Lẽ tất nhiên Bích nô cô xin phép bà Tiên đi một vòng vào trong làng để mời bạn hữu của nó.
Bà tiên nói:
- Con cứ đi mời các bạn của con để ngày mai đến dự tiệc, nhưng con phải trở về trước khi trời tối, con nhớ không?
- Con xin hứa với mẹ, chỉ trong một tiếng đồng hồ là con đã trở về đây rồi.
- Hãy coi chừng đấy! Đứa trẻ nào cũng hứa một cách sốt sắng, nhưng không đứa nào chịu giữ lời hứa bao giờ.
- Nhưng con có giống những đứa trẻ khác đâu ? Khi nào con hứa lời gì con sẽ giữ ngay lời hứa ấy.
- Nếu con không vâng lời, thì đáng kiếp con lắm.
- Sao vậy ?
- Vì những đứa trẻ nào không nghe những lời khuyên can của những kẻ lịch duyệt hơn mình thì bao giờ cũng gặp hoạn nạn.
- Nhưng bây giờ thì con đã hiểu biết rồi, con không còn dại dột nữa.
- Ta chờ xem con nói có đúng không ?
Không nói thêm một lời nào nữa, Bích nô cô chào bà Tiên – bây giờ nó xem như là bà mẹ ruột - rồi thì vừa nhảy, vừa hát, mở cửa ra khỏi nhà.
Không đầy nửa tiếng đồng hồ, nó đã mời xong bọn bạn của nó. Có nhiều đứa vui lòng nhận lời lập tức, nhưng cũng có nhiều đứa kiếm cách từ chối lấy lệ, nhưng khi biết rằng những chiếc bánh chấm vào cà phê để ăn hai bên có phết bơ và có nhụy ở giữa thì chúng đồng thanh :
- Thế nào bọn tao cũng đến để mày được vui lòng.
Trong số bạn hữu, có một đứa Bích nô cô ưa và thích nhất. Thằng này có cái biệt danh là Bạch Lạp vì thân thể nó gầy ốm và lỏng khỏng như một cây đèn bạch lạp thắp trong cây đèn gương ở ngoài đường.
Bạch Lạp là một đứa lười biếng nhất và cứng cổ nhất trường. Nhưng Bích nô cô lại thương yêu nó lắm. Vì thế, nó đi ngay đến nhà thằng này để mời dự tiệc, nhưng Bạch lạp lại đi vắng. Nó trở lại một lần nữa cũng không gặp. Cho đến lần thứ ba cũng vậy.
Tìm Bạch lạp ở đâu bây giờ ? Bích nô cô lùng khắp cả các nơi, và cuối cùng thì thấy nó đang núp dưới một cái cống của một cái trại.
Bích nô cô đi đến gần nó và hỏi :
- Mày đứng làm gì ở đây ?
- Tao đợi họ đến đem đi.
- Mày đi đâu ?
- Xa lắm ! Tao đi xa lắm.
- Tao đến nhà tìm mày đã ba lần rồi.
- Tìm tao làm gì thế ?
- Mày không biết à ? Có một việc rất quan trọng đã xảy đến cho cuộc đời tao.
- Gì thế ?
- Ngày mai tao không còn là một thằng người gỗ nữa, mà sẽ trở thành một đứa bé như mày và như bao nhiêu đứa khác.
- Thế thì sung sướng cho mày lắm!
- Ngày mai tao đợi mày đến dự tiệc ở nhà tao.
- Nhưng tao bảo là tối nay tao đã đi xa rồi mà!
- Vào khoảng mấy giờ?
- Gần rồi!
- Mày đi dâu?
- Tao đến một xứ đẹp nhất hoàn cầu, một cảnh bồng lai.
- Xứ ấy tên là gì nhỉ ?
- Tên là xứ Nô Đùa. Sao ? Mày có đi với chúng tao không ?
- Tao à ? Không bao giờ.
- Thế là mày lầm rồi, Bích nô cô ạ! Mày hãy tin tao. Nếu mày không đến xứ ấy, mày sẽ hối hận. Đối với bọn trẻ chúng mình còn có đâu sung sướng bằng xứ ấy nữa? Ở đấy không có trường học, không có thầy giáo, không có sách vở. Trong cái xứ hạnh phúc này, không bao giờ phải đi học cả. Thứ năm nghỉ học và một tuần gồm có sáu thứ nămn và một chủ nhật. Mày hãy tưởng tượng xem! Nghỉ hè bắt đầu từ mồng một tháng giêng cho đến ba mươi mốt tháng chạp mới hết. Đó là một xứ thích hợp với tao, thích hợp cho tao! Tất cả các nước văn minh trên thế giới đều phải như thế cả?
- Vậy ở xứ Nô Đùa suốt ngày người ta làm những gì?
- Không làm gì cả, chỉ nô đùa từ sáng đến chiều, tối lại thì đi ngủ để qua hôm sau sẽ vui chơi lại.
- Thế à?
Bích nô cô nhè nhẹ gật đầu như có ý bảo:
- “Cuộc đời ấy cũng thích hợp với mình đấy!”
- Này! Mày có đi với tao không? Nhận lời hay không? Mày phải nhất định đi chứ!
- Không! Không! Nghìn lần không. Tao đã hứa với bà Tiên thân mến của tao, tao sẽ trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn và tao muốn giữ lời hứa. Vả lại giờ mặt trời đã lặn, mày hãy ở lại đây, tao trở về nhà đã nhé! Cáo từ mày và chúc mày được mọi sự tốt lành.
- Mày chạy đi đâu mà gấp thế?
- Tao về nhà. Bà Tiên muốn tao trở về trước khi trời tối.
- Đợi vài phút nữa.
- Chậm mất rồi!
- Chỉ vài phút nữa thôi.
- Bà Tiên sẽ quở tao.
- Để cho bà quở! Lúc nào bà quở chán rồi thì bà cũng phải dịu đi
- Thế mày đi bằng cách nào? Một mình mày hay cả bọn.
- Một mình à? Chúng tao đến những hơn một trăm đứa.
- Chúng bây đi bộ à?
- Chốc nữa có một chiếc xe ngựa đến chở tao và đem tao đến xứ Nô Đùa ấy.
- Làm thế nào để trông thấyđược chiếc xe sắp đi ngang qua đây nhỉ?
- Để làm gì?
- Để xem bọn mày đi đến xứ ấy.
- Mày chỉ ở lại đây một chốc nữa thì sẽ thấy ngay.
- Không! Không! Tao muốn về nhà thôi.
- Đợi thêm vài phút nữa!
- Tao đợi đã lâu rồi. Bà Tiên có lẽ đã lo sợ cho tao.
- Đáng thương cho bà nhỉ?
Bích nô cô hỏi:
- Mày có chắc là ở xứ ấy không có trường học không?
- Tuyệt nhiên không?
- Cũng không có thầy giáo?
- Không có lấy một lão nữa.
- Và không bao giờ bó buộc phải làm việc chứ?
- Không bao giờ! Không bao giờ.
- Chao ôi! Xứ gì mà tuyệt vời thế? Bích nô cô nghe nói thêm đến nhỏ giải. Xứ gì mà đầy hạnh phúc thế? Tao tuy chưa đến, nhưng chỉ tưởng tượng cũng đủ thấy thích rồi.
- Sao mày không đi với tao?
- Dụ dỗ tao cũng vô ích thôi mày ạ. Tao đã hứa với bà Tiên là trở thành một đứa trẻ khôn ngoan, tao không sao nuốt lới được.
- Vậy tao cáo từ mày đã nhé! Hôm nào đi học mày nhớ thay tao mà chào tất cả các trường sơ đẳng và cao đẳng nhé!
- Chào mày! Chúc mày đi đường được sức khỏe, vui chơi cho thỏa thích và thỉnh thoảng lại nhớ đến chúng bạn.
Bích nô cô bước mấy bước như muốn cáo từ để đi nhưng nó dừng lại, quay về phía bạn nó hỏi:
- Mày có chắc là ở xứ ấy một tuần gồm có sáu ngày thứ năm và một chủ nhật không?
- Hoàn toàn chắc!
- Nguồn tin đã cho mày biết rằng ở xứ Nô Đùa nghỉ hè bắt đầu từ mồng một tháng giêng đến ma mươi mốt tháng chạp có đích xác không?
- Đích xác lắm.
- “Xứ gì mà thần tiên thế nhỉ?” Bích nô cô lặp đi một lần nữa và nó tự thấy không sao dằn được lòng thèm muốn. Nhung bỗng nhiên nó tỉnh ngộ, nói tiếp một cách nhanh chóng:
- Thôi chào mày lần cuối cùng nhé! Chúc mày đi đường bình yên.
- Chào mày!
- Bao giờ thì mày đi?
- Gần rồi.
- Nếu chỉ trong một tiếng đồng hồ nữa chúng bây đã đi thì tao có thể chờ đợi được.
- Mày không sợ bà Tiên à?
- Trời đã tối mất rồi. Về nhà sớm hay hơn muộn hơn một tiếng đồng hồ cũng thế thôi!
- Bích nô cô ơi! Thế bà Tiên trách mắng mày thì sao?
- Tao để cho bà tha hồ mà la mắng. Khi nào hét la chán thì bà lại thôi.
Bóng tối trùm xuống và trời đã đen nghịt. Bỗng chúng thấy từ đàng xa lấp lánh ánh sáng và chúng nghe tiếng nhạc ngựa, tiếng còi nho nhỏ giống nhưn tiếng muỗi kêu.
Bạch Lạp đứng thẳng người lên và hét lớn:
- Đã đến rồi đó!
Bích nô cô hỏi nho nhỏ:
- Ai thế?
- Chiếc xe đến rước bọn tao ấy mà! Mày có đi không?
Bích nô cô lại hỏi:
- Thật ư mày? Trong xứ ấy trẻ con không phải làm việc à?
- Không đời nào! Không đời nào!
- Xứ gì mà tuyệt thật! Tuyệt thật! Tuyệt thật.