Tôi ngồi trên lưng con Bĩnh, lòng đầy ấm ức. Con Bĩnh nặng nề bước từng bước chậm chạp. Tiết trời đã chuyển. Những trận gió nam từ lâu ngớt thổi. Khắp trời mù mịt. Ngàn dâu không xanh như mấy tháng trước. Khắp bãi dâu ngả màu trắng đục. Dâu trên cành chỉ còn những chùm lá li ti như tụm lông chim. Tôi nhớ lại rất rõ buổi nói chuyện của anh cán bộ với ban chỉ huy tự vệ. Anh nói đi nói lại mấy lần: Ngày mai ta sẽ kiến thiết như thế này, ngày mai ta sẽ xây dựng như thế kia. Thế mà chị Ba dám bảo tôi đã học sách nói láo của ông Tư Đàm. Cái oan của tôi còn nặng hơn cái oan của Thị Kính. Mẹ thường bênh tôi, nhưng nay cũng về một phe với chị Ba, cho tôi nói láo. Con trâu Bĩnh vừa đến bờ sông, tôi vụt cho nó một roi. Con Bĩnh bị vố bất ngờ nhảy chồm ra sông, nằm mẹp xuống nước. Tôi thẫn thờ nhìn quanh. Một chiếc đò nằm chờ yên lặng. Những cây đa bên kia sông nom xa giống như những cụ già cáu kỉnh. Tôi nhặt hòn sạn vứt xuống sông. Chợt có tiếng chân bước. Tôi quay lại. Thằng Cù Lao ở đâu đã tới. Nó cho biết là cha nó sẽ đi Đà Nẵng thăm anh Sáu. Nó muốn đi theo. Tôi buông cộc lốc:
- Đi Đà Nẵng hay đi đâu kệ mày!
Tôi nói là tôi đang tức lộn ruột. Tôi kể cho thằng Cù Lao nghe những việc vừa xảy ra.
Thằng Cù Lao như sửng sốt:
- Tại sao lại không như rứa? Phải có những nhà mười tầng chớ. Tui cũng nghe anh Thanh nói rứa. Anh nói trong ngày mai hay trong tương lai chi đó, rất gấp thôi. Ngày mai, chúng ta sẽ ấm no hạnh phúc, ta sẽ xây dựng những ngôi nhà đồ sộ, những vườn tược thênh thang, những bể bơi, những bãi tập, sẽ đóng những tàu thuỷ đi khắp địa cầu...
Nó thêm:
- Có khó chi! Ta làm nhanh như chớp. Liên Xô sẽ giúp ta vôi gạch, sẽ đưa tàu bay đến chuyên chở. Máy móc nhà cửa họ đã làm sẵn. Ta chỉ còn có đào đất dựng lên. Năm bảy hôm là xong tất. Nhà không phải chỉ có mười tầng mà là hai ba mươi tầng. Lúc đó chị Ba sẽ thấy, sẽ tin bọn mình. Tức giận làm chi cho mệt?
Khi thằng Cù Lao nói xong, tôi ôm choàng lấy nó. Không ngờ ở đời này còn có người hiểu tôi như vậy. Thằng Cù Lao đúng là bạn tri âm của tôi. Nó thông minh quá, biết được việc tàu bay Liên Xô giúp ta kiến thiết nhanh chóng. Tôi nói nhà có mười tầng, nó thêm đến ba mươi tầng. Không chỉ kiến thiết nhà cửa, mà còn đóng tàu thuỷ, đào bể bơi, xây công viên đồ sộ.
Tôi nhìn lại mặt mày của nó. Cái trán nó trước đây tôi thấy dô ra, nay thấy cao rộng và thông minh. Cặp mắt của nó chẳng có gì là “bất đồng”, là lừa thầy phản bạn, mà chỉ bị lác một tí thôi. Lỗ mũi nó hếch, chứng tỏ nó rất tốt bụng. Tôi hỏi:
- Làm sao Cù Lao biết được?
- Ngoài biển cũng có Cách mạng, cũng có Việt Minh, có lớp huấn luyện. Anh Thanh về mở lớp giảng nhiều cái hay lắm. Anh cũng là Việt Minh, giỏi không kém anh Sáu.
Tôi nhích gần lại thằng Cù Lao, quàng tay vào vai nó:
- Thế Cù Lao không hỏi anh Thanh bọn trẻ con mình sẽ làm chi ?
- Bọn trẻ con sẽ mặc đồng phục, đi giày da.
Tôi chưa hề mặc đồng phục và đã thấy đôi giày da. Đó là đôi giày da của ông phán Ninh đi qua làng. Nó láng bóng.
- Thế anh Thanh có nói ta thành bác sĩ, kĩ sư cả không?
Thằng Cù Lao lắc đầu nói thẳng:
- Cái chi chớ bác sĩ, kĩ sư, tôi chẳng thích.
Tôi cũng chẳng hiểu bác sĩ, kĩ sư sẽ làm gì. Chỉ biết đó là những người học giỏi, biết chữa bệnh bằng cách tiêm kim và biết vỗ trâu béo.
Thằng Cù Lao không úp mở:
- Tui chỉ muốn làm nghề bánh kẹo. Hai thứ đó ăn không bao giờ chán? Ai không thích bánh kẹo? Tui làm thứ bánh kẹo thật ngon, người ăn càng thích.
Tôi tán thành Cù Lao làm nghề bánh kẹo. Tôi không rõ người ta làm các thứ bánh kẹo ở đâu. Có lần cha tôi xuôi phố Hội An, mua về mấy phong bánh in hiệu Phú Hoà. Bánh ngon tuyệt. Cha tôi bảo ở Hội An có nhiều nhà làm bánh ngọt. Như vậy thằng Cù Lao muốn làm bánh ngọt thì phải đến tận Hội An. Làm kẹo thì dễ hơn. Tôi mách đường chỉ lối:
- Hay Cù Lao học nấu đường. Vì kẹo cũng là đường đánh thành kẹo. Làng ta có ba lò đường. Sang nhà ông Tư Trai học nghề nấu đường. Thợ nấu đường ông nào mặt mũi cũng đen thui, nước da đen của Cù Lao rất hợp. Hơi đường thơm nứt mũi. Uống bát nước chè hai khoẻ ra như uống thuốc bổ.
Thằng Cù Lao chợt hỏi:
- Thế nấu đường có được đi đây đi đó không hở?
- Ấy! Đã nấu đường thì phải canh bên chảo! Phải bỏ vôi, phải múc nước mía, phải vớt bọt, phải khuấy đường. Lúc đường sắp quánh, lỡ một chút là đường khét ngay!
Thằng Cù Lao tỏ ra rất phân vân. Nghề gì bị cột chân một chỗ là nó xin vái không làm.
Tôi nhắc đến các nghề khác. Nghề làm tằm cũng bận rộn xung quanh cái nong cái né. Nghề kéo thao cũng phải ngồi bên nồi kén. Nghề chằm nón làm cho mọi người không bị cảm mạo, nghề bồi quạt làm cho mọi người có gió mát, nghề thợ nhuộm làm cho áo quần cũ trở nên mới, tất cả các nghề đó rất khó đi xa. Cả những nghề nhỏ nhất như nghề đan phên, nghề đắp ông táo cũng không hợp với nguyện vọng đi đây đi đó của thằng Cù Lao. Tôi nhớ đến những người bán hàng chạy, đi từ làng này sang làng khác. Thỉnh thoảng ông bán nồi đất gánh một gánh nồi rao to: “Ai mua nồi không?”. Một lát sau vang lên tiếng rao bán chiếu, bán nong, bán vải, bán dầu rái. Tiếng rao của bác dầu rái giữa trưa vang lên cao vút. Trời càng nóng bác chạy càng nhanh. Trời nóng làm dầu rái lỏng ra, đong được lợi. Bác bán dầu rái không chỉ được đi, còn được chạy...
Cuối cùng, thằng Cù Lao thích bán dầu rái. Nhưng rất bí là không biết lấy dầu rái ở đâu. Tôi chợt nhớ ra ông thợ hàn nồi bịt bát. Ông thợ hàn nổi bịt bát đã từng làm tôi mê tít. Nghề bịt bát hàn nồi mới thật là nghề lí tưởng. Ông quảy một cái gánh. Ở một đầu gánh là một chiếc bầu, đầu bên kia là một ống bể. Ông đi khắp xóm làng, rao to:
- Trong nhà có ai bịt bát hàn nồi không?
- Vào đây, bịt cái bát.
Ông thợ bước vào, đặt gánh xuống, nhóm lò than. Ông mở bầu, bầu đựng cả một thế giới kì lạ: cái kéo nhỏ xíu, cái búa to bằng ngón chân, cái vỏ sò to bằng lòng bàn tay, cục hàn the, những miếng đồng, những mẩu thép sột soạt. Ông kéo bễ nghe phì phò. Ông nấu chảy cục chì óng ánh. Chắp, dán, mài, giũa, cái bát vỡ bỗng chốc lại lành. Ông bịt thêm trên miệng một vòng dây đồng sáng chói. Cái bát lại được đặt lên vị trí cũ. Ông nhận tiền công, lại tiếp tục quảy gánh đi nơi khác. Tiếng rao hàn nồi bịt bát chỉ còn nghe mơ hồ sau bờ tre. Thằng Cù Lao nhất định phải làm nghề này, sẽ luôn được đi đây đi đó.
*
* *Chị Ba nhiều lúc tỏ ra rất đáng yêu. Đó là những lúc chị làm món bắp lớ, hay khuấy món bánh đúc. Chị để phần tôi cả một bát đầy. Có trái ổi chị cũng mang về cho tôi. Trước ngày cướp chính quyền, đi xem tuồng Phạm Công – Cúc Hoa đến đoạn Cúc Hoa hiện hồn về thăm con, chị ôm cột khóc rưng rức, buồn suốt một ngày. Từ khi vào tự vệ, chị nói dứt khoát:
- Từ nay trở đi, không thể khóc! Nước mắt không làm cho người ta đỡ khổ. Phải như Bà Triệu, Bà Trưng mài gươm giết giặc mới hết cái khổ...
Chị vứt cho mẹ tôi cái áo dài, không thèm dùng áo đó nữa. Ý chị còn muốn sắm một thắt lưng da có đeo con dao găm lủng lẳng. Chị gọi tôi vẻ bí mật:
- Anh Bốn Linh biết mày thích vào tự vệ. Mày lại gặp anh Bốn. Anh Bốn cho mày với thằng Cù Lao cái gì đó.
- Cái chi?
- Chẳng biết nữa.
Chị Ba tủm tỉm cười như chị đã biết món quà của anh Bốn sẽ rất khá, nhưng chị chưa muốn nói tôi biết.
- Thế chị Ba đã hỏi anh Bốn nay mai làm nhà mười tầng chưa?
- Hỏi rồi. Sẽ xây nhà mười tầng. Thôi đi đi! Anh Bốn đợi.
Con bìm bịp gióng lên một hồi dài như giục chiều xuống. Cây sung như kẻ bằng mực tàu đang ngập trong ráng chiều đỏ. Tôi vừa đi vừa nghĩ bụng: “Anh Bốn cho mình cái gì hè? Chắc là con dao găm. Anh vừa được lên làm chỉ huy tự vệ ở xã, anh phải sắm súng lục. Con dao găm, chắc về phần mình. Được con dao găm, mình sẽ vào tự vệ. Thích quá! Thích quá!”
Nhà anh Bốn chưa đỏ đèn. Anh Bốn và thằng Cù Lao đang hì hục đào lỗ chôn gốc tre. Tôi trầm trồ:
- Gốc tre to quá hè! Để làm chi vậy anh Bốn?
Thằng Cù Lao vung tay:
- Để luyện gồng đó!
Nghe nói gồng là tôi đã nể. Người biết gồng, gươm chặt không đứt. Trước đây, anh Bốn thường dậy rất sớm, ra sân luyện gồng. Anh nện hai cánh tay vào cái cọc tre nghe đốp đốp. Luyện tay xong, anh luyện chân, luyện lưng, gọi là sơ bộ luyện gồng. Luyện xong anh xoa nước muối. Sau đó anh luyện vác cối đá. Anh Bốn có một cái cối giã gạo bằng đá xanh, nặng hai người khiêng. Anh ôm cái cối đá đi quanh sân năm vòng. Cái cối đó còn dùng để doạ chị Bốn. Một lần, chị Bốn cãi với anh Bốn. Anh Bốn nổi giận, vác cái cối đá đặt lên trên phản. Cái cối đá nằm trên phản đã gây bao nhiêu rắc rối cho chị Bốn. Chị bó tay, không còn đâm giã gì được! Cuối cùng, chị phải bảo nhỏ để anh Bốn hạ cái cối đá xuống đất.
Anh Bốn chưa nói là sẽ cho tôi cái gì. Tôi nóng lòng không đợi được, liền hỏi:
- Chị Ba bảo lại gặp anh để anh cho cái chi?
- Ừ, tao sẽ thưởng! Bây giờ cùng đi tắm cái đã. Nước mương trong đồng gần cồn Quai Mỏ mát lắm!
Nghe đến cồn Quai Mỏ, tôi đã ngại. Cồn Quai Mỏ nằm gần chòm đa Lí, chỗ ấy nhiều ma lắm. Tôi gợi khéo anh Bốn:
- Anh không đi tắm sông cho sướng, lại tắm trong đồng?
Anh Bốn bảo luôn tiện anh đi chấm thi. Tôi hỏi thi gì, anh không nói. Tôi hỏi nhỏ thằng Cù Lao, nó chẳng biết. Anh Bốn châm điếu thuốc xong, bước ra trước. Tôi và thằng Cù Lao theo sau. Ra khỏi nhà, trời đã tối mịt, bóng đen từ các bụi rậm bò ra phủ kín cánh đồng. Một tiếng hú từ phía chòm đa Lí kéo dài nghe rờn rợn. Một ánh đuốc đến chỗ cồn Quai Mỏ lóe lên rồi tắt biến. Tôi bị vấp mấy lần, suýt ngã. Chợt anh Bốn dừng lại:
- Cồn Quai Mỏ đây rồi! Xuống mương tắm cái chơi cho mát!
Cực chẳng đã, tôi phải làm theo. Anh Bốn nằm dài kì cọ trong mương, tiếng nước nghe bì bõm. Thỉnh thoảng anh xuýt xoa:
- Ồ, mát quá! Mát quá!
Anh Bốn vụt nhảy lên bờ, gọi chúng tôi mặc quần áo. Tôi mới mặc được áo thì anh Bốn thét lên hoảng hốt:
- Ối, nó hiện lên kia kìa! Nó hiện lên không đầu! Ối! Chúng bay ơi!
Anh rú lên rùng rợn, vụt bỏ chạy. Hồn vía của tôi đã lên mây. Ba chân bốn cẳng, tôi chạy cuống cuồng theo anh Bốn. Tôi chạy như có nghìn âm hồn đang đuổi sau lưng. Tôi ngã uỵch nhiều lần, hai chân cứ dính lại. Khi thúc vào lưng anh Bốn tôi mới rõ là anh đã dừng lại. Tim tôi đánh trống trận. Tôi hổn hển:
- Cái chi vậy anh Bốn?
Tôi nhìn lại, té ra tôi chưa kịp mặc quần. Anh Bốn cười hì hì:
- Tao đã chấm thi xong. Thằng Cù Lao không phải thi lại.
*
* *Anh Bốn tiếp tục tiến về phía chòm đa Lí. Tôi sợ quá cứ bước sát bên anh. Thằng Cù Lao ung dung bước theo sau. Những hàng cây và bờ bụi vẽ ra muôn hình thù kỳ quái. Ở chòm đa Lí, ma còn nhiều hơn ở cồn Quai Mỏ. Anh Bốn từng nói ở đó bọn quỷ Bạch Thố, Năm Nanh ngày càng nhiều. Mọi người phải tránh cho xa để khỏi bị vặn cổ. Anh Bốn tiến đến chòm đa Lí, dừng lại thét to:
- Hỡi quỷ Bạch Thố, quỷ Năm Nanh! Ta đây! Ta muốn cùng chúng bay thử sức!
Trên cành cao, một tia chớp lập loè. Khắp vườn đa rung lên. Cành cây gãy nghe răng rắc. Một tiếng hú dài như vang lên từ âm phủ:
- Ta là Bạch Thố đây. Mày đến nộp mạng cho ta đó hử? Mày đã trối trăng với vợ mày chưa?
Tiếng quỷ Bạch Thố cứ ồ ồ như có trăm ngàn bộ hạ đang lặp lại...
- Tao đã nói với mụ Bốn Linh là tao phải bắt bọn mày về làm mắm đây!
Trên cây, một bóng đen bỗng ngọ nguậy rồi to dần, to dần. Tay chân nó mọc dài ra. Nó nhảy phóc xuống đất.
Anh Bốn đã đứng trụ lại, vung nắm đấm ra phía trước. Quỷ Bạch Thố nhảy chồm lên. Anh Bốn nhanh như chớp đã ngồi thụp xuống, né sang một bên. Quỷ Bạch Thố mất đà trượt ngã. Anh Bốn xông vào. Hai bên húc nhau, ghì nhau, ngã xuống đất uỵch uỵch! Người và quỷ vít nhau, quật qua, quật lại. Không biết anh Bốn đè được quỷ hay quỷ đè được anh Bốn. Hình như anh Bốn bị quỷ bóp cổ, tiếng thở khò khè. Tôi thét lên kêu cứu inh ỏi.
Thằng Cù Lao xông vào cứu anh Bốn. Nó hết xông tới lại thụt lui. Cuối cùng nó ập vào thành một cục ba người vùng vẫy la thét. Có tiếng chân chạy rầm rập. Một người reo to:
- Được rồi, cho đứng dậy!
Anh Bốn và quỷ Bạch Thố vụt đứng dậy. Quỷ Bạch Thố thở hổn hển:
- Mình bắt trợt, giận quá! Trăng lên hãy hay.
Quỷ Bạch Thố quay sang phía thằng Cù Lao:
- Còn mày nữa! Mày đánh hơi giúp anh Bốn mày hả?
*
* *Người và quỷ, tất cả kéo nhau vào ngôi miếu giữa vườn đa. Tôi bước sát theo anh Bốn như đang chui vào một cái hang tối mịt. Một ngọn đèn lồng được thắp lên. Tôi lờ mờ thấy có anh Long, anh Lực, chú Năm Mùi, thầy Lê Hảo và ba người nữa vừa ngồi xuống trước ngạch cửa. Ánh sáng và tiếng người quen thuộc đã làm tôi đỡ khủng khiếp. Họ móc túi lấy thuốc lá ra hút, vừa hút thuốc vừa cười nói ồn ào. Qua câu chuyện, tôi biết tối nay họ hội họp ở đây để bàn việc kiện toàn các đội tự vệ, tập môn võ dân tộc, bàn việc làm trường. Trước Tổng khởi nghĩa cũng chính nơi đây họ hội họp nhiều lần. Họ may cờ đỏ, rèn những cọc sắt đóng vào cây sung làm thành những nấc thang leo lên cắm cờ đỏ sao vàng. Chính ngọn lửa lò rèn đã làm cho chị Ba khiếp vía. Họ cười ngặt nghẽo vì đã phao tin ma quỷ nổi loạn ở chòm đa Lí. Làm vậy để giữ kín những hoạt động bí mật. Việc xây dựng trường học được bàn trước. Trường sẽ dựng ở chòm đa Lí. Ở đấy có bãi đất rộng lại có bóng mát, tha hồ làm chỗ cho các em chơi. Phải xúc tiến gấp. Trẻ con đang lêu lổng cần phải đi học gấp. Thầy Lê Hảo được tạm thời nghỉ dạy để lo việc xây trường.
Chợt anh Long nhắc mọi người phải bắt đầu luyện võ. Trăng đã vén mây, đã sáng ngoài cây đa.
Anh Bốn mời tất cả ra chỗ trăng sáng. Mọi người đứng dậy. Tôi và thằng Cù Lao đứng dậy theo.
Anh Long bước ra trước. Người anh vừa cao vừa gầy, điệu bộ linh lợi. Anh là một tay võ giỏi, có quả đấm thôi sơn và ngón đá hậu ít ai sánh kịp. Trước đây, anh đã đấu với anh Bốn. Anh Bốn vừa chắp tay bái tổ, đã bị anh Long cho một đấm vào ngay giữa trán,. Anh Bốn lăn quay. Anh Bốn đứng lên mời anh Long cứ tiếp tục. Anh Bốn lại lãnh thêm một quả đấm nữa. Nhưng anh Bốn và anh Long lại rất thân nhau. Anh Long xắn tay áo:
- Xin phép anh Bốn. Thế võ này gọi là thế trói. Tôi bắt đầu.
Nói vừa xong, anh Long đánh một phóc ôm sát thầy Lê Hảo. Tôi chỉ kịp nghe thầy kêu lên:
- Gãy tay rồi!
Thầy nằm quay lơ dưới đất. Anh Long tuyên bố:
- Tôi cho phép các đồng chí cứ đánh trả khi tôi xông vào. Cho phép dùng những miếng hiểm hóc nhứt!
Chú Năm Mùi hỏi:
- Lỡ xuống âm phủ có về báo oán anh em không?
- Chết vì việc nước thì Long đây rất cam tâm. Việc chi báo oán!
Chú Năm vừa khép nắm đấm đứng khom khom, hai tay chắp lên đầu gối thì anh Long xông tới, quật nhào xuống đất.
Anh Long đứng dậy, vừa giảng giải vừa làm các điệu bộ:
- Trước tiên, các đồng chí phải chui sát bên vai địch. Phải làm như chớp vậy! Sau đó, các đồng chí móc một cánh tay của các đồng chí vào cánh tay của địch. Cách làm như thế này này, như ta móc cánh tay bạn cùng đi chơi... Như vậy ta đã dùng một cánh tay của ta. Còn một cánh tay nữa của ta, ta chưa dùng. Ví dụ: Ta móc tay trái của ta vào cánh tay phải của địch, thì ta còn rảnh cánh tay phải của ta. Ta dùng tay phải của ta bắt vào cổ tay phải của địch, dùng thế đòn gánh bẻ ngược cánh tay đó của địch. Địch cũng còn rảnh một cánh tay. Nó sẽ nện vào ta. Như vậy ta phải bẻ ngược thật đau. Đồng thời ta dùng cánh tay bị bẻ đó để đỡ đòn. Một chân của ta lót phía sau lưng địch, quật địch ngã xuống.
Anh Long mời anh Lực đứng ra để anh chỉ rõ những động tác cụ thể cho mọi người xem. Sau đó anh Bốn Linh bước ra để anh Long bắt. Anh Bốn không vội chống cự. Anh cố rùn xuống để khỏi hẫng chân, và không vội đấm đá trả lại. Anh dùng tay trái bắt vào cổ tay mặt của mình, dùng hết lực co hai tay lại rồi húc mạnh vào ngực anh Long. Hai người cùng nhào xuống đất. Họ ghì nhau. Một phút trôi qua. Tiếng reo vang dậy:
- Cừ lắm! Cừ lắm!
Anh Bốn không giải được thế võ. Anh Long đứng dậy thở hổn hển:
- Anh Bốn khá lắm! Biết thế gỡ trói!
Cứ hai người ghép thành một cặp, luyện miếng võ trói địch. Tôi và thằng Cù Lao cũng được tham gia. Anh Long hướng dẫn chúng tôi tập đi tập lại, thật cụ thể. Lúc tôi quật thằng Cù Lao ngã xuống. Lúc thằng Cù Lao quật tôi ngã xuống. Học miếng trói xong, đến học miếng gỡ trói. Sau đó chúng tôi còn học miếng gói địch. Học những môn này, ai cũng kêu la: “Gãy hết xương rồi! Đau quá! Đau quá!”.
Đến khi ra về, trăng buồn ngủ đã ngả về phía núi.