Sau bao nhiêu thủ đoạn của Kissinger, vào lúc sắp hạ màn, lại thêm một chuyện khó hiểu: nhân dân Hoa kỳ không được nghe những lời cầu cứu của nhân dân Miền Nam, vì đã không có dấu vết gì là hai lá thư của Quốc hội VNCH cầu cứu Quốc hội Hoa kỳ đã tới nơi!
Và như vậy, chẳng những Quốc hội Hoa kỳ đã bị hoả mù hoàn toàn, không hay biết gì đến những cam kết của Tổng thống Nixon, Ford, họ lại không có cơ hội dù chỉ là để nghe lời cuối cùng do đại diện hai mươi triệu nhân dân Miền Nam cầu cứu.
Trong cuộc họp ngày 22 tháng 3 tại Dinh Độc Lập với Chủ tịch Thượng Viện, ông Trần Văn Lắm, và Chủ tịch Hạ Viện, ông Nguyễn Bá Cẩn, Ngoại trưởng Bắc và tôi, sau khi nghe Tổng thống Thiệu giải thích vấn gọn về tình hình và những việc phải làm, ông Lắm đề nghị là Quốc hội Việt nam phải lên tiếng cầu cứu nhân dân Hoa kỳ qua Quốc hội Mỹ. ông Thiệu rất đồng ý: "Nhân dân Hoa kỳ phải có cơ hội nghe mình nói sự thật. Vấn đề là dưới hình thức nào?"
Sau khi bàn bạc mọi khía cạnh, ông Lắm đi tới kết luận là Quốc hội VNCH nên viết ba tối hậu thư cầu cứu Mỹ: một cho Tổng thống Ford, một cho ông Nelson Rockefeller, Chủ tịch Thượng Viện (vì ông ta là Phó Tổng thống, nên theo hiến pháp, cũng là Chủ tịch Thượng Viện), và một cho ông Carl Albert, Chủ tịch Hạ Viện.
Là người bình thường rất điềm đạm, vui vẻ, ân cần, ít để lộ xúc cảm riêng tư, ông Lắm hôm ấy cũng hết sức xúc động. Ông vừa đi Washington cầu viện tại Quốc hội Mỹ về được vài tuần và đã báo cáo dứt khoát là không những sẽ không có khoản 300 triệu mà cả quân viện cũng có thể bị cắt.
Ông kể lại những gì ông đã được nghe vào lúc Hoà Đàm Paris sắp kết thúc. Vì ông là người sẽ phải ký vào Hiệp định cùng với Henry Kissinger, Kissinger đã cố thuyết phục ông. Trong lúc chỉ có hai người ngồi họp, một cách trịnh trọng ông
Kissinger đã lặp đi lặp lại với ông Lắm "những cam kết hết sức chặt chẽ". Ông phàn nàn: "Không thể tưởng tượng được! Làm sao một đại cường quốc như Hoa kỳ mà lại có thể xử sự như vậy?". Rồi bằng giọng xúc động, và nghiêm nghị, ông kể ra năm điều cam kết Kissinger đã nói riêng với ông, trước khi ông đại diện VNCH ký vào bản Hiệp định:
thứ nhất, Kissinger đã nói với tôi rằng mười lăm ngày sau khi ký kết thoả ước, Bắc Việt sẽ ngưng xâm nhập miền Nam từ ngả Lào, như vậy là chấm dứt được việc tăng cường lực lượng của chúng tại miền Nam. Vậy mà khoản này đã bị vi phạm trắng trợn, một cách có hệ thống;
thứ hai, ông ta đã bảo đảm rằng Nga Xô và Trung Cộng sẽ dùng ảnh hưởng của họ để bắt Bắc Việt phải tôn trọng Hiệp định;
thứ ba, ông ta thề sống, thề chết là nếu Hiệp định bị vi phạm, Hoa kỳ sẽ đáp ứng quyết liệt, với toàn lực chống Bắc Việt;
thứ tư, khi thảo luận riêng tư, Kissinger đã hứa Hoa kỳ sẽ thi hành việc thay thế quân cụ theo tiêu chuẩn một-đổi-một như Hiệp định cho phép. Cũng theo hứa hẹn đó, Kissinger nói Hoa kỳ sẽ cung ứng quân viện đầy đủ để VNCH tự vệ, sử dụng quyền tự quyết và;
thứ năm, Kissinger nhắc lại Tổng thống Nixon đã cam kết sẽ viện trợ kinh tế đầy đủ để tái thiết". Hiệp định Paris, như Kissinger đã thường nói với tôi và phái đoàn VNCH tại Paris, trong nhiều dịp, "Chỉ là một mảnh giấy; điều đáng kể là quyền lực của vị Tổng thống Hoa kỳ làm hậu thuẫn cho nó".
Thấy ông Lắm tiết lộ như vậy tôi thầm nghĩ lại sao ngay tại buổi họp giữa Ngoại trưởng Lắm và Cố vấn Kissinger, lại không có những bước tiếp theo? Thường là sau các buổi họp quan trọng, có tính cách thương thuyết thì bắt buộc phải có Bản Ghi Nhớ. Bản này ghi lại những điểm chính, hai bên cùng ký tắt vào để làm bằng chứng, lưu vào hồ sơ. Giá như Ngoại trưởng Lắm có được một Bản Ghi Nhớ (tháng 1, 1973) giữa ông và Kissinger như vậy thì trong những chuyến đi cầu viện tại Washington năm 1974 và 1975 (với tư cách là Chủ tịch Thượng Viện VNCH) ông đã có được những lý do chính đáng để tiến bộ.
Quốc hội VNCH cầu cứu Tổng thống Hoa kỳ
Giờ đây thì đã muộn, nhưng năm điểm cam kết Ngoại trưởng Lắm đưa ra đã được dùng làm nội dung chủ yếu của bức thư duy nhất trong lịch sử do Quốc hội VNCH gửi cho Tổng thống Hoa kỳ. Lời lẽ thống thiết, bức thư còn dựa trên căn bản tình nghĩa của một Đồng minh đã cùng chiến đấu với Hoa kỳ trong hai thập niên. Thêm vào đó, nó còn viện dẫn tính cách quốc tế của Hiệp định Paris: là đã được một Hội nghị quốc tế (tiếp theo Hiệp định) xác nhận giá trị của nó.
Về điểm này, suy nghĩ lại, tôi thấy hai ông Nixon-Kissinger rất khôn. Thay vì yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định Paris, và như vậy có tính cách ràng buộc đối với Mỹ, họ lại tổ chức một Hội nghị Quốc tế (có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới dự) để xác nhận "tính cách quốc tế" của nó. Như vậy là Hiệp định đã có giá trị với quốc tế, VNCH cứ an tâm.
Lá thư gửi Tổng thống Ford như sau:
Việt nam cộng hoà
Thượng Viện
Sài gòn, Ngày 24 tháng 3, 1975
Kính gửi
Tổng thống Gerald Ford
Toà Bạch Cung
Thưa Tổng thống:
Đại diện cho Lưỡng Viện Quốc hội nước Việt nam cộng hoà, chúng tôi mạnh bạo viết cho Ngài thay mặt hai mươi triệu nhân dân Miền Nam, kể cả trên một nửa triệu người di cư mới đây vì những tấn công của Bắc Việt.
Chúng tôi cũng đang viết cho Ngài với tư cách là một Đồng minh vì cuộc chiến này đã được khởi sự, kéo dài và nuôi dưỡng - không phải do Hoa kỳ hay Miền Nam VN- đã ràng buộc vận mệnh của hai nước chúng ta trong hai thập niên vừa qua.
"Chúng ta đã cùng nhau chấp nhận thử thách của cuộc chiến, nên giờ đây cũng chỉ là chuyện dĩ nhiên mà chúng ta cố gắng giải quyết vấn đề cùng với nhau. Cùng nhau chúng ta đã tới hoà đàm Paris, và cùng nhau chúng ta đã ký kết bản Hiệp định đình chiến vãn hồi hoà bình tại Việt nam…
"Hiệp định này đã được một Hội nghị quốc tế minh định rõ ràng những bảo đảm của tất cả các cường quốc về giá trị pháp lý của nó, bằng một Đạo luật quốc tế.
Vì tin tưởng vào đó mà chúng tôi, ngành Lập pháp của VNCH đã thúc đẩy Tổng thống chúng tôi ký kết Hiệp định Paris, giúp mang lại kết thúc danh dự cho việc can thiệp trực tiếp của quân đội Hoa kỳ vào Việt nam…
Vào thời điểm đó, chúng tôi đã được Hoa kỳ cam kết rằng… (đoạn này trong lá thư đã liệt kê năm điểm như ông Lắm đã trình bày ở trên)
"Bởi vậy, giờ đây với tính cách khẩn cấp… chúng tôi trân trọng yêu cầu Ngài thi hành bất cứ biện pháp nào cần thiết để:
1. Vãn hồi tình trạng ban đầu của Hiệp định Paris, đó là đẩy lui lực lượng Cộng sản trở lại những địa điểm của họ như vào ngày 27 tháng 1, 1973;
2. Cung cấp cho chúng tôi những phương tiện khẩn cấp để đẩy lui cuộc tấn công hiện nay.
"Để kết thúc, chúng tôi xin cảm ơn Ngài về những yểm trợ mạnh mẽ Ngài đã dành cho cuộc đấu tranh chung của chúng ta.
"Kính chúc Ngài luôn luôn thành công trong khi thi hành những trách nhiệm lớn lao của Ngài.
Trân trọng,
Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ Viện VNCH
Trần Văn Lắm, Chủ tịch Thượng Viện VNCH
Cầu cứu Quốc hội Hoa kỳ
Ngày hôm sau, cả hai Chủ tịch Thượng và Hạ Viện VNCH gửi thư cho lưỡng Viện Quốc hội Hoa kỳ. Lá thư được gửi qua ngả ngoại giao: từ Toà đại sứ Mỹ ở Sài gòn về Bộ Ngoại giao. Nội dung như sau:
Việt nam cộng hoà
Thượng Viện
Sài gòn, ngày 25 tháng 3, 1975
Kính gửi
Ngài Nelson Rockefeller
Chủ tịch Thượng Viện Hoa kỳ
Washington D.C.
Hai tháng trước đây, chúng tôi đã có dịp được đề cập tới Ngài về hậu quả trầm trọng của việc cắt quá nhiều quân viện trong cuộc chiến đâu với kẻ thù chung của cả hai quốc gia…
"Trong hai thập niên qua, Hoa kỳ đã thuyết phục nhân dân Miền Nam, bằng lời nói và bằng việc làm, để họ đứng lên đương đầu với Cộng sản. Vì tin tưởng vào Hoa kỳ, họ đã đặt cả mạng sống của họ và của gia đình họ vào sự chân thành về những hứa hẹn của Hoa kỳ. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa rằng Cộng sản sẽ không tha thứ cho nhân dân chúng tôi vì đã chọn lựa đứng về phe Thế giới tự do…
"Vì vậy trong giờ phút nguy nan này, chúng tôi thấy cần phải lên tiếng một lần nữa để khiếu nại tới Quốc hội và Chính phủ Hoa kỳ để xin tôn trọng những cam kết với một Đồng minh.
"Chúng tôi xin long trọng nhắc lại nơi đây những gì Hoa kỳ đã hứa hẹn với chúng tôi vào lúc ký Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1, 1973 để mang được trên năm trăm tù binh về Mỹ.
(liệt kê năm điểm như ông Lắm trình bày ở trên đây)
Trước sự tấn công trực tiếp vào nền tảng của Hiệp định Paris cũng như vào căn bản của những hứa hẹn (liên hệ), và vào những cam kết của bốn Tổng thống Hoa kỳ, chúng tôi long trọng cầu cứu mong Ngài và Chánh phủ Hoa kỳ có những hành động tức khắc và mạnh mẽ để phục hồi Hiệp định Paris như đã ký kết ngày 27 tháng 1, 1973, đó là:
1. Đẩy lui quân đội Bắc Việt trở lại vị trí của họ như lúc ký Hiệp định; và
2. Kịp thời tiếp liệu cho chúng tôi tất cả những phương tiện cần thiết để tái lập cán cân lực lượng, cũng như để chúng tôi tự bảo vệ…
Thưa Ngài Chủ tịch, chúng tôi sẽ rất biết ơn để yêu cầu Ngài thông báo nội dung của bức thư này cho các quý vị nghị sĩ tại Thượng Viện Hoa kỳ.
Trân trọng,
Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ Viện VNCH
Trần Văn Lắm, Chủ tịch Thượng Viện VNCH
Và thư thứ hai, cùng một nội dung, được gửi cho Chủ tịch Hạ Viện, ông Carl Albert.
Trước văn bản cuối cùng như trên, một bản thảo đã được chuyển sang để ông Thiệu thêm ý kiến. Ông phê vào bản thảo (bằng bút chì) mấy điểm phản ảnh những gì ông suy nghĩ. Ông phê bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh những ý như sau:
- hậu quả của thiếu quân viện và tăng cường của CS: cán cân lực lượng cho thấy về khả năng lưu động và hoả lực, chỉ còn 40%;
- phải tái phối trí trước viễn ảnh Quốc hội không viện trợ nữa;
- phải phối trí không phải là bại trận, vì không thiếu ý chí chiến đấu,
+ Quảng Đức (dấu + có nghĩa là "tích cực")".
Ta có thể giải thích mấy điểm này như sau:
Điểm thứ nhất và thứ ba: ông biện hộ cho thất bại trên chiến trường;
Điểm thứ nhất và thứ hai cho ta thấy động lực làm ông đi tới quyết định "tái phối trí" (rút Pleiku);
Điểm thứ tư: Ông muốn nói tới chiến thắng ở Quảng Đức. Chứng tỏ Miền Nam không thiếu ý chí chiến đấu.
Chờ đợi Washington phản ứng
Chính phủ và Quốc hội VNCH chờ đợi từng giây phút tin tức về những lời cầu cứu cuối cùng của cả Hành pháp lẫn Lập pháp.
Ngày mồng 2 tháng 4, sau khi Đà Nẵng đã thất thủ, Tổng trưởng quốc phòng James Schlesinger (lúc đó chưa được xem những thư mật tôi nhờ Von Marbod chuyển cho ông) trong một cuộc họp báo, vẫn còn nói "tương đối ít có đánh nhau lớn" tại Việt nam. Schlesinger đã muốn giảm thiểu tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng. Thực ra ông đã tin rằng sau khi mất Đà Nẵng thì chuyện đã xong rồi, và mối quan tâm lớn của Hoa kỳ chỉ còn là làm sao di tản an toàn số 6000 người. Trước khi Weyand đi Sài gòn, Schlesinger đã dặn dò: Fred, nên thận trọng. Đừng hứa hẹn quá nhiều. Đừng để mình bị vướng vào cái quan niệm rằng mình sẽ đảo ngược ngọn triều. Triều nước đang xuống gần hết rồi" (1).
Nói cách khác, Schlesinger và Morton Abramovitz, Phó Tổng trưởng quốc phòng đặc trách An ninh quốc tế đều tin rằng chiều hướng của cuộc chiến đã hoàn toàn bất lợi cho VNCH, và chẳng còn cách nào đảo ngược nó được nữa.
Ngày 5 tháng 4 thì đến lượt Kissinger. Mười ngày sau khi Tổng thống và Quốc hội VNCH cầu cứu, Kissinger họp báo về chuyện công tác của tướng Weyand. Ông hoàn toàn không nói gì tới bốn bức thư khẩn mà chỉ biện hộ cho việc cứu xét số tiền viện trợ quân sự 722 triệu do Weyand đề nghị. Thực ra, chỉ là một hành động chiến lược: Kissinger thừa biết Quốc hội sẽ khước từ khoản này, nhưng cứ đưa ra để còn đặt trách nhiệm cho Quốc hội về việc mất miền Nam.
Ngoài ra còn mục đích khác, mục đích phối lộ", đó là để trấn an Miền Nam, giúp cho việc rút ra cho an toàn (xem Chương 13) (2).
Ngày 6 tháng 4, trên chương trình truyền hình hàng tuần "Đối diện với Quốc dân" ("Face the Nation"), Schlesinger lại tuyên bố: "Thật rõ ràng là chữ đại tấn công là chữ có lẽ nên được để trong ngoặc kép. Những gì đã xảy ra chỉ là một sự suy sụp một phần nào của lực lượng Nam VN; vì thế đã rất ít có đánh nhau lớn kể từ trận đánh Ban Mê Thuộc, và chính trận nàycũng đã là một ngoại lệ".
Khi nghe vậy, tướng Homer Smith, Trưởng Phòng Tuỳ viên quốc phòng tại Sài gòn, bực mình đến độ ông đã đánh điện về Washington phủ nhận quan điểm của Schlesinger.
Smith nói: "Trái lại, hiện thời đang có đánh nhau lớn dọc theo vùng duyên hải và tại những khu vực chân đồi từ phía Nam Phú Bài cho tới Khánh Dương tại tỉnh Khánh Hoà". Ông liệt kê những mặt trận đang diễn ra lúc đó rồi kết luận: "Trân trọng đề nghị Tham mưu trưởng Liên quân cho ông Tổng trưởng học thuộc những sự kiện này để (ông ta) có thể trình bày cho dân chúng Mỹ biết một cách chính xác những gì đã xảy ra. Hiện nay quả đang có diễn tiến một cuộc "đại tấn công" (3).
Tổng trưởng quốc phòng giác ngộ
Ngày hôm sau, Von Marbod từ Palm Spring về Washington với tướng Weyand, đã tới ngay văn phòng Schlesinger để đưa cho Schlesinger xem mấy bức thư của Tổng thống Nixon.
Đọc xong, ông đã hết sức ngạc nhiên! Nhất là sau khi mới đây, không biết vì áp lực hay sao mà ông lại như cố tình giảm bớt cường độ khủng hoảng tại Miền Nam. Bất chợt, ông mới biết là chính ông Ford cũng đã bị hoả mù. Là Tổng trưởng quốc phòng của một Đại cường quốc, ông cảm thấy phần nào cũng có mặc cảm vì chính ông cũng đã bị bưng bít. Sau này ông đã bình luận: "Tôi tin rằng Tổng thống Ford đã bị lừa bịp về những lá thư này…" (4).
Dù là đã quá muộn, ông muốn Quốc hội Hoa kỳ phải biết việc này. Là viên chức cao cấp bên hành pháp, ông không thế trực tiếp thông báo cho Quốc hội. Vì vậy, ông đi qua ngả liên lạc cá nhân. Schlesinger khá thân cận với Thượng nghị sĩ Jackson và thường liên lạc với phụ tá của ông ta là Richard Perle.
Quốc hội và nhân dân Mỹ không hay biết?
Ngày 8 tháng Tư, tại Washington, Thượng nghị sĩ Henry Jackson (Dân chủ, Washington) công khai tố cáo đã có "những thoả ước mật" giữa Hoa kỳ và Việt nam. Jackson nói ông đã được nguồn tin đáng tin cậy cho biết rằng "những thoả ước ấy bây giờ được tiết lộ là chính ngay cả Tổng thống cũng chỉ mới được nghe nói về chúng mấy hôm gần đây thôi".
Đáp ứng lời tố cáo của Jackson, chính quyển Ford công khai phủ nhận là đã không hề có một mật ước nào hết. Toà Bạch Ốc bối rối, họp bàn cách đối phó. Phụ tá Báo chí Ron Nessen viết lại trong Hồi ký (1978):
Sau những cuộc bàn bạc rất lâu giữa các ông Ford, Kissinger, Scowcroft, Rumsfeld và tôi, tôi được phép xác nhận là Tổng thống Nixon và Tổng thống Thiệu có trao đổi thư tín riêng, nhưng phải nói là: những lời tuyên bố công khai hồi đó đã phản ảnh nội dung những liên lạc riêng tư ấy rồi". (5).
Henry Kissinger không chịu bình luận trực tiếp, nhưng cho phép một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nhắc cho báo chí biết về một lời tuyên bố trước kia của ông ta nói rằng Hoa kỳ "không có cam kết theo luật pháp" nào hết và những nghĩa vụ của Hoa kỳ chỉ là "cam kết tinh thần". Giới báo chí xôn xao về lời tố cáo của Jackson, nhưng không một ai đưa ra được việc trao đổi thư tín riêng với ông Thiệu.
Tuần báo TIME số ngày 21 tháng 4 còn làm ngay một nghiên cứu về "Ghi chép về những hứa hẹn đối với Sài gòn" (Records on Promises to Saigon") và cũng chẳng tìm được gì đúng như những lời tố cáo của Jackson. Bài này trích một cuộc họp báo của Kissinger sau Hiệp định Paris.
Hỏi: Có nghị định thư nào (protocols) đã được thoả thuận (với Miền Nam) không?
Kissinger: Không có sự thông cảm (understanding) bí mật nào hết.
Đúng là mánh khoé, quanh co: chỉ có "thư tín" thôi chứ đâu có sự "hiểu ngầm, thông cảm nào" (xem chương 2 về trường hợp Kissinger trả lời quanh co cho Bob Haldeman, Phụ tá Nixon).
Uỷ ban Ngoại giao Thượng Viện cũng yêu cầu Toà Bạch Ốc cho xem những thư tín Nixon - Thiệu, nhưng ông Ford phản đối. Ông viết cho Uỷ ban:
"Tôi đã duyệt lại hồ sơ liên lạc ngoại giao riêng tư. Vì lẽ chính sách và ý định chứa đựng trong các sự trao đổi này đã được công bố rồi, cho nên không có một điều bí mật nào phải dấu diếm Quốc hội hay dân chúng Mỹ cả" (6).
Trong hồ sơ của Hội đồng an ninh Quốc gia, theo Nessen, tìm thấy có bẩy lá thư Nixon viết cho ông Thiệu. Vậy thì những lá thư kia (riêng của ông Nixon, chưa kể thư ông Ford) đã chạy đi đâu? Sau này Nessen mới thú nhận: "Thực ra, những lời đảm bảo riêng tư của Nixon hứa với Thiệu đã đi xa hơn những lời tuyên bố yểm trợ (Việt nam) hồi ấy" (7).
Là người đã từng chống chiến tranh từ ngày còn là phóng viên hãng NBC tại Việt nam (ông lấy vợ Việt nam), bây giờ ở địa vị quyền hành, Nessen không muốn ông thầy mình vướng mắc thêm vào Việt nam nữa. Ngoài Kissinger, có lẽ ông là người được ông Ford tin dùng nhiều nhất. Để trả lời những câu hỏi về vấn đề Tổng thống Ford có cam kết gì với VNCH hay không, Nessen công nhận là ông Ford có viết thư riêng cho ông Thiệu, nhưng lại không chịu nhắc gì tới lá thư đề ngày 9 tháng 2, 1974, một ngày sau khi nhậm chức, trong đó, Tổng thống Ford đã tái xác nhận những lời cam kết giữa Hoa kỳ và VNCH (của Nixon trước kia), và hứa rằng nó sẽ được "hoàn toàn tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi".
Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi mười năm sau, ông Ford kể lại rằng hồi đó "tôi có biết qua loa về sự trao đổi thư từ giữa Nixon và Thiệu, nhưng tôi đã không được đọc hết" (8).
Sau đó, ông viết tặng tôi một cuốn "Hồi ký" của ông: "To Greg Hung, with warmest best wishes" (Tặng ông Hưng với những cầu chúc nồng nàn và tốt đẹp nhất; tên Công giáo của tôi là Gregory).
Một nghĩa cử trông cho đẹp
Lúc trở về Washington, Ford mới quyết định xem phải đối phó như thế nào với bản phúc trình của Weyand. Ông sắp ra trước Quốc hội để phúc trình về "tìnhtrạng thế giới". Đó là dịp ông dự định sẽ xin thêm 722 triệu đô la quân viện bổ túc cho VNCH như tướng Weyand đề nghị. Cả Kissinger lẫn Nessen đều khuyên ông Ford hãy tránh né đi, đừng xin thêm quân viện nữa. Nhưng có lẽ vì đã được đọc mấy lá thư của Tổng thống Nixon viết cho ông Thiệu, nên Tổng thống Ford không nghe lời cố vấn của hai ông này. Ông Ford ghi lại trong hồi ký:
"Henry Kissinger đã hối thúc tôi phải nói với dân chúng Mỹ rằng Quốc hội Mỹ phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình tan rã tại Đông Nam Á. Quả thế, Henry đã thảo một bài diễn văn thuộc loại "cháy nhà bình chân như vại" (go down with the flag flying) để cho tôi đọc. Trực giác bảo cho tôi đó không phải là đường lối đúng cho lúc này" (9).
Vì Ford đã tiết lộ ra như vậy, Kissinger bào chữa mới đây trong cuốn Chấm dứt chiến tranh VN (2003) rằng ông đã nói với ông Ford:
"Tim tôi đang rỏ máu khi phải nói điều này – nhưng có thể Ngài phải bỏ vấn đề Việt nam ra đàng sau lưng để đất nước không bị xâu xé thêm nữa…" Nhưng ông Ford không muốn nghe vì như ông nói: "Nó đi ngược bản chất của tôi"
Sau tất cả những hành động gian dối và tàn nhẫn đối với Việt nam chúng ta có thể tin được là tim ông Kissinger "đang rỏ máu" hay không?
Ngày 9 tháng 4, ngày trước khi ông Ford ra Quốc hội, Kissinger còn đem lời Ron Nessen (người mà Ford rất tin tưởng) ra để khuyên ông Ford: "Tổng thống phải lãnh đạo đưa nước Mỹ ra khỏi Việt nam chứ chớ có đưa vào nữa".
Buổi tối cùng ngày, một bức điện do Đại sứ Phượng đánh từ Washington nhận định rất bi quan về tình hình của khoản tiền mà Ford sắp đưa ra. Mọi người lo lắng đợi xem Ford nói thế nào với Quốc hội. Liệu ông có nói ra hết sự thật cho Quốc hội không? Liệu ông có công bố bức thư ông Thiệu, của Quốc hội VNCH nhân danh hai mươi triệu dân? Hoàn toàn không.
Mới đầu, Ford giải thích chính xác những hành động của Hoa Kỳ:
Vì luật pháp, ta tự ngăn cấm ta sử dụng khả năng bắt buộc phải tôn trọng Hiệp định (đình chiến), như vậy cho Bắc Việt cái đảm bảo là họ có thể vi phạm Hiệp định ấy mà không bị trừng phạt;
Kế đó, ta đã giảm viện trợ kinh tế và vũ khí cho miền Nam Việt nam;
"Sau hết, ta đã ra dấu hiệu cho biết càng ngày ta càng miễn cưỡng không muốn hỗ trợ dân tộc ấy nữa, trong lúc họ đang tranh đấu để tồn tại".
Bình luận như vậy rồi, ông đưa ra hai giải pháp lựa chọn:
"Hoặc là Hoa kỳ có thể không làm gì hết, hoặc: tôi có thể yêu cầu Quốc hội thẩm quyền để bắt phải tôn trọng Hiệp định Paris bằng cách sử dụng quân đội, xe tăng, máy bay, và trọng pháo của ta, để đẩy chiến tranh về phía bên địch".
Nói xong, ông đặt ra hai giải pháp khác "hạn hẹp hơn": hoặc giữ chặt lấy yêu cầu hồi tháng Giêng xin 300 triệu đô la bổ túc, hoặc tăng số yêu cầu viện trợ quân sự và nhân đạo khẩn cấp. Ông lập luận rằng: tăng viện sẽ có thể làm cho Miền Nam chặn đứng và đẩy lui được cuộc xâm lăng đang tràn tới, ổn định tình hình quân sự, đem lại cơ hội hoà giải chính trị qua đường lối thương thuyết giữa Bắc và Nam Việt, và, nếu như tình trạng tồi tệ nhất xảy ra, ít nhất cũng di tản được trong vòng trật tự kiều dân và một số những người Miền Nam bị nguy hiểm tới chỗ an toàn"(10).
Sau cùng ông yêu cầu Quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu.
Nhưng dù có xin thêm quân viện, đây có thể cũng chỉ là một hành động chiếu lệ, vì sau khi yêu cầu, ông Ford lại ấn định một hạn chót để cho Quốc hội phải quyết định. Hạn chót đó là ngày 10 tháng 4, 1975, tức là chỉ còn có 10 ngày. Người ta có cảm tưởng là ông Ford vừa đưa ra thỉnh cầu về quân viện, vừa mở đường cho Quốc hội từ chối. Ngoài ra ông còn nói tới di tản.
Thực vậy, công khai thì xin thêm viện trợ trước Quốc hội, nhưng trong hậu trường thì lại khác. Sau những bài diễn văn của Tổng thống, thường thường Toà Bạch Ốc có những thuyết trình" (briefing), giải thích riêng cho báo chí về lập trường của Tổng thống. Dịp này, không biết báo chí đã được hướng dẫn như thế nào mà tờ tuần báo TIME (số ngày 21/4) đã bình luận: "Những biện hộ công khai và những thuyết trình tuyriêng tư nhưng là chính thức, đã đặt ra những câu hỏi (làm cho chúng tôi) hoang mang: có phải thực sự ông Ford đã yêu cầu viện trợ nhưng chẳng mong gì Quốc hội sẽ chấp thuận, hoặc là ông cho rằng quân viện sẽ còn giúp được gì để ổn định tình hình quân sự tồi tệ ở Miền Nam? Nếu ông nghĩ như vậy (còn giúp được) thì có phải là những thuyết trình sau hậu trường của nhân viên ông đã đánh bại mục tiêu của ông rồi phải không? (11)
Tổng thống Ford đã đặt hoàn toàn trách nhiệm trên vai Quốc hội. Tờ TIME đặt câu hỏi: "Hay là ông Ford đã dựng Quốc hội lên như một bung xung để rồi đổ lỗi cho Quốc hội vì không cấp quân viện nên Miền Nam sụp đổ? (12).
Ben Scowcroft, Phụ tá Tổng thống Ford, đã có câu trả lời rõ ràng trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi mười năm sau:
“Thực ra, không một ai trong chúng tôi tin rằng sẽ xin Quốc hội được khoản tiền ấy (722 triệu đô la). Việc xin như vậy chỉ là cách làm cho chúng tôi trông có vẻ như vẫn còn thật lòng về tất cả những cố gắng này. Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi" (13).
Và Phillip Habib, Phụ tá Ngoại trưởng, đặc trách về Đông Nam Á -Thái Bình Dương cũng nói là hồi đó ông họp với các nghị sỹ Quốc hội để thúc giục họ chấp thuận chi viện "để rồi "nếu miền Nam có thất bại thì sẽ không phải vì lý do là ta đã không cung cấp cho họ quân viện" (14). Sau này, Tổng trưởng Schlesinger bình luận:
"Hồi đó, tôi vô cùng sửng sốt khi được xem những lá thư đó. Tôi đã thật sự bối rối, nhất là vì chính quyền hồi đó đang muốn tung ra chiến dịch tìm cách đổ lỗi cho Quốc hội về sự bại trận tại miền Nam Việt nam" (15).
Trong giờ phút nguy kịch như vậy, mà Tổng thống Ford chỉ bàn tới vấn đề Miền Nam trong khuôn khổ một bài diễn văn về "Tình trạng an ninh thế giới" rất dài bao gồm đủ mọi đề tài kể cả chuyện viếng thăm sắp tới của Hoàng đế Nhật Bản, đạo luật ngoại thương 1974, chính sách hoà hoãn với Nga Sô, đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược, vấn đề năng lượng, và những tài nguyên vùng đại dương. Trong điện văn do Đại sứ Phượng đánh về ngày 11 tháng 4 có viện dẫn lời Dân biểu Holt "tóm gọn là ông Ford đã không thành công trong việc thuyết phục cho Miền Nam"
Tệ hại hơn nữa: ông Ford tuy có đọc cho Quốc hội nghe một lá thư cầu cứu của quyền Tổng thống Kampuchia, nhưng tuyệt đối không đả động gì đến toàn bộ bốn văn thư cầu cứu của VNCH.
Dinh Độc Lập bối rối, rất lo ngại về việc im lặng này. Tới lúc đó thì mọi người đã tự tìm ra câu trả lời. Để cho bầu không khí bớt căng thẳng, tôi nói đùa chua chát với Chủ tịch Lắm: "Lần sau, cụ nên đích thân mang thư tới Quốc hội Mỹ thì có lẽ chắc ăn hơn". Ông Lắm không thay đổi nét mặt.
Như vậy là toàn bộ những văn kiện, cam kết trao đổi miệng, liên hệ tới sự sống còn của VNCH đã bị dấu nhẹm đi hết. Trước hết là 27 mật thư của Tổng thống Nixon gửi Tống thống Thiệu từ 1972 tới 1973; sau đó là: Những cam kết bằng miệng, do ông Kissinger thoả thuận với Ngoại trưởng Lắm lúc ký Hiệp định Paris hồi tháng 1, 1973;
Rồi 4 bức thư của ông Ford trấn an ông Thiệu, từ hè 1974 tới cuối tháng 3, 1975;
Tới bức thư cầu cứu của ông Thiệu gửi ông Ford ngày 25 tháng 3, 1975;
Thư Quốc hội VNCH gửi Tổng thống Hoa kỳ ngày 24 tháng 3, 1975; và
Hai thư Quốc hội VNCH gửi Thượng Viện và Hạ Viện Hoa kỳ ngày 25 tháng 3, 1975.
Dây là những văn kiện lịch sử quan trọng giữa VNCH và Hoa kỳ chứ đâu phải giữa những cá nhân Nguyễn Văn Thiệu với Richard Nixon; hay giữa Trần Văn Lắm với Nelson Rockefeller, và giữa Nguyễn Bá Cẩn với Carl Albert?
Trước khi sụp đổ, những lời cầu cứu sau cùng của đại diện dân cử Miền Nam cũng không được nhân dân Hoa kỳ nghe tới, ta có thể khẳng định chắc chắn được như vậy, vì nếu hai lá thư của ông Lắm và ông Cẩn đã được thông báo cho các Nghị sĩ, dân biểu, như phía VNCH yêu cầu, thì chắc chắn là các cơ quan truyền thông đã biết và đăng rầm rộ, bình luận sôi nổi. Ít nhất là lương tâm của Hoa kỳ cũng được đánh động phần nào.
Trong tất cả Hồi ký của các ông Ford và Kissinger, kể cả của ông Kissinger mới xuất bản năm 2003, cũng chỉ thấy in bức thư của ông Sirik Matak, cựu Thủ tướng Kampuchia gửi Đại sứ Dan (ngày 12 tháng 4, 1975). Ông Matak là người nghe lời khuyến dụ, đã đảo chính Cựu Hoàng Sihanouk năm 1970. Vào giờ Kampuchia bại trận, ông là người đã chấp nhận ở lại và từ chối đề nghị của Mỹ giúp di tản. Sau đây là lá thư ông Matak viết tay và bằng tiếng Pháp cho Đại sứ Dan: (16)
Thưa Ngài Đại sứ và bạn thân mến,
Riêng với cá nhân Ngài và đặc biệt với xứ sở yêu dấu của Ngài, không bao giờ, dù chỉ một giây lát, tôi đã dám tin rằng, các Ngài nỡ lòng nào cam tâm bỏ rơi một dân tộc đã chọn đứng về phía tự do. Các Ngài đã nhẫn tâm từ bỏ, không bảo vệ chúng tôi, trong khi chúng tôi đang trong tình thế thúc thủ chịu trận.
Các Ngài đang ra đi, tôi xin cầu chúc Ngài và đất nước Ngài sẽ tìm thấy hạnh phúc dưới bầu trời này. Nhưng, hãy ghi nhờ kỹ điều này, rằng nếu tôi có chết ở dây, trên mảnh đất này và tại quê hương yêu dấu của tôi, thì đó là chuyện bình thường, vì tất cả chúng ta đều được sinh ra thì rồi cũng phải chết.
"Tôi chỉ ân hận là đã phạm một sai lầm lớn khi đặt lòng ti tuyệt đối vào quý Ngài"
Sirik Matak
Chính sách bất công của Kissinger-Nixon đối với Kampuchia lại là chuyện khác và đã được tác giả William Shawcross bàn đến trong cuốn Sideshow - Kissinger, Nixon and the Destruction ofCambodia" (Simon and Schuster, 1979). Những hành động vô nhân, thiếu đạo đức mà ông đã hành xử đối với một số quốc gia khác thì mới đây đã được phanh phui trong cuốn "Xét xử Henry Kissinger" (The Trial of Henry Kissinger) do tác giả Christopher Hitchens xuất bản năm 2001.
Kissinger hoàn toàn phủ nhận
Tại một buổi điều trần trước Uỷ ban chuẩn chi Hạ Viện, được hỏi rằng khi ký kết Hiệp định Paris, những gì đã được cam kết với VNCH, Kissinger đã chối phắt đi: những cam kết với VNCH đều có trong văn bản công khai rằng nếu miền Nam cho phép chúng ta triệt thoái quân đội và do đó, có thể đưa cả tù binh Mỹ về, nếu họ chấp nhận những điều khoản của Hiệp định Paris, thì dưới những điều kiện đó (…) chính quyền Hoa kỳ sẽ yểm trợ, và chúng tôi tin rằng Quốc hội cũng sẽ đồng ý một mức độ viện trợ kinh tế đầy đủ" (17).
Kissinger nói rằng Hoa kỳ chỉ hứa một mức viện trợ kinh tế đầy đủ mà thôi. Và về sự kiện ông lập luận rằng "những camkết với VNCH đều có trong văn bản công khai", bạn đọc có thể tự mình so sánh nó với một số văn kiện đã được trích dẫn trong cuốn sách này.
Chuyện lạ là vào giờ chót của VNCH, những văn kiện đó phải đi qua tay người này tới người kia rồi mới tới tay lãnh đạo tối cao của Hành pháp. Sau đó mới được rỉ tai sang cho ngành Lập pháp hay biết. Tổng trưởng Schlesinger rất bất mãn khi biết rằng tôi đã phải nhờ cậy một người bạn là Von Marbod để chuyển mấy bức thư của Tổng thống Nixon qua tướng Weyand, rồi mới tới tay ông; và Weyand cũng đã phải dùng mưu mô để đưa được thư cho Tổng thống Ford đọc. Schlesinger bình luận liếp:
"... dĩ nhiên là, như có Chúa làm chứng, Quốc hội cũng đã có trách nhiệm về việc này. Nhưng có điều chắc chắn là những luận điệu đâm sau lưng như vậy thì không có ích lợi gì cho quốc gia, nhất là khi mấy lá thư đó đang được chuyền tay… Chứng thư này ít nhất đã chứng tỏ rằng Quốc hội đã không được thông báo đầy đủ về bản chất những lời cam kết của Hoa Kỳ sau khi quân đội (Mỹ) đã rút khỏi Miền Nam Việt nam.
Quốc hội không hề hay biết chút gì về mấy lá thư khi họ bắt đầu chạy làng khỏi Việt nam vào mùa hè 1973" (18).
("I found them quite shocking at the time. I was really disturbed by them, because the admimstration wals in a period of launching an attempt to blame the defeat in South Vietnam on the Congress, which Lord knows. had its responsibilities. But it s sure as hell wasn t going to help the country if we had a great stab-in-the-back argument, particularly given the fact that the letters were floating around, which showed that, to say the least, the Congress had noi been fully informed with regard to the nature of our com mitments after the departure of our forces from South Vietnam. Congress knew nothing of these letters, when it started bugging out of Vietnam in the summer of 1973")
Ngày tôi ra sách, cuốn "Palace File" (Hồ sơ mật Dinh Độc Lập), ông Schlesinger đã có mặt. Đứng bên một người bạn tôi là anh Chu Xuân Viên, cựu tuỳ viên Lục quân VNCH, Washington. Ông còn phàn nàn: "Giá như tôi có những tài liệu này năm 1973 thì chắc tình hình viện trợ đã khác rồi".
Về tình hình viện trợ và cán cân lực lượng sau 1973, chính tướng Murray, Chỉ Huy Trưởng Phòng Tuỳ Viên Quân Sự Mỹ (DAO) đã nhận xét: sau khi rút hết lục quân, rút hết yểm trợ của không lực và hải pháo đi, Mỹ lại chỉ bắt đầu yểm trợ Miền Nam tương đương bằng 2% tổng số tiền đã dùng cho quân đội Mỹ. Đang khi đó, 189 tiểu đoàn của VNCH phải đương đầu với 330 tiểu đoàn (110 trung đoàn) của Bắc Việt. Ông kết luận: "Ta nên nhớ Napoleon đã từng nói: "Thượng Đế đứng về phe nào có các tiểu đoàn lớn nhất, mạnh nhất". Và đúng như vậy, vào thời điểm đó, Thượng Đế đã đứng về phe cộng sản; quân họ đông hơn, mạnh hơn. Và đó là lý do tại sao thua trận" (19).
Còn về phần Kissinger, sau khi mọi việc đã kết thúc, vào đầu năm 1980, ông viết cho Tổng thống Thiệu một thư riêng có đoạn sau (xem Phụ Lục D). Thư này được gửi khi tạp chí Der Spiegel (ở bên Đức) đăng tải một cuộc phỏng vấn với ông Thiệu, đặc biệt là về những nhận xét của Kissinger về Việt nam trong cuốn hồi ký "White House Years" (Những năm ở Bạch Cung):
Thưa Tổng thống,
"Tôi vừa mới được đọc bài phỏng vấn Ngài dành cho tờ Der Spiegel. Tôi có thể hiểu được sự cay đắng của Ngài, và quả thực còn thông cảm được với sự cay đắng ấy…
"Cuốn sách của tôi đã không ngớt ca ngợi sự can đảm, tư cách đứng đắn, và công nhận rằng, trong thực chất, Ngài đã đúng…
"Tôi vẫn còn tin rằng cán cân lực lượng được phản ảnh trong Hiệp định Paris vẫn có thể duy trì được, nếu như vụ Watergate đã không tiêu diệt đi cái khả năng của chúng tôi nhằm giành được (sự chấp thuận) của Quốc hội viện trợ đầy đủ cho Miền Nam Việt nam trong năm 1973 và 1974.
Giá như năm 1972 chúng tôi đã biết được những gì sẽ xảy ra cho Hoa kỳ thì chúng tôi đã không tiến hành như chúng tôi đã làm…
"Tôi đồng ý với Ngài rằng những điều khoản của (Hiệp định) ngưng chiến đã là khắc nghiệt…
Nếu thư Tổng thống Nixon và tôi có ý định phản bội Ngài thì chúng tôi đã có thể làm điều đó vào năm 1969…
Tôi không trông đợi sẽ thuyết phục được Ngài. Ít nhất tôi có thể cố gắng xin Ngài tin tưởng ở lòng hối hận và kinh trọng vẫn còn của tôi".
"Với những lời chúc tốt đẹp nhất.
(ký) Henry Kissinger
Độc giả đọc chương 13 (đoạn cuối) xem Kissinger đã "ca ngợi" ông Thiệu và đặc tính của con người Việt nam như thế nào trong cuốn sách ông viết.
Chú thích:
(1) Phỏng vấn Morlon Abromavitz, 26-1-1986.
(2) Xem ghi chú 12, 13 và 14 của chương này.
(3) William E. Legro, Vietnam from cease-fire to capitulation, trang 172.
(4) Phỏng vấn Tổng trưởng Schlesinger, ngày 27-1 1-1985.
(5) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, 106.
(6) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, 106
(7) Ron Nessen, It sure looks different from the inside, 106
(8) Phỏng vấn Gerald Ford, 10-2-1986.
(9) Gerald Ford, A time to heal, trang 253-254.
(10) New York Times, 11-4-1975, trang 10.
(11) Tạp chí TIME, ngày 21 tháng 4, 1975, trang 6-8.
(12) Tạp chí TIME, ngày 21 tháng 4, 1975, trang 6-8.
(13) Phỏng vấn Brent Scowcroft 5-3-1986. Xem N.T. Hưng and J. Schecter. The Palace File, p. 309.
(14) Phỏng vấn Philip C. Habib, 30-12-1985.
(15) Phỏng vấn Tổng trưởng Schlesinger, 27-11-1985.
(16) Henry Kissinger, Ending the Vietnam war, trang 529-530.
(17) N.T. Hưng and J. Schecter, The Palace File, trang 337-338.
(18) N.T. Hưng and J. Schecter, The Palace File, trang 307-308.
(19) N.T. Hưng and J. Schecter, The Palace File, trang 358.