Chiếc U-át leo qua hai cái dốc, đến cái thứ ba thì khậc lên như một con chó già rồi chết hẳn. Con đường nằm sát một rừng hồi. Nắng loáng thoáng trên lũ cây hồi đang ra nụ đầu xuân, thân cây thẳng, có nhiều cành và chùm tầm gửi. Lối mòn trâu đi, người đi. Từ đường nhựa vào rừng hồi, nó mất hút trong rừng như tụt vào một cái hố sâu. Ông lái xe nhảy xuống. Chồng chị từ nãy giờ vẫn ngủ trên hàng ghế sau bật ngồi dậy. Anh dụi mắt, ngơ ngác, nhìn thấy ông lái xe đang mở nắp capô, anh à lên một tiếng rồi lại nằm vật xuống. Cơn buồn ngủ không buông tha anh. Liễu thấy anh còn khoái vì xe dừng lại anh sẽ được ngủ ngon hơn.
Liễu buồn đi tiểu. Chị báo ông lái xe bao giờ chữa xong thì bóp còi cho hay rồi theo con đường mòn vào rừng. Chồng chị vẫn ngủ. Thực ra anh ấy không cần đi với chị chuyến này. Công việc chỉ cần chị, người ta không yêu cầu một ông lớn như anh. Nhưng có anh mới có chiếc U-át. Anh muốn chị đỡ vất vả. Và một mục đích khác nữa. Cuộc hôn nhân của hai người sắp rơi xuống vực, đã lâu họ không đi cùng nhau, dù đi xem, đi chơi hay dự đám cưới. Anh không chịu nổi khi mỗi lần chị từ nhà máy thuỷ điện về, anh đều nghĩ chị đã có "một thằng nào đó", anh chưa biết mặt biết tên nhưng hắn luôn hiện hữu trong đầu anh. Còn Liễu, khi bước vào rừng hồi cũng như suốt cả chặng đường ngồi trong xe bên cạnh ông chồng ngủ gà ngủ gật, không phút nào chị nghĩ tới chồng. Chị hối là đã không tìm cách để có thể đi công tác một mình, may ra chị gặp được hắn, người đàn ông chị chưa biết mặt biết tên nhưng thường vẫn nằm mơ thấy. Mơ hồ như một ảo ảnh? Một ám ảnh? nhưng chị rất muốn gặp hắn.
Con đường trâu đi rợp bóng cây. Hoạ mi hót trên đầu, bên trái, bên phải. Hình như có hai hay ba con trống đang đấu hót với nhau. Có thể chỉ có một con chim mái thôi, nó phải đẹp lắm. Một con chim mái đẹp lắm mới làm cất lên những điệu hót ấy. Còn mình, mình còn đẹp nữa không? Chắc là không. Vì con hoạ mi trống của mình không hót, nó đang ngáy trong chiếc xe chết máy trên đường. Liễu đi tiếp trong tiếng chim. Chị thấy một người đàn ông đang nằm trên cái võng mắc giữa hai cây hồi. Người đàn ông nằm, lim dim mắt, hai bàn tay xoè ra làm gối, một cuốn sách dày trên bụng. Y không ngủ, mắt lim dim nhưng không ngủ. Vì miệng đang huýt sáo. Tiếng sáo miệng của y lẫn vào tiếng họa mi trong tán cây phía trên. Y mở mắt, ngồi bật dậy nhìn Liễu, mắt y lạc đi như mắt người mộng du.
"Xin lỗi làm mất giấc của anh. Xe của tôi chết máy ngoài đường cái." Liễu nói, bước lại gần hơn nữa.
"Không sao ạ. Tôi mắc võng nằm chơi một lúc thôi."
Trên đầu tiếng chim im bặt. Y ngồi dậy, thõng chân, nhăn trán, bực vì mấy con chim thôi hót.
"Hoạ mi hót hay quá - Liễu nói - Thế mà tôi cứ tưởng chúng bị diệt chủng hết rồi."
"Chưa đến ngày ấy đâu - người đàn ông cười rất hiền - ở đây còn nhiều lắm. Chị có thích nghe hoạ mi không?"
"Rất thích ạ. Tôi nghe chúng hót từ nãy đến giờ, thật mê ly. Nhưng chúng thôi hót rồi. Có phải vì tôi là người lạ phải không?" Liễu nói với vẻ nuối tiếc hiện rất rõ trên nét mặt. Người đàn ông cười:
"Không phải đâu, chị chờ một chút. Ðể tôi làm chúng hót chị nghe."
Y bắt đầu huýt sáo miệng. Tức thời, tiếng họa mi lại rộ lên. Trên cao, bên phải và bên trái. Y ngừng. Hoạ mi im bặt. Chúng hót rộ lên khi y huýt sáo lại.
"Sao thế?" Liễu hỏi và lập tức thấy mình ngớ ngẩn.
"Tôi trêu cho chúng hót đấy thôi. Cũng như người, có trêu mới hót" Y nói vẻ bẽn lẽn.
"Thế mà tôi cứ tưởng..." Liễu không hiểu là mình định nói tiếp gì nữa.
Y vẫn huýt sáo. Liễu biết y muốn cho chị được nghe tiếng họa mi vì chị đã nói là rất thích nghe. Chị cảm động, ngạc nhiên vì sao một chuyện cỏn con như thế cũng làm chị cảm động, chị đã quên không biết cảm động từ lâu rồi. Mặt trời đã lên cao hơn, nắng len lỏi qua những tán hồi dày như tìm đường chạy trốn. Vẫn chưa nghe tiếng còi xe. Liễu không sốt ruột. Chẳng có gì phải sốt ruột cả. Chồng mình đang ngáy còn mình thì đang nghe hoạ mi hót trong rừng hồi.
"Chị còn thích nghe nữa không?" Người đàn ông hỏi.
"Dạ thôi, môi anh khô hết rồi."
"Tôi nói nhiều nên môi lúc nào cũng khô."
"Anh dạy học à?"
"Vâng, ở trường cấp hai. Hôm nay không có giờ tôi vào rừng trêu chim hót cho đỡ nhớ miền xuôi. Còn chị? Chắc là chị về chỗ nhà máy thuỷ điện?"
"Vâng. Nhưng xe cộ thế này không biết có tới nơi được không?"
"Ðợi nguội máy là nó lại chạy ngay thôi mà." Anh nói rồi tiếp: "Chị nằm võng?"
"Cám ơn anh. Tôi phải ra xem xe cộ thế nào."
Liễu quay lại đường cái. Người đàn ông huýt sáo và tiếng họa mi đuổi theo chị. Ông lái xe vẫn loay hoay dưới gầm xe. Chồng chị nằm co, ngủ ở hàng ghế sau. Nắng chiếu lên mặt làm khô một vệt nước dãi từ khoé miệng chảy xuống tận cằm. Vệt nước dãi đã đóng thành vẩy nom như cái bớt. Ông lái xe chui từ gầm ra bảo Liễu:
"Máy ổn rồi, cô ạ. Nhưng cái láp gãy, cần đưa về thị trấn để hàn. Chắc là phải ở lại đây hôm nay mất. Tôi đánh thức thủ trưởng dậy nhé?"
"Thôi, hôm nay tôi là thủ trưởng - Liễu cười - để anh ấy ngủ."
Ông lái xe đã tháo được cái láp ra cầm trên tay. Ông đứng bên vệ đường đón xe ôm về thị trấn.
"Không ra sao cả! ông càu nhàu. "Tại trước khi đi anh chị cho tôi ăn cá mè đấy mà!
"Ðành vậy thôi" Liễu nói, chị ngồi lên một vạt cỏ, cũng thấy buồn ngủ vì không khí rừng hồi lâng lâng và tiếng họa mi nghe mơ hồ hơn nhưng đúng là tiếng hoạ mi. Chị thiếp đi một giây và mơ thấy hắn. Không ra hình thù gì cả. Nhưng đúng là hắn. Theo bản năng chị nhìn vào xe như sợ chồng biết được giấc mơ ngắn của mình. Chị thử đoán xem chồng mình đang mơ thấy ai. Ông bộ trưởng chăng?
Người giáo viên hiện ra đầu con đường mòn. Anh bước lại cái xe, bên chị.
"Anh không trêu chim nữa à? chị hỏi, nheo nheo mắt.
Tôi chán rồi. Xe của chị vẫn chưa chữa xong?
Có lẽ sa lầy ở đây mất. Anh giúp chúng tôi một chỗ nghỉ được không? Tôi và chồng tôi, Liễu đưa mắt về phía cái xe, chắc là có một cái quán ăn nào đó..."
Anh giáo viên nói:
"Chị cần đến nhà máy gấp ?"
"Vâng, cần lắm. Người ta đang chờ tôi giải quyết một sự cố."
"Còn anh ấy chắc là Bộ trưởng?"
"Không phải đâu. - Liễu nhìn "cái bớt" ở khoé miệng chồng - Anh ấy là hiệp sĩ phụ trách công tác đánh thức tiềm năng miền núi. Ta nói khẽ cho anh ấy ngủ."
"Tôi sẽ dẫn anh chị đi đường tắt. Từ đây đến đó dễ tới hai chục cây đường ô tô nhưng lận rừng qua một cái đèo, chỉ mất khoảng một giờ. Chị đi bộ được không?"
"Thế thì tốt quá. Ðể tôi hỏi anh ấy xem."
Chị lại bên xe, lay vai chồng nói đã có người dẫn đường, cả hai cùng cuốc bộ về nhà máy. Anh ngái ngủ, hai vệt nước giãi chảy bên mép như riềm mỏ họa mi, càu nhàu:
"Hai mươi năm rồi anh không đi bộ, em biết không?"
"Thì em đi một mình vậy. - chị vẫn không thôi nhìn cái bớt của chồng - Anh ở đây với bác Giao. Bao giờ chữa xong xe đến đón em". Chị không nài nỉ. Trong thâm tâm chị muốn anh đừng đi. Cũng như từ đầu chị đã không muốn anh đi với mình trong chuyến công tác này.
Chồng chị nhìn người giáo viên, trao chị cái ví nhỏ. Ngón tay anh múp míp, trắng và mềm. Anh nói khẽ:
"Nhớ bồi dưỡng tiền dẫn đường cho người ta. Chắc không đắt đâu. Hãy cảnh giác!" Ba tiếng sau cùng anh nói với chị bằng tiếng Anh.
Chị hiểu anh đang nhắc chị hãy dè chừng và đừng có vất tiền qua cửa sổ, tiền của anh. Nhưng làm sao cảnh giác được với những giấc mơ?
Anh bảo bác lái xe:
"Bao giờ đi thì gọi tôi dậy" Và anh lại ngủ.
Người giáo viên vẫn săm soi nhìn cái xe hỏng làm như vô can trong câu chuyện đi hay không đi của hai vợ chồng. Trong thâm tâm anh muốn y đừng đi. Thật khó ưa, anh nghĩ, không hiểu sao mình lại không ưa được tay này. Vì y là chồng người đàn bà này chăng? Anh đỏ mặt.
Anh giáo viên đi trước, trên con đường mòn.
"Hãy cảnh giác! Câu ấy là của Phu-xích." Anh nói vu vơ.
"Anh thính tai thật. Xin anh đừng chấp. Tôi rất cám ơn anh." Chị muốn nói hai từ "cảm động" được đánh thức sau nhiều năm nhưng lúng túng vì không tìm ra câu để đưa hai từ này vào.
"Anh có biết không? Dạo học cấp một, tôi sợ nhất là bài tập đặt câu."
"Vâng". Anh giáo viên nói.
Anh dặn chị tránh những hòn đá cuội trên đường mòn vì cuội ở đây rất trơn rồi không nói gì nữa. Anh huýt sáo. Trên đầu anh, trong tán rừng cao, những tiếng chim đáp lại. Không còn hoạ mi, có lẽ chúng đã đi kiếm ăn hay khô giọng mà thay vào là những loài chim rừng chị không biết tên. Chúng hót lúc giận dữ, lúc vui vẻ, bao giờ cũng điên cuồng, say đắm khi anh trêu chúng.
"Sao anh tài thế?" chị hỏi hồn nhiên.
"Tôi học thuộc nhiều điệu hót của các loài chim. Trêu cho chúng hót được cũng mất công lắm."
"Phải." chị nghĩ bụng mà không nói ra. "Mà tại sao vừa thấy anh ta trên võng là mình đã nghĩ ngay anh ta trốn vào đây để ngủ nhỉ?"
Sau chuyến đi ấy chị không hề trở lại đó nữa. Những giấc mơ về hắn đến nhặt hơn, khuôn mặt hắn rõ ràng hơn. Chị vẫn không biết hắn là ai. Cái ý muốn biết hắn là ai thật mãnh liệt làm chị khắc khoải một đời cho đến ngày chị từ giã nó.
Kim Giang 2001