Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Buồng Cau Trổ Ngược

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 43153 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Buồng Cau Trổ Ngược
Xuân Vũ

Chương 18

Chiếc xe hơi chạy bon bon trên đường, nhắn hướng Mỹ Tho. Ông Hội Đồng va ông Giáo Năm đi tìm gà để mua. Mùa gà này ông Hội đã có đủ chiến tướng xuất trận. Ông chuẩn bị cho mùa tới. Ông có những lứa gà luôn luôn kế tiếp nhau. Ăn thua độ này ông đều chuẩn bị độ khác. Đi đần trường ông vừa đá vừa tìm gà để mua. Nếu có ai hỏi giữa chức vụ Hội Đồng và nghề đá gà ông thích cái nào hơn thì chắc ông trả lời không khó lắm. Rằng: Cái gì thì bỏ được chứ đá gà thì không. Ngày nào ông cũng phải xem gà, ôm gà và vẽ ra trong đầu những độ gà, những giả thuyết ăn thua để đối phó y như trên thực địa. Dân trong vùng đã tặng cho ông cái hỗn danh mất vui: ông Hội Đồng gà.
Ngồi trên xe lắc lư, ông Hội Đồng nghĩ về trường hợp con Ô Mặt Lọ. Ông đã được sư kê Hai Trình mách và được chính mắt xem vày xem cựa con Ô Mặt Lọ vài lần. Trước nhất là cái tướng của nó. Đúng là một anh Uất Trì Cung tái thế. Mặt mũi đen sì, lông lá như quạ. Còn vày thì ông xem tới xem lui cũng chẳng thấy cái nào nghề. Ông đã từng coi chưn coi cẳng hàng ngàn con gà, hễ ông nói tốt là tốt, nói nghề là nghề không mấy khi sao. Vùng này ông hội chỉ hơi nể mặt ông Giáo Năm. Ông Giáo là người chơi gà theo sách vở. Tuy sách vở không đúng cả, nhưng noi theo đó thì ít khi sai. Ngoài thầy giáo Năm ra còn ông Chín Tôn, thân phụ của sư kê Hai Trình. Ông Chín đã từng là sư kê nổi danh một thời nhưng ông đã bỏ chơi vì bị nột trận phản độ nặng nề.
Từ đó ông chuyên nghề nuôi gà không đi đá cũng không om nước gà cho ai cả. Ông Chín có thể nhìn con gà mà nói gốc gác tới đời cụ kỵ của nó. Thí dụ như Bà Rịa lai trống cựa Cao Lãnh hoặc mái Cao Lãnh lai trống Bà Điểm, dầu hai ba đời ông cũng nhận ra ngay. Còn với chức năng sư kê tại chiến trường thì khó ai hơn. Gà nhà bị khui vựa lúa, bị lem mắt, bị xệ cánh, bị rách lươn v.v. Ông có thề chữa chạy trong nhang nước để gà trở lại gần với tư thế bình thường. Còn như xem vảy để xác định quí kê, linh kê, thần kê thì phải nhờ cặp mắt và kiến thức của ông Giáo Năm. Ông Giáo đã coi tướng, xem vảy con Ô Mặt Lọ, nhưng chính ông Giáo cũng chưa xếp nó được vào hạng nào với dị tướng của nó.
- Cặp cán con Ô Mặt Lọ là vuông hay tròn vậy ông Giáo?
Ông Hội Đồng đột ngột hỏi.
- Dạ thứ ông Hội, theo Kinh Kê thì gà có ba loại cẳng. Tròn, vuông và nhỏ. Cẳng càng nhỏ càng tốt. Nhỏ sợi đánh rát hơn to sợi.
- Tôi thấy cặp cán của con Ô Mặt Lọ không to mà cũng không nhỏ, khó nói vuông mà cũng khó nói tròn. Tôi chưa thấy con gà nào có cặp cán khó coi như vậy. Tuy có điểm tôi nhận ra. Đó là nó có khúc giữa và vảy nó khô như vảy gà chết.
Ông Giáo gật gù tán thưởng:
- Dạ Ông Hội nói đúng. Cảng con Ô Mặt Lọ có eo khúc giữa vảy khô, rờ nhám xàm như vảy gà chết. Nó đá đòn rất đau. Đó là gà rất quí.
- Ông Giáo có thấy vảy nó đóng khít rim không?
- Dạ có chứ. Vảy nó đóng vừa khít vừa sát.
- Thằng Đặng nói với sư kê là con mẹ nó đẻ có một trứng. Mà trứng đó lại lọt và nở dưới hang rắn, như vậy có quan hệ gì không ông Giáo?
- Theo tôi thì cái sự nở dưới hang rắn hổ không quan hệ gì. Chỉ có gà đẻ một trứng là quan hệ thôi. Gà đẻ một trứng mà nở ra trống thì đó là quí kê. Nếu trong một trứng mà chui ra hai con đều là trống cả thì đó là thần kê. Nhưng tôi chưa hề thấy một trứng nở hai con bao giờ, chỉ nghe sách nói mà thôi.
- Tôi cũng chưa thấy chuyện đó.
Ông Giáo tiếp:
- Chuyện gà nòi có liên quan đến rắn hổ chỉ là chuyện nói chơi thôi ông Hội à. Tôi cũng có nghe nói mấy ông thầy thuốc rắn thường dùng nọc rắn để tẩm cựa gà, hoặc bỏ rắn hổ trong hủ rồi lót ổ gà trên miệng hủ để rắn đói phun nọc vào trứng gà. Gà nở sẽ mang trong mình nọc rắn. Nhưng làm như vậy thì trứng gà ung hết không nở được. Đó là một độc thủ, thần thánh không cho phép. Còn như tẩm nọc rấn vô cựa gà thì đó là trò chơi nguy hiểm vô cùng, không ai dám làm đâu. Thứ nhất là cựa đó có thể làm hại chủ kê, sư kê hoặc người nhà. Trong lúc săn sóc nó, rủi cựa nó quẹt mình trầy da chảy máu thì có phải mình chết trước không? Hại người chưa thấy đâu, lại tự hại mình. Kế đó cựa đâm gà đối thủ chết đã đành, nhưng còn tai hại nữa sư kê bên kia kê miệng vào hút máu vết thương mà rủi môi ông ta bị trầy thì ông sẽ chết vì nọc rắn! Có nhiều ông sư kê say mê săn sóc gà mình rồi quên nhổ máu ra, lại nuốt vào bụng, thì tránh sao khỏi mạng vong. Do đó vụ rắn hổ phà cho gà là không có đâu ông Hội à!
Ông hội gật gù:
- Tôi đá cũng nhiều trường nhưng chưa thấy ở đâu xảy ra chuyện đó.
- Ở tù như chơi! Ngoài ra trước khi thả gà, chủ trường đều lau cựa cả đôi bên để bảo đảm cả hai đều không gia lận.
Ông Hội trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Đá gà là một trò chơi thượng võ. Tuy có thủ đoạn. mưu mẹo nhưng không bỏ mất lương tâm.
Ông Giáo tiếp::
- Nhiều chủ kê gian lận dùng xạ chồn thoa vào nách gà mình. Khi con gà đối phương lủi đầu vô để đÿ vĩa đụng nhằm mùi xạ là rút đầu ra chạy trối chết. Bắt đem nhữ lại cũng không đá nữa.
- Tôi thấy có một vụ hồ nẩm, lâu rồi. Bên phe chơi lận bị đánh nhừ tử. Con gà bị xé làm đôi. Tội nghiệp, nó chết oan là tại chủ nó.
Ông Giáo:
- Để đề phòng vụ đó, các chủ trường cẩn thận trước khi thả gà đều lau cựa để đề phòng nọc rắn, ngoài ra còn bắt chủ kê phải phun rượu khắp trong ngoài con gà và lấy khăn lau một lượt.
Nhiều ông chủ trường kỹ lưỡng hơn còn kê mũi ngửi để bảo đảm không có xạ chồn. – Ông Hội tiếp lời ông Giáo và trở lại con Ô Mặt Lọ – Vứa rồi cậu thằng Đặng có nói với Hai Trình rằng con Ô Mặt Lọ đá chết một con gà Tàu lối xóm và một con gà tơ nhà. Gà nói đá chết gà Tàu hoặc gà trong sân nhà cũng thường xảy ra ông Hội à!
- Khộ.ông! Năm Mẹo nói nó nắm đầu đá mỗi con một phát chết tốt. Và cả hai đều bị chém đúng sau cạnh mồng chớ không chỗ nào khác.
- Dạ, nếu vậy để mình xổ thử xem sao ông Hội!
- Ờ, xổ để coi nó đi trên hay đi dưới và coi nó có miếng sở trường gì. Chớ con Ô Mặt Lọ này khó định tướng dữ a!
Ông Giáo tiếp:
- Gà nghề mà “tinh anh phát tiết ra ngoài” thì khó ăn thiên hạ lằm ông Hội à! Lấy thí dụ như gà có cựa Nhật Nguyệt hoặc cặp chân Nhật Nguyệt đem ra trường khó cáp lắm.
Bỗng ông hội vỗ vế kêu:
- Xin lỗi, xin lỗi ông Giáo, cho tôi nói ngay để tôi quên.
Thằng Đặng có nói rằng con Ô Mặt Lọ gáy cái họng sáng trưng. Đó là gà ngậm ngọc quý lắm phải không ông Giáo?
- Dạ phải! Đó thuộc loại gà quý, không biết gà ngậm ngọc và gà Nhật Nguyệt thì con nào quý hơn con nào, chỉ biết gà Nhật Nguyệt khó cáp độ vì người ta thấy cựa nó hoặc chân nó một cái đen một cái trắng khó cáp độ thì người ta chạy mặt trời rồi, có đâu mà đá. Nhược bằng họ đá thì họ hơn mình, vì nếu họ chắc họ có vảy cao hơn mình thì họ mới đá.
- Ông Giáo nói chí phải. Có nhiều con gà mình coi không tới, đá ầu thua bán nhà.
- Dạ Kinh Kê có dạy:
Dị hình vảy đóng cũng tài
Thấy nó dị diện nào ai biết gì.
- Con Ô Mặt Lọ này thuộc loại dị hình dị tướng, thưa ông Hội.
- Tôi có xem kỹ mấy ngón chân của nó. Ngón giữa không có vảy yến. Nếu có vảy nhỏ ở giữa hai vảy lớn trên ngón giữa thì đó là linh kê.
- Dạ, tôi cũng coi kỹ ở dưới đầu gối của nó không có vảy án thiên, còn ở các ngón chân thì không có vảy phủ địa. Nếu được vảy án thiên phủ địa thì quý vô cùng!
- Hay là nó thuộc loại gà lưỡi rùa thần kê hổng biết chừng đó thầy giáo!
- Dạ tôi không có vạch họng nó để xem lưỡi. Để kỳ tới tôi xem thử coi. Nếu cái lưỡi nó ngắn và thụt vô trong thì đó là linh kê. Hễ đá là ăn chắc.
- Có thật vậy à, ông Giáo?
- Đó là Kinh Kê dạy vậy thôi chứ tôi chưa thấy.
- Nếu con Ô Mặt Lọ là linh kê thì hằng Đặng quả có phước tướng. Đứa con gái nào lấy nó thiệt là may mắn vô cùng.
Thầy Năm nhớ lại cái đám cưới khi rước dâu đèn tắt bất ngờ và kể cho ông Hội nghe, rồi kết luận:
- Xưa nay những cuộc hôn nhân kỳ lạ cũng thường xảy ra luôn. Con tỉ tất Kim Liên được làm Hoàng Hậu, Phàn Lệ Huê sát phụ tru huynh để lấy Tiết Đinh San, Thần Nữ bắt trói Tiết Ứng Luông ép làm chồng, nhưng tất cả đều tốt đẹp về sau. Không rõ ông Hương có ý tráo hôn hay là trời khiến như vậy?
Ông Hội hỏi:
- Theo ông Giáo thì sao?
- Tôi nghe đám trẻ còn nói thằng Đặng hỏi con em. Nhưng ông Hương lại tấn con chị cho nó. Vì con chị mặt rỗ, nên ông sợ ế chồng. Rốt cuộc là thằng Đặng quơ hụt con em lại chụp nhằm con chị.
- Rồi sao?
- Rồi bây giờ hai đứa vẫn ăn ở như thường. Hai đứa nó như bến và thuyền không hẹn mà gặp vậy thôi.
- Con em có làm mủ làm nhọt gì không?
- Đâu dám. Ông Hương bảo trời hay trời đấy hay đất.
- Có nhiều người làm nên sự nghiệp nhờ vợ vì tuổi hợp nhau.
Biết đâu nhờ cuộc tráo hôn mà nó lại trở thành giàu có sau này.
Mà bây giờ thấy màng màng rồi đó. Nếu con Ô Mặt Lọ này là linh kê thì nó hốt tiền bỏ đâu cho hết.
Thầy Năm nói:
- Nếu thuộc loại gà lưỡi rùa thì chắc chủ nó làm giàu, nhưng ngặt nó không có vốn.
- Không sao mình bắt con gà đi đá. Hễ ăn thì chia tiền độ cho nó.
Thấy Năm hăng hái nói tiếp:
- Theo Kinh Kê thì con gà lưỡi rùa là linh kê. Ủa không, đó là thần kê chứ không phải chỉ linh kê vì khi đem nó ra cáp độ, hễ con nào nó sẽ hạ thì nó kêu "túc túc" và nghểnh cổ oai phong, còn khi nào nó kêu “tọt tọt” như gà rót thì chủ kê đừng đá, đá sẽ thua.
- Ủa sao tôi đọc nát Kinh Kê mà không thấy loại gà đó.
- Dạ, trong Kinh Kê không có ghi loại gà đó ông Hội à! Đó là tôi đọc trên báo. Tôi còn cất tờ báo để dành lại mươi năm rồi. Nhưng từ đó tới nay tôi không gặp loại gà lưỡi rùa này lần nào.
Ông Hội lấy làm thích thú hưởng ứng.
- Hồi thuở tôi còn đi học trường quận, tôi cũng có nghe ông già tôi nói về một loại gà linh như vậy ngay ở tại vùng mình. Ông già tôi không đá gà nhưng thích xem và nhớ những chuyện lạ, ông kể rằng có một người nông dân làm chủ một con gà ma. Không hiểu ma này là ma quỉ hay là tiếng Mare trong Mare aux diables hay là “Ô- ma” của trại lính tập. Chỉ biết con gà linh lắm. Ra trường cáp với gà khác thì nó cũng làm y như con gà lưỡi rùa ông Giáo vừa nói vậy. Hễ khi nào nó kêu “ót ót” thì chủ khôn hồn đừng đá, còn hễ nó cất tiếng gáy hoặc đứng yên cho chủ so chân so cựa thì bao nhiêu tiền bán vợ đợ con cũng cứ tuôn ra hết, vì chắc chắn sẽ ăn to. Con gà ma hễ đá thì ăn. Riết rồi ai cũng chạy mặt thành ra chủ nó không đem ra trường nữa, mà giữ ở nhà để đổ mái.
- Nó có đòn độc không ông Hội?
- Tôi nghe ông già nói thì vô nước nạp nó không đá chỉ đứng trân thôi miên. Con gà kia bị thôi miên đứng chết trân như mất hồn, đứng lớ ngớ bị nó cắn đá một cái là chết tốt. Chủ kê có mang nó đi xuống Cần Thơ, lên Long Xuyên để tránh mặt nhưng không hiểu sao ở các trường đó hàng xáo cũng biết nên đều chạy mặt. Chủ kê thấy con gà không còn đá chọi gì được nữa nên cũng lơ là không giữ kỹ như trước kia. Bỗng một hôm bị ăn trộm bắt mất. Kẻ trộm chẳng ai khác hơn là một trong những người bị thua sạt nghiệp vì con gà ma chắc. Ông ta oán hận nên bắt cho bỏ ghét.
- Rồi người chủ có tìm lại được không ông Hội?
- Ông ta tìm được và thưa lên tới quận. Chủ gà đòi kẻ trộm phải bị phạt tù, nhưng quan quận chỉ bắt bồi thường một trăm đồng bạc. Hồi đó một đồng bằng một trăm bây giờ. Trong lúc chờ đợi phán xét, con gà bị giam trong phòng. Vì chủ gà không biết điệu nên không cho lính gác tiền trà nước. Do đó con gà linh chết đói. Thiệt uổng vô cùng. Giống gà ma mất luôn tới giờ không thấy nữa.
Ông giáo cười mỉa:
- Thành thử ra danh tướng lại chết lãng xẹt.
Hai ông thầy gà bàn về Kê nghiệp rất tương đắc. Ông Giáo tiếp:
- Còn một loại linh kê nữa, sách có nói nhưng tôi chưa từng gặp. Đó là gà cá sấu. Loại gà này trong miệng không có lưỡi, cũng như miệng ca sấu vậy.. Đặc biệt miệng nó rất hôi thúi, chỉ có sư kê mới biết được. Đối thủ không phương nào tìm ra. Loại gà này thương ăn những độ bất ngớ, tức là trong khi hàng xáo bên kia tưởng sắp lượm tiền thì nó mới đứt độ.
Chuyện còn đang say sưa nhưng xe đã tới Bên Bắc Rạch Miểu. Tài xế đổ xe lại. Hai ông thầy gà bước xuống đi sánh đôi xuống bến đứng chờ chuyến.
Ông Hội hỏi:
- Thầy Năm đã đá trường nào ở Mỹ Tho này chưa?
- Dạ chưa.
- Ở đây có trường Sầm Giang của ông Chủ Tước lớn lắm.
Cách tỉnh lỵ chừng chục cây số. Nay mai tôi và thầy Giáo xuống đó chơi.
Chiếc Bắc sang chở khách. Qua bên kia bờ sông xe chạy bon bon.. Ông Hội nói tiếp:
- Mục đích chuyến đi này là tôi xuống gặp ông Thôn Mười ở Mỏ Cày.
- Ở Bến tre thì chỉ có tiếng ông Hội Đồng Hoài là tay chơi gà cự phách chớ tôi đâu có nghe tiếng ông Thôn Mười, ông Hội.
- Đúng rồi thầy Năm! Theo chỗ tôi biết thì ở Rạch Giá có ông Hội Đồng Lộc, Mỹ Tho có ông Chủ Tước, Bến Tre có ông Hội Đồng Hoài, Bạc liêu có ông Hội Đồng Diều, Cần Thơ có ông Lê Thọ Tường, Gò Công có ông Phủ khiêm và ông Huyện Đậu. Đó là những thầy gà trứ danh nhưng thầy Năm nên nhớ rằng tiệm cao lâu không phải là những nơi độc nhất có món ăn ngon, hoa hậu không phải là người đẹp nhứt. Nghề gà cũng vậy, gà quý không chỉ có ở những tay chơi gà nổi tiếng. Linh Kê, Qúy Kê nằm ở ngoài dân giả không sành nghề như thằng Đặng vậy. Do đó tôi mới mua được mấy con đặc biệt nuôi ở nhà đó. Thôn Mười không nổi tiếng bằng Hội Đồng Hoài nhưng tôi nghe thằng con tôi nói ông ta có nhiều gà nghề. Sở dĩ tôi biết là vì thằng con tôi học chung trường với thằng con ổng ở Mỹ Tho này. Nó khoe với con tôi rằng ông già nó cũng nuôi gà nói. Hơn nữa, trong bầy gà có nhiều con lạ lắm.
- Lạ làm sao thưa ông hỏi?
- Không biết lạ làm sao, nhưng thằng nhỏ nó bảo ông già nó hễ đi đá là ăn. Đá không lớn như ở trường Xà No, Sầm Giang, nhưng ngày nào trong vùng cũng có đá. Ông Giáo còn lạ gì Tiết Nhơn Qúi xuất thân là một thường dân sống bằng nghề làm mướn. Tướng giỏi thường thấy trong ba quân. Gà nòi cũng vậy, mình phải chịu khó lội đi tìm.
Xe phải qua Bắc Hàm Lương, chạy một hơn nữa mới tới chợ Cầu Mống. Ông Hội xuống xe hỏi thăm đường rồi trở lại bào:
- Thôn Mười ở ngoài ấp Cổ Cò. Đường đất xe không chạy được. Mình phải gởi xe ở nhà Hội Đồng Nhơn.
- Hội Đồng Nhơn nào vậy ông Hội, ông ta có chơi gà không?
- Đó là một nhà đại phú ở vùng này, không chơi gà nhưng lão với tôi cùng cỡ, để tôi tới làm quen.
Rồi ông Hội bảo tài xế lái xe theo sự chỉ dẫn của một người dân địa phương. Cách tỉnh lộ chừng một cây số, có một cơ ngơi đồ sộ gồm nhà ngang dãy dọc, dưới sông thì ghe chài, trên bờ là lẫm lúa. Đó là nhà Hội Đồng Nhơn.
Xe đổ lại trước cổng sắt cao. Ông Hội bảo:
- Cái cổng này đặt mua bên Tây chớ bên này không có.
Ông Hội thò tay vào bên trong cầm cái chuông treo trên song sắt lắc một hồi.
Tức thì có người đầy tớ già lọm khọm chạy ra. Ông Hội Đồng móc túi lấy danh thiếp lòn vào. Không lâu, một ông già đội nón xi- cút bóp ba múi, áo pyjama lục màu mỡ gà, chân đi guốc vông chẫm rãi bước ra.
Ông Hội Đồng chấp tay, cúi đầu:
- Có phải là đại huynh Đoàn Hưng Nhơn thì cho tiểu đệ xin lỗi vì làm phiền tôn huynh một chút.
- Dạ tôi là Nhơn đây. Hiền Hữu ở tại Cao Lãnh xuống đây có việc chi? Xin mời vào trong đàm đạo.
Người đầy tớ mở cửa nhõ bên trái, nhưng ông Hội Đồng Nhơn bảo mở cổng chính và vẩy tay mời ông Hội Đồng Bình vào trong lúc tài xế lái xe qua ngõ.
Thầy Giáo Năm xuống xe chào hỏi, Hội Đồng Bình giới thiệu bạn đồng hành với Hội Đồng Nhơn, rồi cả ba vào trong nhà. Hội Đồng Bình nói ngay:
- Tôi đến đây để tìm ông Thôn Mười có chút việc.
Một mâm trà được đem ra đãi khách. Ông Hội Đồng nhơn vừa rót trà vừa cười mòm mém:
Tưởng ai chớ Thôn Mười là chỗ quen biết. Anh ruột của chú ấy làm Hương Cả làng Hương Mỹ này, còn chú ấy thì vừa nghỉ chức Xã Trưởng. Tưởng ai chớ Thôn Mười để tôi cho người đi mời vào đây chơi một thể.
- Dạ, kẻ hèn này không dám làm phiền tôn huynh. Xin phép dùng tách trà, xin tôn huynh cho tôi gởi xe lại đây để tôi lội bộ ra tận nhà ông Thôn mới được.
Ông Hội Đồng vuốt mớ tóc bạc trắng rồi cười hiền hậu:
- Thôi tôi tôi biết rồi! Dám hỏi quí khách có phải ra đó để diên kiến chủ kê không? Nếu vậy thực tình tôi không dám cản. Và để tôi gọi bầy trẻ chèo ghe hầu của tôi đưa nhị vị ra đó. Đường rạch cũng tiện lợi lắm..
Ông hội Đồng Bình bị nói trúng tim đen thì thú thật. Ông Hội Đồng Nhơn bèn tiếp:
- Chỉ có gà nòi mới đưa nhị vị từ Cao Lãnh xuống tới nơi khỉ ho cò gáy này thôi. Thôn Mười là con trai út của vị Phó Tổng hạt này. Ông Phó Tổng muốn cho con trai ra tranh chức Cai Tổng nên đưa vô làm Xã Trưởng. Phải đúng ba mươi năm mới có đủ điều kiện tranh cử. Nhưng mới có một năm, chú ấy đã xin thôi vì ba con gà con vịt. Có lần đi đăng thuế trên quận, chú ta ghé trường gà thua sạch. Ông Phó Tổng phải bán đất bù vào, rồi cũng không rầy rà gì nhưng cậu Thôn ta mang chứng bệnh ghiền gà nòi nên nghỉ luôn chức Xả Trường. Tôi muốn thằng con lớn tôi thay thế nhưng nó cũng không ham. Thành thử ghế Xã Trưởng còn bỏ trống.
Ông Hội Đồng nhơn nhấp trà và tiếp:
- Ở vùng này thì “Nhất Hoài nhì Ngưng”. Ngưng là tên khai sanh của Thôn Mười. Nhưng nghe đâu chú Thôn đã nghỉ chơi.
Hội Đồng Bình giật nẩy người:
- Vậy trại gà của ông ta dẹp à, tôn huynh?
- Tôi không rành, chỉ đoán là vì bà Phó vừa mãn phần nên ông Phó không cho con trai du hí, xin lỗi, cờ bạc nữa. Nhà đang có đại tang, con cái đâu được vui chơi!
Ông hội Đồng Nhơn đứng dậy:
- Trời còn sớm, nhị vị ra đó rồi trở về đây. Tôi xin mời dùng cơm chiều.
Nói xong ông Hội Đồng Nhơn dắt hai vị khách xuống bến để đi ghe hầu ra nhà Thôn Mười.

<< Chương 17 | Chương 19 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 789

Return to top