"Hôm ấy là ngày kỷ niệm 2 năm đám cưới cuả chúng tôi. Tôi định rủ vợ đi ăn nhà hàng. Về đến nhà, thấy vợ có vẻ là lạ, trông thì vui nhưng mà lạ. Cô ấy bảo tôi: "Anh đi rửa mặt đi rồi vào đây em bảo". Tôi nghĩ chắc lại một món quà bất ngờ, cô ấy vốn tâm lý lắm. Tôi rửa mặt, rồi vào phòng, mắt liếc ngang xem có món quà nào không nhưng chẳng thấy gì cả. Vợ tôi kéo tôi lại, ôm tôi rồi bảo: "Anh biết gì không?...Rồi đấy".
Tôi nghĩ bụng: "Rồi đấy...gì?... Ôi trời ôi". Chắc lúc ấy mặt tôi phải nghệt ra, không biết có giống mấy tài tử trong phim không. Tôi sụp xuống ôm lấy bụng vợ, hét toáng lên: "Con anh, trời ơi, anh được làm bố rồi! Anh nghe hình như nó đạp đây này!" Vợ tôi đánh yêu vào lưng tôi, bảo: "Khẽ thôi anh. Chỉ khéo bịa nào. Giờ nó mới bé tí như giọt máu thôi. Sáu bảy tháng nữa anh mới nghe nó đạp được cơ. Rồi chín tháng nó mới tòi ra cho anh làm bố nhé". Tôi hôn vợ rõ kêu.
Vâng, tôi còn lạ gì, mẹ tôi vẫn thường kể chuyện mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày với mấy anh chị em tôi. Nhưng bây giờ tôi mới biết được cảm xúc phấn khích sắp được làm cha. Tạo ra cả một đứa bé cơ mà. Oai lắm chứ..."
Đó là đoạn trích lá thư chúng tôi nhận được của anh Lê Nhật Thanh trong khi đang thâm nhập thực tế để lấy tư liệu viết cuốn sách này. Xin rất cảm ơn tấm lòng nhiệt tình của anh Thanh. Đối với người cha người mẹ mong con, lúc biết tin mừng thật xúc động. Và từ đó đến ngày khai hoa nở nhuỵ là cả một thời kỳ thật đặc biệt. Cùng với những đổi thay cảm thấy được trên cơ thể người mẹ và sự hình thành của đứa con là những thay đổi trong cuộc sống gia đình với bao cảm xúc...
"Có thai giống như mình chạy vượt rào ấy. Cái đích thì rất là tốt đẹp. Nhưng mình phải vượt qua bao nhiêu cái rào mới đến được. Từng ngày, từng tuần mình phải vượt từng cái rào. Chẳng hạn như hồi ba tháng tôi bị ra máu, thế là lo sợ. Mình sợ cho con một phần, mình thương chồng nữa, vì anh ấy đi khoe khắp nơi là sắp có con. Đến 3 tháng chưa thấy thai máy (thực ra thường là bốn năm tháng mới máy, nhưng chị tôi bảo hai tháng rưỡi), thế là cứ lo. Rồi bây giờ thì có chị qua chơi bảo: “Sao 5 tháng mà chửa to thế”, là lại lo, đi hỏi khắp nơi xem có sao không. Hôm khác lại có bà bảo chửa thế này là bé".
(Hoàng, 25 tuổi)
Những tháng mang thai là thời gian mà hai bố mẹ biết bao hồi hộp: "Không biết bây giờ trong đó con nó đang làm gì? Nó là con trai hay con gái? Nó sinh ra như thế nào? Có dễ nuôi không?" và lo lắng: "Hôm trước trót uống chén rượu, có sao không?". Hàng xóm sẩy thai thì mong là mình không thế...
Để giúp đỡ cho bố và mẹ bé đang mong đợi bé ra đời, chúng tôi xin mô tả những điều diễn ra trong giai đoạn này và mách các bạn một đôi điều cần biết.
1. Sự phát triển của bé và những biến đổi ở cơ thể mẹ bé
Trong buồng tử cung của mẹ, bé được bao bọc bằng một túi có chứa nước gọi là nước ối. Nhờ có túi ối nên dù mẹ có đi lại, va chạm, bé vẫn được nâng đỡ nhẹ nhàng. Mẹ nuôi bé thông qua rau thai (còn gọi là nhau thai). Rau thai bám vào thành tử cung, lấy chất dinh dưỡng và ôxy từ máu mẹ, đưa qua dây rốn vào máu của bé. Nhờ vậy mà từ khối tế bào nhỏ xíu ban đầu, bé dần dần thành hình và phát triển.
Mang trong mình một em bé, cơ thể mẹ dĩ nhiên phải trải qua nhiều thay đổi lớn. Cơ thể mỗi người mẹ thích ứng với việc mang thai theo cách riêng và mỗi lần mang thai có thể cũng khác nhau, do đó chúng tôi mô tả cả những thay đổi tất yếu và những hiện tượng chỉ một số phụ nữ gặp. Khi bàn về cơ thể mẹ bé, chúng tôi sẽ dùng từ “bạn” để gọi mẹ bé, mong rằng các ông bố không nhầm thành cơ thể mình.
Trước tiên, cần giới thiệu với các bạn cách gọi “thai bảy tuần”, “thai ba tháng”... Đây là tuổi thai, tính từ ngày bắt đầu đợt hành kinh cuối cùng. “Thai 12 tuần” có nghĩa là từ ngày bắt đầu đợt hành kinh cuối đến nay được 12 tuần. (Dĩ nhiên em bé nhỏ hơn 12 tuần vì việc thụ thai xảy ra sau đợt hành kinh cuối cùng đó).
Ba tháng đầu
* Sự phát triển của bé
Đến tuần lễ thứ sáu, bé mới chỉ là một cái phôi nhỏ như hạt gạo, nhưng đã có bộ não đơn giản, có miệng, có xương sống, dạ dày. Tim của phôi bắt đầu đập. Các chồi chân tay nhỏ xíu đã nhú.
Đến cuối tháng thứ hai, phôi đã có thể gọi là “thai nhi”, dài khoảng 2,5 cm từ đầu đến mông, đầu nặng, chiếm một phần ba chiều dài. Thai nhi đã có các cơ quan nội tạng chủ yếu. Khuôn mặt hình thành, có mắt, mũi có chóp, lỗ mũi cũng đang dần dần hiện ra. Miệng đã có lưỡi. Tai phát triển. Tay chân dài ra, bàn tay bàn chân đã phân ngón, dù vẫn còn màng da kết dính. Sụn dần dần chuyển thành xương. Tuy vậy, trông thai nhi vẫn còn khác xa hình người.
Đến cuối tháng thứ ba, tất cả các nội tạng đã hoạt động. Bé có tay chân đầy đủ; móng tay, móng chân đã mọc. Mắt đã có mí che phủ, tai đã có vành. Cơ bắp phát triển, bé có thể co xoè ngón chân, nắm tay, nhăn mặt, mím môi, chép miệng, mút ngón tay, nuốt. Bé bắt đầu biết tè.
* Những biến đổi ở cơ thể mẹ bé
Khi mang thai, bạn không hành kinh vì niêm mạc tử cung trở thành ổ của bé cho đến khi ra đời. Một số ít phụ nữ có ra một hai giọt máu khi trứng làm tổ, gọi là “máu ráo”. Đó không phải là hành kinh.
Những tháng đầu thai kỳ, cơ thể phải làm quen với việc mang thai nên các hoóc môn sinh dục gia tăng. Vì thế, bạn có thể gặp các hiện tượng thường gọi là “nghén” như buồn nôn, nôn, khẩu vị thay đổi (thèm ăn một thức ăn nào đó), đi tiểu nhiều lần. Nghén nhìn chung chỉ kéo dài nhiều nhất là ba tháng.
Vú bạn căng lên, mạch máu nổi rõ, núm và quầng vú to ra, đậm màu, các tuyến sữa ở bên trong bắt đầu phát triển. Hệ tuần hoàn tăng giãn nhanh chóng, bạn có lúc thấy hơi nhức đầu, chóng mặt vì máu sinh ra không kịp. Bạn có thể thấy mệt mỏi, buồn ngủ. Dịch âm đạo và nước bọt tiết ra thêm. Hoóc môn progesteron làm giãn cơ đường ruột nên nếu ít vận động, bạn có thể táo bón nhẹ.
Trong ba tháng này, bạn chỉ tăng cân ít. Thậm chí có một số ít bà mẹ còn sút cân đôi chút.
Ba tháng giữa
* Sự phát triển của bé
Những tháng này bé lớn rất nhanh. Đến cuối tháng thứ tư, các khớp chân tay đã hình thành. Da bé mỏng, gần như trong suốt, nhìn được mạch máu ở bên trong. Lông mày, lông mi xuất hiện, một lớp lông tơ mỏng bao phủ người bé. Tim bé đập nhanh gấp đôi tim mẹ. Cơ quan sinh dục đã định hình, một số bà mẹ siêu âm đã có thể biết bé là trai hay gái.
Đến cuối tháng thứ năm, tóc bé đã bắt đầu mọc, mầm răng bên dưới lợi dần nhú. Cẳng tay cẳng chân hoàn thiện. Thời gian này bé đã ra vẻ hiếu động, bạn bắt đầu cảm nhận được những cử động ngộ nghĩnh của bé, nhưng các cử động này còn chưa thường xuyên.
Cuối tháng thứ sáu, các tuyến mồ hôi của bé đã hình thành dưới da. Bé co duỗi tay khá thường xuyên. Có lúc bé cử động nhiều, nhưng có lúc lại nằm yên. Bé biết ho và nấc. Khi đi khám thai, nếu cơ sở y tế có thiết bị nghe, ta đã nghe được tim bé đập.
* Những biến đổi ở cơ thể mẹ bé
Cơ thể đã thích ứng với việc mang thai nên hiện tượng nghén nhìn chung giảm hẳn. Bạn ăn uống được và cảm thấy khoẻ hơn. Cơ thể bạn bắt đầu có nhiều thay đổi lớn. Ba tháng giữa, mỗi tháng bạn tăng gần 2 kg.
Đến tháng thứ tư, bụng bạn bắt đầu nổi rõ. Trong cả ba tháng giữa thai kỳ, tử cung bạn nặng lên khoảng 20 lần, khiến bụng ngày càng lớn. Da bụng giãn, trên da có thể xuất hiện các đường rạn màu hồng hoặc nâu (sau khi sinh sẽ mờ đi). Do sức nặng của tử cung, đôi lúc bạn có thể tức bụng, đau lưng, chân hoặc hậu môn bạn có thể bị giãn tĩnh mạch. Sức ép của tử cung cũng có thể khiến hệ tiêu hoá hoạt động chậm lại, gây táo bón, khó tiêu, rát dạ dày.
Cặp vú tiếp tục phát triển. Gần đến tháng thứ năm, nó có thể bắt đầu tiết ra ít chất dịch màu hơi vàng.
Các sắc tố hoạt động mạnh khiến đường từ rốn xuống vùng sinh dục có thể sẫm lại, các nốt ruồi, tàn nhang đậm màu hơn. Một số bà mẹ thấy da mặt xạm đi. Nhưng chỉ ít lâu sau khi sinh, các vết xạm sẽ biến mất.
Tổng lượng máu tăng lên, tim bạn to ra để có sức bơm máu đi khắp cơ thể. Chính vì vậy mà một số phụ nữ mang thai bị chảy máu cam, chảy máu lợi. Bạn ra mồ hôi nhiều hơn. Dịch tiết âm đạo có thể nhiều đến mức bạn cần lót băng vệ sinh.
Bạn cảm nhận được cử động của bé lần đầu tiên là vào khoảng tháng thứ tư hoặc tháng thứ năm (có người sớm, có người muộn, con sau thường lớn hơn con đầu). Đây là một giây phút đáng nhớ. Một bạn gái mang thai lần đầu kể:
"Tôi đang nằm ngủ thì thấy như có tiếng kịch, va ở trong bụng mình. Thế nhưng tôi không rõ lắm, không biết liệu đã phải là thai máy chưa. Hỏi bà chị gái thì biết là đến lúc thai máy. Tôi mới cảm thấy thực sự là có một sinh vật đang ở trong bụng mình, mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào mình, cảm động lắm chị ạ".
(Thảo, 26 tuổi)
Rồi các cử động sẽ tăng dần. Bạn thường xuyên thấy con mình cựa quậy. Cử động của bé thường dễ chịu, nhẹ nhàng nhưng cũng đôi lúc bé làm bạn đau. Có lúc, bé hoạt động liên tục, cũng có khi bé nghỉ hoặc ngủ. Ban ngày bạn đi lại nhiều, bé được đu đưa nhẹ nhàng nên bạn ít thấy cử động của bé. Ban đêm hay sáng sớm, khi bạn nghỉ ngơi, bé cựa quậy nhiều hơn, dễ cảm nhận hơn. Mỗi em bé cử động mỗi khác. Nếu sức khoẻ bạn bình thường, không hạ cân, không có thay đổi lớn thì không có gì phải lo lắng.
Ba tháng cuối
“Ba tháng cuối” là một khái niệm rất “co giãn”. Thai kỳ bình thường giao động trong khoảng từ 38 đến 42 tuần. Vậy nên ba tháng cuối có thể là ba tháng, mà cũng có thể là gần bốn tháng.
* Sự phát triển của bé
Đến cuối tháng thứ bảy, cơ thể bé đã có mỡ, não phát triển hơn và to ra nhiều. Bé có thể khóc. Bé biết đau, biết phân biệt sáng tối. Bé đã nghe, thậm chí có thể nhận biết được giọng nói của bố mẹ mình. Bé hiếu động hơn trước. Bố bé có thể cảm nhận được những cử động của bé khi đặt tay lên bụng mẹ bé. Điều này làm cho nhiều ông bố vô cùng sung sướng.
"Đến tháng thứ bảy, thứ tám, nó đạp ghê lắm. Nó đạp suốt ngày, con gái mà nghịch lắm. Tối tối về nhà là nghe nó đạp. Hễ vợ kêu: “ới anh ơi con đạp” thì bố lại ra: “Đâu nào, để xem nó đạp nào”.
(Bình, 30 tuổi)
Cuối tháng thứ tám, mắt bé đã nhìn được. Các hệ sinh lý đã phát triển, chỉ có phổi là còn non.
Đến tháng thứ chín, bé nằm chật buồng tử cung. Bé đã sẵn sàng để chào đời: phổi hoàn thiện, lông tơ biến đi gần hết, hai tinh hoàn hiện ra nếu là bé trai. Đa số các em bé đến tuần thứ 32-36 đã ở vị trí đầu chúc xuống dưới, một số bé về vị trí này vài ngày trước khi sinh. Khi đầu đã chúc xuống khung chậu, bé có thể không còn “ngọ nguậy” mãnh liệt như trước.
* Những biến đổi ở cơ thể mẹ bé
Trong ba tháng cuối, bạn tăng khoảng 5-6 kg. Bụng cứng, tử cung lớn và nặng. Vì sức ép của tử cung, bạn có thể tức bụng, đau lưng, giãn tĩnh mạch chân và hậu môn. Bạn có thể khó thở, các vấn đề về tiêu hoá có thể tăng lên. Chân bạn dễ bị chuột rút.
Mạch đập nhanh hơn. Vào khoảng tuần thứ 30, tim sẽ bơm máu vất vả nhất. Bạn có thể bị phù ở mắt cá và bàn chân do cơ thể tăng giữ nước. Bao thay đổi của cơ thể và sự lo lắng khiến bạn có những lúc khó ngủ.
Vài tuần trước khi sinh, bé chuyển vị trí, hạ xuống sàn chậu, không còn ép vào phổi và dạ dày, nhưng lại ép lên ruột và bàng quang. Bạn thấy dễ thở hơn. Có thể bạn ăn ngon miệng hơn, cũng có thể khó ăn vì hoạt động của ruột bị hạn chế. Bạn hay mót tiểu (có khi cả lúc không cần đi). Bạn cảm thấy vụng về khi đi đứng, có thể khó chịu hoặc đau do sức ép của đầu bé. Về cuối thai kỳ, tử cung có những cơn co nhẹ, là sự tập luyện, chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ sắp tới.
Mách mẹ bé một số cách để dễ chịu hơn khi mang thai
Có thể bạn là một trong nhiều người mẹ mang thai hoàn toàn dễ chịu và khoẻ mạnh. Nhưng nếu bạn gặp phải một vài hiện tượng khó chịu thì hãy tham khảo những cách xử trí sau:
- Buồn nôn, nôn: Hãy thay đổi cách nấu nướng cho dễ ăn hơn, tránh những thức ăn hoặc mùi làm bạn khó chịu. Bạn đừng để mình đói, cũng đừng ăn quá no, vì dạ dày khó chịu dễ buồn nôn. Nếu hay nôn vào buổi sáng, khi thức giấc bạn đừng vội trở dậy. Hãy nằm yên trên giường và ăn nhẹ. Bạn nên nghỉ ngơi, đừng lo lắng.
- Khó tiêu, đầy hơi, đau dạ dày, táo bón: Bạn nên ăn các thức có nhiều chất xơ như rau, hoa quả, tránh chất cay, đồ hộp, rượu, thức uống có ga. Bạn nên ăn thành nhiều bữa nhỏ để không quá no. Nên ăn chậm, nhai kỹ, sau khi ăn đừng nằm xuống ngay. Bạn nên vận động, tập thể dục, nhưng tránh cúi gập lưng. Khi ngủ, hãy lấy gối kê cao đầu và ngực.
- Đau lưng: Bạn hãy luôn giữ lưng thẳng khi đứng, ngồi. Muốn nhấc vật gì, hãy ngồi xổm xuống rồi đứng lên, dùng khớp gối chứ đừng cong lưng. Ngồi hay đứng lâu cũng dễ đau lưng nên bạn cần thường xuyên thay đổi tư thế. Bạn không nên đi giày, dép cao gót.
- Phù bàn chân và mắt cá: Bạn nên thỉnh thoảng nằm nghỉ, gác chân cao. Hãy ăn uống tốt, uống nước nhiều (giúp cơ thể thải nước tốt hơn), đừng ăn mặn quá. Nếu thấy cả tay và mặt cũng phù thì đó là dấu hiệu đáng ngại, cần đi khám.
- Giãn tĩnh mạch chân: Giãn tĩnh mạch chân có thể chỉ nhẹ ở mức “nổi gân xanh”, cũng có thể đau. Bạn cần tránh nâng vật nặng, thỉnh thoảng nằm xuống cho chân được nghỉ. Nếu công việc đòi hỏi đứng lâu, bạn hãy đứng một chân và thả lỏng một chân, chân nghỉ đặt cao hơn, thỉnh thoảng đổi chân. Hãy mặc quần áo rộng rãi, hàng ngày dành ít thời gian tập thể dục.
- Giãn tĩnh mạch hậu môn (trĩ): Bạn đừng bao giờ ngồi quá lâu. Nên ăn các thức ăn có nhiều chất xơ như rau, hoa quả, giảm ăn cay, vận động nhiều cho nhu động mạnh hơn, tránh táo bón. Đừng rặn mạnh khi đại tiện. Khi khó chịu, bạn có thể chổng mông lên cho đỡ. Khi nằm, nên nằm nghiêng bên trái (để tử cung không đè vào các mạch máu lớn nuôi dưỡng thai) hoặc nếu nằm ngửa thì kê gối dưới mông. Muốn dùng thuốc nhuận tràng hay thuốc bôi hậu môn, bạn cần hỏi bác sĩ.
- Chóng mặt, hoa mắt: Cách giải quyết đơn giản là không ngồi dậy hay đứng lên đột ngột mà vận động từ từ để não khỏi thiếu máu. Bạn nên ăn thường xuyên làm nhiều bữa. Hãy tăng cường các thức ăn bổ máu như thịt, cá, trứng, sữa, đậu, lạc, rau màu xanh sẫm, có thể uống thêm viên sắt. Nếu có lúc cảm thấy muốn ngất, bạn hãy nằm xuống, hoặc ngồi cúi đầu giữa hai đầu gối để máu lên não nhiều hơn. Nếu chóng mặt, hoa mắt kéo dài hoặc bị ngất, bạn cần đi khám.
- Khó ngủ: Bạn hãy tập thể dục, hoạt động nhiều vào ban ngày. Buổi tối nên để cho tâm trí được nghỉ ngơi, đừng lo lắng. Phòng ngủ thoáng khí giúp bạn dễ ngủ hơn. Hãy chọn một tư thế ngủ phù hợp, nhiều bà mẹ thích nằm nghiêng, kê mình lên một cái gối. Nếu mệt mỏi mà không ngủ được, bạn hãy nằm thư giãn, đừng bứt rứt kẻo càng thêm mệt mỏi.
- Khó thở: Bạn hãy đứng ngồi thẳng lưng, khi nằm, hãy nằm nghiêng hoặc nếu nằm ngửa thì đặt gối nâng đầu và ngực lên cao. Nếu khó thở kéo dài, bạn nên đi khám.
- Chuột rút: Khi bị chuột rút, bạn duỗi thẳng chân rồi từ từ hướng ngón chân về phía trước, cơ sẽ giãn ra. Muốn tránh chuột rút, bạn đừng đứng lâu.
- Cơ quan sinh dục ướt át khó chịu: Bạn cố gắng giữ vùng sinh dục khô ráo, nên mặc quần áo lót bằng vải bông, mặc quần rộng cho thoáng khí. Nếu âm đạo tiết dịch nhiều, bạn hãy lót vải thấm hoặc băng vệ sinh mỏng. Sau khi đi vệ sinh, bạn lau rửa từ phía trước ra phía sau. Nếu dịch âm đạo hôi, có màu vàng, hồng, nâu, hoặc ngứa nhiều ở cửa mình, bạn nên đi khám để được điều trị ngay.
Làm thế nào để mẹ bé và bé khỏe?
Chín tháng mang thai là thời gian mà bố mẹ và cả gia đình cùng cố gắng để khi sinh nở được mẹ tròn con vuông. Những kiến thức về chăm sóc thai nghén không chỉ dành riêng cho người mẹ mà còn rất quan trọng đối với người cha và cả những thành viên khác trong gia đình.
Nhiều ông bố mong muốn được chăm sóc tốt nhất cho mẹ bé. Tuy không sinh nở, họ vẫn là bố “đẻ” của con mình. Trong cuộc hành trình kỳ diệu hướng về cái đích là đứa con, ông bố tương lai có quyền được đóng góp phần mình, mà người mẹ mang thai cũng rất thích điều đó.
Bố bé, mẹ bé đều hỏi: “Làm thế nào để mẹ và bé đều khoẻ?” Bạn hãy tham khảo những bí quyết sau đây:
Bố mẹ bé phải khoẻ từ trước khi thụ thai
Người ta ít nói đến chăm lo sức khoẻ từ trước khi thụ thai, nhưng hai bạn rất nên làm điều đó. Khởi đầu của sự sống là sự kết hợp của trứng và tinh trùng. Muốn bé khoẻ, trước tiên cần có trứng và tinh trùng khoẻ mạnh. Bố mẹ bé hãy nỗ lực tăng cường sức khoẻ của mình.
Khám thai
Khám thai định kỳ là hết sức cần thiết để kịp thời phát hiện các nguy cơ tai biến, bảo đảm an toàn thai nghén và sinh nở. Ấy vậy mà nhiều cặp vợ chồng vẫn coi thường nhiệm vụ này, như chị Phương mang thai lần đầu đã 5 tháng:
"Dào ôi, ngày xưa các cụ sinh ra mình có phải khám thai đâu mà vẫn sòn sòn năm sáu đứa. Mà lần nào đi khám cũng phải chờ hết hơi đến mấy tiếng đồng hồ, lần nào cũng chỉ thấy bác sĩ kết luận thai nghén bình thường, chẳng cấp tí thuốc men nào thì đi khám làm gì cho mất buổi".
Đúng là các cụ nhà bạn đã vượt cạn an toàn nên mới có bạn trên đời. Nhưng có bao nhiêu cụ khác không được toàn tính mạng thì ta nào có biết. Ai mang thai mà chẳng mong thai nhi phát triển bình thường, không gặp trắc trở trong thai nghén sinh đẻ. Đi khám để biết thai nhi phát triển tốt là đáng mừng lắm chứ.
Nếu biết có thai, hai bạn hãy cố gắng đi khám sớm và nên đi khám thường xuyên. Nếu đi lại khó khăn thì cũng nên khám thai một lần trong ba tháng đầu, một lần trong ba tháng giữa, và nhiều hơn trong ba tháng cuối.
Lần đầu khám thai, cán bộ y tế khám sức khoẻ toàn diện cho mẹ bé, xác định việc thai nghén có cần theo dõi đặc biệt hay không. Các lần khám sau, cán bộ y tế theo dõi sức khoẻ mẹ bé và sự phát triển của thai nhi. Từ tháng thứ 5 trở đi, cán bộ y tế còn theo dõi hoạt động của thai nhi. Để tránh uốn ván sơ sinh cho bé, mẹ bé cần được tiêm vacxin phòng uốn ván hai lần. Lần thứ nhất thường tiêm khi mới đi khám thai, lần thứ hai sau lần thứ nhất ít nhất một tháng và trước khi đẻ ít nhất một tháng. Cuối thai kỳ, cán bộ y tế xem ngôi thai và cho các bạn biết thời gian dự tính sinh nở. Mỗi lần khám thai, các bạn lại được những lời khuyên cần thiết.
Khám thai và xét nghiệm thông thường bao gồm đo huyết áp, nghe tim phổi, cân, đo vòng bụng và chiều cao tử cung, nghe tim thai, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.
Dinh dưỡng cho mẹ bé
Từ khi thụ thai đến khi sinh nở, mẹ bé cần tăng 9-13 kg. Có vậy mới đảm bảo sức khoẻ, giảm nguy cơ tai biến, đảm bảo sự phát triển bình thường về thể lực và trí tuệ của bé. Mẹ bé nên ăn nhiều bữa để bé không bao giờ bị đói. Để mẹ bé dễ ăn, cần chú ý nấu những món hợp khẩu vị. Nếu có ai nói người chửa nên ăn ít để thai nhỏ cho dễ đẻ thì hai bạn đừng tin. Nếu mẹ bé ăn uống không tốt thì cả hai mẹ con có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, bé sinh ra sẽ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Dinh dưỡng tốt không nhất thiết phải tốn nhiều tiền, quan trọng là đủ các chất cần thiết. Đó là chất đạm cần cho sự sinh trưởng (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu phụ, các loại đỗ, lạc), vitamin và chất khoáng (rau, hoa quả) để tăng sức đề kháng. Mẹ bé cần nhiều canxi (xương, sữa) để tạo xương, sắt (gan, thịt bò, bí đỏ, rau màu xanh sẫm) để tạo máu và chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật, đậu tương, lạc, vừng, sữa, bơ). Nước cũng rất quan trọng, mẹ bé mỗi ngày cần uống khoảng 2 lít (tính cả nước canh, nước hoa quả).
Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng cần kiêng khem khi mang thai, sinh đẻ. Có đủ mọi lý do để không được ăn thứ này thứ khác. Nào là ăn mùng tơi thì con nhiều dớt dãi, ăn mít thì con bị chốc đầu, ăn mía thì con ương bướng .. Có thứ vùng này bảo kiêng thì vùng khác lại cho là lành, ăn được. Đa số các quan niệm đó đều không có cơ sở khoa học. Mẹ bé đừng kiêng khem như vậy, bữa ăn cần phải đủ chất.
Tuy nhiên, có một số thức ăn mà mẹ bé cần tránh như đường và các đồ uống có nhiều đường. Đó là vì đường dễ làm mẹ bé no, kém ăn những thức ăn bổ dưỡng, lại gây sâu răng. Đường đặc biệt có hại nếu mẹ bé bị chứng tiểu đường khi mang thai. Mì chính (bột ngọt) cũng nên giảm tối thiểu vì theo một số nghiên cứu ở phương Tây, mì chính làm tăng nguy cơ sẩy thai. Mẹ bé cũng chỉ được dùng thuốc men (cả Đông y lẫn Tây y) nếu có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Tránh bệnh tật và các chất độc
"Chị phải ở nhà bà ngoại mấy tuần nay vì anh bị sốt dịch. Anh sơ tán chị về đây, sợ bị lây. Quen hơi chồng nên ở nhà bà mình nhớ lắm. Anh bảo anh khỏi rồi nhưng mình cũng nên chờ một tuần nữa cho nó chắc".
(Quỳnh, 28 tuổi)
Đúng vậy, mẹ bé cần tránh bệnh vì việc bị bệnh hay dùng thuốc đều có thể ảnh hưởng không tốt đến bé. Các chất như thuốc lá, rượu bia, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc cũng gây hại. Việc tiếp xúc với bệnh tật và các chất độc hại này có thể dẫn đến sẩy thai hoặc sinh con khuyết tật. Trong những tháng chờ đợi đứa con ra đời này, hai bạn cùng những người thân trong gia đình hãy cố gắng tránh tiếp xúc với các loại bệnh truyền nhiễm, không ăn thức ăn sống, thiếu vệ sinh, tránh bị cảm lạnh và các chất có hại để bảo vệ sức khoẻ cho mẹ bé. Bố bé nếu nghiện thuốc lá có thể nhân cơ hội này mà bỏ thuốc.
Hoạt động và nghỉ ngơi phù hợp
Khi mang thai, mẹ bé cần nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường. Mỗi ngày, mẹ bé hãy ngủ trưa khoảng 1 tiếng, tối ngủ 8-10 tiếng. Mẹ bé cần tránh mang nặng, nâng vật nặng, đi bộ nhiều tiếng đồng hồ. Nếu mẹ bé đi làm ở cơ quan mỗi ngày 8 tiếng, khi về nhà nên giảm bớt việc nhà, để bố bé gánh vác. Song, nói vậy không có nghĩa là không nên vận động. Mẹ bé cần vận động hợp sức để cho máu lưu thông, tăng cường hô hấp và tiêu hoá. Vợ chồng bạn hãy tập thể dục nhẹ nhàng, đi bách bộ, hít thở không khí trong lành.
Bố bé cần chăm sóc tốt tinh thần mẹ bé
Có rất nhiều người bố muốn giúp đỡ vợ trong thời gian này nhưng lúng túng không biết nên làm thế nào. Để giúp chăm sóc mẹ bé tốt hơn, chúng tôi xin làm "cố vấn" cho các ông bố.
Khi mang thai, nếu mẹ bé thường xuyên được vui vẻ tinh thần thì rất có lợi cho sức khoẻ cả hai mẹ con. Là người chồng, người cha, bạn hãy làm cho mẹ bé cảm thấy được yêu hơn bao giờ hết, hãy lo cho mẹ bé từng li từng tí, giúp đỡ mọi việc, cùng mẹ bé đi chơi, giải trí. Hãy luôn hỏi han, ôm ấp em bé trong bụng vợ, đừng ghen tị nếu vợ bạn lo cho bé mà bớt quan tâm đến chồng. Một ông bố tâm sự về tình cảm vợ chồng khi mang thai:
"Anh chăm vợ lắm đấy em ạ. Anh đi xe đạp, để vợ đi xe máy này. Vợ anh ngồi nhặt rau thì anh ra nói chuyện thủ thỉ này. Chăm vật chất là một phần, phụ nữ cần cái chăm về tinh thần nhất đấy em ạ".
(Trịnh, 28 tuổi)
Trong chín tháng mang thai, hẳn cũng có những ngày mẹ bé lo lắng, sợ hãi hay chán nản. Cả bạn cũng vậy. Bạn hãy đồng cảm với cô ấy, luôn hỗ trợ cho cô ấy. Nhiều người chồng nghĩ đơn giản chỉ cần luôn ở cạnh vợ mình là đủ. Nhưng tâm lý phụ nữ mang thai lại muốn được chăm sóc nhiều nhất, được là người quan trọng nhất, và quả thật họ xứng đáng được đòi hỏi như vậy. Bố bé chỉ cần luôn hướng về mẹ bé, nghĩ đến cô ấy nhiều hơn và hãy “sáng tạo” cách chăm sóc cô ấy, bạn sẽ thấy ngay cô ấy sung sướng đến nhường nào. Hãy “cùng mang thai” với cô ấy, bạn có thể đóng góp một phần to lớn.
Làm thân với bé
Khoa học cho biết, vào những tháng cuối trong bụng mẹ, bé đã nghe được các tiếng động, giọng nói, âm thanh, biết nhìn, biết phân biệt sáng tối. Bố mẹ bé hãy kết thân với bé ngay từ lúc này, hãy thường xuyên nựng nịu, nói chuyện với bé. Bé sẽ sung sướng được nói chuyện với bố mẹ. Anh Hải từ khi vợ có bầu đã có sở thích mới:
"Tối nào về anh cũng ôm bụng vợ anh, bảo con anh: “Con lớn lên phải thật là nghịch vào”. Anh thích trẻ con nghịch. Bây giờ nó đã hiếu động lắm rồi em ạ, nó đạp vào mặt anh suốt mà".
Có những cặp vợ chồng thích kể chuyện hoặc cho bé nghe nhạc, như chị Hiền anh Tâm:
"Hồi còn mang con bé này anh chị toàn mở nhạc Moza, để mình nghe và cả cho nó nghe nữa. Bây giờ nó vẫn thích Moza lắm đấy, lúc nào nó khóc, cứ mở nhạc Moza là nó nín".
Việc chăm sóc, thương yêu bé ngay khi còn là bào thai rất có lợi cho sự phát triển cả thể chất và tinh thần của bé.
Tình dục khi mang thai
"Người ta chửa hai tháng nay rồi. Chuyện vợ chồng chả biết phải thế nào vì chẳng ai nói, mà cũng chẳng ai biết mà nói. Bọn người ta vẫn sinh hoạt, có hạn chế hơn một chút".
(Lan, 26 tuổi)
"Có phải phụ nữ có bầu thì nhu cầu sinh lý của họ cao hơn không? Vợ tôi từ hồi có thai đòi hỏi nhiều hơn, cô ấy tấn công tôi suốt".
(Bàn, 35 tuổi)
"Chị một lần sẩy rồi nên lo lắm. Không biết có được quan hệ tiếp không. Muốn thì muốn, nhưng mà lo".
(Ngọc, 28 tuổi)
Rất nhiều cặp vợ chồng băn khoăn không biết khi mang thai, chuyện tình dục nên như thế nào. Quan điểm cổ truyền cho rằng cần phải kiêng tình dục trong suốt thời kỳ này nhưng khoa học hiện đại cho rằng vẫn có thể và nên duy trì sinh hoạt tình dục. Hai bạn đừng sợ rằng tinh dịch có thể đi vào tử cung, ảnh hưởng đến bé vì trong khi mang thai, cổ tử cung được đóng kín bằng chất nhầy đặc (gọi là nút cổ tử cung), ngăn không cho tinh dịch vào. Bé lại được bảo vệ rất kín trong túi ối nữa. Tác động của lực thúc trong giao hợp nhìn chung không có gì đáng ngại. Chỉ cần lưu ý vài điều sau:
- Việc sinh hoạt tình dục phải do người phụ nữ hoàn toàn quyết định. Nhu cầu và cảm nhận tình dục của phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể tăng hoặc giảm do thay đổi về hoóc môn, sức khoẻ, tâm lý. Nếu người vợ muốn thì hãy quan hệ tình dục, còn không muốn thì đừng cố chiều chồng.
- Nên nhẹ nhàng hơn trước, nhất là ở tháng cuối thai kỳ. Tình dục có thể thiên về vuốt ve, âu yếm hơn là giao hợp. Nếu giao hợp, người vợ hãy chọn một tư thế mình thấy dễ chịu. Nhiều phụ nữ cho biết, trong thời gian này, tư thế chồng trên vợ dưới khiến họ khó chịu. Họ thích tư thế nằm nghiêng hoặc vợ ngồi bên trên hơn.
- Người chồng phải đảm bảo vệ sinh sẽ và không có viêm nhiễm sinh dục. Nếu không, hãy dùng bao cao su để tránh viêm nhiễm cho vợ, cũng là bảo vệ cho con.
- Ngoài ra, những phụ nữ đã sẩy thai vài lần nên hạn chế giao hợp và cực khoái.
Một số trường hợp khó khăn
Một số trường hợp thai nghén đòi hỏi có sự theo dõi chặt chẽ của cán bộ y tế vì nguy cơ gặp khó khăn cao hơn so với người khác. Nếu ở một trong các trường hợp sau, mẹ bé phải đi khám thai thật thường xuyên:
- Trước kia, mẹ bé đã hút, nạo thai hoặc đã sẩy thai nhiều lần, đã từng mổ đẻ, đẻ non, sinh con chết lưu hoặc chết sơ sinh, đã từng chửa ngoài tử cung hoặc bị sản giật.
- Lần này mang thai là sinh đôi, sinh ba, hoặc là con so mà mẹ bé đã ngoài 35 tuổi, là con dạ mà mẹ bé đã ngoài 40 tuổi, hoặc mẹ bé đã đẻ 4 lần trở lên.
- Khi đang mang thai, mẹ bé bị một trong các bệnh tim, hen phế quản, đái đường, huyết áp cao (dù bị từ trước khi thụ thai hay mới bị khi mang thai), bệnh về máu, thiếu máu nặng, lao.
Các dấu hiệu bất thường của thai kỳ
Đa số các bà mẹ mang thai và sinh nở an toàn, kể cả những bà mẹ có điều kiện sức khoẻ đòi hỏi cẩn trọng như nêu trên. Tuy nhiên, cũng có một số người (cả những người không ở trong các trường hợp đó) cần đến sự can thiệp của y tế. Các bạn cần biết các dấu hiệu bất thường để nếu gặp phải thì xử trí được kịp thời:
- Buồn nôn và nôn nặng, không ăn uống được: Có thể là nghén thông thường, nhưng cần điều trị để tránh suy dinh dưỡng. Ngoài ra, cũng có thể có nguyên nhân khác cần được xác định như thai đôi, chửa trứng.
- Ra máu: Các trường hợp ra máu nhẹ thường không có vấn đề lớn, nhưng vẫn cần đi khám ngay vì có khả năng là dấu hiệu rau tiền đạo, rau bong non, động thai, sẩy thai, chửa ngoài tử cung...
- Chất dịch âm đạo hôi, âm hộ ngứa nhiều: Có thể là dấu hiệu viêm nhiễm, cần được điều trị ngay. Nếu cần thiết, cả hai bạn sẽ được điều trị. Hai bạn cần kiêng giao hợp cho đến khi chữa khỏi, sau đó dùng bao cao su.
- Sâu răng, viêm lợi: Cần chữa ngay, tránh để nặng có thể nhiễm trùng toàn thân. Mẹ bé hãy ăn thêm những thức ăn có chứa canxi.
- Đi đái rắt và đau: Cần khám để điều trị ngay nếu viêm đường tiết niệu.
- Chân sưng, đau, kèm theo sốt: Có thể là viêm tĩnh mạch, cần điều trị.
- Phù nặng đột ngột (đặc biệt phù mặt, tay), đau đầu, chóng mặt, mờ mắt, nôn: Đây là dấu hiệu tiền sản giật. Mẹ bé cần được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.
- Đau bụng kèm theo ra máu: Cần đưa đến bệnh viện ngay vì có thể là dấu hiệu sẩy thai hoặc tệ hơn là chửa ngoài tử cung, có thể nguy đến tính mạng.
- Mất các dấu hiệu thai nghén: Nếu người mẹ cảm thấy các dấu hiệu thai nghén vốn vẫn có tự nhiên mất đi thì nên đi khám, vì có khả năng thai không còn sống nữa.
Sẩy thai
Có nhiều trường hợp sẩy thai từ trước khi người phụ nữ biết mình thụ thai. Trứng và tinh trùng kết hợp, nhưng bị đào thải ngay, nên người phụ nữ vẫn hành kinh, không biết là mình sẩy thai. Cũng có nhiều trường hợp sẩy thai ta biết được, thường khá sớm, trong ba tháng đầu, nguyên nhân thường là phôi có bất thường về gen nên có thể ngừng thai nghén để không sinh ra một cá thể khuyết tật. Đây thực là một sự đào thải may mắn. Đa số các phụ nữ sẩy thai sớm sau đó lại mang thai và sinh nở an toàn.
Chỉ có một số ít trường hợp sẩy thai muộn trong tháng thứ tư hoặc tháng thứ năm. Nguyên nhân thường là do điều kiện sức khoẻ của người mẹ, tình trạng tử cung bất thường hoặc hở eo cổ tử cung, do sử dụng một loại thuốc có hại, tiếp xúc với chất độc, do người mẹ bị chấn thương nặng hoặc rau thai có vấn đề. Đa số các bà mẹ sau đó cũng lại mang thai, sinh nở an toàn, chỉ một số ít trường hợp cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa. Có một số ít trường hợp sẩy thai nhiều lần mà bác sĩ không điều trị được hoặc không tìm ra nguyên nhân.
Ra máu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu động thai, sẩy thai, nhưng bất cứ khi nào có ra máu, dù là máu tươi hay sẫm màu cũng cần đi khám. Các bạn sẽ được những lời khuyên về dưỡng thai (thường là nằm bất động). Nếu thai đã sẩy (biểu hiện là ra máu kèm theo đau bụng dưới), người mẹ cần được điều trị ngay để đảm bảo không sót thai, sót rau và để chống ra máu kéo dài.
Chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung là trường hợp trứng sau khi thụ tinh khong về được đến tử cung, phải làm tổ trong ống dẫn trứng (cũng có trường hợp nằm trong ổ bụng). Ống dẫn trứng không co giãn như tử cung nên khi thai lớn lên đến một mức độ nào đó thì ống dẫn trứng sẽ vỡ, nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.
Triệu chứng chửa ngoài tử cung là ra máu và đau bụng dưới. Người phụ nữ biết mình có thai (hoặc thấy chậm kinh) mà đau bụng và ra máu thì phải hạn chế vận động và đến bệnh viện ngay để chạy chữa kịp thời nếu là chửa ngoài tử cung. Nếu ống dẫn trứng vỡ thì thai phụ sẽ thấy đau đột ngột, ghê gớm, có thể nôn hoặc ngất, và cần được phẫu thuật ngay, có thể phải truyền máu nữa.
Việc có thai ngoài tử cung có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ nào nhưng nguy cơ cao hơn ở những người đã từng bị bệnh lây qua đường tình dục hoặc đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng.
Một số vấn đề khác
Làm thế nào biết chắc có thai hay không?
Các bạn có thể dựa vào các dấu hiệu nghén như thay đổi khẩu vị, buồn nôn, nôn, vú căng, đi tiểu nhiều... để xác định có thai. Nhưng không phải ai mang thai cũng có các dấu hiệu đó và cũng có khi các hiện tượng đó là do nguyên nhân khác. Vì vậy, muốn biết chính xác, các bạn hãy xét nghiệm ở cơ sở y tế hoặc mua dụng cụ thử thai sớm (phổ biến là loại Quick Stick), đọc hướng dẫn và tự thử. Nếu trong nước tiểu có chứa HCG, hoóc môn do rau thai tiết ra thì kết quả là dương tính, nghĩa là đã có thai.
Tuổi nào thì nên mang thai?
An toàn nhất là sinh con vào khoảng từ 20 đến 35 tuổi. Khi chưa đến tuổi 20, cơ thể bạn gái còn đang phát triển, đường sinh sản và vùng xương chậu có thể còn nhỏ, chưa phù hợp cho việc mang thai, sinh nở. Nếu người mẹ hơn 35 tuổi thì nguy cơ thai nghén cao hơn, vì cơ thể không còn sung sức, trứng cũng đã “già”. Cả hai trường hợp này nguy hiểm hơn đối với người mẹ, con sinh ra thường yếu hơn, hoặc có thể có bệnh tật.
Ngày dự tính sinh nở
Thai kỳ dài khoảng 38-42 tuần, trung bình là 40 tuần (9 tháng cộng với 7 ngày). Vậy ta tính như sau: Xuất phát từ ngày đầu của đợt hành kinh cuối, đếm thêm 7 ngày, rồi đếm thêm 9 tháng thì được ngày dự tính sinh nở. (Nếu dùng lịch âm, bạn lấy ngày đầu của đợt hành kinh cuối cộng với 15 và tháng kinh cuối cộng với 9). Đây là cách tính ước chừng, đa số các bà mẹ không sinh trúng ngày dự tính, mà có thể sinh trước hoặc sau ngày đó đến 2 tuần.
Ví dụ: Phát hiện ra mình có thai, Liên nhớ lại ngày bắt đầu đợt hành kinh cuối cùng là 20/3/97, từ mốc này cộng 7 ngày là 27/3/97, cộng 9 tháng là 27/12/97. Như vậy, Liên sẽ sinh vào trong khoảng từ 2 tuần trước đến 2 tuần sau ngày 27/12/1997.
Vú lõm
Nếu có núm vú thụt vào trong, người mẹ vẫn có thể cho con bú nếu tập kéo núm vú ra ngoài. Việc tập kéo đầu vú có thể bắt đầu khi mang thai vài tháng, nhưng không nên làm vào tháng mang thai cuối cùng (vì có thể gây co bóp tử cung).
Cách làm rất đơn giản: Bạn mân mê quầng vú và núm vú cho núm vú cứng lên, rồi lấy hai ngón tay cái và trỏ ấn hai bên sát cạnh núm vú, núm vú sẽ dần nổi lên. Dùng tay kia kéo nhẹ núm vú ra ngoài. Nếu làm vậy hằng ngày, khi sinh xong bạn sẽ dễ dàng cho con bú.
Sinh đôi
Sinh đôi xảy ra trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là người phụ nữ rụng hai trứng trong cùng một chu kỳ, cả hai trứng đều được thụ tinh, hai em bé sinh ra trông chỉ giống nhau như hai anh em bình thường giống nhau. Trường hợp thứ hai là chỉ có một trứng và một tinh trùng kết hợp thành một hợp tử, nhưng trong quá trình phân chia tế bào, nó tách làm hai phần riêng biệt, mỗi phần phát triển thành một em bé, hai em bé giống hệt nhau vì cùng mang kiểu gien như nhau.
Khi mang thai sinh đôi, người mẹ lên cân nhiều, bụng to hơn, đòi hỏi nhiều hơn về dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ.
Vẻ đẹp cơ thể mẹ
Chúng tôi vô tình phát hiện một tập ảnh ở trần của chị Ngọc chụp khi mang thai, trông rất đẹp, phải liệt vào hàng ảnh nghệ thuật: cái bụng to, vú căng và sẫm, gương mặt sáng ngời hạnh phúc. Chị kể:
"Đồng chí chồng chụp đấy. Đồng chí ấy cứ bảo: “Tớ không ngờ là khi chửa ấy lại đẹp như thế được, đẹp quá đi mất” Người ta thẹn nhưng mà công nhận là đồng chí ấy làm thế thì mình thích".
Lại có người phụ nữ khác như chị Thìn phải buồn:
"Từ hồi bụng bắt đầu to là anh chồng tôi chẳng đoái hoài gì đến tôi nữa. Không biết anh ấy cho là mình xấu nên sợ hay anh ấy chỉ quen với mình khi mảnh mai thôi, còn khi mình to sều thế này thì anh ấy không quen".
Cảm nhận của mỗi người chồng và của mỗi phụ nữ về hình thể khi mang thai có thể khác nhau. Nó phụ thuộc vào những gì nằm trong tiềm thức của mỗi người. Có thể vì lúc ta còn bé, những người xung quanh ta hay chê mấy chị có thai xấu, là “ục ịch”, là “xanh lướt” nên ta nghĩ mang bầu là không đẹp. Nhưng nếu những người xung quanh ta luôn âu yếm, khen ngợi có thai, bản thân ta cảm thấy việc mang thai và sinh tạo con người là thiêng liêng thì hình dáng của người phụ nữ mang thai có lẽ rất đẹp, thậm chí là thi vị nữa.
Còn việc “nhỏ lại” sau khi sinh thì sao? Đa số phụ nữ sau khi sinh vài tháng sẽ trở về hình dáng cũ. Muốn đảm bảo chắc chắn điều đó, bạn hãy làm theo những bí quyết như ăn uống tốt khi mang thai và sau khi sinh, vận động phù hợp với sức khoẻ, tập thể dục nhẹ nhàng, giữ gìn sức khoẻ, không sinh con dày, không sinh nhiều con. Như vậy cơ thể bạn dễ hồi phục, bạn sẽ giữ được vẻ đẹp của mình sau những lần sinh nở.