Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Khi đồng minh tháo chạy

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 61249 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khi đồng minh tháo chạy
Nguyễn Tiến Hưng

Thay lời cuối

Guam là nơi mà buổi sáng của nước Mỹ bắt đầu sớm nhất, rồi mới đến những địa điểm khác như đảo Wake, Honolulu, và San Francisco. Đó cũng là mảnh đất mà đối với đa số đoàn di tản đợt đầu, ánh bình minh đã hé rạng sau cơn bão tố. Vừa tới đảo đã có nhiều hội từ thiện và cá nhân tình nguyện giúp đo. Họ mang cơm tới trại, thông dịch, nấu ăn, săn sóc trẻ em, thay tã cho con nít. Tuần báo TIME (5 tháng 5, 1975) kể lại là hãng Mcdonald còn muốn tặng mỗi người một bánh hamburger và một chai coke khi họ vừa đặt chân lên đất Mỹ để "giới thiệu lối sống Mỹ". Nhưng ban quản lý trại đã từ chối vì cho là Mcdonald chỉ có dụng ý quảng cáo

Hai địa điểm trên đảo Guam là nơi được chọn: "Thành phố Thiếc" (Tin City) ở phi cảng quân sự Anderson, và trại Hải quân San, một khu nhà cũ kỹ đã bỏ trống từ lâu. Hải quân đã chớp nhoáng mắc điện, làm nhà vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp. Ngày đầu, họ đã làm việc liên tục 24 giờ, rồi chuyển xuống 12 giờ một ngày. Một trại mới đã được dựng thêm, gọi là "Trại Bất ngờ" (Camp Fortuitous). Thái độ những chú lính thuỷ đùa vui với trẻ con, diễu cợt với các cô gái, làm cho mọi người cảm thấy bớt căng thẳng đôi chút.

Từ Guam, một số đông được chở tới Camp Pendleton ở Nam Cali. Nơi đây, các lều vải rộng rãi đã được chớp nhoáng dựng lên. Từng đợt rồi lại từng đợt, khi xe buýt chở đoàn người tới, các quân nhân TQLC mau mắn phát chăn, quần áo ngủ, gói đồ vệ sinh, dép, và mỗi người một thỏi kẹo. Trước cảnh đó, nhiều người đã quá cảm động, không cầm nổi nước mắt. Khi thấy thực sự cơn bão tố đã đi qua, họ đã ôm chầm lấy nhau, bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu niềm vui.

Nhưng Camp Pendleton chẳng mấy lúc đã đầy nghẹt. Phải chọn thêm trại. Tại Bộ Quốc phòng, chúng tôi được ông Von Marbod yêu cầu tham gia ý kiến về địa điểm trại và về nhu cầu của người tỵ nạn. Đoàn chúng tôi dùng một máy bay nhỏ do Bộ thuê của hãng tư để đi xem xét một số trại. Trại Fort Chattèe (Arkansas) và Eglin Air Force Base (Florida) được chọn ngay vì khá rộng và có phương tiện tương đối lốt so với hai trại khác là Camp Roberts ở California và Camp Pickett ở Virginia.

Khi tới trại Indiantown Gap ở Pennsylvania thì chúng tôi thích quá vì trông nó hoang vu, thơ mộng lại có cái "lỗ hổng" (khoảng trũng) nằm giữa hai bên núi đồi, vì thế gọi là "gap". Vì nghĩ rằng cái "lỗ hổng" đó nó phản ảnh được phần nào cuộc đời của chúng ta lúc đó, nên tôi một mực đề nghị nên chọn trại này.

Tổng kết đợt người đầu

Theo thống kê chính thức: tổng cộng đoàn người được di tản lớp đầu là 130.000; trong số này, chỉ có khoảng 30.000, tức là 23% là thuộc thành phần "có nguy hiểm cao độ" mà Mỹ thực sự định cứu; trong đó, 22.294 người là nhân viên và gia đình nhưng người làm việc cho các cơ quan Mỹ; số còn lại, 100 000 người thì chỉ là vì may mắn (1).

Về phương tiện chuyên chở, số người được Toà đại sứ di tản bằng máy bay lớn, trực thăng, và xuồng là 65.000 người; số người đi ghe thuyền ra biển và may mắn được làu Mỹ cứu cũng là 65.000 người, đúng một nửa.

Hoa kỳ cũng cố gắng "quốc tế hoá" việc di tản và kêu gọi nhiều quốc gia. Ngày mồng 5 tháng 9, Đại sứ Dan Brown người được uỷ thác trách nhiệm điều khiển Chương trình định cư gửi một công điện cho các Đại sứ Mỹ tại khắp các nước, khẩn khoản yêu cầu họ tranh thủ với các quốc gia thân hữu dung nạp một số di dân (2).

Đầu tiên có nước Úc rồi tới một số quốc gia khác bày tỏ thiện chí như, Argentina, Brazil, Chile. Tới ngày 10 tháng 5, kết quả là 25.000 người được nhập cảnh ở các quốc gia khác (3).

Cánh tay rộng mở

Sau khi vượt qua được hàng rào của mấy chính trị gia, và sau giai đoạn khó khăn ban đầu, đoàn người di tản đã sớm tiếp xúc được với nhân dân Hoa kỳ.

Việc quan trọng nhất là vấn đề định cư. Vào lúc đó, gần 9% lao động Mỹ, tức 8 triệu người đang thất nghiệp. Đối với lao động các sắc tộc thiểu số, mức thất nghiệp còn cao hơn gấp hai, gấp ba lần. Người Mỹ rất lo ngại về việc người tị nạn sẽ vào cạnh tranh công ăn việc làm với họ. Tuy nhiên, sau khi Đại sứ Dan Brown tuyên bố là toàn bộ người Đông Dương sẽ được phân bố ra khắp nước Mỹ, và "Không có địa phương nào sẽ bị tràn ngập với số người tị nạn", nỗi lo âu lúc ban đầu của nhiều nơi cũng bắt đầu giảm (4). Và sự công bình, thiện tâm, những giá trị căn bản được đề cao của nhân dân Hoa kỳ đã thắng thế.

Báo chí đăng tải câu chuyện nhà thờ Los Gatos Christian ở California đón tiếp 154 người tị nạn hoàn toàn không có giấy tờ hợp lệ. Sau khi ca đoàn nhà thờ hát những bài cầu chúc thánh nhạc, các bà người Mỹ, người Việt xúm nhau nấu cơm cho cả nhà thờ ăn: "Có bao nhiêu nước mắm thì chúng tôi đã mang ra hết", mục sư Marvin Rickard nói với báo chí (4). Thống đốc Guam, ông Ricardo Bordallo ký nghị định chấp nhận 25.000 người. Rồi từ đó, thái độ của chính quyền cũng như nhân dân các tiểu bang như California, Arkansas, Miami cũng thay đổi. Nhiều người như Chủ tịch Nghiệp Đoàn lao động AFL-CIO, ông George Meany cũng như các Thống Đốc Reubin Askew (Florida), James Longley (Maine), Dan Evans (tiểu bang Washington) đều ủng hộ đề nghị của Tổng thống Ford tài trợ cho đoàn di cư(5). Và sau phản ứng chống đối ban đầu, Quốc hội đã chuẩn chi 405 triệu cho mục tiêu này. Các hội thiện nguyện. Hồng Thập Tự, các đoàn thể, tổ chức, cũng như cá nhân bắt đầu xung phong cộng tác.

Làm sao cho công cuộc định cư được thành công và hữu hiệu? Phương thức di tản và định cư Hungary được coi là thành công và đã được chọn làm mô hình để định cư đoàn người Việt tỵ nạn. Năm 1956, sau cuộc nổi dậy của nhân dân Hung bị đè bẹp, ngày 12 tháng 12, Tổng thống Eisenhower cho thành lập Uỷ ban Định Cư để điều hợp các hoạt động công cũng như tư nhằm cứu trợ đoàn người Hung(6). Các Cơ Quan Thiện Nguyện (VOLAG) được kêu gọi tham gia. Trong hai năm 1956-1957, có 30.701 người Hung được định cư tốt đẹp. So sánh với mô hình định cư 675.000 người Cuba di tản năm 1959-60, mô hình Hungary có ưu thế hơn nhiều vì đã rải được người di cư ra nhiều tiểu bang. Khuyết điểm của mô hình Cuba là tập trung quá nhiều vào tiểu bang Florida.

Tất cả có chín Cơ quan Thiện Nguyện tham gia định cư người Việt. Những tổ chức này đã cố gắng hoạt động và phải chi tiêu trung bình là từ 2.500 tới 3.000 đô la để định cư mỗi gia đình. Trong khoản này, phần của Chính phủ tài trợ chỉ là 500 đô la.

Sau khi chọn được mô hình, tới việc kiểm tra an ninh. Thủ tục kiểm tra an ninh lúc đầu hết sức phức tạp, đòi hỏi phải thông qua tới năm cơ quan, gồm cả FBI và CIA? Quá trình định cư bị khứng lại. Có ngày ở trại Eglin (Florida), chỉ có ba, bốn người xuất trại. Trong khi đó, số người tới đảo Guam lên tới 50.000, gây ra khó khăn về tiếp tế, nước uống, vệ sinh. Tôi "hy vọng là đáo này không bị chìm" một nhân viên coi trại đã phải phàn nàn. Tại Fort Chattèe có lúc cũng đã lên tới 25.000 người.

Xuất trại

Ban quản lý các trại đánh điện về trung ương kêu ca về tình trạng xuất trại chậm trễ. Để giải quyết vấn đề, sở Di trú bắt đầu miễn thủ tục kiểm tra cho tất cả các trẻ em dưới 17 tuổi, những người làm cho các cơ quan Hoa kỳ lúc trước, cùng với gia đình và họ hàng của họ. Sau đó, từng bước một, đã nới lỏng thủ tục cho tất cả những người khác.

Để giúp việc xuất trại cho sớm, tôi có đề nghị một kế hoạch cho xuất trại mau lẹ, qua ông Von Marbod, lên Uỷ ban Đặc Trách Liên Bộ Đông Dương do bà Julia Vadala Taft làm chủ tịch. Vào ngày 23 tháng 6, còn tất cả là 88.392 người trong các trại của Bộ Quốc phòng. Dự phóng đặt ra hai khả năng: nếu giúp xuất trại được 700 người một ngày thì khoảng cuối tháng 10 là ra hết. Nếu làm chậm hơn, là 400 người một ngày thì phải tới tháng 1 năm 1976. Sau cùng, mức xuất trại trung bình là khoảng 600 người một ngày (xem đồ thị về Dự Phóng Xuất Trại).

Sở Di trú quy định là mỗi người đều cần có bảo lãnh, nếu không có thì không được xuất trại. Nhưng tìm việc làm là vấn đề khó khăn nhất vì tình trạng thất nghiệp đang lan tràn. Quốc hội yêu cầu Bà Julia Taft, Giám đốc Uỷ ban định cư Đông Dương (Indochina Task Force) lên điều trần ngày 24 tháng 7 về vấn đề này. Quốc hội sợ rằng vì không có việc làm, đoàn người tỵ nạn sẽ gây nên gánh nặng cho Chính phủ phải trợ cấp. Bà Taft đã hùng hồn biện hộ rằng: "Những lo ngại ban đầu của chúng ta về vấn đề công ăn việc làm cho số người di cư đã là không có cơ sở…".

Muốn giúp cho bà Taft có thêm dữ kiện tranh đấu cho vấn đề này, tôi đã cùng một số anh em bạn làm một khảo sát nhắm vào nhóm người tị nạn vùng thủ đô Washington và lân cận. Khi hoàn thành, nghiên cứu được chuyển cho bà: (xem Phụ Lục E):

Ngày 2 tháng 9, 1975

"Thưa Bà Taft,

"Khởi đầu, tôi vui mừng thông báo là kết quả cuộc điều tra của chúng tôi có chiều hướng chứng minh những điểm bà đã trình bày trước Uỷ ban Di trú Thượng Viện ngày 24 tháng 7 là xác đáng. Thí dụ như về điểm bà nói tới "mối lo ngại ban đầu về vấn đề công ăn việc làm (như là thất học hay khó khăn về hoà nhập) đã là không có cơ sở". Điều tra của chúng tôi cũng chứng minh là đoàn người di tản đang thiệt tha để có thể "được hưởng tất cả những phúc lợi cũng như đóng góp vào sự thịnh vượng của xã hội Hoa kỳ".

Trong thời gian phỏng vấn (người ty nạn), chúng tôi đã đi tới những nhận xét và những biện pháp sau đây, trân trọng chuyển đến để bà xem xét:

1 Yêu cầu các Cơ quan Thiện Nguyện cung cấp nhiều thông tin hơn cho người tỵ nạn, cả trước và sau khi xuất trại;

2. Vì mức thất nghiệp đang cao cũng như vì chi phí tốn kém cho việc đỡ đầu, ta nên khích lệ các cộng đồng đỡ đầu cho người tỵ nạn hơn là các tư nhân;

3. Nghiên cứu và thiết lập một chương trình huấn nghệ tổng hợp càng sớm càng tốt;

4. Cung cấp một ngân khoản tối thiểu cho các trường gia đình đang khi họ tham gia vào những chương trình huấn nghệ này (thí dụ như là cho họ vay tiền để chi phí), và

5. Cho vay nhẹ lãi giúp chính các doanh nhân (trong số người tỵ nạn) tạo ra công ăn việc làm cho người tỵ nạn…

Kính chúc bà luôn thành ông trong việc hỗ trợ đoàn người tỵ nạn Đông Dương.

Trân trọng,

Nguyễn Tiến Hưng, Ph. D.

Nhận được tài liệu này, bà Taft phúc đáp:

Uỷ ban Liên Bộ (Định Cư) Đông Dương

Bộ Ngoại giao

Ngày 6 tháng 10, 1975

"Thưa Giáo sư Hưng,

Với sự quan tâm, tôi đã đọc tài liệu nghiên cứu của Giáo sư và đã yêu cầu các thành viên Uỷ ban của tôi xem xét nó cho kỹ trong công tác đánh giá về chất lượng và hiệu quả những cố gắng của chúng tôi trong công cuộc định cư.

Ngoài ra, tôi cũng đã chuyển một bản sao nghiên cứu của Giáo sư sang bên bộ Giáo dục và An Sinh (HEW) là nơi một Uỷ ban đặc nhiệm về di tản cũng đã được thành lập…".

Trân trọng

(kí) Julia Vadala Taft

Giám đốc

Để cho bớt phần nào sự lo ngại của nhiều địa phương Mỹ về vấn đề công ăn việc làm, nhiều người cũng đã nghĩ đến thành lập một số khu hay làng Việt nam độc lập. Tại trại Indiantown Gap, có hai đề nghị tiên khởi. Chỉ huy phó, Đại tá Robert Travis đề nghị:

Ngày 14 tháng 7, 1975

"Thưa Tiến sĩ Hưng,

Kèm theo đây là bản sao về một quan niệm đối với vấn đề bảo lãnh người di tản trong một cộng đồng. Như chúng ta đã bàn trong chuyên viếng thăm mới đây của tiến sĩ, tôi thấy có hai điều khả thi: một là theo tài liệu đính kèm, và hai là một đề nghị của Đại Học Bucknell. Tuy cả hai đều giống nhau về bản chất, đề nghị Bucknell thiên về nông nghiệp và đề nghị đảo Walllops hướng về kỹ nghệ;

"Tôi yêu cầu giáo sư giúp theo đuổi những ý kiến này…".

Trân trọng

(kĩ) Robert L. Travis

Chỉ huy Phó

Đề nghị của Đại học Bucknell là giúp định cư 2.000 người Việt nam trên 10.000 mẫu đất trang trại ở tiểu bang Pennsylvania. Cộng đồng này sẽ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, và sẽ có thể tự thiết lập cơ cấu xã hội, hành chánh riêng, theo như luật pháp Hoa kỳ. Đề nghị thứ hai là định cư từ 500 tới 1 000 người tại một khu đã có sẵn nhà ở (các căn hộ từ 1 tới 3 phòng ngủ), thuộc Bộ Y tế, Giáo dục và An sinh (HEW), ở sát cạnh đảo Wallops, tiểu bang Virginia. Kỹ nghệ hải sản ở đây phát triển mạnh và rất cần nhân lực. Tôi có chuyển những đề nghị này về các cơ quan thẩm quyền để cứu xét.

Đoàn người vươn lên

Với lòng hăng say và ý chí quả cảm, chính đoàn người tị nạn đã giúp cho các trại di tản được đóng cửa gần như theo kế hoạch. Vào cuối năm 1975, hầu hết số 130.000 người thuộc đợt đầu đã xuất trại, để hoặc định cư, hoặc sống tạm thời với các gia đình bảo lãnh tại Mỹ và một số quốc gia. Hầu hết họ đã thấy chân trời hé rạng và bắt đầu xây lại cuộc đời mới. Về sự thành công của lớp người đầu, không những đại đa số đã không phải nhờ đến trợ cấp của Chính phủ sau một thời gian ngắn, họ lại đã phát triển và tiến bộ rất mạnh.

Theo Điều tra dân số chính thức của Chính phủ Hoa kỳ năm 2000 (U.S. Census 2000) thì vào năm đó, lợi tức mức giữa (median income) của một gia đình Việt nam (4 người) đã lên tới 47.000 đô la, tương đương bằng 75% lợi lức của một gia đình Mỹ nói chung (lợi tức mức giữa là mức mà 50% số gia đình có lợi tức cao hơn, và 50%, thấp hơn, chứ không phải lợi tức "trung bình"). So sánh với năm 1990, nó đã tăng lên được 36%. Số người còn nhận trợ cấp xã hội cũng chỉ còn 10% (so với 25%, năm 1990). Gần 60% của tổng số người Mỹ gốc Việt (1.13 triệu người) đã mua được nhà, so sánh với 43% năm 1990.

Sự thành công tốt đẹp này đã là một yếu tố quan trọng giúp cho Chính phủ Hoa kỳ quyết định tiếp tục các chương trình tỵ nạn nối tiếp. Họ đã không phải quá lo ngại về vấn đề trợ cấp và đặt thêm gánh nặng cho ngân sách. Ngược lại, họ lại nhận thấy rõ ràng sự đóng góp tích cực về nhiều phương diện, đặc biệt là việc đóng thuế cho cả ngân sách từ địa phương đến trung ương.

Cũng chính đoàn người lớp đầu, dù vất vả với công ăn việc làm nhưng đã tiếp tục hoạt động trên mọi lãnh vực: luật pháp, nhân đạo, và có những cố gắng vận động "hành lang", để kéo dài chương trình tị nạn được trên hai thập niên. Ngoại trừ một số những hành động bất chính của phần tử nhỏ, phần đông đã nêu gương sáng, cố gắng, lương thiện làm ăn, sinh sống, học hành. Họ đã đóng góp cho xã hội và nền kinh tế của những quốc gia chấp nhận họ.

Mặt khác, sự thành công đó cũng đã giúp vào việc khích lệ Liên Hiệp Quốc thúc đảy nhiều quốc gia giúp các cuộc di tản tiếp theo. Hai nỗ lực lớn được khởi sự:

Hội nghị Quốc tế thứ nhất: được tổ chức tại Genève vào hai ngày 20 và 21 tháng 7, 1979. Tại Hội nghị này, "Chương trình ra đi có trật tự" ODP (Orderly Departre Program) đã ra đời. Tất cả được 20 quốc gia cam kết sẽ tiếp nhận hoặc nhận thêm số người di tản được nhận vào quốc gia họ, giúp giảm bớt gánh nặng cho các nước Á châu; và

Hội nghị thứ hai: "Hội nghị Quốc tế về Những Người Tị Nạn Đông Dương" tổ chức từ ngày 13 đến 4 tháng 6, 1989, được 70 nước tham dự. Kết quả là một "Kế hoạch hoạt động tổng quát" CPA được thiết kế giúp giải quyết vấn đề thuyền nhân, đặc biệt là giúp định cư số 100 000 thuyền nhân còn kẹt lại ở các trại tại Đông Nam A và Hồng Kông.

Sau đó, trong khoảng thời gian từ 1990 tới 1999: 507.500 người Đông Dương đã đến được Miền đất mới.

Cuộc di cư vĩ đại đã kéo dài được 25 năm, một trong những cuộc di tản lâu nhất trong lịch sử cận đại (7).

Hiện nay, số người Việt tại Mỹ, dù đã nhập quốc tịch hay chưa, đều đã chứng tỏ khả năng và tư cách của mình trong mọi địa hạt. Từ xã hội, kinh tế, thương mại, chính trị, quân sự, luật pháp, y học, khoa học, môi trường nào cũng có những thành quả tốt đẹp, đóng góp cho nước sở tại.

Vào những ngày tháng đầu lúc cuộc di tản mới bắt đầu (tháng 5, 1975), khi dư luận chung tại Mỹ còn coi thường dân tị nạn, chính Tổng Giám đốc di trú, ông Leonard Chapman đã có quan niệm khác. Ông cho rằng đoàn người Việt nam tỵ nạn có nhiều đặc tính tốt, và vì vậy chắc chắn sẽ đóng góp. Nhìn vào đám người tay xách nách mang, bồng bế nhau nhập Cam Pendleton, ông Chapman tuyên bố :

"Người Việt nam làm việc rất chăm chỉ, ngay thẳng, rất sùng đạo, có óc nghệ thuật, và nặng tình gia đình" (8).

Giáo sư Tom Pettigrew, một nhà xã hội học trường Đại Học Harvard bình luận thêm:

Trong một cuộc chiến tàn khốc như vậy, mà hầu hết những người khác đã không thể cứng rắn và kiên trì được như thế, tôi nghĩ rằng những đặc tính này sẽ được tìm thấy trong đoàn người di tản ấy". (9).

Giáo sư Pettigrew đã tiên đoán rất là chính xác. Tinh thần cương quyết và lòng kiên trì đã giúp cho lớp người Mỹ gốc Việt vượt qua bao nhiêu rủi ro, bất trắc, bao nhiêu khó khăn trong cuộc hành trình vào Miền Đất Mới. Họ đã không "chết phứt đi" như đã bị nguyền rủa, nhưng trái lại, còn vươn lên và lớn mạnh, đóng góp đáng kể cho những quốc gia đã rộng mở tiếp nhận họ. Nước Mỹ đã không phải rước của nợ mà đã nhận được của có.

Ngày nay, chắc chắn Nữ thần Tự do đã hài lòng về đoàn di dân mới nhất. Và họ đã đến từ Thái Bình Dương, phía sau lưng Bà.

Chú thích:

(1) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 588, 590; U.S. Government, interagency task force, The Prerident s Advisory Committee On Refugee Back Ground Papers, May 19, 1975, trang 6-7.

(2) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 588, 590;

(3) U.S. Government, interagency task force, The President s Advisory Committee On Refugee Back Ground Papers, May 19, 1975, trang 35-37.

(5) TIME (Magazine), 5 tháng 5, 1975, trang 26; xem thêm: U.S. Government, interagency task force. Background Matenal, May 12, 1975, B. Attachment A-E. 19 tháng 5, 1975, trang 22-29.

(6) Gerald Ford, A time to heal, trang 257.

(7) U.S. Government, interagency task force, Background Paper, May 19, 1975, trang 51-60. Về lịch sử tỵ nạn 1975 tới đầu thập niên 1990, xem Lê Xuân Khoa, Việt nam, 1945-1995, Tập II (sẽ xuất bản trong tương lai).

(8) TIME (Magazine), 12 tháng 5, 1975, trang 25.

(9) TIME (Magazine), 12 tháng 5, 1975, trang 25.

 

                               Hết

<< P5 - Chương 20 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 747

Return to top