Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Y Học, Sức Khỏe >> Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 22325 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe
nhiều tác giả

Chương 1: Đôi điều cần biết về cơ thể

Trứng và tinh trùng - khởi đầu cuộc sống
Cuộc sống của mỗi chúng ta đều bắt đầu từ hai tế bào nhỏ xíu là trứng của mẹ và tinh trùng của cha (được gọi là tế bào sinh dục). Hai tế bào sinh dục này kết hợp với nhau thành hợp tử. Hợp tử sẽ nhân lên, phát triển thành đứa trẻ, rồi ra chào đời.
Tuy là là tế bào lớn nhất trong vô vàn tế bào của cơ thể người nhưng trứng và tinh trùng vẫn rất nhỏ bé, trứng chỉ bằng hạt cát còn tinh trùng thì mắt thường không nhìn thấy được.
Vì sao việc tạo con cái lại dựa vào tinh trùng và trứng chứ không phải tế bào khác? Đó là vì các tế bào trong cơ thể đều mang trọn bộ 46 nhiễm sắc thể, quy định các đặc tính của mỗi người. Riêng trứng và tinh trùng chỉ mang nửa bộ (23 chiếc) để khi kết hợp lại thì vừa tròn một bộ. Như thế, mỗi người con đều thừa hưởng 23 nhiễm sắc thể của mẹ, 23 nhiễm sắc thể của cha và sẽ mang những đặc điểm di truyền của cả cha và mẹ.
Hoóc môn
Bạn có bao giờ nghĩ đến những khả năng thật bình dị của mình như ăn, uống, đi, đứng, nói, cười...? Ta làm được những điều đó bởi trong cơ thể ta, tất cả các bộ phận tim, phổi, hệ tiêu hoá, cơ bắp, hệ thần kinh... luôn hoạt động phối hợp nhịp nhàng, không ngừng nghỉ.
Để có được sự thống nhất tuyệt vời đó, phải có thông tin liên tục, thông suốt giữa não bộ và các hệ cơ quan. Một loại tín hiệu quan trọng phục vụ cho việc truyền tin này là các hoóc môn (còn gọi là nội tiết tố) sinh ra từ các tuyến nội tiết.
Vậy tuyến nội tiết là gì? Rất đơn giản. Cơ thể ta có hai loại tuyến, ngoại tiết và nội tiết. Tuyến ngoại tiết sinh ra chất dịch và có ống dẫn ra ngoài như tuyến mồ hôi, tuyến lệ, tuyến nước bọt... Còn các tuyến nội tiết thì sinh ra các hoóc môn. Hoóc môn được đưa thẳng vào máu để di chuyển trong cơ thể. Mỗi hoóc môn tác động đến hoạt động của một vài cơ quan nhất định.
Trong số các hoóc môn của cơ thể, hoóc môn sinh dục có vai trò quy định giới tính mỗi con người và điều khiển các hoạt động sinh lý tính dục của cơ thể. Các loại hoóc môn sinh dục chính là FSH và LH (hoóc môn của tuyến yên), oestrogen và progesteron (hoóc môn sinh dục chính của nữ, tiết ra từ hai buồng trứng), testosteron (hoóc môn sinh dục chính của nam, tiết ra từ hai tinh hoàn).
 
Hệ sinh dục nam giới
Nếu được hỏi về hệ sinh dục nam, chắc chắn bạn sẽ nhắc tên các cơ quan khá “nổi tiếng” là dương vật và hai tinh hoàn. Nhưng không chỉ có thế, hệ sinh dục nam còn có hai mào tinh, hai ống dẫn tinh, hai túi tinh, tuyến tiền liệt và niệu đạo, mỗi bộ phận đảm đương một phần công việc.
Dương vật là bộ phận đa năng, vừa dùng để tiểu tiện, vừa có chức năng sinh dục. Nó rất nhạy cảm, đặc biệt đầu dương vật (còn gọi là quy đầu) tập trung số đầu dây thần kinh lớn nhất trong toàn bộ cơ thể. Đầu dương vật có một đoạn da lỏng bảo vệ, gọi là bao quy đầu. Ở bé trai, bao quy đầu hẹp, nhưng nó sẽ giãn ra khi dậy thì. Nếu đã trưởng thành mà nó không giãn, không lộn ra sau được (ít xảy ra), bạn nên đến bệnh viện cắt bao quy đầu để thuận tiện cho việc vệ sinh và phòng ngừa ung thư dương vật.
Bên trong dương vật là nhiều khoang xốp có khả năng biến hoá khôn lường. Dương vật vốn mềm và nhỏ, nhưng khi có kích thích, nó lớn lên, dựng đứng và cứng, gọi là cương cứng. Đó là do máu dồn về thấm đầy các khoang gây nên. Khi máu rút đi khỏi những khoang xốp này, dương vật sẽ nhỏ và mềm lại như cũ.
Trong bao tinh hoàn (còn gọi là bìu) là hai tinh hoàn hình bầu dục. Từ tuổi dậy thì trở đi, tinh hoàn của bạn hoạt động như hai nhà máy đều đặn sản xuất ra tinh trùng (tế bào sinh dục nam). Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hai nhà máy này đòi hỏi một nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể. Chúng treo lơ lửng ở bên ngoài là vì vậy. Không những thế, bao tinh hoàn còn có tính co giãn để khi nóng thì hạ xuống xa cơ thể cho mát, khi lạnh thì co lên để được thêm hơi ấm, duy trì nhiệt độ cần thiết. Ngoài việc sản xuất tinh trùng, tinh hoàn còn kiêm luôn việc tạo ra các hoóc môn sinh dục của giới nam, quyết định các đặc tính giới tính và điều khiển hoạt động của hệ sinh dục.
Trùm lên mỗi tinh hoàn là một bộ phận nhỏ gọi là mào tinh. Sau khi sinh ra ở tinh hoàn, tinh trùng chuyển sang mào tinh ở một thời gian để phát triển hoàn thiện. Mào tinh vừa là phân xưởng cuối trong dây chuyền sản xuất, vừa là nhà kho chứa tinh trùng.
Từ những nhà kho này có 2 ống dẫn đi lên, gọi là ống dẫn tinh. Theo hai ống dẫn tinh, tinh trùng ra khỏi mào tinh bắt đầu cuộc hành trình của nó. Trên đường đi, tinh trùng gặp túi tinh và tuyến tiền liệt. Hai bộ phận này tiết ra các chất dịch để nuôi dưỡng tinh trùng. Các chất dịch này hoà với tinh trùng thành tinh dịch, trông trắng đục như sữa.
Đoạn cuối đường đi của tinh trùng là niệu đạo (trong dương vật), là đường đi ra ngoài của tinh dịch và cả nước tiểu nữa.
Sự xuất tinh
Khi dương vật được kích thích, nam giới có khoái cảm tình dục. Nếu việc kích thích kéo dài thì sau một thời gian, khoái cảm có thể lên đến cao độ, gọi là cực khoái và bạn xuất tinh (tinh dịch phóng ra ngoài). Cũng có khi sự xuất tinh xảy ra khi không có kích thích, thường vào lúc bạn ngủ, gọi là mộng tinh.
Tinh dịch của mỗi lần xuất tinh chứa vài trăm triệu tinh trùng. Bạn thấy nhiều quá phải không? Nhưng mục đích sinh sản đòi hỏi như thế bởi trên chặng đường dài đến gặp trứng, quân số tinh trùng sẽ tiêu hao rất nhiều và chỉ duy nhất một trong hàm trăm triệu tinh trùng đó kết hợp với trứng tạo thành phôi. Vả lại, cuộc đua càng vất vả thì tinh trùng thắng cuộc gặp được trứng càng phải là kẻ khoẻ mạnh và nhanh nhẹn.
Ngày ngày, tinh trùng được sản xuất một lượng nhất định. Nếu bạn xuất tinh nhiều lần trong một ngày thì những lần về sau, tinh dịch sẽ chứa ít tinh trùng. Nếu không xuất tinh, tinh trùng được cơ thể hấp thụ lại.
Bởi niệu đạo vừa là đường xuất tinh, vừa là đường tiểu tiện nên có bạn thắc mắc: “Có khi nào tinh dịch và nước tiểu chen đường nhau đi ra không?". Chuyện đó không thể xảy ra vì ở ngã ba, nơi đường dẫn nước tiểu (từ bàng quang) và đường dẫn tinh dịch (từ túi tinh) gặp nhau có một cái van. Van này làm nhiệm vụ đóng một đường khi đường kia cần hoạt động nên không bao giờ xảy ra va chạm.
 
Hệ sinh dục nữ
Chỉ cần một cái gương nhỏ, bạn gái có thể thấy rõ cơ quan sinh dục của mình. Toàn bộ khu vực sinh dục bên ngoài gọi là âm hộ. Nhìn vào đây, trước tiên bạn sẽ thấy cặp môi lớn, phía trong là cặp môi nhỏ. Hai bộ phận này che chở cho toàn bộ hệ sinh dục.
Ngay đầu trên môi nhỏ có một cái mỏm nhô lên, đó là âm vật (còn gọi là âm hạch). Nói chính xác thì mỏm nhỏ bạn nhìn thấy chỉ là đầu âm vật, còn toàn bộ âm vật nằm bên trong cơ thể, có hình dài. Bào thai nam nữ ở những tuần đầu có cơ quan sinh dục giống nhau, âm vật và dương vật chỉ là một, sau đó mới phát triển phân biệt thành nam nữ. Tương tự như dương vật ở nam giới, âm vật là vùng nhạy cảm nhất của cơ thể nữ giới. Song, khác với dương vật đa năng, âm vật chỉ có duy nhất chức năng mang lại khoái cảm sinh dục.
Phía dưới âm vật và lỗ tiểu là cửa âm đạo. Cửa âm đạo dẫn vào đường sinh dục trong. Âm đạo là một khoang rỗng dài, xẹp lép, có độ co giãn rất lớn. Khi giao hợp, âm đạo giãn ra đón nhận dương vật. Khi sinh đẻ, nó giãn rộng để đưa em bé ra.
Bên trong cơ thể bạn, ngoài âm đạo còn có hai buồng trứng, hai ống dẫn trứng, tử cung, mỗi cơ quan một việc mà hoạt động phối hợp rất nhịp nhàng.
Hai buồng trứng hình bầu dục dự trữ khoảng 400.000 trứng từ khi bạn ra đời. Mỗi trứng nằm trong một cái vỏ gọi là nang. Từ khi dậy thì trở đi, theo chu kỳ, trứng phát triển và rụng (thoát ra khỏi nang và rời khỏi buồng trứng). Buồng trứng cũng kiêm nhiệm vụ tiết ra các hoóc môn sinh dục.
Hai ống dẫn trứng, mỗi ống có một đầu loe ra như bàn tay nhiều ngón gọi là loa vòi (có chức năng đón nhận trứng khi trứng rụng). Hai ống này dẫn trứng vào tử cung (còn gọi là dạ con). Đây là một khoang rỗng, là nơi ở của em bé khi chưa chào đời. Tử cung thông với âm đạo qua lỗ tử cung, một cái lỗ rất bé, đường kính chỉ khoảng 1- 2 mm, nhưng khi sinh nở có thể mở rất rộng để em bé trong tử cung ra được bên ngoài.
Một số bạn có thể thắc mắc về bộ phận gọi là “màng trinh”. Đây là một màng da ở cửa âm đạo, ngay phía trong môi nhỏ. Nhiều người lầm tưởng rằng cô gái nào khi giao hợp lần đầu cũng chảy máu vì màng này bị rách. Thực tế không phải như vậy. Một số bạn gái sinh ra đã không có màng trinh. Còn ở những bạn có màng trinh, nó có nhiều hình dạng, độ dày mỏng, độ co giãn, số lỗ và độ rộng các lỗ khác nhau.
Một số kiểu màng trinh rất khó rách khi giao hợp, nhất là nếu nó có độ co giãn cao. Còn những kiểu dễ rách thì cũng không chắc phải chờ đến khi giao hợp, mà có thể rách từ khi còn bé, trong lúc bạn chạy nhảy, đi xe đạp, ngã... Do vậy, không phải bao giờ bạn gái cũng chảy máu khi giao hợp lần đầu.
Hiện tượng chảy máu khi giao hợp lần đầu cũng đa dạng, có thể là một hai giọt máu, hoặc chảy máu ròng ròng, hoặc chỉ thấy dịch sinh dục pha màu hồng... Chúng tôi hy vọng không ai còn sai lầm coi không chảy máu trong giao hợp lần đầu là không còn trinh nữa.
* Hành kinh và chu kỳ kinh nguyệt
Khi được hỏi: “Tại sao hằng tháng bạn gái thấy kinh?”, nhiều bạn trả lời đúng, nhưng không ít bạn trả lời “hú hoạ”: “Đấy là chất độc của cơ thể đi ra ngoài” hay “Đấy là trứng vỡ rơi ra”. Vậy thực ra hành kinh là gì?
Giải đáp một số thắc mắc về kinh nguyệt
- Tại sao máu kinh có người đỏ tươi, có người đỏ sẫm, có người như màu nâu, có người lại có những cục?
- Máu kinh màu có thể không giống máu tươi, vì nó không chỉ là máu mà còn có các chất tiết và mô niêm mạc tử cung. Hơn nữa, niêm mạc đã bong ra thì không còn được máu trong mạch nuôi dưỡng, lại đi cả chặng đường từ tử cung qua âm đạo ra ngoài nên có thể đổi màu. Các cục trong máu kinh chỉ là những mảnh nhỏ niêm mạc tử cung. Bạn đừng lo ngại.
- Tại sao khi hành kinh có người đau bụng, đau lưng, đau ngực, đau đầu? Làm thế nào để khỏi đau? Có phải ai bị đau bụng khi hành kinh thì khó có con không?
- Đây là hiện tượng do prostaglandin, chất gây co rút tử cung gây ra. Rất nhiều người may mắn không đau, nhưng cũng có nhiều bạn gái phải khó chịu vì những cơn đau có thể là ngâm ngẩm nhẹ nhàng, có thể rất dữ dội.
Không thể nói đau bụng khi hành kinh thì khó có con. Đau bụng dù nhiều vẫn có thể là hiện tượng hoàn toàn lành mạnh. Còn vô sinh là do một yếu tố bệnh lý nào đó gây ra. Nhiều người đau bụng hành kinh nhưng vẫn đẻ dễ dàng. Cũng có người chẳng đau bao giờ lại phải vất vả mới được mẹ tròn con vuông. Đẻ dễ hay khó không là quy luật với bất cứ ai, có thể bạn đẻ con trước dễ, con sau khó, hoặc ngược lại.
- Tại sao khi hành kinh tôi hay buồn nôn và lên nhiều trứng cá?
- Đó là do tác động của các hoóc môn trong cơ thể. Tuy khó chịu nhưng bạn vẫn khoẻ chứ không hề ốm bệnh. Các hiện tượng này sẽ giảm khi bạn ra kinh nhiều hơn, và hành kinh xong thì hết.
- Có phải bạn gái hành kinh thì tính khí thất thường không?
- Rất nhiều bạn gái không có gì khác ngày thường trong ngày hành kinh. Nhưng cũng có một số bạn mệt mỏi hoặc khó tính đôi chút trong những ngày này, có bạn tự nhiên thấy bồn chồn, lo lắng... Người thân, bạn bè cần thông cảm.
- Có người nói hành kinh phải kiêng tắm gội, có đúng không?
- Ngày xưa nông thôn ta ít có nhà tắm kín, nước tắm thì múc ở nước giếng, ao, sông nên lạnh và không hợp vệ sinh. Khi hành kinh, người phụ nữ thấy cơ thể khó chịu nên gặp lạnh dễ bị cảm. Do vậy mà các cụ mới sợ tắm gội khi hành kinh và nghĩ ra đủ những viễn cảnh đáng sợ như: đau bụng, mắt nhạt màu đi, tay nổi gân, về già hay bị rét, tóc cứng lại, rụng tóc... Những điều này đều không có cơ sở khoa học. Khi hành kinh bạn nên tắm gội để giữ vệ sinh. Nếu mệt, bạn hãy tắm nước ấm ở nơi kín gió. Còn nếu không khó chịu khi hành kinh thì bạn hãy cứ sinh hoạt bình thường, không cần thay đổi gì cả.
- Khi hành kinh nên ăn uống thế nào?
- Nên ăn uống bình thường cho đủ chất, nhất là nên ăn nhiều rau xanh, thịt có màu đỏ như thịt lợn, thịt bò, gan để bù lại chất sắt làm sinh máu. Theo khoa học, hành kinh không đòi hỏi phụ nữ phải kiêng khem. Riêng đối với một số thứ mà cơ thể bạn có thể không ưa trong những ngày này là nước trà, cà phê, nước uống có ga. Nếu chúng làm bạn khó chịu, bạn hãy tạm “nghỉ” vài ngày.
- Hoạt động nặng có hại gì không?
- Hãy nghe theo tín hiệu của cơ thể bạn. Nếu thấy mệt mỏi, bạn hãy nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng nếu vẫn khoẻ mạnh bình thường, dĩ nhiên bạn không cần thay đổi nhịp sinh hoạt thường ngày. Có nhiều bạn còn nghiệm thấy, hoạt động thể thao giúp thoải mái hơn khi hành kinh.
- Bà tôi nói hành kinh thì không nên vo gạo, rửa bát, cầm dao kéo, vì làm thế thời gian hành kinh sẽ kéo dài ra?
- Quả là nghe như chuyện cổ tích. Chẳng phải là có bao nhiêu phụ nữ làm nội trợ quanh năm suốt tháng đấy thôi. Nếu đúng là như vậy thì đã may mắn quá, vì phụ nữ đã được nghỉ mỗi tháng vài ngày.
- Hành kinh có được đi lễ chùa không?
- Kiêng đi lễ chùa khi hành kinh là vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng tôi được nghe rất nhiều mức “kiêng” khác nhau như không đến chùa, hoặc đến chùa nhưng không thắp hương, hoặc chỉ khấn cho người khác... Dù ở mức độ nào, lý do chung cũng là từ quan niệm có kinh là dơ bẩn, nếu đến nơi đền chùa linh thiêng thì phải tội.
Tuy nhiên, rất nhiều người lại có quan điểm khác. Chẳng hạn, một sư cô ở thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: “Ở trong chùa, các cụ nhiều tuổi cho rằng hành kinh là không trong sạch nên trong những ngày đó không được đi lên gian chùa chính. Nhưng mình thì biết đó là hiện tượng bình thường của phụ nữ thôi, nó không phải là bẩn nên mình vẫn thắp hương, đọc kinh, toạ thiền như ngày thường”.
Về khía cạnh khoa học, hành kinh là hiện tượng sinh lý lành mạnh, là dấu hiệu về khả năng thực hiện thiên chức làm mẹ chứ không làm cho người phụ nữ dơ bẩn.
- Khi hành kinh có được sinh hoạt tình dục không?
- Khi hành kinh có thể sinh hoạt tình dục như bình thường. Tất nhiên, việc tránh thai, tránh bệnh cũng cần thực hiện như bình thường.
* Dịch tiết âm đạo
Chất dịch này xuất hiện ở cửa âm đạo nên thường gọi là “dịch tiết âm đạo”, nhưng vì xuất xứ từ cổ tử cung nên nó còn có tên gọi là “dịch tiết cổ tử cung”. Dịch thường có màu trắng trong, trắng đục hoặc hơi ngả vàng, có thể nhiều hay ít tùy từng cơ thể.
Ngoài việc giữ ẩm cho âm đạo, dịch tiết âm đạo còn có chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng vào tử cung khi có trứng rụng, hoặc cản trở việc thâm nhập đó khi không có trứng đợi tinh trùng. Do đó nó thay đổi theo thời gian trong chu kỳ.
Sau khi hết đợt hành kinh, bạn có thể thấy khô ở cửa mình và không có dịch tiết. Bạn cũng có thể thấy một trong 2 dạng chất dịch: đặc dính hoặc loãng ướt. Nó trong như lòng trắng trứng, có thể hơi hồng. Cầm giữa hai ngón tay, bạn có thể kéo dài ra được. Trứng rụng trong khoảng thời gian này. Khi thấy dịch tiết nhiều trong khoảng thời gian này, nhiều bạn có thể nghĩ mình bị bệnh, như vậy là nhầm đấy.
Sau khi rụng trứng, dịch tiết dần mất đi độ ướt, trở nên đặc dính. Ở một số bạn nó biến mất hẳn. Một số bạn có dịch đặc cho đến tận kỳ kinh sau. Một số bạn khi sắp hành kinh lại có dịch loãng nên cảm thấy ướt át ở cửa mình.
Đó là những thay đổi thông thường của dịch tiết âm đạo. Còn nếu bạn bị viêm nhiễm ở đường sinh dục, chất dịch sẽ có biểu hiện bất thường, như màu vàng sậm, màu xanh, mùi hôi tanh khó ngửi, tiết ra nhiều hơn bình thường, kèm theo ngứa ngáy cơ quan sinh dục. Lúc đó bạn cần đi khám.
Một điều nữa, bạn đừng nhầm chất trơn sinh dục với dịch tiết thông thường. Chất trơn sinh dục là chất nhờn tiết ra khi có kích thích sinh dục (có thể là kích thích về tâm lý, có thể do cơ quan sinh học được kích thích), có chức năng làm trơn đường sinh dục, tạo điều kiện cho giao hợp (nếu có).
* Cấu tạo vú nữ giới
Cặp vú trưởng thành của nữ giới có cấu tạo cơ bản là mỡ. Mỡ có chức năng bảo vệ, đồng thời làm cho cặp vú được mịn màng, hấp dẫn. Bầu vú không có cơ, nhưng nó bám chắc vào cơ ngực ở trên xương sườn. Ngoài ra, nó còn được nâng đỡ bởi các cơ xung quanh và bởi các dây chằng liên kết nó với xương ở cổ, xương cánh tay và xương sườn. Núm vú là nơi tập trung nhiều đầu mút thần kinh, nhạy cảm với kích thích.
Bên trong vú là hệ thống sinh sữa gồm các khoang sinh sữa trông như chùm nho và các ống dẫn hình cây nối vào ống dẫn chính đưa ra đầu vú. Khi bạn gái dậy thì, hệ thống tạo sữa bắt đầu phát triển nhưng chưa sản xuất sữa. Khi mang thai, hệ thống này phát triển hoàn thiện để sau khi sinh nở, sữa từ các khoang sinh sữa đổ vào các ống dẫn để em bé bú.
 
Sự thụ thai, phép màu của tạo hoá
Em bé hình thành như thế nào trong bụng mẹ? Lẽ dĩ nhiên phải có sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng, tức thụ tinh. Vậy sự thụ tinh diễn ra như thế nào? Trứng rụng từ buồng trứng, đi vào ống dẫn trứng và đợi tinh trùng trong một ngày. Muốn gặp trứng, tinh trùng phải tìm tới đây. Cái khó là trứng và tinh trùng không ở cùng một cơ thể. Vậy làm cách nào để gặp nhau?
Bí quyết chính là hoạt động tình dục của người nam và và người nữ. Khi hai người giao hợp (tức là có dương vật trong âm đạo) và người nam xuất tinh, tinh dịch (chứa mấy trăm triệu tinh trùng) phóng thẳng vào âm đạo. Ngoài ra, chất dịch tiết ra từ dương vật trước khi xuất tinh cũng có thể chứa một lượng nhỏ tinh trùng
Từ trong âm đạo, các chàng tinh trùng quẫy đuôi liên tục, bơi lên buồng tử cung rồi vào ống dẫn trứng. Điểm hẹn của tinh trùng và trứng là đoạn một phần ba phía ngoài ống dẫn trứng. Các chàng tinh trùng đến đây, nếu may mắn thì gặp được một nàng trứng đón chờ. Nàng sẽ kết duyên cùng một chàng nhanh nhẹn, khoẻ mạnh nhất. Sau khi kết hợp với một tinh trùng, trứng tiết ra một vỏ bọc chắc chắn, không kẻ thứ hai nào xâm nhập được nữa. Khi tinh trùng đã chui vào bên trong trứng, cả hai sẽ hợp thành một tế bào gọi là “hợp tử” (hay “trứng thụ tinh”).
Nếu không gặp trứng, tinh trùng còn cầm cự ở đây 24 giờ đồng hồ nữa. Nếu trời run rủi trứng rụng đúng đợt này thì có thể thụ tinh.
Sau khi thụ tinh, hợp tử phải làm tổ ở một chỗ thích hợp để phát triển thành em bé. Ống dẫn trứng nhỏ, kém co giãn, không phải là chỗ để em bé thành hình. Chỗ của em bé còn cách nơi đây một đoạn đường nữa, đó là buồng tử cung. Hợp tử phải mất vài ngày, thậm chí một tuần mới về đến đó. Trên đường đi, hợp tử phân chia thành một khối tế bào (còn rất nhỏ). Tới buồng tử cung, khối tế bào bám vào thành tử cung, “nhập hộ khẩu” ở đây, lấy thức ăn nước uống từ niêm mạc tử cung. Sự làm tổ này hoàn thành khoảng 2 tuần sau khi trứng rụng
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2/3 số hợp tử làm tổ được. Các hợp tử còn lại bị loại bỏ vì không khỏe mạnh. Người phụ nữ sau đó lại hành kinh (đợt này có thể chậm vài ngày hay một tuần).
Sau bước thụ thai ban đầu này còn cả một thời kỳ biến đổi, khối tế bào sẽ phát triển thành bào thai nằm trong túi ối, lấy chất dinh dưỡng từ máu mẹ qua rau thai (nhau thai) để sống và thành hình, để khoảng chín tháng sau, một em bé chào đời.
* Tại sao bạn là trai? Tại sao bạn là gái?
Từ xưa, người ta vẫn thường thắc mắc về giới tính. Khoa học đã phát hiện ra rằng cốt lõi của giới tính nằm trong bộ nhiễm sắc thể. Mỗi tế bào có 23 cặp nhiễm sắc thể, trong đó một cặp quy định giới tính (ở nữ giới là XX, ở nam giới là XY).
Tế bào sinh dục chỉ có 23 nhiễm sắc thể đơn lẻ, trong đó chỉ có một nhiễm sắc thể giới tính. Trứng dĩ nhiên chỉ mang một X, còn tinh trùng có thể mang một X hoặc một Y. Khi thụ tinh, hợp tử thừa hưởng hai nhiễm sắc thể giới tính của mẹ và của cha, phát triển thành trai hay gái là do tinh trùng của cha quyết định. Nếu tinh trùng mang X, hợp tử có cặp XX, phát triển thành con gái. Nếu tinh trùng mang Y, hợp tử có cặp XY, phát triển thành con trai.
Tuy vậy, cha mẹ bạn không điều khiển được việc trứng sẽ gặp tinh trùng loại nào, nên việc bạn là trai hay gái là ngẫu nhiên.

 

<< Chương 10: Sức khoẻ và các bệnh đường sinh dục |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 309

Return to top