3. Vịnh Trong nghệ thuật cao sâu thấu triệt không gì bì kịp nhạc. Vì nhạc đi theo tiết điệu âm dương: một mạnh một yếu, một ra một vào, tức là nhịp của vũ trụ. Vì lẽ đó nhạc giữa một vai trò quan trọng bậc nhất trong nho giáo. Với Khổng Tử nhạc là Đạo, nhạc là Minh triết, nhạc là Triết lý nhân sinh, cũng một thở một hút như sự sống vậy. Bởi đấy không một hiền triết nào yêu nhạc bằng Khổng Tử. Là bởi trong nghệ thuật không môn nào gần Minh triết hơn Nhạc. Nói gân chưa đúng vì nhạc chính là Đạo. Với Khổng "La musique est la phulosophie par excellence" còn thự hơn với Pythagore. Nếu Đạo bất viễn nhân, bất khả tư du li dã, thì nhạc cũng là cái mà con người không thể xa lìa "lễ nhạc bất khả tu khử thân: lễ nhạc không thể lìa khỏi thân một lúc". Vì nhạc là triết lý, là Đạo học: "Nhạc tất phát vu thanh âm, hình vu động tĩnh, nhơn chi đạo dã,... cố nhơn bất năng vô nhạc, 樂 必 發 于 聲 音.形 于 動 靜 .人 之 道 也....故 人 不 耐 無 樂". Nhạc tất phát xuất ở thanh âm, hình dung ra động tĩnh (ca, vũ). Đó là đạo người: nên người không thể không có nhạc được. Nhạc III.27 Nhạc là chi mà lại cần đến mức coi như Đạo? Không được lìa xa dù một lúc và cũng có những hiệu quả như Đạo? Thưa trước hết vì nó tế vi trong các nghệ thuật: nó trừu tượng nhất bớt hình thức nhất, hết cả khối lượng, hết cả màu sắc, khả năng co rút đi đến cùng độ, lúc đó chỉ còn là cái nhịp tinh ròng một lên một xuống, một ra một vô, tế vi giáp cõi hư không "lân hư", giáp giới với quỷ thần: Minh tắc hữu lễ Nhạc, U tắc hữu quỷ thần 明則有禮樂.幽則有鬼神 Quỷ thần nối tiếp lễ nhạc Lễ nhạc nối tiếp phép hình. Bởi tinh vi nên giàu khả năng cảm kích tâm hồn làm rung lên những tần số siêu linh khả dĩ giao tiếp được với thần linh, làm phát hiện lên tính cách hốt nhiên thần khải. "Tình thâm nhi văn minh" khi tình được lay chuyển đến gốc rễ thì sáng láng tia lên, huy hoàng và lóng lánh: "vạn vật tịnh dục" đâu ra đó không có hại nhau. Con người vì được với linh biểu bị cột chân vào trong một vật chất nhưng không sao quên được cái thú tiêu dao bay bổng ngàn trùng trong bao la bát ngát. Nhạc chính là để đáp lại phần ngào nguyện vọng sâu thẳm kia. Nếu được phép quan niệm nghệ thuật như những kẽ hở trên bức vân bích bao phủ thế giới siêu linh, thì nhạc là kẽ hở lớn nhất qua đó con người có thể đút lọt cả đôi cánh tâm tư để vỗ nhịp ôn lại một vài tiết điệu xa xưa của khúc phi vũ. Nghe nhạc ta dễ có cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng như muốn thoát cõi trần ai rao động, như đang được bay lượn trong cõi u huyền man mác. Do đó sức cảm hóa rất sâu xa. Thánh hiền nhân đấy dùng làm lợi khí giáo dục: sức cải hóa phong phú hơn mọi thứ nghệ thuật. Thị cố tình thâm nhi văn minh, Khí thịnh nhi hóa thần, Hòa thuận tích trung, Nhi anh hoa phát ngoại 是 故 情 深 而 文 明.气 盛 而 化 神.和 順 積 中.而 英 華 發 外. (Nhạc II.22) (Anh hoa: thứ hoa đẹp nhất như ta nói quintessence). Vì tinh tế nên rất gần thành thực, một đức nền móng của nho giáo. "Duy nhạc bất khả dĩ vi nguy. Nhạc giả tâm chi động dã... Quân tử động kỳ bổn, 唯 樂 不 可 以 為 偽.樂 者.心 之 動 也...君 子 動 其 本.". Nhạc nghịch với trá ngụy hơn hết vì nó phát động tự tâm, nên quân tử lấy cái động đó làm bổn gốc. Nhạc II. 22.23. Lễ nghĩa, y phục, nghi tiết và những trọng đại thường là ổ nuôi dưỡng giả hình. Chữ nhạc phát hiện thẳng ra khó lòng che đậy. Người ta kể chuyện một lần Khổng Tử đang gảy đàn bỗng có một môn sinh nhận ra giọng sát phát trong tiếng tơ mới hỏi lý do. Tử viết: vì khi ta đang gảy đàn có con mèo đang tha con chuột chạy ngang qua. Đó là một lối cụ thể hóa câu "chí nhạc giả dĩ tri tâm". Nhạc III.23. Nhạc đến chỗ cùng cực có thể nghe mà hiểu được tâm hồn. Nhạc sống động nhất trong các bộ môn nghệ thuật nó biểu lộ tính chất uyển chuyển của dòng sống luôn luôn sinh hóa: một bức họa một pho tượng làm xong đứng đó im lìm phơi cái đẹp ra. Nhạc không thế, nó phải hát lên, múa lên, thôi hát hết nhạc: đời sống của nó là sinh sinh, là động đích, là sống tràn bờ nên nhạc tự nhiên đi với múa lượn luân chuyển. Nhạc huy động toàn thân con người: tai, mắt, tứ chi, khí huyết đều cộng hưởng cái thú tuy thanh thoát nhưng mãnh liệt do Nhạc: nhạc nói lên tính chất biến dịch sinh sinh hơn cả. Hòa là hiệu quả thứ hai và là nét đặc điểm nhất của nhạc. Bởi cái hội cực nhỏ (1 ra 1 vô) nên cái thông cực to bao gồm tất cả trong một hòa điều, nên cái chi cũng là nhạc được cả: nhạc của ngày đêm tiếp nối. Nhạc của gió rít trên đồi. Nhạc của ánh bình minh dọi chiếu. Nhạc của hoàng hôn mờ nhạt u huyền. Nhạc của thủy triều. Nhạc của phong ba. Đâu có hòa đấy có nhạc, không những nhạc của thanh âm nhưng còn là nhạc của lòng. Nó khởi lên khi có hòa có hợp. Chúng ta yêu nhạc điệu bởi vì nó là một mớ những yếu tố trái nghịch nhưng lại phối hợp được với nhau. Hòa điệu bao hàm đa tạp không bị xóa bỏ nhưng là hòa thông. Triết học lý niệm xem vũ trụ như bộ máy khổng lồ. Có nhà văn nhìn đời như bi kịch. Triết lý nhân sinh lại nhìn như bản hòa tấu. Có bao thứ hòa điệu là có bấy nhiêu thứ nhạc. - Ở đợt ngoài là hòa hòa âm thanh - Ơ sinh lý là hòa khí hòa huyết - Lên nữa là hòa tâm hôn tình ý - Đến đợt siêu linh là hòa tam tài huyền niệm quy vào nhất thể. Vậy nên: a) Có thứ nhạc của vũ trụ là hòa điệu giữa âm dương thiên địa, giữa trăng sao tinh đẩu. "Đại nhạc dữ thiên địa đồng hòa. Đại lễ dữ thiên địa đồng tiết,大 樂 与 天 地 同 和.大 禮 与 天 地 同 節 " Nhạc 19. b) Có thứ nhạc dân gian là hòa điệu giữa con người cùng sống trong xã hội. Xa nhau như tất với trời. Khác nhau như tối với sáng còn có chỗ hòa điệu: con người sao không lập khúc hòa lạc trong mối tương giao. Do đó thánh hiền dạy lấy Trưng Hòa làm cực tác đãi người tiếp vật, lấy Nhạc mà un đúc mối tình trung. Xúc tích chất hòa lạc trong tâm hồn của con người Cố nhạc hành nhi luân thanh... Di phong dịch tục Thiên hạ giai ninh 故 樂 行 而 倫 清... 移 風 易 俗 天 下 皆 宁 (Nhạc II.18) Bởi vậy khi nhạc thịnh thì luân thường trở nên thanh cao tao nhã. Cải đổi phong hóa, biến thiên tục lệ: nhờ đó mà thiên hạ đều được hưởng an ninh. Cùng nghe một điệu nhạc sẽ cùng hòa hợp tâm tình theo một tiết điệu (1). Nhạc 28c. Lễ nhạc hình chính, kỳ cực nhất dã: sở dĩ đồng dân tâm = lễ nhạc hình pháp khi đạt đến cùng cực thì là một: và hòa hợp dân tâm thành một tiết điệu. Nên nói: "nhạc giả thông luân lý giả dã": nhạc làm cho luân lý hanh thông. Nhạc 7. (1) Câu này hay lắm nhưng dài quá không trưng được. Thực ra khi đọc chương Nhạc ký (XVII chi ba triệt) thì hầu như muốn trưng cả. Vậy nên cố tìm bản văn mà đọc. c) Nhưng uyên nguyên hơn hết: có thứ nhạc của tâm thân, sao cho mình hòa với chính mình. Con người là chỗ thiên địa chi giao, là nơi quỷ thần chi hội. Nên hòa điệu giữa ngoại nội là chính bản chất con người. Kinh Nhạc nói: "cố nhạc hành nhi nhĩ mục thông minh, khí huyết hòa bình". Nhạc II.18. Khí đại diện thiện. Huyết đại diện địa. Khí huyết hòa bình tức là thái hòa giữa trời đất: nên tai thông mắt sáng, khí huyết tưng bừng chảy. Xem thế ta hiểu được vì sao tiền nhân cho ngũ cung đi với ngũ tạng. Tới lúc đó trung gian không còn phải là nhạc khí nhưng là gân mạch là dòng máu vận chuyển theo tiết tấu thần diệu là phổi là tim cùng rung theo nhịp thở đến độ nghe nhạc mà hiểu được người cao thấp mập lù tính tình bộ dạng. Nếu không trở lại đựơc với mình thì thiên lý bị tiêu diệt, dứt mối hòa vui. Đó là lý do của khoản 4 trong chương trình tu thân. "Vịnh nhi quy" Tóm lại nhạc là nghệ thuật cực vi tế, không thể không chân thực, một triết lý tuyên dương chân thành không thể không yêu. Nhạc là nghệ thuật sống động nhất, một nền học lấy sinh động làm căn cội không thể không quý. Và trên hết nhạc là nghệ thuật mà bản chất là Hòa. Một đạo học lấy chí trung hòa làm cứu cánh không thể không đồng hóa: đạo là nhạc, nhạc là đạo vậy. 4. Cây đàn muôn điệu Nhạc là Đạo nên nhạc khí được người xưa dùng để biểu lộ những yếu tố căn bản của đạo như: tam tài, nhất thể, âm dương, tứ địa, ngũ hành, bát tiết… Chúng ta hãy lược qua lại mấy thứ chính: Bát tiết là: Bát âm: tám nhạc khí Bào: các thứ làm bằng quả bầu Thổ: các thứ nung bằng đất (cái còi) Cách: bằng da như trống… Mộc: bằng gỗ sênh, phách Thạch: bằng các đồ đá: khánh Kim: bằng đồng: chuông Ty: bằng tơ Trúc: bằng ống tiêu, địch, sáo Ngũ hành là Ngũ âm: 5 tiếng theo độ cao thấp: cung, thương, giốc, chủy, vũ. Tứ tượng: được biểu thị bằng cái ngữ là thứ đàn vuông trên có hình con cọp 27 răng, thường dùng để kết bài. Trong Kinh Thư có câu "hợp chỉ chúc ngữ" (Ích Tắc) là có ý nói hợp với điệu hai đàn đó: tức là hợp âm dương, hợp càn khôn, hợp tiền hậu… Tam tài: được biểu thị bằng cái chúc: một thứ chậu vuông mà ba mặt có lồi rốn chiêng hình tròn, để chỉ tam thiên hay là thiên viên hay tam tài. Hoặc bằng Hòa là thứ ống Địch 3 lỗ. Chúc cũng như Hòa dùng để khởi đầu và giữ nhịp. Lưỡng nghi: âm dương nhị khí biểu thị bằng những đàn hai dây như nhị, hồ… Nhất thể: là cầy đàn huyền chỉ có một dây. Người ta không biết gảy tiếng phèng phèn. Nhưng đạo sĩ sẽ rút ra những tiếng trầm bổng rất tế vi gồm đủ mọi coma, nên gọi tên đàn Huyền thực là đúng, nó huyền vi mầu nhiệm diễn tả tâm hồn rất linh diệu miễn lòng an tịnh trai tâm thì chính là cây đàn của vũ trụ, một dây mà ngân lên muôn điệu. Bên ta còn gọi là đàn Kinh cũng hợp lý. Kinh là đường dọc chỉ Nhất thể. Nhất thể phải là nơi quy tụ lòng ta, lòng người, lòng vạn vật: đó là "thiên địa chi tâm" cũng là "ngô tâm tiện thị vũ trụ". Tuy nhiên để xứng đáng là đàn Kinh thị đàn tốt mấy cũng là việc phụ, phải có phần tu luyện của người gảy đàn. Người xưa đã ngụ ý đó vào câu chuyện tuyệt cú như sau (1) (1) Thuật theo bản dịch của Bảo Sơn trong Trà Đạo, Lá bối x.b tr.95 Ngày xưa ở thời đại bạch phát, trong sơn hạp tại Long Môn có một cây Ngô Đồng, đáng mặt một vị Lâm Vương. Nó vươn đầu lên cao đến có thể trò chuyện với các tinh tú, rễ nó đâm sâu xuống đất cuộn thành những chiếc vòng đồng lẫn lộn với vòng của con bạch ngân long ngủ ở bên dưới. Sau có một vị pháp sư cao tay hạ Đồng thụ xuống làm thành một cây đàn kỳ diệu phi thường, con tinh của nó ngang ngạnh, trừ phi gặp tay nhạc sĩ đệ nhất tài danh mới thuần hóa nổi. Từ lâu năm, cây đàn vẫn cất trong bảo tàng của Trung Quốc Hoàng đế, nhưng tất cả những người đã lần lượt tới thử đều không gảy lên được một khúc điệu nào. Đáp lại sự cố gắng tận tụy của họ, cây đàn chỉ nẩy lên những tiếng miệt thị chua chát, không hòa âm với những điệu hát mà họ muốn ca lên. Cây đàn không chịu nhận ai là chủ cả. Mãi sau có Bá Nha, một tay cầm ca vương giả tới thử. Bá Nha lấy tay dịu dàng ve vuốt cây đàn như người ta vỗ về một con ngựa bất kham, và nhẹ nhàng mơn trớn bộ dây. Ông hát lên bài ca khen ngợi thiên nhiên và quý tiết, cao sơn và lưu thủy, thế là bao nhiêu kỷ niệm của đồng thụ đều bừng tỉnh dậy! Một làn gió xuân mát dịu bỗng đâu lại nổi lên đùa giỡn giữa đám cành lá của đồng thu. Những ngọn thác thanh tân vừa nhảy xuống khe núi, vừa cười cợt với những bông hoa hàm tiếu. Bỗng đâu lại nghe thấy giọng mơ màng của mùa hạ với muôn ngàn côn trùng của nó, tiếng mưa rơi lất phất nhẹ nhàng, tiếng tu hú kêu bi ai thảm thiết. Nghe kìa! Tiếng hổ gầm, và tiếng thung lũng đang vang lại. Này là mùa thu, trong đêm vắng lặng, trăng nhọn như lưỡi liềm, lấp lánh trên ngọn cỏ lạnh hơi sương. Đến bâygiờ thì mùa đông ngự trị: từng đàn thiên nga bay lượn trên không trung như làn mưa tuyết và những hòn mưa đá lộp bộp đập xuống cành cây có vẻ khoái trá một cách man dại. Rồi Bá Nha đổi âm điệu ca ngợi tình ái. Rừng cây nghiêng ngả như một thanh niên nơi hương hạ tha thiết cầu hôn, đương chìm đắm trong mộng tưởng. Trên trời cao một làn mây trong đẹp bay thướt tha như một thiếu nữ kiêu kỳ, nhưng bay tới đâu nó lại kéo lê thê tới đó những bóng in trên mặt đất, ảm đạm như mối tình tuyệt vọng. Rồi âm điệu lại đổi nữa: Bá Nha ca ngợi chiến tranh, tiếng thép đập vào nhau, tiếng ngựa hí vang trời. Và trong cây đàn nổi lên một trận bão to của Long Môn, con rồng cưỡi trên những làn chớp, tuyết băng đổ xuống ầm ầm như sấm ran qua những ngọn đồi ngọn núi. Thiên tử sững sờ hỏi Bá Nha cho biết bí quyết thắng lợi của chàng ở chỗ nào. Bá Nha đáp: "Tâu Hoàng Thượng, những người kia thất bại là vì họ tự hát để ca ngợi mình. Thần đã để cho cây đàn tự chọn lấy chủ đề ca của nó, và thực ra thần cũng không biết lúc đó cây đàn là Bá Nha hay Bá Nha là cây đàn". Câu truyện trên nói lên cái ý nhạc: khi nào "thành ư nhạc" là đạt ý nhạc thì lúc ấy mỗi con người trở thành một cây đàn huyền diệu rung lên cùng nhịp với trời đất, với quỷ thần, với tứ thời bát tiết. Tất cả những sợi dây tiềm ẩn trong vô thức bấy lâu trước ngủ mê dưới lớp sâu thẳm, nhờ được cách tu luyện nay đều chỗi dậy tương ứng, tương cầu làm nên một hòa âm vũ trụ. Tức là con người đã xả bỏ đựơc tiểu ngã để đồng hóa với Đại Ngã Tâm linh, đã nhận được thần hứng và đã thể nghiệm được rằng "Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội" không còn phải là một câu nói rỗng, nhưng là một lời chân thực sống động tận thân tâm. Lúc ấy họ sẽ hiểu rằng mọi con người chúng ta là một cây đàn huyền đang chờ một Bá Nha, và Bá Nha đó không ai khác hơn chính mỗi người chúng ta, cần phải biết tu luyện để đạt độ chí thành, mà chí thành là chí hòa, chí hòa cũng là chí nhân. Vì nhân là thiên địa chi giao, chi hợp, chi hòa vậy. 5. Học như nghệ thuật Muốn chí thành thì cần phải giáo dục thân tâm. Mà giáo dục quan trọng hơn hết là học. Viễn Đông khác hai nền văn minh Âu Ấn ở chỗ không đặt trọng tâm trên tế tự hay khổ hạnh nhưng trên cái Biết được đẩy tới cùng cực và gọi là trí tri, tức sự thấu hiểu con người. Mu61n thấu hiểu thì cần phải học, nhưng học có ba bảy đường. Cái học mà Viễn Đông chú trọng là cái học như nghệ thuật. Chữ nghệ hàm chứ một cái chi rất vi tế không thể diễn tả, xếp đặt thành luật lệ, công thức, nhưng là cái gì rất tinh túy ở ngoài tầm mọi công thức, mọi định luật, và chỉ có người xét như chủ thể tâm linh mới trông đạt được và biểu lộ phần nào. Chính trong chiều hướng đó chữ nghệ có tầm rất rộng và nó đi với hết mọi ngành họat động con người, từ nếp sống qua các phương thế ăn làm cho tới việc học tập đều có cái phần tế vi vượt qua những cái biểu lộ ra, diễn tả được. Ở đây chúng ta hãy xét qua đến cái học. Cái học trở nên thiết yếu trong giai đoạn an vi. Ở giai đoạn cưỡng hành con người có thể nhắm mắt vâng theo mệnh lệnh từ ngoài bắt phải làm. Đến giai đoạn lợi hành con người có thể tin tưởng vào lời người khác bảo làm như thể là có lợi… Nhưng đến giai đoạn ba đã vượt cưỡng ép hay lợi lộc thì con người cần phải tự tìm tòi nhận xét lấy. Vì thế cần phải học. Nhưng học cũng có nhiều lối, và chỉ có lối học như nghệ thuật mới đúng giai đoạn an hành. Nho triết muốn là cái học đó nên Lục kinh cũng gọi là Lục nghệ. Muốn cho cái học giữ được tính chất nghệ thuật của nó thì cần phải duy trì cho nền học vấn một nội dung nhân sinh, nghĩa là xoay quanh điểm thâm sâu nhất của con người. Nội dung một nền học quan trọng bậc nhất, quan trọng hơn cả việc học. Vì nó là yếu tố hướng dẫn cuộc sống nhân sinh, đặt sai chiều hướng thì không bằng đừng học còn hơn. Căn cứ trên ý niệm cái vòng thái cực có trung tâm và muôn điểm chu vi, ta có thể nghĩ ra ba lối học: - Lối học cao nhất tự Thể tỏa chiếu ra Dụng. Cơ năng là Tâm. Công hiệu là Lạc. Đây là cái học của các hiền triết lúc đã đầy kinh nghiệm bản thân. Có thể gọi là Minh triết. - Lối học thứ hai từ Dụng quy hướng vào Thể. Cơ năng là ý, tình, chí. Công hiệu là Hiếu. Đây là cái học triết lý mà chúng ta đang cố gắng theo "thiện ngôn đạo giả, do dụng dĩ đắc thế" Đ.C 637. Có thể kêu là triết lý. Lối học thứ ba chạy theo vòng ngoài. Cơ năng là lý trí (duy trí). Hậu quả là tri thức, học vấn suông. Đó là cái học theo ý hệ tực là chủ trương của một người đã đưa ra và tuyên dương là chân lý rồi tìm hết cách để bênh vực chủ trương đó hơn là chú ý đến thực tại và cái "dụng" hiện tượng. "Bất thiện ngôn đạo giả, vọng lập nhất thể, nhi tiêu dụng tòng chi" ngưới nói không trúng thì quên hướng vào nhất thể rồi nhắm mắt trước các hiện tượng (dụng) để chỉ theo có chủ thuyết của mình. Đó là cái học vòng ngoài của bất cứ ý hệ nào, cuối cùng nó sẽ dẫn tới chỗ chán ngấy. Đó là triết học. Xếp loại công hiệu như thế là căn cứ trên câu Luận ngữ VI.8 "Biết Đạo suông chưa bằng ưa thích. Ưa thích chưa bằng vui say!". "Tri chi giả, bất như hiếu chi giả. Hiếu chi giả bất như lạc chi giả, 知 之 者 不 如 好 之 者 , 好 之 者 不 如 樂 之 者 . " Một hôm Quý Khương Tử hỏi Khổng: trong đệ tử ngài ai là người hiếu học. Thưa có Nhan Hồi là hiếu học, không may chết sớm, nên nay không còn ai kể là hiếu học. "Hữu Nhan Hồi giả hiếu học. Bất hạnh đoản mạng. Kim dã tắc vô" (LN. XI.6) Lần khác khi nói về văn học thì Khổng kể ra hai người nổi tiếng là Tử Du và Tử Hạ (XI.2). Tại sao trên đã nói là không còn ai sau Nhan Hồi, bây giờ lại bảo có hai người? Xem kỹ lại thì sự khác nhau nằm trong chữ Văn. Nếu là văn học thì có hai người. Nếu là Học thì được có một người mà thôi. Một người trong số hơn ba ngàn môn sinh! Thế nghĩa là nội dung chữ Học thời xưa thâm hậu khác nay xa lắm. Đó là cái học tôn đức tính đứng ở hàng đầu, nó đi liền với tập "học nhi thời tập chi bất diệc lạc hồ": cái học mà có tập luyện đi kèm thì không gì vui hơn. Cái học có Lạc này tất phải đặt bên trên cái học chỉ có hiếu, hay có học tri thức suông. Khi Khổng nói: tôi thường bỏ ăn bỏ ngủ để suy tư, nhưng không tiến bằng học, thì phải hiểu là cái học này, cái học mà thầy Hồi đã đạt tới phần nào, và nội dung là: "Bất thiên nộ, bất nhị quá, 不 遷 怒 , 不 貳 過 " LN.VI.2. Không thiên nộ, không quá đáng đến hai lần. Nộ có thứ tốt khi trúng tiết (hỉ, nộ, ái, lạc chi vị phát vị chi trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa). Còn thứ nộ nói đây là thiên nộ tức là thứ nộ thiên lệch tà vạy, có bỏ đi được mới gọi là Học. Nội dung học còn biểu lộ trong câu "quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự, nhi thuận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị học dã dĩ" L.I14. Quân tử ăn không cần mỹ vị cao lương, ở không cần xuê lịch cần mẫn làm việc, cẩn thận lời nói, giao du với bậc đạo đức để biết chính đáng, thế có thể gọi là hiếu học vậy. Như đã nói trên, cái Học này đặt ngang với Lạc tức là nói trọng tâm điểm đã đặt vào Đạo, không còn để vào những cái vật chất ăn mặc nữa. Chỉ khi nào có sự di chuyển chú điểm (centre d intérêt) như vậy mới là học, cái học bậc nhất tự Thể ra Dụng của Nhan Hồi, của Khổng Tử… là cái học rất khó tìm. Nhưng chỉ có cái học đó mới gây nên được Lạc. Vì đó là cái học "tế thiên nhơn", cái học đã đạt đến Thống Nhất sâu thẳm bao trùm cả đất trời người lại một mối. Đợt nhì là cái học của Tử Du, Tử Hạ gọi là Văn học, nói theo Trung Dung là tự Minh tới Thành, tức là cái học nhân sinh, chưa thể lấy Tính thể đã nhận thức ra được làm trung tâm mà mới chỉ có tính tình như một khái niệm (chưa thể nghiệm) nên chưa đủ gây Lạc, còn phải lấy hành vi, cử chỉ, ngôn từ của thánh hiền làm cơ sở, làm tài liệu tham khảo, do đó phần văn chiếm địa vị lớn, nhiều ít tùy, nhiều quá thì đâm ra cái lệ trích cú tầm chương hư văn sáo ngữ. Tuy vậy trong đám học đó không phải không có người tiến bộ, ít ra cũng duy trì cho cái học ở đợt hiếu chi, và cũng đem lại cho người học một nho phong sĩ khí, đủ làm cho dân chúng tín nhiệm. Hầu hết đó là cái học của Nho giáo trong hai ngàn năm qua. Cái học thứ ba là chạy vòng ngoài, mất thông giao với ngọn nguồn của cái đức sinh sinh, nên nhiều khi đặt ra những vấn đề xa lạ quá đáng với đời sống, không còn liên hệ chi với nhân sinh dù xa xôi gián tiếp, chỉ còn trơ lại có tính chất ích dụng giả tạo nghĩa là do trường ốc hàn lâm ban cho. Nói cụ thể chỉ có ích cho được thi cử lấy bằng chứ không ích gì cho nhân tâm thế đạo. Kierkegaard nói: "La philosophie est la nourrice sècche de vie, elle veille sur nos pas, mais ne peut nous allaiter". Triết học là bà nhũ mẫu vú teo: quát tháo thì có, cho bú thì không. Cái học đó chỉ còn ở đợt ba là tri, là thức, học để mà biết, biết cái gì cũng được. Điều chú trọng không ở trong "cái gì" nhưng ở trong "biết". Miễn là biết, biết thật nhiều. Đối tượng của cái biết đó là những vấn đề viễn vông xa đời sống không mấy ai quan tâm. Do đó hầu hết triết học gia cuối đời đều quay ra ngán ngẩm. Kant gọi triết học là một thứ cực hình của Tantale (supplice de Tantale) nên quay lại lối đạo đức kiểu bà già (piétisme). Người khác thì muốn đốt hết những tác phẩm của mình. Auguste Comte thì lên núi ngồi giữa hai tai đặng nghe tiếng hư vô chân thực. "Il y est assis au milieu véritable". F.35. Cho tới nay ta thấy người thì dấy loạn như Rimbaud, Lautréamonts, Artaud… người thì tìm trú ẩn trong điên cuồng như Holderlin, Nietzsche, người khác như Novalis ca ngợi "tự tử" như tác động triết lý hơn hết, vì nó là động tác duy nhất thỏa mãn được cái điều kiện của một "họat động siêu việt". Đã có rất nhiều nhà văn đã tự sát thật, còn người khác như Albert Camus chẳng hạn thì cho rằng trong triết học chỉ có một vấn đề nghiêm nghị hơn cả là vấn đề tự sát… Cái học như thế biểu lộ chưa đạt đến giếng thiêng, đến mạch "cam tuyền" để làm vọt lên tía nước vui sống ngọt ngào thấm nhuần tất cả cái học khiến cho càng học càng ham. Đó là cái học của thánh hiền càng già càng dẻo càng dai: "học đến quên ăn quên chết". Vương Dương Minh nhờ học mà quên tuổi già "khả dĩ vong ngô lão". Có sự khác nhau như thế vì một bên càng học càng đi vào nội tâm, một bên càng học càng chạy vòng quanh hay ran xa ra mãi. Mà càng ran ra xa là càng biết ít: "kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu" ĐK. XLVII. Vui làm sao được. Khi nói về Đạo học, Khổng Tử ví với lúa có thứ mọc rườm rà, có thứ trổ bông, và có thứ mẩy hột. Tử viết: "Miêu nhi bất tú giả hữu hỷ phù. Tú nhi bất thực giả hữu hỷ phù, 苗 而 不 秀 者 有 矣 夫! 秀 而 不 實 者 有 矣 夫 !" (L.IX.21). Miêu là rườm rà chỉ có văn vẻ bên ngoài. Tú chỉ tư tưởng trừu tượng như trong nhiều ý hệ, nhưng không đủ nuôi dưỡng tâm hồn. Thực mới là cái nuôi dưỡng thân tâm con người toàn diện. Nói về sách Trung Dung, Chu Hy cho đó toàn là cái học có thực chất: "giai thực học dã", tức là những vấn đề đặt ra đều có tính chất trung thực, nên càng đọc càng suy nghĩ thì như cảm thấy cái gì càng xoáy sâu mãi vào tâm hồn, làm vọt lên những tia sáng và nóng. Làm thế nào để cái học của ta có thực, có được cái Lạc siêu tuyệt theo bén gót ta trong đời sống? Thưa, cần phải rút cái học ra khỏi phạm vi duy trí như hiện có trào lưu chống lý trí đã nổi lên đó đây. Tuy nhiên chống đối cũng có hai ba lối, có lối chống đối, có lối hòa giải, lối chống đối thất bại vì sẽ rơi vào chính điều mình muốn tránh, vậy chúng ta nên đi lối hòa giải. Lối Hòa có phân tích chủ trương của đối lập để đưa ra lý do không chấp nhận được hết, nhưng không chối cả, "hòa nhi bất đồng" là vậy. Bất đồng mà vẫn còn hòa nhi được. Khổng Tử thường chỉ biểu lộ sự bất đồng ý qua nhận xét tính chất dị biệt giữa hai quan điểm: "ngã tắc dị ư thị", tôi thì khác thế. Khác thế chưa hẳn là đối kháng, khác vẫn là một đoạn khi hiểu chữ dị đoan theo nghĩa là nói khác, khởi điểm khác với điểm kia. Do thái độ căn cơ như thế nên hầu không đặt quan trọng vào đối kháng nhưng vào việc "tuyệt tứ", vào việc "ngồi huyền diệu để táng kỳ ngẫu" để khỏi vướng mắc trong đối kháng bỉ thử, để vượt lên vòng Hòa là niềm an lạc của chân thành. Theo đó sự sai lầm được quan niệm nhẹ hẳn đi: trong sai lầm có mầm chân lý, hay là sai lầm chính là chân lý bị thương theo quẻ "Minh Di", trong Kinh Dịch có nghĩa là "ánh sáng bị thương". Như thế sự lầm khởi đầu từ một chân lý đã được phát kiến, nhưng vì quá nhấn mạnh đến mức độ coi như duy nhất thì khởi đầu thiên vậy và chân lý trở thành sai lầm. Sự quá nhấn mạnh thường khởi đầu do một sự bị đàn áp lâu ngày, một nhu yếu đã một thời bị cưỡng đoạt không được thỏa mãn nên phải chỗi dậy "đấu tranh giành lấy quyền sống" và vì đấu tranh nên dễ đâm ra quá đáng và trở nên sai lầm. Duy lý chẳng hạn là một sai lạc, đã khởi đầu từ một chân lý là phải truy nhận giá trị lý trí của con người, để chống lại quyền độc chiếm chẳng hạn của thần thoại là cái quy hết giá trị cho thần minh đến coi lý trí con người là vô dụng. Duy lý phản đối điều đó thì rất đúng, chỉ sai từ lúc gán cho lý trí giá trị tuyệt đối, giá trị độc chiếm (duy). Do đó theo câu "âm trung hữu dương" phải thấy trong duy lý có sai ở duy mà có phải ở lý. Đến các "sai lầm" khác cũng phải cư xử như thế. Tuy nó không đội tên duy nọ duy kia, nhưng thường mang những tên sang trọng khác có thể là chân lý là tinh thần đi nữa, nhưng tên gọi không cứu được nội dung. Cần tinh ý sẽ nhận ra chỗ sai, chỗ đúng trong những cái người ta gọi là chân lý, là sai lạc, và dù là sai lạc vẫn có chỗ có thể thâu nhận được. Tagore đã tỏ ra là một thi sĩ Đông phương khi tuyên bố: "nếu ta muốn tống cổ mọi sai lầm ra cửa, thì chân lý cũng ở ngoài cửa luôn". Si vous fermez la porte à toutes les erreurs, la vérité restera dehors". Đó là lý do sâu xa tại sao thánh hiền Đông phương không đi lối phản động mà lại đi lối quan điểm: vì phản động sẽ đưa đến thái độ độc chiếm triệt tam, còn quan điểm đưa đến thừa nhận tha nhân với sự nhận xét dị biệt về vũ trụ và nhân sinh. Để minh họa thái độ này tưởng không còn gì cụ thể bằng bức chạm ba tay nếm giấm mà ta có thể coi như ba vị Tổ sư nhân sinh chung quanh chum nước đời sống. Phật cho đời sống là "đắng" (bát khổ). Khổng nói là "chua". Lão thấy là "ngọt". Quả thực bức chạm đã nói lên được câu "hòa nhi bất đồng": bất đồng trong nhận xét. Đó là đắng, chua hay ngọt, nhưng đấy chỉ là nhận xét riêng của mỗi người còn bị lệ thuộc vào hiện tượng nên bị chi phối do điều kiện thời không dị biệt tất phải khác nhau. Nhưng Hòa trên nền tảng nhân sinh nghĩa là mỗi người phải cố gắng sống cái triết lý của mình hơn là chú trọng tìm lý lẽ để thắng đối phương. Trung Dung (32) trưng Kinh Thi "tấu cách vô ngôn, thì mị hữu tranh, 奏 假 無 言 , 時 靡 有 爭 ". Cảm thông không nói nên không có tranh biện. Nghĩa là quan trọng đặt vào việc tìm xem phải theo đích điểm nào, dùng phương thế nào, chứ không bàn về tính chất của thần minh, như giáo sư Creel nhận xét rằng: những vấn đề sâu sắc nhất mà người ta có thể nêu lên trong tôn giáo thì không phải là họ thờ các thần minh nào? Họ tin những gì? Nhưng là họ nhằm mục đích nào và làm thế nào để đạt mục đích đó? "Les questions les plus profondes que l on puisse poser au sujet d une religion ne sont pas: quels sont ses dieux? Ou quelles sont ses croyances? Mais plutôt: à quel but tend-elle? Et comment peut-on les atteindre? (Naissance de la Chine. Payot, p.315) Đạo đây là "thiên địa chi đại đức viết sinh", phương pháp là nhân sinh tức là Hòa sinh được biểu thị bằng chum nước đời sống. Đó là đất đứng chung cho cả ba vị Tổ sư để hội thông và hòa đàm về những chiều kích dị biệt của dòng sống mênh mông tuy nhất thống nhưng không kém vẻ phong phú tiểu dị được biểu lộ bằng ba tiếng: "đắng, chua, ngọt". Đắng, chua, ngọt là khía cạnh khác nhau do quan điểm khác nhau, nhưng bao giờ cũng quy hướng vào nhân sinh, nên không bị đẩy đến chỗ đấu tranh vì ý hệ. Khác xa biết bao với Đồng Chum bên Ai Lao hiện nay (khi tác giả viết những dòng này thì tiếng súng đang nổ bên Đồng Chum Ai Lao). Vì nơi đây chum không còn đựng nước đời sống nhưng là đựng nước lý với lẽ, ý với hệ và rất nhiều lời tranh biện đến át tiếng nhau phải nổ thêm súng thêm bom đủ cỡ mà mối hòa vẫn xa biền biệt. Trong khi đó máu đào và nước mắt sinh linh vẫn tuôn tràn khắp cõi Đông Nam Á. Bi phù! Cũng là học mà có cái học dẫn đến đâm chém tiêu diệt nhau, có cái học dẫn đến hòa đàm, sinh thú ở đời, thế mới hay: nội dung cái học cần phải là nhân sinh vậy. Triết học mà dẫn tới đâm chém nhau, hay ít ra cuối cùng dẫn đến chán ghét triết học, coi như cực hình, mỗi lần nghĩ đến mà sợ thì đó chưa là triết học, nhưng mới là triết công, chưa nếm được mùi vị của cái học. Sở dĩ có chuyện vòng ngoài như thế là vì hầu hết triết học gia chỉ mải mê hoặc lập ra một chủ trương khi có chút tài, hoặc giả theo một chủ trương nào đó rồi tặt ra đủ phương pháp lý luận từ danh lý la tập, qua biện chứng cốt để bênh vực lập trường của mình, của phe nhóm mình mà không cần biết đến sự thực là gì nữa. Tình trạng lạm phát luận lý học này đã là cớ làm hoen ố triết học hơn cả. Muốn tránh điểm đó cần phải chú ý đến việc thực hiện, chú trọng đến việc sống cái chủ trương, cái triết học của mình đưa ra. Đó sẽ là lối biện minh cho chủ trương cách hiệu nghiệm và hơn hết đó là đường lối tránh được những vấn đề giả tạo không liên hệ chi tới đời sống, và hơn thế nữa đó là cách thế phổ cập triết lý ra rộng rãi, làm cho nhiều người được tham dự triết, để có một hướng sống. Nói phổ cập, vì không còn phải là tài tranh luận, tài viết văn, tài diễn giảng… bấy nhiêu chỉ là cái tiểu tài, hay là tài chuyên môn kẻ có người không, vì nó không thiết yếu cho việc làm người. Ngược lại muốn làm người nghĩa là nhận thức ra đường hướng và cứu cánh của đời người thì ai cũng cần học, cần sống, và chỉ cái học sống được, hiện thực vào bản thân, chính mình thể nghiệm lấy mới là cái học trung thực, cái triết lý nhân sinh. Cái triết học đó, cái sống triết lý đó là một nghệ thuật có thể nói là nghệ thuật trên các nghệ thuật, nó tóm tắt tất cả mọi nghệ thuật. Và không còn bài thơ hoặc bản nhạc siêu tuyệt hơn là một đời sống đã sống đầy đủ, sống tràn ngập và trọn vẹn, sống thi vị như bài thơ, sống say sưa như một điệu vũ, và hòa hợp như một bản nhạc, một ca vũ nhạc phải luôn luôn sáng tác, luôn luôn thích nghi với môi trường sống cũng biến chuyển thay phông như bất cứ cái gì sống. Vì sống là động là biến. Đã biến phải có hướng. Thiếu hướng không tổ chức nổi. Không tổ chức thí không thể sinh tồn nhưng tổ chức cứng đơ cũng không thể giúp cho sống tồn tại hoặc đòi luôn luôn cách mạng rồi lầm tưởng rằng phải như thế mới là tự do; sự thực đó chỉ là chưa tìm ra hướng sống. Chỉ có lối tổ chức mà lại linh động biến hóa mới làm cho sống, sống say sưa, sống đẹp như bài thơ, như nhịp hát, như ban vũ. Vì thế chương sau chúng ta bàn đến lối sống đó và ta gọi là lối Sống Nhân Sinh.