Sự khai phá cánh Đồng Tháp. Tương lai cánh Đồng Tháp. Hẹn lần sau.
Trong khi đợi xe lửa ở ga Mỹ, chúng tôi bàn về sự khai phá cánh Đồng Tháp Mười. Anh Bình nói:
- Anh nói cánh Đồng Tháp Mười và cánh đồng ở giữa hai sông Vàm Cỏ cộng tới non một triệu mẫu. Một khu đất mênh mông như vậy mà chính phủ bỏ quên trên ba chục năm nay thì lạ thật. Anh hiểu tại sao không?
- Tại xứ này nhiều đất trồng trọt quá. Cánh đồng Bạc Liêu, Cà Mau ít phèn, người ta mở mang nó trước; miền đất đỏ ở Biên Hoà, Thủ Dầu Một trồng cao su rất lợi, nên người ta chú ý ngay tới nó. Nay những miền ấy gần hết đất để khẩn rồi, người ta mới nhớ lại cánh đồng này.
Muốn khai phá nó, người ta phải giải quyết ba vấn đề sau này:
* Làm sao cho nước sông lên đều đều (trong một ngày đừng quá 20 phân) mà cũng đừng lên cao quá để cho lúa theo kịp, khỏi bị ngập mà thối nát. Muốn vậy phải xây những cái đập ở phía trên Hồng Ngự và Châu Đốc; đập có thể mở đóng được tuỳ ý. Như thế thì cả miền ở trên đập sẽ ngập sâu, thành một cái hồ chứa nước, đường xá phải đấp lên cao, nhà cửa phải cất lại.
* Đào nhiều kinh để tháo nước trong đồng ra. Nước mưa (1) sẽ rửa phèn trong đồng và thuỷ triều cũng sẽ giúp nhiều trong việc ấy.
Cánh đồng chỉ cao hơn mặt nước trung bình ở biển từ năm tấc tới một thước (trừ những gò, giồng ra); các lung, bưng có chỗ thấp hơn mực nước ấy; vậy khi nước lớn, thuỷ triều do kinh tiến vào đồng, rồi khi nước ròng, lại chảy ra kinh, chở theo ít phèn trong đồng.
* Đắp theo bờ kinh những con đường từ Hồng Ngự tới Cao Lãnh (ngang Chợ Mới) vì hiện nay muốn đi xe từ Sài Gòn lên Hồng Ngự, phải lên Châu Đốc, qua Tân Châu rồi qua sông Tiền Giang; còn muốn đi từ Svay Riêng tới Long Xuyên, phải vòng về Sài Gòn hoặc vòng lên Nam Vang.
- Anh nói công việc đấp đập khó thực hành vì ảnh hưởng quá tai hại của nó tới những miền phía trên đập, sao không đấp đê như trên bờ sông Nhị?
- Người ta sợ đắp đê lắm; vạn bất đắc dĩ mới dùng cách ấy, vì nhiều lẽ:
Rất tốn tiền. Đê phải cao ít nhất 3 thước, rộng 4-5 thước cho xe cộ đi lại được, như vậy chân đê sẽ rộng 12-13 thước, chiếm biết bao ruộng nương, vườn tược. Phải dời nhiều nhà, bồi thường cho chủ đất; lại phải xây rất nhiều cống vì hai bên bờ sông Cửu Long, kinh rạch nhiều vô số; những cống ấy phải mở được đóng tuỳ ý.
Không thể đắp bốn con đê (hai con hai bên bờ sông Tiền Giang, hai con hai bên bờ sông Hậu Giang) vì như thế đê phải cao lắm, sông mới chứa nổi nước trong mùa lụt. Vậy chỉ đấp được hai con thôi, một con ở tả ngạn sông Tiền, một con ở hữu ngan sông Hậu và những cù lao ở khoảng giữa hai con sông đó sẽ ngập dưới 3-4 thước nước. Những cù lao ấy hiện nay rất phì nhiêu, nhà cửa rất đông đúc. Số hại sẽ không sao kể xiết.
Đắp đê là một việc rất khó, giữ đê còn khó hơn. Đê Hồng Hà đắp từ đời Trần, trải bảy trăm năm, năm nào cũng phải tu bổ mà những vụ vỡ đê vẫn rất thường, làm tai hại cho dân tới bực nào, chắc anh đã rõ.
Người ta lại nghiệm thấy rằng, khi có đê thì lòng sông hình như mỗi năm mỗi dâng lên, nên đê cũng phải đắp lên theo; hiện nay ở Bắc Việt nhiều chỗ đê cao hơn trong đồng tới 8-9 thước. Có ai dám nghĩ đến việc xây hai bức tường thành cao như vậy ở bờ sông Chử Long này không?
Đê có nhiều bất tiện ấy, nên ở Bắc Việt, cứ sau mỗi trận vỡ đê lại có những người nóng nảy, bực tức đòi phá đê. Đã lỡ có đê rồi, không ai dám phá nữa, chứ thực tình ai cũng nhận rằng đê hại nhiều hơn lợi.
Huống hồ lụt ở miền Tháp Mười không đáng sợ như lụt ở miền Bắc và Trung. Dân miền này đã tổ chức cách sinh hoạt để thích nghi với nó rồi: cất nhà sàn, trồng lúa sạ. Vì vậy không ai tán thành sự đắp đê ở đây. Cứ để nước sông Cửu Long ra vào tự nhiên trong đồng, như vậy có lợi là rửa bớt phèn và bồi thêm ruộng. Nước sông Cửu Long ít phù sa hơn nước sông Nhị, song mỗi năm cũng đem được một lớp phù sa vào đồng làm cho phì nhiêu thêm.
Vì tất cả những lẽ ấy, sự đắp đê ở đây không thành một vấn đề.
*
**
Một khi khai phá rồi, cánh Đồng Tháp Mười sẽ có một tương lai rực rỡ không kém cánh đồng Bạc Liêu, Cà Mau. Số cá sẽ bớt đi mhiều – vì đất chỗ nào thành ruộng thì cá ít ở, song người ta vẫn có thể đào hầm để nuôi cá. Còn ruộng thì sẽ bát ngát, lúa sẽ chất thành núi.
Trên một trăm cây số chiều dài ta sẽ thấy màu lúa tươi thay màu cỏ lát thẫm, sẽ thấy lâu đài chiếu bóng trên dòng kinh, ghe thuyền xuôi ngược suốt ngày và những nhà máy xây dựng lên ở ngay những chỗ mà hiện nay chỉ có lau và sậy. Gãy, Hồng Ngự, Mộc Hoá sẽ thành những quận lớn như Cà Mau.
Và chỉ lúc đó, nhà nước mới có dư lúa để xuất cảng vì tuy hiện nay ta bán ra nước ngoài hai ba triệu tấn lúa mỗi năm, mà vẫn thiếu lúa ăn: hoặc ngô thay cơm mỗi năm sáu, bảy tháng.
- Anh nói đúng. Tôi tôi đã được lên chơi một làng ở miền Tam Đảo, tôi nhớ như là làng Kì Đà, và thấy cả làng, từ ông tiên chỉ (2) tới người cúng đình, quanh năm chỉ biết mùi cơm có năm sáu lần, trong những ngày giỗ, Tết. Đáng thương lắm, anh ạ. Họ quen ăn ngô rồi, ăn cơm cho nó là nhạt nhẽo và mau đói. Hàng triệu người không có cơm ăn trong khi non triệu mẫu đất trồng được lúa lại bỏ hoang.
*
**
Xe lửa vào Sài Gòn. Trong khi sửa soạn hành lí để xuống xe, tôi hỏi anh Bình:
- Anh đã ở Sài Gòn bảy ngày và bảy ngày trong Đồng Tháp, coi được một phần ba xứ Nam. Cảm tưởng của anh về Nam Việt của anh ra sao?
- Phải sống ở đây vài năm, đi hết tỉnh này tỉnh khác rồi xét đoán mới ít lầm được. Cảm tưởng của tôi bây giờ không chắc đúng: khí hậu ở đây dễ chịu, đời sống dễ dàng và người thì dễ thương. Sở dĩ người dễ thương có lẽ cũng vì đời sống dễ dàng và khí hậu dễ chịu. Không phải phấn đấu kịch liệt với thiên nhiên, với đồng loại mà người miền này cũng đủ ăn, ít khi phải lo tới ngày mai, nên tính tình chất phác, thuần hậu, nhân từ. Nhưng, cũng vì hoàn cảnh quá thuận mà người ta không biết phòng xa, không chịu gắng sức.
- Phải, khí hậu và kinh tế ảnh hưởng đến con người rất nhiều, nhất là kinh tế. Tôi e rằng chẳng bao lâu nữa, khi những miền hoang vu như Đồng Tháp cũng quá chật chội vì dân đông, khi cả miền Nam này đã thành đất cũ như miền hạ du sông Nhị, sự mưu sinh sẽ vất vả, đời sống sẽ eo hẹp thì tính tình con người cũng biến đổi…
- Anh lo xa quá. Ít gì cũng hết đời chúng ta. Vả lại, biết đâu chẳng có một nền kinh tế mới hoặc một tổ chức khác làm cho những dự đoán cùa anh hoá sai. Dù sao, tôi cũng vào đây, trễ lắm là một năm nữa, chắc chắn chưa có gì thay đổi mà cô Ba Đa Kao với cô Hai Cát Bích vẫn vui vẻ và thân mật đãi tôi những món chả giò, thịt kho nước dừa, bánh da lợn… chứ? Mình phải tập giọng Nam và dùng những tiếng Nam để các cô ấy hết mỉm cười như có ý chế nhạo mình nữa.
Rồi anh lớn tiếng kêu xe:
- Xe “dề” Khánh Hội không?... Đúng giọng đó không, anh Lê?... Ủa, sao gọi họ mà họ không quay lại? Không thèm kiếm ăn nữa sao? Tới giờ anh chàng đi tiệm ngồi chồm hỗm trên ghế ăn mì và bánh ngọt rồi chăng?
Tôi mỉm cười:
- Đâu phải! Còn là tốn công học tập. Này nghe tôi gọi này… Kéo!
- À mỗ nhớ rồi. Phải biên vào sổ tay mới được. Ngoài Bắc gọi “Xe!” thì trong này gọi “Kéo!”.
- Hai thầy về đâu?
- Về Khánh Hội… Rắc rối quá. Phải không anh Bình? Xe tay và xe kéo, xe đạp và xe máy; xe ô tô và xe hơi. Bao giờ mới thống nhất những danh từ thường dùng ấy để anh đỡ mất công học?
- Anh rõ thật là mâu thuẫn: thống nhất rồi thì đâu còn cái màu sắc địa phương nữa? Nhưng sớm muộn gì rồi cũng sẽ thống nhất. Chúng mình nên lấy làm may mắn được sống ở thời này.
Chú thích
(1) Trong Đồng Tháp Mười, tuỳ chỗ, mỗi năm mưa trung bình từ 1 tới 2 thước nước.