Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Quê nội

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 31397 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Quê nội
Võ Quảng

Chương 4
 Suốt năm 1946 là mùa xuân. Mùa xuân như kéo dài đến tháng Mười. Mùa mía đường đã qua, tôi chưa thấy mía nào ngọt bằng mía năm đó. Ddến mùa tơ tằm, tôi chưa thấy sợi tơ nào mượt bằng sợi tơ năm đó. Ngô nướng có một vị ngọt khác thường. Dọc đường đầy tiếng chim. Tiếng bồ chao vang lừng. Tiếng bồ cát ấm áp. Và thật kỳ diệu! Núi non bỗng sáng lên rời rợi. Cỏ cây dọc đường rung lên, reo vui, trò chuyện. Lúc tôi còn níu áo mẹ theo vào chợ chiều, con đường làng xa xôi như dài đến xứ... Tây Trúc. Con đường ngắn dần, cho dến năm 1946 nó bỗng dài ra thênh thang vô tận. Tôi đi dọc đường gặp toàn những nụ cười thân mến. Chuyện ném đất đá vào đầu ông Bốn Rị hóa xa xôi thành chuyện thời trước. Trong làng, những đứa láo xược nhất không còn gọi tôi bằng thằng," thằng Cục chăn trâu, bị một cục u trên trán". Ông thợ mộc ngoài vạn không còn hỏi tôi có giấu chơi chiếc đục. Ông còn mời tôi uống bát nước chè. Tôi và thằng Cù Lao được cả ông Tư Trai mời nếm món mắm ngon của Đà Nẵng.
- Này Cục, này Cù Lao! Ngồi lại đây ăn thử cho biết. Đây là thứ mắm dãnh. Ông Biện Thành ở Đà Nẵng gởi biếu tao đó!
Tôi bỏ thói vật lộn, chọc chó và đi rông. Tôi làm gì cũng có ý có tứ. Trước kia khi ra sông tắm, tôi cởi phăng hết quần áo, rồi hét tướng:
- Hãy theo ta!
Tôi nhảy tòm xuống sông. Bọn chăn trâu nhảy tòm theo. Chúng tôi chơi trò dìm nước. Đứa này cố dìm đứa kia xuống nước. Chơi rất ác! Đè nhau đến ngạt thở, phải lạy mới chịu tha. Sau này, chúng tôi không tắm vậy nữa. Tôi và thằng Cù Lao mặc cả quần khi xuống tắm. Nếu phải cởi quần, hai đứa phải chạy ra xa, đi khom khom rồi đột ngột phóng xuống nước. Tôi phải cúi sấp về phía trước, đưa lưng cho thằng Cù Lao kỳ cọ. Tôi bắt nó kỳ nách, kỳ hông cho đến hết mùi khét của trâu mới thôi. Tôi bắt thằng Cù Lao đưa lưng cho tôi kỳ. Tôi vừa kỳ vừa ngửi, kỳ cho đến lúc da nó đỏ lên mới thôi. Thằng Cù Lao bắt chước người lớn uống nước chè đặc. Nó uống cạn bát, chép miệng gật gù:
- Chà! Ngon quá!
Tôi bắt chước người lớn ăn cay, nói lớn, nhổ thật xa, vỗ vai tụi nhỏ, sai chúng làm việc này việc nọ. Tôi nói với mẹ nên bán quách con trâu Bĩnh. Nghề chăn trâu chẳng nên danh giá gì. Tất cả bọn chăn trâu dù siêng năng đến mấy cũng bị gọi bằng thằng, bằng bọn, bằng tụi, bằng lũ. Có đứa chăn trâu nào được gọi là thầy chăn trâu đâu!
Đất trời năm 1946 trong veo cho đến tháng Chín. Núi Trường Định, hòn Cà tang vẫn xanh. Đến thu, vài hạt mưa bay. Đến tháng Mười có gió heo may, có mây mù. Mưa lại đổ. Con sông Thu Bồn lại phềnh ra, đổi màu xanh ra màu vàng. Nhưng chỉ hơn một tháng sau nước lại xanh leo lẻo. Vạn Hòa Phước trong veo, thấy được từng hòn sỏi dưới đáy nước. Thuyền qua lại đông hơn. Đến giữa mùa đông, một thuyền mành hai buồm cập bến Hòa Phước. Một cán bộ bước xuống bến, đi thẳng vào làng, trao cho anh Bốn Linh bức thư của anh Sáu ở Đà Nẵng gửi về. Thư viết:
" Chú Bốn.
Đà Nẵng phải chuẩn bị mọi việc sẵn sàng. Bên tư pháp đưa về gửi tạm ở Hòa Phước bốn chiếc rương. Nhờ chú sắp xếp để cất giấu cho chu đáo. Chú có thể tạm cất bốn chiếc rương trong miếu Bà Tằm rồi khóa cửa miếu lại.
Ký : Nguyễn Văn Sáu
Tái bút:" Ngoài nàu có bác sỹ Thụ muốn đưa vợ và cô con gái là Tuyết Hạnh về Hòa Phước ở tạm một thời gian. Họ đi trước như vậy để được yên ổn. Nhân tiện nhờ chú tìm nhà và sắp xếp chỗ ở cho họ. Bà Thụ gốc người làng mình, như chú đã biết".
Người đưa thư cho biết bốn chiếc rương đã cập bến. Anh Bốn Linh phải cho ngay người đưa rương vào làng cất giữ. Anh Bốn theo người đưa thư ra bến. Bốn chiếc rương lớn bằng kẽm chiếm trọn một khoang thuyền. Rương nào cũng khóa kỹ. Anh Bốn gọi chú Năm Mùi đi hạ tre làm một đôi quang mới, gọi ông Kiểm Lài và đội tự vệ đưa bốn chiếc rương lên bờ. Bốn chiếc rương kẽm sắp thành một dãy sáng nhoáng. Trên mỗi rương đều có ghi bốn chữ T.A Quân sự. Nét chữ gân guốc. Tuy không nói nhưng tất cả đều nghĩ đó là những rương vũ khí. Tôi và thằng Cù Lao đoán T.A Quân sự là loại vũ khí vô cùng lợi hại. Từ cổ chí kim, Hòa Phước chưa tiếp những " vị khách" lạ như vậy! Bốn chiếc rương kẽm từ bến sông tiến vào làng uy nghi như bốn cỗ pháo tiến vào trận địa!
Thằng Cù Lao rất toại nguyện được chú Năm Mùi phân công giữ kho vũ khí T.A Quân sự. Giữ vũ khí cũng là công tác quân sự. Cha nó vào công tác trong quân giới, là công tác quân sự, nay nó cũng được làm công tác quân sự. Thằng Cù Lao lúc ở Đà Nẵng từng thấy đoàn quân Nam tiến rầm rập bước vào sân ga, giữa muôn nghìn tiếng hô như sấm động...
Mỗi lúc chiều xuống, trước khi đến lớp bình dân, rôi và thằng Cù Lao đi tuần tra một vòng vào miếu. Sau khi những ngọn đèn từ các lớp học tỏa ra, chúng tôi lại tuần tra một vòng vào miếu. Thằng Cù Lao nắm tay tôi bước lò dò như chui vào hang sâu thăm thẳm. Ngôi miếu nằm giữa những cây đa to, bóng tối đen đặc. Chợt thằng Cù Lao nói khẽ:" Đến rồi". Nó đẩy cửa miếu kéo tôi bước qua ngạch cửa. Tôi khụt khịt muốn ho,. Thằng Cù Lao bóp bóp tay tôi, bảo phải im. Tiếng gió huýt dài. Cả chòm sung xào xạc. Trên nóc miếu như có tiếng chân đi. Chợt một loạt tiếng " tắc, kè" khô khốc, nổ sát bên tai. Tôi giật bắn người. Thằng Cù Lao thì thầm bảo tôi phải bấm tay. Nó đã bày cho tôi cách chống sợ, phải bấm ngón tay cái vào đầu ngón tay trỏ. Thằng Cù Lao đập nhẹ chiếc rương. Roặc! Tắc kè bỏ chạy.
Bay ngày, thỉnh thoảng thằng Cù Lao cũng đi tuần tra chỗ cây sung.
Thằng Cù Lao gạ:
- Này Cục! Tôi là một, Cục là hai, chỉ hai đứa mình biết. Chúng mình trèo lên chỗ cái hốc trên cây sung, ngồi trong đó thấy được bãi dâu, thấy hết. Kẻ gian đằng xa, mình thấy được.
Tôi hùa theo:
- Ngồi trên đó! Rất tuyệt! Cứ để bọn Việt gian vào miếu, bất giác ta nổi la làng. Cả làng ập đến trói gô chúng lại. Lập thành tích vậy, cấp trên sẽ thưởng cho mỗi đứa cái súng lục!
Nhưng khi nhìn lại thấy cây sung trơn tuột, tôi hỏi:
- Sao leo lên được?
- Khó gì! Ngoài đảo chỉ có vách đá. Vách đá dựng đứng trên biển. Có chỗ nào dựng thang được đâu? Bọn chim yến làm tổ trên đó. Người gỡ tổ yến bơi thuyền đến chỗ vách đá. Yến làm tổ trong các hốc, họ đứng dưới thuyền cầm một dây dài, đầu dây có buộc cây cọc. Họ vứt sợi dây lên vách. Cọc bị mắc vào hốc hoặc vào dây. Họ đu dây, trèo gỡ tổ yến. Ta cũng làm vậy.
Tôi và thằng Cù Lao chạy tìm dây. Nhà tôi có nhiều loại dây, nhưng dây nào cũng đang cột. Nếu gỡ những dây giàn bếp, tất cả những nồi niêu bát đĩa sẽ đổ ào xuống. Con trâu Bĩnh có cái dây mũi. Nhưng mất dây mũi nó sẽ bỏ chạy. Dây cột gàu múc nước là loại mỏng manh. Ông Bảy Hóa có cái dây lưng làm bằng cả một khổ thao rất dài. Ông quấn đến hai vòng quanh lưng, buộc hai mối thả xuống thành một cái đùm xòe đến gối. Mượn được cái dây đó thì tuyệt vời. Tôi cứ nhìn nhưng không dám hỏi mượn.
Tôi bàn nên tháo cái dây treo cần xay lúa. Thằng Cù Lao chưa tháo xong thì chị Ba hiện ra trước cửa. Chị Ba bắt phải cột lại cần xay. Chị xúc lúa đổ vào cối bắt tôi và thằng Cù Lao phải xay. Sau đó, anh Bốn Linh cũng biết việc tôi đi tìm dây. Ông Bảy Hóa bảo tôi và thằng Cù Lao dám cả gan cứ nhìn vào lỗ rốn của ông. Thằng Cù Lao thú thật nó muốn trèo lên cây sung tìm cái hốc. Nó sẽ đặt trạm gác trên đó. Anh Bốn không cho phép trèo cây, như vậy rất nguy hiểm. Theo anh Bốn Linh cho biết thì ra những rương T. A Quân sự chỉ chứa toàn sách và giấy. Đó là những hồ sơ ở sở mật thám Pháp ta bắt được, cả những hồ sơ của toà án quân sự của ta. Chữ "T.A Quân sự" có nghĩa là Tòa án Quân sự.

<< Chương 3 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 369

Return to top