Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nghị Lực Người Đàn Bà

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17445 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nghị Lực Người Đàn Bà
Barbara Taylor Bradford

Chương 11

Cứ mỗi khi ngồi với ông già André Birron, Stevie lại bắt gặp mình đang cười. Có một thứ gì đó trong con người ông, trong cách xử sự của ông khiến nàng cảm thấy thoải mái, thậm chí vui vẻ, và hình như phát huy tất cả những gì tốt đẹp nhất trong con người nàng.
Ông André vóc thấp, thân hình rắn chắc, tóc màu bạc, mặt tròn, phúc hậu, mắt đen và linh lợi. Khi còn sống, Ralph rất thân với ông và thường gọi ông là "ông tiên lùn". Cách gọi ấy đến nay vẫn trở lại trong trí óc Stevie.
Stevie gặp ông André lần đầu tiên từ trước khi sinh đứa con đầu, Nigel. Lúc đó nàng mang cái bụng nặng nề và đi rất chậm. Ông André, bản thân cũng có hai đứa con, rất quan tâm đến nàng và luôn nhắc nàng phải thận trọng trong đi đứng, làm lụng. Ngoài tính phúc hậu ấy ra, ông còn hợp với Stevie nhiều mặt và hai người quý nhau ngay, tình thân ấy cứ mỗi năm một tăng lên.
Sau cái chết không ngờ của chồng nàng, ông André đã ngưng công việc của ông để đến giúp đỡ Stevie. ”Tôi phải để mắt đến cô theo cách của một người cha," Mỗi khi bay sang London ông thường nói câu đó. Và đã nhiều năm nay ông André trở thành cố vấn và người hướng dẫn cho nàng. Stevíe làm theo những lời ông khuyên và chưa bao giờ nàng ân hận về việc đó, bởi đối với mỗi khó khăn của nàng, ông đều cho những ý kiến phân tích xác đáng và cách giải quyết đúng đắn nhất. Ông còn là người hiểu biết rộng và sâu hầu như về mọi lĩnh vực trong cuộc sống trên thế giới.
Chính nhờ ông André mà Stevie học được về tính chất quốc tế của hoạt động kinh doanh đồ kim hoàn, về những nhà thiết kế và chế tác đồ kim hoàn nổi tiếng nhất như Belperron, Boivin, Công tước Verdura và rất nhiều người khác nữa.
Ông già André là chuyên gia am hiểu thấu đáo về các nhà thiết kế kim hoàn nổi tiếng nhất của các thập niên 1930, 1940 và 1950. Ông còn biết chí tiết về nhà thiết kế siêu đẳng Jean-Baptiste Tavernier, thương gia kiêm nhà du hành, đã đi lại như con thoi giữa Paris và các mỏ vùng Golconda của ấn Độ trong thế kỷ mười chín. Tavernier chính là người đầu tiên mang kim cương từ tiểu lục địa về châu âu. Ông chính là người cung cấp kim cương cho Vua Pháp Louis XIV, mệnh danh là Vua Mặt Trời, và cho những thành viên nào của hoàng gia nước Pháp có điều kiện mua. Một trong những viên kim cương "tên tuổi” lớn nhất có viên Mazarin Lớn, gọi theo tên người sở hữu nó: Hồng Y Mazarin, và ông này lúc hấp hối đã dâng viên đá quý vô giá đó lên Vua Mặt Trời.
Vào thời gian Stevie gặp ông André, nàng đã được chồng truyền cho rất nhiều kiến thức về kim cương và các loại đá quý khác. Do đó ông André đã bị ấn tượng rất mạnh về Stevie, một phụ nữ trẻ và chưa có chút kinh nghiệm nào mà chỉ trong một thời gian ngắn đã tiếp nhận được cả một khối kiến thức rất lớn. Stevie đã giải thích cho ông hiểu rằng nàng tiếp thu nhanh, lại có trí nhớ như máy ảnh, và một nguyện vọng tha thiết được học về các thứ đá quý, cũng như về công việc kinh doanh của chồng.
Một lần Ralph đã nói với vợ rằng trong cuộc đời chàng có hai niềm say mê lớn. ”Em, tình yêu của anh, và kim cương. Chính vì vậy, anh muốn chia sẻ niềm say mê thứ hai ấy với em, niềm say mê thứ nhất của anh".
Chính đấy là nguyên nhân khiến Stevie tiếp nhận được cả một nền học vấn toàn diện về kim cương và các loại đá quý khác. Khi dạy nàng về kim cương, Ralph đã in sâu vào óc vợ hai điều. Một là giá trị mỗi viên kim cương được xác định bằng bốn từ bắt đầu bằng "C"; CARAT - trọng lượng và kích thước, CLARITY - mức độ trong suốt, COLOR - màu sắc, và CUT - cách chế tác. Hai là chỉ những viên kim cương to nhất, hiếm hoi nhất, đẹp nhất mới được đặt tên.
Và sau hai mươi mốt năm trong nghề kim hoàn, tối nay là lần đầu tiên Stevỉe mới cố mua một viên kim cương có tên, viên Nữ Hoàng Trắng nổi tiếng lừng lẫy, tại cuộc bán đấu giá của hãng trang sức, mỹ phẩm và thời trang danh tiếng Sotherby vào đúng bảy giờ.
Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi. Stevie không hồi hộp hay sợ hãi. Ngược lại, nàng cảm thấy bình thản và tự tin. Nàng biết tinh thần nàng được như thế một phần quan trọng nhờ sự có mặt của ông André trong cuộc bán đấu giá.
Lúc này Stevie ngồi cùng với ông ở gian tiếp khách trong phòng liên hoàn của khách sạn Carlyle, nhấm nháp ly nước ga và chăm chú nhìn ông.
“Cô bạn trẻ thân mến ạ, tôi quyết định cho cô xem những viên đẹp nhất trong bộ sưu tập của tôi trước khi đem chúng trưng bầy ở nơi khác, trường hợp cô không thấy thích chúng.”
“Tôi tin là tôi sẽ thích, ông André ạ," Stevie mỉm cười nhìn ông, đáp. ”Ông biết đấy, bao giờ tôi cũng tìm những thứ đẹp nhất dành cho phòng trưng bầy trang sức cổ của chúng tôi tại London. Một số khách hàng của chúng tôi ngày nay chỉ quan tâm đến những trang sức càng cổ càng tốt.”
“Đúng thế, thời nay người ta đang hâm mộ đồ cổ," ông André đáp rồi đứng dậy, vội vã sang gian bên cạnh của phòng liên hoàn khách sạn này. Vài giây sau ông quay lại, giảng giải, “Cậu Matt đã đem nó sang đây để cô có thể xem được, Stevie ạ.”
Ông André lại ngồi xuống chiếc ghế nệm đối diện với Stevie. Chốc chốc ông lại đứng lên. Tuy đã bảy mươi lăm tuổi, dáng dấp ông vẫn nhanh nhẹn như xưa. Ông kêu lên, “Ta sang ngồi bên kia, ở bàn bên cạnh cửa sổ. Chỗ ấy ánh sáng rất thích hợp để xem, cô tán thành chứ?"
“Vâng ạ, " Stevie đáp. “Và bên đó có cả cây đèn bàn chiếu sáng rất tốt.” Nàng đi theo ông André ngang qua gian phòng, nóng lòng muốn xem những thứ ông đem theo từ Paris sang để giới thiệu với nàng.
Ông André Birron sở hữu một trong những hiệu kim hoàn sang trọng nhất và uy tín nhất trên thế giới, nằm trên Quảng trường Vendôme, gần Khách sạn Ritz. Ở Paris. Hiệu kim hoàn này ra đời từ thế kỷ mười chín, do cụ cố nội của ông André, cụ Pierre Birron, lập nên. Cụ bắt đầu nổi tiếng từ khi cụ mua được một số đồ trang sức của Hoàng gia Pháp. Trong cuộc bán đấu giá tại Paris năm 1887, những viên kim cương của Hoàng gia Pháp được tập trung thành một bộ và thuộc sở hữu của Chính quyền nền Cộng hòa thứ Ba. Tất cả các chủ hiệu kim hoàn lớn đều có mặt, bao gồm cả ông Frederic Boucheron ở Paris, chủ hiệu Tiffany Co ở New York, và chủ hiệu Bonynge ở London. Cụ Pierre Birron đã mua được một số viên bằng cách liều lĩnh mua đồ ăn cắp. Cụ có tính táo bạo, không quan tâm đến hậu quả nguy hiểm. Giống như hiệu kim hoàn Jardine ở London, hiệu Birron ở Paris cũng là doanh nghiệp gia đình và bao giờ chủ của nó cũng phải là người huyết thống. Hai con trai của ông André hiện làm việc cùng với cha họ ở cửa hiệu kim hoàn trên quảng trường Vendôme ở Paris.
Trợ lý của ông André, Matt Wilson đã xách chiếc va ly nhỏ bước vào, đưa ông André.
”Biên, biên, bien! Tốt lắm, tốt lắm.” ông André reo lên bằng tiếng Pháp. “Cậu mở ra.”
Matt mở va ly, lấy ra những chiếc hộp nhỏ và túi nhỏ bằng da đựng trang sức. Anh ta mở một trong những chiếc túi da to, rồi đẩy đến trước mặt Stevie, không nói một lời nhưng vẻ mặt còn nói lên nhiều hơn mọi ngôn từ.
Stevie ngắm nghía chuỗi hạt đeo cổ Matt vừa lấy trong túi da ra, đặt lên bàn. Chuỗi hạt gồm hai vòng, một vòng gồm những hạt kim cương và hạt ngọc màu xanh lam nhạt. Stevie cảm thấy như có một luồng khí lạnh buốt lướt qua cơ thể khi nàng ngắm chuỗi hạt gồm kim cương và ngọc xanh đang lóng lánh dưới làn ánh sáng. Stevie thốt lên kinh ngạc, “Đây chính là công trình của bà Belperron phải không ạ?" Nàng ngước mắt nhìn ông André bằng cặp mắt đầy thán phục.
”Đúng thế, rất có thể đây là chế tác của Belperron.” Ông nhìn Stevie, khẽ lắc đầu tiếc rẻ. “Rất không may là Belperron không chịu ký tên vào các chế tác của bà ta. Bà ta cho rằng các công trình chế tác của bà ta độc đáo và khác kiểu của người khác đến nỗi chỉ cần nhìn qua cũng đủ nhận ra là của bà, việc gì phải ký tên.” Bà ta luôn bảo tôi, "Chữ ký của tôi là thừa, ông André ạ.”
“Tiếc nhỉ, bà Belperron lại không chịu ký tên vào các chế tác của bà ấy. Tôi cầm lên xem được không ạ?"
“Mais naturellement.” Ông André đáp bằng tiếng Pháp, có nghĩa tất nhiên rồi. Ông nhấc chuỗi hạt lên, đưa Stevie.
Stevie đem nó đến sát bóng đèn trên bàn, ngắm nghía rất lâu từng hạt kim cương, ngọc và cả cái khóa. Hai dây chuỗi, mỗi dây gồm những bông hoa, cánh bằng ngọc chalcedony, còn nhị ở giữa là những hạt xaphia. Mỗi dây có tám bông hoa như thế, tức là tám hạt xaphia. Giữa chúng là những hạt kim cương lấp lánh được gọt rửa hết sức công phu. Ông già André ngồi ngả lưng trên ghế, quan sát Stevie. Ông thầm nghĩ, người phụ nữ trẻ này quả có khiếu thẩm mỹ. Tối nay Stevie mặc bộ đồ len màu đen, dây thắt bằng xa tanh cũng màu đen, trông hết sức lịch sự và duyên dáng. Về trang sức, Stevie chỉ đeo đôi hoa tai và chuỗi hạt đeo cổ đều bằng loại ngọc trai cỡ lớn của miền biển phía Nam và chiếc đồng hồ đeo tay bằng bạch kim. Giản dị, dễ hiểu nhưng lịch sự và duyên dáng biết bao. Stevie có khiếu thẩm mỹ về mọi thứ, nhất là về trang sức. Khiếu thẩm mỹ của nàng không oái oăm mà đẹp, thể hiện cả trong cách ăn mặc, nói lên đúng bản chất cao quý, sang trọng và duyên dáng của nàng.
Ông André rất tự hào về Stevie Jardine và về vị trí cũng như phẩm chất con người nàng hiện nay. Ông đã chứng kiến quá trình trưởng thành, đổi thay và phát triển của Stevie. Ông và vợ, bà Elise, không có con nên họ coi Stevie như con, và bà mê nàng không kém gì ông.
Stevie nay đã thành một nữ doanh nhân thành đạt ở mức cao, một nhà kim hoàn nổi tiếng. Điều đó làm ông André rất hài lòng vì ông gần như người đỡ đầu nàng trong mọi công việc.
Nhưng ngoài trình độ nghề nghiệp, Stevie còn có một phẩm chất con người rất độc đáo khiến ông càng tiếp xúc với nàng càng yêu mến và cảm phục. Ông thường suy nghĩ cố tìm một từ nào để nói lên bản chất của con người Stevie, nhưng ông không thấy có từ nào bao hàm được cả sự thông minh, tinh tế, niềm say mê, tính rộng lượng, công bằng và lòng kiên quyết. Tất cả những phẩm chất đó đã nâng Stevie vượt lên trên mọi người khác, khiến nàng không giống bất cứ ai. Trong con người Stevie có một sự tinh tế rất hiếm thấy ở những người khác.
Ông André cảm thấy cái lõi trong toàn bộ phẩm chất của Stevie là một sự điềm tĩnh, chín chắn, tự tin, không cần đến vẻ hào nhoáng bên ngoài, và trong mọi trường hợp nàng không bao giờ vội vã hấp tấp.
Có những lúc ông André muốn biết về người tình của Stevie hồi nàng còn là một góa phụ trẻ, về cha của Chloe. Anh ta là ai và tại sao mối tình đó không dẫn đến hôn nhân? Ông thường xuyên nhắc Stevie đừng để lộ ra những chi tiết về anh ta, với ông cũng như với bất cứ ai khác, và có vẻ nàng đã theo đúng lời khuyên của ông từ ngày đó, tức là đã lâu lắm rổi.
Không ai biết một tí gì về cuộc sống riêng tư của Stevie Jardine ngoài những thứ ai cũng nhìn thấy, nàng không thể giấu giếm và do đó cũng không cần giấu giếm.
Ông André đoán rằng trong ngần ấy năm sống một mình, hẳn Stevie phải có nhiều người tình, nhưng chưa bao giờ ông nhìn thấy nàng đi với người đàn ông nào ngoài những người nàng có quan hệ công việc. Ông cũng không nghe thấy lời đồn đại, bàn tán hoặc nói xấu gì về nàng. Ông kết luận, đấy cũng là một nét hoàn hảo nữa của Stevie.
Nhưng có lúc ông André đột nhiên nghĩ rằng, không có lời đồn đại hay nói xấu Stevie phải chăng không phải vì nàng khéo giữ kín mà vì nàng như thế thật? Rất có thể nguyên mấy đứa con và công việc kinh doanh cũng đã đủ đối với Stevie và nàng không cần thứ gì khác nữa? Tuy nhiên ông chỉ tin vào điều đó một phần. Là người Pháp và có tính lãng mạn, ông không thể quan niệm sống mà không có tình ái. Dù bận bịu đến đâu thì Stevie cũng phải có những lúc cảm thấy cô đơn chứ? Ông thầm tự hỏi, hay Stevie lạnh lùng, khô khan? Không thể có chuyện đó, nhưng ông không tìm được câu trả lời, cũng không đủ can đảm để hỏi nàng.
Stevie ngắm chuỗi hạt đeo cổ khá lâu rồi mới ngẩng lên nhìn ông André. Nàng nói giọng quả quyết, “Nhất định đây là chế tác của bà Belperron. Tôi không còn hồ nghi gì nữa. Bà ta chế tác chuỗi hạt này trong khoảng thời gian giữa 1935 và 1938, tôi đoán thế. Đúng đấy, ông André ạ, chỉ bà Belperron mới có thể chế tác được một thứ đẹp đến mức này.” Đột nhiên Stevie ngừng bặt, nhìn chăm chú vào mắt ông bạn già và reo lên, "Ông nhớ không, đã một lần ông và tôi nhìn thấy một thứ rất giống thứ này. Năm 1987! Trong lần hãng Sotheby tổ chức bán đấu giá những trang sức của nữ Công tước Windsor tại Geneve, Thụy Sĩ. Ông còn nhớ chứ, ở đấy có một chuỗi hạt đeo cổ do bà Belperron thiết kế và chế tác, rất giống chuỗi hạt này. Chuỗi hạt đó với chuỗi hạt này đúng là hai chị em. Hồi đó tôi rất mê cái chuỗi hạt kia, cho nên tôi không thể quên được nó".
“Tôi nhớ cái lần ấy rồi. Tôi còn nhớ hôm ấy cô mê cái chuỗi hạt đó đến mức nào.” Ông André mỉm cười trìu mến nhìn Stevie.”Chính là chuỗi hạt ấy đấy. Nó là dành cho cô Stevie ạ. Tôi nhớ là cô thích nó, nên cách đây mấy tuần lễ, khi nhìn thấy nó, tôi nghĩ ngay đến cô, vì cô biết giá trị của nó. Cô còn nhớ không, là hôm cô với tôi đến Geneve để xem cuộc bán đấu giá ấy của hãng Sotheby, tôi đã kể với cô rằng bà Công tước xưa kia là khách thường xuyên của cửa hiệu HerzBelperron trên phố Châteaudun ở Paris vào thập niên 30. Cô nhớ không?"
“Nhớ.”
“Hôm ở Geneve tôi đã nghĩ, hẳn chuỗi hạt đeo cổ này là chế tác của Belperron, mặc dù nó chỉ được ghi chú là có khả năng của Belperron". Đó là số phận không may của những trang sức không có tên ký, cho nên trong trường hợp ấy, người ta chỉ có thể chú thích “có khả năng của” ai đó. Thực ra thì đúng là của người đó chế tác. Bà Công tước đeo rất nhiều trang sức do Belperron chế tác. Cái chuỗi hạt đeo cổ cô vừa xem cũng cùng phong cách chế tác của Belperron, cô có tán thành không?”
Stevie gật đầu, “Ông tìm được nó ở đâu thế ?"
“Chủ của nó là một phụ nữ Pháp rất nổi tiếng. Đây là của thừa kế của mẹ bà ta, và của bà bà ta. Chủ nhân của nó khẳng định đây là chế tác của Belperron chứ không phải chỉ là thứ giả hoặc bắt chước, và chuỗi hạt này đã có từ thập niên 30.”
“Chúng ta đều đồng ý như thế. Nhưng hẳn bà Belperron còn chế tác đôi hoa tai nữa để đi kèm theo chuỗi hạt này cho đủ bộ chứ?"
“Voia! Cô tài đoán lắm. Và cô cũng biết rất rõ về tâm lý người chế tác.” Ông André cười vang.
“Cảm ơn ông quá khen.” Stevie mỉm cười đáp.
”Còn có đôi hoa tai cùng bộ với chuỗi hạt đeo cổ đó, " Ông André lấy trong một chiếc hộp nhỏ đôi hoa tai rồi bầy lên mặt bàn trước mặt Stevie.
Nhấc đôi hoa tai lên, Stevie đặt nó trên lòng bàn tay rồi chăm chú xem xét. Đôi hoa tai này cũng bằng ngọc chalsedony, mỗi hoa tai được chế tác thành hình một chiếc lá nhỏ, gắn những hạt kim cương, và viền xung quanh bằng những hạt xaphia chen kim cương.
”Tuyệt vời! Và cả bộ đúng là hoàn hảo. Tôi đang có một khách hàng sang trọng và thẩm mỹ rất tốt, thích sưu tầm những trang sức chế tác vào thập niên 30, tôi tin rằng bà ta quan tâm đến bộ trang sức này. Chỉ có điều bà ta hiện đang ở London chứ không phải ở đây, New York.”
“Chuyện ấy không thành vấn đề gì hết, hẳn cô đã biết. Cuối tuần này, khi trở về Paris, tôi sẽ gửi bộ trang sức này theo đường dây bảo đảm đến London, đường dây tôi đã có từ lâu và vẫn thường sử dụng"
"Bộ trang sức này giá bao nhiêu?" Stevie hỏi.
"Bốn mươi lăm ngàn đô la.”
“Đắt.”
“Không đâu, tôi không nghĩ là đắt, nhất là của Belperron. Nguyên cái chuỗi hạt đeo cổ của Nữ Công tước Windsor cách đây chín năm, vào năm 1987, giá đã cao hơn thế.”
“Nhưng ông đừng quên rằng bấy giờ là một cuộc bán đấu giá được quảng cáo ầm ĩ và dân giầu có trên khắp thế giới kéo đến. Vì vậy giá bị đẩy lên khủng khiếp, nhờ cái tiếng của dòng họ Windsor, cụ thể là cái tiếng của Nữ Công tước Windsor.”
Ông André cười khúc khích, thán phục, “Cô không quên thứ gì hết và điều cô nhận định là chính xác. Tuy nhiên cô cho tôi giảng giải về tình huống đặc biệt này. Tôi không bán bộ đồ trang sức này. Nó không phải tài sản của hiệu Birron & Cie. Tôi chỉ là người trung gian cho một khách hàng. Tôi giúp bà ta. Chẳng là bà ta muốn xác định giá trị của một chuỗi hạt đeo cổ và đôi hoa tai, và bà ta dò hỏi thì được người ta đánh giá là khoảng bốn mươi ngàn đô la, và lúc đầu tôi cũng nghĩ cái giá ấy là hợp lý. Ai ngờ khi chuyên gia về đánh giá đến thì, trời ơi, anh ta đánh giá chúng cao hơn nhiều: năm mươi ngàn đô la. Thế là chúng tôi, bà khách hàng ấy và tôi, thống nhất định giá bộ đồ trang sức kia ở khoảng giữa hai cái giá ấy. Rồi tôi sẽ giải thích mọi thứ cho cô hiểu, nếu cô quyết định mua nó. Và tôi sẽ nói cô nên đưa ra cái giá nào để mua nó.”
“Đồng ý.”
“Nhưng cô không còn nghi ngại là bộ đồ trang sức này không phải do Belperron chế tác chứ?"
“Tất nhiên rồi. Không thấy chữ ký nhưng thấy rõ phong cách của người chế tác. Giá cả không thành vấn đề. Ông còn mang từ Paris sang những thứ gì nữa không?" Stevie hỏi, mắt tò mò, háo hức nhìn vào những chiếc hộp và túi bằng da trên bàn.”
“Có chứ. Tôi sẽ cho cô xem. Một cái trâm cài tóc bằng kim cương do Jeanne Boivin chế tác. Có chữ ký hẳn hoi. Theo tôi, đó là một thứ tiêu biểu cho phong cách thiết kế và chế tác chỉ có được ở riêng chị ta. Nó đây.” Ông lấy trong hộp ra, đưa Stevie. “Cũng là tài sản của người phụ nữ khách hàng ở Paris lúc nãy, và cũng là tài sản thừa kế. Très jolye, oui? Đẹp đấy chứ, cô nghĩ sao?"
“Đẹp lắm!" Stevie cầm chiếc trâm lên ngắm nghía vẻ thán phục. Thiết kế đẹp và và được rủa gọt rất khéo. Những bông hoa này đúng là tiêu biểu cho phong cách thiết kế "thiên nhiên" của Joanne Boivin vào thập niên 30, khi nhà nữ chế tác kim hoàn này thích sử dụng các môtip thiên nhiên như cây cỏ, hoa lá, để chế tác trang sức bằng kim cương và bạch kim.
“Tôi rất thích cái trâm này, nó thích hợp với một khách hàng khác của tôi.” Stevie giải thích vả đột nhiên nàng nghĩ đến ông Derek. Dượng của nàng đã nhờ nàng tìm một thứ đồ trang sức nào thích hợp để ông tặng mẹ nàng nhân dịp lễ Noel sắp tới. Cái trâm này rõ ràng hợp với bà Blair. Tuy có cách điệu nhưng không quá mức.
“Còn thứ này thì hết sức hiếm.” Ông André nói và đưa ra cho Stevie xem một cái lược cài đầu bằng xà cừ màu da cam.
"Đấy là của Verdura!"
Ông André mỉm cười hài lòng. ”Vậy là cô học trò này thuộc bài của thầy đấy, Stevie thân mến ạ. Cô nói đúng, đây là cái lược cài đầu hình chân sư tử nổi tiếng của ông Công tước. Như cô đã biết, ông ta chế tác rất nhiều những cái lược cài đầu bằng xà cừ như thế này vào thập niên 30, cho đến khi xà cừ biến mất hết trên thị trường, trở thành nguyên liệu hết sức khó kiếm. Cũng từ đấy loại trang sức này của ông Công tước trở nên của hiếm. Giá trị của chúng là vì chúng do ông Công tước Verdura chế tác, và do chúng rất độc đáo về phong cách thiết kế. Khi bà khách hàng đưa tôi xem và còn do dự có nên bán hay không thì tôi đã thuyết phục bà ta rao bán. Bởi bà ta không bao giờ cài đầu bằng lược và vì bà ta đang túng. Nhưng cô nhìn xem, Stevie... Cách nạm những hạt kim cương kết hợp với những đường chỉ bằng vàng ở chỗ các móng vuốt. Đồ trang sức này quả là tuyệt diệu, incroyable, cô công nhận không?"
“Công nhận. Đây đúng là một thứ lược cài đầu có một không hai. Lý tưởng cho những cô gái tóc đen và có nét cá tính nổi bật.” Stevie đặt chiếc lược cài đầu bằng xà cừ lên bàn rồi ngả người ra lưng ghế ngắm nghía. Nàng mỉm cười nhìn ông André. Nàng không ngập ngừng gì khi quyết định mua. Nàng nói, "Tôi mua cái này, cả hai cái của Boivin và Belperron. Đâu phải luôn gặp trên thị trường những thứ do Verdura chế tác, và những trang sức của ông Công tước mấy năm gần đây rất được khách hàng ưa chuộng.”
"Tôi rất mừng thấy cô bằng lòng mua chúng. Từng thứ đều độc đáo. Vì chúng rất hiếm cho nên hết sức có giá. Gần như cô có thể tùy ý đặt giá cho chúng nếu cô thích, cô bạn thân mến ạ.”
Stevie cười vang. “Tốt nhất là ông lấy máy tính ra cộng tất cả lại xem bao nhiêu. Sau đó có lẽ chúng ta nên đi dự cuộc bán đấu giá. Tôi muốn đến đó hơi sớm một chút.”
“Đúng thế. Cuộc bán đấu giá. Tôi đang nóng lòng muốn đến đó và làm chân tùy tùng cho cô, Stevie thân mến ạ. Và nếu cô mua được Nữ Hoàng Trắng thì còn tuyệt biết bao nhiêu!”
Stevie nhìn ông nhưng không nói gì. Bỗng nhiên nàng thấy hoảng sợ và líu lưỡi không nói được gì. Ông André nói. ”Trước khi ra khỏi khách sạn, tôi có cái này biếu cô. Xin lỗi.” Ông đi nhanh gần như chạy ra khỏi gian phòng, gọi trợ lý Matt rồi biến mất vào gian tiếp khách nhỏ của phòng nghỉ liên hoàn. Lát sau ông trở lại, tay cầm một hộp bằng da màu đen. Đưa cho Stevie, ông nói, "Tặng cô, Stevie, với tấm lòng mến yêu.”
Stevie bị hoàn toàn bất ngờ, nàng nhăn mặt nhìn ông bạn già rồi mở hộp. Nàng nghẹt thở khi nhìn thấy một cái trâm bằng kim cương đặt trên miếng nhung đen. Trâm được chế tác thành một chiếc lông vũ cong trông vừa lạ mắt vừa đẹp. "Ôi, đẹp quá, ông André ạ. Nhưng tôi không thể nhận món quà này được... nó quý quá.”
“Không. Không. Cô không được từ chối. Đây là món quà đặc biệt, tặng cô nhân ngày sinh nhật.”
"Tuần lễ sau mới đến ngày sinh nhật của tôi.”
“Nhưng tôi không thể nán lại Hoa Kỳ đến tuần sau được.”
Biết là không thể tranh cãi với ông già thân thiết này, Stevie đành nói, "Cảm ơn, ông André. Ông và bà Elise nhớ đến sinh nhật của tôi thật đáng quý. Mai tôi sẽ gọi điện cho bà để cảm ơn.”
“Vợ tôi mê và phục cô lắm đấy... và coi cô như con gái bà ấy sinh ra vậy.”
“Tôi biết...Và tôi cũng rất yêu bà ấy.” Bây giờ Stevie mới cười to, vừa cười vừa lắc đầu.”Tôi không thể tin tuần sau tôi đã tròn bốn mươi bảy tuổi. Thật không ngờ!”
“Tôi cũng không thể ngờ được nữa là. Thời gian đi quá nhanh. Tưởng như mới hôm qua tôi còn gặp cô đi với cậu Ralph. Bấy giờ cô chưa đủ mười bảy tuổi và đang bụng to. Vậy mà đã ba mươi năm trôi qua.”
“Thôi, " Stevie kêu lên.”Xin đừng nhắc lại nữa.”
“Tôi rất tự hào về cô, tự hào về sự trưởng thành và thành đạt của cô. Và nếu Ralph còn sống, cậu ấy cũng sẽ tự hào. Cô mới bốn mươi bảy mà đã thành một nhà kim hoàn nổi tiếng lừng lẫy... được mọi người coi là một trong những nhà kim hoàn lớn nhất thế giới. Và cô được mọi người kính trọng.”
“Cảm ơn ông về những lời đẹp, ông André.” Nàng cảm động đáp. “Nhưng ông mới là người được kính trọng, chứ không phải tôi.” Stevie nói xong đứng dậy bước đến trước tấm gương treo trên tường, cài chiếc lông chim bằng vàng nạm kim cương lên ve áo. Rồi nàng quay lại, vẻ mặt đầy thích thú. ”Chiếc lông vũ của ông đẹp đấy chứ.”
“Superbe, ma cherie, Tuyệt vời, cô bạn yêu quý của tôi!”
Stevie bước đến trước mặt ông André, nghiêng người, đặt hai cái hôn lên hai bên má ông. ”Cảm ơn ông, ông André. Tôi sẽ giữ cái này mãi mãi.”
Ông André gật đầu rồi vỗ lên bàn tay Stevie vẫn còn đặt trên vai ông, mắt ông nheo lại. Ông hài lòng thấy món quà của ông được nàng tiếp nhận một cách vui vẻ. Ông nói, "Để tôi sang bảo cậu Matt chuẩn bị rồi chúng ta đi đến cuộc bán đấu giá. Nói xong, ông đi nhanh ra khỏi phòng.
Stevie ngồi xuống bên bàn, bỏ các trang sức vào hộp và túi da như cũ. Rồi cho tất cả vào chiếc va ly nhỏ. Ông André và Matt vào phòng khách. Cả hai đều mặc áo khoác ngoài và Matt thì mang cả tấm áo choàng nhãn hiệu Trigère của Stevie bằng vải len đen thêu chỉ lụa đỏ. Anh ta giúp nàng mặc áo choàng vào người, rồi khóa va ly, xách theo.
Trợ lý của ông André nói. ”Tôi đem cái va ly này xuống dưới nhà, gửi ở hộp bảo hiểm của khách sạn.”
“Bien, bien, được, được! Nhưng nhanh lên đấy, Matt. Đừng để đến đó trễ.”
Cả ba người đi vào thang máy. Matt quay lại, nói với Stevie, bà cài cái trâm đó rất hợp. Và bà biết không bà có thể cài nó lên chiếc mũ nồi bằng nhung đen mà bà vẫn thích đội... trông sẽ rất tuyệt. Anh ta cười rồi nói nốt. ”Một chiếc lông chim trên mũ của bà!”
“Ôi, Matt... “ Stevie mỉm cười với người trợ lý của ông André và lắc đầu. Ông André cũng cười, rồi hỏi, “Lúc này cô thấy thế nào? Tôi đoán cô đang hồi hộp, đúng không?"
“Không phải, mà là hoảng sợ, " nàng đáp rồi khẽ cười vẻ đùa giỡn.
“Không, không. Cô không thể hoảng sợ được! Xưa nay cô vẫn bình tĩnh lắm kia mà. Vả lại có tôi bên cạnh, cả cậu Matt nữa. Mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi, rồi cô sẽ thấy. Và tối nay sẽ là buổi tối của cô, cô Stevie ạ.”

<< Chương 10 | Chương 12 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 972

Return to top