Từ hôm anh Bốn Linh ở huyện về cho biết Pháp đánh ta ở Nam Bộ, ai gặp anh cũng hỏi, cũng muốn biết tin tức một cách rõ ràng. Ông Bảy Hoá còn muốn vào Nam Bộ đánh bọn xâm lăng. Tôi và thằng Cù Lao không chỉ tập bơi mà còn luyện các môn võ của anh Long dạy ở chòm đa Lí. Anh Bốn dặn chớ đem những chuyện học võ ở chòm đa Lí nói cho người khác biết, vì đó là những việc bí mật. Khi đã biết đó là bí mật thì ở trong tôi những việc đó cứ muốn tràn lên. Có lúc tôi phải cố đè xuống. Mỗi buổi sớm, tôi và thằng Cù Lao ra trước sân luyện miếng võ trói, võ gói. Đối với bọn trẻ trong làng, nhất là mấy đứa cao giò, tôi ngứa ngáy muốn thử cho chúng một miếng trói để cho chúng biết mặt...
Chị Ba đi dự lớp huấn luyện ở huyện về, công việc của chị càng bận rộn. Có đêm chị phải thức khuya chép những bài học, chép lại những câu hay chị đã nghe được. Chị đọc cho tôi nghe một vài đoạn: “Ta đã giành được tự do độc lập. Đời đã đổi mới. Trước đây ta nai lưng làm việc cho đế quốc. Nay ta làm việc cho Tổ quốc ta. Ta làm việc tốt thì Tổ quốc sẽ giàu mạnh. Ta phải làm việc cho ra hồn”.
Chị Ba đọc xong, nhìn tôi:
- Cục nghe chưa ? Phải làm việc ra hồn, không phải đi vật lộn với bọn chăn trâu, bị cục u trên trán đâu!
Chị đọc tiếp: “Những người bị áp bức như chúng ta, trong nước có đến hàng triệu, trên toàn thế giới có hàng mấy trăm triệu. Họ rất tích cực ủng hộ chúng ta. Còn bọn đi áp bức bóc lột chỉ là một nhóm rất ít. Một nhóm rất ít không thể chống lại hàng trăm triệu người. Nhất định chúng ta sẽ thắng!“.
Tôi giảng thêm:
- Tôi nghe chị nói chỗ này rồi. Dù chúng ta có ít, nhưng nếu chúng ta biết được miếng trói của anh Long nhất định chúng ta sẽ thắng bọn áp bức bóc lột.
Thằng Cù Lao phụ hoạ:
- Miếng trói tài quá!
Chị Ba mở to cặp mắt:
- Miếng trói chi rứa?
Tôi cố chứng minh:
- Miếng trói tài quá! Anh Bốn võ giỏi cũng bị trói không cựa quậy nổi. Chị Ba biết được miếng trói đó thì đàn bà xứ này phải nể mặt. Anh Long dạy miếng đó. Chị hỏi anh Bốn thì rõ!
- Đúng vậy, chị Ba ợ! - Thằng Cù Lao nói đầy tin tưởng.
Chị Ba gạ:
- Thế hai em tập cho chị với!
Tôi lắc đầu:
- Không được!
- Vì sao?
- Anh Bốn bảo về nhà đừng nói ai biết. Lỡ chị truyền cho người khác biết, người đó trói lại chúng ta thì chết cha.
Chị Ba bỏ nhỏ:
- Thì chị có truyền ai đâu!
Tuy trong bụng tôi thích truyền miếng võ cho chị Ba nhưng tôi làm cao:
- Khó lắm! Vậy phải thề mới được!
- Chị thề, nếu đem truyền miếng võ cho ai thì bị đâm đui con mắt.
Tôi bắt chị Ba đứng lên, bảo chị cứ lo chống đỡ để giữ tính mạng. Đột ngột tôi xông vào, móc cánh vai trái của tôi vào cánh tay phải của chị, lấy thế đòn gánh bẻ ngược cùi chỏ. Chị Ba kêu một tiếng thất thanh:
- Ới ới! Gãy tay rồi!
Như vậy là môn trói của tôi đã có kết quả. Sau đó tôi giả làm kẻ địch để chị Ba trói. Tôi bày chị cách gỡ trói, cách gạt chân và nhét giẻ vào mồm. Chị Ba khen, miếng võ của tôi tài lắm. Sau đó vài hôm, nhiều chị cũng biết trói. Tôi nghi thằng Cù Lao đã truyền miếng trói cho các chị ban đêm khi đi gác. Các chị bảo nhau:
- Cái miếng trói hay quá chừng, làm mình đi đêm đỡ sợ. Cánh tay của mình bị đau nhưng mình sẽ đem truyền cho các bà bị chồng đánh. Các ông chồng đánh vợ sẽ bị gãy tay, không dám đánh vợ nữa!
*
* *Cha tôi là lính ở tiểu đoàn 17 đóng ở Đà Nẵng viết thư về thăm chú Hai và thằng Cù Lao. Trong thư, cha tôi tỏ ý sung sướng nghe tin chú Hai đã về làng. Cha tôi khen thằng Cù Lao nhỏ vậy mà dám vượt biển tìm về quê nội:
“Cháu là đứa con của cách mạng. Chú tin sau này cháu sẽ thành một cán bộ quân sự giỏi, lo bảo vệ quê hương đất nước”. Về xưng hô thì chú Hai phải gọi cha tôi bằng anh. Nhưng trong thực tế cha tôi nhỏ hơn chú Hai đến mười mấy tuổi. Cha tôi viết:
“Chú hãy tin là từ nay đã chấm dứt mọi áp bức bất công. Một thời đại mới mở ra trước mắt. Anh khuyên chú nếu còn sức khoẻ, nên gia nhập tự vệ để động viên con cháu phục vụ tổ quốc, nhân dân”. Đoạn viết cho tôi, những lời lẽ trong thư lại khác hẳn. Mỗi lời trong thư như mỗi nhát roi quất:
“Tao nói cho thằng Cục biết, khi được thư này phải chấm dứt ngay những việc xưng hùng xưng bá, nào Tào Tháo, nào Triệu Tử Long, việc đánh đá ngoài sông, việc làm cho thằng Cù Lao phải bị cục u trên trán... Hễ tao còn nghe những chuyện bậy bạ như trên thì tao về đánh đón cho mà biết! Đời đã đổi mới, ai cũng phải học hành thật giỏi, để làm việc cứu nước, cứu dân”. Chị Ba vừa đọc vừa nhấn từng tiếng.
Cha tôi viết tiếp:
“Khi được thư này, thằng Cục phải đóng vở đi học ngay! Nếu lớp thầy Lê Hảo có tạm nghỉ để lo xây dựng trường mới thì cũng phải học. Cứ buổi tối đem vở ra ngoài nhà anh Bốn, nhờ anh bày cho vài chữ”. Đến đoạn nói về con trâu Bĩnh, cha tôi viết dài không kém:
“Từ đời ông cho chí đời cha, nhà ta cứ phải cày thuê cuốc mướn. nay cách mạng lên rồi, phải để cho thằng Cục đi học. Không thể có cái mả nào chỉ phát toàn chăn trâu. Mẹ nó và con Ba phải đến nhà ông Phó Xáng, giao con trâu Bĩnh cho ông ta, nói lí do là tôi bận công tác xa, còn thằng nhỏ hiện nay phải đi học, không thể nuôi rẽ nữa”. Con trâu Bĩnh là trâu của ông Phó Xáng, cha tôi nuôi rẽ. Khi trâu Bĩnh đẻ con, nghé đầu thuộc về ông Phó Xáng, nghé thứ hai thuộc về cha tôi. Và cứ thế, số nghé sẽ chia làm đôi. Đến mùa cày cấy, cha tôi phải cày không công một số đất ruộng của ông Phó.
Cha tôi đoán trước ở nhà vẫn còn tiếc rẻ con trâu Bĩnh nên tái bút:
“Mọi việc phải tính gọn lại. Không nuôi trâu Bĩnh làm gì. Phải để cho thằng Cục đi học”. Mọi người đều phân vân. Con trâu Bĩnh đã nuôi sống gia đình tôi. Tôi lớn lên nhờ vú mẹ và nhờ công lao khó nhọc của nó. Ngày trước, khi cha tôi đi cày có đánh nó. Cái đó cũng vì bắt buộc. Cha tôi hiểu rõ nếu nó kéo cày đi chậm thì bát cơm của chúng tôi sẽ bị lúng đi. Con trâu Bĩnh về ở với chúng tôi đã hơn bảy năm. Nếu cộng những vết roi rớm máu quất vào sườn, vào chân nó thì con số có đến hàng chục vạn. Những lời chửi mắng, cho nó là con khỉ, con tinh, cần để đói cho xanh xương, có đến hàng triệu lời. Cũng may những lời chửi mắng tan ra rồi bay mất. Nếu nó đọng lại thì cả nước sông Thu Bồn cũng không rửa hết. Con Bĩnh bị mắng chửi nhiều nhất vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân, là mùa đường mía. Thường đến tháng Chạp thì mía già. Nhà làm đường bắt đầu dựng chòi ép mía. Họ phải ép cho được vài thùng nước mía trước khi trời sáng. Đó là mùa trâu Bĩnh bị chửi mắng và đánh đập nhiều nhất.
Tôi đưa trâu Bĩnh đi ép mía thuê khắp các chòi đường trong làng. Con trâu Bĩnh rất khoẻ, nhưng vừa thấy ách che nó đã hoảng sợ. Nó biết ách che còn nặng gấp mấy ách cày. Nó lùi lại. Tôi phải kéo dây mũi thật căng. Thợ ép mía phải cho một roi thẳng cánh vào đít nó, nó mới chịu bước. Thợ ép mía nâng ách đặt lên cổ nó, cột dây rồi hô to: ”Bước!”. Trâu Bĩnh choãi chân rướn cổ cố bước. Bước được một chốc thì tiếng thở đã ho he, nước dãi trào ra trắng xoá. Nó cố rướn lên nhưng hai chân không bước được nữa. Thợ ép mía xông đến quất tới tấp vào mông, vào chân nó. Trâu Bĩnh quay quắt. Tôi xông vào giật roi nổi thét:
- Trời ơi! Đánh chết trâu tôi rồi!
Mấy chú thợ ép mía mỉa mai:
- Mày cưng trâu như cưng vợ mày! Đừng dắt nó đến đây nữa!
Trâu Bĩnh đi giữa roi vọt chửi mắng. Khi mở ách, nó đứng đờ ra một lúc rồi bước chệnh choạng. Hôm sau, tôi lại đưa nó đi ép mía. Nó phải cố bước để lấy được năm xu đem về đưa mẹ tôi mua gạo.
Trâu Bĩnh có những đóng góp to lớn trong gia đình.
Chị Ba đọc hai lần đoạn thư của cha tôi nói về trâu Bĩnh. Chữ nghĩa rành rành, nhưng chẳng ai muốn hiểu gì cả. Chị Ba không ngờ cha tôi lại có ý định như vậy. Từ lâu, chúng tôi xem trâu Bĩnh như một thành phần trong gia đình, không thể tách ra được. Lúc nó mới về, chị Ba đã chăm sóc nó. Nó với chị Ba cùng soi mình ở bến nước, cùng bước trên cát mịn, cùng hứng ngọn gió nồm, tình nghĩa sâu nặng lắm. Sau đó, chị Ba giao nó cho tôi. Tôi với nó cùng ngụp lặn trong nước sông. Nó bước trong trăng sao, tôi ngồi trên lưng hát véo von lúc chiều xuống. Mẹ tôi yêu nó nhất nhà. Chẳng ai muốn nó xa gia đình cả.
Về việc trả con trâu Bĩnh cho ông Phó Xáng, ý kiến anh Bốn Linh rất dứt khoát:
- Chưa cần trả cho ông Phó Xáng. Thằng Cù Lao vừa đi học vừa chăn trâu. Nếu nó bận học thì gửi trâu cho chú Năm Mùi. Chú ưng nuôi thêm con trâu để có phân bón ruộng. Chẳng phải cày bừa gì cho ông Phó Xáng nữa.