Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> Tâm Tư

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12522 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tâm Tư
Kim Định

Chương II ( A)
1. Tại sao lại vô nhị?
Sao không nhất nguyên hay tam nguyên mà là vô nhị? Thưa, vì nhất nguyên với nhị nguyên cũng là một, khác nhau cách nói mà thôi. Vì nhị nguyên đưa tới chọn một bỏ một nên nhất nguyên là lối giải quyết của nhị nguyên, nó đánh mất mối liên hệ nội khởi và cơ thể giữa vạn vật nên làm mất luôn lưỡng nhất tính của vạn vật là mối liên hệ với Toàn thể. Không liên hệ với toàn thể là chết. Con người chỉ sống khi không bị chặt ra từng mảnh. Nhận thấy chỗ tai hại đó nên thuyết vô nhị chủ ý chống lại cái nhìn nhị nguyên (vision duelle: dvaita) có tính cách phân chia thực thể ra vô vàn sự vật riêng rẽ cách biệt. Vô nhị chủ trương vạn vật đồng nhất thể, một thực thể thuộc bình diện khác hẳn với sự vật thường nghiệm nên không có giới hạn, phân chia, li cách (advaita) như ở đợt thường nghiệm: tất cả vạn vật trong vũ trụ chỉ là một. Bao nhiêu những gì sai biệt phồn đa trước mắt chỉ là ảo mộng huyễn tướng (maya) chứ không có thực.
Đó là đại cương triết Ấn và có thể hiểu ra hai chiều: tích cực và tiêu cực. Lối hiểu tích cực chấp nhận những sự dị biệt ở đời, lúc đó Maya chỉ là thế giới chia ra nhiều sắc thái và người đắc đạo (jivan muktka) có thể chấp nhận tất cả mọi sự như là những vẻ phong phú, những sắc thái dị biệt của thực thể gọi là Brahma, nên còn giữ ý thức cá biệt là jiva (hồn). Lối hiểu này được hoàn bị do Phật giáo Đại thặng trong hạnh Bồ Tát. Thay vì nhập Niết bàn khi đã đắc đạo thì Bồ Tát lại trở về với vòng luân hồi sinh tử để độ chúng sinh. Cái triết lý nằm ẩn trong hạnh Bồ Tát là vừa chấp nhận chủ trương Phật tính là Thái nhất, là Niết bàn, không có phức thể đa tạp hay phân chia; nhưng đồng thời cũng chấp nhận cuộc sống ở thế gian như tục đế mà chân đế không khử trừ tục đế. Đó là đại để lối hiểu tích cực và phải nói ngay rằng lối này chỉ là thiểu số, còn đại đa số triết học gia hiểu vô nhị theo lối tiêu cực.
Lối tiêu cực coi mọi sự vật, mọi biến cố là huyễn ảo nên không chấp nhận là có và bởi thế triết Ấn không đưa ra chủ trương cải tạo xã hội ít ra là cách trực tiếp. Do đó tôn ti ban đầu chỉ là lối phân công, về sau bị đốc ra đẳng cấp (caste) cách vô nhân đạo, đàn bà vẫn bị coi là ma vương huyễn hoặc (tentatrice cosmique) nên đề cao lối sống độc thân, lối sống hành khổ, diệt sinh, bị coi là thuộc ảo ảnh cẩn phải diệt trừ. Cho nên ta có thể coi đó như chủ trương của số lớn triết gia Ấn, cũng như đó là nét đặc trưng của nền văn hóa Ấn Độ, và ta có thể căn cứ vào lối hiểu tiêu cực để đưa ra một số suy luận đặng làm sáng tỏ vấn đề suy tư của khóa giảng.
Đứng về phương diện nhị nguyên mà nói thì vô nhị hiểu lối tiêu cực chính cũng là một nhị nguyên trình bày lối khác, và họ cũng bị mắc bẫy của lý trí giương ra. Sở dĩ như vậy là tại họ không nhìn ra chỗ hỏng của nhị nguyên. Chỗ hỏng đó ở tại thế giới trừu tượng của lý trí, chứ không ở tại thế giới cụ thể của giác quan. Cái ngăn cản con người không đạt nổi thực tại tự thân là những ý niệm trừu tượng, chúng đứng ra làm đối tượng ngáng đường là bởi chúng không hướng lên chịu sự điều lý của tâm linh, nhưng lại quay xuống sự vật cách trừu tượng nghĩa là chú ý trọn vẹn đến một khía cạnh nào đó coi như chính Toàn thể Viên Dung, và như vậy trở thành huyễn tướng. Như thế có huyễn tướng thật nhưng phải tìm chữa ở lý trí là nơi quy tụ các dữ kiện của giác quan, mà không nên đổ thừa cho giác quan. Giác quan là những cơ năng của con người để hội thông với thế giới hiện tượng đặng cấp cho người những kinh nghiệm khả giác cụ thể là điều cần thiết cho đời sống sinh lý của nó. Nay lại khước từ giác quan như những yếu tố huyễn hoặc là đã bắn lầm vào dân vô tội, mà nhẽ ra phải nhắm vào địch thủ là những ý niệm trừu tượng của lý trí. Dân lành vô tội bị khước từ thì họ sẽ ra bưng sống lẩn lút dưới các hình thái của vọng phát vô thức mà chúng ta cần phải bàn tới.
2. Cơ cấu tâm thức con người.
Cơ cấu đó nằm trong mấy câu sách căn bản của Trung Dung như sau: "thiên mệnh chi vị tính. Suất Tính chi vị Đạo. Tu Đạo chi vị Giáo. Đạo dã giả bất khả tu du ly dã".
Chữ Mệnh ở đây phải hiểu là những chỉ thị cơ bản hướng dẫn cuộc tiến hóa của con người. Nếu chúng ta muốn dùng ngôn ngữ ngày nay để minh nhiên hóa chữ Mệnh thì có lẽ chữ Archétypes của Jung giúp được phần nào. Chữ này kép bởi Archai: là thái sơ, uyên nguyên và type là cộng tướng, là mẫu, là giống. Jung dùng chữ đó để chỉ những thần thoại chung của nhân lọai, hay những giấc mơ lớn có ý nghĩa tới vận mạng con người, hoặc những phóng tượng (phantaisie) năng trở đi trở lại nhiều lần trong tâm trí hay giấc mơ; hoặc những tiên ông tiên bà hay hiện ra giúp đỡ trong những trường hợp khó khăn của đời người. Tất cả đều phác họa ra cái thế giới vô thức bao la nhưng phác họa cách rất sơ sài, mộc mạc và thường tác giả cảm thấy lơ mơ mà không ý thức được gì cả, y như trẻ thơ hay phun nước miếng báo hiệu sắp mưa. Phun nước là một tác động trẻ thơ hay làm khi thấy trẻ phun nước bọt thì người lớn biết rằng sắp có mưa nhưng trẻ không hiểu chi cả. Hoặc những bức họa siêu thực ngòng ngòeo rất khó hiểu, đó có thể là những cơ tượng báo trước những dạng thức sẽ xuất hiện mai ngày của tâm tưởng con người. Trong nhân loại cũng có các cơ tượng như thế và nay được khoa Uyên tâm của Jung và nhiều người kế tiếp đang nghiên cứu coi đó như những biểu lộ của "vô thức" (l inconscient) nên rất mờ ảo có tính cách gợi ý, chứ ít hợp lý, khác với biểu tượng hay ẩn dụ (allégorie) vì là sản phẩm của lý trí nên nội dung ở đây đã được ý thức trọn vẹn. Ở sơ tượng, nội dung mới từ cõi vô thức nhô lên nên còn rất mờ ảo. Viễn Đông đã dùng hình ảnh Nữ Oa thân rắn đầu người. Đầu người chỉ ý thức, còn thân rắn dài hơn nhiều lần, nghĩa là còn đầy mờ ảo (Werner tr.80). Đó là biểu thị đẹp nhất của sơ tượng, và cũng vì thế sơ tượng trong triết Đông sớm được khám phá và tinh luyện, nên sau Nữ Oa thành nhận đến 2/3 trong bức chạm Nữ Oa đuôi cuốn với Phục Hy (xem hình trong Nhân Bản), nghĩa là nội dung của sơ tượng đã được minh nhiên khá nhiều. Nên chữ tượng trong Kinh Dịch được Chu Hy định nghĩa là "cõi sáng của khí âm dương" (chí trứ chi vi tượng). Tức có ý nói đến cái biết của Minh triết, bởi tâm thức của triết gia vượt xa cái biết thường nghiệm Vì thế phần nào sơ tượng trong Kinh Dịch đã đi tới siêu thức, hay gọi chung là Tâm, là Tâm linh, cao hơn "vô thức cộng thông" với các sơ tượng của Jung rất nhiều. Nói vậy không có ý bảo khoa Uyên tâm lặp lại sơ tượng của Kinh Dịch, nên là vô bổ. Ngược lại là khác vì uyên tâm đi lối phân tích và đối chiếu, nên giúp chúng ta nhận thức lại được giá trị sơ tượng và huyền sử của nền văn hóa Viễn Đông cách minh nhiên hơn.
Khi nói đến ý thức thì chúng ta phải hiểu gọn vào cá nhân nghĩa là sự nhận thức ra mình khác biệt với các cá nhân khác, các cá thể khác. Nếu chỉ có ý thức thì mới chỉ có tiểu thể và chúng ta không nhìn ra được mối tiềm thức cộng thông, mối liên hệ nền tảng giữa ta với lân nhân, với vạn vật, với trời đất. Cần phải có siêu thức, hay gọi tắt là Tâm mới nhận ra được mối liên hệ cơ bản kia, và mới có Đại thể chung cho mọi người mọi vật. Đó là đại khái nội dung của hai chữ Tâm và Tính. Chữ Tâm gần với vô thức cộng thông. Còn chữ Tính gần với siêu thức, nghĩa là với chữ Tính ta đã có một lối cơ cấu mờ nhạt ẩn trong hai chữ Tâm và Sinh kép vào làm ra chữ Tính. Nhờ khoa Uyên tâm, chúng ta nhận ra hai chữ đó không chỉ là danh từ suông, nhưng nó hợp với hai loại sơ nguyên tượng mà tôi sẽ gọi là Sinh tượng và Linh tượng.
Sinh tượng mang nặng tính cách sinh lý, thuộc không gian, nó hướng dẫn con người trong việc bảo sinh và truyền giống. Những bản năng cầu sinh, ố tử, tự vệ, tranh đấu sinh tồn, cũng như bản năng truyền sinh, truyền giống đều thuộc về sinh tượng. Còn linh tượng mang đậm tính chất linh thiêng thuộc vũ trụ và trỏ vào những chỉ đạo tiến hóa hợp với đường hướng của đại diễn tức cuộc tiến hóa chung của cả vũ trụ càn khôn. Vì thế nó tế vi và mông lungn hơn sinh tượng nên ít được người đời chú ý. Khi Khổng Tử nói: "hữu sát thân dĩ thành nhân" là ông nghĩ đến linh tượng (nhân) vượt hơn sinh tượng (thân). Chỉ có ở mốt số người đặc biệt thì những linh tượng mới hiện lên rõ hơn hoặc mau hơn so với quảng đại quần chúng. Đó là những vị Thánh triết, những bậc hướng dẫn tinh thần nhân loại. Nơi họ ta có thể thấy tỉ lệ của Kinh Dịch là tham thiên (linh tượng) lưỡng địa (sinh tượng). Địa chỉ sinh tượng vì dựa nhiều vào dĩ vãng (kinh nghiệm sống được tích lũy qua các đời). Còn thiên chỉ linh tượng hướng về tương lai vì lấy cuộc Đại Diễn tức cuộc tiến hóa chung của vũ trụ làm nơi quy chiếu. Cái sứ mạng của con người là phải làm sao cho hai yếu tố đó, cho sinh tượng và linh tượng giao hội bình quân với nhau. Khi có giao hội và bình quân chất lượng thì mới là đạt thân và gọi là Nhân. Nên Nhân được định nghĩa là:
Thiên địa chi đức
Am dương chi giao
Quỷ thần chi hội
Quỷ thẩn ở đây phải hiểu là tác động linh ứng, cái thần diệu của âm dương tụ hội nơi người. Nếu được như thế thì "thiên địa vị yên, vạn vật dục yên". "Thiên địa vị yên" ở đây phải hiểu là cái đức trời đất nơi người, cái sinh tượng và linh tượng được điều hòa đúng vị trí của chúng. Còn "vạn vật dục yên" thì hiểu về mọi khuynh hướng thâm sâu nơi con người, gọi là Mệnh, hay là những chỉ thị cơ bản hướng đạo cho cuộc sinh hóa của người. Riêng chữ dục phải hiểu là giáo dục bao hàm một sự hòa hợp có ý thức, hay là được tâm thức con người điều hợp nghĩa là chỉ cho một vị trí một công tác.
Ở người dưới phố sống theo lương tri thông tục thì sinh tượng và linh tượng cũng có chỗ đúng nhưng mặc nhiên vô thức, nên cái mệnh chỉ là định mệnh. Phải có ý thức mới đạt tới tính mệnh, mà có đạt tính mệnh thì sinh tượng và linh tượng mới làm tròn sứ mạng để kêu lên tiếng kêu của chúng trong bản hòa âm của tiểu thiên địa. Đó gọi là Hòa. Hòa là hậu quả cảu Hội. Khi quỷ thần hội thì có hòa, và con người cảm thấy thư thái thỏa mãn từ căn để. Còn khi quỷ thần không hội thì quỷ thần tán, và lúc đó quỷ thần không còn là cái diệu dụng của âm dương nơi con người như châm ngôn triết quen nói: "quỷ thần giả nhi Khí chi lương năng", quỷ thần không phải cái chi ở ngoài mà là cái khí của lương năng con người. Nếu không nhận ra thì quỷ thần trở thành những thực thể đứng độc lập bên ngoài con người, và hơn kém là mặc lốt người, vì do từ tâm người phóng ra, nên quỷ là quỷ ma, thần là thần tiên mà không còn là sự linh diệu của chính con người nữa, nghĩa là con người đánh mất phần tinh hoa cao cả nhất của mình rồi. Hiện tượng đó Mạnh Tử kêu là "phóng tâm", ngày nay Jung gọi là "vọng phát vô thức" (inflation de l inconscient) tứ c là những phóng tưởng dựa vào hình ảnh sự vật, hoặc chiếu lên sự vật cái nhìn chủ quan thiên lệch của mình, hay tưởng ra những cảnh trí xa lạ và cho là có thật. Ta có thể gọi đó là vọng tưởng. Nếu những hình ảnh đó phát hiện lên như có thực sự trước cảm quan của người ấy thì ta gọi vọng tượng.
3. Vọng tưởng, vọng tượng
Gọi là vọng và đó là những mảnh tiềm thức đầu tư bậy không được điều hợp đúng chỗ trong tâm thức và giữ một vai trò được điều lý cách ý thức hay được truy nhận ít ra cách mặc nhiên nơi những người chưa đạt đạo và minh nhiên thấu tỏ ở các vị đã giác ngộ. Giác ngộ chính là nhận thức ra được sự hòa hợp giữa các nhu yếu con người được thỏa mãn, được sắp xếp cái nọ đối với cái kia theo một tôn ti sao cho tất cả triển nở và không cái nào lấn át cái kia, Nho triết kêu là "vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại" T.D. Khi được như thế thì "thiên địa vị yên, vạn vật dục yên".
Thiên địa trong con người phát xuất dưới hình thức linh tượng và sinh tượng, thường còn quá mênh mang mập mờ, nên Lão kêu là "hốt hề hỏang hề, kỳ trung hữu tượng". Muốn cho bớt tính chất mung lung thì lý trí tìm cách biến sơ tượng thành biểu tượng, rồi biểu tượng xé nhỏ ra thành nhiều từ ngữ, mỗi từ ngữ chỉ trỏ một vật, một sắc thái. Từ ngữ và biểu tượng làm thành cái thang để con người trèo lên đến sơ nguyên tượng. Đợt thấp nhất của cái thang là các từ ngữ chỉ thị vạn vật. Khi người ta dừng lại nơi này thì Nho kêu là "tế ư từ": vướng mắc lại ở từ ngữ thì chỉ thấy sự vật riêng biệt không liên hệ chi với nhau. Đó là mầm mống cá nhân ích kỷ. Danh lý ở hai đợt này.
Đợt hai là biểu tượng chỉ ý nghĩa của một nhóm danh từ. Khi bị ngưng trệ nơi đây thì biểu tượng đốc ra những truyện vui không có đạo lý, nghĩa là không có sức linh động, vì nó chỉ có thể sinh động khi được móc nối lại sơ nguyên tượng. Khi sự móc nối có trung thực thì mới ngộ đạo và biểu tượng trở thành huyền sử, huyền thoại: với ý nghĩa huyền diệu linh thiêng. Còn khi sự móc nối giả tạo thì bấy giờ huyền thoại đọa ra nghĩa huyễn thoại, huyễn hoặc. Điều đó xảy ra khi biểu tượng móc nối với các vọng phát vô thức.
Vọng phát xuất hiện là khi nào đường đi từ ngôn từ đến sơ tượng bị ứ đọng, bị khước từ, khi các mệnh lệnh của cuộc tiến hóa biểu lộ qua sơ tượng không được ý thức tiếp nhận, không được thỏa mãn. Lúc đó ý thức bị tràn ngập, hay là nguyên tượng bao vây ý thức mà ta gọi là vọng phát vô thức. Sở dĩ nguyên tượng tràn ngập ý thức cá nhân là vì nó mạnh hơn ýthức nhiều vô kể. Bởi ý thức cá nhân chỉ sống trong một thế hệ cá nhân, lâu lắm là một trăm năm, nên vốn liếng kinh nghiệm rất ít so với sinh tượng đã xuất hiện hàng tỉ năm trước. Lấy về đàng to lớn thì "ý thức cá nhân biệt cách, còn linh tượng là liên tục vì nó bao gồm cả cuộc Đại Diễn nghĩa là cuộc tiến hóa của vũ trụ hướng về một tương lai cũng phải dài từng tỉ năm". Như thế làm sao ý thức cá nhân chống lại được. Cho nên khi ý thức đó không biết cách truy nhận, hoặc truy nhận quá đáng một yêu sách nào để lấn át những yêu sách kia, thì tất nhiên những yêu sách khác phải tìm lối sống bên ngoài con người, đó là lối sống không hợp với nó cũng như với con người, nên gọi là vọng phát.
Còn chữ vô thức đi kèm có hai nghĩa: một là yêu sách kia vừa ló dạng vào cảnh vực ý thức liền bị đẩy lui thì nó rút xuống cõi vô thức, rồi từ đó nó chiếu giãi ra ngoại vật hoặc với hình thái các sự vật khách quan được hiểu cách cố thể (figé, solide) hoặc dưới hình thái tâm thức được nhân hình hóa (hypostasier) như quỷ thần có đời sống riêng độc lập bên ngoài tầm điều hợp của tâm thức.
Vô thức còn có nghĩa thứ hai nữa là tâm thức con người không nhận ra đó chỉ là những sản phẩm của mình chiếu giãi ra, nên lại truy nhận sự hiện hữu của chúng và thiết lập các mối giao tế với những hình bóng chiếu giãi đó. Tác động vô thức này làm cho những vọng phát trở nên mạnh mẽ thêm. Câu nói "tin ma ma làm" phải đặt vào đồng văn này mới hiểu hết ý nghĩa, ma chỉ có vì mình tin, và bước sau là không những ma có mà lại còn tác động nữa, thế là tại niềm tin gia tăng. Nói khác hình thái vọng phát chỉ do tâm thức con người mà có, nên nó cũng chỉ sống nhờ vào tâm thức đó truy nhận và tiếp tế. Khi nào tâm thức tỉnh giấc nhận ra cơ cấu của chúng thì lập tức các vọng phát biến đi, và không còn tác oai tác phúc chi hết nữa. Nói theo nho gia trả lời Lê Công về hai con rắn thần hiện ra ngoài cửa nam đánh nhau một con chết. Vua hỏi liệu yêu quái đó còn nữa hay không. Thân Nhu trả lời "khi người ta sợ cái gì thì khí trong người tỏa ra làm nên cái hình tượng cái đó, cho nên ma phát nguyên từ nơi lòng người. Nếu như người không có kẽ hở thì yêu mà không thể xuất hiện, chỉ khi người bỏ đạo Thường thì yêu mà mới hưng khởi lên đe và mới có ma. "Yêu do nhơn hưng dã, nhơn vô hấn yêu, yêu bất tự tác, nhơn khí Thường, tắc yêu hưng cố hữu yêu". (Tả truyện ch.III Trang Công năm 14. Couvreur 14. 160. So với Poychologi of hallucinations, Tyrrel, thấy câu trên thật mơi mẻ).
Sở dĩ vũ trụ quan người xưa và cách riêng người Ấn Độ có quá nhiều quỷ thần (Phật tổ đã khai trừ hai triệu quỷ thần của phái Véda:deux millions de dieux védiques), là tại phần lớn triết học rơi vào ngõ huyền không u tịch: mysticisme acosmique, nghĩa là không truy nhận những kinh nghiệm giác quan với các hiện tượng bên ngoài, mà cho đó chỉ là huyễn tướng ảo giác, thì luật sinh tồn bắt buộc chúng phải bao vây tràn ngập tâm thức, đó là điều tất nhiên. Việc bao vây này càng khép chặt khi tâm thức càng chống đối khước từ. Ngược lại vòng bao vây sẽ buông nới theo đà mở rộng của tâm thức. Khi nào tâm thức mở rộng cho tới tận cùng của vũ trụ để có thể nói cách trung thực câu "Ngô tâm tiện thị vũ trụ, vũ trụ tiện thị ngô tâm" thì lúc ấy vọng phát vô thức sẽ biến mất. Có thể nói là chúng đã bị tiêu hóa trọn vẹn, hay nói khác là tâm thức đã nhìn nhận ra đó chỉ là con cháu nhà, nên xếp đặt nơi ăn chốn ở trong "nhà" (thiên địa vị yên, vạn vật dục yên) thì còn đâu nữa là vọng phát. Bởi thế chúng ta có thể dùng mức độ vọng phát để đo tầm cao thấp của một cá nhân hay một nền văn hóa. Nền văn hóa còn mang theo quá nhiều vọng phát, tức các loại dị đoan, tin nhảm, kỳ quái… là tỏ ra còn thấp, còn yếu ớt, nên cần nương tựa vào ngoại lực, ngoại lực càng trở nên nhiều, nên mạnh, mạnh ít thì đủ có một đời sống độc lập bên ngoài con người, và từ đấy thay vì sống chính đáng cách thong dong theo tính tự nhiên (xuất tính chi vị Đạo) con người phải sống theo những mệnh lệnh của vọng phát.
Mà vì vọng phát xuất hiện do sự từ khước của tâm thức nên chúng cũng mang ấn tích sâu đậm của sự từ khước này, nghĩa là nó mang "căm hờn" vì đã không được sống trong tâm thức với quyền công dân là được truy nhận, mà lại phải sống lẩn lút ngoài bưng dưới hình thái bất hợp lệ của vọng phát. Vì thế khi nắm được chính quyền để ra mệnh lệnh thì những mệnh lệnh đó bao giờ cũng mang tính cách báo thù và nhằm củng cố cho thế lực của nó, nghĩa là lại khước từ một số nguyện vọng căn bản khác của con người để chúng phải lẩn trốn ra bưng tăng viện hàng ngũ của vọng phát. Bởi thế khi người nào không được học biết sống cách tự nhiên theo Đạo làm người, không được "suất tính" thì thế nào cũng bị rơi vào vòng luẩn quẩn của hiện tượng vọng phát với tinh thần bất an vốn dính liền, và do đấy con người tìm ra rất nhiều thuật pháp phương thế đặng thóat ra, thí dụ một số Yoga của Ấn Độ hay các khoa lý luận của Tây phương. Vì cả hai nền triết này đều rơi vào vọng phát. Về triết Tây như trên đã nói, nó mang nặng tính chất duy lý, mà duy lý với duy giác là một (intellect = sens). Giác quan chỉ thấy có vật thể chứ không đạt được tâm linh, chỉ biết biểu tượng mà không nhìn ra sơ tượng, thì tất nhiên sơ tượng phải đi lối vọng phát tăng biện cho các vật thể, và từ đó vật thể được nhìn như những vật tự thân, cố thể, biệt lập, không dính líu chi tới con người để có thể bắt con người chạy theo "chúng". Lý trí không thể biết sự vật chỉ là những mốc giới cùng cực của dịch trường (champ) nên coi chúng như những sự vật riêng rẽ, khách quan, độc lập ngòai hẳn con người, đã không chút liên hệ còn đứng đối lập với con người. Vậy cũng là một lối vọng phát tức là quan trọng hóa hạn từ (hiện tượng) lên bậc sự vật tự thân, và theo luật vọng phát bao giờ cũng đứng trên con người nên người phải suy phục sự vật, tuân theo các luật tất định của chúng gọi là định mệnh. Từ đấy các khoa luận lý trở thành rất đồ sộ với hệ thống nguy nga, với rất nhiều thay đổi qua các đời từ danh lý đến biện chứng, tân luận lý, khiến cho người chưa quen đâm hoảng với mặc cảm tự ti. Còn những người đã đi sâu vào thì nhận ra đó là bấy nhiêu chai lọ thuốc với nạng chống và xe đun để cho triết học gia "trục vật cầu tri": dồn hết tâm lực vào rùa và quãng cách xa mà quên bặc cái sinh lực, cái tác động của Achille là chính chân thể. Do đấy triết học chúi hẳn sang phía vọng phát của sinh tượng với hậu quả tất yếu là để cho không gian lấn át thời gian, để cho cá nhân chủ nghĩa tràn ngập tất cả, làm chìm mất mối tương quan chân thực.
Ngược lại triết lý Ấn Độ lại chúi sang phía vọng phát của linh tượng, coi thường sinh tượng, nhưng sinh tượng vẫn hiện ra đó, thúc phọc đàn áp đạo sĩ nên đạo sĩ phải nghĩ ra rất nhiều pháp thuật Yoga, vô từ, hay nhất ý (monoidéisme) tập trung tư tưởng vào cái không không hay là vào một ý nào duy nhất đến độ độc chiếm, đặng cho quên hết được thế giới bên ngoài, và cho thế là lý tưởng. Đó gọi là "trầm không u tịch": mysticisme acosmique, nó ở tại chối từ không chấp nhận sự gì là có, dầu là cái có chính đáng như hạn từ của tương duyên (les termes d un corrélat) thì lúc đó vọng phát của vô thức cũng dâng lên đến cực độ, thí dụ dưới hình thức thần Brahma ở xa tắp tít con người mãi trên cung Đâu Xuất cách chúng ta cả biết bao muôn ức triệu năm. Xét theo tâm lý là thần linh thật đã xa rời con người lắm lắm. Một khi thần đã xa thì xã hội rơi vào biết bao bất công, tàn bạo mà đến nay các nhà giác ngộ đang cố tâm sửa chữa với biết bao khó khăn, thí dụ việc giết bò cái năm nào súyt làm đổ cả một chính phủ.

<< Chương I ( B) | Chương II (B) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 281

Return to top