Sau trận thắng oanh liệt ở Xà No ông Hội đi các trường liên tiếp không lõi phiên nào. Có khi đi trường Sầm Giang ở Mỹ Tho xong, ông đi luôn xuống trường Đại Điền của ông Hội Đồng Hoài, rồi từ Đại Điền ông băng qua sông Cổ Chiên đến trường Càng Long. Ở đây cũng có nhiều tay chơi gà nổi tiếng lục tỉnh. Rồi từ đó đi lên trường Long Hồ. Đấy là trường gà chơi theo lối xưa. Những vị quan chức đều mặc áo dài đội khăn đóng và trước khi khai mạc có một cuộc cúng tổ (Tổ Gà Nòi hoặc các cô hồn Gà Nòi, có tiếng trống, lễ nhạc rất oai nghiêm). Nghe đồn rằng trường Long Hồ và trường Sầm Giang có được cái hân hạnh đón rước cậu Hai Miên đến đá gà một vài lần.
Năm nay lúa trúng khắp các tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang cho nên mùa gà càng rộn rịp tưng bừng hơn các năm khác! Tiếng gà gáy nghe rong hơn và tiền độ cao hơn. Như dự định, ông Hội và phái đoàn đáp ca-nô trở xuống Sầm Giang. Kỳ trước ông ăn cậu Tư Ro một độ xính vính. Cậu Tư Ro tức lắm. Cậu kêu đích danh gà Cao Lãnh xuống chơi. Ông hội lại xuống.
Cậu Tư kiếm đâu được một con gà Bông Lau. Ai khích cậu cũng không đá. Cậu nhứt định trả thù gà Cao Lãnh. Sau độ thua đó cậu Tư lội đi miệt Hậu Giang tìm chiến kê và sư kê. Cậu gặp được một thầy gà ở kế Sách. Ông này có bùa ngải hay thuốc men gì đó làm cho cậu Tư mê ly. Ông cho biết ông có thể vặt thuốc cho gà què chạy nhảy ngay, có thể làm gà bị chém hang cua ngóc thẳng cần dậy, gà bị chém trái chanh hết xệ cánh, ông có thể cầm máu, vá vết thương không dùng kim chỉ.. .. Để cho cậu Tư tin bằng thấy, ông thầy bắt con gà tơ bẻ cánh rồi lấy thuốc rịt liền. Chốc sau cánh con gà lành lại, cậu Tư mê quá, rước ông thầy về nhà để ổng nuôi gà cho cậu.
Nhưng chưa đủ, cậu còn đích thân đi lục lội khắp hàng cùng ngỏ hẻm để tìm gà nghề và nghiên cứu kinh kê. Cậu lại tìm đến một bác sĩ vốn là bạn học cùng với cậu ở bên Tây trước kia, để hỏi về những món thuốc khả dĩ dùng được trong làng gà.
Độ rồi mất 7000 cho dân Cao Lãnh, cậu Tư nhận thấy một cách khoa học rằng mình chơi gà quá ư tài tử. Cậu phó thác mọi việc cho em út. Chúng nói con gà nào đá vỉa tối, con nào đá vỉa sáng, con nào đá lông, đá sỏ, đá mé, con nào đá quăng cậu cũng gật đầu nhưng không hề khảo sát như các ông chủ khác. Cho đến khi ra trường cáp độ, cậu cũng cứ triền miên Ro, Ro mặc cho em út lập bo thế nào thì cậu gật thế ấy. Dến chừng thả gà cậu mới "ngự khám" và vẫn ro ro đều đều, mặc cho em út quăng, bắt, lội thế nào cũng được. Xong độ ăn bao nhiêu cậu nhận bấy nhiêu. Thậm chí cậu thua tụt quần mà bọn em út lại ôm túi no phè, thậm chí hơn nữa, sư kê của cậu bị đối phương mua chuộc làm cho gà thua mà cậu cũng không biết. Mới vừa rồi, một người đá hàng xáo bên gà cậu thấy rõ ràng tên sư kê của cậu trong lúc lên gối đã bóp gãy chân gà cho nên nước sau gà đi cà nhắc, nhảy té lệt bệt phải thua. Bấy giờ cậu mới sáng mắt ra đuổi hết bọn điếm gà ngay trong ruột của cậu. Kỳ này cậu đem con Bông Lau tới trường Sầm Giang kêu đích danh gà Cao Lãnh. Máu gà nòi trong người ông Hội cũng có kém gì cậu Tư. Cái ô vàng của bà vợ cậu Tư vơi đi một phần để cho cái tủ sắt của ông Hội nhét thêm 700 bộ lư, cậu Tư đâu chịu thua. Còn ông Hội Đồng Bình là thầy gà lùng danh lục tỉnh đâu dễ lùi bước trước cậu công tử gà mờ miệt Mỹ Tho này! Cuối cùng hai kẻ địch tình nguyện gặp nhau đấu kiếm. Gà Bông Lau của cậu Tư hơi dư cựa. Con Xám Nổ của ông hội Bình thiếu cựa nhưng cao vai. Ông Hội Đồng bồng thử con Bông lau thì thấy quả là một chàng hiệp sĩ gan liền thịt chắc nịch, lại có liên giáp nội đóng ngay cựa. Gà có vảy này đá tất độc chẳng kém vảy Thanh Long dao bao nhiêu. Trong khi đó con Xám Nổ của ông chỉ có nát gối, hai hàng trơn nghĩa là loại hiệp sĩ hạng.. .. gà.
Hai Trinh và thầy Năm kêu ông Hội không nên đá, nhưng ông Hội kêu làm sổ hai ngàn. Cậu Tư Ro lấn thế, kêu lên ba ngàn “chớ hai ngàn không đủ bao xe về nhà, đá cái gì!". Ông Hội Đồng Bình kêu mãi, hàng xáo tiếp thêm được hai trăm, cậu Tư cười xòa : “Chẳng ngờ gà Cao Lãnh lại là gà rót! Nè ông Hội Đồng, nếu cần tôi cho ông nhang rót!”
Tỏ nhang thả gà. Chưa hết nước nạp, cậu Tư quăng ăn năm, rối ăn bốn. Cậu Tư rít ống điếu phung khói mịt mù, vung tay, hét to, sặc ho làm những ông lớn tuổi ngồi gần khó chịu, nhưng vị nể mặt cậu con rể ông Cai Tổng hoặc vì phép lịch sự nên chỉ đưa tay quạt khói khẽ và quay sang chỗ khác nhăn mặt hơi hơi thôi.
Chưa hết nước nhứt, con Bông Lau chém đui một mắt con Xám Nổ.
- Ăn một, một trăm cặp đây, bên “Vân Tiên” có bắt không? – cậu Tư buông ống vố vung tay gào lên! – Ông Hội Đồng Bình đâu! Có muốn thua vớt không?
Hai Trinh méo mặt liếc ông Hội Đồng. Thầy Năm cũng xót xa, bụng trách thầm sao không cương quyết cản ông Hội để ổng sa lầy độ này thật vô lý.
Ông Hội Đồng lấy chai dầu Nhị Thiên Đường rút nút ngoáy lỗ mũi. Ông không tỏ vẻ lo âu. Con Xám Nổ bị đá một phát không biết trúng đâu, đâm đầu chạy nhưng không la. Con Bông Lau đuổi theo ba vòng. Chủ trường cho phép bắt lại nhữ. Cả ba lần Xám Nổ đều nghẹo cổ không xứng lông, không cắn mổ. Chủ trường xử thua.
Hai Trinh ôm con gà ra mắt mày xui xị, đem ra nhốt ở bội, cho nó nắm lúa, vùa nước và an ủi:
- Chủ bắt mày đá ác quá! Nhưng thôi đừng buồn. Tao cho mày dưỡng lão luôn.
Ông Hội Đồng móc cặp chung tiền. Tư Ro chụp lấy không thèm đếm, nhét vào túi quấn tây và hỏi:
- Cao Lãnh bộ hết nhà nghề sao ông Hội Đồng?
- Còn vài con nhưng không địch nổi với con Bông Lau. Con Bông Lau có vảy nghề cao quá.
- Há há.. .. – Cậu Tư cao hứng nói luôn – Tôi chồng độ đó!
- Chồng hai độ tôi cũng không dám đá cậu Tư ơi. Gà của cậu là linh kê đâu phải thường kê.
- Cao Lãnh hết gà rồi sao ông Hội Đồng?
- Không phải hết nhưng hôm nay tôi không có đem theo con nào khả dĩ đối địch với con Bông Lau.
- Đâu cho tôi xem thử!
Cậu Tư quyết chí xóa nhục cho dân mộ điệu Sầm Giang và rửa mặt cho chính mình nên càng hăm hở xông tới.
Ông Hội Đồng dắt cậu Tư ra dãy bội nhốt gà nhà trỏ con gà ở trong bội bìa. Cậu Tư thấy con gà xơ xác, lông lá khô khan, mặt mày không mấy lanh lợi. Vóc dáng lại nhỏ thó hơn con Bông Lau một mười một chín. Cậu Tư khom xuống cặp cán con gà. Cậu không sành vảy gà nên không xem ra cái gì hết. Cậu Tư quên đi cái chiến thuật rút lui để gài bẩy của Tôn Võ Tử nên thấy ông Hội nhủn nhặn thì càng lấn lướt.
- Tôi nghe nói Cao Lãnh là ổ gà nghề của Lục Tỉnh mà sao ông Hội Đồng đem con gà như vậy đến trường, không sợ mất danh sao.
- Dạ, nó cũng là gà nghề của tôi đó cậu Tư.
Tư Ro cười khinh khỉnh. Cậu quên rằng gà cậu ăn vừa rồi là độ đầu tiên kể từ khi cậu đi vào làng gà. Ông Hội "mại dưa leo" một chốc thì bảo Hai Trinh bắt gà ra cáp với điều kiện câu Tư chồng độ con Bông Lau.
Tư Ro chẳng những chồng độ mà còn đá ăn năm khi buông đuôi ăn trót. Ông sư kê bùa phép của cậu Tư khuyên can, nhưng cậu Tư không nghe. Xưa nay dù gác chạn thế mấy chủ kê cũng không chơi gan như vậy. Nếu ăn ông Hội Đồng được mười còn thua chỉ chung năm.
Độ này Hai Trinh lẫn thầy Năm đều không can và mới thấy tài dụ địch của ông Hội. Sự giao kết giữa hai chủ kê con Bông Lau và con gà xơ xác của ông Hội được chủ trường và các quan khách có uy tín trong làng gà làm chứng. Ngoài những người Việt ra còn có hai ông Tây, một ông Lục sự tòa án. Ông này tên là Raymond nói tiếng Việt rất rành. Tréo cẳng gà nòi thật. Lục sự tòa án lại đi đá gà là môn cờ bạc bị chánh phủ cấm và lại đứng ra bảo đảm cho sự ăn thua sòng phẳng của độ gà. Chuyện gì có dân Tây vô thì cũng tốt cả.
Tỏ nhang. Thả gà. Buông đuôi ăn trót là luật thường.
Con Bông Lau nhảy nạp trước. Con xơ xác của ông Hội không nạp trả mà nó bay như chim. Hễ con Bông lau nạp thì nó bay từ trước mặt ra sau đuôi địch thủ. Con Bông Lau quay đầu lại thì nó lại phóng ra đuôi. Đến lần thứ ba, con Bông Lau vừa quay lại nó bay lên rảy một phát nhẹ, con Bông Lau ngã lăn kềnh.
Cậu Tư buông ống vố nhảy ào ra, kêu:
- Ông Hội oánh bùa! Ông Hội oánh bùa!
Chủ trường xua tay:
- Để chờ xem con Bông Lau có đứng dậy không.
Một phút rồi hai phút. Con Bông Lau nằm im. Chủ trường xử thua. Cậu Tư Ro không đủ tiền mặt để chung tiền độ. Nhờ có sự bảo đảm của chủ trường cậu phải làm giấy tay thề chưn 100 mẫu đạt của nhạc phụ trong vòng bảy ngày phải chuộc bằng bạc mặt nếu không sẽ mất. Giấy mang chữ ký của cậu Tư với tư cách con nợ. Và ông chủ trường, ông lục sự Tây với tư cách nhân chứng. Cố nhiên là tờ giấy làm dưới hình thức vay nợ.
Ông Hội ăn độ gà khỏe ru. Cậu Tư Ro háo thắng tay mơ nên không biết con gà xơ xác là con linh kê, một loại ngủ như dơi và đá bay như chim. Bông Lau cũng là linh kê nhưng bị chồng độ và kém gà dơi đến mấy bậc.
Sau đó một tháng ông Hội đi xuống Xẻo Gừa ở Rạch Giá. Với sự hỗ trợ của con Hùm Xám Ô Môn, phái đoàn của ông Hội rất hùng mạnh về mặt lực lượng chiến kê lẫn mưu trí về nghệ thuật, ăn trùm đoàn chiến kê của cậu Ba Oai chủ trường. Cậu Ba Oai không phải là tay gà mờ như cậu Tư Ro. Cậu có mặt ở trường gà Xà No khi con Thanh Long của ông Cả Ngọt thua hiển hách. Cho nên thấy đoàn gà Cao Lãnh xuống thì cho người đi xem rất kỹ. Đàn em thầy rùa của cậu bẩm rằng kỳ này không có mặt con độc đao ẩn của ông Hội Đồng Bình.
Ông Hội Đồng không phải là tay vừa. Ông cũng thả điếm gà dọ thám lực lượng của cậu Ba. Cậu Ba ôm con gà có tên rất hãi hùng là Cáp Tô Văn ra dằn mặt đoàn Cao Lãnh. Cáp Tô Văn chiến kê có bộ mặt xanh như gà mái ấp, lông bờm đỏ ngời như lửa và cái mồng dâu nhỏ rất gọn, sờ thì lạnh ngắt như mồng gà thiến. Nếu lưỡi nó có bớt hoặc hầu nó có vảy thì chớ nên khinh thường vì nó là thần kê. Ông hội Đồng xem kỹ thì không thấy điểm gì đặc biệt. Chỉ hiềm không xem được nách và lông cánh. Nếu nách có vảy như vảy rắn thì phải chạy vì đó là kim kê. Còn nếu lông cánh mỗi bên đếm được 22 cái lông thép rất đều thì đó là con gà xoay trở rất nhanh vá đá thường chém ông địa đối phương.
Tuy vậy, ông Hội vẫn tin tưởng chú kỵ sĩ oanh liệt nhà mình. Lại nữa, cờ bạc là chuyện rủi may. Ăn đó thua đó. Mấy ai ăn hoài? Cho nên ông Hội đồn ý đá với số bạc 10 thước (một thước mười ngàn) tức là một trăm ngàn. Ông Cả Ngọt bồi thêm 10 ký nữa (mỗi ký cũng 10 ngàn) tức trăm ngàn. Tổng cọng tiền độ là 250 ngàn. Ăn thua với cậu Ba con ông Hàm, người có số lúa ruộng nửa triệu gia. hàng năm và đất đai có thể ngang ngửa với ông Cả Bé ở Giá Rai.
Cậu Ba mặc pyjama sọc, chân đi săng- đan mua bên Tây còn mới tinh. Cậu đứng nhân danh chủ trường tuyên bố điều lệ của trường và phủ sổ con Cáp Tô Văn, nghĩa là một mình cậu chịu một đầu gà: 250 ngàn, giá tiền của nửa triệu gia. lúa góp được của tá điền trong vùng.
Quả thật danh bất hư truyền: bời lời như công tử Bạc Liêu. Có lẽ cậu Ba không nghiên cứu vảy gà nòi đến bậc siêu kỳ như ông Hội, nhưng cậu hơi nghi ngờ đến chiến thuật thả gà của Hai Trinh ở trường Xà No nên lần này trước khi vào độ cậu bảo hai sư kê:
- Khi nhử gà chỉ nắm đuôi vịn cánh rồi buông không được đưa tay ra trước ức gà mình, đề phòng ngưới có móng tay nhọn đâm rách bầu diều gà bên kia!
Hai Trinh nghe thế thì liếc ông Hội Đồng. Ông Hội Đồng bảo:
- Chú cứ y theo lời ông chủ trường!
Con Cáp Tô Văn quả xứng với cái tên của nó. Nó dẫn đầu con gà của ông Hội suốt nửa nước đầu. Đến nước thứ hai nó lại đá một phát lật ngửa đối thủ. Con gà của ông Hội không đứng dậy được cứ nằm chỏng gọng và chòi lia. Con Cáp Tô Văn lủi vào định mổ lườn đá tiếp chẳng ngờ bị chòi cựa vào bầu diều. Lúa đổ xuống đất như gieo. Con gà ông Hội Đồng bật dậy phản công. Con Cáp Tô Văn đâm đầu chạy, tới đâu lúa rắc tới đó
Hàng xáo kêu rầm trời:
- Khui vựa lúa cậu Ba rồi.
Vết thương quá nặng. Máu chảy nhiều, cầm được vì chưa tới nước om.
Lúc đồng xu rơi xuống dĩa cũng là lúc dũng tướng Cáp Tô Văn ngã gục chiến trường. Sư kê bồng nó lên, mỏ nó hả ra ngáp ngáp như trối lại hàng xáo của nó:
- Ta chỉ thua có một người mà thôi. Đó là Tiết Nhơn Quí.
Đúng ra con gà ông Hội Đồng Bình không phải Tiết Nhơn Quí, và Tiết Nhơn Qúi cầm cây Phương Thiên Họa Kích còn ở đây, cái món binh khí đánh hạ “Cáp Tô Văn” là ngọn độc đao ẩn. Nhưng trước khi đến đây, để khỏi bị đối phương nhận diện, ông Hội Đồng Bình đã cải trang nó thành một hiệp sĩ với chiếc áo choàng khác kiểu khác màu, ngay cả cái bản mặt đen như lọ của nó ông cũng sửa cho thiên hạ dễ lầm hơn.
Thắng trận này, ông đã giúp Cả Ngọt phục thù cậu Ba Oai và đồng thời trả lại số bạc mà ông Cả chung cho ông Hội ở trường Xà No kỳ trước.
Từ đó hai bên trở thành đôi tri kỷ gà. Ân oán giang hồ đã trả xong. Nhưng ông Hội không bao giờ lộ bí mật về cái ngón nghề đỡ đòn Thanh Long đao năm xưa cho một ai khác ngoài những người thân tín. Và có lẽ ông sẽ không gặp cơ hội nào để tái dụng ngón nghề đó nữa. Riêng thằng Đặng hó ra “ông Đặng”, mà chỉ nhờ con gà nòi dị tướng Ô Mặt Lọ.
Đặng thấy đá gà sao dễ ăn , còn dễ hơn lấy đồ trong túi mình. Có khi vừa chớp mắt đã có bạc trăm, rẹt rẹt vài phát đã quơ bạc ngàn. Đặng không có máu cờ bạc trong người, nhưng thấy dễ ăn thì cũng chơi cầu âu. Sáu trăm ông Hội cho ở trận đấu nó đem về giao hết cho cậu Năm nó. Trận kế nó chỉ đá miệng và thắng, ông Hội cho nó sáu trăm. Trận sau nó đá luôn một ngàn hai trăm. Lại thắng. Rồi chơi luôn hai ngàn bốn trăm. Cũng gặp số may được bốn ngàn tám. Không những con Ô Mặt Lọ đụng độ nó mới đá, gà nào của ông Hội làm sổ nó cũng nhảy vô chơi hết nhà. Mà hễ nó đá thì ăn. Riết rồi ông Hội tin rằng chính Đặng là thần tài của ông, cho nên bất kỳ ôm con nào đi trường: Gà Te, Gà Đào, Gà Dơi v.v.. .. Ông đều kêu nó đi cho bằng được. Nó không làm gì ngoài sự hụ hợ cầm khăn, thủ gói cơm, chai nước, hộp miễn, kim chỉ để giúp Hai Trinh om gà.
Ơ Xẻo Gừa, con Ô Mặt Lọ thắng độ thứ hai, tiền độ gấp hai độ Ở Xà No, ông Hội cũng bê cho nó gấp đồi. Ông Hội càng tin nhờ nó mà cái sự nghiệp gà nòi của ông mới phất lên đến thế. Và ngược lại Đặng cũng cho rằng đi với ông Hội là hốt bạc thiên hạ còn dễ hơn hốt trứng vịt trong chuồng.
Bây giờ Đặng có tiền của và bề thế. Bọn thằng Tư Cồ, Ốc Bưu, bạn tiếu lâm của nó thời chăn trâu nay thấy cái địa vị của nó mà thèm. Nhưng mỗi người đều có cái số đã được ghi trong sổ Nam Tào ở trên trời sẵn từ hồi đới nào, ai có muốn cải cũng không được. Bây giờ thằng chăn trâu giữ vịt có muốn nghèo trở lại, Trời cũng không cho cơ mà.
Nó mua lại cái tiệm tạp hóa của ông dượng chệt của nó và cấy cô em vào đó, rồi mua đất vườn cất một ngồi nhà kê, mở rộng cơ ngơi cũ ra gấp đôi để cô chị làm chủ. Ngoài ra nó mua cho cậu Năm nó mười mẫu ruộng tốt, hai đôi trâu, giao luôn bầy vịt. Nó cũng không quên ơn ông anh vợ, cậu Sáu khùng, người đã không chê nó nghèo hèn lại còn giúp nó tiến thân buổi đầu: Cưới em gài cậu ta.
Bây giờ nó là chồng cô Tám lẫn cô Chín một cách đàng hoàng. Không ai đàm tiếu câu nào, trái lại người ta còn cho cô Chín, cô Tám là tốt phước. Đã là vợ thì vợ, không ai lớn không ai bé. Càng tốt hơn nữa là giữa cô Tám và cô Chín không có sự không lành cành không ngọt. Bởi lẽ cả hai đều nghĩ rằng ông Trời đật để như vậy là công bình, không cô nào suy bì vào đâu được.
Vụ cô Chín đã qua lâu rồi. Đám tiệc đưa cô Chín về ngôi nhà mới được bày ra ngay tại ngôi nhà ấy chớ không làm ở nhà ông Hương như hồi đám cưới cô Tám. Tuy nhiên không ai gọi nó “đám cưới” nhưng nếu ai cho r ằng đó là đám cưới cô Chín thì chắc cũng không sai.
Có điều khác là cô Chín về nhà chồng lúc cái bụng đã u lên kha khá đến nổi mặc áo dài trông không được mỹ thuật cho lắm. Nhưng không sao, “bộ lư” và “con công” che lấp hết.
Những vị khách trong xóm, những ông Hương chức đã ừng uống rượu cái đêm đưa dâu đèn tắt, bữa nay cũng được mời và đến đủ mặt. Rượu vẫn ngon và tiếng cười vẫn dòn cho tới khuya.
Riêng bà Hương thì rất hài lòng. Bà tự cho mình đã chuộc được cái lỗi tráo hôn của ông nhà, hơn thế nữa, bà đã đạt ý nguyện của bà là gã được con gái cho một người có bề thế và có tiền hơn cả gia đình bà.
Còn Năm Mẹo lại càng thỏa thích: Trả được thù xưa một cách oai hùng với sự bị động hoàn toàn của ông Hương.
Sau “đám cưới” chàng tể lại đi đá gà và lại ăn. Đặng đi luôn một tháng với ông Hội Đồng vài Hai Trinh mới trở về. Nó xách cặp da đỏ ngời, no phè coi bộ hơi nặng.
Nó không đi chân, xe hơi của ông Hội đưa nó đến tận nhà. Nó vào ném cái cặp trên giường lột nón quăng lên cái cặp và nói trỏng:
- Ông Hội nhát quá!
- Sao vậy anh!? – Chín vác cái bụng khệ nệ tới bên chồng hỏi.
- Nếu ổng nghe lời tôi thì độ này con Ô Mặt Lọ ăn trên 200 ngàn. Riêng tôi được 10 ngàn. Tại ổng hơi ngán chạn con gà kia.
Chín mở cặp coi tiền. Đặng cởi áo ra vẫn còn hậm hực:
- Tức quá! có 8 ngàn!
Vừa lúc đó thì bà Hương tới. Bà có thói quen hễ chiều chiều thì vô tiêm đón luồng. Vừa gặp thằng rể quí, bà đon đã:
- Con về trễ vậy? Cơm nước gì chưa? Má có đem con cá lóc vô đây nấu cháo cho con.
- Dạ, ảnh tắm rửa xong là đi tiệm nước chớ không ăn cơm nhà đâu má à!
- Tiệm nước cứ ba cái xào với hủ tiếu đó chớ ngon lành gì!
Đặng không muốn ở nhà khi mẹ vợ tới. Không những bà hỏi mé mượn tiền mà bà còn nói chuyện này chuyện nọ hơi trái cựa. Cho nên tắm xong Đặng lén vợ lẽn ngã sau đi tiệm nước.
Chờ một lúc lâu không thấy thằng rể quí ló mặt ra, bà Hương lên tiếng với con gái:
- Ba mày cờ bạc hồi nào tao không hay mà cầm hay 3 mẫu ruộng của ông nội để lại.
- Dạ thì ảnh dư tiền cho má chuộc rồi.
- Đó là ba mẫu phần ăn của bà ngoại cho má, còn đó là ba mẫu của ông nội cho ba.
- Ba cầm hết bao nhiêu hả má?
- Tao nghe đâu ba ủa bốn.. .. trăm gì đó.
- Ba còn nợ nần ai nữa không má?
- Ba mà dấu má nhưng lâu lâu chủ nợ tới đòi. Khi năm chục, lúc ba chục, có khi cả trăm. Đây không phải là tiền cờ bạc rượu chè đâu con. Đây là tiền ăn xài trong mấy năm làm Hương chức.
- Má hỏi ba coi còn thiếu ai. con đưa tiền cho ba trả luôn một lần. Nhà mà bị chủ nợ đoài hoài xui chết, làm ăn không khá được.
- Má ước chừng đến cả ngàn.
- Gì dữ vậy má?
- Ít nhứt cũng 7, 8 trăm. Ba mày định bán đôi trâu.
- Đôi trâu để cho anh Sáu làm ruộng chớ má.
- Ừ chắc cũng 4, 5 trăm.
- Thôi con đưa cho má hai trăm.
- Hai trăm trả sao đủ con.
- Đây là tiền con đút nhét riêng ảnh không biết.
- Đút ngã nào mà nó không biết?
- Mỗi lần ảnh đi về. con lục cặp lấy bớt vài tờ. Tiền cờ ảnh không có đếm như tiền má bán lúa, bán heo.
- Vậy sao con không rút khá khá?
- Rủi ảnh biết ảnh hết tin là ảnh không đem tiền về nhà.
- Tiền không đem về cho vợ thí đem đi đâu?
- Cho cậu Năm! – Chín kề tai nói nhỏ.
Bà Hương nhảy dựng lên, trợn trắng mắt hồi lâu, rồi như lai tỉnh, bà nói:
- Mày phải lo cái hậu vận mày đó. Tao bảo trước cho mà liệu hồn.
- Vợ chồng đầu gối tay ấp mà lo hậu vận gì má!
- Nó còn con Tám nữa chi!
- Chị Tám thì cũng như con!
- Đàn ông là cái giống bạc bẽo. Mày thấy ba mày đó không? Ổng tiêu xài bạc trăm với người ta chớ hề mua cho tao một miếng thịt. Mày như tao. Mày thấy nó ở với con Tám có con rồi nó ở với mầy không?
- Thì cũng tại ba má hứa gã con cho ảnh, nên ảnh có cớ ve vãn con chớ sao.
Bà Hương xĩa xói:
- Bây giờ mày mang bầu, nó lại kiếm đứa khác, Đàn ông là như chó đực vậy. Chó cái có chửa là nó kiếm con khác ngay.
- Thôi má ơi! ảnh thương con thiệt, ảnh không có làm như vậy đâu.
- Tao nói cho mày biết, ông Hội hăm gã cháu gái cho nó đấy.
- Hăm lâu rồi, nhưng ảnh đâu có chịu.
- Sao mày biết nó hổng chịu? Nó đi với ổng hằng ngày. Mới ban đầu nó hổng chịu, nhưng ổng nói hoài, vừa nói vừa hứa cho tiền cho ruộng, riết nó phải chịu. Nếu nó khổng chịu thì ổng gạt nó ra, rồi bắt luôn con gà, nó làm gì được ổng?
- Gà của ảnh đâu phải gà của ổng.
- Con ơi, nhớ lầy câu này, cướp đêm là cướp, cướp ngày là quan, nghe con! Mày không sớm lo hậu vận rồi hối không kịp.
- Ảnh bỏ con được, chớ ảnh bỏ con ảnh luôn sao má?
- Tao không biết! Tốt hơn hết là nên đem dù theo ngay trong lúc trời còn nắng con à!
Chín đâm giựt mình. Bà Hương hỏi tới:
- Bữa nay nó ăn bao nhiêu?
- Có tám ngàn hà má. Ảnh nói tại ông Hội nhát, nếu ông Hội gan một chút thì ảnh ăn mười ngàn.
Bà Hương giật nảy người lên
- Mười đồng hả?
- Dạ không ! Mười ngàn!
- Sao mày không rút bớt vài ngàn. Rủi nó bắt gặp thì mày nói mày lấy bỏ ống.
Chín chạy vô buồng. Bà Hương cũng rảo bước theo. Vô đến buồng Chín khựng lại:
- Ủa cái cặp đâu rồi?
- Cái cặp gì?
- Cặp đựng tiền, ảnh mới quăng đây mà!
- Bao nhiêu mày có đếm không?
- Con thấy nhiều lắm. Mà ảnh nói tám ngàn.
- Cả gia tài ba má chưa được tám ngàn nghe con. Vậy mà mày không chịu cất.. .. giùm.. .. nó.
Bà Hương tức muốn trào máu họng, nhưng cố dằn.
- Kỳ sau nó về mày giấu luôn cái cặp nghe không?