Hồng lĩnh vô gia huynh đệ tán
Bạch đầu đa hận tuế thời thiên
(Nguyễn Du)
Ðàn chó sủa vang đầu ngõ, mỗi con một phách. Nguyễn bừng tỉnh, ngẩn ngơ tiếc một giấc mơ. Chàng mơ thấy gì ? chàng đang ân ái. Không phải với vợ, cũng chẳng phải với người cũ Thăng Long. Mà với chắt Ðiu, cô gái hát phường vải mới quen vài hôm trước. Chắt Ðiu kéo chàng đi, những đống rạ lù lù trên cánh đồng. Cô nàng rút rạ trải xuống đất, nằm xuống. ánh sao mờ tỏ, sương lạnh thấm qua đôi giầy nhung sờn của Nguyễn. Chàng ớn lạnh nhưng trước mặt chàng là cô gái đang nằm trên mớ rạ vừa trải xuống đất, cái váy lụa đen nhánh tốc lên hớ hênh dưới ánh sao. Nguyễn không đừng được. Cách đây ba hôm chàng đi sau chắt Ðiu, đã ngắm dáng đi ngoe nguẩy và bí ẩn của cô gái, đã tưởng tượng và thèm và khát.Chàng ngồi xuống đống rạ, cởi giầy. Ba mươi lăm tuổi, gầy yếu vì thiếu ăn nhưng chàng đâu đã già. Ðó là lần đầu tiên chàng buông thả. Ai chẳng buông thả sau mười năm ba đào lầm lạc? Muời năm khư khư lòng trung với một ông vua hèn đớn chịu nhận một chức tam phẩm của vua Tàu? Chàng đánh mất mười năm trẻ trung đời mình. Chàng phải lấy lại.
Nhưng cái can đảm buông mình đầu tiên ấy cũng chỉ là một giấc mơ mà thôi. Chàng vừa tiếc vừa mừng vì may chỉ là một giấc mơ và mệt rã rời. Nguyễn đỏ mặt xấu hổ. Cái máu đa tình thì họ Nguyễn nhà chàng ai cũng có. Nhưng với ai kia, chứ chắt Ðiu thì... Dù chàng đã thèm, đã muốn cô ta, muốn được ngủ với cô ta không phải một lần. Nhưng thôi, soạn sửa đi với phường săn cái đã! Ðàn chó đang giục. Chúng nhặng xị cắn nhau chí choé. Cứ ba con chó là có chuyện cắn nhau - chàng nhận xét - cũng như hai thằng đàn ông đang yên lành mà có một người đàn bà xuất hiện là y như họ đánh nhau.
Ðợi Nguyễn ở ngoài ngõ tre là ba người đàn ông trong phường săn Hồng Lĩnh. Cháu Hối, nghĩa Hợp và chắt Khôn. Ba người ba tuổi nhưng đều lực lưỡng, da đen bóng, tóc đen bóng búi thành cục như nắm đấm. Trước đây cả ba đều là con cháu tá điền mấy đời của cha và ông chàng. Cháu Hối là con u dĩ, người bồng bế và chăm bẵm chàng hồi trứng nước. Còn nghĩa Hợp là con trai một ca kỹ được cha chàng tha từ Thăng Long về rồi gian díu sao đó mà đẻ ra Hợp. Tự Nguyễn cũng thấy anh ta hơi giống mình nhưng cả hai không nhận anh em. Hợp làm con nuôi của ông phó Ðại. Còn chắt Khôn ? Anh ta có dòng máu thuần khiết nhất của một gia đình người Lào sống trên mái phía đông dãy Giăng Màn. Giữa trận lũ to, người làng vớt được anh ta trong một cái thúng, tám tuổi, chưa biết nói tiếng Kinh. Cháu Hối và nghĩa Hợp mang súng kíp. Chắt Khôn cầm tay một cái nõ. Bảy con chó đủ màu đen vện vàng vây quanh sủa nhức cả óc.
“Ông cậu! Trưa trật rồi, có đi không thì bảo anh em.” Cháu Hối nói. Khi Nguyễn về làng, mọi người thấy rất khó xưng hô với chàng. Trước đây chàng là một ông quan võ, chức nhỏ thôi nhưng cũng là quan, về làng người ta gọi chàng là “ông cậu”. Thân phận chàng vẫn le lói chút hào quang của một danh gia vọng tộc hết thời. Nguyễn xách ra một ngọn giáo, hỏi :
“Mang cái này, được chưa?“. Nghĩa Hợp đưa tay vuốt cái lưỡi giáo sắc lẹm rồi nhanh như chớp phóng cái vèo. Ngọn giáo xuyên suốt cây chuối cạnh ngõ, cán run bần bật. “Ðược!” anh ta nói. ”Chừ vô truông Hút săn nai. Chắt Huề bảo có một đàn tám con nai hương mới về.” Y xăm xăm bước lên trước.
Vốn ít nói, Nguyễn lầm lũi đi sau ba tay phường săn. Họ qua ngôi nhà có dãy cột đá của ông anh thích xa hoa Nguyễn Khản, từng là Hiệp Trấn Sơn Tây. Ông bỏ tiền ra dựng nhà này ở quê, vừa ở, vừa để thờ, ông chưa ở ngày nào, nay hoang phế. Thật ra Nguyễn có quyền sửa dọn lại rồi đón vợ con ngoài Thái Bình về ở đó đến trọn đời. Nhưng chàng không muốn. Chàng không nghĩ là mình sẽ ôm ban thờ tổ tiên để chết ở đây. Núi Hồng, sông Lam, bến Giang Ðình. Dù chàng chưa thấy ở đâu sông núi đẹp như quê nhà. Như là chàng về đây chỉ để săn nai, săn lợn lòi. Chàng cùng phường săn tìm giết chúng, ăn thịt chúng. ở Bắc chàng bôn ba dựng lại triều Lê, xung khắc chí hướng với ông anh vợ vẫn bao dung chàng và vợ con, vào Nam đi tìm Chúa mới, không đội trời chung với ngụy triều, rốt cuộc tưởng rục xương trong ngục Tây Sơn. Mọi ngả đều là ngõ cụt . Như con nai bị dồn vào vách núi, chàng về quê tìm chốn nương thân, sống nhờ vào chút tô tức mấy mẫu đất cha ông để lại, đợi thời. Vậy mà trong thơ, chàng lại viết mình về quê để làm bạn với hươu nai, giả khượt! Thực ra mộng gác vàng chưa hết vấn vương. Thơ với phú! Chỉ là thơ của một anh bất mãn! Tranh nhau làm đầy tớ vua mà không được làm thì quay ra chửi đời, rồi ghép vần mua vui. Nguyễn chua chát cười một mình. Người làng lạ về cái cười ấy, tưởng chàng điên. Không ai cười mỉm một mình như chàng.
Từng thi Tam trường, từng làm quan võ, Nguyễn không ngán ai trong phường săn. Họ cũng vì nể cốt cách của chàng. Chỉ có nghĩa Hợp thường bỗ bã quát tháo chàng lóng ngóng khi chàng sơ ý làm sổng mất con nai hay con lợn lòi. Y ngầm bảo : tớ hơn chú hai tuổi, tớ cũng từ cái sinh thực khí của ông tể tướng họ Nguyễn nhà ta mà ra. Vậy mà tớ mang phận chó mực! “Hây! đi săn mà chậm như rận bò mu l..rứa!” Y quát ông quan võ thất thế như mắng đầy tớ. Nguyễn mỉm cười cam chịu. Trong thâm tâm chàng tin những lời đồn và thông cảm với cái uất ức của giọt máu rơi ấy. Bề ngoài, Hợp rất giống chàng, giống cả quan Hiệp Trấn Nguyễn Khản, nghĩa là rất giống các ông anh. Ông anh cả Hiệp Trấn cũng chỉ lo cho chú em lạc đàn chức nghĩa để khỏi đi phu. Anh nghĩa chỉ nhỉnh hơn anh nhiêu ở chỗ được làng chia thêm một miếng mồng gà. Nhưng cả cái ân huệ mạt hạng ấy Hợp cũng không được hưởng. Tây Sơn coi chức sắc Lê triều như mớ giẻ lau, bắt lính bắt phu tuốt. Ðã ba lần Hợp đi phu tải gạo qua đèo Ngang tiếp lương cho quân lính Trần Quang Diệu vừa bỏ thành Quy nhơn kéo quân ra. Y hút chết vì thương hàn, kiết lỵ và tên bay đạn lạc, nếm đủ mọi điều tân khổ. Dưới mắt y số phận chàng còn may mắn chán. Y bất mãn, quát tháo chàng cho bõ hận đời.
Chốc lát phường săn đã mất hút vào đại ngàn núi Hống. Họ dừng chân suối Ma, một trảng cỏ gianh và rừng chuối. Hoa chuối đỏ như đuốc trên nền xanh lá cây. Nghĩa Hợp đi sau đàn chó, xua chúng sục sạo dưới lòng khe, dồn bầy thú chạy thục mạng vào các ngả đường mòn cho ba tay giáo đón lõng. Y dẫn chàng tới một mái núi có con đường mòn đầy vết chân nai, bảo : “Ông cậu đứng đây. Có con nào chạy qua thì lia một nhát cho nó ngọt như hồi sáng tui phóng vào cây chuối. Ði săn không như múa võ mô!“. Rồi bỏ đi. Ðứa con hoang vừa đi phu về ăn nói với chàng như thế đó. Tại sao cha mình không nhận y? Lần đầu Nguyễn đặt câu hỏi ấy. Cha có ba người vợ, hai mươi mốt đứa con. Nhận thêm một đứa nữa thì ăn nhằm gì. Hồi đó cha được vời làm tể tướng, dân làng mở hội ba ngày ăn mừng cha từ Thăng Long về. Cha sợ mất uy tín vì đã làm một con hát phễnh bụng. Cha muốn làm thành hoàng. Cha muốn hiển thánh. Than ôi, khổ thay cho cái thói đa tình của vĩ nhân. Hình như Hồ xuân Hương có lần nói với mình thế. Chắc hẳn đó là chiêm nghiệm của một đời tài bạc mệnh.
Nàng đang ở đâu ?
Xa vắng, hẫng hụt. Nguyễn thấy nhói trong lồng ngực. Ông bạn vong niên Huyền Hư Tử bảo chàng có hỏa nhập tim. Vốn là ngự y, khi biết mấy thứ cam thảo quế chi không chữa nổi bệnh trầm kha thời đại, trên đường sang Tàu ông vờ đi ỉa rồi bỏ trốn khỏi đoàn người “muôn dặm tòng vong” của Lê tự hoàng. Ông về quê gọt đầu đi tu tại ngôi chùa lợp cỏ do cha chàng dựng lên ở lưng chừng núi Hồng Lĩnh. Tự chàng cũng thấy trong ngực mình thường vẫn có một ngọn lửa đang cháy, không biết ngọn lửa ấy là cái gì mà hành hạ chàng như lửa hỏa ngục.
Nguyễn chờ nghĩa Hợp đi khuất sau đám rừng dổi. Chàng không cầm giáo đợi thú như y bảo mà ngồi bệt xuống cỏ. Chàng đói. Sáng ra chỉ mới kịp ăn một củ khoai chiêu với chè xanh. Ruột chàng nôn nao. Nhưng không phải chỉ vì đói. Chàng đã quen đói rét mười năm. Ngày mới về Hồng Lĩnh ăn thịt nai, chàng đi té re một trận tưởng chết, phải cáng lên chùa xin thuốc Huyền Hư. Ông bạn bảo: “Cái nhục hình Trời Phật trừng phạt bọn trọc phú và quan tham là bắt ăn uống như heo và xuất tinh vô tội vạ. Xa vợ, mất chức và đói là ba thang thuốc trường sinh của chú. Nhờ thế mà chú bế tinh, dưỡng khí và tồn thần.” Chàng ngồi xuống vì cỏ dưới chân mời mọc, cỏ tranh cháy trong vụ gió Nam tháng bảy đang đâm chồi lên từ tro than, màu xanh rợn sườn núi. Sau này chàng sẽ viết cỏ non xanh rợn chân trời, thực ra cái quê Hà tĩnh bốn bề núi của chàng đâu có chân trời ? Từ khắp nơi chỉ thấy dãy Giăng Màn xanh ngắt, bên kia là một xứ Lào bí ẩn. Cái chân trời này ở đâu ra? Văn chương hữu hạn là thế.
Những lá cỏ bị chàng dẫm nát dưới chân thơm hắc. Cách dăm nước bước là con đường mòn. Ðáng ra thì chàng phải nghe lời Nghĩa Hợp, nấp sau đám cây giẻ kia, thu mình lại như một con báo nham hiểm chờ bầy nai chạy qua. Rồi lia một mũi giáo thật ngọt. Nhưng dưới chân chàng là cỏ. Chàng không nỡ. Cỏ hiền lành, thấp mà không hèn, không ty tiện. Chàng nhớ những bãi bồi bên sông Luộc, sông Trà Lý, bến đò Tịnh Thủy mấy lần giặc giã đốt phá, phiên chợ chiều xơ xác, gương mặt người đàn bà nổi gân xanh nhìn chàng mời mua mấy bắp ngô. Chàng nghẹn không trả lời. Chàng đang đói và chẳng đủ tiền mua mấy cái bắp ngô kia. Từ hôm đó chàng quen vợ chồng ông tú Sinh Từ. Nhưng cuộc giao du với đám người khoa cử không làm chàng cao cả lên chút nào. Chàng nhìn rõ bản thân mình hơn mà thôi. Vì chàng cũng chính là họ, chàng còn nòi hơn họ nữa. Họ muốn gì, những kẻ trói gà không nổi ấy ? Họ muốn người khác làm hộ tất cả những gì họ nghĩ ra trong đầu. Mà đầu họ thì thiên kinh vạn quyển, nhất dạ bách kế. Họ muốn dựng lại cả một triều vua mà không xa nổi cái tráp đựng mấy quyển sách nát. Họ tán dương mỹ nhân, sang sảng ngâm tương tư hoàng diệp lạc* của Lý Bạch mà không dám cất hộ cái váy đụp của vợ lúc trời mưa. Ngửi được mùi đỉnh chung, dù chỉ mới thoang thoảng trong không khí là họ hướng mũi tới liền. Tóm lại là họ hèn. Nhờ giao du với họ mà chàng thấy được mình chẳng khác gì họ mấy. Mấy ai dám ngồi chơi với cỏ.
Và bây giờ chàng đang ngồi trên cỏ. Dưới xa một chiếc xe trạm chạy trên đường thiên lý về phía Ðèo Ngang. Một đoàn binh lính giáo mác tua tủa đi sau mấy con ngựa chiến có người cưỡi. Họ đi đâu? Lính Tây Sơn từ thành Nghệ an vào hội sư với quân Trần Quang Diệu? Một triều đại ngắn ngủi sắp đổ nát. Những con người đi giết và để bị giết. Chẳng bao giờ biết được mình chỉ là đám quân cờ trong tay một kỳ thủ nát rượu và ngủ gục vì sắp thua. Cái khác là những quân cờ này biết ăn và cần ăn, cần mặc. Họ đi lính vì ở nhà thì chết đói, khác hẳn với hàng vạn tay gươm tụ tập dưới cờ cái ngày Nguyễn Huệ dừng lại chân thành Nghệ An trên đường ra Bắc đánh đuổi Tôn Sỹ Nghị và Lê tự hoàng. Hồi đó chàng đang trôi giạt ở Hưng Yên, Thái Bình, nôn nao với khí thế nuốt Ngưu Ðẩu đang dâng trên đất Nghệ, dòng máu võ quan kinh bang tế thế rạo rực trong tim. Chàng muốn rút gươm ra khỏi vỏ. Muốn giết giặc hoặc sẽ bị giặc giết. Nhưng chàng không thể. Không thể chống lại Tự Hoàng dù ơn vua lộc nước chỉ là một cái tú tài chưa xong! Chàng xin âm dương trước ban thờ cha. Cả ba lần hai đồng tiền đều nói với chàng : “Không!” Ðó là một mệnh lệnh dứt khoát từ nghĩa trung quân chảy trong huyết quản dòng họ Nguyễn của chàng? Hay là do hèn nhát ? Hay là vì thơ đã nuốt mất đời chàng cùng với cây kiếm ? Chàng đã không làm như Ngô Thời Nhiệm, như Phan Huy ích. Và hôm nay chàng đang ngồi với cỏ.
Trong đám chuối rừng dưới khe sâu tiếng Nghĩa Hợp suỵt chó ầm ĩ man dại. Bầy chó sủa gắt. Chừng như có lợn lòi. Chắc là lợn vì nếu nai thì chúng đã vọt lên từ lâu. Nai đẹp, thịt ngon nhưng không gan lỳ như lợn. Bọn thợ săn bảo chim với thú đẹp thì nhát. Chúng biết giữ tấm thân đáng giá ngàn vàng, đẹp và tài là sẽ khốn nạn vì tai ương. Lợn lòi thì khác, ranh ma, hung dữ, bị chó dồn chúng không bỏ chạy thục mạng mà cố tìm cách xông ngược trở lại, nếu cần thì xé xác cả thợ săn. Bố chắt Hối bị một con lợn độc tợp nát bắp chân mất máu mà chết. Chúng biết tỏng mưu mô của lũ người. Nghĩa Hợp đang xua chó cố dồn con lợn vọt qua những nơi có Nguyễn và bọn Chắt Khôn đón lõng. Thỉnh thoảng y rú lên trong cơn say máu. Tiếng lợn hộc trong lòng khe. Nguyễn ngồi dậy, đến nấp sau cây săng lẻ. Chàng nghe tim đập mạnh, cố bình tĩnh vuốt đi vuốt lại cái lưỡi mác lạnh và sắc. Tiếng người lẫn tiếng thú đã đến gần nguồn suối. Nguyễn đứng né bên con đường mòn, không được đối mặt con thú. Chàng sẵn sàng trong một thế võ để kịp phóng lưỡi mác trúng họng con thú vọt qua. Cho đến khi con lợn và chàng, một trong hai sẽ chết.
Nhưng tiếng chó xa dần. Con lợn đã vòng qua ngả khác hay lộn trở lại chân núi để thoát ra trảng cỏ ? Nguyễn thở phào. Thực ra chàng không sợ nhưng thật bất đắc dĩ phải rời miếng cỏ tranh non và những suy tư đang làm chàng thích thú. Chàng cắm phập lưỡi giáo xuống đất.
Em chào ông! . Nguyễn quay đầu. Chắt Ðiu đang đội một bó củi khô, những thanh củi loòng cháy nham nhở. Mặt Chắt Ðiu nhem nhuốc tro than dưới cái khăn mỏ quạ nâu sồng.
“O đi lấy củi xa rứa?” - Nguyễn nói, tự thấy cái giọng Nghệ của mình nó trọ trẹ, nó miễn cưỡng thế nào. Xa quê đã lâu, giọng chàng không nặng như người ta. Chàng đỏ mặt nhớ lại giấc mơ ái ân lúc tảng sáng.
Chắt Ðiu đặt bó củi xuống đất, ngồi lên, cởi khăn lau mồ hôi mặt. Nguyễn buồn cười thấy mặt cô nhem nhuốc hơn. Nhem nhuốc nhưng vẫn đẹp. Tự nhiên chàng hết thèm muốn, thay vào đó là một tình cảm hoàn toàn khác. Chàng lại đỏ mặt, giấc mơ vẫn không buông tha chàng.
“Bao giờ lại có đêm hát nữa, ông cậu?” - cô gái hỏi.
“Tôi cũng không biết. Bữa gặp o ở đám phường vải tôi tưởng o là con nhà quan.” Nguyễn bảo.
“Ông cậu thì có!” - Chắt Ðiu nguýt một cái dài. “Em đi củi bán lấy tiền đong gạo. Răng mà em được sung sướng như ông cậu.”
Nguyễn nhớ lại những ngày ở Thái Bình, cả nhà ông tú Sinh Từ và chàng châu đầu quanh nồi cháo rau má. Bát cháo nóng húp quanh, mùi rau má tháng giêng thơm nồng. Lúc đó chàng ăn không ngon, nghĩ đến lũ trẻ ở nhà. Chàng lên ông bà tú vay tiền, cả nhà không còn gì ăn. Không ngờ ông Tú cũng đói. Cái hèn kém của kẻ sĩ là hết gạo thì chạy rong, không dám vô rừng như chắt Ðiu! Không phải lần đầu chàng thấy mình thảm hại. Không phải lần đầu. Nhưng chàng đang mủi lòng nghĩ tới lúc cô gái mảnh dẻ, có giọng hát quyến rũ còng lưng dưới bó củi.
“Mẹ em mù, ông biết không, cứ vài ngày nhà em ăn hết hai gánh củi.”
Mình phải quỳ xuống lạy cô ta mới phải - Nguyễn nghĩ thầm - Chàng nghĩ tới ông vua đang chầu chực xin ăn bên Tàu. Vậy mà, lần đó theo cha vào cung, mình đã quỳ lạy trước ông ấy! Mình đã mất mười năm vì cái gì ? Vì cái gì ? Chàng lại nhớ tới giấc mơ . Chàng muốn nói một lời sám hối, không sao gạt bỏ được sự xấu hổ vì đã có một giấc mơ bậy bạ đang giày vò chàng.
Tiếng chó, tiếng người la làm Nguyễn chợt tỉnh. Chàng chạy tới cây mác đang cắm trên đám cỏ cạnh gốc cây. Xẹt, ầm ầm, tiếng hộc hộc như sấm rền. Một con lợn độc to bằng con bê từ lòng khe vọt lên. Nó cúi đầu phóng như bay rồi biến mất sau đám cỏ tranh cao quá đầu người trước khi chàng rút được ngọn giáo lên. Bầy chó vừa sủa vừa tràn qua. Chúng không để ý gì đến Nguyễn và cô gái, đuổi theo con lợn.
Cuối cùng là Nghĩa Hợp. y mệt mỏi, mắt đỏ như máu, quần áo rách như xơ mướp, cây giáo dài cầm trong tay. Thấy Nguyễn nhìn mình vẻ hối lỗi như một chú lính không làm tròn phận sự trong quân ngũ, y đưa mắt nhìn khinh bỉ. Nhưng ngay lúc đó y nhìn thấy Chắt Ðiu. Nghĩa Hợp hét một tiếng rõ to, quát :
“Tít mắt với gái, để sổng mất con lợn! Ðồ...”
Rồi y phóng mũi giáo thẳng vào Nguyễn, như muốn ghim ông anh cùng cha khác mẹ vào gốc săng lẻ. Chắt Ðiu rú lên, ôm mặt. Nguyễn nằm rạp xuống đất tránh được.
Cụ cử Nguyễn Ðình Mai nói đã đọc được một cuốn gia phả không phải của họ Nguyễn Tiên Ðiền có chép lại chuyện này, ghi rằng, năm Nhâm Tuất tức Thế Tổ Gia Long nguyên niên Nguyễn Hầu suýt bị tổ phụ ta giết may mà thoát chết. “Tổ phụ ta” nói ở đây tức là Nghĩa Hợp. Qua tuổi trưởng thành, có người bàn ông nhận họ Nguyễn nhưng ông nhất định không nghe. Ông tự đặt cho mình một họ riêng, ở làng Tiên Ðiền chưa hề có là họ Ðoàn. Sau buổi săn hôm ấy ông nói với bố nuôi đi ăn hỏi Chắt Ðiu, rồi cưới vào tháng sáu, giữa mùa gió Lào. Con cháu đầy đàn, đời nọ nối đời kia, nay vẫn còn. Ông chết sau Nguyễn Du sáu năm, thời đó thì cũng gọi là thọ.
Ðó là buổi săn cuối cùng của Nguyễn ở núi Hồng. Chàng rời phường săn vì cứ mỗi lần nhìn thấy cây giáo là mồ hôi vã trán. Chàng thường lui tới ngôi chùa của Huyền Hư Tử. Ba năm sau chàng vào kinh theo lệnh vời của vua Gia Long .
Cũng thật may, nếu không thì Truyện Kiều chỉ còn là những giọt máu đầu ngọn giáo.
Kim Giang 1997