cánh, có thể tự lập, thoát khỏi sự bao bọc của cha mẹ, còn cha mẹ luôn có xu hướng dạy bảo, lo lắng, bởi vì “trứng làm sao khôn hơn vịt”.
"Tôi đặt bao nhiêu hy vọng vào nó, thế mà học xong nó lại không muốn làm việc nhà nước cho ổn định lâu dài, lại thích đi làm tư nhân, rồi nay việc này, mai việc khác, lúc thì thất nghiệp. Nhưng nói thì nói, có bao giờ nó nghe".
(bà Thắm, 49 tuổi)
Tâm lý của người ở tuổi trung niên là muốn được con cái quan tâm chăm sóc nhiều hơn, dành thời gian lắng nghe và tôn trọng ý kiến. Còn cái tật chung của lớp trẻ là ngại đàm đạo với “các cụ”, sợ nghe lại những lời giáo huấn mà họ đã thuộc lòng. Chính vì ít thời gian, ít cơ hội giao tiếp nên cha mẹ và con cái thường không hiểu nhau. Khi con cái yêu và lập gia đình, cha mẹ thường cảm thấy cô độc, tủi thân, nghĩ rằng con mải chăm sóc người yêu, vợ, chồng mà quên mất cha mẹ.
"Tôi công việc bừa bộn, hay phải làm tối, mới có người yêu mà tuần chỉ dám đi chơi một hai buổi để có được hai ba buổi ngồi nhà với mẹ. Thế nhưng mẹ tôi không biết, lại đi phàn nàn với một chị bạn của tôi: “Thằng Đức dạo này nó cứ đi suốt với người yêu nó, chẳng quan tâm đến gia đình, chẳng quan tâm gì đến mẹ nữa”.
(Đức, 28 tuổi)
"Vẫn biết con nhà mình ngoan hơn ối đứa, tháng nào cũng đưa một phần lương phụ mẹ chi tiêu, chịu khó mua sắm tặng mẹ mảnh vải, tặng bố két bia... Nhưng lắm lúc vẫn thấy buồn vì nó cứ đi tối ngày, mình lại muốn hai mẹ con nói chuyện, tâm sự nhiều hơn".
(bà Thi, 62 tuổi)
Vậy đấy! Mỗi tuổi đều có những vấn đề riêng, tuổi tứ ngũ lục tuần cũng vậy, mỗi người ở tuổi này đều phải vượt qua những khó khăn nhất định. Có lẽ đối với mỗi người, điều quan trọng là biết chuẩn bị trước cho mình để trải qua bước chuyển này một cách lạc quan, vui vẻ... Cũng rất cần có sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thế hệ để trong gia đình, tại nơi làm việc cũng như ngoài xã hội, người trẻ, người tuổi trung niên và cả người già có được sự thông cảm, tôn trọng và nâng đỡ cho nhau.
 
Thay đổi về khả năng sinh sản
Ở nữ giới
Qua tuổi 40, khả năng sinh sản của nữ giới bắt đầu giảm, trứng rụng thưa thớt dần, mỗi năm có thể có vài chu kỳ kinh nguyệt không có trứng rụng. Đến một lúc nào đó, thường vào khoảng từ 45 đến 55 tuổi, bạn thấy mình không còn hành kinh nữa. Thời điểm này gọi là mãn kinh, kết thúc sứ mệnh sinh đẻ.
Đó là do đến tuổi trung niên, hoạt động của các tuyến nội tiết trở nên trễ nải, hoóc môn sinh dục tiết ra ít dần, phản ứng của trứng và niêm mạc tử cung với các tín hiệu hoóc môn không nhịp nhàng như trước. Nhiều phụ nữ có kinh nguyệt thất thường, vài ba tháng không có rồi sau đó lại hành kinh nhiều và liên tục. Khi hoóc môn sinh dục giảm tối thiểu thì trứng không rụng nữa, niêm mạc tử cung cũng ngừng biến đổi theo chu kỳ, có nghĩa là bạn đã mãn kinh. Nếu bạn trên 45 tuổi, không hành kinh đã một năm (biết chắc không có thai), bạn có thể coi là mình đã mãn kinh.
Ngoài 40 tuổi, bạn rất nên cẩn thận tránh thai, vì việc mang thai và sinh nở có thể là mạo hiểm. Bạn hãy chọn một biện pháp hiệu quả cao, nhớ là đừng áp dụng cách tính vòng kinh vì đến tuổi này, trứng rụng thất thường so với trước, dễ “vỡ kế hoạch”.
 Ở nam giới
Khả năng sinh sản của nam giới không bao giờ chấm dứt hoàn toàn, nhưng đến độ tuổi 50, 60, khả năng này cũng giảm. Có 2 nguyên nhân:
- Tinh hoàn của bạn hơi co lại, lượng hoóc môn sinh dục testosteron giảm đi nên số lượng tinh trùng sản xuất ra giảm đi đôi chút.
- Dương vật bạn không còn cương cứng với tần số và cường độ cao như khi còn thanh niên, do đó số lần giao hợp có thể ít đi.
Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần sinh hoạt tình dục đều có khả năng thụ thai. Nếu không có kế hoạch sinh con thì bạn hãy luôn giữ chắc phương tiện tránh thai của
 
Một số thay đổi khác thường gặp
Do thay đổi của hoóc môn sinh dục mà nhiều phụ nữ cũng như nam giới có thể gặp một số thay đổi về sinh dục và tiết niệu. Mỗi cơ thể một khác nên không phải ai đến tuổi tứ ngũ lục tuần cũng gặp phải các vấn đề mà chúng tôi nêu ra sau đây. Tuy vậy, nếu sự xuất hiện của những triệu chứng này có làm bạn khó chịu thì cũng xin đừng quá lo lắng, bởi đây chỉ là những hiện tượng bình thường và tự nhiên của cơ thể con người.
Ở nữ giới
*Bốc hoả
Trong vài tháng, vài năm trước và sau mãn kinh, mức oestrogen tụt xuống làm cho nhiều phụ nữ bị bốc hoả (còn gọi là “bừng”). Bạn đột nhiên cảm thấy như có luồng khí nóng bừng lên từ nửa thân trên, lan lên mặt, toả ra các nơi khác trên cơ thể, nhiều khi da đỏ ửng, nhiệt độ tăng 5-6°. Bốc hoả có thể kèm theo tim đập nhanh hoặc không đều, nhức đầu, mệt mỏi, hồi hộp. Hết cơn bốc hoả, bạn có thể toát mồ hôi, đôi khi lạnh. Một số phụ nữ bốc hoả ban đêm, bị thức giấc và khó ngủ lại.
Để đối phó với hiện tượng bốc hoả, bạn nên mặc quần áo thoáng mát, mùa đông mặc nhiều lớp áo mỏng để có thể cởi bớt khi cơn bốc hỏa xuất hiện. Bạn đừng ở lâu trong phòng thiếu không khí và nóng bức, hãy tránh những đồ ăn thức uống nóng, cay, tránh uống rượu. Khi cảm thấy bốc hoả hoặc sắp bốc hoả, bạn hãy thư giãn, thở đều và chậm. Làm vậy, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
Ngoài phụ nữ mãn kinh, phụ nữ mới sinh đẻ hoặc bị cắt buồng trứng cũng hay gặp hiện tượng bốc hoả. Nam giới bị cắt tinh hoàn cũng gặp hiện tượng này do mức testosteron tụt xuống.
* Khô âm đạo
Cũng vì oestrogen giảm mà sau khi mãn kinh, bạn có thể thấy âm đạo khô hơn trước (đôi khi cản trở chuyện tình dục) và dễ viêm nhiễm hơn. Hiện tượng này ít gặp hơn bốc hoả, thường chỉ kéo dài trong khoảng 1-3 năm sau mãn kinh. Hai vợ chồng có thể khắc phục sự khó chịu khi âm đạo khô bằng cách kéo dài thời gian âu yếm dạo đầu, giúp âm đạo tiết đủ dịch trơn và tăng độ đàn hồi. Ngoài ra cũng có thể bôi trơn bổ sung bằng dầu bôi trơn, nếu không có thì dùng nước bọt cũng rất tốt.
* Khó khăn về đường tiết niệu
Oestrogen giảm khiến các cơ quan và dây chằng nâng đỡ bàng quan yếu đi, chùng xuống. Do vậy, bạn có thể hay mót tiểu, tiểu nhiều lần, khó nhịn tiểu hơn trước, đôi khi còn đái sớm, nhất là khi cười, ho hoặc mang xách nặng.
Vấn đề này có thể giải quyết bằng cách tập luyện cho săn chắc các cơ vòng ở vùng âm hộ có liên quan đến việc tiểu tiện. Khi đang tiểu, bạn cố cắt dòng, sẽ thấy ngay mình đang co các cơ đó. Tìm ra các cơ này rồi, bạn co rồi giãn chúng nhiều lần, ban đầu chậm, sau nhanh hơn. Động tác này có thể thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, khi đang làm bất cứ việc gì.
* Trị liệu thay thế hoóc môn oestrogen
Thay thế (hay bổ sung) hoóc môn oestrogen là việc cung cấp một lượng nhỏ oestrogen để bù vào lượng mà cơ thể giảm tiết, lấy lại trạng thái hoóc môn như trước khi mãn kinh. Đây là giải pháp có thể áp dụng cho những phụ nữ quá khó chịu vì bốc hoả, khô âm đạo, khó khăn đường tiết niệu. Việc bổ sung oestrogen cũng có thể làm xương mạnh hơn, giảm nguy cơ bị bệnh loãng xương.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ dùng cho các trường hợp quá khó chịu, không dùng phổ biến vì những nhược điểm của nó. Nếu chỉ dùng oestrogen mà không dùng progesteron thì niêm mạc tử cung sẽ tăng trưởng quá mức, tăng nguy cơ ung thư niêm mạc tử cung. Còn nếu dùng cả hai hoóc môn oestrogen và progesteron thì kinh nguyệt sẽ trở lại. Vả lại, muốn duy trì lâu dài tác dụng của biện pháp này, bạn phải theo đuổi hàng năm và chịu tốn kém.
Ở nam giới
* Tần số và độ cứng dương vật giảm
Thay đổi của hoóc môn có tác động đến tần số và cường độ cương cứng dương vật của người đàn ông. Họ cần nhiều thời gian và sự kích thích hơn để đạt đến độ cương cứng thực sự. Việc đạt tới cực khoái và xuất tinh cũng chậm hơn, và cũng phải chờ đợi lâu hơn mới có lần cương cứng tiếp theo.
Đây là những thay đổi bình thường, tự nhiên, cũng như nữ giới đôi lúc thấy khó chịu trong giao hợp do chứng âm đạo khô. Hai bạn nên biết và xác định rõ vấn đề này để đừng quá chán nản, lo lắng vì sự lo lắng kéo dài có thể dẫn đến bất lực. Điều cần thiết lúc này là hai bạn có sự điều chỉnh trong sinh hoạt vợ chồng. Các bạn cần kiên nhẫn dành nhiều thời gian âu yếm, kích thích nhau, như thế vừa giúp cả hai vợ chồng hưng phấn, vừa được tạo được tình cảm gần gũi cho hai người.
Ngoài ra, bạn nên hạn chế bia rượu vì việc uống nhiều bia rượu có thể cản trở sự cương cứng.
* Tuyến tiền liệt phì đại
Tuyến tiền liệt phì đại là một hiện tượng phổ biến ở nam giới ngoài 60 tuổi. Khi còn nhỏ, tuyến tiền liệt có kích thước bé. Đến tuổi dậy thì, nó phát triển nhiều do ảnh hưởng của hoóc môn sinh dục nam. Từ 60 tuổi trở lên, tuyến tiền liệt lại có một đợt phát triển mới. Các bác sĩ cho rằng tuổi càng cao, hoóc môn testosteron càng chuyển hoá nhiều thành dihydrotesosteron (chất gây tăng trưởng tuyến tiền liệt).
Tuyến tiền liệt lớn lên có thể chỉ âm thầm, bạn không cảm thấy gì. Tuy nhiên, do tuyến tiền liệt bao quanh ống tiết niệu nên một số nam giới gặp khó khăn về tiểu tiện ( do ống này bị tuyến tiền liệt chèn ép). Bạn có thể cảm thấy dòng nước tiểu không mạnh như trước, đôi khi đi tiểu khó và đi nhiều về đêm. Ngoài ra, có một số ít người bị nghẽn đường tiết niệu. Đây là một mức độ cao nhất của hiện tượng phì đại tuyến tiền liệt.
Nếu bạn chỉ bị tiểu chậm, khi đi tiểu bạn hãy kiên nhẫn chờ một lúc. Nếu bị tắc đường tiết niệu, bác sĩ sẽ giúp bạn bằng biện pháp ống thông. Còn nếu thấy nước tiểu có cặn, bạn cần đi khám xem có phải viêm bàng quan hay không để điều trị.
 
Tình dục ở tuổi tứ ngũ lục tuần
Theo quan niệm y học cổ đại, hành động tình dục là sự phối hợp âm dương. Âm dương điều hoà sẽ giúp cơ thể tráng kiện, dẻo dai, có thể trường sinh bất lão.
Còn y học hiện đại thì khẳng định rằng con người không có tuổi chấm dứt khả năng tình dục. Những thay đổi sinh lý của phụ nữ mãn kinh, tần số cương cứng giảm ở nam giới tuổi 50-70 chỉ đòi hỏi hai người điều chỉnh một chút cách sinh hoạt của mình. Khoa học cũng đã chứng minh rằng sinh hoạt tình dục là một hình thức vận hành các bộ máy cơ thể có lợi cho sức khoẻ. Hơn nữa, sự biểu hiện tình yêu qua hành động tình dục là liều thuốc bổ cho người có tuổi, tạo sức sống thể chất và tinh thần.
Thực tế thì sao? Trong cuộc sống có nhiều cặp vợ chồng đến độ 50-60 tuổi thì ngừng sinh hoạt tình dục và ngủ riêng, vì họ quan niệm rằng chuyện tình dục không thích hợp đối với người có tuổi:
"Có con có cháu rồi còn làm gì nữa, có phải đẻ đái gì nữa đâu, rồi con cái nó lại cho là thiếu đứng đắn".
(Ông Lâm, 55 tuổi)
Có trường hợp do cuộc sống tình dục hồi trẻ không được mãn nguyện nên họ không thích thú:
"Hai chục năm nay tôi có ham gì chuyện ấy đâu, chỉ là cố cho ông ấy vui thôi, bây giờ thoát được nó là nhẹ cả người".
(Bà Lan, 48 tuổi)
Cũng có thể họ không biết cách thích nghi với những thay đổi của cơ thể mình và của bạn đời ở tuổi này:
"Vợ tôi không dễ dàng như trước, mà tôi thì lúc hứng lúc không, chẳng thấy “hợp đồng tác chiến như trước” nên dần dà cũng thôi".
(Ông Trọng, 53 tuổi)
Thế nhưng trong chuyện này cũng có nhiều sự khác nhau. Thực tế vẫn có những cặp vợ chồng tiếp tục sinh hoạt tình dục khi đã khá đứng tuổi. Họ cảm thấy không có lý do gì mà việc quan hệ tình dục, đã được chấp nhận ở tuổi 30, phải ngừng lại khi đến tuổi 50-60. Không những thế, họ thấy chuyện sinh hoạt vợ chồng vẫn có thể hấp dẫn và hứng thú:
"Các cụ có câu: “Già thì già tóc già râu, còn riêng chuyện ấy lão đâu có già”. Tôi là tôi tâm đắc với các cụ nhà ta".
(Ông Tiến, 57 tuổi)
"Vợ chồng tôi bảo nhau già thì già nhưng yêu thì cứ yêu hết ga".
(Bà Thuý, 58 tuổi)
Vậy đấy, tuỳ suy nghĩ, tuỳ hoàn cảnh, mỗi cặp vợ chồng sẽ có câu trả lời riêng đối với câu hỏi: “Có nên tiếp tục sinh hoạt tình dục không?”
Nếu vợ chồng bạn tiếp tục sinh hoạt tình dục, hãy biết rằng sự thoải mái và hòa hợp có thể được duy trì (hoặc tái lập) khi hai người tìm cách thích ứng với những thay đổi của nhau về tâm sinh lý. Bí quyết nằm ở sự tìm hiểu và học hỏi. Khi sinh hoạt, hãy kéo dài thời gian “yêu” nhau với nhiều tình cảm, tạo cho khúc dạo đầu thật lôi cuốn. Biết cách thích nghi với những đặc điểm mới của mình, vợ chồng bạn sẽ có một cuộc sống tình dục mới, khác với lúc trẻ, nhưng có được sự thoải mái cả về thể xác, tinh thần và tình cảm.
Một điều nữa hai bạn cần biết: Để “máy móc” vận hành được tốt, không nên ngừng quan hệ tình dục, vì nếu không sinh hoạt tình dục trong một thời gian dài khi đã ngoài 50,60 tuổi, hai bạn sẽ gặp khó khăn khi muốn giao hợp trở lại.
 
Một số bệnh thường gặp và cách phòng bệnh
Khi đã đến tuổi tứ ngũ lục tuần, ta bắt đầu thấy rõ những thay đổi của cơ thể đã tích luỹ qua nhiều năm tháng. Nếu mấy chục năm qua, bạn ít quan tâm đến sức khoẻ, uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá, tinh thần căng thẳng... thì bạn dễ mắc một số bệnh. Sau đây là vài bệnh thường gặp ở tuổi này và cách phòng ngừa, đối phó.
Các bệnh tim mạch
Cả phụ nữ và nam giới đều dễ mắc bệnh tim mạch. Lý do là vì cholesterol (thành phần quan trọng của chất béo) và những chất mỡ trôi nổi khác đóng vào thành mạch máu, làm cho mạch máu bị hẹp lại, máu khó đi từ tim đến các cơ quan của cơ thể và khó trở về tim, do đó áp lực đối với tim mạch rất lớn.
Các bệnh tim mạch cần được phòng ngừa từ khi còn trẻ. Quan trọng nhất là có một chế độ ăn uống ít cholesterol (nhiều rau, quả, ít thịt mỡ) và loại bỏ khói thuốc lá - yếu tố làm tăng nguy cơ phát bệnh gấp ba lần. Bạn hãy năng vận động cơ thể, tập thể dục thể thao, hãy tạo cho mình một cuộc sống tinh thần vui vẻ, sảng khoái, giảm sự căng thẳng, tâm trạng u sầu.
Nếu bị bệnh, bạn hãy nhanh chóng thay đổi cuộc sống của mình theo cách mô tả ở trên. Ngoài ra, nếu là phụ nữ mãn kinh, bạn có thể cùng bác sĩ cân nhắc việc sử dụng một liều lượng nhỏ oestrogen để điều chỉnh cholesterol trong máu.
Bệnh loãng xương
Loãng xương là tình trạng chậm tái tạo tế bào xương thay thế, khiến xương xốp, giòn, kém mềm dẻo, dễ gẫy và đã gẫy thì lâu lành. Bệnh loãng xương thường gặp ở người cao tuổi. Phụ nữ bị loãng xương nhiều hơn và sớm hơn nam giới vì khi mãn kinh, lượng oestrogen (hoóc môn tham gia vào việc tái tạo xương) tụt xuống.
Muốn tránh bệnh loãng xương, bạn hãy năng vận động cơ thể một cách điều độ, đi bộ, tập thể dục... để tăng cường sức bền cho xương. Bạn nên ăn thêm nhiều chất xương, sữa chua, đậu phụ, rau xanh, đồng thời tránh rượu và thuốc lá - hai yếu tố ảnh hưởng không tốt đến việc tạo xương. Ngoài ra, không nên chờ đến tuổi trung niên mà cần phải quan tâm chăm sóc rèn luyện xương từ khi trẻ.
Bệnh phụ khoa
Sau khi mãn kinh, một số phụ nữ dễ bị nhiễm khuẩn âm đạo vì âm đạo khô hơn trước và niêm mạc âm đạo mỏng hơn. Cách phòng ngừa là mặc quần lót cotton để thấm ẩm, luôn giữ cho cơ quan sinh dục thoáng khí. Bạn nên giữ vệ sinh sạch sẽ nhưng đừng rửa bên trong âm đạo kẻo làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Cũng sau khi mãn kinh, một số phụ nữ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu vì các mô bàng quang và ống dẫn nước tiểu mỏng đi. Để tránh bệnh này, bạn hãy uống thật nhiều nước, đi tiểu thường xuyên (tránh giữ nước tiểu trong bàng quang quá lâu), đi tiểu trước và sau mỗi lần sinh hoạt tình dục.
Ung thư
Nguy cơ ung thư ở tuổi trung niên rất cao do các tế bào của cơ thể đã trải qua nhiều năm tiếp xúc với các chất gây ung thư như khói thuốc lá, hoá chất độc hại, tia phóng xạ, amiăng... Những tác nhân gây bệnh này biến các tế bào thành tế bào ung thư. Các tế bào ung thư xuất hiện từ khi trẻ, đến lúc này đã kịp phân chia để tạo thành một khối u đáng ngại.

<< Chương 8: Khi có thai mà không muốn sinh con | Chương 10: Sức khoẻ và các bệnh đường sinh dục >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 711

Return to top