Đo mực nước để đào kinh
Trên kinh Lagrange
Đồng cỏ lác
Những dân vô định cư
Hồi xưa đồng này là một cái vịnh
Gần tới Gãy Hôm đó, chúng tôi không lên tới Mộc Hóa mà ngừng ở vàm kinh Lagrange (người miền đó kêu là kinh Lạc Giăng).
Tôi lên bờ xét công việc coi nước. Trên các kinh rạch Đồng Tháp, sở Thủy Lợi cho cắm hơn 20 cây đo nước, mỗi cây giao cho một người giữ. Bổn phận của họ là cứ mười lăm, hai mươi phút hoặc nửa giờ, một giờ một lần, đo mực nước trong kinh rạch ở trên thước rối rồi ghi vào một tờ giấy. Công việc ấy rất cần cho sự đào kinh. Chẳng hạn muốn đào con kinh từ A đến B và muốn cho nước kinh chảy từ A tới B thì mực nước ở A luôn luôn phải cao hơn ở B. Nếu không đo trước mực nước, đào bậy bạ, gặp một chỗ mực nước cao hơn A, thì mực nước sẽ chảy dồn về A và đáng lẽ phải tháo nước ở A đi thì ta lại làm cho A ngập nữa, nguy hại biết chừng nào.
*
* *
Làm xong công việc sở ở Vàm, chúng tôi xuống táu ăn cơm trưa và cho tàu chạy trên kinh Lagrange về phía Gãy
[1].
Kinh này là một trong những kinh lớn nhất ở Đồng Tháp, một khúc đào từ đầu thế kỉ do sáng kiến của cựu chánh tham biện
(1) Tân An là Lagrange. Kinh rộng trên 20 thước, đất trong kinh đổ lên hai bên, thành thử bờ cao gần như con đê. Đất toàn là thứ đất sét xám không cây gì mọc được và cảnh trên bờ rất trơ trọi. Khoảng năm sáu trăm thước hoặc một hai cây số mới gặp một túp liều lá thấp lè tè, tối om om, vì chỉ có mỗi một cái cửa nhỏ để ra vào. Trước mỗi túp liều, ở dưới kinh có cặm một cái xuồng.
Khi tàu gần tới, những người trong nhà chạy vội xuống bờ kinh, giữ chiếc xuồng cho khỏi trôi ra xa và ngơ ngác nhìn chúng tôi; họ biết chỉ có tàu chính phủ mới chạy trong kinh này nên tưởng chúng tôi đi điều tra một việc gì quan trọng. Tàu cuốn nước trong lòng kinh, giựt chiếc xuồng ra và để lại phía sau một làn nước bùn đục ngầu, nổi sóng một hồi lâu.
*
* *
Chúng tôi lên trên mui tàu, ngồi cạnh người tài công ngắm cảnh. Kinh như một miếng thiếc dài chói lọi dưới ánh nắng.
Tôi bảo anh Bình:
- Chúng ta đương tiến sâu vào Đồng Tháp đây. Nếu ngồi trên máy bay nhìn xuống, anh sẽ thấy một tấm thảm bi da mênh mông, chung quanh viền một thứ lụa màu xanh nhạt hơn, tức vườn tược và ruộng nương. Nhìn kĩ, sẽ thấy trên tấm thảm những băng nhỏ thẳng hoặc cong cong bằng sa tanh lắp lánh dưới ánh mắt trời. Đó là những kinh, rạch trong đồng. Cảnh đẹp thì không đẹp, nhưng cũng có một vẻ hùng tráng riêng.
- Khi chưa vào đây, đọc du kí của Phạm Quỳnh, tôi tưởng toàn cõi Nam Việt đều là đất cát phì nhiêu, vườn tược xanh tốt, lâu đài tráng lệ. Bây giờ tôi mới thấy một vẻ khác của xứ này.
- Tôi cho cảnh đây không kém cảnh sa mạc nơi biên tái Bắc Trung Hoa, hoặc cánh đồng cỏ miền Cực Tây của Mĩ.
- Anh nói có phần đúng. Mà sao chưa có thi nhân nào tả miền này nhỉ!
- Thi sĩ nào mà chịu tới sống ở đây. Vả lại tả liễu, tả oanh, tả mớ tóc ngang vai, tà áo trong gió, vẫn thích và dễ hơn chứ! Tuy nhiên, trong số dân quê kia, tất có những thi sĩ vô danh gởi tình cảm của họ trong lời ca mộc mạc. Tôi đã được nghe lời ru con sau này một buổi trưa, khi đậu ghe trên kinh 28:
Trời xanh, kinh đỏ, đất xanh,
Đỉa bu muỗi cắn làm anh nhớ nàng.
Bao giờ cho lúa chín vàng,
Cắt rồi anh trở về làng thăm em.
Đất xanh vì đầy cỏ lát. Còn hai câu này nữa:
Trên trời muỗi kêu như sáo thổi,
Dưới nước đỉa lội như bánh canh (2).
Dân ở đây đều là người tứ chiếng, từ mọi nơi trôi giạt lại. Họ là những người tá điền ở Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc, Rạch Giá… Sau những năm thất mùa liên tiếp, một ngày kia thu thập cả gia tài: mùng, nóp, nồi niêu, một vài gia lúa, một con heo, rồi dắt nhau xuống xuồng, chồng chèo mũi, vợ chèo lái, cứ nước xuôi thì đi, nước ngược thì nghỉ, lênh đênh trên các kinh, rạch, ghé đây một ngày, kia một buổi để điều tra, tìm một miếng đất mới hoặc một ông chủ điền nhân đức hơn, rồi sau cùng phiêu bạt tới đây. Họ cắm sào, lựa một chỗ làm nền nhà rồi khuân đồ lên bờ. Họ đốn cây tràm làm cột: tràm miền này không thiếu; chặt lá dừa nước về lợp và làm vách: lá dừa nước đây đầy đồng.
Chỉ vài ba ngày là xong cái chòi. Vợ nuôi heo, vịt; chồng đánh cá, làm ruộng. Đất đây vô chủ, khỏi phải mướn ruộng, chỉ cần phát cỏ rồi gieo, không dùng tới trâu cày. Có một cái phảng (3) và vài giạ lúa giống là đủ vốn để làm ăn rồi. Tới mùa mà khá thì họ ở lại làmthêm một nùa, nếu không lại chở cà gia tài xuống xuồng rồi phiêu lưu một chuyến nữa, Họ gần như vô định cư.
Cái phảng (Ảnh sưu tầm)
Tất nhiên là làm ruộng như vậy thì lúa khó tốt được; mọi sự là nhờ đất và nhờ trời. Đất ít phèn, nhiều phân thì khá; trời đừng hạn, đừng lụt quá thì mỗi công (phần mười mẫu tây) cũng được sáu bảy giạ (4) lúa. Phác chừng 50 công thì một gia đình 4 người ăn tiêu trong một năm; trước sau khó nhọc không đầy một tháng mà kết quả được như vậy, ai mà không ham? Nhưng trăm người không được một người may như vậy! Phần đông làm luôn hai ba mùa mà nghèo vẫn hoàn nghèo; lúa xanh mơn mởn, chỉ trong một đêm chuột cắn hết, không còn một cây nào đứng. Rồi tới nạn trích (5), cua, phèn, lụt.
Con trích (Ảnh sưu tầm)
Hễ đất mới thì luôn luôn như vậy, có thể mau giàu, nhưng cũng rất dễ phá sản. Phải kiên nhẫn lao khổ năm sáu năm, đất đã “thuộc” rồi, mới chắc đuợc hưởng lợi.
Chú thích:
(1) Tức chủ tỉnh (ở Trung, Bắc gọi là công sứ)
(2) Bánh canh là thứ bánh bột vê lại thành từng sợi dài, lớn non chiếc đủa để nấu canh với tôm, thịt.
(3) Một thứ dao để phát cỏ.
(4) Lớn hơn thùng ngoài Bắc một chút. Đất tốt ở Nam Việt được trung bình 120 giạ một mẫu Tây, đặc biệt lắm mới được 150 hoặc 200 giạ. Ở Bắc Việt, mỗi mẫu ta được trung bình 60 thùng, tức 180 thùng một mẫu Tây, bằng khoảng 150 giạ ở Nam.
(5) Một loại chim tựa con gà, mỏ lớn, hay phá mùa màng.
Chú thích của Goldfish:
[1] Về kinh Lagrange và Gãy, trong Người Bình Xuyên của Nguyên Hùng của có đoạn sau: “…kinh Dương Văn Dương (trước là kinh Lagrange). Con kinh này chạy song song với kinh Nguyễn Văn Tiếp (trước là kinh Cậu Mười Hai). Kinh Nguyễn Văn Tiếp cắt ngang Đồng Tháp Mười, nối liền sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền. Kinh Dương Văn Dương ngắn hơn, chạy tới Gãy Cờ Đen thì đụng kinh Tháp Mười ăn thông với Nguyễn Văn Tiếp”.
*
* *
Ba giờ rưởi chiều chúng tôi đến Ngã Năm. Chỗ này có một xóm nhỏ. Con kinh chạy ngang trước mặt chúng tôi là kinh 12.
Tôi cho tàu ghé bờ, lên coi một cây đo nước và vài trụ đá, trong khi anh Bình đi dạo cảnh. Nửa giờ sau, tàu tiếp tục tiến về Gãy. Anh Bình bảo tôi:
- Dân miền này nghèo quá. Hầu hết nhà nào cũng chỉ là một cái chòi chừng 8 thước vuông, kê một hai cái chõng tre, bàn ghế chẳng có gì cả. Và họ dơ lắm: heo ở chung lẫn với người; quần áo họ thì đen mà mốc trắng.
Tôi hỏi:
- Có nghèo bằng dân quê Bắc Việt không?
- Nghèo hơn nhiều. Ngoài Bắc, dân quê nào cũng có một cái nhà lá ba gian và gian giữa có bàn thờ hẳn hoi chứ.
- Anh lầm rồi đấy. Miền này nhà cửa tồi tàn thật, vì dân gần như vô định cư, nay ở mai đi, thì sửa sang nhà cửa làm gì? Muốn biết rõ tình cảnh họ ra sao, phải xét cách ăn mặc của họ. Nghèo tới mấy, suốt năm họ cũng được ăn cơm với cá hoặc mắm, chứ không phải ăn khoai, ăn ngô (bắp) như ngoài Bắc; và anh có nhận thấy không, trong những chòi lá đó, một vài phụ nữ bận quần bằng tơ và đeo những đồ tế nhuyễn bằng vàng Tây mà trong này gọi là đồng [1]?
Còn bảo họ dơ thì cũng phải, nhưng anh thử nhìn xem nước kinh này có sạch không? Đỏ như gạch, chát sít những phèn. Một cục xà bông rớt xuống kinh, vài ngày sau vẫn còn nguyên, vì không tan. Gội đầu bằng thứ nước ấy thì tóc rít lại, gỡ không ra [2]. Như vậy thì mặc đồ đen là phải, và những vết trắng trên quần áo họ không phải mốc đâu, là phèn đấy.
- Tôi nhận xét hơi vội, anh nói có lí. Tại sao nước trong kinh có phèn?
- Tại đất trong cánh đồng này có phèn. Nhưng đất thấp ở gần biển mà chưa khai phá thì thường có muối hoặc phèn, nên ta thường gọi những nơi đó là đồng chua nước mặn.
- Cánh đồng này có gần biển đâu mà cũng có phèn?
- Theo các nhà địa chất học thì hồi xưa, đây là một vịnh chạy dài tới Tây Ninh và núi Bà Penh ở Cao Miên. Đất bồi lần lần thành một cái vũng, sau cùng lấp cả những nhánh của hai con sông Vàm Cỏ và thành cánh đồng. Người ta đã đào thấy ở nhiều nơi những cây tràm gần thành than [3], vùi dưới đất sâu tới trên một thước.
Hiện nay cánh đồng này chỉ cao hơn mực nước trung bình ở biển từ 5 tấc tới 1 thước. Vậy nếu cánh đồng này ở sát bờ biển thì mỗi ngày hai lần nó bị ngập khoảng một thước nước.
Phèn trong kinh này là thứ phèn đỏ, có nhiều chất sắt, có thứ phèn xanh có nhiều chất a-lu-min (alumine) [4].
Đất chỗ nào có nhiều phèn thì chỉ thấy mọc nhiều năng, bàng (1), lác và đưng, tức những loại cỏ mà người Pháp gọi là Joncs, cho nên cánh đồng này mới có tên là Plaine des Joncs. Lác và bàng đều dùng để dệt chiếu và đan nóp, còn đưng và năng chỉ để lợp nhà, như rạ ngoài Bắc.
- Nóp là cái gì, anh?
- Nó là cái bao dài độ 2 thước rộng độ 7 tấc vừa làm màn (mùng), vừa làm chăn (mền). Dân quê trong này đi đâu làm ăn cũng mang nó theo, ban đêm chui vào trong, rồi tha hồ lăn trên đất mà ngủ, muỗi không sao vào mà cắn được. Bịt hơi lắm, nằm không quen chỉ năm phút là nghẹt thở. Nhưng nhà nghèo phải dùng nó, vì nó rẻ tiền và cũng chỉ có nó mới chống nổi với muỗi ở miền này. Thứ màn tuyn của người Pháp thì muỗi chui vào được như thường. “Muỗi Sài Gòn” đã có tiếng ra tới miền Bắc mà! Rồi anh sẽ thấy muỗi Sài Gòn ra sao.
*
* *
Tàu gần tới Gãy thì nhà lá hai bên bờ càng nhiều. Khoảng bảy giờ chiều, một cảnh mà chúng tôi không bao giờ quên được hiện ra trước mắt: Mặt trời lớn bằng cái nia, đỏ như cục than hồng, chìm lần trong đám khói mông lung ở chân trời; con kinh lấp lánh tựa xa cừ, đâm thẳng vào mặt trời, rồi bỗng nhiên ngưng lại, như bị chặt ngang mà đứt khúc. Tôi có cảm tưởng rằng chỗ đứt ấy là một vực thẳm và bao nhiêu nước trong kinh ùa cả vào vực mà xuống âm ti.
Lạc Giăng
Nơi đó là Gãy, kinh và kinh Cát Bích (4 bis) [5] gặp nhau thành một mũi nhọn kì dị, không khác một cành cây bẻ gập lại.
Tới Gãy thì mặt trời vừa lặn. Chúng tôi cho neo tàu lại.
Chú thích:
(1) Đừng lầm với một loại cây cao, cành như tán xòa ra và cũng có tên là bàng.
Chú thích của Goldfish:
[1] Các nữ trang gọi là bằng “đồng” chỉ có nhiều nhất là 40% vàng 24K, còn gọi là vàng 4 tuổi; trong khi đó “vàng Tây” là vàng 5 tuổi, và “vàng 18” là vàng 7,5 tuổi.
[2] Có lẽ những người này gội đầu bằng nước tro vỏ trái gòn hoặc hàn the.
[3] Người ta gọi những cây tràm bị vùi dưới đất đó là tràm lục.
[4] Nên hiểu phèn xanh ở đây là phèn nhôm chứ không phải là thanh phàn (CaSO4)
[5] Tức kinh Quatre bis (tiếng Pháp). Kinh này còn được gọi là kinh Số 4 Mới hoặc kinh Tư Mới.