Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Người Vợ Lẽ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26482 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Người Vợ Lẽ
Nguyễn Quang Thân

Mưa sao băng

 Người ta bảo tôi, nếu thức chờ qua đêm thì sẽ nhìn thấy một trận mưa sao băng trên bầu trời. Người nói tin đó cho tôi là bà Ninh, bà hàng xóm mù. Bà rủ tôi cùng lên sân thượng xem, nói mưa sao có thể là những linh hồn yêu đương chưa trọn trở về lần cuối, sau trận mưa sao này bà sẽ viết thư cho giáo sư Hawking.
Tôi không có Ti Vi bởi vì, sau ngày ly hôn rồi dọn đến đây, tôi rất hay nằm mơ và nghĩ đời mình chỉ thú vị trong những giấc mộng. Bà Ninh thì có hẳn một chiếc Sony 21 insơ. Chuyện mưa sao đối với tôi chỉ là một trò chơi chữ xa xỉ. Nhưng bà Ninh thì nôn nóng. Trưa nay tắm xong, bà gọi tôi sang, nhờ tôi đỡ chiếc valy giả da trên xích đông xuống, nói: "Em lấy hộ chị cuốn album." Bà lật đúng một trang trong cuốn ảnh, chỉ vào tấm đen trắng: "Em thấy anh ấy có đẹp trai không? Anh chị chụp tấm này hồi mới cưới. Sau đó cả hai cùng đi Nga." Tôi nói anh ấy rất đẹp trai. "Chị cũng đẹp", tôi nói thêm, thật không thể nhận ra cô gái đẹp và nền nã trong ảnh lại là người hàng xóm mù hôm nay. Bà kể, sau giải phóng miền Nam chồng bà vào Ðà Lạt công tác, tính sẽ đưa bà vào sau. Bà chưa thu xếp được thì ông đã lòng thòng với một cô bán cà phê goá chồng. Bà biết chuyện là do tình cờ, lần bà vào chơi, ông dắt bà đi uống ở ngay cái quán đó. Khi vào toa lét, liếc nhìn qua cánh cửa, bà thấy chiếc áo sơ mi chính tay bà mua cho ông treo trong buồng ngủ của bà chủ quán. Ông mất sau đó. Người chủ quán di tản sang Mỹ. Và thế là hết, tình yêu lẫn hận thù. "Cái chết thật kỳ diệu phải không em?" Bà kết thúc câu chuyện với một nụ cười buồn.
Giờ thì tôi đang ngồi lên đống gỗ cốppha bị bỏ quên trên sân thượng, khoanh tay nhìn về phương đông. Không hiểu sao bà Ninh rủ mình cùng lên xem mưa sao rồi bỏ đi ngủ. Bầu trời phơn phớt một làn sương mỏng. Những ngôi sao lùi xa, mong manh. Vũ trụ không hề hay biết có một cái bóng nhỏ thó là tôi, đang co rúm lại vì lạnh, ngồi chờ đợi cuộc viếng thăm của những ngôi sao kém may mắn bị cuốn vào đuôi sao chổi? Có phải đúng như bà Ninh nói, đó là những linh hồn "yêu đương chưa trọn" lang thang đang trở về? Cái đầu bạc của bà Ninh nhô lên nhìn quanh. Tôi bước lại giúp bà. Chúng tôi ngồi lên đống gỗ.
"Người ta nói ba mươi năm trước cũng có một trận mưa sao" - bà Ninh nói.
"Thì lúc nào mà chẳng có sao vỡ"
Ba mươi năm trước, mẹ tôi mới cưới. Dãy lán sinh viên nằm dưới tán rừng. Ðám cưới chỉ có mấy chục bạn bè. Sau này tình cờ đọc cuốn nhật ký của mẹ mới biết bố mẹ phải cưới nếu không muốn bị đuổi về quê. Bởi vì... mẹ đã có tôi trong bụng vào năm học thứ tư và, mẹ viết, "không biết đi làm "cái đó" ở đâu?". Chuyện ấy đâu có dễ dàng. Vậy là có một thời tôi chỉ là "cái đó". Phải cám ơn tình trạng y tế thời chiến. Nếu không, có lẽ không có tôi. May hay rủi nhỉ? Tôi không buồn, nghĩ mà thương mẹ. Bà Ninh đặt tay lên đầu tôi :
Sao? - bà lần bàn tay trên bờ vai, bàn tay bà mềm, ấm. Tôi nhớ đến mẹ, mẹ cũng có một bàn tay như thế - em định ở đây đến bao giờ? Từ ngày tôi bị mù, không còn nhìn thấy em, nhưng tôi biết là em vẫn đẹp, phải không?
Bà lại lần sờ. Những ngón tay vuốt dọc mái tóc, run run, "tóc em để thế này hợp, trông nghịch mà hay phải không?", bà sờ mũi tôi, "hồi chưa mù tôi vẫn ngắm trộm em khi em đi qua phòng làm việc, em có cái mũi hếch, cái mũi hếch dễ thương quá, phải không?", bà nâng bàn tay tôi lên, "còn bàn tay nữa, tay em thì phải chơi đàn dương cầm mới xứng, phải không? Em đẹp lắm! Phải không?"
Tôi chống chế:
"Em có bao giờ đẹp đâu".
Bà Ninh nói:
"Ðừng tự bỉ mình như thế. Cái đói khốn nạn nhất của con người ta là đói sự thật. Nhưng em định ở vậy đến bao giờ?" - bà nhắc lại câu hỏi.
Chính tôi cũng không biết mình sẽ ở vậy đến bao giờ. Tôi đi làm, về nhà để đọc sách và ngủ. Thỉnh thoảng mới nấu ăn còn thì đi ăn cơm bình dân. Năm bảy ngày làm một bữa bún chả, không có đứa bạn gái nào đến thì ăn một mình. Thỉnh thoảng có một anh chàng bị vợ bắt "ly thân một tối" tìm đến tán tỉnh, có anh cả gan thề thốt, quỳ trên hai đầu gối hẳn hoi đòi ngủ lại, phải ngồi nghe một cách lịch sự, phải tống khéo khách ra cửa một cách lịch sự, toàn những thứ nuốt không trôi.
"Em quả thật không nghĩ tới", tôi nói.
Bà Ninh đưa cả hai tay vuốt mặt tôi.
"Em còn khóc được, thế cũng là hay. Nhưng khóc thì được cái gì? Như chị đây, người ta bảo chị không biết khóc".
Trong bóng tối mặt mũi mình ra sao?, tôi lấy mu bàn tay quệt mắt, hạt bụi vô hình này làm sao quên được nó đây?.
"Ðời chị bị người khác phá tan, còn em thì, do chính em...", tôi nói. "Em không biết vì sao có lúc mình lại thế."
"Một phút bất cẩn và nhẹ dạ".

Không phải, tôi không bất cẩn chút nào. Hắn về Viện như một kẻ lang thang tìm được nhà tế bần, ở căn phòng xép cạnh nơi làm việc. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi mời hắn đến nhà ăn bún chả ngày chủ nhật. Tôi nhìn hắn ăn, nghĩ, nếu sau này có con trai đi bụi, nó đói, ghé qua nhà, tôi dọn cho nó ăn và chắc cũng nhìn nó như đang nhìn hắn ăn hôm nay. Hắn ăn uống say mê, thưởng thức một bữa ăn tươi gia đình. Hắn thèm thuồng một cuộc sống gia đình. ¡n xong, được mời ở lại nghỉ chủ nhật, hắn sung sướng, tự bày việc ra làm, sửa điện, chỉnh lại cái TiVi, đóng đinh cái chân ghế hay tìm cách lau tấm gương bàn trang điểm của tôi làm nó trong veo như hồi mới mua. Hắn là kẻ khát khao được làm việc nhà. Chồng tôi tiếp thu ngôi nhà mênh mông của ông nội để lại với một rừng đồ đạc cần phải sửa sang, phải lau chùi. Nhưng anh ấy chẳng đụng tay vào cái gì, anh là mẫu người của tính thờ ơ. Hình như tất cả thời gian anh dành để "dạy dỗ" tôi, như anh nói. Một việc đơn giản như thay cái cầu chì anh ấy cũng không biết xoay xở làm sao. Hắn kể, hắn mồ côi, theo ông chú ra Hà Nội học, bà mợ cay nghiệt, chỉ thoát được tay bà ấy khi thi đại học hai chín điểm rưỡi trên ba mươi, được sang Nga du học. Hắn hận đời nên cố học, được mời ở lại làm phó tiến sĩ rồi làm luôn tiến sĩ. Việc học hành làm nhỡ mất thời cơ yêu đương, lấy vợ, nhỡ cả việc kiếm cho mình một cái vốn để sinh sống sau khi về nước như nhiều sinh viên du học khác. Những bữa bún chả chủ nhật dày thêm. Chồng tôi lấy tư cách đàn anh mà sai bảo thằng em ngoan ngoãn, muốn hắn đến nhà để làm hộ anh những chuyện vặt đáng lẽ anh phải làm. Anh ấy vốn thích sai bảo ngay cả trên giường. Còn tôi thì bắt đầu thấy thiếu hắn. Hắn có tất cả những gì chồng tôi không có trừ tính thờ ơ. Tôi phụ giúp hắn một tay, có nhiều lúc "hai chị em" lúi húi trong gian nhà kho với bụi bặm và những món đồ gỗ của thế kỷ trước. Cho đến một hôm, hắn phát biểu trong một hội thảo khoa học. Hắn bẻn lẽn trước những tràng vỗ tay như sấm của cánh trẻ và những đôi mắt kinh ngạc đến sợ hãi của các ông già. Bây giờ tôi không chỉ thấy thiếu hắn trong những ngày chủ nhật mà còn biết rõ hắn đã làm mờ nhạt hẳn người chồng lâu nay vẫn sống bên cạnh mình, vẫn yêu mình như một ông giáo yêu cô học trò ngốn ngấu những lời giáo huấn em phải thế này, em phải thế kia, người chồng chưa từng làm tôi say đắm, chỉ được tôi thương như một người anh khinh suất không hề hiểu được những gì xẩy ra trong lòng cô em gái. Hắn đã đi thẳng vào tim tôi, ngoan cố, lỳ lợm không chịu ra nữa. Rồi trong gian nhà kho chật chội và bụi bặm đầy đồ gỗ cần phải sửa sang lại đó, hắn cùng tôi khiêng một chiếc độc bình ra để đánh bóng lại cái đế bạc, tay hắn đặt lên tay tôi, hắn bóp mạnh tay tôi như một chiếc kìm, tôi run bắn lên nhưng vẫn để nguyên bàn tay trong tay hắn, chiếc độc bình từng được vua Khải Ðịnh ban cho ông nội chồng tôi bày trong phòng khách rơi xuống đất vỡ tan. Như chỉ chờ có thế, hắn hôn tôi. Tôi không liếc nhìn chiếc độc bình vỡ một giây, ngã vào tay hắn, đón nhận cái hôn đã được chuẩn bị ngay từ lần đầu tiên hắn bước vào nhà này. Tôi sung sướng vì đang yêu, được yêu, như kẻ lữ hành thoát khỏi biển cát của sa mạc.
"Chỉ đến khi gặp hắn em mới biết là mình không thể sống với chồng nữa, tại sao thế hả chị?"
"Vì em yêu hắn. Và chị chắc là hắn cũng yêu em".
Tôi thở dài.
"Em đã có một tuần với hắn nhân chuyến đi công tác chung ở Ðà Lạt. Ðến lúc này thì cả hai chúng em đã sang một thế giới khác mất rồi. Về nhà, em vẫn phải làm vợ, nhưng em chỉ nhìn thấy hắn, chỉ nghĩ đến hắn, như đang làm với hắn. Hở ra là em đến với hắn liền. Cuộc sống vợ chồng em đã đến lúc không thể nào chịu nổi. Cho đến một hôm, quấn cái chăn len quanh mình như con nhộng trong kén, em đã nói với chồng..."
"Em nói sao?"
"Tất cả, chị ạ, trừ tên hắn. Anh ấy gầm lên, hỏi thằng nào. Em khai ngay. Chồng em không nói gì nữa. Như là anh ấy hiểu nếu em yêu ai chứ yêu hắn thì em có lý. Em nói ra là đúng, phải không chị?"
"Rạch ròi như thế là hơn".
Sáng hôm sau đêm ấy, tôi chạy đến với hắn, với cả linh hồn đầy ắp hy vọng và yêu thương, chỉ chưa mang theo đồ đạc tư trang nữa thôi. Hắn lặng đi, nói: "Sao em lại làm thế? Anh Khang là bạn của anh!" Những ngày sau đó hắn có những câu nói, những cử chỉ khác thường. Một số người trong Viện nói hắn bị tâm thần hay ung thư khởi phát. Có người bảo tài năng bao giờ cũng điên một nửa. Tôi không có cách gì gặp hắn được. Tôi muốn phát điên phát khùng lên. Rồi hắn đi khám bệnh và mang đâu về một tờ giấy bác sĩ bảo phải nghỉ ngơi vài tháng. Hắn đi rồi tôi mới hay tin. Hắn xin chuyển hẳn vào thành phố Hồ Chí Minh. Suốt thời gian ấy vợ chồng tôi ngậm miệng, không ai biết gì về cái đêm kinh hoàng khi tôi thú nhận với chồng. Cuộc ly hôn thật bất ngờ và nhanh chóng đối với mọi người. Hắn không một lời nhắn tin, không gửi lại thư từ. Hắn tránh mặt tôi vì mặc cảm tội lỗi. Nhưng còn tình yêu với tôi thì sao? Hắn bỏ chạy như một thằng ăn cắp sau khi móc túi được cả một cuộc đời và đang hối hận, đang sợ mất đạo đức.
"Mưa sao!" Bà Ninh kéo tôi ra khỏi phút trầm tư. Tôi nhìn về hướng đông. Một luồng sao băng vút ngang vòng cung chân trời. Những chấm sáng nhấp nháy tưởng như không dứt nữa.

"Ðẹp quá! Phải không? Chị nhìn thấy hết, chị nhìn thấy anh ấy..." Bà Ninh nói. Tôi vâng. Chúng tôi im lặng cho đến khi người đàn bà mù nhận ra trận mưa sao chấm dứt. "Họ đi xa rồi!". Tôi vẫn không hiểu nổi bà Ninh nhìn thấy mưa sao như thế nào. Nhưng đúng là bà đã nhìn thấy. Tôi dìu bà lại cái lỗ chui cầu thang.

Dãy hành lang tối vì bóng đèn đã bị ai lấy mất. Tôi đưa bà Ninh về phòng rồi mở cửa. Mệt mỏi nằm xuống giường. Nhưng một cái gì đó đang cựa quậy trong hồn tôi. Như là những mảnh sao vỡ đang ập vào, phá tan cái thế giới an phận lâu nay của tôi. Cái cảm giác đòi hỏi quen thuộc tưởng đã quên từ lâu, được khép chặt trong vỏ con sò, trở lại dày vò tôi, làm đảo lộn sự bình yên thường ngày. "Em định ở vậy đến bao giờ?" Ðó là câu hỏi của bà Ninh hay của chính tôi? Tôi không biết nữa. Có tiếng gõ gấp gáp. Tôi ra mở cửa. Hắn đang đứng đó. Trong bộ quần áo đi đường dãi dầu, chiếc cặp đen trong tay, hắn hiện ra, y nguyên như trước đây lần đầu tiên hắn đến nhà tôi. Thằng con trai đi bụi của tôi đã trở về. Tôi giận lắm, nhưng đó chỉ là cơn giận của người mẹ.
Hắn không nói gì cả, như hắn vẫn thế, đặt chiếc cặp xuống mặt bàn viết của tôi, ngồi lên ghế rồi rụt rè tháo tất. Tôi ngửi thấy mùi hôi chân khi hắn cởi giầy, tự dưng tôi không còn giận như mỗi lần nghĩ tới hắn trước đây, tôi muốn quỳ xuống cạnh, tháo tất giúp hắn. Nhưng tại sao hắn lại tháo tất? Tôi không muốn bất cẩn nữa mặc dù lòng tôi chao đảo như váng đầu hay lên cơn sốt. Tôi cố đứng vững, tự nói thầm : không được nhẹ dạ.
"Em!", hắn nói theo kiểu của hắn, "anh đã được ân xá". Chỉ thế. Tôi hiểu. Hắn đã tự ân xá cho mình. Còn tôi? Tôi chợt nhớ từ ngày hắn vào thành phố Hồ Chí Minh đến nay chỉ mới được sáu tháng, thời gian đủ để ân xá một thường phạm.

 

Kim Giang 1998
 

<< Người trêu chim | Người đàn ông trên ban công >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 923

Return to top