Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Khi đồng minh tháo chạy

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 61247 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khi đồng minh tháo chạy
Nguyễn Tiến Hưng

P5 - Chương 19

 Năm 1954, khi Điện Biên Phủ lâm nguy, ngày 25 tháng 3, Chính phủ Pháp cử Tổng Tham Mưu Quân Đội, tướng Paul Ely đi Washington cầu cứu Hoa kỳ can thiệp và gấp rút tiếp viện cho đoàn quân viễn chinh Pháp, Tổng thống Eisenhower đã từ chối. Điện Biên Phủ thất thủ, dẫn tới sự chia đôi đất nước Việt nam.



Thật là một sự trùng hợp: đúng 21 năm sau, cũng cùng một ngày (25 tháng 3, 1975), trong khi quân, dân Miền Nam rút từ Huế về Đà Nẵng, Chính phủ VNCH cầu cứu Hoa kỳ, Tổng thống Ford làm ngơ, Đà Nẵng thất thủ và trên thực tế, coi như miền Nam đã sụp đổ.

Trong hai cuộc chiến đã có nhiều điểm tương đồng. Nhưng điểm trùng hợp quan trọng nhất đã là vai trò chủ yếu của Hoa kỳ tại chiến trường Đông Dương…

Có nhiều lý do đã đưa Miền Nam tới chỗ sụp đổ như đã được đề cập bởi nhiều nhà bình luận Việt, Mỹ trong 30 năm qua. Những lý do đó gồm các yếu tố khách quan cũng như chủ quan, ở trong cũng như ở ngoài nước. Về đối nội, thí dụ như sự bất quân bình của cán cân lực lượng Miền Nam và Miền Bắc, sự thuần nhất của một xã hội trong chế độ cộng sản và tính đa dạng cùng khuynh hướng phân tán trong một xã hội tự do. Tôi cũng đồng ý với câu phương châm "tiên trách kỷ, hậu trách nhân" của người xưa. Trước những thất bại, ta phải tự trách mình trước "mea culpa" (lỗi tại tôi). Về chính trị, các bình luận gia thường nêu lên những yếu kém, khuyết điểm của lãnh đạo và nhân dân Miền Nam. Lãnh đạo thì độc tài, thiếu khả năng, quá tin vào Mỹ, tham nhũng, có khi còn xa hoa quá mức. Nhân dân thì chia rẽ, một phần thì thờ ơ, chống đối, chán chường một cuộc chiến dài lê thê.

Tất cả những nhận xét trên, không ít thì nhiều đều có phần xác đáng. Tuy nhiên, sau khi theo rõi cuộc chiến nhiều năm, trước hết là từ ngay trên đất Mỹ (vào những năm 1958-1972), cũng như đã được chứng kiến những sự việc ở hậu trường trong ba năm cuối cùng của Miền Nam (1973-1975), rồi nghiên cứu thêm từ đó, tôi vẫn khẳng định rằng sự lệ thuộc vào Hoa kỳ gần như hoàn toàn, cả về vật chất lẫn tâm lý đã là yếu tố quyết định.

Hãy nhìn lại cuộc chiến 1945-1954, chính nước Pháp cũng đã phải lệ thuộc vào Mỹ như vậy. Mức độ chiến tranh càng lên cao, Pháp càng phải dựa vào tiền bạc của Mỹ. Tới khoảng thời gian 1950-1954, trên 75% ngân sách chiến tranh Đông Dương là do Mỹ đài thọ. Đến thời VNCH, cũng trên 75% ngân sách Quốc phòng (trả lương cho quân đội) là do viện trợ Mỹ. Rồi toàn bộ quân trang, quân dụng, từ khẩu súng, viên đạn, lít xăng, tới xe tăng, đại bác, máy bay, cái gì cũng có nhãn hiệu MDAP (Military Detense Assitance Program) của Mỹ.

Về mặt kinh tế, khi chiến tranh leo thang, sản xuất trong nước không phát triển được, lại còn tụt hậu, cung ứng cho nhu cầu của nhân dân phải dựa vào đô la của Mỹ để nhập cảng. Những sản phẩm cho nhu cầu từ ăn, ở, mặc, tới vận chuyển, một tỷ lệ rất quan trọng được đáp ứng từ "viện trợ Mỹ".

Về ăn chẳng hạn, nông dân cần đô la để nhập phân bón và thuốc sát trùng mới sản xuất được thực phẩm. Vẫn không đủ, còn phải nhập thêm hàng mấy trăm ngàn tấn gạo mỗi năm.

Chỗ ở? Ta cần nhập vật liệu như xi măng, sắt thép, tôn, thì mới xây cất được.

Nhu cầu mặc? Miền Nam vẫn phải nhập cảng máy móc, bông gòn để sản xuất ra vải; cũng không đủ, còn phải nhập thêm vải.

Về vận chuyển, giao thông: ta cần nhập xe buýt, xe vận tải, xe Honda, xăng nhớt; nhập rồi mỗi năm lại còn đòi hỏi phụ tùng thay thế.

Đó là chưa nói tới những nhu cầu khác như y tê, giáo dục, giải trí. Cũng chưa kể là từng khối lượng lớn hàng hoá (như đồ hộp, radiô, TV, tủ lạnh, rượu mạnh, thuốc lá, quần áo) đã được chuyển ra bằng cách này hay cách khác, từ hệ thống tiếp liệu "PX" của Mỹ, đặc biệt là từ căn cứ Long Bình. Như vậy, về vật chất, sự lệ thuộc đã hầu như là toàn diện. Tình trạng này lại còn dẫn tới sự lệ thuộc về tinh thần tâm lý. Nếu Mỹ còn giúp, thì các nhà lãnh đạo và dân, quân Miền Nam còn chịu đựng, chiến đấu. Nếu có dấu hiệu là họ bắt đầu bỏ, thì tinh thần bắt đầu sa sút. Tới lúc bỏ thật là sụp đổ.

Ngoài những lý do về kinh tế, lịch sử, và bản chất của cuộc chiến, sự lệ thuộc về cả vật chất lẫn tinh thần, một phần cũng là hiệu quả của phương pháp làm việc, nếu không nói là chính sách của Mỹ ở Miền Nam. Nó đã không cho những cơ hội để Miền Nam tự lập, tự quyết, tự cường.

Về mặt chính trị chẳng hạn, khi Tổng thống Diệm muốn thương thuyết với Hà Nội để hiệp thương, tiến tới thống nhất trong hoà bình, ông đã bị lật đổ. Ta hãy khách quan mà suy nghĩ nếu như Nam-Bắc đã dàn hoà được với nhau từ 1963, không có 12 năm chiến tranh khốc liệt, thì ngày nay nước Việt nam sẽ như thế nào? Ngay từ thời tiền chiến, Sài gòn đã là "Viên ngọc của Á Đông", lúc Đài Loan còn là đảo Formosa và Singapore chưa thành một nước.

Đến đầu năm 1971, khi ông thầy tôi là Warren Nutter, Phụ tá Bộ trưởng quốc phòng nghi ngờ có khả năng Kissinger đang bỏ rơi Miền Nam, dù lúc đó chưa biết là đang có mật đàm tại Paris, ông cũng khuyên tôi là nên tìm cách nào thúc đẩy phía VNCH phải chủ động hơn. Vì là một viên chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ, ông không thể có ý kiến riêng cho VNCH.

Một sáng kiến hoà bình

Khi gặp Tổng thống Thiệu hồi tháng 9, 1971, tôi đã cố thuyết phục ông phải tự mình có sáng kiến hoà bình chứ đừng để phía Mỹ lôi cuốn. Tôi đề nghị phía VNCH mang tới Hoà Đàm Paris một đề nghị về hiệp thương với miền Bắc. Đây là giải pháp mà tôi đã nghiên cứu từ đầu năm 1969, sau khi vì tình cờ trong một chuyến viếng thăm nước Đức, đã tìm hiểu được mô hình thương mại giữa Đông Đức và Tây Đức rất hợp lý. Nước Đức cũng chia đôi ra làm hai miền với hai chính thể đối nghịch, thế mà vẫn cứ buôn bán với nhau liên tục, nên sự xung đột đã có thể bớt căng thẳng. Sau này khi họ thống nhất vào năm 1990 không cần tới một viên đạn, tôi đã hết sức cảm kích!

Dù rằng vào thời điểm 1971, Tổng thống Thiệu rất cứng rắn về chính sách "bốn không", nhưng ông cũng đồng ý chấp nhận đề nghị mà tôi gọi là "hai miền trong một đơn vị kinh tế". Tuy nhiên, ông lại dặn tôi là thử thăm dò ý kiến Mỹ xem sao? Tôi nghĩ thầm rằng mình muốn phía VNCH đưa ra sáng kiến, ông lại bảo mình hỏi Mỹ.

Tôi gặp quan chức Bộ Ngoại giao Hoa kỳ và dò hỏi, họ bình luận: "mang ra thì cứ mang, nhưng chắc đã muộn rồi". Sau cùng ông Thiệu đã đem đề nghị này vào một bài diễn văn khi ông ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 1971.

Để yểm trợ cho đề nghị xây dựng hoà bình, vào năm 1969, khi có dấu hiệu là Mỹ bắt đầu bỏ rơi Miền Nam, tôi có viết một bài dài về vấn đề hiệp thương giữa hai Miền Nam-Bắc cho tờ báo uy tín Washington Post, nhưng tờ này nhất định không đăng. Đến khi Tổng thống Thiệu đưa đề nghị này vào bài diễn văn của ông thì tờ này mới in bài với tựa đề "Hai miền Việt nam là bạn hàng thương mại" (The Vietnams As Partners in trade) vào mục "Quan điểm" (Outlook) dành riêng cho số báo mỗi ngày chủ nhật. Ngày 24 tháng 9, 1972, tờ Washington Post đã dành cả một trang cho bài này.

Tuy đã gây được một tiếng vang ở trong chính giới tại Washington, nhưng không lấy gì làm mạnh mẽ lắm. Mấy nghị sĩ có tham khảo ý kiến tôi, nhưng rồi không thấy có phản ứng gì. Về sau này tôi mới biết là vào thời điểm đó thì, trong màn bí mật, ông Kissinger đã sắp xếp gần xong mọi chuyện cho miền Nam rồi.

Vì sắp xếp như vậy không bao giờ ông ta hỏi ý kiến của Chính phủ Miền Nam một cách thực lòng về những điểm quan trọng. Kissinger nhất định làm một mình, và làm ở Paris. Cho đến thời điểm cuối cùng trước khi Miền Nam sụp đổ, ngày 26 tháng 4, 1975 Kissinger còn đánh điện cho Đại sứ Martin nói là "Bất cứ điều đình nào cũng phải là giữa Hoa kỳ và phía Bắc Việt chứ không phải giữa Sài gòn và Hà Nội". Ông còn thêm rằng "bất cứ cuộc thảo luận nào cũng phải được diễn ra tại Paris" (1).

Hậu quả của lệ thuộc

Về chính trị, phía Mỹ luôn chủ động như vậy, còn về quân sự? Ngay từ lúc Mỹ mới nhúng tay vào Miền Nam cũng đã có sự bất đồng ý về chiến thuật giữa cố vấn Mỹ và tướng lãnh Miền Nam. Trong một buổi họp, viên tư lệnh Mỹ ở Miền Nam, tướng O Daniel đã nói toạc ra là "ai chi tiền thì người đó chỉ huy" (who pays, commands). Rồi tới khi chiến tranh leo thang, sứ mệnh của quân đội Hoa kỳ được xác định là chiến đấu, sứ mệnh quân đội Miền Nam là gìn giữ an ninh. Vì thế quân đội Mỹ đã theo một chiến thuật gọi là "tìm và diệt địch" (search and destroy). Báo chí Mỹ đã riễu cợt quân đội Miền Nam là họ chỉ theo chiến thuật "tìm và né địch" (search and avoid).

Có nhiều lý thuyết cắt nghĩa việc quân đội Mỹ muốn tự tung tự tác ngoài chiến trường. Một trong đó là lý thuyết chiến công trong trận mạc. Chỉ có trong những trận đánh thì mới có nhiều thành tích, mới chóng lên lon. Từ sau cuộc chiến ta thấy rằng: cấp chỉ huy quân đội Mỹ trong các cuộc xung đột về quân sự, hầu hết đều ra lò từ chiến tranh Việt nam. Các chính trị gia từ hành pháp tới lập pháp, cũng thường hay đem chiến công ở Miền Nam ra phô diễn, tuy có khi lại bị đả kích, như trường hợp ông John Kerry trong kỳ tuyển cử 2004.

Vì quân đội Mỹ đã chủ động nên quân đội Miền Nam không được huấn luyện tối đa cho tới 1969. Đến khi Mỹ bắt đầu rút đi thì mới có chương trình Việt nam Hoá, giúp tân trang và huấn luyện quân đội VNCH. Ta nên nhớ chỉ sau Tết Mậu Thân quân đội VNCH mới được trang bị súng M-16 tối tân, còn trước đó chỉ là những khẩu súng Garrant M-l và Carbin của thời đệ nhị thế chiến. Như ông Van Marbod, Đệ nhất Phó Phụ Tá Bộ trưởng quốc phòng đã nhận định, chương trình Việt nam Hoá đã thi hành vội vàng, giống như làm cho "chín người đàn bà có thai để đẻ một đứa con trong một tháng". Và cái tên "Việt nam Hoá" còn hàm ý là trước đó thì cuộc chiến tranh đã Mỹ hoá, chiến tranh là của Mỹ.

Trở lại vấn đề lệ thuộc về vật chất, như chính Tổng thống Ford đã viết trong Hồi ký của ông: chỉ tới đầu 1975, khi Quốc hội Mỹ cắt hầu hết quân viện, Miền Nam mới mất một tỉnh đầu tiên trong suốt cuộc chiến, đó là Phước Long. Rồi từ Phước Long tới Ban Mê Thuộc, tới Pleiku, Đà Nẵng và sau hết là Sài gòn. Có điều là trong năm 1974, tuy quân đội VNCH đã tiếp tục chiến đấu, nhưng kho đạn dự trữ đã được sử dụng gần hết. Vào thời điểm cuối cùng, số đạn tồn kho chỉ còn đủ cung ứng từ 30 tới 45 ngày. Thay vì được tiếp liệu đầy đú như đã được cam kết, Hoa kỳ từng bước một, đi đến quyết định cắt đứt luôn.

Ấy là chưa kể số tiền viện trợ cần thiết để yểm trợ cho nền kinh tế. Nó đã vừa bị cắt xén, vừa bị mất giá (vì khủng hoảng dầu lửa), nên đã giảm xuống tới mức bi đát. Vì vậy, từ mùa hè 1974, không những khả năng chiến đấu đã kiệt quệ mà cả tinh thần của giới lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã bắt đầu lung lay rồi. Càng ngày càng suy yếu đi nhanh, khi các đài phát thanh VOA, BBC liên tục đưa tin cắt viện trợ.

Nguyên nhân chính Mỹ bỏ rơi Miền Nam

Tại sao Mỹ lại dứt khoát bỏ rơi Miền Nam? Câu trả lời ngắn gọn là vì quyền lợi của Mỹ ở Việt nam đã không còn nữa. Sau Thế chiến thứ 2, Hoa kỳ giúp thành lập hai quốc gia: Do Thái và Việt nam cộng hoà. Ngày 14 tháng 5, 1947, Do Thái trở thành một nước độc lập. Ngay sau đó, quân đội của năm nước A Rập (Ai cập, Syria, Jordan, Lebanon và Iraq) tấn công Do Thái. Hoa kỳ vội vàng yểm trợ, chính thức công nhận Quốc Gia Do Thái. Ngày 26 tháng 10, 1955, nước Việt nam cộng hoà được thành lập. Hà nội nhất quyết đòi hỏi phải tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc (vào tháng 7, 1956) để đi tới thống nhất, theo như quy định của Hiệp định Genève. Tổng thống Diệm, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa kỳ, tiếp tục bác bỏ. Tổng thống Eisenhower tuyên bố ông có thể "trỏ tay vào quốc gia Việt nam Tự do với niềm hãnh diện "; Nghị sĩ John F. Kennedy (sau này kế vị Eisenhower) còn bình thêm: "Tự do chính trị ở Miền Nam là một nguồn cảm hứng" cho ông.

Ngày nay, VNCH đã mai một 30 năm rồi, nhưng Do Thái vẫn còn trường tồn, lại còn mạnh mẽ hơn. Lý do chính là vì Mỹ vẫn còn cần đến Do Thái làm tiền đồn để trấn giữ túi dầu ở Trung Đông. Vì nhu cầu đó, ngày nay dù đang phải gánh chịu biết bao nhiêu hậu quả của chính sách đối với Do Thái, Mỹ vẫn kiên cường. Đã rõ ràng là những khủng hoảng hiện tại như chiến tranh Iraq, biến cố 9/11, Ai Qaeda, căng thẳng với Iran, nó đã không ít thì nhiều, có dính líu tới chính sách này. Thực ra, nếu Do Thái không có Mỹ yểm trợ thì với chỉ vỏn vẹn chưa tới 6 triệu dân, quân đội Do Thái dù có tài giỏi, lãnh đạo dù có sáng suốt, trong sạch, dân chủ, gấp mấy lần Miền Nam đi nữa thì chắc cũng đã bị toàn khối A Rập áp đảo rồi. Chả cứ chờ đến khi nào thế giới không còn cần nhiều đến dầu lửa nữa vì có được những nguồn năng lượng quan trọng khác như ánh sáng mặt trời hay kỹ nghệ nguyên tử lực, thì lúc đó mới biết Do phái có còn trường tồn được hay không?

Nếu tiền đồn dầu lửa ở Trung Đông còn cần thiết thì tiền đồn của "thế giới tự do" bên Á châu lại không còn cần thiết nữa. Kể từ ngày Tổng thống Nixon bắt tay được với Trung Quốc thì giá trị của Miền Nam để "ngăn chặn làn sóng đỏ" đã không còn là bao nhiêu trong những tính toán của Mỹ về hơn-thiệt (cost-benefít). Dần dần, Miền Nam đã hết vai trò một tiền đồn của "thế giới tự do". Và như vậy, vấn đề còn lại đối với Mỹ thì chỉ là làm sao rút ra được cho êm thắm, ít bị tổn hại về uy tín là được rồi.

Sụp đổ mau lẹ

Đối nội, về những lý do đã đưa tới sụp đổ mau lẹ, Đại Tướng Cao Văn Viên nhận định rằng quyết định "tái phối trí" của Tổng thống Thiệu đã thay đổi toàn diện chiến lược từ "bảo vệ lãnh thổ bằng mọi giá" sang "bảo vệ lãnh thổ theo khả năng?" Tuy dù nó có hợp lý trong tình thế đang xảy ra, nhưng nó "đã quá trễ sau khi mất Ban Mê Thuộc". Tuy nhiên, ông cũng nhận định rằng "Đó là cái nhìn về phương diện quân sự trong giai đoạn ngắn hạn". Còn về khả năng tồn tại, ông cho là "vẫn còn tùy thuộc vào số quân viện Hoa kỳ cung cấp cho VNCVH". Đại tướng Viên đã kết luận: "Một sự thật không thể chối cãi là quân đội VNCH sẽ hết đạn và nhiên liệu vào tháng 6-1975 nếu không nhận được quân viện phụ trội. Và một quân đội sẽ không thể nào chiến đấu nếu không có những trang bị cần thiết để chiến đấu" (xem chương 8).

Đó là về đạn được, nguyên liệu cần thiết để chiến đấu. Còn về thực phẩm, quần áo, thuốc men, băng cứu thương cho quân đội, cũng như nhu cầu sinh sống của gia đình họ thì sao? Một điều mà cho tới nay cũng ít ai hay biết, đó là việc Quốc hội Hoa kỳ còn đi tới chỗ cạn tàu ráo máng. Ngoài việc cắt viện trợ quân sự, cắt xén viện trợ kinh tế, lại còn xiết chặt cách sử dụng viện trợ kinh tế.

Năm 1974, VNCH sắp đi tới chỗ phải ngừng, không được dùng tiền do Quỹ đối giá (phát xuất từ viện trợ kinh tế đổi sang tiền Việt) để tài trợ cho ngân sách quốc phòng, tức là để trả lương cho 1 triệu 200 ngàn quân nhân. Thế rồi Quốc hội còn đi thêm bước nữa, cấm luôn cả trả lương cho cảnh sát. Lực lượng cảnh sát lúc đó là 120.000 người. Lúc đó, nếu biết được đến nông nỗi này, thì liệu quân, dân Miền Nam đã nghĩ sao? Vì vậy, tin này không được phổ biến. Ngày nay ta có thể đặt lại câu hỏi: thế thì, bắt đầu từ năm 1976 chính phú VNCH lấy tiền đâu mà trả lương cho quân đội, cảnh sát?

Điều mà cuốn sách này muốn nhấn mạnh là cái cung cách mà một số chính khách Hoa kỳ, đặc biệt là Cố vấn Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Henry Kissinger đã sử dụng để bỏ rơi Miền Nam. Trước hết là dùng thủ đoạn dối trá trong bóng tối. Sau đó, là áp lực, đe doạ, và cam kết, bảo đảm. Nhưng hứa hẹn xong rồi thì quay mặt đi, lại dấu giếm cả Chính phủ, Quốc hội lẫn nhân dân Hoa kỳ. Hành động như vậy là trái với nền tảng "công bình", một giá trị mà nhân dân Mỹ đề cao, phản lại sự "minh bạch" (transparency), một nguyên tắc quan trọng vào bực nhất của thể chế dân chủ, và hạ xuống thật thấp uy tín của nền ngoại giao Hoa kỳ.

Hoá ra, những cam kết chỉ là một công cụ để che dấu một kế hoạch gọi là "khoảng thời gian coi được". Kế hoạch này chỉ nhằm ban phát cho Miền Nam một thời gian ngắn ngủi, một khoảng cách coi cho được, từ lúc Mỹ rút cho tới khi sụp đõ

Tới ngày nay, những người lãnh đạo Mỹ có trách nhiệm đối với Miền Nam đều nhất thiết đổ cho Watergate. Vụ này đã làm suy yếu quyền hạn của Tổng thống, nên Mỹ không làm gì được để giúp Miền Nam. Một phần nào luận điệu đó đã bị bác đi trong cuốn sách này.

Ngắn gọn, ta có thể khẳng định rằng, ngay trước cả Watergate, vào thời điểm mà quyền hạn của Tổng thống Mỹ còn rất mạnh mẽ, đó là sau khi ông Nixon đã đại thắng nhiệm kỳ hai, Kissinger đã có ý định bỏ rơi Miền Nam rồi. Như đã thuật lại trong Chương 13, Tổng thống Nixon vừa tái đăng quang thì vài ngày sau, Kissinger ký tắt vào bản Hiệp định Paris. Ký xong, Phụ Tá Tổng thống Nixon là John Ehrlichman có hỏi: "Ông nghĩ rằng Hiệp định này sẽ cho Miền Nam tồn tại được bao lâu nữa?" Tưởng Kissinger sẽ nói vài câu có tính cách đảm bảo. Nhưng không, ông ta trả lời thẳng thừng: "Nêu họ may mắn thì có thể cầm cự được một năm rưỡi" (2).

Chắc chắn rằng việc dân chúng Hoa kỳ chán ghét chiến tranh cũng đã là yếu tố quan trọng thúc đẩy việc sụp đổ mau lẹ, nhưng ta nên nhớ rằng, từ khi Mỹ đã rút đi hết, không còn bị thương vong nữa, và 519 tù nhân được thả về, thì sự chống đối đã giảm hẳn, và thành phố Washington không còn có những cuộc biểu tình vĩ đại như lúc trước nữa.

Điều tệ hại nhất là vào lúc Quốc hội giơ thanh gươm đao phủ để chặt đứt cái ống dưỡng khí đang nuôi sống Miền Nam, họ đã hoàn toàn không được thông báo gì về những cam kết của phía Hành pháp đối với Miền Nam. Tới khi Tổng thống và Quốc hội VNCH viết thư cầu cứu vào giờ hấp hối, nhân dân Hoa kỳ cũng không được hay biết.

Như đã trình bày trong chương 10, nhìn lại lịch sử, tôi cũng không khỏi suy tư, và đặt một câu hỏi khác: tại sao phía VNCH lại cứ âm thầm từ hè 1973 khi Quốc hội Mỹ bắt đầu cắt xén viện trợ? Tại sao lãnh đạo hành pháp và lập pháp không họp lại để bàn luận về hồ sơ mật xem phải nên đối xử làm sao với Hoa kỳ trong hoàn cảnh chính trị của Watergate, và dưới triều một Tổng thống Mỹ mới? Việc này chỉ được làm sau khi rút khỏi Pleiku. Lúc đó thì đã quá muộn. Ta có thể cho rằng: vì những chống đối chiến tranh từ phía nhân dân, dù Quốc hội Mỹ được biết mọi chuyện, có thể là họ cũng vẫn cứ cắt hết viện trợ. Tuy nhiên, trên căn bản công bình, Quốc hội khó mà cắt đi một cách quá đột ngột và dứt khoát như đã xảy ra. Quốc hội sẽ phải nhận thức rằng, với những đảm bảo vững chắc của Tổng thống Mỹ, mà Tổng thống là người đại diện nước Mỹ, nếu vẫn cắt hết viện trợ cho Miền Nam thì uy tín nền ngoại giao Hoa kỳ sẽ bị tổn thương lớn. Những cam kết bằng văn bản hay nói miệng của Tổng thống Nixon, ông Kissiger, Tổng thống Ford với Tổng thống Thiệu, Ngoại trưởng Lắm đều là những trao đổi giữa hai quốc gia Hoa kỳ và VNCH chứ không phải giữa cá nhân các ông này.

Đã không bao giờ phía Hoa kỳ thông báo cho Chính phủ Miền Nam là họ muốn rút hết lại những cam kết đó, hay là chúng còn cần được sự đồng ý của Quốc hội. Ngược lại, chính Tổng thống Ford khi lên kế vị Tổng thống Nixon vào tháng 8, 1974 lại còn vội vàng gửi thư cho Tổng thống Thiệu để tái xác nhận những cam kết của vị tiền nhiệm. Chỉ trong hai bức thư cuối cùng trước khi sụp đổ, ông Ford mới nói tới việc quân viện còn cần được Quốc hội chấp thuận.

Ông Kissinger, người kiêm nhiệm cả hai chức Cố Vấn An Ninh và Ngoại trưởng, lại là người điều khiển chính sách ngoại giao của cả hai Chính phủ Nixon và Ford, đã che dấu cả chính đồng liêu mình là Tổng trưởng quốc phòng. Khi ông Schlesinger được đọc vài bức thư (do chính tác giả cung cấp) ông đã tìm cách thông báo cho nghị sĩ Henry Jackson biết, và ông này bắt đầu đặt vấn đề. Nhân viên Toà Bạch Ốc vội vàng lục soát hồ sơ, nhưng cũng chỉ tìm được có 7 bức thư của Tổng thống Nixon mà thôi. Vậy còn 20 lá thư kia do ai dấu đi?

Sau những tiết lộ của chúng tôi để chứng minh về sự thất hứa và yêu cầu Chính phủ Mỹ cứu vớt đoàn người tỵ nạn (trong cuộc họp báo tại Washington ngày 30-4-1975), Kissinger chống chế, cho như là việc đã rồi, đâu có gì là quan trọng về mặt pháp lý! Ông còn cãi lại là nếu chắp nối tất cả những lời tuyên bố chỗ này chỗ nọ của chính ông và của các quan chức trong chính quyền Hoa kỳ trong quá khứ, thì trước sau, nó cũng đã nói lên những điều giống như cam kết trong các thư tín rồi. Có gì đâu mà phải thắc mắc? Hành động lắt léo và dối trá trong bí mật như vậy, chắc chắn đã không xứng đáng với tư cách của kẻ cả, của lãnh đạo một cường quốc.

Về sự phản bội, trong một buổi làm việc giữa các tướng lãnh VNCH tại Mỹ sau ngày sụp đổ để biên soạn 13 cuốn sách chuyên đề nhận định về cuộc chiến tranh VN theo quan điểm của VNCH (trong đó có Đại Tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Ngô Quang Trưởng), trong khuôn khổ một chương trình do "Trung Tâm Quân Sử Lục quân Hoa kỳ" khởi xướng (Indochinese Refugee Authored Monograph Program) tướng William Westmoreland, cựu Tư lệnh quân lực Mỹ tại Việt nam có tới thăm. Sau khi truyện trò, ông Westmoreland đã tóm gọn: "Chúng tôi đã phản bội các anh!"(We betrayed you")

Tại sao chỉ cứu vớt số tối thiểu

Câu hỏi sau cùng là: tới lúc sụp đổ, sao Mỹ lại chỉ muốn cứu vớt quá ít người Việt nam? Lúc đầu chỉ định giúp di tản 50.000 người, phút chót mới tăng lên, tổng số là dưới 130.000 người.

Có thể là vì ba lý do:

- thứ nhất, là lý do kinh tế. Nền kinh tế của Mỹ vào năm 1975 đang trong tình trạng khó khăn sau khủng hoảng dầu lửa bắt đầu từ mùa Thu 1973. Khi thất nghiệp lên tới 9%, khó mà nhân dân Mỹ chấp nhận cho mang thêm nhân công vào nước Mỹ;

- thứ hai, về phương diện tố chức, nếu cứu nhiều người thì sẽ lộn xộn, mất nhiều thời gian tổ chức, chuyên chở, và sẽ có thể đem tới nguỵ hiểm cho 6,000 người Mỹ còn kẹt lại; và

- thứ ba, đâu có nhiều chính trị gia Mỹ muốn cho số đông người Việt kéo nhau vào nước Mỹ? Nếu họ vào quá đông thì hình ảnh của chiến tranh Việt nam sẽ cứ lởn vởn mãi. Cũng như sự kiện là có ít người muốn luôn nhìn thấy nhân chứng về sự thất bại của mình. bao giờ Miền Nam hấp hối, Kissinger còn nguyền rủa "Sao chúng không chết phứt cho rồi? Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng cứ sống dai dẳng hoài".

Chú thích:

(1) Xem mật điện của Đại sứ Martin ngày 26 tháng 4, 1975 nói về điểm này: N.T. Hưng and J. Schecter, The Palace File, trang 341.

(2) John Ehrlichman, sđd., trang 288.

<< Phần 5 -Chương 18 | P5 - Chương 20 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 725

Return to top