Từ Sài Gòn đến Tân An
Tân An
Một câu chuyện phiếm
Đồng Tháp Mười trên bản đồ
Thủ Thừa – Thủy triều ở Nam Việt
Giáp nước
Trên sông Vàm Cỏ Tây – Quận Mộc HóaHai hôm sau vào lúc mờ sáng, chúng tôi lên xe đi Tân An. Khi xe ra khỏi Phú Lâm không khí thơm ngào ngạt. Chúng tôi khoan khoái hít đầy phổi. Tôi nói với anh Bình:
- Thôn quê Bắc Việt có hương xoan, hương bưởi, hương chanh thì ở đây có hương sao, hương sấu, hương mù u. Tôi nhớ mấy năm trước, đi đo ở miền Hậu Giang, có lần vào xin nước mưa trong một nhà lá nhỏ nọ, tôi cầm chén nước vừa đưa lên miệng thì ngưng lại: nước thơm quá y như là ngâm hoa. Rút khăn ra chùi miệng, khăn cũng phảng phất có hương. Nhìn lại mới thấy căn nhà cất giữa một khu trồng đầy sao và mù u.
- Cây mù u ra sao?
- Nó cao, lá dầy, có bông tựa như bông mai, tuy nhỏ nhưng cũng nhị vàng, cánh trắng. Tương truyền hồi Nguyễn Ánh thua Tây Sơn, chạy vào miền Đồng Nai này, thấy bông mù u đặt cho nó cái tên là Nam Mai, nghĩa là mai phương Nam. Trái mù u tròn và lớn bằng đầu ngón chân cái, hột có dầu dùng để thắp. Anh nhận kỹ, phong cảnh miền này có khác miền Bắc không?
Bông mù u- Nhiều dinh thự nguy nga. Nhà thường thì vách ván và lợp ngói hoặc lá chứ không có vách đất và lợp rạ. Ngoài ra tôi không thấy có gì khác.
- Miền Chợ lớn này khai phá đã hơi lâu năm, lại ít sông rạch, nhiều đường xe, nên không khác gì miền Bắc. Nhưng càng đi về phía Tây, phong cảnh càng đổi: nhà cửa rải rác hai bên bờ sông, rạch chứ không thu lại từng chòm, có lũy tre xanh bao chung quanh, có đường cái xuyên qua và hai cổng gạch ở hai đầu đường như tại thôn quê Bắc Việt.
Ngồi xe, thấy chỗ nào có rặng cây xanh ở trước mặt là anh biết trước rằng nơi đó có một dòng nước mà hai bên bờ là làng, xóm, đình, chùa, nhà việc (1) thường cất ở chỗ hai, ba đường nước gặp nhau. Đó là một đặc điểm phong cảnh miền Nam.
Chúng ta đang sắp đến cầu Bến Lức rồi. Rặng cây trước mặt là bờ sông Vàm Cỏ Đông. Một lát nữa, chúng ta sẽ qua một con sông cũng lớn như con sông này, và gọi là sông Vàm Cỏ Tây. Qua sông đó rồi là tới Tân An, một châu thành nằm ở ven Đồng Tháp.
*
* *
Tám giờ, chúng tôi tới Tân An, đã thấy chiếc cầu của sở đậu ở bến.
Chúng tôi cho xe dạo một vòng trong châu thành để anh Bình biết qua nhà ga, các công sở cùng các biệt thự ở bờ sông Vàm Cỏ, rồi tìm chỗ điểm tâm. Anh Bình nhất định lựa tiệm ở gần chợ vì anh vốn ưa cảnh náo nhiệt, thích nhìn người ta đi lại, mua bán. Anh mua một trái dưa hấu và một chục quít, ngạc nhiên lắm khi thấy cô hàng đếm cho anh mười hai trái. Anh cầm hai trái trả lại:
- Cô đưa thừa cho tôi. Tôi mua có một chục thôi mà.
Cô hàng nghe giọng là lạ của anh, mỉm cười, đẩy hai trái quít về phía anh:
- Thầy mua một chục thì tôi đếm một chục đó.
Anh Bình chẳng hiểu gì cả, tôi phải giảng:
- Ở miền này trái cây như quít, mận thì một chục là mười hai trái. Có tỉnh một chục mười bốn hay mười sáu kia.
- Lạ nhỉ! Một chục mười sáu trái. Thế thì có ông thánh hiểu.
Rồi anh quay lại bởn cô hàng:
- Chắc cô bán mắc cho tôi rồi. Một chục mười sáu mà cô bán có mười hai.
Anh cố sửa cho thành giọng Nam, không nói “bán”, “đắt”, “một” mà nói: “báng”, “mắc”, “moột”.
Cô hàng chỉ mỉn cười, có duyên đáo để, làm cho anh Bình mê tít.
*
* *
Xuống tàu, tôi giới thiệu anh với nhân viên trong tàu rồi dắt anh đi xem từ mũi tới lái.
Tàu bắt đầu chạy. Chúng tôi kê hai chiếc ghế gần mũi tàu, ngồi nhìn phong cảnh. Anh Bình bảo tôi:
- Công chức các anh sướng như tiên. Đi kinh lí thì có cả một chiếc tàu “bự”. Tính ra chuyến này tốn cho chính phủ bao nhiêu?
- Khoảng 500 đồng (1), kể cả lương và phụ cấp của nhân viên trong tàu, cùng tiền củi, tiền dầu… Tôi là công chức bậc nhỏ, đáng kể gì? Một viên kĩ sư Pháp đi kinh lí, là sở cho một người bếp theo để nấu cơm Tây. Tàu họ lớn hơn tàu này nhiều. Nói chi tới những hạng như thống đốc đi kinh lí.
Kể ra công sở tiêu tiền rất phí phạm. Theo cuốn “Man du tạp ức” của Hồ Thích, chính phủ tỉnh Quảng Đông năm 1930 tiết kiệm công quĩ một cách ta khó tưởng tượng nổi. Công chức nào muốn lấy một tờ giấy đánh máy hoặc một cây bút chì cũng phải ghi vào sổ. Các ông huyện – một huyện bên đó lớn bằng một tỉnh của mình – mà đi kinh lí chỉ có ngựa và thuyền. (Chẳng bù với Nam Việt, trong một tỉnh nhỏ xíu, ông chánh tham biện có một chiếc công xa, ông phó một chiếc khác rồi mỗi ông chủ quận một chiếc. Nhà cách sở 100 thước cũng phải leo lên xe). Còn y phục thì từ Lí Tông Nhân, Bạch Sùng Hi, - hai nhà lãnh đạo tỉnh Quảng Tây – đến các ông giáo làng, hết thảy đều dùng đồ nội hóa. Về ẩm thực thì trong một bữa tiệc trường Đại học Quảng Tây đãi Hồ Thích, người ta xa xỉ lắm mới dùng tới rượu bia, nhưng hai chục người uống mà chỉ có một chai và người ta uống bằng li nhỏ, như uống rượu mạnh. Rượu bia có nhiều bọt, thành thử mỗi li rót độ một muỗng súp rượu là đã đầy rồi. Họ nghèo như vậy mà làm việc vẫn đắc lực. Hết thẩy các khách phương xa tới thăm tỉnh họ đều khen rằng họ thực hành được nhiều việc lắm mà nền kinh tế của họ vững nhất các tỉnh Trung Hoa, vậy thì đâu phải cứ có nhiều tiền mới làm được việc.
*
* *
Nước ngược tàu chạy rất chậm. Dòng sông uốn khúc, làng xóm lưa thưa, ghe thuyền cũng ít, cảnh có vẻ tiêu điều. Tôi mở một bản đồ tỉ lệ xích là 1/400.000 (coi bản đồ ở cuối sách) [2] và cầm bút chì chỉ cho anh Bình: - Châu thành Tân An là đây. Đi ngược sông Vàm Cỏ Tây lên tới Gò Bắc Chiên, rồi Svay Riêng [3] rồi qua phía Tây, theo kinh Cái Cỏ, rạch Sở Hạ xuống Hồng Ngự, xuôi con sông Tiền Giang tới bắc Mĩ Thuận, sau cùng theo đường xe ngang Cai Lậy về Tân An: địa giới của Đồng Tháp Mười đấy. Nhiều nhà địa lí cho Đồng Tháp Mười gồm cả khu ở phía Đông sông Vàm Cỏ Tây vào tới tận bờ Vàm Cỏ Đông, nhưng đứng về phương diện thủy học khu sau đó có tính cách khác hẳn Đồng Tháp, tách riêng nó ra thì phải hơn (4). Đồng Tháp có nhiều cửa để tiếp xúc với các miền lân cận. Phía Đông có châu thành Tân An, phía bắc có quận Mộc Hóa và châu thành Svay Riêng, phía tây có quận Hồng Ngự, phía nam có quận Cao Lãnh, quận Cái Bè và chợ Cai Lậy. - Cánh đồng bao nhiêu cây số vuông, anh? - Chiều ngang từ Hồng Ngự tới Tân An khoảng 120 cây số, hơn từ Hà Nội tới Hải Phòng. Chiều dọc từ Cao Lãnh tới Svay Riêng khoảng 70 cây số (bằng từ Hà Nội tới Việt Trì); tính ra khoảng 8.000 cây số vuông tức 800.000 mẫu Tây. (Nếu kể cả khu giữa hai sông Vàm Cỏ thì non một triệu mẫu Tây). Con số 800.000 mẫu Tây đó không gợi trong óc anh một hình ảnh gì cả, tôi xin đổi ra một con số khác. Mỗi mẫu Tây bằng ba mẫu ta ở Bắc. Tại Bắc mỗi gia đình nông phu trung bình có được mấy mẫu ta? - Làm gì được mấy mẫu. Năm, sáu sào là may rồi. Như tại Sơn Tây, một tỉnh trung bình không nghèo, không giàu, gia đình nào được ba mẫu ta đã là có “máu mặt”. Tại nhiều làng, nhà nào giàu nhất chỉ có năm, sáu mẫu. - Vậy nếu mỗi gia đình nông phu ngoài đó được ba mẫu ta tứ một mẫu Tây, thì họ có thể tự cho là phong lưu rồi chứ? - Phải. - Vậy tám trăm nghìn mẫu đất của cánh đồng có thể phân phát cho 800.000 gia đình; mà mỗi gia đình trung bình có 4 người (2 vợ chồng, 2 con), thì Đồng Tháp có thể nuôi được 3 triệu người, một phần ba dân số Bắc Việt. - Mà hiện nay dân số trong cánh đồng là bao nhiêu? - Chưa có thống kê chính xác. Theo ông Victor Delahaye trong cuốn La Plaine de Joncs et sa mise en valeur thì năm 1928, cánh đồng có khoảng 80.000 người Việt, 20.000 người Miên, và 10.000 Huê Kiều. Chắc ông kể cả các quận đông đúc như Cái Bè, Cao Lãnh, cả châu thành Svay Riêng nữa. Trong 10 năm nay, dân số chắc không tăng mấy, và nhiều lắm là có 100.000 người Việt trong cánh đồng mà khoảng ba phần tư sống ở ngoài ven còn một phần tư len lỏi vào trong. Có chỗ, trên 20 cây số vuông không có một bóng người. Dân cư thưa thớt như vậy vì cánh đồng chưa được khai phá hết. Mới một nửa trồng lúa mà trồng thiếu phương pháp, nên sản xuất kém lắm. Rồi anh sẽ thấy sự hoang vu của Đồng Tháp. ** * Tàu chạy ngang vàm rạch Thủ Thừa. Từ vàm đi vào ít cây số thì tới quận (tức như phủ ở Bắc và Trung). Quận Thủ Thừa khá lớn, có đủ nhà thương, sở Bưu điện, nhà việc và có đặc điểm này là ghe xuồng qua lại suốt ngày đêm, địa thế quan trọng hơn địa thế châu thành Tân An, có lần người ta đã tính dời châu thành Tân An về Thủ Thừa và làm thêm một quảng đường xe lửa nối hai nơi đó với nhau [5]. Thủ Thừa quan trọng vì hai lẽ: * Nó nằm trên con đường kinh, rạch từ miền Tây lên Sài Gòn. * Nó ở một chỗ giáp nước. Nền kinh tế và đời sống ở Nam Việt chịu ảnh hưởng rất lớn của thủy triều. Vậy mà không sách địa lý nào nhắc tới điều ấy cả. Thực là một thiếu sót rất lớn. Muốn cho độc giả hiểu rõ cánh Đồng Tháp và những chỗ giáp nước, tôi tưởng nên giảng ít điều về thủy triều. Bạn nào đã nghĩ mát ở Đồ Sơn (gần Hải Phòng) tất nhớ nước biển ở đó mỗi ngày (24 giờ) chỉ lên xuống một lần. Ở trong này, mỗi ngày thủy triều lên xuống hai lần. Ví dụ sáu giờ sáng nước bắt đầu lớn thì hơn mười hai giờ trưa, nước lớn tới cực độ (lúc đó gọi là nước đầy) mà rồi nước bắt đầu ròng (tức xuống) cho tới khoảng sáu giờ rưởi chiều (lúc này kêu là ròng sát). Con nước sau cũng vậy: lớn hơn sáu giờ rồi lại ròng hơn sáu giờ. Hôm nay nước lớn sáu giờ sáng thì mai nước lớn trễ non một giờ; nhưng ngày nào cũng vậy, cứ lúc trăng bắt đầu mọc thì nước bắt đầu lớn: ngày rằm trăng mọc vào khoảng sáu, bảy giờ tối thì nước cũng cũng lớn vào giờ đó. Thủy triều ở Bắc Việt chỉ lên tới vùng Hải Dương, nghĩa là cách bờ biển vàu chục cây số; nên ở Hà Nội không bao giờ có thủy triều, nước sông Hồng luôn chảy xuôi, thuyền đi từ miền dưới lên miền trên quanh năm ngược nước, nhất là mùa nước lớn, phải chèo kéo vất vả lắm. Ở trong này, trái lại, thủy triều mùa nắng lên tới khỏi Nam Vang, nghĩa là cách biển hai ba trăm cây số và ngay giữa mùa lụt, tháng 9 tháng 10 dương lịch, thủy triều cũng lên tới Cần Thơ. Cho nên trong mùa nắng, bất kì trên kinh, rạch nào ở đây, mỗi ngày cũng có hai con nước. Nhờ vậy sự chở chuyên rất dễ dàng; cứ đợi con nước xuôi mà đi, gặp nước ngược thì ngừng lại, đợi con nước xuôi sau, như vậy mỗi ngày có thể đi được 12 giờ; nghỉ 12 giờ; tất nhiên là có khi phải đi đêm cho kịp con nước và dân quê ở đây làm việc ban đêm nhiều hơn dân quê ở Bắc. Nhờ thủy triều, kinh rạch Nam Việt chiếm một địa vị quan trọng hơn đường bộ. Hiện nay xe lửa và xe hơi vẫn chưa giành nổi với tàu và ghe trong sự chở chuyên các đồ nặng. Như muốn chở lúa, người ta vẫn dùng ghe và cảnh những chiếc tàu giòng (tức kéo) 30 chiếc ghe lớn, nhỏ, thành một dảy dài mấy trăm thước là một cảnh rất đẹp mắt, ở Bắc Việt không có hoặc rất hiếm. Gia đình nào cũng có ghe, xuồng hoặc tam bản, có thể nói chiếc xuồng đối với dân quê cũng như chiếc xe đạp đối với thợ thuyền ở châu thành. Không có nó cũng như cụt chân.Chú thích:(1) Nơi hội họp và làm việc của các hương chức. Tại Bắc Việt, hương chức làm việc ngay tại đình.(2
) 500đ. hồi đó bằng 10.000đ. bây giờ (1954)
(3) Đồng Tháp Mười năm nào cũng bị lụt do nước sông Cửu Long, còn khu ở hai con sông Vàm Cỏ cũng ngập, song do nước mưa và nước của hai sông ấy, nên công việc đào kinh để khai phá hai khu vực đó phải theo những nguyên tắc khác nhau. Và Đồng Tháp Mười nhiều cỏ năng, lác, bàng; còn khu giữa hai sông Vàm Cỏ nhiều lau sậy. Vậy cây cối và có lẽ cả địa chất cũng khác.** *Thủy triều ở biển dâng lên tiến vào sông rạch. Nếu có ba cái rạch A, B, C như hình bên trái thì thủy triều từ biển tiến vào tới điểm M, chia làm hai luồng, một luồng vào rạch A, một luồng vào rạch B. Hai luồng đó tới N và P, đều tiến vào rạch C và gặp nhau ở điểm G kêu là chỗ giáp Khi hai luồng nước gặp nhau thì không chảy nữa (trừ phi một luồng rất yếu, một luồng rất mạnh thì luồng này mới thắng luồng kia được), bùn cát đọng lại ở lòng rạch C, lâu sẽ thành một cái ụ như lưng con lừa (nên người Pháp gọi là dos d’âne). Ụ cao tới một mực nào đó sẽ làm cho ghe, tàu mắc cạn và người ta phải múc đất bùn đổ lên bờ, nghĩa là phải “vét” rạch. Độc giả nhận thấy tại chỗ giáp nước, luôn luôn có hai con nước ngược nhau, hoặc cùng tiến tới G một lúc (như trên hình) hoặc cùng xa G một lúc khi nước cùng rút ra. Hiểu như vậy rồi bây giờ xin bạn coi trên bản đồ ở cuối sách. Thủy triều ở biển tiến vào sông Vàm Cỏ Lớn rồi chia làm hai luồng vào sông Vàm Cỏ Đông và Tây, sau cùng một mặt đổ vào Kinh Mới, một mặt đổ vào Thủ Thừa: Thủ Thừa thành chỗ giáp nước. Đi trên kinh rạch Nam Việt, gặp chỗ giáp nước thì luôn luôn ta thấy một cái chơ hoặc lớn hoặc nhỏ, ít nhất cũng là một xóm có vài quán bán hàng, vì chỗ giáp nước là chỗ đổi con nước; mười ghe thì chín ghe đậu lại đợi con nước sau. Trong khi nghỉ, người ta lên bờ mua thức ăn, đồ dùng, uống trà, cà phê, thế là tự nhiên nổi lên cái chợ. Tóm lại, chỗ giáp nước cũng tựa như một nhà ga có chỗ tránh trên đường thủy vậy. Chợ Thủ Thừa này vừa là chỗ giáp nước, vừa nằm trên con đường từ Sài Gòn về miền Tây do rạch Bến Lức, Kinh Mới, rạch Thủa Thừa, kinh Bà Bèo, kinh Tổng đốc Lộc, kinh Tháp Mười (cũng kêu là kinh Phong Mĩ) và Tiền Giang và Hậu Giang. Con đường đó ngắn hơn mà lại ít sóng gió hơn con đường đi trên sông lớn, tức đường do sông Soi Rạp, sông Vàm Cỏ Lớn, kinh Chợ Gạo, Tiền Giang, Hậu Giang; nên ghe, xuồng thường dùng nó, nhất là trong mùa nước đổ. (Ảnh sưu tầm) Hồi làm việc ở Thủ Thừa, tới những giờ đổi con nước, tôi thường ra bờ rạch ngắm cảnh ghe xuồng cùng nhổ sáo, đi về hai ngã, chiếc trước chiếc sau, chiếc lớn chiếc nhỏ, đầy mặt rạch trên một khoảng dài. Cũng vui như ngắm xe xuôi ngược ở ga Hàng Cỏ (1) vậy. Nhất là những buổi chiều rực rỡ, ánh hồng của mặt trời chiếu vào những chiếc buồm vàng hoặc trắng, ngọn gió hây hẩy phất phất chiếc áo của các cô chèo ghe, cảnh cực linh động. Kẻ nhổ sào ra đi thường vui, nhưng lần nào cũng có vài người tiếc cái bến tạm cất câu hò từ biệt người bạn đường mới gặp mà đã phải xa nhau: Gặp nhau còn biết trên sông bến nào? Những tình đó, có khi thoáng qua, có khi bền chặt, luôn luôn giúp cho đời sống giang hồ của họ có chút thi vị. Tại bến nào họ cũng để lại chút kỉ niệm, và gần tới một bến cũ, có khi họ vui như về cố hương vậy. ** * Tàu ngược sông Vàm Cỏ Tây, cảnh càng tiêu điều: hai bên bờ toàn là dừa nước (2) cùng lau sậy, chưn bầu. Lâu lâu mới hiện một xóm nhà lá lụp xụp ở trên một khu đất mới phá chung quanh là cỏ dại. Tàu tới vàm kinh Ngang. Nhìn trên bản đồ, thấy kinh Bo Bo, anh Bình hởi tôi: - Sao có tên kinh Bo Bo? Tôi đáp: - Tôi đoán chắc tại miền đó trồng nhiều cây bo bo. Bo bo cao và hình dáng giống như cây ngô, có hột lớn bằng đầu ngón tay út, ăn được và có tính trị thấp nhiệt, người Trung Hoa gọi là ý dĩ nhân. Tương truyền hồi Mã Viện qua đánh Hai Bà Trưng, quân lính không quen thủy thổ, bị bệnh thấp và chết rất nhiều. Nhờ có một tên Mường chỉ cho cách dùng hột bo bo mà họ đỡ chết, nên khi về nước, Mã Viện chỗ theo nhiều xe chất đầy ý dĩ nhân. Trên sông Vàm Cỏ Tây mỗi tuần chỉ có 2 chuyến tàu chạy từ Tân An lên Mộc Hóa chở thư từ và hành khách. Mộc Hóa là một quận, ở gần ngọn sông ấy. Ngoài công sở như quận, nhà thương, trường học là cất bằng ngói, gạch, còn hết thảy các quán ở chợ đều bằng ván. Chợ lèo tèo, mới 9 giờ sáng đã không còn ai mua bán nữa. Vài chú lính ngáp dài trước li cà phê trong những tiệm nước tối tăm và đầy ruồi. Cách chợ chừng 100 thước là bốn bề một màu cỏ lác xanh thẳm tới tận chân trời. Miền đó là miền nghèo nhất Nam Việt, các công chức phải lên Mộc Hóa tự coi mình như bị đày vậy.Chú thích của Goldfish:
[1] Tức bản đồ ở trên.
[2] Svay Riêng thuộc Kampuchia, ta còn gọi Xvây Riêng hoặc Xoài Riêng.
[3] Từ năm 1985 đã có đường xe lửa đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho, với các ga: Sài Gòn, An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình An, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương, Mỹ Tho. Năm 1958, tuyến đường sắt này bị dỡ bỏ, sau 73 năm tồn tại.
(1) Tại Hà Nội
(2) Một loại cây mọc ở bờ nước không có thân, lá như lá dừa, dùng để lợp nhà, trái ăn được, mát nhưng rất nhạt nhẽo.