Tôi chưa đọc thấy ở đâu viết rằng Xuân Hương đẹp.
Thậm chí có người còn cho rằng nàng không có nhan sắc.
Nhưng tôi tin nàng đẹp
Tài năng có bộ mặt riêng vẻ đẹp riêng dù thế nào, ít gì sánh được.
Ở làng Quỳnh không ai ưa cô gái ấy. Bọn trai làng thì cô ta coi như củ khoai. Các vị bô lão tự cho mình cái quyền chê bai người khác thì không chịu nổi con bé mới nứt mắt kia lại dám báng bổ, lẳng lơ, trêu chọc cả sư. Mấy ông đồ, ông Tú, cả ông đầu xứ Thanh Vân thì bị cô diễu bằng thơ, đặt tên tuổi khả kính của các ông vào mồm trẻ trâu để chúng rêu rao khắp hang cùng ngõ hẽm. Không làm gì được cô ta. Không anh đàn ông nào thắng nổi đàn bà huống gì người đàn bà đó lại là Xuân Hương. Và một hôm, ông đầu xứ Thanh Vân, trong một cuộc rượu thưởng hoa, khi bị mấy anh học trò hỏng thi trong vùng căn vặn về mối tình giữa ông với cô gái làng Quỳnh, đã bất ngờ thốt lên : "Vân này thèm vào ngữ cá rô đực ấy!" A! Xuân Hương chỉ có cái mã bên ngoài! Xuân Hương không phải đàn bà mà là con cá rô đực! Câu nói lúc đầu chỉ bất chợt là miếng chạy làng của ông đầu xứ đang ngà ngà. Nhưng nó nhanh chóng trở thành vũ khí cho những ai không chịu nổi cô gái làng Quỳnh. Những người đó, trước đây vẫn thường nói "cái nết đánh chết cái đẹp" của Xuân Hương nay cho rằng cái đẹp chưa từng có nên nó chưa hề bị đánh chết. Và không còn gì phải để tâm đến cô gái chanh chua, đanh đá kia vì cô ta đâu phải là đàn bà, còn cái nết thì cũng chẳng ra gì để mà châm chước cho một cô gái đẹp mà không có gì để sinh con đẻ cái cho nhà chồng. Và thế là Xuân Hương trở thành miếng dẻ rách trước mắt những người từng theo đuổi cô, hâm mộ cô, say mê cô mà chưa hề được đáp lại dù chỉ một cái nhìn tử tế và thiện cảm. Cứ như người ta nói với nhau thì, phải tin ông đầu xứ Thanh Vân vì ông ấy mê đắm Xuân Hương và có lẽ là người duy nhất trong làng có quyền nói về chuyện đó. Vậy phỏng cô ta còn là cái gì nữa trước mắt người làng ? Cái sắc đẹp nhìn thấy chỉ là trò lừa lọc của trời đất hay là sản phẩm của phù thuỷ thì cũng thế.
Ðó là những ngày bi thảm nhất của Xuân Hương. Nàng coi nhan sắc cũng chỉ là trò đùa của Tạo Hoá, trong chiếc hộp sơn ta màu đen của nàng có nhiều thứ, nhưng không hề có một cái gương. Gương là thứ đồ dùng đắt tiền, nhưng không phải vì thế mà mẹ không mua được cho nàng một chiếc. Nàng không muốn soi gương, thế thôi. Khi giỗ Tết hay có việc đi đâu, nàng chải tóc trước tấm gương Tàu bằng đồng gán trên vách gỗ gần ban thờ. Thế nhưng cũng nhiều khi nàng dừng lại một vũng nước trong vườn nhìn xuống và thấy mình đẹp. Những lúc đó nàng sung sướng, trở lại là một cô thôn nữ nhu mì, hồn nhiên. Giờ thì bọn người đó đã xua đuổi nàng, họ xua đuổi và căm thù sắc đẹp của nàng vì không mặt nào với tới được. Nàng đẹp, hiển nhiên. Giờ đây, lũ trẻ trâu làng Quỳnh xâu hạt bưởi thành chuỗi như gắp chả nướng, đốt lên làm đèn, rồng rắn trước cái cổng gỗ mít thâm nghiêm của nhà nàng, hát : Làng Quỳnh có chị Xuân Hương - Ðẹp thì có đẹp mà không... và những tiếng tục tĩu lộn mửa ngụ ý nàng chỉ là một thứ không dùng để làm gì. Ai đã làm ra mấy câu vè con cóc thô bỉ ấy, nàng không thèm biết, thèm chấp. Cái hĩm Xoan, nửa bạn nửa người hầu, con gái một ông tá điền đã mấy đời bảo người làm ra mấy câu vè ấy là ông đầu xứ Thanh Vân. Nàng không tin. Nàng nghe nói Thanh Vân có nói gì đó trong bữa rượu thưởng hoa quỳnh. Ðó là nói trên chiếu rượu, do sĩ diện với lũ bạn lêu lổng và cũng còn do nỗi đau khổ tận cùng trong trái tim ông ta nữa. Bạn bè của ông ta nhiều kẻ vô tướng bất tài. Nhưng ông ta thì không đến nỗi. Nàng biết, ông đầu xứ yêu nàng mê mệt nhiều năm nay. Ông ta chịu đựng những bài thơ và lời ong châm của nàng như một con trâu điếc, quỳ gối trước mặt nàng nếu nàng chịu vỗ về ông ta dù chỉ bằng một ánh mắt. Ông ta không phải người có tâm địa dí nàng xuống đất để lấp liếm sự bất tài và lòng dạ xấu xa, đạo đức giả vờ. "Trong bụng họ toàn cứt trâu!" Chính ông ta bảo Xuân Hương thế. Nàng cắn răng chịu đựng đòn thù tuy trong bụng cũng núng, không biết thoát ra khỏi cái giỏ cua đồng nầy như thế nào đây.
Thế rồi, thân phụ mất. Ðại tang trên trời rơi xuống. Trong nhà chồng không ai để mắt tới phận lẻ mọn của mẹ nàng và đứa con côi. Chỉ còn tính nước về quê ngoại xứ Bắc, miếng đất trồng hoa ven La Thành. Cũng là dịp may để trốn khỏi miệng lưỡi những kẻ tiểu nhân không có tài cán gì hơn là đố kỵ tài thơ và thù ghét cái Ðẹp. "Mẹ con mình ở lại đây thì làm sao con có chồng!", mẹ nói. Bà đã khổ một đời vì cảnh chồng chung. Vậy mà vẫn làm mọi việc để con gái bà có chồng. Mẹ nàng là thế.
Thăng Long từ đó có Hồ Xuân Hương, người đẹp Cổ Nguyệt Ðường.
#
##
Trong những ngày tao loạn thời Lê mạt ấy, kinh thành như một phiên chợ họp trái phiên. Lính tráng cướp bóc giữa ban ngày còn tiếng chuông chùa Trấn Quốc thì loạc choạc lúc có lúc không. Xuân Hương bước xuống thuyền thúng, cầm mái dầm đẩy nó vào đám sen. Búp sen, gương sen và cả lá sen đều bán được. Nàng cúi nhìn khuôn mặt mình trong nước hồ Tây, rùng mình. Vó câu qua cửa sổ, người xưa nói thế mà đúng. Nhà có u già giúp việc nhưng u không hái sen, đi chợ được nữa. U hết sức rồi. Hai mẹ con mang u từ Quỳnh Lưu ra đây sau khi cha mất, gọi là để trả ơn đền nghĩa u nuôi nàng từ tấm bé. Ba miệng ăn mà chỉ trông vào mấy sào đất trồng dâu, trồng hoa. Sen thì mẹ nàng thầu được một đám của phường Khán Xuân, cũng có việc cho nàng trong suốt cả mùa hè. U Nghĩa cứ đòi về quê, Xuân Hương can: "Ai nuôi u ở cái xứ gió Lào ấy? U về làm gì?" U nói : "Nhà toàn đàn bà. Tôi đi để bớt được một người" Xuân Hương hiểu ý u. Nàng nói : Con bắt một thằng rể về cho nó hầu mẹ với u!" U Nghĩa nguýt: "Người ta cùng lứa đã có nơi có chốn cả rồi. Ðằng này..." Nàng biết trên đời này chỉ có u là kiêu hãnh vì tính nết khác người cũng như sắc đẹp và tài thơ của nàng. U không học chữ, không tụng kinh. Nhưng u hiểu nàng. Mẹ thường trách mắng nàng vì những trò tinh quái, những bài thơ độc mồm độc miệng, trách thật sự, lo gia phong bị hoen ố. U Nghĩa thỉnh thoảng cũng hùa theo mẹ mắng nàng. Nhưng miệng thì mắng mà nụ cười trên môi u như tự hào, như ngầm bảo:"Con này giỏi!" Ðầu xứ Thanh Vân mê nàng, nhưng không hiểu nàng. Một kẻ si tình vụn, đống lửa rơm trước ngọn lửa ma quái trong đôi mắt lá liễu bí ẩn của nàng. Cái đống rơm mục ấy cháy được bao lâu?. Còn lũ đạo đức giả ở làng Quỳnh thì chẳng chấp làm gì. Suốt đời họ tranh nhau miếng bê thui, cái đầu gà giữa đình hay giết nhau, thù ghét nhau đến mấy đời vì chiếu trên chiếu dưới. Chính họ đã xua đuổi mẹ con nàng ra khỏi quê hương. Vì sao ? Chẳng vì sao cả. Chỉ vì nàng là Xuân Hương mà không phải là họ, thế thôi.
Những bông sen nở sẵn như chào đón người đẹp đang lách chiếc thuyền câu vào giữa rừng sen. Sương buổi sáng đọng thành vũng giữa dốn lá, thỉnh thoảng lại đổ xuống mặt nước ào ào như trời mưa. Tay bơi dầm, tay hái hoa, Xuân Hương tự xoay người, đưa ngực ra gạt đám cọng sen đổ nghiêng lên vai. Cái yếm đũi ướt sũng. Chỉ một lúc, hai cái giỏ đựng hoa trong chiếc thuyền con đã gần đầy. Ðôi gò má của Xuân Hương đỏ hồng, mồ hôi lấm tấm. Nắng đã lên. Trong đám sen ven hồ phía xa là thuyền các cô hàng xóm lúc ẩn lúc hiện. Xuân Hương bơi thuyền ra một chỗ trống, nước lặng như tờ, một đàn sâm cầm bay vụt lên. Chúng hút mắt nhìn về phía dãy Tam Ðảo lờ mờ trên làng Quảng Bá. Nàng cúi mình xuống giém tóc. Hình như hoa biết mai là ngày vọng, vừa phong nhuỵ chúm chím, hoa nở cũng nhiều mà gương cũng nhiều. Khéo phải oằn lưng mà gánh ra đầu Yên Phụ, sẽ có lái trong phố ra, bao nhiều họ cũng mua hết. Chợt nàng nhớ ra bó hoa sen phải dành tiến ông huyện Thọ Xương. Ông ta, một người để bộ ria mép cá trê đen nhánh, si tình và thích nhũng nhiễu. Nhưng mẹ con nàng chịu ơn ông ta từ ngày ra Thăng Long, những ngày tứ cố vô thân, bên ngoại nghèo rớt, chỉ còn mỗi miếng đất cằn. Ông ta muốn nàng về làm lẽ. Làm lẽ! Tại sao từ trước tới nay, ai đến với nàng cũng chỉ muốn lấy nàng làm lẽ. U Nghĩa bảo : "Vì chị đẹp, thơ chị chọc thủng lỗ tai người ta. Vợ cả phải tử tế. Vợ lẽ thì phải đẹp" Nàng cãi : "U bảo con không tử tế à ?" U nguýt : "Vâng, chị hiền lành, chị tử tế !" U vẫn thường nói ngược như thế và nàng thấy mỗi ngày u càng hiểu nàng hơn, quý nàng hơn, hiểu nàng còn hơn cả mẹ nàng. Bó hoa là cái nợ Liễu Thăng thay thế cho việc nàng đã dám thẳng thừng từ chối người ơn. Thực ra thì nàng không chắc ông quan huyện có hàng ria mép cá trê đen nhánh lại yêu hoa sen đến thế. Ông đòi trả tiền, nàng không nghe. Mỗi tháng nàng "tặng" ông ấy bó hoa cho khỏi mang tiếng là mẹ con nàng không có đầu cuối. Có lần nàng nhờ con Lài đưa hoa hộ. Ông huyện nhất định không nghe. Ông đòi nàng phải tự tay đưa hoa đến. Ông không sàm sỡ, mà trọng thị. Nhiều lần ông bỏ dở chuyện công đường để vào phòng khách tiếp nàng. Xuân Hương đưa hoa, ông huyện nhận, cám ơn và nhìn nàng với đôi mắt tiếc nuối. Nhưng mỗi tháng một bó hoa. Có lẽ đến ngày Hồ Tây hết sen mới trả xong!
- Chị Xuân Hương ơi! Có người tìm chị này!
Cô Lài hàng xóm gọi nàng. Xuân Hương nhìn mãi vẫn không thấy nó ở đâu. Chắc là nấp đâu đó trong đầm sen. Nàng nhóng mắt, ngơ ngác hướng về phía tiếng gọi, tìm kiếm. Bỗng từ trong đám sen nhà Lài, cái mũi thuyền nhô ra. Ðầu thuyền một người đàn ông ngồi, lấy tay che mắt vì chói nắng. Chiếc thuyền lộ dần và nàng nhận ra Nguyễn. Ông quan võ hôm nay mặc áo lương, khăn đóng, hai tay cho vào dưới vạt áo. Mắt ông ta nhìn nàng háo hức và tinh nghịch như một chàng trai xứ Nghệ đi hội làng. Nàng nhớ lại hôm ông ta giải thoát nàng khỏi mấy tay học trò quỷ quái bên hồ Tây, hai người quen nhau và nàng có lời mời ông ta đến nhà chơi. Mẹ nàng rất mừng, nhận ra cậu ấm Du con quan quận công làng Tiên Ðiền vốn trước đây có quen biết thân phụ bà ở Kinh Bắc. Từ đó hễ có việc về Thăng Long là Nguyễn đến thăm nàng. Lúc đầu, khi thấy ông xoắn xuýt mình, nàng xù lên như xưa nay vẫn thế. Nhưng vẻ dịu dàng thật đặc biệt của Nguyễn với nàng, sự hào phóng chàng dành cho cảnh nhà bần hàn của mẹ con nàng đã nhiều khi làm nàng cảm động. Tình cảm nàng thay đổi lúc nào không hay. Nàng mềm mại, yếu đuối hơn chứ không đáo để như chính lời nhận xét ban đầu của Nguyễn. Và Xuân Hương hoảng sợ khi nhận ra điều đó. Nàng sợ nhất là tính nhẹ dạ. Khéo nàng đang nhẹ dạ.
- Ông tìm em ạ ? - nàng hỏi, ngoan ngoãn, không đanh đá, chanh chua như đối với nhiều người đàn ông khi họ đòi gặp nàng.
- Tôi vừa ở Thái về. Nghe ông cử Hoan bảo là cô ốm, tôi đến thăm thì cụ bảo cô còn ở ngoài này.
- Sao ông không chờ em về. Ra đây làm gì cho nắng.
Nguyễn chăm chú nhìn nàng. Ðôi vạt áo và cái yếm ướt sũng vì sương. Hai bàn tay đen nhựa sen, có những vết cứa rớm máu. Chàng nhớ lại những dinh thự, lâu đài, những bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng thời trẻ ở Thăng Long, khi thân phụ chàng, một người quảng giao, thích đãi đằng và trong nhà lúc nào cũng phải có mỹ nhân và môn khách. Nhưng liệu trong số người đẹp Thăng Long bọc trong lụa là gấm vóc và được tưới bằng rượu ngon trong lầu son gác tía ấy ai có được một thân hình và đôi mắt trong biếc, giọng nói vừa êm dịu vừa lanh lảnh và chứa một nội lực làm say đắm lòng người như cô gái hái sen đứng trong thuyền trước mặt chàng đây ? Chàng không còn nghĩ tới nữ sĩ Xuân Hương với những bài thơ đầy tứ lạ, sắc sảo, vỗ mặt thói giả dối của thiên hạ mà chỉ còn lại trong lòng chàng một cô hái sen đẹp và tươi tắn, yêu đời trong nắng sớm.
###
Xuân Hương phải về sớm vì nhà có khách. Nàng phải gánh sen lên dốc Yên Phụ bán vội cho một người quen, nhân thể mua ít thức ăn, trong đầu lúc nào cũng nghĩ tới người khách đang chờ mình ở nhà. Nguyễn thì đang dạo quanh vườn cây cảnh bé tý. Mẹ nàng nói : "Các ông trong thành mang đến cho cả đấy. Nhưng nó có ngó ngàng gì đến đâu!" Chàng nhìn một bó hoa sen khoảng mười bông bọc trong lá sen dựng cảnh bể nước, hỏi : "Cô Hương quên bó hoa này rồi!" Bà mẹ nói:"Hoa của ông huyện Thọ Xương đấy. Rằm nào con Hương cũng phải đưa lên tận nhà tặng quan". Nguyễn thấy nhói trong ngực. Chàng nhìn bó hoa cạnh bể nước, mím môi. Một cơn giận pha lẫn ghen tuông thắt bóp tim chàng. Trong đầu chàng những câu thơ như xếp hàng lần lượt hiện ra. Chàng không thể vào thư phòng của chủ nhân để ghi lại nó và chỉ còn mỗi cách là cố nhớ lấy đừng quên mất. Chàng ngây ngất với những vần thơ đang xô đẩy nhau trong đầu mình.
Hôm đó chàng ở lại Cổ Nguyệt Ðường. Xuân Hương như một người khác hẳn lúc sáng. Nàng đốt mười hai cây nến trong phòng khách nhà ngoài, cho trầm vào một cái đỉnh cổ nhỏ xíu. Rồi trải lên bàn một tờ hoa tiên, nói : "Nghe ông Tú Tiên Ðiền có thư pháp của họ Vương. Xin ông Tú một bài thơ cho hai mẹ con được thưởng thức lúc nhàn rỗi". Nàng gọi Nguyễn là ông Tú tuy ông ấy chưa hề dính được cái tú tài, cái tam trường của ông thì nàng chẳng muốn nói. Còn thư pháp Vương Hy Chi ? Nàng có nghe ai đó nói Nguyễn viết đẹp, tiện mồm thì nói thế thôi chứ chưa bao giờ nàng thích treo chữ của ai trong nhà. Thân phụ nàng cũng thế. Nàng chỉ sợ những bài thơ mà Nguyễn đã một hai lần đọc cho nghe nhưng chưa lần nào chép lại cho nàng giữ. Nàng sợ cái mạch thơ sâu lắng, đau đời và trang nhã của Nguyễn. Nàng tự cho thơ mình trang nhã. Thơ Xuân Hương mà trang nhã ? Mấy ông hay chữ quanh Tây Hồ cười nhạo với nhau về chuyện đó. Thực ra họ không hiểu đấy thôi. Những bài thơ nôm đáo để của nàng thường được bật ra khi lòng nàng quặn thắt. Nàng không thể dịu dàng trong thơ. Nhưng lòng nàng thì mong manh và mềm yếu. Ai hiểu được lòng nàng?
Dưới ánh sáng của nến, Nguyễn muốn viết lên tờ hoa tiên làng Bưởi bài Hái sen. Nhưng chàng không thể viết xong bài thơ. Vì Xuân Hương đứng cạnh chàng, mải mê đưa mắt theo từng nét mực Tàu lần lượt hiện lên dưới tay chàng. Tấm lưng với chỗ thắt eo mềm mại mà chiếc áo lụa không che giấu nổi làm chàng bối rối. Một "phận đàn bà" đang ở bên cạnh chàng. Chữ viết của chàng bắt đầu nghiêng ngả, lộn xộn. Một vài vần thơ bị thất vận không thể bỏ qua. Số phận người con gái bên bờ Hồ Tây chỉ hiện ra trong trực giác mơ hồ của chàng, qua những bài thơ kỳ lạ người đời truyền tụng đến tai chàng, một số phận làm tim chàng tan nát. Năm tháng sẽ trôi qua và người đẹp ở Cổ Nguyệt Ðường sẽ hiểu vì sao chàng đành bỏ dở bài thơ. Chàng biết mình chỉ có một đêm để sống chứ không phải để làm thơ. Nguyễn đặt bút xuống. Trên tờ giấy hoa tiên chỉ mới có hai câu viết nét chữ thảo :
Hoa tặng người mình sợ
Gương tặng người mình yêu...
Xuân Hương cầm tờ giấy lên. Nàng đọc, thấy thương mình, thương đời. Và nàng bật khóc. Lần đầu tiên nàng khóc trước mặt một người đàn ông.
###
Hàng chục năm sau, khi làm quan Cai bạ ở Quảng Bình, trong một đêm giữa cảnh Tầm dương đất trích, Nguyễn Du chợt tỉnh sau một giấc mộng. Gối ông ướt đầm nước mắt. Ông ngồi dậy, bước đến án thư, mở hộp văn phòng tứ bảo ra và viết một mạch bài thơ Mộng đắc thái liên, nằm mộng thấy hái sen, một bài thơ thực ra ông đã làm nhiều năm trước bên cạnh người đẹp họ Hồ. Ngày đó đời là thực. Còn ở tuổi ngoại tứ tuần, tất cả chỉ còn là một giấc mộng. Ông chợt nhớ về một con người, một vẻ đẹp một tình yêu không bao giờ lại đến với ông nữa. Và bầu không trung êm ả bên hồ Tây như lãng đãng đâu đây.
Còn ông đầu xứ làng Quỳnh ? Có một câu chuyện truyền miệng ở vùng Quỳnh Lưu kể rằng, ông đầu xứ Thanh Vân, mãi đến bạc đầu vẫn không yêu ai, không lấy vợ và cũng bỏ luôn việc lều chõng. Ông luôn cho rằng chính mình đã xua đuổi Xuân Hương ra Thăng Long. Và khi nghe tin nàng lấy lẽ ông Hiệp trấn Quảng Yên, ông đầu xứ biến mất. Người ta đoán ông đã tìm cái chết bằng cách chui vào một hang đá ở núi Hai Vai và ở lại trong đó luôn. Chuyện này có cơ sở vì mãi tới gần đây, một người hái củi trốn mưa cả buổi trong hang đá , anh ta nhặt những thanh củi bó lại, hý hửng gánh về đi chợ bán. Nhưng khi người mua giở bó củi ra xem, phát hiện ra trong đó có lẫn nhiều khúc xương người. Người làng Quỳnh bảo đó là di cốt của ông đầu xứ Thanh Vân, người đã từng khinh suất trước tình yêu và cái Ðẹp.
Kim Giang 1998