Trước bài diễn văn của Tổng thống Ford ngày 10 tháng 4, 1975 tại Quốc hội, ông Thiệu đã có ý định là ngay chiều cùng ngày sẽ lên đài truyền hình nói chuyện với nhân dân và bình luận về những lời Ford phát biểu ủng hộ VNCH.
Thế nhưng ông không tìm được một điểm nào tích cực trong bài diễn văn của ông Ford. Tệ hơn nữa, Tổng thống Ford đã đòi Quốc hội phải làm một hành động nào đó về đề nghị viện trợ "không muộn hơn ngày 19 tháng 4". Trong buổi họp để phân tích bài này, ông Thiệu hỏi tại sao ông Ford lại tự trói mình vào một thời hạn chót như vậy? Quốc hội mà bác đi, là hết.
Ông bảo tôi theo dõi. Tôi hỏi ông Martin về lý do này, nhưng ông ta cũng chỉ nói lơ mơ rằng "ngày 19-4 chỉ là ngày đưa ra cho Quốc hội hành động, không có gì là quan trọng".
Buổi chiều ngày 11 tháng 4, 1975, một bức điện khác do Đại sứ Phượng ở Washington đánh về thông báo "phản ứng mau lẹ và tiêu cực" của cấp lãnh đạo Quốc hội đối với ngay cả thỉnh cầu viện trợ khẩn cấp 722 triệu. Hôm sau, tờ New York Times đăng tải lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ Jackson: "Yêu cầu ấy chết rồi. Không một ai trong phe mà tôi biết sẽ ủng hộ nó"(1).
Ông Thiệu đang lưỡng lự chưa biết phải nói gì với đồng bào bây giờ, thì Đại sứ Martin vẫn cố gắng nâng đỡ tinh thần, tình nguyện gợi ý những điều để ông đưa vào bài diễn văn trên đài truyền hình. Những điểm này có thể kể như sau:
Nhân dân Việt nam nồng nhiệt hoan nghênh những lời nói đầy cảm thông của Tổng thống Ford;
Kêu gọi quân lực Việt nam hãy tiếp tục chiến đấu bảo vệ xứ sở một cách anh dũng và can trường;
VNCH sẵn sàng thảo luận, và thi hành tức thì giải pháp chính trị mà Hiệp định Paris đòi hỏi;
Yêu cầu phía bên kia cùng ngồi xuống đàm phán để thực thi những điều khoản chính trị của Hiệp định Paris, v.v…".
Hết viện trợ, xoay xở đi vay
Đọc xong, ông Thiệu không để ý tới những gợi ý, mớm lời của ông Martin, và quyết định không đọc diễn văn trên đài truyền hình nữa. Ông lại càng băn khoăn về hạn chót mà Ford đưa ra. Thấy chẳng còn làm gì được nữa, ông quyết định khai thác một "kế hoạch đi vay".
Kế hoạch đi vay đã được nghiên cứu từ hè 1974. Vào lúc liên hệ giữa Sài gòn và Washinglon mỗi lúc một bi đát hơn, ông Thiệu có bàn với Đại sứ Martin về việc yêu cầu Quốc hội cấp một ngân khoản cuối cùng cho Miền Nam. Ông Martin hết sức đồng ý và bắt đầu vận động. Ngoài ra, ông Thiệu còn cho nghiên cứu thêm một giải pháp phòng hờ, một "Kế hoạch vay viện trợ" (USAID loan plan). Ông coi kế hoạch này như một ân huệ cuối cùng của Hoa kỳ đối với VNCH. Có lúc ông nói: "Bây giờ Việt nam đã thành một tình nhân già, sắp bị bỏ rơi rồi".
Mọi hy vọng xin thêm viện trợ đã tan biến, Tổng thống Thiệu muốn đưa ra một đề nghị yêu cầu vay để Quốc hội có thể cứu xét, và trong khi đó, sẽ hoãn biểu quyết cắt viện trợ vào ngày 19 tháng 4. Vào thời điểm này, Ngoại trưởng Bắc lại đang thương thuyết về khoản tiền của Vương Quốc Saudi Arabia đã hứa cho vay.
Theo kế hoạch này, VNCH sẽ đề nghị với Quốc hội Hoa kỳ cho vay một khoản liền, được bảo đảm bằng lợi tức dầu lửa sắp khai thác ở ngoài khơi. Nếu được áp dụng, kế hoạch sẽ có thể chống đỡ được phần nào luận điệu "Viện trợ thì như thùng không đáy". Về phía VNCH, ông Thiệu tin rằng vụ vay tiền lần chót sẽ bó buộc quân đội, Chính phủ lẫn nhân dân phải đối diện với thực trạng của một vận hội cuối cùng. Nó cũng sẽ giúp ích cho việc thiết kế quân sự, vì Bộ Tổng tham mưu có thể dựa vào những mức độ cũng như cơ cấu chắc chắn của viện trợ. Kế hoạch này sẽ giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi đáng sợ và những bất ổn ghê gớm, có khi hàng mấy tháng, hay cả năm trời của tiến trình từ đề nghị tới chấp thuận, rồi tới chuẩn chi, tới tháo khoán. Những cuộc thảo luận về viện trợ trong ngành Lập pháp Hoa kỳ qua bao nhiêu tiểu ban, thường quá lâu quá phức tạp, lại còn gây bất ổn về tinh thần.
Trong mấy tháng đầu 1975, ông Thiệu trắc nghiệm ý niệm vay mượn này với một số nhà Lập pháp Hoa kỳ qua thăm Sài gòn, thì thấy phản ứng có chiều thuận lợi. Nếu lập luận trên căn bản chỉ cần một khoản tiền khiêm nhượng để tiến tới tự túc, tự cường trong mấy năm thì có hy vọng hơn là tiếp tục xin viện trợ.
Một cơ hội chót
Nhiều lần ông Thiệu đã nói tới việc chuyển từ chiến tranh kiểu Mỹ sang "chiến tranh kiểu nhà nghèo". Phía Mỹ có vẻ thích cái ý kiến này.
Cuối tháng 2, 1975 Thượng nghị sĩ Sam Nunn (Dân chủ, Georgia), một nhân vật có nhiều uy tín và là thành viên của Uỷ ban Quân Vụ Thượng Viện, khi gặp ông Thiệu (tôi cùng tham dự) đã có phản ứng tích cực. Ông Nunn còn đưa ý kiến này ra trong một bài xã luận của tờ Washington Post, lập luận rằng Hoa kỳ cần phải giúp Miền Nam để có được một thời gian chuyển tiếp vì:
Thời gian chuyển tiếp hết sức cần thiết bởi lẽ ta đã khuyến khích miền Nam Việt nam tiến hành một cuộc chiến tranh kiểu Mỹ với trang bị tinh vi và tiếp liệu ồ ạt. Họ cần có thời gian để biến cải quân lực phòng thủ xứ sở theo kiểu của họ…"(2)
Trở về Washington để vận động viện trợ cho VNCH, Đại sứ Martin đã cố gắng đưa ra lập luận "cơ hội chót" để thu phục sự hỗ trợ của các giới cho kế hoạch của VNCH. Ông đã đề nghị ý kiến này với Tổng thống Ford, Kissinger và báo chí Mỹ. Trong một bữa ăn trưa với các chủ bút của tờ Washington Post, Martin đề cập đến việc "chiêu hàng" ý kiến này. Ý kiến được ủng hộ và bài xã luận phản ảnh lập trường của tờ báo quan trọng này kêu gọi "một quyết định vững chắc và cuối cùng giúp Sài gòn thêm ba năm nữa rồi hãy chấp nhận những kết quả, bất luận thế nào".
Hồi 1972 giữa lúc quân đội Hoa kỳ đang triệt thoái, hay 1973 sau Hiệp định Paris nếu như VNCH đã vận dụng giải pháp xin vay như trên thì khả năng thành công đã cao hơn. Đây lại là một sơ hở khác nữa.
Ngày mồng 5 tháng 3, 1975, ý niệm đi vay được bàn luận trong một phiên họp giữa ông Thiệu với dân biểu Steven Symms (Cộng hoà, Idaho) và Đại sứ Martin. Tôi cùng tham dự. Ông Symms là một trong số rất ít dân biểu còn để ý tới Miền Nam. Ông đã đáp ứng tích cực: "Nếu đào thấy dầu hoả, liệu Ngài có sẵn sàng trả lại, thí dụ như mười phần trăm số tiền chuẩn chi đó không?" Ông Symms hỏi. "Tiềm năng dầu hoả ngoài khơi Việt nam rất tốt; Hoa kỳ có thể lấy đó làm thế chân", ông Thiệu đáp.
Để chứng thực sự cam kết của mình, ông Thiệu hứa sẽ yêu cầu Quốc hội VNCH biểu quyết cam kết lấy dầu hoả khai thác được trong tương lai làm khoản thế chân cho tín dụng.
Hồi đó, giới chuyên viên của VNCH ước tính lợi tức tương lai từ dầu hoả ngoài khơi mang lại sẽ vào khoảng một tý đô la mỗi năm, căn cứ vào những kết luận kỹ thuật, tài chính và kinh tế của dự án "tiền khả thi" của các công ty khoan dầu (hiện nay Việt nam đang xuất cảng trên 3 tỷ đô la một năm).
Ông Vua hảo tâm
Sau bài diễn văn của Tổng thống Ford, ông Thiệu ra chỉ thị cho tân thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn thành lập một "nội cácchiến tranh" với tính chất đoàn kết dân tộc bao gồm các lãnh tụ đối lập, tôn giáo và lao động. Lúc đó, ông muốn trao nhiều quyền cho nội các này với những nhân vật mới. Ông Cẩn được bổ nhiệm thay thế Thủ tướng Khiêm ngày 5 tháng 4.
Ông Cẩn trước đó là chủ tịch Hạ Viện, là người miền Nam, trung thành với ông Thiệu, nổi danh là người thanh liêm, hiền lành. Ông Cẩn mời tôi ở lại làm việc trong Chính phủ mới.
Ngày 14 tháng 4, tân Thủ tướng trình diện nội các lên Tổng thống. Trong suốt buổi lễ, ông Thiệu tỏ ra căng thẳng, vẻ mặt xanh xao, dường như những biến cố vừa qua đã tiêu hao hết nghị lực của ông. Cộng sản đã tiến gần đến Phan Rang, nơi sinh trưởng của ông.
Thông thường, lễ trình diện nội các như vậy phải chấm dứt bằng một bữa tiệc do Tổng thống khoản đãi. Nhưng lần này, không khí nặng nề và ông Thiệu quay về văn phòng ngay sau buổi lễ. Ông có dặn tôi là vô gặp ông sau đó.
Vừa vào phòng, ông Thiệu đưa tôi xem một công điện đề ngày 14 tháng 4 do Ngoại trưởng Bắc gởi từ London về. Ông Bắc vừa ở Saudi Arabia đi London. Chuyến đi của ông có mục đích xin quốc vương Haled Crown, vừa kế vị vua Faisal, đồng ý cho VNCH vay tiền như phụ vương của ông đã hứa trước khi bị hạ sát (xem Chương 7):
London, Ngày 14 tháng 4, 1975
Công tác tôi đi Saudi Arabia đã được kết thúc thành công. Tôi được tiệp kiến Vua Haled Crown, Hoàng tử Rahed và Hoàng tử Abdullah (cũng là Thủ tướng đệ nhứt và đệ nhị Phó Thủ tướng. Tất cả, đặc biệt là vua Haled đã cho tôi những bảo đảm vững chắc việc tiếp tục yểm trợ và viện trợ kinh tế cho VNCH. Tôi đã thảo luận kỹ càng với Hoàng tử Rudal Faisal (Bộ trưởng ngoại giao), Hoàng tử Massoud (Thứ trướng Ngoại giao), và ông Amant (Tổng Trướng Dầu lửa, và Tài Chánh).
Về viện trợ sắp tới, tôi đã cung cấp cho Chính phủ Saudi một bản giác thư trình bày chi tiết về nhu cầu viện trợ và tình hình tại Miền Nam. Tôi hy vọng là quyết định về khoản tiền và phương thức của viện trợ sẽ được Chính phủ Saudi cứu xét sớm… "
Thật là một niềm yên ủi trong lúc gian truân. Tuy chưa thể thi hành được ngày một ngày hai, nhưng ít nhất cũng còn có người từ tâm "Samantan" muốn ra tay cứu vớt.
Đem cả vàng ra thế chấp
Ông Thiệu biết rằng việc thương thuyết mượn tiền của Saudi phải cần có thời gian ít ra cũng ba, bốn tháng. Bởi vậy, cần phải xúc tiến ngay kế hoạch "vay viện trợ" và dùng ngân khoản của Saudi làm tiền thế chân.
Trong công điện, ông Bắc đề nghị là cho ông sang Washington vài hôm để thẩm định tình hình. Nhân cơ hội này, ông Thiệu chỉ thị cho tôi: "Vậy anh nên đi ngay Washington để làm việc với ông Bắc". Ông phê vào công điện:
"Vậy là ông Bắc, ông Hưng và ông Phượng có thể sẽ là 1 trio (bộ ba) để lo vấn đề viện trợ tại Mỹ trong tuần lễ crucial (quyết định) này. Nếu vậy thì Thủ tướng cho ông Hưng đi, là cho cả ông Bắc qua Washington".
Ông bảo tôi thảo gấp một lá thư gởi cho Tổng thống Ford đề nghị vay 3 tỷ trong 3 năm, chia ra mỗi năm 1 tỷ. Ông hy vọng rằng, ngay trước mắt, đề nghị này có thể trì hoãn được việc Quốc hội bỏ phiếu "chống viện trợ" vào ngày 19 tháng 4 theo kế hoạch, nếu tại Washington tôi dò xét thấy có triển vọng về khoản vay thì sẽ đánh điện về ngay để ông Thiệu ký lá thư và trao cho Đại sứ Martin.
Về khoản thế chấp, nếu Quốc hội đồng ý cứu xét và bắt đầu bàn cãi, VNCH sẽ đưa ra làm bảo đảm, "thế chân" bằng những tài nguyên sau:
- Tiềm năng dầu lửa;
- Tiềm năng xuất cảng gạo;
- Khoản tiền của vua Haled hứa cho vay; và Số vàng dự trữ của Ngân hàng Quốc Gia.
Số vàng dự trữ lúc đó còn 16 tấn, trị giá khoảng 120 triệu (theo giá vàng lúc đó) (3). Đại sứ Martin đã sắp xếp giúp để chuyển ra ngoại quốc, vừa cho an toàn, vừa để làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn được. Sau này, ông Martin trình bày về dự trữ vàng với Quốc hội Hoa kỳ (ngày 27 tháng 1, 1976) như sau: "Những sắp xếp tạm thời để được thực hiện để chuyển số dự trữ vàng (của VNCH) sang Ngân hàng Bank of International Settlement (BIS) ở Basel Thuỵ sĩ đã có thể làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn dược bên Âu châu. Khi tin này lộ ra thì đã không còn cách nào chở vàng đi bằng hàng không thương mại được nữa. Bởi vậy có những sắp xếp (tiếp theo) để chuyển nó sang tài khoản (của VNCH) tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Federal Reserve Bank of New York). Chẳng may, đang khi có sự chậm trễ về phía Hoa kỳ trong việc tìm nguồn bảo hiểm cho việc chuyên chở số vàng trên, thì ông Thiệu đã ra đi. Ông Phó Thủ tướng và Tổng trưởng tài chính đã không xin được phép của tân Tổng thống kịp đưa số vàng này đi"(4).
Về tới văn phòng, tôi cùng Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng soạn lá thư theo như những điểm ông Thiệu dặn. Điều quan trọng là tránh không nói tới tình hình quá tuyệt vọng, và xác định VNCH vẫn còn ý chí chiến đấu. Ngân khoản cho vay sẽ có bảo đảm, và được coi như ân huệ cuối cùng của Hoa kỳ đối với Miền Nam:
Thưa Tổng thống,
"Những biến cố gần đây đã làm tình hình miền Nam Việt nam nghiêm trọng bội phần. Mặc dù chúng tôi đã rút về một phòng tuyên khả dĩ có thể phòng thủ cả về quân sự lẫn kinh tế, chúng tôi vẫn phải đương đầu với đối phương đang gia tăng quân số và võ khí tối tân. Trong khi Cộng sản đang tập trung ở ngay trước ngưỡng cửa của vùng châu thổ miền Nam, quân dân VNCH đã sẵn sàng và chuẩn bị mang toàn lực chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ và tự do.
"Muốn làm được như vậy, chúng tôi rất cần phương tiện để chiến đấu, nhất là vũ khí và đạn dược.
Vì vậy chúng tôi nhiệt liệt cám tạ nỗ lực của Ngài đang kêu gọi Quốc hội Hoa kỳ cấp thêm viện trợ quân sự cho VNCH. Tuy nhiên, viện trợ quân sự đã trở thành một vấn đề khó khăn của Chính phủ Hoa kỳ như công luận và có thể bị Quốc hội bác bỏ. Sự kiện này sẽ có ảnh hướng khốc hại đến tinh thần quân sĩ của chúng tôi trước trận chiến lịch sử. Chúng tôi không muốn việc này xảy ra.
Chúng tôi ghi ơn tất cả những hy sinh xương máu và vật chất của nhân dân Hoa kỳ trong quá khứ để bảo vệ miền Nam Việt nam tự do. Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với các nhà lập pháp khi họ phải đương đầu vấn đề những vấn đề chính trị và những mối quan hệ của họ trong khi cứu xét viện trợ quân sự cho VNCH. Trong trường hợp bất khả kháng, chúng tôi xin trình Ngài một giải pháp khác như sau đây.
"Tôi trân trọng thỉnh cầu Ngài kêu gọi Quốc hội cho VNCH vay dài hạn 3 tỷ đô la, chia làm ba năm, lãi suất do Quốc hội ấn định, và xin triển hạn 10 năm trước khi trả vốn và lời. Tài nguyên dầu hoả và canh nông của VNCH sẽ dùng làm tiền thế chân cho món nợ này. Món nợ giúp chúng tôi chống xâm lăng và cho chúng tôi cơ hội để tồn tại như một quốc gia tự do.
"Chúng tôi kêu gọi lương tri và lòng trắc ẩn của nhân dân Hoa kỳ hãy nghĩ đến một quốc gia Đồng minh trung thành trong hai mươi năm sóng gió vừa qua, một dân tộc đã chịu rất nhiều hy sinh thống khổ để dành một cõi sống tự do. Một dân tộc như vậy rất đáng được thiện cảm và giúp đỡ.
Trong giờ phút khẩn cấp này, tôi xin Ngài kêu gọi Quốc hội Hoa kỳ hãy cứu xét ngay lời yêu cầu của VNCH. Đây là một hành động cuối cùng của chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của Hoa kỳ với tư cách là một Đồng minh.
Trân trọng
(kt) Nguyễn Văn Thiệu
Sau khi tôi lên đường đi Washington, ông Thiệu mời Đại sứ Martin vào Dinh Độc Lập để nhờ ông yểm trợ cho công tác chuyến đi. Ông Martin thông cảm và đánh điện ngay cho Kissinger: "Tôi báo cáo để Ngoại trưởng biết rằng ông Thiệu đề nghị nếu việc xin thêm 722 triệu quân viện có thể bị Quốc hội bác bỏ, ta nên tìm cách hoãn ngày bỏ phiếu lại. Mặc dầu ông Thiệu không muốn nói ra nhưng rõ ràng rằng cả ông ta lẫn tất cả mọi người khác đều không biết rồi sự việc sẽ ra sao, (nếu Quốc hội bỏ phiếu chống)?"
Tôi được một số bạn đồng liêu ra phi trường tiễn biệt. Lúc đó là 1 giờ 30 trưa ngày thứ tư 15 tháng 4. Các bạn bè từ biệt tới dưới chân chiếc Boeing 747 của hãng Paris American. Tôi cảm thấy vô cùng bối rối, lòng buồn man mác. Tuy rằng "còn nước thì còn tát", nhưng nghĩ tới cái cảnh đất nước phải lệ thuộc, cái cảnh ăn nhờ ở đậu, tôi thấy nó chua xót làm sao?
Máy bay đáp xuống phi trường San Francisco sáng sớm ngày 16 tháng 4 (tôi 16 tháng 4, giờ Sài gòn). Trong khi đợi máy bay đi Washington, tôi mua một chiếc radio nhỏ để nghe tin tức. Sau 20 phút oang oang nhạc Elvis Presley và Linda Ronstadt, đến ngay bản tường trình về buổi họp của Tổng thống Ford với Hội các Nhà Báo Hoa kỳ. Hết sức hồi hộp, tôi lắng nghe: "Tôi nghĩ rằng Nga Xô đã giữ những cam kết của họ. Rất tiếc là ta đã không làm như vậy. Tôi không nghĩ ta có thể trách Nga Xô hay Trung Cộng về vụ này. Nếu chúng ta giữ những hứa hẹn của chúng ta đối với Đồng minh thì tôi nghĩ thảm hoạ này đã không xảy ra".
Thế là ông Ford vẫn phàn nàn đãi bôi cho xong chuyện.
Mấy hôm trước, Von Marbod có cho tôi hay là khi Tướng Weyand trao cho ông xem mấy bức mật thư, ông đã "rất cảm động" Nhưng bây giờ thì dù có cảm động, Ford cũng chỉ đánh võ miệng. Khi bị nhà báo vặn hỏi về tính chất của những cam kết của Hoa kỳ, ông Ford không ngần ngại trả lời thẳng thừng rằng đó chỉ là những "cam kết về tinh thần chứ không phải pháp lý". Thực là ông ta đã lập lại hệt những lời của Kissinger.
Sắp ra tranh cử chức Tổng thống, ông chỉ muốn cho mọi chuyện yên ổn, không có gì sóng gió.
Những thế hệ người Việt nam và Mỹ mai sau chắc sẽ còn phái thẩm định lại lập luận này của ông Kissinger. Đây là những cam kết tinh thần hay pháp lý? Và nếu không phải là pháp lý thì nó có giá trị nào khác ngoài ý nghĩa tinh thần hay không? Tuy Quốc hội có quyền "khuyến nghị là ưng thuận", vẫn chỉ có Tổng thống được quyền đại diện nước Mỹ về địa hạt ngoại giao. Nếu lời cam kết của Tổng thống không có giá trị gì thì làm sao các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới có thể tin tưởng được vào nền ngoại giao Hoa kỳ?
Trở lại bản tin tôi nghe tại phi trường San Francisco. Sau khi loan tin về cuộc họp báo của ông Ford, có tin về cuộc di tản. Bản tin cho hay Hoa kỳ chỉ có thể cứu được 50.000 người tỵ nạn Việt nam, trong khi chờ đợi Quốc hội cho nhập cảnh khoan hồng hơn. Mệt mỏi sau một chuyến bay dài, tôi bồi hồi lên máy bay về Washington. Nơi đây tôi đã sinh sống bao nhiêu năm khi còn giảng dạy tại Đại Học Trinity, Howard, và sau đó làm việc tại Quỹ Tiền Tệ Quốc tế. So sánh với Paris và New York, tôi thấy nó là một thành phố tương đối buồn, không có gì nhộn nhịp cho lắm. Vậy mà lúc này hình ảnh Washington đã trở nên huyền bí, và hãi hùng đối với tôi.
Và Quốc hội Hoa kỳ, lại là một nơi quen thuộc. Riêng đối với cá nhân tôi, Quốc hội đã có một hành động ưu ái trong quá khứ. Hai mươi năm trước đó, trong "Khoá họp Quốc hội thứ 89", Thượng Viện đã có cả một Dự Luật (A Bill) để tôi được quyền thường trú tại nước Mỹ: Dự luật số S. 1110, ngày 10 tháng 2, 1965. Thế nhưng bây giờ sao tôi lại e ngại về Quốc hội đến thế? Trên đường tới nơi, vừa trông thấy cái mái vòng cung khổng lồ trên đồi Capitol là tôi đã thấy chán chường! Các ông nghị ở đó đang phủi tay hoàn toàn đối với Miền Nam Việt nam.
Vừa tới Washington, tôi đã liên lạc ngay với một người mà tôi có nhiều sự quen biết trên Quốc hội lại vừa có lòng từ tâm. Đó là Mục sư Edward Elson, vị Tuyên uý tại Thượng Viện Hoa kỳ. Mỗi khi có vấn đề tinh thần nan giải, các nghị sĩ thường tìm lới ông để xin lời cố vấn. Tôi nhờ ông giúp đỡ bản tin với Quốc hội về việc VNCH muốn vay, thay vì xin cấp viện trợ, và đó là một yêu cầu cuối cùng của một Đồng minh. Điều cần ngay lúc đó là Quốc hội đừng biểu quyết “không“ vào ngày 19 tháng 4. Ông Elson hứa sẽ làm hết sức tìm mọi cách để giúp đỡ, nhưng ông cũng cho hay có thể là quá muộn
Trong khi chờ đợi câu trả lời để đánh điện về cho Tổng thống Thiệu, tôi gặp anh bạn Lê Văn để sắp xếp một cuộc phỏng vấn trên đài Tiếng Nói Hoa kỳ (VOA) về việc Chính phủ VNCH vẫn "còn nước còn tát" và đang có kế hoạch vay viện trợ.
Sáng ngày 18 tháng 4, vừa lúc sửa soạn phát thanh thì Lê Văn đưa cho tôi bản tin các hãng thông tấn đánh đi cho hay:
"Uỷ ban Quốc phòng Thượng Viện vừa bỏ phiếu chống việc tăng quân viện cho VNCH? Uỷ ban bang giao quốc tế cũng vừa chấp thuận dự luật cho quyền Tổng thống Ford sử dụng quân đội Hoa kỳ để di tản người Mỹ ra khỏi Việt nam".
Thế là xong.
Thật là dễ dàng cho phía hành pháp Hoa kỳ để họ có thể lập luận được rằng: chúng tôi chỉ chấp nhận bản án do Quốc hội đã đưa ra. Ngoại trưởng Kissinger tuyên bố:
"Cuộc bàn cãi về Việt nam nay đã chấm dứt. Ngành hành pháp Hoa kỳ đã chấp nhận bản án của Quốc hội, không hiềm thù, không biện minh và cũng không kháng cáo".
Ngắn gọn là như vậy.
Chú thích:
(1) The New York Times, 11-4-1975.
(2) The Washington Post, 9-3-1975.
(3) David Butler, The Fall of Saigon, trang 350.
(4) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 541.