Trần Bá Lộc. Công việc đào kinh trong Đồng Tháp của Trần Bá Lộc. Công việc đào kinh trước Trần Bá Lộc. Công việc ấy sau Trần Bá Lộc. Ghen vì hò.
Buổi chiều tôi làm nốt công việc trên kinh Cát Bích và 28.
Tới đầu kinh 28, vườn tược hai bên bờ rất xanh tốt, trồng rất nhiều mảng cầu (na), xa bô ti (1), mận (roi), chuối… Anh Bình muốn ngừng lại, lên bờ chơi. Tôi bảo:
- Rồi anh sẽ có dịp được coi những vườn đẹp hơn ở đây. Hôm nay chúng ta phải cho tàu trở về Gãy ngay để sáng sớm mai lội đồng ba chục cây số trong đám lau, sậy, qua những bưng, lung. Tối nay nên ngủ sớm để dưỡng sức. Tôi rất tiếc không có thì giờ đưa anh thăm quận Cái Bè, một quận lập từ trên 70 năm nay mà viên chủ quận đầu tiên chính là Trần Bá Lộc, một tay sai của Pháp trong trận Tháp Mười, chắc anh còn nhớ chứ?
- Còn. Nhìn trên bản đồ, tôi thấy kinh Tổng Đốc Lộc, phải ông ta đào kinh đó không?
- Phải. Trần Bá Lộc là một người đa tài. Ông thân của Lộc là Trần Bá Phước, một nhà nho ở Quảng Bình, vào dạy học tại Vĩnh Long và Cù lao Giêng rồi theo đạo Da-Tô, cưới vợ Nam, sinh ra Lộc.
Dưới triều Tự Đức, các quan ở Châu Đốc cho bắt giam những người theo đạo. Trần Bá Phước bị nhốt ở Châu Đốc trong ít lâu rồi đày ra Bình Định.
Lúc đó Lộc 16 tuổi, tuy ít học nhưng có chí khí, thương cha và oán triều đình. Năm 1961, Pháp chiếm Gia Định và Mĩ Tho. Lộc đem gia đình lên Mĩ Tho, xin làm lính và chỉ một hai năm được thăng cai, đội, nhờ biết Quốc ngữ và chữ Hán.
Năm 1865, mới 26 tuổi, Lộc được thăng chức huyện, bổ làm chủ quận Cái Bè. Khi quân Pháp dẹp xong nghĩa quân trong Đồng Tháp, Lộc được thưởng mề đai bạc. Từ đó Lộc tiến rất mau trên hoạn lộ, lập nhiều chiến công lớn với chính phủ Pháp; dẹp nghĩa quân khắp nơi: Vĩnh Long, Sa Đéc, Rạch Giá (trận này Lộc chém 170 người theo Nguyễn Trung Trực), Cai Lậy, Trà Vinh, Mỹ Tho (bắt được Thủ Khoa Huân).
Khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành Huế, các đảng Cần Vương nổi lên khắp nơi ở Trung Việt, người Pháp cho Lộc chức Tổng Đốc Thuận Khánh (Bình Thuận và Khánh Hòa) rồi đưa Lộc ra dẹp Mai Xuân Thưởng ở Phú Yên. Lúc đó Lộc làm tới chức đốc phủ sứ ở Nam Việt, cho nên người ta gọi là Đốc phủ Lộc hoặc Tổng đốc Lộc.
Những công lao ấy, sau này tất các sử gia Pháp sẽ chép vào lịch sử thuộc địa của họ.
Lộc oán triều đình đến nỗi đề nghị Pháp các mấy tỉnh miền Nam Trung Việt để sáp nhập với Nam Việt, nhưng Pháp không nghe.
Có người nói trong khi dẹp nghĩa quân cùng các đảng Cần Vương, Lộc dùng nhiều thủ đoạn tàn nhẫn hơn cả Hoàng Cao Khải ở Bắc và Nguyễn Thân ở Trung.
*
**
Thói thường hễ có tài thì hay tự phụ. Chắc Lộc đã nhiều lần không phục tòng các sĩ quan và tham biện Pháp, chê họ bất lực, nên Lộc bị người Pháp ghen ghét, nói xấu hoặc vu oan, thành thử công lao như vậy, chức lớn như vậy, mà 56 tuổi vẫn còn làm chủ quận Cái Bè. Thiếu đất để dùng tài mà sức còn dư, Lộc không biết làm gì, bèn nghĩ cách khai phá quận Cái Bè, xin phép đào kinh trong Đồng Tháp, bắt dân các làng phải làm xâu trong công việc ấy.
Mới đầu đào thử hai con kinh rộng 3 thước, dài 8 cây số; năm 1896, cho dân đào thêm mười con kinh nhỏ nữa và một con kinh rộng 10 thước, dài 47 cây số, đi từ rạch Bà Bèo (phía Bắc Cai Lậy) tới rạch Ruộng ở địa giới hai tỉnh Sa Đéc – Vĩnh Long. Năm sau, con kinh đó hoàn thành, tức kinh Tổng đốc Lộc, và tức thì nhiều gia đình tới đó làm ăn.
Công việc đào kinh ấy rất khó nhọc: phải phác cỏ, đào tay, dùng xe trâu để tiếp tế nước và lương thực cho hàng trăm phu tại giữ đồng; nhiều người chết vì sốt rét và dịch tả.
Coi bản đồ những kinh của Lộc đào, ta nhận thấy một mục đích rõ rệt là mở một đồn điền lớn ở phía Nam kinh Tổng đốc Lộc và dùng kinh đó để tháo nước trong đồng ra Tiền Giang cho đồn điền khỏi bị ngập.
Lộc chết năm 1899, trong sự lãnh đạm của người Pháp cũng như của triều đình, để lại trên hai ngàn mẫu đất cho con cháu. Huỳnh Văn Chính, biệt hiệu “Tự Do”, trong cuốn Ceux qu’on oubie (Tín Đức thư xã, 1939) nói Lộc dặn con cháu chôn đứng ông. Chỉ một việc đó cũng đủ cho ta hiểu tại sao người Pháp không ưa ông.
- Trước Tổng đốc Lộc, triều đình có cho đào kinh nào trong đồng này không?
- Có. Kinh đầu tiên là kinh từ Tân An tới Mĩ Tho mà người Pháp gọi là Arroyo de la Poste [1]; chắc kinh đó đào để thông tin giữa hai châu thành ấy. Kinh này vì không dùng nữa, lâu không múc (3), cạn lần, nhiều chỗ lấp rồi. Sau tới kinh Bà Bèo mà một khúc dài phía Vàm Cỏ Tây có tên là Arroyo commercial (4) vì kinh tiện lợi cho việc thông thương, ghe xuồng đi lại suốt ngày. Kinh Cái Cò nối rạch Cái Cái với Svay Riêng đào năm 1815. Còn hố Cái Bác từ ngọn Cái Cái tới ngọn Vàm Cỏ Tây thì hình như do người Miên đào từ lâu. Hố ấy bây giờ lấp kín rồi, mùa cạn chỉ còn thấy mờ mờ một vệch như con đường mòn thôi.
Chú thích:
(1) Trái lớn bằng trái ổi, rất ngọt, có hột tựa trái hồng. cũng có người kêu là sa bô chê (2) Trần Bá Lộc (1839-1899). Sau khi Lộc chết có người điếu khéo ông ta một câu liễn với ý mỉa mai cay đắng. Nhất là khi dinh ông ta bị hỏa hoạn, một nhà thơ (Dị Nhơn Thị) cảm đề: Dinh Tổng đốc Trần Bá Lộc cháy:
“Dám đem xương máu của đồng bào, Mà cất cái dinh thật lớn lao. Khói tỏa cung A rằng chuyện cũ, Lửa thiêu dinh Bá khác đâu nào! “Phì gia quân đối “sơn hà cố”, “Báo oán” dân đồng “nhựt nguyệt cao”. Nước sạch Cái Bè trong leo lẻo, Làm gương cho sách để về sau.
Các con trai ông: Trần Bá Tường, Trần Bá Hữu; nhất là Trần Bá Thọ (1861-1909) đều là tay sai Pháp. Thọ từng sạt nghiệp vì kinh dinh đất hoang ở Cái Bè, bị vỡ nợ, quan thầy bỏ rơi, bị tịch thu gia sản vì thiếu nợ ngân hàng. Phẫn chí, Thọ dùng súng tự tử năm 1909. Lúc ấy có người gởi cho y bài thơ (trước khi chết):
Gởi cho Trần Bá… trước 15 ngày … đúng Vững cầm đức cậy cựu tri ôi! Chúa thử lòng mình một ít thôi. Ép chí nghe lời qua khổ ải Đừng xui chước quĩ khốn vô hồi! [BT]
(3) Một tiếng dùng ở sở Công chánh có nghĩa là dùng một loại máy để múc bùn trong kinh đổ lên bờ. (4) Nghĩa là kinh thương mại.
Chú thích của Goldfish: [1] Arroyo de la Poste gọi theo tiếng Việt là rạch Run Ngu (theo Sài Gòn Tả-pín-lù của Vương Hồng Sển)
Sau Tổng đốc Lộc, chính phủ Pháp tiếp tục công việc đào kinh ấy. Trong năm năm đầu thế kỉ, chánh tham biện Helgouach và Lagrange cho đào những kinh 25 – 26 – 27 – 28 ở phía Tây và phía Nam kinh Tổng đốc Lộc và những kinh Lagrange, kinh 12 ở phía Bắc. Cũng trong thời ấy, tỉnh Sa Đéc đào kinh Tháp Mười và kinh Cái Bèo.
Luôn trong 30 năm sau, công việc bỗng ngừng hẳn, chỉ còn một số tư nhân đào những kinh nho nhỏ rộng một, hai thước để chở lúa hoặc tháo nước phèn.
Nhìn bản đồ, anh thấy chỉ có miền Đông Tháp Mười là bắt đầu được khai phá, có nhiều kinh; còn miền Tây, từ Gãy tới Svay Riêng và Hồng Ngự thì gần như hoàn toàn hoang vu, chưa có một con kinh nào đáng kể. Bây giờ người ta lại bắt đầu để ý đến đồng này và sở tôi đã phái nhiều nhà chuyên môn thăm dò để đào một con kinh từ Gãy đến Cái Cái. Công việc đương tiến hành, nên chúng ta mới có cơ hội tới đây.
* * *
Nước ngược, tàu chạy rất chậm. Ánh trăng vằng vặc trên kinh. Từ một chiếc ghe chèo gần bờ đưa lên một giọng hò não ruột:
Hò o o ớ ớ…[1] Em đừng ham chỗ giàu sang, ơ ơ ơ… Tuổi cao tác lớn mà trao thân vàng ơ ơ ơ…
Tôi đang nằm, vội nhỏm dậy, mở cửa, nghe. Tiếng hò thanh quá, êm dịu như ánh trăng. Khi tiếng hò đã xa, tôi bảo anh Bình:
- Anh còn thức đấy chứ? Tôi chưa cho anh ngủ đâu. Phải bắt anh nghe câu chuyện hò này mới được. Hồi trước, đi ghe, đêm nào tôi cũng được nghe những giọng hò như vậy. Mướn một chiếc ghe, tôi cố tìm những người hò giỏi, vì những đêm trăng như đêm nay, trôi trên mặt nước mênh mông, có được nghe giọng hò mới cảm thấy được hết cái buồn man mác của trời dài sông rộng. Giọng hò đưa vút lên không, tan trong ánh trăng, tỏa trên mặt nước. Nó là một tiếng gọi từ đáy lòng con người gởi vào vũ trụ.
Một lần, một người chèo ghe quê ở Mĩ Tho kể cho tôi nghe một câu chuyện xảy ra tại Đồng Tháp này.
Tám, chín năm trước, anh ta theo bạn vào làm ruộng ở gần Gãy. Anh ta ham hò từ hồi nhỏ và nổi tiếng có giọng tốt nhất trong làng. Hò có nhiều giọng: giọng Bến Tre, giọng Rạch Giá, giọng Cần Thơ… Cùng một giọng, mỗi người hò một khác, tựa như chúng ta ngâm thơ vậy: khi nhấn vào chữ này, khi nhấn vào chữ khác; lúc thì tình tứ, lúc thì nghiêm trang… Cho nên hò là cả một nghệ thuật và người biết nghe có thể đoán được xứ sở, có khi gia thế cùng tâm sự người hò nữa. Khi hai người hò cùng tài hoa như nhau, lại cùng một nỗi lòng, thì không gì thú bằng: họ mê nhau ngay.
Không có tiếng gì tả nổi sự mê hò được.
Ghe tam bản (Ảnh sưu tầm)
Một anh chàng nọ mới đi cày về, xuống rạch tắm, quần áo để trên bờ. Đương tắm thì một chiếc tam bản tiến tới và một thiếu nữ cất tiếng hò. Lúc ấy đã sẩm tối, anh chàng không nhận rõ nét mặt người hò, nhưng nghe điệu hò cùng giọng vừa trong vừa ngân, anh tưởng như gặp người tri âm, cất tiếng hò theo. Cô kia đáp lại, có vẻ như bỡn cợt, nhưng vẫn mạnh tay chèo. Gió xuôi, nước băng băng chảy, tam bản thì nhẹ mà lại chèo đôi, nên lướt trên nước như bay và bóng người con gái sắp khuất trong màn sương. Anh chàng mê quá, nhẩy lên bờ, lượm vội quần áo vừa hò vừa chạy, vừa lấy quần quấn ngang lưng. Anh hết sức chạy mà không đuổi kịp tam bản, đối đáp thêm một hai câu thì tiếng thiếu nữ không còn nghe rõ nữa. Anh thẫn thờ, lững thững trở về nhà. Mê hò tới như vậy.
Anh chàng ấy chính là người chèo ghe cho tôi và đây là câu chuyện hò xảy ra ở Gãy mà anh ta đã kể cho tôi nghe. Tám, chín năm trước, dân cư miền này còn thưa thớt lắm. Tại chợ Gãy chỉ có độ mươi chòi lá.
Một ngày đầu năm, một cặp vợ chồng trẻ chèo một chiếc xuồng tới, lên bờ tìm một miếng đất cất chòi. Họ chưa có con cái, ít giao du với ai. Người vợ không có sắc mà có duyên, người chồng lầm lì, ít mói và rất siêng năng.
Vợ nuôi heo, chồng làm ruộng. Thỉnh thoảng trong những đêm trăng, người ta nghe thấy trong chòi của họ cất lên tiếng hò. Mỗi lần như vậy ai nấy đều lắng tai nghe, người đương thiu thiu ngủ cũng phải tỉnh và tiếng ru con bặt hẳn vì giọng hò hay quá: giọng người vợ lanh lảnh, giọng người chồng thì trầm trầm, gợi lòng nhớ nhung tiếc những cõi xa xăm. Chất phác như dân quê ở đây mà đã nhiều người thổn thức khi cặp vợ chồng đó cất tiếng.
Điều đặc biệt là lâu lắm họ mới hò một lần mà họ chỉ hò trong những đêm trăng và chưa ai thấy chồng hoặc vợ hò với người thứ ba bao giờ.
Họ sống như vậy trên một năm. Một lần nọ, chồng vào trong đồng phát cỏ luôn bảy ngày. Khi chàng về, vai vác phảng, lưng đeo nóp thì trời đã sẩm tối. Mặt trăng vàng vàng lơ lửng trên ngọn so đũa. Tới cách nhà độ hai trăm thước, anh ngừng lại, cau mày, lắng tai nghe: có tiếng hai người hò mà y như là giọng của… Phải, đúng cái giọng lanh lảnh ấy. Anh cố lắng tai nghe. Trong ngọn gió anh nhận được vài tiếng của người kia: ngân nga và giéo giắt.
Anh ta tự nghĩ:
- Miền này có ai mà hò hay như vậy?
Anh lặng lẽ bước tới, vẫn lắng tai nghe.
Khi đến nơi thì thấy một đám đông: từ người trong xóm đến các người trong ghe xuồng dưới kinh đều tụ lại nghe hò. Không ai để ý tới chàng, chàng lựa một chỗ để nhìn rõ nét mặt hai người đương hò: người đàn ông đẹp trai, trán cao, mắt sáng, miệng rất tươi; còn vợ chàng thì sao hôm nay bận chiếc quần hàng Tân Châu thường ngày cất trong giỏ?
Hai bên đối đáp nhau: giọng bên nam mỗi lúc một quyến rũ, giọng bên nữ dần dần có vẻ say sưa. Chàng yên lặng nghe, mơ màng: khi hai người mới ở chung với nhau, nàng thường có giọng ấy; đã ba năm rồi, giọng có phần kém, và tối nay…
Bên nam cất tiếng, lời có chút gay gắt quyết liệt gắn bó:
Hò ơ ơ ớ ớ… Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng, ơ ơ ơ… Anh đi khắp xứ, tơi đây mới được gặp nàng, ơ ơ ơ… thật là dễ thương ơ ơ… Hò ơ ơ ớ ớ… Nghe giọng nàng, anh những vơ vẩn vấn vương… Sống cùng nhau chẳng được, cho anh phải mơ màng chiêm bao…
Chàng hồi hộp đợi vợ đáp…
Suy nghĩ một chút, bên nữ cũng cất tiếng:
Hò ơ ơ ớ ớ… … Lửng da trời, bay lượn con chim hồng, Gặp nhau sao quá trễ cho tấm lòng này xót xa. Đêm nằm em luống những thở ra, Đôi ta chẳng…
Tới tiếng “đôi ta” mắt nàng sáng lên, đắm đuối trong ánh trăng và giọng nàng hơi lơi lả,
Đám đông bỗng vẹt ra, có cái gì loang loáng vút trong không, đầu thiếu phụ đã lăn trên đất, một dòng máu đen vọt lên. Ai nấy chạy tán loạn.
Đêm hôm ấy một chòi lá cháy rực trong xóm mà không ai dám lại cứu. Sáng hôm sau, một ngôi mộ mới đắp hiện lên ngay chỗ thiếu phụ chết. Còn người chồng từ đó biệt tăm, không ai biết là đi đâu.
Khi nghe giọng hò bất chính của vợ, anh nổi cơn ghen và chém vợ bằng cái phảng ở trong tay. Anh chưa thấy cái phảng. Tôi sẽ có dịp cho anh coi. Nó là thứ lưỡi dày và dài trên một thước, rất nặng; cán, trái lại, rất ngắn và nhẹ, bằng gỗ và chỉ dài trên một tấc. Cầm cái phảng mà vun lên thì sức nặng của lưỡi thép đưa đà cho sức mạnh cánh tay, làm nó tăng lên gắp ba gấp bốn. Dùng phảng mới phát được mau những lau, sậy trong đồng này. Chỉ một nhát là một đám sậy rộng một thước vuông ngã hết và ba cái đầu người tất cũng phải văng, nói chi một cái!
Chú thích của Goldfish: [1] Có lẽ Hò ơ ơ ớ ớ… bị in lầm thành Hò o o ớ ớ…