Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Cuộc Chiến VN >> Khi đồng minh tháo chạy

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 61261 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Khi đồng minh tháo chạy
Nguyễn Tiến Hưng

P4 - Chương 17

Một cố gắng cuối cùng



"Hãy gửi đến cho ta những kẻ mệt nhọc, những người nghèo khó; những đám nhân quần co cụm, đang khao khát thở bầu không khí tự do…

Hãy gửi họ đến cho ta: những người vô gia cư, những người bị bão tố dập vùi tơi tả; Ta đang nâng cao ngọn đèn bên cạnh cánh cửa vàng".

(Trích đoạn thơ The New Colossus của Emma Lazarus)

Tay Bà giơ bó đuốc cao ngất như ánh đèn hải đăng. Từ năm 1885, Bà đứng phía ngoài hải cảng New York để đón nhận biết bao nhiêu đoàn người di dân. Nghèo khó, nhem nhuốc, họ đã tới với Bà sau những cuộc hành trình vượt đại dương khó khăn, nguy hiểm. Nhà điêu khắc Auguste Bartholai lấy cảm hứng từ tượng Hy Lạp "Người khổng lồ đảo Rhodes" (Colossus of Rhodes) đã cùng với kỹ sư Gustave Eiffel (người thiết kế tháp Eiffel) mất gần chín năm trời để hoàn thành kỷ vật nước Pháp tặng cho Hoa kỳ vào dịp lễ độc lập năm 1884. Pháp đặt tên cho kỳ công này là "Tự do chiếu sáng thế giới". Con tàu Isère đã phải chở 350 bộ phận cồng kềnh tới để lắp ráp thành tượng đặt trên đảo Liberly ngoài bờ Manhattan. Người Mỹ gọi kỳ công này là "Tượng Tự do". Việt nam ta gọi là "Nữ thần Tự do", có lẽ là vì trông bà đẹp như thần Hy Lạp, nhưng lại từ bi, bao dung (1).

Nữ thi sĩ Em ma Lazarus (1849-1887) đã làm một bài thơ ca ngợi "Pho tượng vĩ đại mới" (The New Colossus). Mới, vì tượng ở Hy Lạp cũ, dựng lên để kính thần Apollo (304 trước Công Nguyên) là một người khổng lồ, vạm vỡ, cầm bó đuốc đứng gác cửa vào cảng Mandraki, mỗi chân đứng trên một hòn đảo. Tàu bè ra vào đều phải chui qua dưới hai chân pho tượng. Nhưng Nữ thần Tự do thì khác hẳn. Ngoài cửa biển lúc hoàng hôn, Bà cầm bó đuốc đứng chiếu sáng. Là "Mẹ của những người bị đày ải" (Mother of Exiles), con mắt Bà hiền từ như đang mời gọi.

Theo tiếng gọi của Bà, bao nhiêu di dân từ các quốc gia khác đã sang Tân Thế Giới, thay đổi hẳn thành phần dân số Mỹ. Năm 1790, khi có cuộc kiểm tra đầu liên, đa số (75%) dân Mỹ là người gốc Anh Quốc. Từ đầu thế kỷ 19, các sắc tộc khác tới ngày một đông. Từ 1820 khi Chính phủ bắt đầu ghi chép sổ sách di trú cho đến 1975 đã có lới 50 triệu người nhập tịch. Trong thập niên 1840 và 1850, từng trăm ngàn người Đức đã tới để chạy trốn cảnh nghèo đói và bị truy nã. Gần một triệu người Irish di tản sau "nạn đói khoai tây". Cuộc di cư lớn nhất là giữa năm 1901 và 1910: tám triệu người đã tới từ Hungary, Ý, và Nga.

Rồi bà cứ tiếp lục mời gọi, chào đón. Sau khi kết thúc bao cuộc chiến, bà còn tiếp nhận cả những đoàn người di tản, như từ Hungary (1956), Cuba (1959-1960), hay mới đây, từ một số nước Đông Âu. Cuộc chiến Việt nam kết thúc ngày 23 tháng 4, 1975. Ngày 22 tháng 4, tôi nghe tin Tổng thống Thiệu từ chức. Ngay hôm sau, ngày 23 tháng 4 (24/4 giờ Sài gòn), Tổng thống Ford lên chiếc máy bay Air Force One để đi New Orleans diễn thuyết tại đại học Tulane. Mọi người chờ đợi xem ông sẽ nói gì. Chiều hôm đó, như để lấy thêm can đảm, ông Ford đã uống một ly rượu cocktail, trong một tiệc chiêu đãi. Thế rồi dõng dạc, ông bước vào nơi tụ hợp. Đây là một sân chơi banh trong nhà rất rộng rãi, đã chật ních với hàng ngàn sinh viên. Cử toạ vỗ tay chào đón, cũng bình thường như đã diễn ra ở các đại học khác mỗi khi có Tổng thống tới thăm.

Thế nhưng, bầu không khí bỗng nhiên đổi hẳn khi Tổng thống Ford chậm rãi nghiêm nghị, dằn từng tiếng:

"Đối với Hoa kỳ, chiến tranh Việt nam đã kết thúc rồi".

Giảng đường như muốn vỡ ra vì tiếng vỗ tay, huýt sáo, la hò vui mừng. Câu tuyên bố lịch sử này đã được đánh máy thêm vào bài diễn văn lúc chiếc Air Force One còn đang bay trên vòm trời cao (2):

"Nước Mỹ có thể lấy lại được niềm hãnh diện đã có trước (chiến tranh) Việt nam. Nhưng niềm hãnh diện ấy sẽ chẳng có thể đạt được bằng cách tham dự trở lại một cuộc chiến mà riêng đối với Mỹ nó đã chấm dứt rồi".

Phụ tá Ron Nessen nhận xét là chỉ mới hai tuần trước đó, ông còn ra Quốc hội đọc diễn văn xin thêm quân viện cho VNCH, mà tại Tulane, "chẳng thấy ông nói một lời nào nữa về viện trợ thêm cho Miền Nam". Tổng thống Ford chỉ nói tới tương lai:

"Theo tôi, bây giờ đã tới lúc chúng ta phải nhìn tới một nghị trình cho tương lai. Tôi yêu cầu là ta hãy ngừng hẳn chiến trận, cũng như những lời buộc tội, tố cáo lẫn nhau của quá khứ. Tôi yêu cầu chúng ta hãy chấp nhận trách nhiệm của lãnh đạo, chúng ta sẽ là hàng xóm tốt đối với mọi người và những là thù địch của bất cứ ai".

Và như vậy, ông Ford đã làm một việc mà trong 30 năm, chưa Tổng thống Mỹ nào làm nổi". Mọi người trong đoàn tuỳ tùng của Tổng thống tại Đại học Tulane đều hết sức vui vẻ, kích động về lời tuyên bố này (3).

Thế là xong. Ông Hương vừa mới lên chức Tổng thống được vài ngày, Tổng thống Mỹ đã nói "toạc móng heo" ra là đối với Hoa kỳ, chiến tranh Việt nam đã kết thúc rồi". Ở Sài gòn. khi được các thuộc cấp cho hay về bài diễn văn, ông Von Marbod xúc động: "Ông Ford đã giơ cao tấm vải giường trắng. Tôi đã vô cùng bàng hoàng và hổ thẹn".

Miền Nam đã đi vào dĩ vãng. Nhưng còn tàn dư của cuộc chiến, và đối với những người bại trận thì sao đây? Chẳng thấy ông Ford bình luận gì, hay là muốn lờ đi chăng? Chỉ thấy báo chí nói tới Chính phủ đang cho di tản gấp rút số người Mỹ và một số người làm cho Mỹ. Nghe tin tức từ hành lang Quốc hội là tất cả cũng chỉ 50,000 người Việt thôi, tôi nhất định hoạt động tối đa để cứu vớt đám người đang tuôn ra Biển Đông (4).

Về việc Mỹ chỉ định cứu một số người quá giới hạn như vậy, sau này đã được Đại sứ Martin xác nhận trong một buổi điều trần tại Quốc hội như đã trích dẫn trong chương 14. Vì tính cách lịch sử của tài liệu này (nó chứng minh rõ ràng về số người và ngày giờ mà Washington định cứu), tôi đã trích nốt phần của văn bản ông Martin điều trần trước Quốc hội ngày 27 tháng 1, 1976 (ngày kỷ niệm năm thứ ba của Hiệp định Paris) và in vào Phụ Lục. Để nhấn mạnh về thời điểm của ngày 25 tháng 4, 1975, ông còn nói tiếp:

"Vào ngày 25 tháng 4 (1975), sau cùng, Toà đại sứ mới nhận được quyền cho phép tạm dung thêm số người thân nhân (người Mỹ) và một giới hạn là 50.000 người Việt vào thành phần chịu rủi ro cao độ. Đó là chỉ còn có 4 ngày trước lúc cuối cùng rời khỏi Việt nam" (5).

Nhìn vào Nữ thần Tự do

Làm gì được bây giờ đây? Tôi tự hỏi. Hồi năm 1954, sau hiệp định Genève, cũng có cuộc di tản. Gần một triệu người được tàu Mỹ chở vào Nam. Sau đó Mỹ còn giúp tiền bạc cho ngân sách định cư. Thời gian di tản lại được kéo dài tới 300 ngày. Và lúc đó chấm dứt chiến tranh căn bản là giữa quân dội Việt Minh và Pháp. Bây giờ, sau mười năm trời trực tiếp can thiệp với trên nửa triệu quân, chiến đấu bên cạnh một triệu quân đội VNCH, thiệt hại bao nhiêu nhân mạng, bao nhiêu tiền của, chẳng lẽ lại chỉ di tản có 50,000 người thôi? Đã 30 năm rồi mà mỗi khi tới ngày 30 tháng 4 (1 tháng 5 giờ Việt nam), hình ảnh pho tượng Nữ thần Tự do lại hiện ra rõ ràng trong trí óc tôi. Hè 1958, khi lên New York lần đầu tiên, tôi được ra đảo Liberty để du ngoạn. Rất là thích thú. "Pho tượng đẹp và hùng vĩ quá sức", tôi nói với anh bạn hướng dẫn. Thế thôi, không có ấn tượng gì sâu xa cho lắm sau chuyến đi. Nhưng ngày 30 tháng 4, 1975 (tại Washington) thì khác. Buổi sáng hôm ấy, tôi hết sức mệt mỏi, rã rời, vì những biến cố, trăn trở từ mấy tuần trước. Và phải sửa soạn để sắp sẵn một công việc mà đối với tôi nó là lịch sử trong cuộc đời. Tâm trí tôi lúc đó rối bời. Không biết phải làm gì để cứu vớt thêm đoàn người đang bồng bế nhau túa ra Biển Đông.

Nhưng rồi, như một tia sáng chiếu rọi, tôi nghĩ đến Nữ thần Tự do, và tới đoàn người Cuba di tản hồi năm 1960, sau khi Fidel Castro lên nắm chính quyền. Bạn bè và thân nhân của họ là người Mỹ gốc Cuba lúc đó đã tranh đấu thành công. Tôi còn nhớ là hồi đó họ đã đăng tải rất nhiều lời kêu gọi lòng từ tâm của nhân dân Hoa kỳ trên các báo chí với hình pho tượng Nữ thần Tự do. Tôi lại nảy ra ý nghĩ là mình cũng có thể làm như vậy.

Hiện trong tay, tôi đã mang đi được toàn bộ hồ sơ mật về những trao đổi giữa hai Tổng thống Nixon, Ford và Tổng thống Thiệu. Như những lá thư tình, nếu chỉ là một vài thư lẻ tẻ thì người ta có thể cho là nó đã được viết trong lúc tình nhân bốc đồng. Nhưng gộp chung lại, và đặt nó trên căn bản thương thuyết là bốn năm trời, thì tất phải có ý nghĩa sâu xa. Tôi suy luận: người Mỹ đặt cao những giá trị xây trên căn bản công bình sòng phẳng. Do vậy, họ luôn đặt nặng cái quyền hạn chính mình. Chẳng vậy mà cứ 1.000 người thì đã có tới 3.1 luật sư, quá nhiều so với các nước khác như Pháp (0.4), Đức (0.8), Nhật (0.1). Như thế, tôi nghĩ nếu mình dựa trên căn bản công bình (Chính phủ Mỹ đã bội ước với nhân dân Miền Nam) và kêu gọi tới tinh thần bao dung, mà biểu tượng là Nữ thần Tự do, thì may ra có hy vọng phần nào sẽ cứu được một số người đông hơn.

Tôi muốn in ngay cả một trang cầu cứu "SOS" trên tờ washington Post và một trên tờ New York Times. Nhưng lấy tiền đâu mà in bây giở? Trường hợp cầu cứu di dân Cuba là công việc của cả một tập đoàn, và với đầy đủ phương tiện tài chánh. Bây giờ đơn thương độc mã, trong túi tôi chỉ vỏn vẹn có 300 đô la lúc rời Sài gòn. Mà mỗi trang báo cũng phải trả 6.000 đô la.

Ngày 14 tháng 4, khi Tổng thống Thiệu bảo tôi đi Washington công tác, tôi cũng đã nghĩ đến việc đăng hai tờ báo này nhưng mục đích lúc đó là để cầu cứu Quốc hội chấp thuận cho VNCH vay tiền, thay vì bỏ phiếu chống viện trợ. Một lần duy nhất nói tới tiền bạc, tôi đề nghị Tổng thống Thiệu cấp cho tôi một ngân khoản là 20.000. Số này sẽ dùng đăng hai thông báo (12.000). Số còn lại 8.000 để tôi chi tiêu cho chuyến di và ngoại giao hành lang như hội họp, chiêu đãi. Ông Thiệu chấp thuận ngay, nhưng ông lại không đưa tiền và nói tôi sang Thủ tướng yêu cầu cho trích từ Quỹ VINOPO. VINOPO (Vietnam Procurement Office) là một Cơ quan Tiếp vận đặt tại Đại sứ VNCH, Washington, D.C. Cơ quan này đấu thầu và mua gạo về Sài gòn qua chương trình viện trợ Mỹ. Mỗi một tấn gạo phải đóng vào quỹ VINOPO là 1 đô la. Đó là cơ quan đã được lập ra năm 1973 vừa để giúp tiếp vận vừa để có ngân quỹ lo việc hoạt động ngoại giao. Hè năm 1973, có lần tôi hỏi Tổng thống Thiệu xem công việc ngoại giao hành lang, "public relation" của VNCH ra sao? Ông cho biết căn bản không có gì hết, chỉ có cơ quan chính thức là Toà đại sứ mà thôi! Làm sao lại có thể như vậy được? Những quốc gia đồng minh có quan hệ quan trọng với Mỹ như Đài Loan, Do Thái, Đại Hàn, đều có vận động hành lang rất rộng rãi. Sau đó VINOPO được thành lập, nhưng VNCH cũng chưa tổ chức được những vận thông hành lang.

Vừa tới Washington, tôi gọi cho Giám đốc VINOPO, cũng là một anh bạn tôi, nhưng anh ấy lại không có mặt ở sở vì đang trên đường đi công tác mua gạo. Nhìn vào ngân khoản tiết kiệm của gia đình, thấy còn gần ba ngàn đô, tôi bèn tạm mượn mang ra tiêu vào công tác vận động. Muốn gặp được bà thơ ký hay anh phụ tá cho một nghị sĩ hay dân biểu, dù là chỗ quen biết, chỉ có cách là mời dùng cơm trưa hay cơm chiều để khỏi mất thời giờ của họ thì may ra mới mời được. Sáng ngày 15 tháng 4, anh bạn Giám đốc VINOPO trở về Washington. Anh ấy điện thoại ngay cho tôi và cho biết là ngân quỹ trong sở đã bị nhân viên biển thủ hết rồi! Và anh đã khai báo đầy đủ cho cơ quan FBI. Thế là kế hoạch đăng báo lại phải bỏ đi. Sau này, vì không hoàn lại được số tiền vay của gia đình, tôi cũng đã gặp phải vấn đề khó khăn.

Hãy cứu vớt đoàn người lênh đênh trên biển cả

Bây giờ, tôi muốn đăng hai tờ báo để xin cứu vớt người tỵ nạn. Không có tiền và chẳng biết làm gì khác, tôi tìm đến ông Warren Nutter, ông thày cũ, trước làm Phụ Tá Bộ trưởng quốc phòng phụ trách về khía cạnh kinh tế của chương trình "Việt nam hoá" thời Nixon. Ông đã tận tình ủng hộ VNCH trong thời gian qua và đã sang Sài gòn gặp riêng ông Thiệu để cố vấn. Mời ông về nhà dùng cơm trưa, tôi muốn ông cố vấn để cứu giúp người di tản. Giữa lúc đó thì máy điện thoại reo, và ở đầu giây bên kia là Von Marbod, gọi từ Tân Sơn Nhất: "Tôi đang trông thấy Rick bế mẹ già anh lên chiếc C-141, và gia đình anh đang bước lên tiếp theo". Rick Armitage (Thứ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống George Bush, nhiệm kỳ đầu) đã lái xe tới nhà chị tôi ở đường Phan Đình Phùng và chở bà cụ cùng gia đình ra phi trường để bay sang phi cảng Clark ở Phillippines. Hoá ra thay vì đợi tôi về, vừa vừa có quyền cho tạm dung vào Mỹ, Đại sứ Martin đã cấp giấy phép để Von Marbod cùng Rếch Armitage di tản gia đình tôi. Hôm ấy là ngày 25 tháng 4.

Yên tâm cho mẹ già rồi, nhưng còn bạn bè, đồng bào thì sao đây? Tôi hỏi ông Nutter xem có nên gặp ông Kissinger hoặc Schlesinger để kêu nài họ giúp tăng số di tản hay không? "Ít nhất Mỹ cũng phải cho tỵ nạn một triệu người, bằng số di tản từ Bắc vào Nam năm 1954", tôi muốn đề nghị. "Họ đã phủi sạch tay về Việt nam rồi", - ông Nutter nói. "Để tôi nghĩ xem có cách nào khác không". Hôm sau, ông gọi lại và cố vấn cho tôi: "Có lẽ tranh đấu bằng một cuộc họp báo là có hiệu quả nhất". Vì các hãng thông tấn sẽ phổ biến rộng rãi, toàn cầu. Ông nói rồi ông sẽ xem lúc nào là thời điểm tốt nhất để làm việc này. Tôi vội vàng ngồi xuống làm việc liên tục nhờ mấy ly cà phê thật đậm để phác thảo một bài diễn văn sẽ dọc khai mạc cuộc họp báo. Nhưng bây giờ xong cuộc rồi, tôi có tư cách gì mà lại đòi họp báo như các quan chức lớn? "Nếu anh nhất định tiết lộ mấy cái thư mật thì tôi chắc các hãng thông tấn sẽ tới", ông Nutter góp ý. Không còn đắn đo gì nữa, tôi trả lời: "Vâng tôi đã quyết định rồi".

Quẩn trí, tôi tiếp tục liên lạc với mọi người quen biết trên Quốc hội, cả trong lẫn ngoài chính quyền. Không nhẽ đối với nhân dân Cuba, dù Mỹ chưa có đổ máu chiến đấu, mà còn tiếp cứu tới 650.000 người khi Fidel Castro lên nắm quyền, mà lúc này lại chỉ nghĩ đến con số có 50.000 người Việt thôi, tôi tự hỏi.

Việc thấy phải làm ngay là đối với anh em trong Bộ Kế hoạch và Phát Triển của tôi. Tôi liền đến nhà bà Anna Chennault (ở ngay trong toà nhà Watergate), chủ tịch hãng máy bay Flying Tigers để yêu cầu bà cố giúp cho một máy bay vào Sài gòn di tản ban lãnh đạo và nhân viên tại Bộ. Là người có nhiều cảm tình với Việt nam và cũng đã thu được nhiều lợi lộc vận chuyển hàng hoá vào Sài gòn trong các năm trước, bà đã đồng ý. Thế nhưng, khi máy bay đáp xuống Phillippines thì phải ngưng lại vì Tân Sơn Nhất đã bị ném bom, pháo kích!

Về những liên lạc riêng tư, chúng tôi cũng đã liên lạc với nhiều nghị sĩ và dân biểu để yêu cầu họ viện trợ, và nếu không được thì cứu giúp đoàn người di tản. Chúng tôi có nhận được tất cả là 31 thư trả lời (xem danh sách). Hầu hết là họ đã duỗi ra. Có ông nghị tên là Bennett Johnston, tiểu bang Mouisiana còn viết mỉa mai về việc xin cứu trợ cho công cuộc di tản:

"Đạo luật (về giúp di cư) đang được Quốc hội xem xét đã có điều khoản rõ ràng cấm chỉ không được giúp một nước cộng sản hoặc trực tiếp hay gián tiếp qua một cơ quan như Liên Hiệp Quốc. Theo tôi, Miền Nam Việt nam giờ đây đã nằm dưới quyền kiểm soát của cộng sản rồi, bởi vậy viện trợ hay cứu trợ phải được cung cấp từ các nước đã viện trợ quân sự cho Bắc Việt - Nga Xô và Trung Cộng".

Tôi lại lìm đến vị Tuyên Uý Thượng Viện, Mục sư Edward Elson. Nói tới hình ảnh người xứ Samaritan đầy lòng nhân ái trong Kinh Thánh, tôi nhờ ông tác động những phần tử tương đối còn chút hảo tâm: "Hãy cứu vớt đoàn người chúng tôi đang trốn chạy ra biển cả," tôi cầu cứu. Mục sư Elson đã hợp tác chặt chẽ. Ông liền gọi cho một số nghị sĩ để đánh động lương tâm của họ đừng chống đối việc tỵ nạn của người Việt nam nữa.

Sáng ngày 29 tháng 4, radio vẫn nói tới con số di tản giới hạn. Nhưng vào khoảng trưa, tôi nghe loáng thoáng là người ta đã bắt đầu nói tới con số kế hoạch 120.000 người Việt bây giờ được liệt vào thành phần có "nguy hiểm cao độ". Lại thêm chút hy vọng. Biết đâu, biết đâu đấy, Chính phủ Hoa kỳ đã thay lòng đổi dạ được đôi phần. Dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi, nó cũng đã giúp nâng đỡ tinh thần sa sút của tôi lúc đó tiếp tục hoạt động và theo rõi tin tức từng giờ từng phút, tôi gọi ông Nutter vào buổi chiều, khi ông còn đang ở văn phòng tại Viện Kinh Doanh Mỹ (American Enterprise Institute) tren phố 117th, Washington D.C. để hỏi ý ông xem đã tới lúc họp báo chưa? Viện này được gọi là Bộ óc (Think Tank) của Đảng Cộng Hoà. Tuy nhiên, ở đó cũng có nhiều người không đồng ý với Chính phủ Ford lúc đó. "Giờ chót sắp tới rồi; bất cứ lúc nào. Người ta đang ùa ra biển để chờ được cứu vớt", ông bảo tôi đến gặp ông ngay. Tôi đưa ông xem bài diễn văn tôi vừa soạn xong. Ông góp thêm ý cho tôi là phải nói việc cứu vớt việc người di tản không những là một bổn phận mà về lâu về dài, còn có lợi cho Mỹ. Ông có ý kiến là tôi sẽ chỉ tiết lộ ra độ hai, ba bức thư thôi, còn giữ lại làm đòn bẩy (lever). Ý ông muốn nói là cứ thử để xem kết quả ra sao. Nếu họ cứ nhất định chỉ cho di tản có 50.000 thì mình sẽ tính bước tới".

Chúng tôi ra đường đi bộ tới khách sạn May Flower nằm gần ngay bên cạnh, trên đường Connecticut Avenue, để thuê một phòng làm địa điểm họp báo. Giá phòng họp là 250 đô la. Trương mục tiết kiệm của gia đình thì tôi đã tiêu hết. Tôi lại không muốn hỏi ông Đại sứ VNCH tại Washingon vì e ngại là ông sẽ cản cuộc họp báo lại. Chỉ còn đúng 200? Ông Nutter mủi lòng bèn xuất tiền riêng giúp thêm 50 đô la, đủ để thuê phòng lớn họp báo.

Buổi trưa ngày 30 tháng 4, (mồng 1 tháng 5 giờ Sài gòn), ông Nutter dùng phương tiện của Viện gửi một bản thông cáo cho các phóng viên và ký giả qua hãng thông tấn Associated

"Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch và Cựu phụ tá đặc biệt của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, sẽ tổ chức một buổi họp báo lúc 4 giờ chiều hôm nay tại Khách sạn May Flower, Phòng Pan America, để nói về bản chất những thoả thuận bí mật giữa cựu Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu. Sẽ tiết lộ hai lá thư của ông Nixon gửi ông Thiệu".

Đúng giờ, các ký giả báo chí và truyền hình ào ào kéo đến. Mọi người ai cũng nhao nhao, nóng ruột. Không muốn mất thì giờ, họ chỉ muốn đến để lấy mấy bức thư chứ không muốn nghe trình bày dài dòng văn tự. Thái độ quá khích của báo chí khiến tôi thêm phần bực tức. Vì đã nghe họ bình luận quá nhiều về miền Nam trong bao nhiêu năm qua, tôi lên giọng, nói oang oang vào micro:

"Thưa quý vị, đây là chỗ của tôi. Quý vị phải cho tôi cơ hội giải thích cái bối cảnh của các lá thư đó trước khi tôi trao cho quý vị. Nếu vị nào không muốn nghe tôi giải thích thì xin mời ra".

Có tiếng lao xao càu nhàu, la ó. Nhưng tôi cứ tiếp tục:

"Thưa Quý vị,

"Cảm ơn quý vị đã tới đây khi mới chỉ vừa được thông báo;

"Mục đích cuộc họp mặt hôm nay là để tôi mang ra ánh sáng cho công luận biết đến một số sự việc liên hệ tới trách nhiệm của Hoa kỳ đối với nhân dân miền Nam Việt nam. Cụ thể hơn, tôi muốn nói tới những cam kết mật của Hoa kỳ đối với Việt nam vào thời điểm thương thuyết hiệp định Paris…"

Đề cập qua tới việc ông Thiệu và Chính phủ ông đã từ chức, tôi nói tiếp:

"Giờ đây, tôi đang nói chuyện với quý vị với tư cách cá nhân. Tôi làm công việc này nhất mực theo lương tâm của tôi, và Tổng thống Thiệu hoàn toàn không biết trước".

"Tôi chắc chắn rằng việc tôi nói với quý vị hôm nay không những nó có liên quan tới quyền lợi của người Việt nam, nhưng về lâu dài, nó còn liên quan trực tiếp tới quyền lợi của nhân dân Hoa kỳ".

Bằng một cách nhắc khéo tới lời tuyên bố cạn tầu ráo máng của Tổng thống Ford mấy hôm trước đó là "hãy quên đi quá khứ và nhìn tới một nghị trình tương lai", tôi tiếp:

"Không thể có tương lai, nếu không có dĩ vãng và hiện tại. Làm sao mà có được một nghị trình tốt cho tương lai nếu không hiểu biết thấu đáo và làm kết toán đày đủ về hiệu quả của những gì mình đã làm trong quá khứ? Chữ tín của nước Mỹ, một yếu tố nhiều khi là quyết định giữa hoà bình hay chiến tranh, cần phải được các quốc gia coi trọng nếu chính sách ngoại giao Hoa kỳ muốn được thành công".

Sau đó tôi tóm tắt diễn tiến của cuộc hoà đàm Paris, nhấn mạnh việc Mỹ đã bội ước. Tổng thống Nixon và Cố vấn Kissinger đã ép ông Thiệu phải ký kết, trên căn bản là củ cà rốt và cái gậy. Củ cà rốt là Hoa kỳ đã cam kết rất rõ ràng là sẽ tiếp tục viện trợ đầy đủ cho VNCH và bảo đảm thực thi hiệp định đình chiến. Tôi chỉ trưng vài đoạn quan trọng trong hai bức thư của Tổng thống Nixon (thư ngày 14 tháng 11, 1972, và ngày 5 tháng 1, 1973). Để kích thích sự tò mò, tôi nói thêm là tôi chỉ cho họ xem hai lá thư này, nhưng còn giữ nhiều thư khác. Rồi trưng một vài đoạn từ một bức thư đề ngày 17-1-1973 trong đó, Nixon còn nói rõ hơn về những mật ước đối với Miền Nam.

Nhấn mạnh là với những cam kết vững vàng đó, VNCH đã chấp nhận ký vào bản Hiệp định ngày 27 tháng 3, 1973 giúp Hoa kỳ thu lượm được bốn kết quả rõ ràng:

- thứ nhất, rút được hết quân đội Mỹ về;

- thứ hai, toàn bộ 519 tù binh Mỹ được thả,

- thứ ba, được tuyên bố là đã mang lại "Hoà bình và danh dự" và giữ được uy tín cho nước Mỹ; và

- thứ tư, tiết kiệm được 20 tỷ một năm.

Còn Miền Nam đã được gì? Kéo dài được hai năm. Bây giờ thì phải gánh chịu bao nhiêu hậu quả, và gánh chịu một mình!"

Trong hài diễn văn, vì nghe theo lời cố vấn của Warren Nutter, tôi đã hoàn toàn tránh né, không đả động gì tới những mật thư của chính Tổng thống Ford gửi. Như vậy để xem ông Ford đối xử ra sao với việc di tản.

Tôi chỉ dùng vài lá thư của Tổng thống Nixon để lập luận xin cứu vớt đoàn người đang đổ xô ra Biển Đông:

Kính thưa quý vị,

Tôi xin kết thúc buổi trình bày ngày hôm nay với chỉ một lời cầu khẩn tới nhân dân Hoa kỳ. Chắc chắn rằng nhân dân tôi đang muốn cùng tôi khiếu nại là CÔNG BÌNH và SÒNG PHẲNG phải được đưa ra để đối xử với họ, dù là điều kiện chính trị nội bộ Hoa kỳ ra sao đi nữa;

"Tôi tin tưởng rằng với quyền lực lớn mạnh về kinh tế và ngoại giao, trong giờ phút này đây, nước Mỹ vẫn còn có thể làm được một công việc hoàn toàn nhân đạo, đó là cứu với mạng sống đoàn người đang di tản".

"Nếu những cam kết này đã không được tôn trọng, thì Hoa kỳ có thể đền bù vào đó bằng cách dàn xếp và cứu vớt ít nhất là một triệu người dân Việt nam;"

"Năm 1954, Hoa kỳ đã giúp di chuyển gần một triệu người từ miền Bấc vào Nam. Giờ đây, sau khi trực tiếp tham gia vào một cuộc chiến kéo dài, giúp tị nạn một số người ít nhất cũng hằng như vậy thì không phải là một việc quá đáng. Tối thiểu, vào giờ phút này, Hoa kỳ cũng vẫn còn có thể sắp xếp để có được một khoảng thời gian ra đi tự do, hầu giúp cho một số đông hơn được di tản.

Nhân danh lương tri của nhân dân Hoa kỳ, quí vị hãy nghĩ tới những người đã trông cậy và tin tưởng vào bao nhiêu hứa hẹn của đồng minh trong hai mươi năm trời".

Trong thâm tâm, tôi nghĩ rằng nếu như năm 1954, thời gian ra đi tự do được quy định là 10 tháng, thì ít nhất bây giờ cũng phải được một tháng!

Bà quay mặt về đâu?

Khi nói xong, tôi có phát bản sao hai lá thư trên. Một số ký giả và người quay phim vây chung quanh, đi theo tôi ra hành lang khách sạn. Murray Marder, ký giả tờ Washington Post ngó lời an ủi là nghe xong, ông có nhiều thiện cảm với dân tộc Việt nam hơn. Ông nói "tôi sẽ cố giúp". Nhiều nhà báo tiếp tục đặt thêm những câu hỏi này nọ, như về tham nhũng, độc tài, quân đội bỏ chạy, tại sao di tản, v.v. Tôi lờ đi. Một nhà báo có bộ râu hàm đen rậm cứ nằng nặc xin bản sao lá thư thứ ba mà tôi có trích dẫn nhưng đã không phổ biến. Sau khi tham khảo ý kiến với ông Nutter, tôi đã từ chối. Anh ta tỏ ra rất bực tức

Đến khi khi có phóng viên hỏi thêm:

"Thưa ông, cứ cho là Hoa kỳ đã bội ước, nhưng còn lý do gì khác khiến chúng tôi phải đưa người Việt vào Mỹ không?"

Tôi nói ngay tới cái lý do mạnh mẽ nhất:

"Tượng Nữ thần Tự do đang nhắc nhở cho chúng ta rằng nước Mỹ là đất của những kẻ bị truy nã, của di dân".

Đến khi nghe thấy nói tới "Nữ thần Tự do" để yêu cầu cứu vớt tỵ nạn, anh chàng ta vội xen vào một câu xỏ xiên: "Tôi xin nhắc nhở cho ông là Nữ thần Tự do quay mặt về phía Đại Tây Dương".

Ý nói là Bà quay lưng về phía Thái Bình Dương, phía Việt nam chúng ta?

Vô cùng đau đớn, tôi đã không cầm được nước mắt. Ông Nutter sửng sốt và phẫn nộ. Kéo tôi sang một bên, ông an ủi: "Anh đã làm một việc ích lợi cho xứ sở anh. Rồi đây nó sẽ tạo được nhiều thiện cảm, và tôi hy vọng rằng số người Việt được cứu sẽ tăng lên nhiều".

Niềm yên ủi vô biên

Sau đây là những sự việc liên hệ tới cuộc họp báo và việc tiết lộ một số những bức thư mật:

Cùng ngày đó, ông Von Marbod mời tôi ăn tối tại một quán nhỏ ở Mclean. Tuy là một bữa ăn đạm bạc theo tiêu chuẩn Mỹ, nhưng đôi với tôi nó là bữa ăn nhớ đời. Cho đến bây giờ nó vẫn ghi dấu ấn đậm vào trí óc tôi bởi câu nói của ông Marbod: "Tốt, tốt. Nhưng tôi nghĩ bấy nhiêu là đủ rồi, anh khỏi cần tiết lộ thêm nữa. Tôi được biết là trong vòng mấy ngày tới, tàu Mỹ sẽ vớt hết tất cả những ai ra được ngoài biển".

Ăn cơm tối xong, tôi bắt đầu lo về chuyện mình đã tiết lộ là còn giữ nhiều mật thư khác (dĩ nhiên là trong đó có cả thư của Tổng thống Ford), tôi vội tới nhà một người bạn ở vùng Maryland để ẩn trốn gần một tuần lễ.

Ngày mồng 2 tháng 5, nhiều báo chí Mỹ và quốc tế, đặc biệt là hai tờ uy tín nhất, Washington Post New York Times đã đăng tải cuộc họp báo và đặt rất nhiều câu hỏi chung quanh vấn đề mật thư. Tờ Washington Post đăng một hình hí hoạ của đại tài Herblock với đầy ý nghĩa thích hợp. Hình vẽ Quốc hội Mỹ đang cho hai ông Ford, Kissinger xem và hỏi về những thư cam kết trong các lá thư của Nixon (xem hình).

Báo chí còn tìm xem có phải thư thật hay thư giả, và có phải chữ ký của Nixon hay không? Rất nhanh, Toà Bạch Ốc đã phải chứng nhận về tính cách xác thực của nó. Đối với Tổng thống Ford, lúc đó thì ông đã biết thực sự là có những mật thư này vì ngày 5 tháng 4 (như đã thuật lại trong Chương 10) tôi đã nhờ được tướng Weyand (qua Von Marbod) đưa tận lay cho ông vài bức thư. Và theo lời Von Marbod, ông đã xúc động. Sau đó ông ra phi trường đón tiếp lớp trẻ mồ côi Việt nam vừa được chở tới San Francisco. Tay bồng một em bé, ông bước xuống máy bay, có chiều âu yếm. Và từ giây phút này, có thể là ông đã thay đổi thái độ đối với vấn đề tị nạn. Trước đó, dù sau cuộc rút lui đầy trắc trở của Quân Đoàn 11 và cuộc di tản kinh hoàng từ Đà Nẵng, ông Ford vẫn bình chân như vại, đi Palm Springs đánh gôn. Và Ngoại trưởng Kissinger còn mời ông bà Tổng thống tới nhà dùng cơm với Frank Sinatra. "Chúng ta không thể để Tổng thống đi như vậy được", Robert Hartmann, một nhân viên của ông Ford phải than lên. "Nếu lại đi ăn với Sinatra vào cuối của tuần lễ mà Tổng thống đã bị chỉ trích hằng ngày là chỉ vui chơi trong khuôn viên những nhà triệu phú đang khi Việt nam bốc cháy, thì hình ảnh của ông Ford sẽ còn bị ê chề hơn nữa", Phụ tá Ron Nessen kể lại (6). Năm 1985 khi chúng tôi phỏng vấn Tổng thống Ford và đưa cho ông đọc lại mấy bức thư của Tổng thống Nixon, ông vẫn còn tỏ vẻ ngậm ngùi: "Không còn một nghi ngờ nào hết, đây là những lời cam kết vô cùng quyết liệt" ("Well, there is no doubt these were very categorical commitments").

Như đã thuật lại, Tổng trưởng quốc phòng Schlesinger, người đã rất thờ ở lúc con thuyền Miền Nam sắp chìm đắm, cũng đã phàn nàn rằng:

"Tôi tin rằng Tổng thống Ford đã bị lừa bịp về những lá thư này";

"Quốc hội không hề hay biết chút gì về mấy lá thư đó khi họ bắt đầu chạy làng khỏi Việt nam vào mùa hè 1973";

"Tôi còn nhớ tôi đã vô cùng sửng sốt khi đọc một số lá thư ấy, vì chúng có nghĩa là Hoa kỳ đã chạy làng những nghĩa vụ mà chính Tổng thống đã cam kết. Tuy nhiên, nếu ta không biết được là có những nghĩa vụ được cam kết thì ta đâu biết được là Hoa kỳ đã chạy làng".

(I believe Ford as being bamboozled on the letters;

Congress know nothing of these letters, when it started bugging out of Vietnam in the summer of 1973,

"I remember how surprised I was when the letters surfaced, because I felt that the meant a welching by the United States on commitments that had been entered into by the President. However, if you don t know the commitments have been entered into, you don t know the country has welched")

Đúng ba ngày sau cuộc họp báo, mồng 3 tháng 5, Kissinger thay đổi thái độ. Như Uỷ ban liên bộ định cư Đông Dương (Indochina Interagency Task Force) đã báo cáo: "Ngoại trưởng Kissinger đã yêu cầu Tổng thống Ford cho phép cấp quyền "tạm dung" cho 150.000 người Việt và Kampuchia tỵ nạn, với điều kiện là Chính phủ phải cố gắng tái định cư 20.000 người tại các quốc gia khác. Tổng thống Ford đã chấp thuận và thông báo cho Tổng trưởng Tư Pháp" (6).

Còn về phía lập pháp của Mỹ?

Sau đây là những lời tuyên bố của một số những bàn tay đao phủ đã đưa dao lên cắt đứt viện trợ cho Miền Nam:

Phản ứng tức thời tại Quốc hội là có nhiều nghị sĩ, dân biểu đã rất ngạc nhiên về những tiết lộ trong cuộc họp báo. Tờ New York Times (2 tháng 5, 1975) đăng tin nghị sĩ Henry Jackson tuyên bố:

"Thật là lố bịch và nguy hiểm khi Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ phải nhờ vào quan chức ngoại quốc (ông Hưng) để mới biết được những văn kiện tối quan trọng"; ông còn thêm rằng: "Khi không chịu tiết lộ rõ ràng bản chất và văn bản của những thoả thuận sơ bộ với Miền Nam, phía Hành pháp đã lừa dối một Chính phủ ngoại quốc cũng như Quốc hội Mỹ về bản chất và quy mô những điều do Hoa kỳ cam kết với quốc gia đó"(7)

Nghị sĩ Mike Mansfield tiếp theo: "Thật là chuyện bất ngờ ("It looks like the jacks are coming out of the box… "), tôi nghĩ rằng sự việc này càng được sớm làm sáng tỏ ra thì càng tốt cho tất cả mọi người chúng ta". (8)

Cùng một ngày, Uỷ ban Ngoại giao Thượng Viện, một Uỷ ban lãnh đạo việc cắt viện trợ, đã yêu cầu Tổng thống Ford cho xem bản sao những trao đổi mật giữa hai Tổng thống Nixon - Thiệu. Nhưng ông Ford đã từ chối phắt đi. Trong một bức thư gửi nghị sĩ John Sparkman, chủ tịch của Uỷ ban, ông đã nại tới "quyền hành đặc biệt của Hành pháp" để làm căn bản cho việc từ chối, và khuyên rằng "chúng ta nên xếp lại vào quá khứ những cuộc tranh luận có tính cách chia rẽ về vấn đề Việt nam". (9)

Nghị sĩ Henry Jackson, Uỷ ban Quốc phòng Thượng Viện:

"Những tiết lộ mới đây đã cho hay rằng ngành hành pháp đã lừa dôi một Chính phủ nước ngoài và Quốc hội về những cam kết của Hoa kỳ đối với Miền Nam Việt nam từ 1972 tới 1973"; Chính phủ Ford đã tố cáo Quốc hội là đã vi phạm những cam kết và những ràng buộc đối với Miền Nam, những điều mà Quốc hội chưa bao giờ được nghe tới, chứ đừng nói đến là đã chấp thuận";

"Thật là một trạng thái kỳ cục và nguy hiểm khi Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ phải dựa vào quan chức ngoại quốc mới biết được những trao đổi quan trọng, nó được tung ra bất cứ lúc nào, do một Chính phủ ngoại quốc, giống như mấy con thỏ nhẩy ra khỏi cái mũ của nhà ảo thuật"; (10)

Nghị sĩ Frank Church, người chống đối cả viện trợ, cả việc giúp di tản.

"Hồi đó chẳng ai nói gì với chúng tôi về những cam đoan mà Hoa kỳ sẽ phải gánh vác. Tôi không nhớ là đã có người nào thông báo cho Uỷ ban tôi biết là đã có một cam đoan nào, dù được viết xuống, hay minh thị, hoặc bằng cách nào khác. Cảm tưởng rõ rệt lúc này của chúng tôi là không có điều gì dấu diếm chúng tôi cả;"(11)

Nghị sĩ Jacob Javits, Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng Thượng Viện, người khởi xướng cắt quân viện hè 1974 (đã tuyên bố sau khi phía hành pháp cãi là những bức thư này chỉ là cam kết về tinh thần, không có giá trị pháp lý): "Muốn gọi mấy tài liệu đó là gì đi chăng nữa đáng lý chúng đã phải được đưa ra cho Uỷ ban Ngoại giao Thượng Viện cùng với những tài liệu khác liên quan đến Hiệp định Paris".

Ngày 4 tháng 5, tôi gọi điện thoại cho vị Tuyên Uý Thượng Viện, Mục sư Elson. Ông vui mừng cho hay là phản ứng tại Quốc hội có chiều hướng tốt. Sau khi hay biết những chuyện này, nhiều nghị sĩ nhận thấy là Hoa kỳ đã bất công với nhân dân Miền Nam, và bắt đầu có thiện cảm hơn đối với vấn đề lỵ nạn. Mục sư Elson nói : "Chắc chắn Quốc hội sẽ thay đổi thái độ".

Vì Quốc hội đã thay đổi thái độ: chỉ trên ba tuần sau khi bỏ phiếu bác đi số tiền 327 triệu để tài trợ cho di tản, ngày 23 tháng 5, 1975 Quốc hội đã biểu quyết "Đạo luật về di trú và tỵ nạn Đông Dương" "Indochina Migration and Refugee Act" - IRAP; 89 stat. 87), trợ cấp 455 triệu cho tỵ nạn từ Việt nam và Kampuchia).

Tôi cảm thấy một niềm an ủi vô biên, vì nghĩ rằng ít ra Hoa kỳ cũng đồng ý chấp nhận một số nhiều người Việt chứ không phải chỉ vỏn vẹn có 50.000 người như Toà Bạch Ốc đã cho phép Đại sứ Martin di tản vào ngày 25 tháng 4, tức là năm ngày trước giờ hấp hối của VNCH. Câu nói của Von Marbod đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử tỵ nạn, vì nó khởi đầu cho một cuộc di cư vĩ đại kéo dài tới 25 năm. Ngày nay, sau 30 năm từ lúc bắt đầu, số người Việt di tản được tiếp nhận và đang sinh sống tại Hoa kỳ cũng đã lên trên một triệu người, xấp xỉ bằng con số tôi mang ra để cầu cứu trong cuộc họp báo ngày 30 tháng 4, 1975.

Chú thích:

(1) Về lịch sử tượng "Người khổng lồ đảo Rhodes" "Nữ thần Tự do," độc giả có thể vào internet/google tìm đọc về Colossus of Rhodes Statue of liberty.

(2) Nessen, It sure looks different from the inside, trang 108

(3) Nessen, It sure looks different from the inside, trang 108

(4) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 544.

(5) Như trên

(6) U.S. Government, interagency task force, The President s Advisory Committee On Refugees, Back Ground Papers, May 19, 1975, trang 15.

(7) New York Times, 2 tháng 5, 1975

(8) New York Times, 2 tháng 5, 1975

(9) New York Times, 2 tháng 5, 1975

(10) New York Times, 2 tháng 5, 1975; TIME (Magazine), 21 tháng 4 1975; N.T. Hưng và J. Schecter, The Palace File, trang 355-356.

(11) 196th congress, Review of U.S. Rẹfùgee Resettlement Program and Policies, A Report, Congressional Research Service, Library of Congress, 1980, p. 29.

<< P4 - Chương 16 | Phần 5 -Chương 18 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 370

Return to top