Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tuổi Học Trò >> Quê nội

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 31366 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Quê nội
Võ Quảng

Chương 2

Vùng tôi trước đây không ai thèm ăn thịt chó, không phải vì có nhiều thịt. Không ăn thịt chó vì một thành kiến, thành kiến đó sau ngày Tổng khởi nghĩa còn khá nặng nề. Người ta có thể ăn thịt rắn, thịt chuột, thịt cóc, ăn cả những gì dạ dày không cho phép, cũng chẳng ai dị nghị gì cả. Nhưng nếu ăn thịt chó thì, ôi thôi, tất cả uy tín đều tiêu tan! Người đó bị xem là đứa phàm ăn. Mọi người đều tin thịt chó là loại thịt ô uế. Thịt chó vào bụng sẽ làm mất hết cái tinh khiết của con người. Nguy hại nhất là lúc chết! Người ăn thịt cho khi chết phải xuống địa ngục, phải qua mười cửa điện Diêm Vương, phải chịu những nhục hình ghê rợn. Chỉ một lát thịt cho trôi vào bụng thì cửa ngõ chốn âm ty đã sẵn sàng chờ đón, dù lòng từ bi của Phật tổ có rộng như biển cũng không phương cứu xét. Có người thoáng nghe mùi thịt chó đã nổi nôn ọe, cơm canh đã nuốt vào bụng đều tuôn ra hết. Những người như vậy được xem như có cốt tiên cốt Phật, sau này chết đi sẽ được lên ở cõi thần tiên vô cùng sung sướng.
Làng tôi trước kia có ông Bốn Rị làm nghề bán thịt chó, ông ăn thịt chó, lại còn giết chó lấy thịt đem đi bán. Lũ chó bị ông giết biến thành ma chó quay lại báo thù.
Ông Bốn sống thui thủi một mình. Mọi người tin ở ông toát ra một mùi thịt chó rất lợm. Tôi và lũ chăn trâu trong làng khi gặp ông Bốn Rị liền tránh xa ra một bên. Khi ông vừa đi qua, chúng tôi ù té bỏ chạy, vừa chạy vừa khạc nhổ: Ôi! Hôi lắm! Hôi lắm!
Bọn chó đánh mùi ông Bốn Rị rất giỏi, ông vừa đến đầu làng, chó giữa làng đã nổi sủa. Ông đến giữa làng, cho cuối làng nổi sủa. Tiếng chó sủa dấy lên từ xóm này sang xóm khác. Chúng tru tréo, gào thét, cố khạc cho hết mật đắng vào người ông. Từ những con chó chỉ biết yêu thương, chỉ biết trả lại những gậy suýt chết bằng những cái ngoắc đuôi đầy tình nghĩa, cho đến những con chó siêng năng suốt ngày đêm để lo giữ trộm, hễ nghe tăm ông Bốn đều nhảy xổ ra sủa. Từ những chó già gầy guộc, rụng lông, giơ xương, cả rận và bọ chét cũng không thèm ở chung với chúng, cho đến những con chó tròn trĩnh, béo tốt, khi đánh hơi có ông Bốn đều nổi giận, nhảy xổ qua rào, vừa phóng vừa sủa. Những con chó sủa không đâu, những con chó biết giấu kín sự căm giận, biết nép mình trong xó bụi để cắn trộm tất cả, khi đánh hơi biết có ông Bốn Rị đều vụt chạy, sủa toáng lên như bị gậy nện vào đít. Con Mốc nhà bác Úc biết ngủ có chỗ, biết sủa có lúc, bác Úc thường nói: "Con Mốc nhà tao đã sủa thì nhất định có trộm", khôn ngoan đến vậy, khi nghe có ông Bốn Rị cũng hóa điên, phóng cả vào cọc, ngã lăn kềnh, ra sức chạy để sủa. Con Mun nhà ông Kiểm Lài, suốt ngày sục sạo tìm kiếm, khi nghe tăm hơi ông Bốn đều vứt hết, phóng qua bờ tre gai, đuổi cho kỳ được ông Bốn. Con Vá nhà bà Hiến, chăm đuổi gà, không gây sự, khi có chó lớn chạy đến, nó ngoắc đuôi nằm rạp len lén bỏ đi, khi có ông Bốn bỗng hóa mãnh liệt, chân choãi về trước, đuôi kẹp vào chân sau, gào rống. Tất cả rượt đến, vây quanh ông Bốn, như muốn ngoặm cổ, xé xác ông ra mới hả dạ. Chúng nhảy tới, thụt lui, lồng lộn tru tréo làm náo động cả làng. Ai cũng lầu bầu:
- Lại ông Bốn Rị bán thịt chó!
Bọn trẻ con đang chăn trâu ngoài bãi cũng vụt chạy:
- Lão Bốn Rị bay ơi! Mau đến coi!
Tôi gọi thằng Cù Lao cùng thả trâu vụt chạy. Tất cả vừa chạy vừa nhặt đất. Chúng tôi nép vào một bụi kín. Ông Bốn từ xa tiến đến, tay cầm một roi tre, tay xách một rổ thịt chó. Ông bước thủng thỉnh, vẻ im lìm như một bóng ma. Tôi với mấy thằng mất dạy tung đất. Đất rơi ào ào. Ông thét to:
- Ôí, ối! Bể đầu tao rồi, chúng bay ơi!
Tôi và lũ trẻ bỏ chạy. Tôi chạy đến nép sau cây duối đứng nhìn lại. Ông Bốn vứt rổ, ngồi bệt xuống đất, hai tay ôm lấy trán. Thằng Cù Lao chạy lại bên ông. Nó đang nói gì với ông. Nó cúi nhìn vào trán, vào mặt của ông, lấy tay phủi phủi. Tôi gọi to:
- Cù Lao ơi!
Nhưng thằng Cù Lao đã cúi xuống xách rổ thịt. Nó cùng ông Bốn đi về một phía.
Theo sự phân công của chú Năm Mùi, tôi dạy cho bà Hiến là chính, thằng Cù Lao dạy cho ông Bốn Rị là chính, nhưng hai đứa phải giúp nhau.
Ai cũng biết tôi và thằng Cù Lao sẽ đi dạy học, sẽ làm chiến sỹ diệt dốt. Chị Ba, anh Bốn gặp chúng tôi đều có lời khuyên bảo, nhất là chị Ba. Chị dạy:
- Em của chị đã làm cán bộ rồi đó! Không còn là con nít nữa đâu. Từ nay đi đứng phải nghiêm trang, nói năng phải từ tốn. Chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy là không làm thầy được đâu. Phải nói cho bà Hiến hiểu về chủ trương diệt dốt. Phải biết tuyên truyền giải thích, tập làm cán bộ cho quen. Nói như thế này: Kẻ không học cũng như người mù. Kẻ mù khi đi phải bị vấp ngã, có lúc rơi tõm xuống sông chết nhăn nanh!
Nói đến đây, chị Ba thấy cách giải thích như vậy nghe hơi quá, chị chữa lại:
- Hay nói thế này: Học một chữ đáng nghìn vàng, dù không chức phận cũng nhàn tấm thân!
Chị Ba chỉ vào tôi, vẻ quan trọng:
- Nhớ phải dọn dẹp nhà cửa, gánh nước nấu cơm cho bà Hiến và ông Bốn Rị nghe chưa? Đó gọi là "làm công tác quần chúng". Còn phải biết kể chuyện thời sự để làm cho họ nhìn xa thấy rộng, nghe chưa? Phải làm cho họ không còn bị "giam hãm" như trước đây, nghe chưa?
Về chuyện thời sự, chuyện ở năm châu bốn bể, anh Bốn Linh và chú Năm Mùi rất quan tâm, vì chính những chuyện đó là những "ống thiên lý xa soi nghìn dặm, mang trí khôn mở rộng cuộc đời" như lời thơ của thầy Lê Hảo đã nói. Chị Ba nhìn tôi một loạt từ đầu đến chân:
- Mặt mày phải nhớ rửa cho sạch. Này cái gương đây, chị cho mượn. Mặt bị vết nhọ phải soi gương mới biết.
Chị Ba hồ hởi:
- Phải công tác cho giỏi để trở thành cán bộ, đứng giữa hội nghị diễn thuyết làu làu mới thiệt là thích!
Tôi và thằng Cù Lao đã sẵn sàng mọi việc.
Chiều bắt đầu xuống. Ráng chiều làm đỏ ối cả dòng sông Thu Bồn. Về phía tây, cây sung đầu làng như ngập trong lửa. Bãi dâu sẫm lại, ngòa dần vào bóng tối. Tôi vội đánh trâu Bĩnh về chuồng. Còn phải đến nhà bà Hiến để...giải thích và khai giảng. Chú Năm Mùi đã bảo: Phải tập giải thích cho quen.
Thằng Cù Lao tối nay cũng đến gặp ông Bốn Rị. Tôi sang nhà anh Bốn Linh rủ nó cùng đi. Ra đến ngõ gặp chú Năm Mùi. Chú chắp tay chào:
- Chào thầy Cục! Chào thầy Cù Lao! Hai thầy đi khai giảng phải không?
Tất cả cùng cười. Tôi rẽ sang nhà bà Hiến. Bà Hiến đang ngồi kéo vải. Nghe tiếng động, bà ngước lên:
- Ai đó?
- Tôi đây!
Tôi khệ nệ bước vào. Chị Ba đã dặn tôi đi đứng phải nghiêm trang. Trước tiên, phải tuyên truyền giải thích. Tôi định lặp lại lời chị Ba: Bà phải học cho biết chữ, vì " một chữ đáng nghìn vàng, dù không chức phận cũng nhàn tấm thân". Nhưng chợt tôi thấy cách nói như vậy nghe đột ngột và thấy lôi thôi! Tôi nghĩ phải tìm một câu nói hay hơn. Tôi nhớ đến câu của thầy Lê Hảo :" Học hành cũng như cái ống thiên lý xa soi nghìn lối". Nhưng câu đó chợt thấy khó hiểu. Tôi cố tìm một câu khác, nhưng loay hoay mãi không tìm ra. Một phút, rồi năm ba phút trôi qua. Tôi nhìn bà Hiến. Trước mặt tôi là một người học trò già, da bà đã bắt đầu nhăn nheo. Tôi hơi ngượng. Lạ thật! Khi đến chơi nhà bà Hiến để tán phét thì tôi ba hoa đến mấy cũng được. Đến khi có ý đồ, tôi lại ngượng ngập, nói không ra hơi. Mới hay đi làm cán bộ như anh Bốn Linh cũng không phải dễ.
Bà Hiến thấy tôi cứ im lặng mãi, ngước lên hỏi:
- Có việc chi đó?
Đang lúc bí, tôi nói vu vơ:
- Chơi thôi!
Nói xong, tôi mới biết mình nói láo. Tôi không có ý trả lời như vậy. Tôi càng ngượng, cứ ngồi im, đưa mắt nhìn lên trên giàn.
Bà Hiến nhìn theo lên giàn:
- Có mấy trái bồ quân để trên giàn, muốn ăn cứ lấy mà ăn.
Có lẽ bà Hiến tưởng tôi muốn vòi bồ quân, nhưng không dám nói nên cứ ngồi im. Tôi nghe giận, cũng không biết giận bà Hiến hay giận mình. Tôi trả lời gọn lỏn:
- Không thèm ăn đâu!
Bà Hiến ngạc nhiên lại ngước nhìn tôi. Bà nói khe khẽ như chỉ để mình bà nghe:
- Làm lành với nhau thì hơn. Cũng bạn bè với nhau cả. Rủi có bị nện, cũng nên xí xóa!
Thì ra bà Hiến tưởng tôi vừa bị bọn chăn trâu đánh đau nên vẻ mặt sa sầm. Quả thật dạo đó tôi hay vật lộn với bọn chăn trâu. Khi nổi khùng có tặng nhau những đấm đá.
Tôi và thằng Cù Lao gặp chú Năm Mùi nói tất cả những việc vừa xảy ra: Nào là bà Hiến biết đến ba ngàn chữ, đọc một lèo. Nào là bà Hiến thuộc hết sách vở thánh hiền, nghĩa lý vô cùng thâm thúy. Bà còn nói tiếng Tây như bắp rang...
Tôi và thằng Cù Lao càng trầm trồ bao nhiêu thì chú Năm Mùi càng phớt lờ bấy nhiêu.
Chú nói:
- Có chi đâu lạ! Bà Hiến ở đợ cho nhà giàu, nhà giàu rước thầy dạy chữ nho cho con cháu học. Nghe học trò ê a đọc sách, bà nhớ hết. Bà nhớ tài lắm. Trước đây bị đói bà mò ra ngoài Đà Nẵng kiếm ăn. Đi lang thang bị lính cu-lít bắt nộp thằng cò. Chúng nó nói tiếng Tây, bà cũng nhớ được. Bà nói như thế này chớ chi:" Ma-đam vớ-nê đờ Hòa Phước. Ma-cà-bông. Moa xi-nhan me-xừ lơ côm-mít-xe". Bà chưa chịu học là vì bọn bay chưa biết cách nói. Chỉ nói thế này:- Nay mai, người ta sẽ ngăn cổng vào chợ. Người nào biết đọc chữ quốc ngữ họ mới để vào. Nói vậy là bà học ngay. Việc dễ như chơi, sao rối lên vậy?
Tôi và thằng Cù Lao lại đến nhà bà Hiến. Tôi cho ra ngay câu nói của chú Năm Mùi:
- Nay mai người ta ngăn chợ. Ai biết chữ quốc ngữ mới được vào chợ!
Bà Hiến ngừng xa kéo sợi:
- Ai nói đó?
- Lệnh trên đó! Chú Năm Mùi cho biết. Ai dám nói sai. Bà cứ hỏi chú Năm coi.
- Người không đọc được chữ quốc ngữ thì răng?
- Thì đứng ngoài cổng rồi về thôi! Lệnh nghiêm lắm!
Bà Hiến ngồi thừ ra. Môn thuốc của chú Năm đã công phạt. Tôi hỏi dò:
- Bà đi chợ không?
Tiếng bà Hiến nhỏ hẳn:
- Đi chợ để mua đồng mắm, đồng muối... Thôi bà phải học! Tội chi không học. Kiếm vài chữ bỏ bụng cũng sướng!
Tôi và thằng Cù Lao bật dậy reo lên, phóng một mạch chạy gặp chú Năm Mùi. Vừa gặp chú, tôi thét to:
- Bà Hiến chịu phép rồi! Sao chú tài vậy chú?
Chú Năm Mùi vẻ thản nhiên:
- Tại bọn bay không biết bắt mạch. Tao bắt mạch biết bà Hiến mê đi chợ. Không một xu nhỏ cũng mò đến chợ. Bà đi chợ một vòng còn thích hơn xem hát bội. Cũng như mày mê vật lộn, thằng Cù Lao mê lội bơi, tao trước đây, tao mê hát bội. Ở đời ai cũng có cái mê cả!
Tôi hỏi thằng Cù Lao về ông Bốn Rị. Ông có biếng học như bà Hiến không? Ông có hôi lắm không? Nhà của ông thấy có rợn không?
Tôi với ông Bốn Rị ở cùng làng, tôi ở đầu xóm trên, ông ở xóm giữa. Thỉnh thoảng, tôi đi qua nhà, nhưng chưa bao giờ ghé lại. Nhà ông có bức rèm tre che trước cửa, đằng sau có bóng người thập thò. Có tiếng cốc, cốc như mõ khua và tiếng kêu ăng ẳng. Nhưng lái làm tôi rợn nhất là tiếng rú của chó bị cắt tiết. Tiếng rú vang dội, đâm thủng màn sương, át tiếng gọi đò và tiếng gàu khua ở các giếng nước. Mỗi khi tiếng rú vang lên, lũ chó trong làng nổi lên sủa rộ. Ông Bảy Hóa ngồi trước cửa chùa, đập đập cái quạt mo vào chân:
- Lại một con chó hóa kiếp! Mong mày đầu thai trở lại làm người. Làm người không xong thì phải hóa kiếp trở lại làm chó!
Thằng Cù Lao cho tôi biết ông Bốn chẳng có mùi hôi thối gì cả. Ông sạch sẽ như mọi người. Ở ngoài cù lao Chàm, cũng có người bán thịt chó, người đó cũng không hôi thối. Cũng chẳng nghe ai nói ăn thịt chó sẽ xuống địa ngục, sẽ bị rút lưỡi moi gan. Nhà ông Bốn không có gì rùng rợn cả, nhà rất mát mẻ, có cây bông trang, có con bướm đậu. Ông Bốn có nuôi nhiều chó, nhưng toàn là chó con. Ông xin chúng ở đâu về, nhốt sau chuồng. Chúng kêu ăng ẳng. Có con chưa biết ăn, ông phải vạch mồm tọng nước hồ vào họng. Có lúc một chó mẹ đến gào rống sau vườn đòi con. Ông xách gậy ra đuổi. Cuối cùng, chó mẹ bỏ đi nơi khác. Thằng Cù Lao còn cho biết khi ông Bốn mổ xong một con chó, ông cắt một miếng thịt ở chóp đùi đem xào. Mùi thơm bay ra ngào ngạt.
Tôi kêu lên:
- Ôi! Thịt chó thơm răng được? Thịt chó làm tao nôn ọe. Thôi kể tiếp đi, rồi ông Bốn làm chi nữa?
- Sau đó, ông nướng bánh tráng có rải mè, múc thịt đặt lên mâm, mời tôi ngồi lại.
- Mời ai?
- Mời tôi!
- Ấy! Mời mày? Thế mày nói sao?
- Tôi nói tôi không ăn.
- Ừ, được đó!
- Nhưng... ông mời mãi. Ông nói hễ tôi không ăn thì ông không học. Với lại cái mùi thịt bay thơm, tôi cầm lòng không đậu...
- Làm sao?
- Tôi ăn.
- Ối! Trời ơi! Nguy to rồi! Mày ăn đồ ô uế rồi! Có nôn ọe không?
- Vừa nói tôi vừa ọe lên mấy cái.
Thằng Cù Lao lặng thinh. Tôi lên giọng:
- Ở đây đưa phàm phu mới ăn thịt chó. Đã ăn thịt chó, khi chết phải xuống địa ngục. Bọn chó đánh hơi, xông ra cắn mày chết!
Thằng Cù Lao hạ thấp giọng:
- Hôm kia đến nhà ông Bốn, tôi thấy chú Năm Mùi ở đó.
- Chú Năm đi kiểm tra học tập. Chú có hỏi chi không?
- Không hỏi chi cả. Chú đang ăn...
- Ăn chi?
Thằng Cù Lao nói khẽ vào tai tôi:
-Ăn một đĩa nấu nhừ.
Tôi giật thót:
- Thiệt không?
- Chú khen đĩa nhừ nấu khá! Chú còn bảo giống thịt chó thế mà mát, ăn thịt chó ngủ ngon.
Tôi không ngờ chú Năm Mùi lại ăn thịt chó! Từ ngày cách mạng thành công, chú tiến bộ rất nhanh. Chú không còn mê cô đào hát bội, không hát bài chòi. Chú vừa nhận chân lãnh đạo tự vệ xã, kiêm chính trị viên tiểu đội dân quân của thôn, phụ trách đội thiếu niên. Nay lại đi ăn thịt chó!
Thằng Cù Lao lấy tay che mồm, nói chỉ vừa đủ tôi nghe:
- Cả ông Bảy Hóa nữa!...
Tôi suýt ngã ngửa, nổi cười to. Thằng Cù Lao cũng nổi cười. Chính trước kia ông Bảy Hóa cho mình có cốt tiên cốt phật. Đã là tiên phật thì hít mùi hương hoa cũng đủ sống, không cần ăn. Nếu có ăn cũng chỉ ăn tương cà dưa muối. Ai nói đến thịt chó thì ông nôn ọe.
Tôi hỏi:
- Thế ông có mắc cỡ không?
- Chẳng mắc cỡ chi hết. Ông tréo chân ngồi giữa nhà, húp rất to. Ông khen ông Bốn Rị bán rẻ thịt chó. Có vậy mới đông khách, nhiều người sẽ khỏe ra. Nay ông đã nhập bạch đầu quân, ông cũng muốn khỏe thêm; luyện tập quân sự càng dai sức, đánh thằng giặc. Như vậy mới gọi là tu. Ông thét to: Phật là cái tâm của ta. Cái tâm ta ngay thẳng, trung thực, đó là Phật. Cái tâm ta gian nịnh xảo trá, đó là ma quỷ. Tôi coi làng mình mọi người trở nên tốt. Trộm cắp bỏ nghề, thuế chợ, thuế đò đều bãi bỏ, đâu có phải vì không ăn thịt chó, mà vì có người làm cách mạng.
Tôi hỏi thêm:
- Thế ông có bị nôn ọe không? Chị Ba nghe mùi thịt chó cứ bị buồn nôn, không phải chị giả đò đâu!
Thằng Cù Lao cho biết cả đội tự vệ cũng có ăn thịt chó. Thỉnh thoảng, ông Bốn Rị mang một nồi bún với thịt đem thết toàn đội ở chòm đa Lý.
Bà Hiến có một trí nhớ rất tốt. Tôi nói gì bà nhớ nấy, nhớ rành mạch, chính xác. Không ngờ dưới lớp da nhăn nhúm lại giấu một đầu óc minh mẫn. Đầu óc của bà không phải như cái rổ lủng như bà nói. Bà nhớ giỏi bằng mười tôi, nhưng tôi cứ chê. Tôi chê bà viết tồi, đọc chậm. Khi tôi còn làm học trò, tôi thích được khen. Nhưng khi làm thầy tôi cứ thích chê. Tôi viết lia lịa một loạt chữ O bảo bà Hiến bắt chước kẻ theo. Bà méo mồm cố kẻ theo thật đúng. Tôi bắt bẻ:
- Viết bằng tay, sao mồm lại méo xệch?
Bà Hiến vừa viết vừa thở hổn hển. Tôi uốn nắn:
- Chớ thở ào ào! Bay mất sách vở! Thở vậy nên chữ viết như gà bới.
Tôi bảo gì bà cũng vâng theo. Tôi nhận rõ bà Hiến nể tôi. Bà không còn gọi tôi là thằng Cục, mà gọi là chú Cục. Trước mắt bà, rôi không còn là thằng chăn trâu bị bọn trẻ đánh u trán. Theo thầy Lê Hảo, khi làm thầy sẽ được học trò kính nể. Tôi bắt chước thầy Lê Hảo ăn nói nghiêm trang, khuyên cái này răn cái nọ. Có lúc tôi quát chơi một cái cho sướng miệng. Bà Hiến không lấy thế làm mất lòng. Bà nói trước kia các thầy phải đánh học trò bằng roi mây, có thế mới nên. Nay cách mạng lên rồi, thầy không đánh học trò, sướng quá!
Tôi sực nhớ chị Ba và chú Năm Mùi dặn phải làm công tác quần chúng. Lập tức, chúng tôi vứt sách, xông vào buồng bà Hiến. Chúng tôi khênh hết những thúng đựng khoai ra ngoài, quơ hết giẻ rách vứt ra sân rồi lấy chổi quét. Tĩn còn đầy nước uống, thằng Cù Lao cũng đổ đi, quảy tĩn ra sông múc nước. Sau đó, tôi vo gạo, quơ củi, nhóm bếp. Bà Hiến van nài, tôi cũng giật lấy, giúp bà cho kỳ được. Trước nhà bà, có những tĩn sứt, chum vỡ, tôi và thằng Cù Lao khuân hết đi nơi khác lấy chỗ để trồng cây bông trang. Bà Hiến chạy ra ngăn lại, không hiểu trồng cây bông trang để làm gì. Tôi níu bà lại, bảo phải trồng cây bông trang cho đẹp mắt. Chúng tôi đảo lộn tất cả, sắp xếp mọi thứ theo ý muốn chúng tôi.
Tôi giảng giải:
- Cách mạng lên rồi. Nhà nào cũng phải có hòn non bộ, có dăm cây cảnh. Có cây bông trang chưa đủ, phải trồng thêm bông lài, bông lý nữa.
Thằng Cù Lao quả quyết:
- Không lèm nhèm nữa đâu. Bà già cũng phải đánh phấn tô môi, phải mặc áo màu, phải đi giày cao gót. Rồi đây, bà phải đi uốn tóc, phải sắm một cái ví và một chiếc dù đầm. Đi đâu phải cầm trên tay cho sang trọng.

<< Phần 1 - Chương 1 | Chương 2 (tt) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 664

Return to top