Bảy mươi năm trước, ở miền này… Con đường lên Tháp. Thế lực Huê kiều ở Nam Việt. Tình hình Nam Việt sau hiệp ước 5-6-1862 Thiên hộ Võ Duy Dương. Các con đường vào Tháp. Thế lực của Thiên hộ. Trận Mỹ Trà. Tấn công Đồng Tháp. Sau trận Tháp Mười. Nguyên nhân sự thất bại của Thiên Hộ. Di tích xưa.
Đàn gáo (Ảnh sưu tầm)
Cơm nước xong thì 8 giờ tối. Nhìn cánh đồng mờ mờ dưới ánh trăng và nghe tiếng đờn gáo (1) ảo não ở trên bờ, tôi bồi hồi nhớ lại người xưa, nói với anh Bình:
- Bây giờ sự giao thông đã dễ dàng mà miền này còn hoang vu như vậy: từ đây đi thẳng lên Mộc Hóa không gặp được trên năm nóc nhà. Bảy mươi năm trước, cái thời mà ngoài ghe, cáng và đi ngựa ra, không còn có cách chuyên chở nào khác, mà khắp cánh đồng này chưa có tới bốn con kinh thì miền này còn hoang vu đến bực nào!
Vậy mà thời ấy đã có những người vì chính nghĩa bỏ nhà cửa, quê hương, lại đóng đồn cách chỗ chúng ta đậu đây vài cây số để chống cự với người Pháp trong mấy năm trời.
- Vị anh hùng nào vậy?
- Thiên hộ Võ Duy Dương.
- Võ Duy Dương là ai? Tôi chưa hề được nghe tên ấy. Trong sử không dạy thì phải?
- Sử người ta dạy chúng ta có mấy khi nhắc tới những anh hùng chống Pháp! Anh đi thăm di tích của người xưa với tôi không?
- Đi chứ. Nhưng sao không đi ban ngày mà lại đi ban đêm?
- Di tích chẳng còn gì, không cần để đi ban ngày để nhận xét. Đi ban đêm được cái lợi là dễ dàng thông cảm với cổ nhân.
- Vậy, đi ngay thôi.
* * *
Chúng tôi theo bờ phía Đông kinh Cát Bích, tới một chợ nhỏ có vài chục căn nhà lá liền nhau. Vài quán tạp hóa còn mở cửa, ngọn đèn dầu leo lét bên trong. Nghe giọng hát Hồ Quảng của một Huê kiều, anh Bình ngạc nhiên hỏi tôi:
- Chỗ hẻo lánh này cũng có Huê kiều.
Tôi đáp:
- Anh không nhớ câu nói: “Chỗ nào có khói là có Huê kiều” ư?
Hễ có vài chục nóc nhà là tất có một tiệm Huê kiều. Một lần, lên thác Khône ở Hạ Lào, tới một xóm chỉ có ba mái tranh mà tôi cũng thấy một tiêm tạp hóa của một người Triều Châu.
Anh có đọc cuốn “Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ” của Đào Trinh Nhất (nhà in Thụy Ký) mới biết họ đoàn kết với nhau và tổ chức chu đáo ra sao để lũng đoạn thị trường xứ này. Họ tới đây vào khoảng cuối thế kỉ thứ 17, hiện nay (2) chắc có tới nửa triệu người và mỗi năm trung bình có thêm 15 ngàn người tới xin ở nhờ Nam Việt. Chuyến tàu nào từ Hương Cảng và Thượng Hải sang cũng có hàng trăm Huê kiều lên bến, nên chính phủ phải đặt riêng một sở, gọi là sở “Tân đáo” (Service de l’Immigration) để trong nom về họ.
Họ chia làm năm đoàn thể gọi là bang:
1. Bang Quảng Đông, đông nhất. Người Quảng Đông giỏi buôn bán công nghệ, có nhiều tàu, nhiều nhà máy.
2. Bang Phúc Kiến, đông thứ nhì. Người Phúc Kiến cũng giỏi buôn bán, hầu hết cái lợi buôn gạo ở trong tay họ.
3. Bang Triều Châu, đông thứ ba.
4. Bang Hà Cá.
5. Bang Hải Nam.
Năm 1906, tư bản để buôn bán xứ này, của người Pháp được trên 40 triệu quan (thời đó đồng bạc ăn 3 quan) mà của họ trên 60 triệu quan (3) tức gắp rưỡi, nên người Pháp cạnh tranh với họ không nổi. Có lần một công ti nấu rượu của Pháp bị họ làm thất điên bát đảo.
Những ông vua tiền bạc ở xứ này là Hoàng Trọng Tấn (cũng gọi là chú Hỏa), Tạ Mã Diên, đều là người Phúc Kiến. Nhà cửa ở Sài Gòn, Chợ Lớn của Hoàng nhiều không kể xiết. Hầu hết các tiệm cầm đồ ở hai bên phố ấy là của Hoàng.
Đồng bào trong này ít thích buôn bán, thậm chí có người hách dịch nói: “Mình sẳn tiền của để Chệc nó làm đầy tớ cho, có sướng hay không?”. Thành thử họ thao túng hết nền thương mãi của ta. Anh có buôn bán, nên vào trong này mà làm ăn, anh ạ.
- Vâng, du lịch chuyến này, tôi cũng có ý đó.
Khỏi chợ một chút, có mùi tanh nồng nặc. Lúc ấy đương mùa tát đìa, trước cửa nhà nào cũng có một đống cá; đàn bà con gái xúm nhau dưới ánh trăng làm mắm hoặc nấu dầu cá.
Chúng tôi quẹo vào một con đường cát ở bên trái. Đường khá rộng, hai bên cây cối um tùm. Vừa đi, tôi vừa kể chuyện Thiên hộ cho anh Bình nghe.
* * *
Chắc anh còn nhớ, năm Tự Đức 15, sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông là Gia Định, Định Tường (Mĩ Tho) và Biên Hòa, người Pháp dùng võ lực cưỡng bách sứ bộ Việt Nam kí một hiệp định nhục nhã, tức hiệp ước 5-6-1862 [1], kí giữa đô đốc Bonard (Pháp), Palanca (Tây Ban Nha) và Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp (do triều đình Huế phái vào Gia Định).
Theo hiệp ước, ta phải nhường cho Pháp ba tỉnh miền Đông với đảo Côn Lôn; không được cắt đất cho một nước nào nếu Pháp không bằng lòng (như vậy là mất hết chủ quyền trên lãnh thổ rồi), và bồi thường cho Pháp và Tây Ban Nha một số tiền là 4 triệu đồng bạc, trả làm 10 năm.
Khi hay tin, từ triều đình tới dân chúng ai cũng lấy làm tủi nhục, phẩn nộ vô cùng và toàn quốc vận động đánh đổ hiệp ước.
Triều đình biết rằng dùng võ lực không nổi, phái sứ bộ qua Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông.
Còn dân chúng, nhất định không chịu ách đô hộ của ngoại nhân, phất cờ khởi nghĩa khắp nơi. Liên tiếp trong 10 năm (1863-1873), cuộc chiến đấu không lúc nào ngừng.
Có bốn cuộc khởi nghĩa lớn nhất: của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương.
Trương Định (tức Bình Tây Nguyên soái) nổi ở Gò Công đánh phá các đồn Pháp ở Tân An, Chợ Lớn, sau bị Huỳnh Công Tấn làm phản và tử trận.
Nguyễn Trung Trực đốt được một chiếc thuyền Pháp ở Nhật Tảo (Tân An) và cướp một đồn Pháp ở Kiên Giang (Rạch Giá), sau bị bắt và hành hình.
Thủ Khoa Huân dấy binh ở Mỹ Tho, bị bắt, đày ra Côn Đảo, được ân xá; về, lại kéo cờ khởi nghĩa cũng ở Mỹ Tho, sau bị bắt và hành hình.
Còn Võ Duy Dương tổ chức các bộ đội du kích, lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ.
* * *
Võ Duy Dương (4) quê quán ở đâu, sinh năm nào, tôi chưa được biết [5]. Khi Nguyễn Tri Phương phụng mạng vua Tự Đức vào Nam tổ chức cuộc chống Pháp, mộ quân đồn điền để trường kỳ kháng chiến, Võ Duy Dương vốn là một nhà hào phú, bỏ cả sự nghiệp ra mộ được 1000 nghĩa dõng nên được chức thiên hộ. Tương truyền ông là một võ sĩ tuyệt luân, cử nổi 5 trái linh (hai tay cầm 2 trái, 2 nách kẹp 2 trái, miệng cắm một trái, mỗi trái độ 60 cân [6]) nên được gọi là “Ngũ Linh Thiên hộ”. Khi hay tin ông khởi nghĩa, vua Tự Đức giáng chỉ phong ông chức lãnh binh, nên ông còn có tên Lãnh binh Dương. Ông được Thủ Khoa Huân giúp (có lẽ làm tham mưu) trong mấy năm đầu.
Hành dinh của ông tại Tháp Mười, chỗ chúng ta đương đi tới đây.
Như tôi đã nói với anh, hồi đó nơi này chưa có con kinh nào cả.
- Vậy ở ngoài đi vào bằng cách nào?
- Bằng đường mòn. Theo tờ phúc thẩm của quân đội Pháp năm 1865, chỉ có ba con đường mòn đưa vào Tháp Mười: một đường từ Gò Bắc Chiêng đi xuống, một từ rạch Cần Lố đi lên (2) và một đường đường từ Cái Nứa đi lại. Đường thứ nhất đi qua đồn Tả, đường thứ nhì qua đồn Hữu và đường thứ ba qua đồn Tiền. Ba đồn ấy che chở cho tổng hành dinh ở Tháp Mười. Đồn nào cũng có lũy đất chung quanh, cao non 2 thước và dầy khoảng thước rưỡi, trong và ngoài lũy là một hàng cừ bằng sao; lũy có đục cửa và nhiều lỗ để nhắm ra ngoài.
Mỗi đồn chứa từ 200 tới 300 nghĩa binh, 10 khẩu súng và 4-5 chục thớt súng bắn đá (pierrier) với vài khẩu đại bác 12.
Ngoài ra còn năm sáu đồn nhỏ ở xa tổng hành dinh như đồn Gò Bắc Chiêng, đồn Ấp Lý… mỗi đồn có khoảng 150 nghĩa binh và từ 15 tới 35 thớt súng bắn đá.
Vậy tổng cộng nghĩa quân có trên 1000, trong số đó có nhiều lính Tagal (tức lính Lê Dương bấy giờ) và một lính Pháp đào ngũ tên là Linguet.
Khí giới, thuốc đạn thì có thuyền chở từ Hà Tiên Rạch Giá vào. Còn lương thực thì chắc do dân chung quanh Đồng Tháp cung cấp. Con đường tiện nhất là đường đi từ Cần Lố vào Tháp, đã được dùng để chở gạo cho nghĩa quân nên có tên là đường gạo.
Tôi quen một bà già nay đã chín chục tuổi nói thời đó, cứ ban đêm, “các ông trong Tháp” ra tìm các nhà giàu quyên tiền và gạo, rồi ban ngày về Tháp. Thường nhà nào cũng quyên, không nhiều thì ít. Cũng có một số ra làm hương chức cho Pháp, không muốn quyên hoặc không dám quyên thì bị các ông lập tức trừng trị thẳng tay.
* * *
Nghĩa quân thường đánh phá các đồn, chợ ở phía Nam. Ba giờ sáng ngày 22-7-1865, độ 100 người có 56 khẩu súng, 2 khẩu đại bác và nhiều gươm đao, lại đốt chợ Mĩ Trà, vài nóc nhà lá, một chiếc tàu nhỏ, rồi rút lui. Hình như lính trong làng chống cự lại mạnh mẽ và nghĩa quân bỏ lại một khẩu đại bác với 2 thùng đạn.
Kế đó, Thiên hộ cho tấn công Cái Bè, Mĩ Quới, đánh tan nhiều toán quân Pháp.
* * *
Những trận đánh ấy làm chính phủ Pháp lo âu và đầu năm 1866, khi thủy sư De Lagrandière trở qua Nam Việt, công việc đầu tiên của ông là ấn định kế hoạch tấn công Đồng Tháp.
Cuối tháng ba năm ấy, một đội lính thủy và dân quân, cộng là 250 người, hay tin nghĩa quân đóng ở Ấp Lí, lại tấn công. Nghĩa quân rút lui.
Ngày mùng một tháng tư, họ lại tấn công một đồn nữa và bắt được hai nghĩa quân.
Ngày 14-4, 500 quân vừa lính thủy Pháp, vừa lính Việt, chia làm ba mặt, cùng tiến vô Tháp Mười.
Đội quân của đại úy Boubé tiến từ Cần Lố, ngày 15-4 tấn công đồn Sa Tiền. Khoảng 150 nghĩa quân chống cự lại mạnh mẽ, làm cho trung quý Vigny bị thương; nhưng rốt cuộc nghĩa quân cũng phải vùi khí giới dưới bùn rồi bỏ đồn, lui vào phía trong.
Cũng ngày đó thiếu tá Dérôme chiếm được một đồn nhỏ trên đường từ Cái Nứa đến đồn Tiền, còn đại úy Gally Passebose thì chiếm được Gò Bắc Chiêng do 120 nghĩa quân chống giữ với 15 thớt súng bắn đá. Bên Pháp bị thương và chết không bao nhiêu.
Vậy trong ngày 15-4, nghĩa quân đã bị dồn cả 3 mặt về 3 đồn Tiền, Tả, Hữu. Hàng rào thứ nhất đã bị chọc thủng và chỉ còn một hàng rào nữa là tới tổng hành dinh.
Trước đó, quân đội Pháp do dự, không muốn tấn công Đồng Tháp là còn sợ bốn tướng quân lợi hại nhất của nghĩa quân: bùn, đỉa, nắng và muỗi.
Cánh đồng này hồi ấy mỗi năm ngập ít nhất là sáu tháng và không tháng nào đất khô hẳn. Trong tháng tư, tức cuối mùa nắng, mà trên ba con đường đưa vào Tháp, còn nhiều chỗ nước sâu đến 5 tấc hoặc 1 thước. Đi giày ống mà lội qua những chỗ sình ấy khó nhọc vô cùng lại còn nguy hiểm.
Trong bùn lại có đỉa rất lớn, kêu là đỉa trâu. Mỗi khi đã hút máu no thì nó to bằng ngón chân cái. Chỉ vô ý một chút là nó bám vào người, luồn vào những chỗ kín nhất trong thân thể ta mà không hay. Lính Pháp vì không quen, sợ đỉa lắm.
Sức nóng của mặt trời và nước còn đáng sợ hơn. Chúng ta thử tưởng tượng trên là ánh nắng gay gắt, dưới là hơi nước hôi thối, giữa là những bụi lau, sậy, năng, bàng bàng có khi cao hơn đầu người. Gió chỉ lướt qua trên ngọn, không sao len lỏi vào những bụi ấy, nên đi trong đồng lắm lúc ta thấy hầm đến nghẹt thở. Nhiều lính Pháp không chịu nổi ánh nắng và sức nóng ấy, tinh thần bải hoải, không chiến đấu gì được và ngay ngày đầu, đại úy Gally Passebose đã phải xin thêm 25 viện binh để thay họ.
Nhưng vị tướng làm cho người Pháp kinh hồn chính là tướng quân muỗi. Thời ấy muỗi nhiều tới nỗi, bu lại làm cho lính Pháp mở mắt không được, há miệng cũng không được. Ngày thì nắng và có đỉa, đêm thì lạnh và có muỗi, quân lính không được nghỉ ngơi, mau kiệt sức lắm.
Biết rằng càng kéo dài càng bất lợi cho mình, quân Pháp tận lực tấn công rất mau.
Ngày 16-4, đội quân của Dérôme tiến tới đồn Tiền. Quản Huỳnh Công Tấn (?) hăng hái nhất đi tiên phong tính lấy ngay đồn để lãnh công đầu, không đợi bộ đội Pháp phía sau đi tới, vội vàng tấn công, nhưng một loạt súng trong đồn tỉa ra một phần ba số lính của y và y hấp tấp rút lui.
Ngày 17-4, Dérôme lại tấn công đồn Tiền một lần nữa; còn Gally thì tấn công đồn Tả do đích thân Thiên hộ chống giữ. Quân Pháp vây ba mặt, nhất là mặt hậu về Tháp Mười để chặn đường rút lui của nghĩa quân. Nước chung quanh đồn sâu tới một thước, muốn gần tới đồn, lính phải đeo túi đạn vào cổ cho đạn khỏi ướt (3).
Nghĩa quân chống lại kịch liệt và chỉ nhắm vào lính Pháp mà bắn, không để ý đến lính Việt, bọn này thừa cơ leo được vào đồn. Nghĩa quân rút lui rất khéo, không ai bị làm tù binh; còn quân Pháp bị thương trên một phần ba mới vào được đồn, chiếm được ba khẩu đại bác 12, 17 thớt súng bắn đá và 27 chiếc ghe, xuồng.
Ngày hôm sau, đồn Tả và đồn Tiền đều thất thủ. Thiên hộ phải bỏ đồn Tháp Mười. Đại úy Gally tiến vào. Đồn vuông vức mỗi chiều chừng 200 thước, cửa rất chắc, súng bắn không thủng. Trong đồn có vài chục nóc nhà, kho chứa đạn dược và lương thực. Quân Pháp nổi lửa đốt; lửa cháy 2 ngày mới tắt.
Ngày 19, quân Pháp quay về và phải vất vả 2 ngày nữa mới tới căn cứ cũ. Suốt trong tuần lễ, từ 14-4, thủy quân do tàu chở, chạy dọc theo các sông để phong tỏa đường ra. Ngày 22, trong khi một đoàn tàu trở về Tân An, một chiếc không hiểu vì sao bị chìm, 11 người chết.
Tính tổng cộng trong trận Tháp Mười, bên Pháp vừa bị chết vừa bị thương không dưới 100 người. Chú thích (1) Theo ông Phan Thân Việt (Mới – số 73) thì Võ Di Dương. (2) Theo bản đồ 1/127.000 của nhà binh vẽ năm 1872 và năm 1873 thì còn một con đường nửa từ Cai Lậy. Chắc đường này mới có sau. (3) Có người nói trong trận ấy, sĩ quan Pháp bắt nhiều tử tù đeo chung một cái gông bằng ván mỏng, rộng và dài có đục lỗ cho lọt cổ rồi bắt họ lội vào những chỗ sình sâu trên thước rưỡi. Những tấm ván ấy nổi trên mặt bùn và làm cầu cho lính qua. Lời đó chưa chắc đã đủ tin.
Chú thích của Goldfish: [1] Hiệp ước Nhâm Tuất [2] Võ Duy Dương là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định), sinh năm 1827, em ruột của anh hùng chống Pháp Võ Duy Tân. Tương truyền ông rất khoẻ mạnh và giỏi võ nghệ, được bà con tôn là Ngũ linh Dương (theo bài Võ Duy Dương đăng trên website Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Đồng Tháp). [3] 60 cân # 36 ký
* * *
Trận Tháp Mười là trận đầu tiên quân Pháp thắng được quân ta trong một nơi bùn lầy, nên họ mừng lắm. Chính thủy sư De Lagrandière nói: “Kết quả về chính trị của trận ấy rất lớn. Người Việt từ nay hết ảo vọng. Trước kia họ tuy chịu nhận ta thắng họ trong đồng bằng và trong rừng rú, nhưng vẫn tưởng ta phải thua họ ở nơi bùn lầy”.
Ông ban khen 37 người Việt đã có công lao trong cuộc hành binh ấy. Quản Tấn và huyện Lộc được mề đay.
Một toán nghĩa quân, sau khi thua, ẩn núp ở Kiến Phong (Cái Bè). Huyện Lộc hay tin dắt 35 tên lính lại vây, bắt được hai lính Tagal, lính Linguet và 12 nghĩa quân.
Quân Pháp tuy đại thắng nhưng vì quá mỏi mệt, hoặc vì sợ phục kích, vôi vàng rút lui, không kịp kịp hủy hết các đồn nghĩa quân, nên 20 ngày sau, phó tham biện Rheinart và huyện Lộc lại trở vào Đồng Tháp để phá những đồn ấy, thấy còn nhiều lương thực (gạo, muối, gà, heo) và 2000 viên đạn súng trường. Họ đổ muối vào họng súng đại bác rồi đẩy xuống hầm hố cho súng mau sét.
Sau trận ấy, Thiên hộ tuy vẫn tiếp tục hoạt động song không có kết quả; rồi về Trung và có lẽ mang bệnh mà mất (1).
* * *
Thiên hộ Dương (1827-1866) (Ảnh sưu tầm)
Anh Bình hỏi tôi:
- Một lực lượng hùng hậu như vậy mà chỉ trong ba bốn ngày đã tan rã là tại đâu, anh có hiểu không?
Tôi đáp:
* Ngoài nguyên nhân chung cho hất thảy các cuộc khởi nghĩa thời đó là rời rạc, không có một tổ chức đại qui mô và vững vàng dựng trên cơ sở là đại quần chúng, mỗi nhóm tự ý hoạt động trong một vùng, thiếu một chương trình chung, một sự chỉ huy duy nhất, tôi còn thấy bốn nguyên nhân sau nữa:
* Không khí trong đồng ẩm thấp quá mà nghĩa quân không biết giữ gìn khí giới, nên súng đạn tuy nhiều mà bắn mười phát chỉ nổ một, hai. Tên lính đào ngũ Linguet khi bị bắt, vui vẻ như thường, bảo các lính Pháp: “Nếu mỗ có đạn tốt hơn thì còn hạ được nhiều mạng Pháp nữa”.
* Nghĩa quân không đề phòng trước, quá tin ở địa thế hiểm trở, không ngờ quân Pháp dám mạo hiểm xông vào tấn công như vậy. Nếu đề phòng trước, dùng kế dĩ dật đãi lao, phục kích hai bên đường trong khi quân Pháp quá mỏi mẽt, đương rút lui chắc là đại thắng mà số tổn thất của Pháp còn nặng gắp hai ba.
* Nghĩa quân không lưu động như quân của Đề Thám, chỉ kiên thủ trong đồn, thỉnh thoảng đáng phá ở ven đồng rồi lại rút lui vào đồn, như vậy không khác gì tự làm cái đích cho quân Pháp nhắm vào và không sớm thì muộn, thế nào cũng phải tan tành.
* Nguyên nhân thứ tư, quan trọng nhất, là chính nghĩa quân cũng mõi mệt. Mấy năm trời sống trong vùng hoang vu khó tiếp tế, khí hậu độc như vậy mà lòng người ai mà không dễ nãn. Vì chán nãn, nghĩa quân bỏ đồn một cách vĩnh viễn, biết quân Pháp chưa phá hủy hết mà cũng không trở lại thu thập khí giới, lương thực để cho hai mươi ngày sau, huyện Lộc trở vào vẫn còn thấy gạo, muối, súng đạn. Chú thích (1) Theo bô lão trong miền Cao Lãnh thì đô đốc Bạc Má (Lagrandière) cho lùm bắt ông dữ lắm, một đêm nọ lính tình báo cho hay Thiên hộ và một người bộ hạ ngụ tại một nhà kia tại chợ Ba Sao, đô đốc phái một toán quân đến vây. Vây xong, đô đốc bảo nhân viên thông ngôn mời Thiên hộ ra đấu kiếm với đô đốc và lấy danh dự một sĩ quan Pháp, hứa không hề bắn một viên đạn hoặc cho lính bắn. Thiên hộ nghe vậy, cùng người bộ hạ ở trong nhà phóng ra đấu gươm với Bạc Má. Lính được lịnh đứng xa ngó. So tài gần nửa giờ mà bất phân thắng phụ. Sau, Thiên hộ nghĩ càng đánh lâu càng bất lợi vì gươm của ông ngắn mà gươm của Bạc Má dài, nên ông ra hiệu cho người bộ hạ rút lui, lần đến một bức hàng rào cao, hét lên một tiếng, chém mạnh một gươm cho đối phương lùi lại rồi thừa cơ nhảy trái khỏi rào, ra sức chạy. Lagrandière giữ lời hứa, không cho lính đuổi theo. (Tài liệu của Phan Thân Việt, trong tờ Mới số 73).
* * *
Một lùm cây đen hiện ở đầu dốc cát mịn. Chúng tôi đã tới Tháp, nơi xưa dùng làm tổng hành dinh của Thiên hộ. Lòng tôi hơi hồi hộp như lần đầu tiên thấy núi Hùng: con đường cũng ngoằn ngoèo như khi sắp tới núi Tổ. Giồng (1) Tháp tuy không cao, nhưng cũng sừng sững trước mặt tôi, nghiêm trang như núi Tổ.
Lên tới ngọn giồng, chúng tôi bước vào một ngôi chùa bằng gạch. Chùa rộng thênh thang mà đồ thờ rất ít: vài tượng Phật bằng gỗ sơn hoặc mộc, vài bình hương, một ngọn đèn dầu cá leo lét. Không có một bức hoành, một đôi liễn. Kiến trúc thì Việt mà cách trang hoàng lại là Miên.
Hỏi người giữ chùa về di tích thì người ấy đáp:
- Nền chùa này ở trong đồn Tháp hồi xưa. Mấy năm trước, dân chung quanh đây đào được ở chân giồng những viên sắt lớn bằng đầu ngón tay: chắc là những viên đạn thời đó. Ngoài ra, còn thấy những cừ bằng sao chôn ở dưới đất, đen như than. Còn chùa cất từ năm nào thì không rõ.
Tôi hỏi:
- Tại sao gọi là Tháp Mười? Hồi đó tại đây có tháp ư?
- Có người nói hồi xưa cánh đồng này là một xứ thịnh vượng, sau bị nước dâng lên cuốn hết. Trước sau có mười ông vua trị vì, mỗi ông xây một cái tháp làm nơi an nghĩ cuối cùng; tháp ở đây của ông vua thứ mười, nên gọi là Tháp Mười. Vì có thuyết đó nên nhiều kẻ tin rằng giồng này có vàng. Lại có thuyết cho rằng đây là ngọn chùa tháp của Thổ, ngọn thứ mười, kể từ Cao Miên xuống và xưa có một đường lát đá nối mười cái tháp đó với nhau.
- Tôi lại nghe một thuyết khác: Thấp đây là tháp thứ mười của Thiên hộ cất trên cánh đồng này kể từ sông lớn (vàm Ba Sao) nên gọi là Tháp Mười (2). Có sách lại bảo tháp này có mười bực chứ không phải là tháp thứ mười. Còn vàng mà người ta ngờ rằng ở đây có thì là vàng của nghĩa quân không kịp mang theo trước khi bỏ đồn phải chôn vùi dưới sình, rồi sau kiếm lại không được. Bấy nhiêu thuyết chưa biết thuyết nào đúng (3).
- Thưa ông, tôi nghe nói ở phía Bắc tháp này, cách đây độ non một cây số, có một cái hố giữa đồng mùa này bốc hơi lên và hơi đó cháy được. Phải là mỏ dầu lửa không ông?
- Không. Đó chỉ là thứ hơi ta thường thấy nơi bùn lầy và do cây cỏ, sinh vật thối nát mà thành. Nếu đây có mỏ dầu lửa thì chỉ sau sáu tháng cánh đồng sẽ đặc nghẹt những dân tứ xứ lại. Cảnh Tháp và cảnh chợ Gãy sẽ náo nhiệt vô cùng và chùa này sẽ mau giàu lắm, không kém lăng Ông ở Bà Chiểu.
Chúng tôi thừ biệt người giữ chùa, ra ngồi dưới một gốc sao, nhìn xuống cánh đồng, chỉ thấy mù mù một màu mờ mờ xanh. Mấy chòi lá của người Thổ ở chung quanh chúng tôi đã đóng cửa. Không một tiếng động, ngoài tiếng lá lào xào trên ngọn sao.
Tôi tưởng tượng lại cảnh hoạt động ở trong tháp, những đêm trăng như đêm nay, khi nghĩa quân còn đóng: đàn ông mài gươm, chùi súng, đàn bà thì giã gạo xay lúa và đều ca lên những bài “Bình Tây sát Tả”.
Chú thích: (1) Giồng là gò cao. (2) Thiên hộ cất những tháp ấy để dòm chừng tàu Pháp rồi dùng mật hiệu, thông tin cho nhau. (3) Chú thích năm 1970. Theo tôi, thuyết dưới đây của ông Lê Hương có phần đáng tin hơn cả. Trong bài Địa danh, di tích, thắng cảnh trong vùng người Việt gốc Miên, Tập san Sử Địa số 14-15 năm 1969, ông viết: Tháp mười là một trong những ngôi tháp bằng đá do vua Jayavarman VII xây cất khắp lãnh thổ để thờ thần Bà La Môn Lockecvera là vị thần chuyên trị bệnh cho nhân loại. Bên cạnh tháp có những căn nhà sàn gỗ lợp bằng đá mỏng, bằng ngói hay bằng lá thốt lốt để người bệnh nằm dưỡng bệnh do nhân viên y tế hoàng triều coi sóc. Những ngôi tháp được xây dọc theo các con đường lớn trong nước mà ngôi nằm trong Đồng Tháp Mười, tính từ điểm xuất phát, đứng vào hàng thứ mười. Thời gian trôi qua, tàn phá tất cả công trình kiến trúc của cổ nhân, dãy nhà tiêu tan, chỉ còn một tượng sư tử đá và một linh phù (linga) cũng bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc Phạn (sanscrit) ghi tên Tháp thứ mười. Trong năm 1932, nhà khảo cổ Pháp Parmentier đã đi vào Đồng Tháp (…) bằng ghe và xuồng để đọc những chữ khắc vào đó và phát giác ra ngôi tháp”. Vậy thì xưa kia, miền này nếu không phải là một “xứ thịnh vượng” thì cũng có đông dân cư, và có một con đường nếu không phải là “lát đá” thì cũng lớn, đưa lên tới Cao Miên ngày nay. Nhưng đường chắc chỉ dùng trong mùa nắng, tới mùa lụt, ngập cả thước nước là ít. Chú thích: (1) Một thứ đàn nhị làm bằng sọ dừa, một thời rất thịnh hành ở Nam Việt. (2) Xin độc giả nhớ là cuộc du lịch này xảy ra khoảng năm 1939. (3) Bây giờ số đó gắp mười hay gắp trăm?