Nhân cách đói
Trọng Huân
Tôi và vợ chồng hắn ngồi trước bàn, thức ăn bày la liệt: cá hấp, vịt quay, bò nhúng dấm... Việt là chủ nhà, hắn mời tôi bữa cơm hôm nay. Nhìn vợ chồng hắn như hai bức tranh đối nghịch: anh chồng phốp pháp, hả hê, cô vợ gầy nhẳng, rầu rầu. Có lẽ vì muộn con hay quanh quẩn trong căn nhà ba tầng, năm buồng, ngày phục dịch chồng mấy bữa ăn nên cô ta như vậy chăng?
- Hừm... Chúng ta uống noại gì nhỉ?
Việt nhìn tôi, hỏi. Giọng hắn vẫn đặc sệt cái chất miền quê lúa. Nói rồi hắn ngước lên ngăn rượu ở chiếc tủ gương kính ngoại choáng lộn ở phòng ăn. Cũng như ở phòng khách, nó đập vào mắt tôi dãy rượu Tây, mỗi thứ một chai, tất cả gần như nguyên mác, chưa mở. Lại vẫn tiếng Việt:
- Bia nà tôi kiếu. Cai từ nâu rồi. Uống giống đó nặng bụng nắm! Ông biết không, giờ tôi bảy năm ký, vòng bụng ngót trăm. Ông ạ, trong các noại rượu Tây, tôi khoái nhất anh giôn đỏ, năm-bơ-oằn, năm-bơ-oằn đấy!
Việt lạ gì hãng tôi, cái anh kỹ sư chuyên ngành “hoạn lợn”, công tác tại tỉnh lẻ, biết gì mà thích với chả không thích loại rượu Tây nào! Cái chai rượu dở, còn độ một phần ba mà Việt gọi là “anh giôn đỏ”, thứ hắn ưa thích, được mang ra. Hắn cố ý hướng hàng chữ Tây trên mác chai rượu về phía tôi- Johnnier walker. Tôi biết kiểu thong thả mở, thong thả rót kia, Việt đang biểu diễn với tôi sự sành điệu, quen dùng rượu Tây của hắn. Việt nhẹ nhàng nghiêng chai, dòng dung dịch vàng sẫm trôi xuống chiếc ly pha lê trong suốt, nhỏ nhắn. Nó xuống không nhanh, không chậm, đủ đến mực ngấn chiếc ly như quy phạm rót rượu, dùng rượu, mời rượu thết khách thì dừng.
- Nào, ô kê! (hắn mời).
Giờ Việt lại sính dùng tiếng Anh, cái môn hồi ở trường, mỗi kỳ thi, hắn chạy ngược chạy xuôi mới kiếm được con bốn, thoát khỏi điểm liệt.
- Chúc gì nhỉ? Hà... hà... Chúc cuộc hội ngộ sau then ia ra trường...
Ngửa cổ, hắn tớp gọn ly rượu, rồi nhìn về phía tôi khà khà. Tôi đã định chỉ nhấp môi cho phải phép, thì thấy Việt lắc đầu.
- Phải dzô trăm phần trăm. Kiểu uống nó phải dzậy! Hà... hà...
Tôi đành gượng dốc ly. Nào phải rượu Tây không ngon hay tôi dân tửu lượng xoàng, nhưng sao tôi thấy nó đắng ngắt. Nhìn cái nhăn mặt của tôi, tôi biết, Việt đang hả hê sướng. Chắc hắn nghĩ, một kẻ quê mùa, từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ, mới được nếm mùi anh rượu Tây. Việt rót tiếp rượu vào ly của tôi, rồi cười khùng khục. Nghe tiếng cười đó tôi thấy hắn vẫn nguyên là cái thằng Việt ngày nào, kẻ cả, huyếnh...
- Ông ạ! Khôn thì sống, đời nó dzậy. Phải xanh đỏ, đỏ xanh đổi màu như con kỳ nhông...
à, hắn vẫn cái giọng lên lớp xưa, chỉ hơi khác lớp lang đã đổi màu. Trước đây chính hắn từng nói, từng lên lớp về lẽ sống, sự cống hiến, lý tưởng, phấn đấu... Người như hắn mà hồi đó nói những điều ấy thấy chướng quá. Việt và tôi học cùng lớp, khoá học vào đầu những năm 80. Sau chiến tranh, trong khó khăn chung của đất nước, thì lương thực là thứ khan hiếm, thiếu thốn nhất. Đến mức, thời kỳ đó có năm Nhà nước phải cho sinh viên về ăn Tết sớm, hay nghỉ hè kéo dài. Trường tôi may mắn hơn các trường khác nhờ có ruộng thí nghiệm và trại sản xuất nông nghiệp. Bữa ăn của sinh viên thường thêm xoong canh bí đỏ, bí xanh đại tướng. Nhớ lại: Bếp ăn hai nghìn sinh viên, chỉ mấy cái bể xây, bốn mùa thiếu nước, rau rửa làm sao sạch, nên chuyện chúng tôi vừa ăn, vừa ‘làm cỏ” rau là thường. Lắm lúc đang ăn, ai đó gẩy ra con sâu xanh nhởn, dài thượt, mọi người vẫn thản nhiên: “Chà, cũng là một dạng prôtit(!)”. Lắm đứa nghịch, tãi dài con sâu trên đống rau hay gắp bỏ vào bát một anh chàng mắt mũi còn mải hếch con cúc cu nào đó. Dù thêm xoong rau đại tướng, chúng tôi vẫn đói. Đói lắm. Toàn những đứa đang sức ăn, tiêu chuẩn ba lạng một bữa (tháng mười bảy cân lương thực), khi độn mì sợi, lúc ngô, lúc bột mì, lại bớt đầu bớt đuôi, từ ông quản lý ăn trên sổ sách, đến bà cấp dưỡng giấu diếm xúc gạo đổ túi giắt cạp quần, hay vào cặp lồng, không thì ra sức tống cơm, tống cháy xuống chảo nước gạo cho lợn, thử hỏi đến miệng sinh viên còn được là bao? Cái đói hành hạ chúng tôi, cả lúc chơi, lúc ngủ và cả trên giảng đường. Đói là thứ có thể kiểm định nhân cách con người, nó cũng biến không ít kẻ nhân cách thấp bé đi một tí. Trong số kẻ nhân cách thấp bé đi một tí ấy có Việt. Giữa những người đói và suất ăn ít ỏi, giành giật lấy nhiều là ý thức của Việt. Hắn có thủ thuật ăn hẳn hoi. Bộ dụng cụ ăn Việt chuẩn bị rất chu đáo: cái thìa Liên Xô dày, chiếc bát sắt B52 bự. Hãy quan sát khi Việt vào cuộc ăn. Đầu bữa, hắn thoăn thoắt xúc, nhưng chỉ xúc đến lửng bát, rồi chan canh luôn. Bát cơm như vậy hắn và sồ mấy nhát đi veo. Xong bước một, hắn khoan thai hạ chiếc bát không xuống mặt bàn, từ tốn múc từng muôi cơm, mỗi lần xới, hắn không quên lèn một cái, cho đến khi bát cơm đầy tú hụ, hắn mới dừng. Cái bát B52 đã đầy lại nén, gần hết góc xoong cơm. Thế là khối đứa trong mâm không được bận xới thứ hai, đói. Mọi người đặt cho hắn biệt danh: thằng Máy Xúc. ở nhà bếp, hễ thấy Máy Xúc, mọi người trong lớp đều lảng, song cách lảng cũng phải ý tứ, bởi Việt không phải là kẻ thường, hắn là lớp trưởng. Năm thứ nhất, thứ hai, giữa một lũ học sinh phổ thông lau nhau, Việt vốn đã thoát ly, trải đời, có chút quyền hành là hắn tác oai tác quái. Hắn thiếu gì cách trừng phạt lũ chúng tôi, sáng dậy tập thể dục muộn, thứ hai điểm danh vắng, hắn lại thường xuyên trao đổi, gặp gỡ các thầy cô... Đấy còn chưa kể, có muốn phấn đấu không? Hết năm thứ hai, hắn gây cho lớp tôi không ít điều đáng buồn: ba người khoác ba lô về quê, hai đứa xuống khoá dưới và còn khá nhiều chuyện khác. Rồi cũng đến lúc quyền lực của hắn bị lung lay, ngay đầu năm thứ ba, cả lớp đứng lên đấu tranh, hắn bị bãi chức lớp trưởng.
Mất chức, Việt ngang con chó cụp tai, hắn sống như cái bóng. Song bản chất hắn thì làm sao thay đổi được, chỉ có điều nó thể hiện ở dạng khác. Thời kỳ này, chế độ quản của trường cởi mở hơn, sinh viên có thể nấu ăn riêng. Là cán bộ đi học, Việt có lương, hắn sắm chiếc hòm rất to. Hắn dùng để làm gì? Đó là cái nhà bếp của Việt. Trong hòm Việt đựng chiếc bếp dầu, hộp gạo, lọ muối, bộ ấm trà và vại dưa. Mới đầu Việt chưa cho vại dưa, lọ muối vào hòm. Việt muối dưa cà, không hiểu sao hắn thấy mãi nó không chua. Lần thì dưa cà thâm xì và quắt lại; bận thì trắng nhởn, mùi khang kháng. Sau Việt đoán ra, có kẻ chơi khăm hắn. Mấy đứa trong phòng tôi nghịch, nhân lúc Việt đi vắng, họ thả đẫy muối hoặc gạn nước ra, đổ nước lã vào. Kiểu ấy dưa sao chả khú! Anh chàng đối phó bằng cách nào? Chẳng nhẽ suốt ngày ở phòng gác vại dưa. Từ ấy Việt cho tất cả vào hòm khoá lại. Bị anh em tẩy chay, Việt không lấy thế làm buồn, hắn có những trò tiêu khiển của mình. Từ khi nấu ăn riêng, Việt đóng cuốn sổ con bé tí, bìa xanh. Đó là sổ ghi chép chi phí từng bữa ăn. Có đứa trong phòng xem trộm được cuốn sổ, ngoài phần ghi khoản dưa cà mắm muối, còn xen những câu triết lý đối nhân xử thế ở đời. Đến lạ(!)
Tính toán ghi chép là thú đam mê hàng ngày của Việt. Cứ vào quãng sáu giờ chiều, cơm canh chín, hắn dọn ra góc phòng, vừa nhẩn nha ăn, vừa lầm rầm tính toán. Có lúc quên, hắn nhẩm to tới mức, chúng tôi biết bữa đó Việt chi cho nửa mớ rau là bao nhiêu, mì chính hết chừng nào, bữa ăn mấy hào và tổng số tiền ăn ngày hôm đó. Trong khi Việt tính toán, Việt ăn, thì chúng tôi vẫn đói. Mà mỗi ngày hắn nấu ăn nhiều bận lắm: trưa, chiều, cộng thêm hai bữa sáng sớm và đêm khuya. Hắn cứ phi hành, phi tỏi, xào rau, bác trứng. Sao thứ gì hắn nấu cũng thơm! Có lần đã khuya rồi, trong phòng chúng tôi đang tranh luận hăng hái, hình như về tình hình chính trị ở Ba Lan năm 1981-1982, cuộc tranh luận bỗng dung uể oải, không phải mọi người buồn ngủ, mà mùi cháo hành của Việt bốc lên thơm quá! Lúc đó tôi kéo chăn trùm kín mặt, tự nhiên nước bọt trong miệng mình ứa ra. Tôi biết dưới sàn nhà, trong ánh sáng lửa xanh rập rờn của chiếc bếp dầu, Việt mỉm cười khoái trá. Hắn đang hành hạ lũ đói.
Chuyện xảy ra đã hơn mười năm. Sau khi ra trường, chúng tôi mỗi người một ngả, đứa thì vào Nam công tác, đứa đến một nông trường chăn nuôi Tây Nguyên, đứa xin việc ngay Hà Nội. Tuy hiếm khi gặp mặt nhưng chúng tôi vẫn thư từ liên hệ, biết các thông tin về nhau. Riêng Việt, hắn lặn mất tăm. Song, cuộc đời đến oái oăm, tôi bất ngờ gặp lại Việt, hoàn cảnh gặp, trớ trêu thay. Ra trường, ngành tôi công tác có quan hệ chặt chẽ với cơ quan trung ương. Khi mới về, công việc của tôi ít phải tiếp xúc, gần đây tôi được đề bạt phụ trách phòng kế hoạch. Đây là chuyến công tác đầu tiên tôi lên cơ quan trung ương ngành mình. Thật bất ngờ, người tôi phải gặp, nhờ vả lại là Việt. Đó là lý do tôi nhận lời mời bữa ăn bất đắc dĩ hôm nay. Giàu có giờ Việt hào phóng chăng? Hay là hắn ân hận lối sống xưa... ? Chỉ biết rằng, bản dự trù kế hoạch của cơ quan tôi qua được, hắn bỏ túi vài chục triệu...
Suốt bữa ăn vợ Việt ít nói, có thể cô ta ý tứ để chồng tâm sự cùng bạn. Bữa cơm rồi cũng đến đoạn kết. Ăn uống xong Việt đứng dậy, mời tôi sang phòng khách. Lúc đó tôi đang dở câu chuyện với vợ anh ta nên còn ngồi lại, Việt sang phòng khách trước. Nghe tiếng bước chân chồng xa rồi, vợ Việt nhìn tôi, giọng nhỏ đi :
- Anh... anh là bạn học đầu tiên của chồng em tới chơi nhà. Em biết... đến em... cũng chẳng sung sướng gì. Mẹ đẻ anh ấy, cụ còn không chịu nổi. Cụ bỏ về quê sống...
Thảo nào, ngay phút gặp đầu tiên tôi đã nhận thấy vẻ buồn rầu, nhẫn nhục ở người phụ nữ ấy. Quả thật tôi không thể ngồi nói chuyện lâu và không biết nói gì. Dù sao đây mới là lần gặp đầu, lại là chuyện riêng tư của gia đình họ. Khi bước vào phòng khách, hình như Việt chưa biết tôi vào, hắn vẫn ngả lưng trên chiếc ghế bành da. Trên mặt bàn hai phin cà phê từng giọt đen sánh nhỏ tí tách. Khói thuốc lan toả, lượn quanh mái tóc uốn bồng bềnh của Việt. Từ giàn compact phát ra bài hát giai điệu nhảy tênh tếch: “Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không...” Bất chợt tôi thấy trên tay Việt cuốn sổ nhỏ màu xanh và hình như nghe thấy cả tiếng Việt lầm rầm. Không rõ hắn đọc những câu triết lý về đối nhân xử thế ? d?i hay nhẩm tính số tiền chi tiêu sau mỗi bữa ăn- cái thú ngấm vào máu, vào xương của hắn. Ôi, một nhân cách đói(!)
1997