Xưa nay cắt tóc theo thói quen, đôi ba tháng một lần. Ngồi đâu cũng thế, gốc cây, bờ tường và anh phó cạo, phó húi nào đè đầu tôi ra cũng được.
Lâu nay, cắt tóc cho tôi là một cậu trạc tuổi cháu tôi. Cái hộp thiếc đựng đồ nghề và cả sách vở. Làm việc chỗ gốc me, đóng sẵn cái đinh treo miếng gương. Trò chuyện, nghe lý lịch trích ngang cậu ta tự kể: Quê Thanh Hoá. Cả nhà bảy anh em và bố mẹ anh em đều ra ở Hà Nội. Mỗi người một nghề (không nói nghề gì). Cậu là con lớn nhất. Học năm thứ ba Đại học Giao Thông. Kết luận: “Nhà cháu nghèo lắm. Cháu lo lấy ăn học, lại phải giúp nhà đôi chút”.
Tôi nói:
- Dạo nọ chẳng thấy còn cái chợ cóc ở đây.
- Vẫn đấy, ông ạ. Chỉ có trời mưa mới đuổi được thôi. Còn các ông ấy có đuổi thì cũng là đóng kịch trên sân khấu thôi ạ.
Tôi chẳng hiểu thế nào.
Tôi vừa tới, cậu cười, chào:
- Ông ra cắt tóc.
Lại nói ngay:
- Ông đợi cháu một tý.
- Có khách đâu mà phải đợi?
- Các ông công an sắp đi dẹp vỉa hè. Các ông ấy đi qua thì cháu mời ông ngồi.Hay là ông vội thì ông vào góc tường kia, cháu đứng cắt cho ông ngay.
“Góc tường kia” là chỗ các bợm bia hay ra đứng đái. Tôi nói:
- Tao chẳng vội gì cả.
Vỉa hè chỗ ấy là cái chợ cóc. Thường buổi sáng đứng vài cái xe đạp thồ rau muống, hành hoa, bó mía. Có hôm thấy người ta đem đến treo lên cột đèn con trăn rồi lóc thịt, lại chặt khúc ra bán. Ông công an hỏi, người bán trăn bảo trăn nhà nuôi, “không phải vật quý hiếm”, thế là ông công an cũng mua một khúc xương trăn về ngâm rượu chữa bệnh đau lưng.
Cái chợ chính của quận quản lý thì ở cuối đường. Năm cái cầu chợ mái ngói đỏ, trông khang trang, đẹp mắt. Có chợ to, nhưng các chợ cóc vẫn lởn vởn ở đâu đây. Hôm nay tôi mới được chứng kiến các nhà chức trách dẹp cái chợ cóc. Người ta đều đã biết trước cả. Các chị hàng hoa, hàng rau ôm rau, ôm hoa vào gửi quán bia. Cái xe đạp thồ mía đương giả vờ lững thững đi tôi đương di chứ tôi không đứng bán. Chị bán thịt gà bê cái mẹt vào gửi nhà nào không biết.
Xong đâu đấy rồi một chiếc mô tô có thuyền ba bánh đùng đùng tới có cái loa gọi cẩn thận. Những người hàng rong chẳng còn ai. Bên gốc cây. không biết người nào dùng cái đòn gánh thế là đã bắt được đem về đồn chắc để làm tang vật đã dẹp chợ. Cái xe mô tô ầm ầm qua thế là dẹp chợ cóc xong.
Xe đi khỏi các chị rau, hàng hoa và mẹt thịt gà, cái xe mía ở đâu lại ra tụ tập đứng như lúc nãy. Còn tôi thì ngồi xuống chiếc ghế bên gốc me của cậu cắt tóc vừa vào góc trong bưng ra với cái hộp thiếc đồ nghề.
Tôi hỏi chú bé:
Hôm nào cũng dẹp mà chưa hết chợ cóc à?
- Hết thế nào được ạ. Chợ chính thì quận thu thuế, chợ cóc thì lấy lệ phí, quận hay phường cũng đều cần tiền tiêu, cho nên cứ đóng kịch quanh quanh thế thôi.
Nguồn: Cái áo tế (Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)