Con nhà sẩm
Trọng Huân
Giáp căn hộ nhà tôi là nhà ấy - vợ làm báo, chồng PTS, nay gọi tiến sỹ. Ngay buổi đầu họ mới dọn tới, nhìn anh chồng tôi đã ngờ ngợ. Lục mãi trí nhớ, vẫn không ra. Anh chàng trán dô, tai chuột. Dù cố ra cái vẻ khinh khỉnh, khuồn mặt vẫn không dấu được cái nét tồi tội, hạ mình. Anh chồng kém tôi độ dăm, ba tuổi, cô vợ còn ít hơn. Lạ là vợ chồng họ muộn tuổi, mà vẫn chân son, chẳng thấy mống con nào. Nhà họ chuyển đến tuần trước, tuần sau gia đình tôi bị cái vạ, nghe nhà ấy cãi, chửi nhau. Và từ đấy... cứ đều đặn, tháng dăm ba bận, nhà tôi phải cái vạ, nghe họ chửi nhau. Không phải tò mò chuyện gia đình nhà người, nhưng khốn nỗi, căn hộ áp tường, hai nhà lại chung hành lang, có đóng chặt cửa, bên này động nhẹ, bên kia vẫn nghe rõ mồn một.
Họ cãi nhau vì hai lý do: cô vợ ghen, còn anh chồng luôn nghi vợ chi tiêu hoang tàng và lợi dụng chấm mút khoản đóng góp chung. Nhà ấy, vợ chồng đều kiếm được, kiếm ngang nhau. Cứ mỗi lần cãi cọ, họ phô ra, thì hàng xóm biết: Anh chồng kiếm bằng khoản cấu véo từ kinh phí đề tài nghiên cứu, từ quà cáp phong bì từ nghiên cứu sinh, cao học sinh cho đến sinh viên - kính biếu thầy hướng dẫn. Còn cô vợ, kiếm bằng khoản cơ sở bo cho những bài báo - bo thẳng bằng tiền, hay bo qua quảng cáo. Cứ như giọng anh chồng gọi, thì tiền ấy cơ sở bo cho công thổi kèn, khóc mướn: “Báo chí gì. Rặt cái thứ ...” Anh ta cười sằng sặc khi vô tình nhìn thấy bài báo có bút danh của vợ: “Khởi sắc trong thế đi lên” “Một giám đốc năng động ” “ Nhà doanh nghiệp nặng lòng với công tác từ thiện”... Mỗi lần như vậy, anh chồng đọc oang oang lên. Nghe giọng ngân nga, lên bổng xuống trầm, mà toàn nhấn vào những từ, những chữ không cần phải nhấn, với cái chất giọng mỉa mai, biết ngay là anh ta chả thưởng thức các thông tin giật gân, hay sốt dẻo trong bài báo của vợ. Trong khi đọc, thỉnh thoảng anh ta lại tưng tửng: “Thiếu cái dấu chấm”, hay “Cụt cái vị ngữ”, hoặc là “Thừa cái...”. Và thường sau khi đọc, anh ta thản nhiên tuyên bố, tuyên bố thẳng vào mặt cô vợ nhà báo:
- Nếu là Tổng biên tập, tôi ấy à, cấm. Phí tiền, tốn giấy, mất thời gian đọc dạng bài vô bồ này . Thổi kèn, khóc mướn...
Cô vợ chả kém, đáp lại:
- Thổi kèn, khóc mướn! Còn hay hơn chán vạn sẩm nhị cò cưa (!)
- Câm ngay!
Không rõ tại sao, cô vợ mới nhấm nhẳng đối có thế thôi, anh chồng đã gầm lên. Thường là sau đó, vợ chồng ấy chấm dứt cuộc tranh luận chuyên môn, chuyển sang tiết mục tính tiền.
Tự biết, đàn ông, mà đàn ông trí thức hẳn hoi, ai lại đi quản tiền, thiên hạ trông vào, nom chả tiện chút nào, nên những khoản chi tiêu lặt vặt, như đi chợ mua đồ ăn, thức uống, sắm chiếc phất trần, thùng đựng rác,... anh chồng giao quyền cho cô vợ, anh ta chỉ tối tối kiểm tra, đối chứng, rồi ghi lại, để cuối tháng, vợ chồng chia nhau cho minh bạch. Vào tầm cơm tối xong, bên nhà tôi hôm nào cũng nghe vợ chồng họ bô bô công khai tài chính: khoản rau mua hết bao nhiêu, thịt cá chi tiêu như thế nào, nước mắm, mì chính,... nghĩa là chi tiết, cụ thể, công khai. Có hôm nghe cô vợ kê vừa mua gói mì chính, anh chồng tra ngay: “Làm gì hết nhanh thế. Mới thấy còn nửa gói...” “Thì xuống bếp mà nhòm. Còn nửa gói hay đầy cả gói đấy!”. Lắm hôm nghe sốt ruột, tôi không con tâm trí đâu tập trung xem nổi chương trình thời sự trên ti vi.
Một lần có khách của cô vợ nhà báo đến chơi, khách đến vì cô vợ vừa có công “ca ngợi” cơ sở, giúp họ một bàn thua trông thấy. Tất nhiên khách không đến chơi suông, mà có quà và phong bì kính biếu. Tiễn khách xuống cầu thang, khi quay lại, cô vợ lục ngay túi quà và quắc mắt hỏi chồng: “ Sao cái phong bì trống không thế này?”. Anh chồng thản nhiên trả lời: “ Tôi biết làm sao được phong bì của họ có những cái gì”.
- Chẳng lẽ họ mang phong bì không đi biếu - cô ta lạc cả giọng...
- Rút ruột. Chắc mấy thằng nhân viên rút ruột. Tôi còn lạ gì trò này.
- Người ta, ai lại làm cái trò khỉ ấy.
Nói rồi cô ta sán lại, thọc ngay tay vào túi quần của chồng, lôi tuột ra đám giấy bạc mới cứng. Anh chồng trơ tráo cười “Đùa một tý ấy mà”. “Đùa” - cô vợ bĩu môi.
Không biết trong thời gian tìm hiểu yêu đương, cô nhà báo kia có rõ tình yêu của anh chàng PTS dành cho mình, nó có sâu nặng bằng sự quan tâm đến đám tài sản nhà đằng vợ tương lai hay không, chứ bây giờ, ông bố vợ còn sống lù lù ra đấy, rể ta cứ hồn nhiên tuyên bố với hai cậu em vợ và thẳng vào mặt ông nhạc:
- Ngôi nhà và đất, nếu bây giờ chia, dứt khoát phải phân bốn. Như giá thị trường nhà đất Hà Nội hiện nay, 200 cây, vị chi mỗi người 50 cây. Sau này cậu mất (tức ông nhạc), phần của cậu lại chia ba. Gái cũng như giai, không được hơn kém, dù là một cây. Thế mới công bằng chứ! Bây giờ, thời buổi bình đẳng, con nào chẳng là con.
Mấy sáng liền tôi mang tài liệu về làm việc ở nhà, vô tình thấy, sáng nào một cô sinh viên váy áo cũn cỡn thập thò đến nhờ thầy hướng dẫn luận văn. Hôm đó trò đến được một lúc. Mới đầu tôi còn nghe tiếng ông thầy giảng giải, phân tích, nào là mỹ học, nào là chân thiện mỹ, cặp phạm trù phạm chiếc gì đó. Rồi bên đó yên lặng. Thoảng hoặc nghe tiếng kình... kịch. Chợt cái cửa rầm rầm mở - đấy là cách thức mở cửa hành lang của cô vợ, kèm theo tiếng nện giày cao gót công cốc. Sao hôm đó cô nhà báo lại về lưng chừng buổi. Được một tý thì nghe tiếng cô học trò ấp úng: “ Xin phép thầy, Xin phép cô” và tiếng cô vợ mát mẻ đáp lại “Không dám”.
Buổi tối hôm đó họ kê khai chi tiêu sớm hơn mọi ngày. Sau tiết mục tính toán các khoản, được một lúc, bên ấy ầm ỹ. Thôi rồi, tôi lại mất buổi xem chương trình thời sự. Không như mọi bữa, thường anh chồng khai mào, lần này cô vợ khởi sự trước. Lý do vì chuyện cô sinh viên buổi sáng. Tiếng cô nhà báo the thé:
- Thứ gì đây. Uí giời ơi! Hướng dẫn thế này đây! Còn chối được không! Gái này sáng nay lơ đi không thèm nói. Cái của bẩn tưởi này, chắc thầy hướng dẫn trò phòng chống ết! Thằng dê cụ!
Cô ta vưỡn gọi chồng bằng cụm từ thằng dê cụ.
- Câm!
Sau tiếng quát của anh chồng tiến sỹ là tiếng bốp rõ to, nối tiếp là những lời tru tréo của cô vợ. Chát, bốp... Chắc bữa nay có đập phá to. Bình thường thì anh chồng rất hà tiện, nhưng khi cãi cọ nhau, anh ta lại đâm ra hào phóng, có bữa anh ta đập cả cái gương treo tường to tướng và vị tiến sỹ này hay dùng tay chân, chứ không đem vốn học vấn ra giáo dục vợ. Bốp, bốp... nghe còn to hơn loạt bốp chát trước. Chắc anh chồng phải thẳng tay giáng vào mặt vợ. Tiếng cô vợ rống lên, to cũng không kém. Cũng chả đau đến thế đâu, nhưng đàn bà uất ghen, hét to phải biết. Còn từ ngữ, thì vẫn như mọi bận, thôi rồi... nhơ nhớp quá!
- Mày tưởng thứ mày danh giá lắm à? Thằng bần tiện kia! Tông giống gì! Cái thứ con nhà sẩm trôi sông, chết đò. May mà quạ chưa tha, cá chưa rỉa, còn xác chôn ở cái bến đò…. Tranh.
Ô kìa, cô vợ nói gì thế nhỉ? Tôi có nghe nhầm chăng? Lâu nay nom cái mặt anh chồng, thấy quen quen. Hoá ra anh chàng là một trong những đứa con nhà sẩm ngày ấy.
Bến đò ấy ở quê tôi. Đò đưa khách từ Ninh Giang sang Vĩnh Bảo, một vùng đất trồng thuốc lào nổi tiếng của tỉnh Hải Phòng. Khách đò không đông, đa phần là người đi chợ và ít khách qua đường. Thường thì nửa tiếng, hay cả tiếng, mới có một chuyến sang ngang. Thế mà bến đò vẫn có một gia đình nhà sẩm kiếm ăn.
Không rõ quê quán họ ở đâu. Cặp vợ chồng này thật khéo chọn: Ông chồng mù hẳn, mù không nhìn thấy gì. Chẳng cần phải như bao tay sẩm khác, đeo kính đen sì che mắt giả mù, mà ông ta cứ dương dương tròng mắt trắng, kéo đầy hai hố mắt, kéo nhị và hát.
Còn cô vợ thì mù dở, như các cụ gọi - thong manh. Họ không ngụ suốt năm ở cái bến đò này, mà mỗi năm chỉ thấy độ lại dăm ba tháng, rồi bồng bế nhau dời đi bến khác. Nửa, hoặc cả năm sau, mới thấy gia đình sẩm quay lại. Khi trở lại, nhà sẩm chẳng có gì khác, vẫn hát những bài cũ rích, vẫn cái nhị cò cưa kéo cưa, khi hát, ông chồng ngương ngướng cặp mắt trắng nhởn, gân cái cổ gầy nhẵng lấy hơi,… hát. Có khác chăng là vợ chồng sầm gầy yếu, tiều tuỵ hơn và thường đàn con tăng thêm một đứa, hay cái bụng cô vợ lùm lùm ra.
Năm ấy họ đến. Lần này những bốn đứa, đứa này nhỉnh hơn đứa kia chỏm tóc. Lạ cái, con cái nhà sẩm mà đứa nào, đứa nấy, béo nung núc. Thành nếp, nhà sẩm đến, họ ngự luôn mái hiên cái nhà đợi của bến đò. Nó thành nơi che mưa, che nắng, thành nhà của gia đình sẩm.
Ban ngày thì chồng xuống đò hát. Thằng con lớn độ năm, sáu tuổi, xách cái nón trơ vành, theo bố xuống thuyền. Đợi khi bố hát xong vài bài, đò sang được hai phần ba sông, thằng bé ngửa nón, riễu một lượt trước mặt khách. Người vợ trên bờ khá bận rộn, không chỉ đánh vật với mấy đứa nhỏ, mà còn khối việc: kiếm củi, hái đám rau hoang và lúi húi đỏ bếp cả ngày.
Buổi tối cũng như bao gia đình khác, sau bữa cơm, nhà sẩm quây quần dưới mái hiên cái nhà đợi. Họ cũng nói chuyện, cũng cười đùa. Ông chồng mù rất quan tâm đến thời tiết, cứ luôn mồm hỏi vợ, giăng sao, trời đất ra sao...
Bọn trẻ con xóm tôi thường hay tụ tập ở bến đò. Cái nhà đợi là điểm chơi ồn ào nhất. Chúng sà quanh gia đình sẩm. Có đứa còn trà trộn, lấp vào cái gìa đình đông đúc ấy trong trò chơi trốn tìm. Hôm đó trăng rất sáng, lại đúng tối thứ bảy, bọn trẻ được nghỉ học, ra bến đò chơi rất đông. Nhà sẩm không ngủ sớm như mọi tối. Ông chồng chắc có điều gì phởn chí, hát cả ngày mỏi mồm, mà vẫn đem nhị ra cò cưa. Cũng như mọi hôm, chốc chốc ông ta lại hỏi vợ, chuyện giăng sao, trời đất ra sao.
Không ai để ý, có một người đàn ông lạ lân la gần gia đình sẩm từ lúc nào. Anh ta không phải người trong xóm, cũng không phải khách qua đường, nhỡ đò ngủ lại. Nhìn vóc dáng và cách ăn mặc, có thể là dân thuyền bè, hay đội cát dưới bến. Loanh quanh, cuối cùng anh ta đã ngồi vào cái chiếu của nhà sẩm.
Lũ trẻ con ồn ã chơi xung quanh. Người đàn ông bắt chuyện được với cô vợ sẩm. Ông chồng mù hình như cũng biết. Không rõ câu chuyện của người đàn ông kia và cô vợ sẩm thong manh nói với nhau những gì, cứ rấm ra rấm rứ. Lâu lâu thấy người này hỏi, người kia rấm rớ trả lời. Chồng sẩm thỉnh thoảng còn góp chuyện: “Hử? Cái gì? Hả...”. Rồi cô vợ phản ứng, nhấm nhẳng như là gắt gỏng với người lạ. Ông chồng mù ngướng cái mặt về phía vợ, hỏi: “Hử, cái gì? Hả...” Bất ngờ, đáp lại câu hỏi của chồng sẩm là giọng một đứa trẻ con trong xóm:
- Đồng một mục. Người ta bảo đồng một mục.
- Hử? Cái gì? Hả...
- Người ta hỏi, đồng một mục, vợ ông có đồng ý không?
Sau tiếng đáp của đứa trẻ kia là đồng thanh tiếng cười cợt, rú rít của lũ trẻ: “Đồng một mục, ưng ý không?”. Chợt hiểu ra, chồng sẩm hét lên. Người mù, lại làm nghề sẩm, lúc tức giận hét to lắm. To đến mức xung quanh đang ồn ào, vẫn mồn một nghe rõ tiếng sẩm chồng. Sau tiếng hét, sẩm chồng quơ cái gây, hướng về phía vợ và người đàn ông lạ mà khua, mà đập. Cô vợ bất ngờ bị ăn quật, rống lên. Tiếp đó là đàn con sẩm vô phúc bị đòn lây, đồng thanh kêu khóc rầm rĩ. Người đàn ông lạ lủi nhanh từ lúc nào rồi, không ai rõ.
Mãi tới khuya, dân xóm bến đò còn nghe tiếng người đàn ông mù chửi vợ - cái giống đĩ thoã. Còn người vợ oan ức, lượn quanh, đề phòng cây gậy của chồng và rấm rức khóc.
Sáng sớm hôm sau, ngồi đợi chuyến đò sớm, mấy bà chạy chợ, thấy nhà sẩm quầy quần bên bếp lửa, ăn cơm. Nhìn cô vợ gắp gắp rau cho chồng, ông chồng mù huơ huơ cái bát ra đón, khách đi chợ ai đó chõ vào: “Vợ chồng sam có khác, tình cảm quá!”. Chẳng thấy nhà sẩm đáp lại, chỉ nghe cô vợ rinh rích cười, hoà cùng tiếng cười khờ khờ của ông chồng sẩm. Không ai hay biết, tối qua vợ chồng sẩm có trận đánh chửi nhau to. Chẳng rõ họ làm lành với nhau từ lúc nào.
Khác với mọi khi, buổi sáng đó, chuyến đò sớm, vợ nhà sẩm thay thằng con lớn, xách cái nón cùng chồng xuống đò. Vợ chồng nhà ấy đâu có biết, đó là chuyến đò cuối cùng cầu xin sự bố thí của người đời. Đò gần cập bến, bất ngờ có cơn giông lớn ấp tới. Gió xoáy lật chìm đò. May trong mưa giông có sấm, sét, xác nhà sẩm nổi lên rất sớm, nổi lên ngay ở khúc sông sát bến đò. Cho đến lúc được kéo lên bờ, hai cái xác vẫn ghì chặt nhau. Người ta phải rưới và bóp mấy chai rượu, rồi kéo mãi, hai kẻ xấu số mới rời được nhau. Bố mẹ chết, đám con nhà sẩm bơ vơ. Dân xóm bến đò không rõ số phận chúng ra sao.
Bữa đó, cho đến tận lúc vợ chồng nhà hàng xóm đánh chửi nhau, tôi mới biết, một trong những đứa con nhà sẩm ngày ấy, nay là anh chồng tiến sỹ.
Giờ thì vợ chồng nhà hàng xóm ấy, mỗi người một ngả rồi. Tất nhiên, trước khi ly dị, căn hộ được bán để chia đôi, đồ đạc cũng vậy, phân đôi rất công bằng. Chả như bố mẹ họ, chết rồi mà còn dùng rượu rưới bóp, mời rời được nhau./.
- Hà Nội 1999 -