Ông chồng say rượu giựt mình thức dậy lúc quá nửa đêm. Ông ngạc nhiên mà thấy mình nằm trong một buồng lạ, nhìn kỹ lại thì ra đó là buồng của vợ ông.
Ông lại càng ngạc nhiên hơn. Từ thuở giờ, đêm nào qua đây yêu vợ, ông ra về ngay sau đó. Lối ngủ riêng giường, riêng buồng mà nhà giàu ta bắt chước Âu châu, dễ chịu lắm, không thế nào mà ông bỏ thói quen nầy. Cớ sao hôm nay...
Lạ lùng nhứt là Huyền Trân không có mặt. Đèn chong trong phòng vẫn sáng đủ cho ông thấy sự vắng bóng của người bạn đời của ông. Tuy nhiên ông vẫn vói tay lên đầu nằm, mò kiếm trái boa rồi bóp cho đèn lớn sáng lên.
Khoảng trống bên cạnh ông, nơi mà đáng lý là chỗ nằm của Huyền Trân, thẳng thơm và sạch sẽ như ta mới ủi, trải lên đó. Thế nghĩa là chưa có người thứ nhì nào đặt lưng lên giường cả, trừ ông ra.
Ông Hóa xem lại đồng hồ tay thì thấy đã một giờ đêm rồi.
Ông hơi hoảng, vụt ngồi dậy thật lẹ thì nghe đầu nhức muốn bưng lên. Sự đau đầu nầy ông vẫn bị, nhưng không nghe rõ lắm. Tại cử động mạnh và đột ngột làm cho chứng đau trở nặng thình lình.
Ông Hóa nhăn mặt, bóp trán rồi bỗng nhớ lại tất cả những gì xảy ra lúc đầu hôm, trừ những giây phút trước khi say.
Ông định rằng vì say rượu, ông vào lộn buồng và vợ ông đã thừa dịp tốt mà ông như đã chết trong mấy tiếng đồng hồ để...
Lại nổi giận đùng đùng, ông chồng ghen nhảy xuống giường, không kịp xỏ chân vào đôi giầy mà vợ ông đã cởi ra để dưới chân giường, phóng một cái là ra tới cửa.
Nhưng ông đứng lại và vội bước trở vào buồng để chụp lấy cây đèn pin mà ông thấy để trên một chiếc bàn con đặt cạnh cửa ra, kế bên một tượng đồng đen.
Ông Hóa không mở đèn điện mà soi đường bằng chiếc đèn bấm ấy rồi nhảy từng ba nấc thang lầu một để xuống dưới nhà.
Tới đây, ông chợt thấy rằng ông đã hớ: ông chạy mau quá và chạy nhanh quá, như vậy kẻ làm tội đã được chính ông báo động cho và kịp xóa hết dấu vết.
Bấy giờ, ông rón rén nhón gót mà đi, như một tên trộm. Nếu có ai rình, họ chỉ sẽ thấy một tia đèn soi nẻo, sau đó, bóng dáng mơ hồ của một người đàn ông vạm vỡ.
Như ta đã biết, buồng ngủ của Minh đặt ở đây. Ông Hóa đã cho xây hai bức vách ở một xó phòng, không trổ cửa ra phòng lớn, Minh ra vào bằng một cái cửa trổ ra sân sau.
Ông chủ nhà len lén mở cửa chính nhà ông rồi nhón gót bước ra sân sau, nhẹ bước như một con mèo, ông đến áp tai vào cửa buồng của Minh.
Ông đứng đó không biết trong bao lâu, dường như có cả nửa tiếng đồng hồ, nghe mỏi, nghe lạnh và bị muỗi đốt, nhưng bên trong vẫn im lìm.
Người chồng nghi kỵ đứng thẳng dậy, trở gót đi ra dãy nhà phụ thuộc sau đó. Ở đây, chỉ có buồng của chị bếp và buồng của Lầu là có khóa, bao nhiêu buồng khác chỉ khép cửa sơ thôi, và ông đã lục soát khắp nơi kể cả buồng vệ sinh của tôi tớ.
Ông áp tai vào cửa của hai buồng đóng kín và cũng đứng ở hai nơi đó một hồi lâu, nhưng vẫn không nghe thấy gì.
Ông Hóa vừa thất vọng vừa mừng thầm. Ông đã chuẩn bị để bẻ cổ hai đứa, hay ít lắm cũng một đứa, bây giờ không được bẻ cổ ai hết, ông hơi khó chịu. Còn ông mừng là mừng khỏi phạm tội sát nhơn, nhứt là khỏi bắt gặp cái chuyện nó làm cho ông đau dớn.
Vào nhà đóng cửa lại, ông băn khoăn, không biết vợ ông biến đi ngã nào và bỗng ông hết cả hồn vía mà nghĩ rằng Huyền Trân có thể đã quyên sinh.
Ông lại nhảy từng ba nấc thang một để lên lầu và lên tới nơi, ông mới chợt thấy rằng ông đã sợ một cách vô lý. Nếu Huyền Trân tự tử thì còn xác nàng ở đâu đó chớ, không lẽ chết thì tan xác ngay như pháo.
“Hay là... nàng đã cuốn gói mà đi với Minh ?” Ý nghĩ nầy làm cho ông Hóa hoảng hốt hơn. Ông vội đi về buồng ông, định thay y phục để xuống bót cảnh sát ngay. Ông sẽ dùng cả uy tín, thế lực, tiền của ông để xin một cuộc can thiệp ngay của công lực, lục soát tất cả các khách sạn lớn nhỏ trong đêm nay, để nện cho Minh một trận cho hả giận.
Ông ngạc nhiên hết mấy giây mà thấy cửa buồng ngủ của ông được khóa lại bên trong, rồi chợt hiểu cả: Huyền Trân đổi buồng.
Ông bật cười rồi lững thững trở về buồng vợ, vừa đi vừa tự hỏi ông vào đây và Huyền Trân qua bên kia trong trường hợp nào. Giường của Huyền Trân không mang dấu vết một người nằm thứ nhì. Có lẽ thấy ông vào, nực nồng hơi rượu, nàng đang nằm, dậy để bỏ đi. Ông say quá ngã đại lên chỗ nàng vừa rời bỏ.
Thấy mình đoán việc cũng khá ổn, ông Hóa an lòng bước vào buồng của vợ, trả chiếc đèn pin y nguyên nơi chỗ cũ, rồi đi nằm.
Lần nầy ông ngủ được.
Sáng ra, chị bếp đợi ông chủ bà chủ mãi để dọn bữa điểm tâm rồi xin tiền chợ.
Huyền Trân đã thức thật sớm, nhưng không ra khỏi buồng. Còn ông Hóa thì ngủ luôn đến tám giờ.
Ông vô buồng ông để thay y phục và Huyền Trân mở cửa sẵn, thấy dạng ông vào, nàng thoát ra ngay để trở về buồng nàng.
Hai vợ chồng mắc cỡ với nhau, không ai nhìn ai cả, và giả vờ không nhìn thấy nhau. Ông Hóa thay đồ xong, xuống dưới nhà bảo chị bếp bưng phần ăn sáng của vợ ông lên lầu, không ai hỏi gì, mà ông cứ cố giải thích rằng bà khó ở.
Thế là họ đã thoát được hai cuộc hội kiến tay đôi rất khó chịu, nhưng cả hai đều băn khoăn tự hỏi rồi sau đó thì sao ? Không lẽ nàng cứ giả bịnh mãi và ông cứ tùng đảng mãi với nàng mà khỏi bị tôi tớ sinh nghi.
Nếu họ nghèo khó, chắc dễ tính lắm. Bà vợ cứ làm xong công việc nội trợ, dọn ăn lên cho ông chồng, còn bà thì thủ phận chồng chúa vợ tôi, ăn dưới bếp. Như thế họ cứ ở chung nhau mãi mà vẫn tiếp tục giận nhau, ghét nhau, hoặc xấu hổ với nhau được như thường.
Huyền Trân nhớ đã nghe bạn hữu, lúc nàng còn đi học, kể chuyện một vị giáo sư ở tỉnh kia. Ông ấy giận vợ suốt ba năm, mỗi ngày biên thực đơn để sẵn trên bàn, cô vợ thức dậy là biết chồng muốn ăn cái gì trong ba bữa ăn hôm nào đó.
Cuộc sống chung câm lặng ấy kéo dài cho đến năm khởi nghĩa và cô vợ chết trong loạn ly lúc tản cư vào đồng quê mới chấm dứt.
Nàng nghĩ rằng nếu cô vợ vô phước ấy mà không vắn số thì có lẽ đến ngày nay họ vẫn còn sống với nhau được dưới một mái nhà mà khỏi nói với nhau lời nào cả, khỏi gặp mặt nhau, khỏi phải bỡ ngỡ với nhau.
Sáng hôm nay, Huyền Trân đã phải nghĩ xa hơn hàm oan nan giải của nàng, nghĩ xa về sự giao tiếp giữa đôi vợ chồng nàng và nếp sống của nàng. Làm thế nào để đi đó đi đây. Giờ thì đến dùng tắc xi cũng không tiện. Nàng phải nằm nhà cho đến khi nào ông ấy hết nghi kỵ mới xong.
Nhưng biết tới bao giờ lão ta mới hết nghi kỵ. Trận ghen của ông hôm qua chưa bùng nổ lên được thì ông cứ còn ấm ách, cứ còn ngờ vực.
Trước mặt Huyền Trân là một mâm đầy thực phẩm mắc tiền: hai trứng gà la cót, bánh mì, bơ lạt và một ly nước trái cây ướp lạnh với lại một ly cà phê nóng lên hơi nghi ngút và thơm phức mùi cà phê tốt.
Thế mà nàng không nuốt trôi món nào cả, kể cả ly nước trái cây lạnh.
Nàng đã nuốt mất sự mắc nghẹn đời nàng đến ba lần, lần được mẹ dỗ ngọt đi lấy chồng, lần về nhà chồng và lần nầy nữa đây. Và mỗi lần như vậy, nàng mắc nghẹn cả trong các bữa ăn.
Huyền Trân cố nuốt một cái trứng gà, và uống nửa ly nước trái cây, rồi bước lại ghế bành mà ngồi. Chiếc ghế bành nầy, nàng đã cho kéo ra gần cửa sổ, không phải để ngồi mà nhìn xuống vườn vì bệ cửa sổ cao hơn mắt người ở ghế đó, mà để nhìn tàn một cây me mọc gần cửa sổ nầy.
Nàng có nuôi một bầy chim trời bằng cách nhử mồi ở bệ cửa sổ. Mỗi ngày chim đáp xuống bệ để ăn thóc, ăn hột cải và uống nước.
Phận chim lồng của nàng hôm nay, phải được chim tự do an ủi. Nàng sung sướng mà thấy chúng nó thong thả nhảy nhót chớ không cà nanh với chúng vì chính nàng đang bị cầm tù.
Dưới nhà, ông Hóa cũng không nuốt trôi bữa ăn sáng, cùng một thực đơn với bữa ăn của vợ ông.
Ông mong xảy ra việc gì đó, để ông có thể làm lành lại với vợ ông, chẳng hạn như một cuộc viếng thăm của vợ chồng một người bạn mà bà vợ rất được Huyền Trân thích và vị nể. Huyền Trân sẽ phải xuống tiếp khách, sẽ phải làm ra vẻ rất thuận thảo với chồng, nghĩa là sẽ phải nói đến ông, và ông sẽ có dịp - cố ý hay bắt buộc - hỏi nàng về một chi tiết nào. Sự thân mật miễn cưỡng sẽ xí xóa tất cả.
Từ ngày ông cưới vợ đến nay, cha mẹ vợ ông chưa tới đây lần nào. Ông Hóa hy vọng hão huyền may mắn ấy sẽ xảy đến nay mai. Chắc chắn Huyền Trân sẽ đóng kịch hạnh phúc để ông cụ bà cụ ấy vui dạ. Ông không đóng kịch, ông sẽ sống thật đời sống của một người chồng yêu vợ và chiều chuộng vợ. À, ông sẽ tặng Huyền Trân con trai tách làm hai và ngâm rượu một trăm chữ, giữa thịt nó một hột ngọc trai to bằng ngón tay cái phơi đủ cả màu sắc dưới ánh đèn của một hiệu bán đồ Nhựt Bổn kia.
Món quà tuy không đáng là bao đối với của cải của ông, chỉ vài ngàn bạc thôi, nhưng Huyền Trân sẽ vui lòng lắm. Nàng chưa thấy ngọc trai nằm trong thịt con trai lần nào, và chưa biết có món hàng ấy trên thị trường Sài Gòn.
Những dịp như vậy, chính ông, ông có thể tạo ra như chơi, chẳng hạn gọi điện thoại mời vợ chồng ông Ngọc tới uống rượu.
Bà Ngọc là một triệu phú học rộng và giản dị trong tánh tình, rất được Huyền Trân yêu mến. Một già một trẻ ấy giao du với nhau gần như đôi bạn đồng lứa.
Ông lại có thể kính thơ lên Ban Mê Thuật để mời bố mẹ vợ về Sài Gòn xem một tuồng cải lương mới chẳng hạn.
Nhưng ông quyết không làm. Tự ái của ông ngăn ông hành động như vậy cho dẫu là vợ ông không hay biết. Ông sẵn sàng tha thứ vợ, nhưng quyết cứu vãn danh dự ông, đối với cả ông nữa. Và tai hại thay, ông cứ còn hờn vợ ông.
Lòng sẵn sàng tha thứ của đàn ông không sao tẩy sạch được hận, cũng như tội lỗi của đàn bà không sao được sự tha thứ của chồng họ rửa hết vết nhơ.
Luôn luôn còn lại cái gì.
Cái đó sẽ làm cho cuộc đời họ đen tối trong những năm cuối cùng của đời họ, bốn mươi năm, đàn ông chưa nguôi hận, mà đàn bà cũng chưa trong veo lại được.
Trong khi chờ đợi tuổi già để mà cắn xé nhau, để mà nhắc chuyện cũ, để đầu độc đời nhau, thỉnh thoảng bờ suối thấy đáy lại bị bầy trâu ký ức quậy đục lên một đôi ngày.
Là vì lòng sẵn sàng tha thứ của đàn ông, không phải hoàn toàn do độ lượng của họ nhủ họ. Họ tha thứ vì cần kẻ phạm tội, cần sắc đẹp, cần tài sản, cần tài quán xuyến của kẻ ấy, cần thế lực của bên vợ họ.
Họ rất ích kỷ, ít khi chịu tìm khuyết điểm của chính họ, tìm những lý do phức tạp đã xô vợ họ vào vực thẳm để mà tha thứ và họ cho rằng, dầu sao đi nữa người đàn bà cũng phải trọn tiết với chồng.
Vậy ông Hóa sẽ tha thứ nhưng không nguôi hận. Có người khác đã chạy lên lầu để đầu hàng, sau một hai ngày thiếu người đàn bà đẹp mà họ không thể rời. Nhưng ông thì không. Mời bạn đến chơi rồi giả vờ như họ tự nhiên đến, Huyền Trân không thể biết được sự thật kia mà ông còn không chịu làm thay.
Có người khác sẽ nhìn thẳng vào mắt vợ, trắng trợn đặt vấn đề cật vấn và cho vợ tự bào chữa, cốt phải dứt khoát chớ không thể để dài dòng một việc quan trọng, có tha thứ là tha thứ sau khi phạm nhơn nhận tội kia, chớ không thể để tội lỗi được khỏa lấp. Nhưng đó là thái độ của những người can đảm.
Ông Hóa không hèn, nhưng hơi nhát gan. Ông sợ Huyền Trân bí đường chối cãi rồi đâm liều.
Còn cái anh thư ký Minh ấy nữa. Nhớ tới Minh, ông Hóa nắm tay lại đấm lên bàn một cái rầm, muỗng sắt nhảy múa trên mâm kêu lổn rổn.
Nó đã hưởng không biết bao nhiêu là ân huệ của ông nên tự nhiên, nó là kẻ phản bội đê tiện mà ông muốn đập nát đầu nó ông mới nghe cho.
Đá vào mông nó một đá rồi tống nó một đạp cho nó văng ra vỉa hè rồi cấm cửa nó luôn là hình phạt nhẹ nhứt đối với một đứa không ra gì như vậy.
Nhưng ông vẫn chưa quyết định được. Minh là bài toán bể đầu thứ nhì của ông. Không phải vì hắn thạo nghề. Ông cần hắn lắm, nhưng vẫn có thể tìm người thay thế.
Phân vân của ông là do trong lòng ông còn một chút xíu hồ nghi lũ nầy vô tội. Ông không dám chắc mười mươi là họ đã có gì với nhau. Cũng nhờ thế mà ông đỡ đau khổ phần nào và dằn được từ hôm qua tới nay.
Ông cố nhớ lại những bằng chứng cụ thể, sự nhầu nát y phục của “hai đứa nó”, vẻ mặt sượng sùng của Huyền Trân, rồi ông tưởng tượng mạnh vào, thêm thắt ra nhiều chi tiết nữa và ông nghe đau xót quá, vội xua những hình ảnh tưởng tượng ấy ra ngay.
Lắm lúc ông lại hô lên trong bụng ông: “Không, không thể nào chúng nó dám”.
Dầu sao, ông cũng không tha thứ cái thằng phạm thượng nầy được nếu nó đã phạm tội.
Nhưng làm thế nào để điều tra cho biết đích xác sự thật. Ông quyết định nhắm mắt để rộng lượng với vợ ông nhưng với tên nầy thì thật khổ.
Đập chết nó, hoặc tống cổ nó đi, cái nào ông cũng dám làm hết. Nhưng phải biết chắc một trăm phần trăm rằng nó có tội kia.
Bấy giờ đã hơn chín giờ rồi. Minh lấp ló nơi cửa sau hồi lâu rồi quả quyết bước vào.
Ông Hóa trợn mắt nhìn viên thư ký riêng của ông rồi quát lớn:
- Gì đó ?
- Thưa ông, không có gì hết, tôi vô để làm việc.
Ông Hóa cụt hứng. Ông quên mất rằng ở bề ngoài Minh không có tội gì cả và bổn phận chàng là phải vào đây để làm công việc hằng ngày của chàng.
Ông cứ nghĩ trong bụng rằng chàng là một phạm nhơn đang trốn tránh, mà có vào là chỉ để xin tội thôi, nên ông mới nạt nộ như vậy.
Cụt hứng, ông càng tức giận anh con trai nầy hơn và lại quát lớn:
- Cút đi, không có việc gì đâu !
Đuổi Minh đi xong, ông Hóa càng tức giận hơn. Ông rất cần hai người ở bên cạnh ông là vợ ông và viên thư ký nầy. Họ giúp cho ông hết cô đơn, và họ được đền công xứng đáng, một bằng tiền bạc, một bằng tình yêu của ông.
Ông có tiếc gì với họ đâu, thế mà ông vẫn không nắm giữ được họ.
Kẻ nào căm giận cũng hóa ác cả, cho dẫu họ là người tốt. Cơn giận không đổ trút vào đâu được hết, lộn vào thâm tâm mà nơi đó nó bị nghiền ngẫm, bị nhai đi nhai lại tìm lối thoát. Mà lối thoát độc nhứt của hận ngầm chỉ có thể là cuộc báo thù tàn nhẫn ghê hồn không thể tưởng tượng được.
Ông Hóa ngồi đó mà nhai rất lâu mối hận không thể tiêu hóa được của ông rồi thình lình, chính ông cũng nghĩ đến câu chuyện Tích Tăng và Ỷ Sơ mà vợ ông đã nghĩ đến ngày lên xe hoa.
Chuyện kể rằng khi vị vua già biết được người hoàng hậu trẻ tuổi Ỷ Sơ tư tình với viên tiểu tướng Tích Tăng thì ông ta xuống lịnh trừng phạt Ỷ Sơ một cách khủng khiếp mà chưa ai hề nghĩ tới bao giờ; Ỷ Sơ bị xô vào để hiến thân cho bọn ăn mày cùi, trước mắt Tích Tăng.
Thuở ấy ở Âu Châu cũng như ở xứ ta, người cùi bị đẩy ra ngoài lề xã hội: Họ đi hành khất và sống riêng biệt trong một thế giới riêng mà loài người ghê tởm nên không ai dám xen vào thế giới đó mà can thiệp cái gì hết.
Thiếu thốn tình yêu và đàn bà, bọn hành khất cùi hóa thành những con thú dữ trong chuồng khi vồ được mỹ nhơn.
Lối trừng phạt kinh hồn ấy cũng bằng như là xát muối ớt vào tim của Tích Tăng và nện hằng ngàn chày vồ lên người của Ỷ Sơ vậy.
Ông Hóa bươi trí để tìm một lối trả thù, một cuộc trừng phạt tàn ác, nếu không hơn thì cũng bằng như thế, để làm cho cả hai đứa đều đau khổ xé tim xé ruột như nhau.
Nghĩ rất lâu mà không ra mẹo gì hay, ông Hóa đành chịu phục tài lão vua già quái ác trong chuyện cổ tích.
Nhưng không bỏ cuộc, ông nghĩ đến giải pháp giết Minh, thế nào cho Huyền Trân biết đích xác rằng ông là thủ phạm còn pháp luật thì không tìm được bằng cớ nào.
Huyền Trân phải đau khổ mà không tố cáo ông được.
Nhưng như thế cũng chưa đủ. Chính viên thư ký phản bội cũng phải đau khổ rồi kinh sợ cực độ trước khi tắt thở.
À, việc nầy thì hơi khó. Ông không muốn động đến móng tay của Huyền Trân thì làm thế nào cho “thằng khốn kiếp” đau khổ được.
Ông Hóa mỉm cười mà nghĩ mẹo nầy: ông sắm roi cá đuối - sai Minh vào Chợ Lớn tìm mua - rồi lại sai Minh xuống bếp xin muối ớt của chị bếp.
Đoạn ngày nào ông ta cũng lên lầu mà quất trót trót vào nệm, rồi giả tiếng than khóc của đàn bà mà rên rỉ. Gã si tình dưới nầy hẳn phải ôm ngực mà khóc thầm.
Nhưng ông bỏ ngay trò kịch ấy, Huyền Trân đoán biết sẽ cười cho ông thúi đầu đi.
“Thôi được, chỉ làm cho nó kinh sợ là đủ rồi, trong những phút cuối cùng của nó, nó phải biết tội trạng của nó, và phải thấy mặt kẻ ám sát nó !”
Ông lão miệng hùm gan sứa nầy rùng mình trước một xác chết hiện lên trong trí tưởng tượng của ông. Không, ông chưa hề giết được một con sinh vật nào cả, vì việc ấy ghê quá.
Ông lại sợ bị pháp luật trừng trị. Xem chiếu bóng và đọc truyện rùng rợn, ông thấy luôn luôn kẻ sát nhơn để lại một sơ hở nào trong những cuộc ám sát nghiên cứu và chuẩn bị tỉ mỉ nhứt.
Hầu hết kẻ nào rốt cuộc cũng lên máy chém cả.
Hai người phái nam nầy, một già một trẻ, ai cũng đã ít lắm là một lần, nghĩ đến việc hạ sát kẻ kia, nhưng không ai dám làm gì ai hết...
Chim bạn của Huyền Trân hôm nay không đến. Chỉ có mấy con sẻ ham ăn và làm thân với bất kỳ ai, đáp xuống phá mồi, và ăn hết hột, chúng nó quẹt mỏ bay mất !
Buồn quá, Huyền Trân đứng dậy, ló đầu ra ngoài khung cửa, ngửa mặt lên để tìm bạn trong tàn cây.
Lâu lắm không thấy bóng người quen, Huyền Trân mỏi cổ, xây mặt vào, nàng thoáng thấy Minh đi thơ thẩn trong vườn.
Kỳ lạ thay, đây là lần đầu tiên mà nàng thấy NGƯỜI THANH NIÊN ẤY.
Từ buổi lên xe hoa đến nay, Huyền Trân chỉ được dịp nhìn mặt anh con trai nầy thôi. Mặt mũi hắn hiền hậu và khá khôi ngô, nhưng tướng mạo hắn thế nào, thật nàng không rõ vì không thấy cần ngắm hắn lần nào.
Nơi người đàn ông con trai, tướng mạo quan trọng hơn diện mạo nhiều. Họ hiên ngang tuấn tú hay bần hèn, xấu xí gì cũng ở cả tướng mạo. Gương mặt chỉ góp một phần nhỏ trong dung mạo tổng quát của họ thôi.
Và Huyền Trân yên chí rằng Minh có tướng của một công chức nhỏ.
Sự trông thấy hôm nay khiến nàng ngạc nhiên hết sức nên nhìn sững người con trai nầy.
Hai tay thọc túi quần, hắn chậm rãi bước, mắt nhìn cỏ. Không, hắn không có vó một hiệp sĩ anh hùng, nhưng nên thơ như một văn nghệ sĩ.
Nếu bắt nàng tả Minh, nhứt là kể ra những đặc điểm nào nơi hắn nó làm cho hắn khác người thường, chắc chắn là Huyền Trân làm không được, mà cũng chẳng ai làm được cả.
Nhưng đặt Minh trong một đám đông thanh niên đẹp trai và chải chuốt đi nữa, hắn sẽ nổi bật hẳn lên, mặc dầu hắn có vẻ xấu xí hơn các anh khác.
Hắn thuộc vào hạng người mà kẻ khác phải chú ý ngay trong một đám đông, không biết vì lẽ gì. Nói rằng vì đầu hắn bù cũng không đúng vì có lắm cậu lại cố ý làm cho đầu bù, nhưng vẫn chìm. Nói rằng vì y phục hắn lôi thôi cũng sai, vì nhiều cậu vẫn cố ý ăn mặc lôi thôi, mà không nổi lên ở đâu cả.
Phải chăng sự lôi thôi có sửa sang, có sắp đặt, có chuẩn bị, không tạo được cái khôn tả nơi dáng điệu buông lơi dễ dãi tự nhiên của hạng người như Minh.
Sắc diện, tướng mạo phong thái của một người rất quan trọng đối với tình cảm của kẻ khác về họ, quan trọng hơn cả tâm hồn và chí khí của họ nữa.
Mãi cho đến hôm nay, Huyền Trân có cảm tình với Minh chỉ vì nàng cần tình cảm quá sức và chỉ vì một chút xíu tâm hồn của anh con trai nầy thôi.
Đây là lần đầu tiên nàng bị xúc động trước dung sắc của hắn. Nhìn sững kẻ đi thơ thẩn trên thảm cỏ xanh, Huyền Trân nghiêng đầu tìm kiếm hắn mỗi lần hắn khuất dạng dưới một khối lá xanh.
Bỗng nhiên, chút đỉnh tâm hồn của hắn và nhúm học thức nhỏ của hắn được phóng đại ra trong trí của Huyền Trân. Nàng thấy đó là một tâm hồn cao cả, mà một nhà trí thức lỗi lạc với tương lai rực rỡ đang chờ đợi ở đằng chân trời.
Tâm hồn cao cả ấy cao cả ở chỗ biết hy sinh một mối tình lớn, nhứt quyết ra đi trên đường phiêu bạt giang hồ giống y như trong các tiểu thuyết lãng mạn.
Tưởng tượng nhiều thêm vào, Huyền Trân thấy được cả bước phiêu linh nên thơ đó nữa.
Người thư ký tối tăm bỗng đáp đúng mơ ước của nàng. Đó là vị hoàng tử đẹp trai của giấc mơ con gái của nàng, người mà từ lâu nàng quen mà chưa biết, y như là hai người đã giao thiệp với nhau bằng lối hàm thụ, chỉ thấy ảnh chân dung nhau thôi.
Nay gặp nhau đây, nàng đứng bên song cửa còn chàng thì giống một tay lạc phách giang hồ vừa từ viễn phương phi ngựa đến, cột con tuấn mã dưới cội tùng, còn đi qua đi lại để tìm mưu hầu giải cứu nàng công chúa bị một hung thần sanh cầm trong một thành trì hẻo lánh, giữa rừng sâu.
Không hẹn nhau mà cả hai, Minh dạo trước và Huyền Trân bây giờ đều cùng chung một ảo ảnh, ảo ảnh giai nhơn mắc nạn và hiệp sĩ cứu nguy, ảo ảnh từ những kỷ niệm đọc sách thuở thiếu thời hiện về, đúng vào cái tuổi lãng mạn nhứt trong đời con người.
Huyền Trân lại tưởng tượng đến một lưng ngựa đang chực chờ dưới kia, nàng chỉ bạo gan nhảy xuống đó là thoát. Vị tiểu tướng anh hùng đủ bản lãnh xung đột trùng vây để đưa nàng ra khỏi nơi tù hãm nầy.
“Sao lại không chớ ? Huyền Trân tự hỏi khi chợt tỉnh giấc mơ, trở về với thực tại. Tại sao ta lại không có quyền sống đời sống mà ta thích sống ? Tại sao ta lại không dám yêu một lần trong đời ta để lúc tóc bạc da mồi sẽ phải tiếc hận ?”
Rồi nàng lắc đầu, thở dài, lùi vào trong để khỏi phải thấy chàng hiệp sĩ đang mong đợi nàng dưới kia.
Nàng không dám !
Đã bảo Huyền Trân được giáo dục rất kỹ. Sự cam chịu số phận của nàng hôm nay, không phải nhờ quan niệm đạo đức về tiết hạnh của người đàn bà khuyên nhủ, mà do chữ tín trong nếp nhà của nàng.
Thân sinh của Huyền Trân là nhà doanh nghiệp rất trọng chữ tín và đã cố làm cho điểm giáo dục ấy tiêm nhiễm sâu vào tâm trí con cái của ông.
Được dạy dỗ chặt chẽ về khoản đó, Huyền Trân thấy mình có bổn phận giữ chữ tín với chồng.
Nàng không có hứa gì cả, không có ký hợp đồng hay giấy nợ nào bao giờ. Nhưng ưng thuận của nàng trong cuộc hôn nhơn có nghĩa rõ rệt rằng nàng mặc nhận sự đổi chác: nàng làm vợ ông Hóa để ông ấy hủy món nợ mà thân phụ nàng thiếu ông.
Ly thân với ông Hóa tức là đơn phương tự động xé tờ hợp đồng tinh thần rồi vậy.
Ông Hóa không phải là người dại. Sở dĩ ông không đòi hỏi bảo đảm nào cả (xé ngay tờ giấy nợ ngày rước vợ về nhà tức là hủy phương tiện duy nhứt ngăn chận cuộc phản bội có thể xảy ra của vợ ông về sau), sở dĩ thế là vì ông đặt hết tín nhiệm vào nàng.
Ông quyết nuôi nấng trung kiên của nàng bằng lòng tốt của ông mà không cần văn kiện nào khác.
Thái độ ấy của một người đàn ông rộng lượng là sợi dây vô hình bền chặt vô cùng, nó ràng buộc nàng với chữ tín, không thể nào nàng thoát được cả, mãi cho đến ngày nàng thành góa phụ mới thôi.
*
* *
Ông Hóa vỗ bàn ăn, hét:
- Sao lại hai người ăn ?
Con Lầu hết cả hồn vía, ấp úng giải thích:
- Thưa ông, con cứ tưởng... vì.... thấy cô... đã...
- Câm cái miệng lại đi ! Tôi có sửa đổi lịnh cũ bao giờ đâu ?
Nói xong ông lấy tay gạt phắt cái chén thứ nhì để nơi mép bàn bên kia, trước mặt một thực khách vô hình đối diện với ông.
Cái chén rơi xuống gạch bể kêu cái rổn, mặt con Lầu tái xanh, cỡ cắt không còn một chút máu.
Ông Hóa chỉ làm bộ giận thôi, chớ thật ra, ông bình tĩnh hơn bao giờ cả. Cơn thịnh nộ giả vờ của ông, có mục đích rõ rệt.
Đã ba hôm rồi, tức là liên tiếp chín bữa ăn, hôm nào ông cũng bảo người nhà đưa phần ăn của Huyền Trân lên lầu.
Con Lầu không ngốc lắm, nên nó quan sát thấy chắc chắn là nữ chủ của nó không bịnh hoạn gì cả, mặc dầu lần nào lên trên ấy, nó cũng bắt gặp Huyền Trân đang nằm.
Nó đoán đúng được sự lục đục giữa đôi vợ chồng nầy và nhơn muốn âm thầm kín đáo góp phần việc hòa giải, nó tự động dọn ăn cho nữ chủ nó dưới nầy.
Nó muốn đặt ông Hóa trước một sự việc đã rồi. Nếu lão ta là kẻ đã hất hủi Huyền Trân, thì không lẽ lão ta lại ra mặt hất hủi nó.
Còn như mà chính Huyền Trân đã hờn mát, rút mãi trên kia, thì lát nữa nó sẽ lên đó, nói láo là chủ nó sai nó mời nàng xuống dùng bữa.
Ông Hóa không hất hủi vợ. Nhưng ông lại ra mặt hất hủi với con Lầu.
Ông đã lập được thái độ và hành động theo kế hoạch đã vạch ra.
Ông quyết nhốt Huyền Trân trên lầu để trị tội nàng. Ông nhốt vợ mà vợ ông không thể phản đối được, bởi ông ngỡ nàng bệnh kia mà và nàng mặc nhận là bịnh, chịu ăn uống trên đó kể từ cái đêm sóng gió trong gia đình.
Hôm nay thì nàng đã biết rằng ông biết, ông biết nàng giả vờ chớ đau ốm thật thì phải đi tìm thầy, hoặc cho gọi thầy đến, còn ương yếu sơ sịa thì hẳn khỏi rồi.
Biết rằng ông biết, mà cứ thấy khẩu phần được đưa lên đây, nàng sẽ tức lắm, nhứt là khi con Lầu kể lể cảnh đập chén hôm nay.
Tức nhưng vẫn không thể chống lại ông vì không lẽ tự nhiên nàng lại chạy xuống đòi ngồi ăn chung với ông.
Mà cỡ nàng lâm thế thì càng hay. Nàng làm như vậy, tức là đầu hàng rồi. Và ông sẽ đón tiếp nàng vui vẻ để xí xóa chuyện đã qua, rồi yêu nàng hơn lên.
Đây là cuộc trừng phạt tàn nhẫn mà ông Hóa vừa tìm ra, sau khi thấy rằng tàn ác như vị vua già ngày xưa không xong.
Con Lầu run sợ vội đi xuống bếp để bảo chị bếp làm một mâm riêng cho bà chủ. Ông Hóa hơi nhếch mép mỉm cười, tự nói thầm: “Để xem coi ai chịu thua ai trước cho biết !”.
Con người, dầu tốt cho đến đâu đi nữa, vẫn mang sẵn trong người họ chút đỉnh ác tâm, di tích của con người tiền sử còn rơi rớt lại cho đến bây giờ.
Ông Hóa không phải là thánh nhơn nên không thoát khỏi cuộc thừa tự nặng nề nầy. Tuy nhiên cái ác của ông rất tương đối. Ông chỉ bỏ tù vợ một cách đế vương và chọc tức nàng một cách khá hiền lành.
Huyền Trân cũng có cảm giác rằng nàng bị nhốt, chỉ là cảm giác mơ màng thôi, chớ thật ra chính nàng cũng không thích xuống dưới nhà, còn sợ phải xuống nữa là khác.
Thật là ngỡ ngàng, lần gặp đầu tiên sau ba bốn hôm giận nhau, trốn tránh nhau. Nếu ông Hóa làm lành trước, chắc đã êm xuôi rồi. Nhưng ông lại bất động.
Huyền Trân biết rằng nàng có lỗi, nhưng không thể làm lành vì làm như thế, chồng nàng sẽ ngỡ tội của nàng nặng lắm, tức là nàng đã thất tiết với ai nên mới xuống nước quy phục.
Vả đầu hàng làm sao được vì kẻ giận hờn chính là nàng, ông Hóa có giận trong bụng ông hay không thì đó là chuyện khác, chớ bề ngoài ông đã tỏ ra chỉ muốn để yên một người vợ đau ốm thôi.
Con Lầu đưa cơm lên hơi trễ một chút vì vụ ông Hóa bác bỏ chương trình của nó.
Nó lại sợ nữ chủ nó quở, vả lại nó là phụ nữ, tức hạng người ít để được trong lòng cái gì, nên nó ngứa giải thích.
Đặt xong mâm cơm nhỏ lên chiếc bàn con, rồi bưng bàn lại sát giường của Huyền Trân, nó quỳ dưới gạch, rờ chân chủ nó trong một dáng điệu thân mật và thương xót, nó nói:
- Cô ăn kẻo nguội.
- Ừ, để đó mặc tôi.
- Không, em muốn coi cô ăn. Em đi rồi, cô lại bỏ bữa cơm như mấy lần trước, món nào cũng còn nguyên hết trọi. Vả lại nhìn cái miệng của cô ăn cơm em thích lắm.
Vị tình chị người nhà dễ thương, Huyền Trân ngồi lên cầm đũa, nhưng vẫn cứ nhìn mâm cơm mà chưa rớ tới miếng nào.
Con Lầu vẫn không buông chân của chủ nó ra, thỏ thẻ hỏi:
- Cô đã nghe đỡ chưa ?
- Cám... ơn chị, cũng... a...ơ dễ chịu.
Huyền Trân nghe được sự xét nét, nghi ngờ trong câu hỏi dò dẫm của con Lầu, nên khó chịu và hơi thẹn với nó, nàng bối rối, không biết đáp thế nào cho ổn.
- Cô nè, ông cứ ngỡ cô còn bịnh, nên ông lo lắm.
Huyền Trân lại nghe được giọng mỉa mai của Lầu nữa. Nàng thấy làm thinh là thượng sách, nên làm bộ bận ăn lắm, chớ thật ra nàng chỉ bỏ vào miệng một miếng cua nhỏ.
- Cô ơi, ông lo lắm, ông... à khi nãy em dọn cho cô ăn ở dưới làm cho ông nổi giận đùng đùng, ông đập chén, khiến em thất kinh hồn vía.
Huyền Trân bỗng nghẹn ngang, mặc dầu miếng đồ ăn nàng vừa nuốt chỉ vừa miệng một đứa trẻ lên năm thôi.
Cảm giác của nàng vừa được chị người nhà nầy xác nhận khiến nàng căm tức vô cùng.
Thì ra chồng nàng trừng phạt nàng đây chớ không phải hành động vì mỹ ý nào như nàng đã ngỡ. Đêm ấy ông Hóa giả đò ngỡ nàng bịnh, đề nghị đưa cơm lên. Nàng đã cảm động hết sức trước lối xử thế khéo và lịch sự của chồng, giúp nàng khỏi bẽ bàng trong một cuộc hội kiến mà chắc chắn là nàng không dám ngước lên.
Nhưng rồi mỹ ý ấy đã kéo dài quá mức, trong khi đó thì chồng nàng không bao giờ bước vào buồng nàng để hỏi thăm sức khoẻ của nàng.
Huyền Trân cố nuốt miếng cơm, nó xuống tới đâu, nàng nghe tới đó.
Nàng cắn môi, nhìn trừng trừng vào khoảng không, hét thầm lên: “Được đã thế. thì ta cho…”
Nàng chỉ khí khái hão như vậy thôi, chớ thật ra, nàng không biết cách nào để đối phó lại với biện pháp tàn ác của chồng cả, hay biết, nhưng cách đó là cách cuối cùng, cực đoan, nàng không đủ can đảm sử dụng.
Tức giận và thấy mình bất lực, Huyền Trân tủi thân quá nuốt nghẹn xong lại nuốt lệ, nhưng lần nầy nuốt không được nữa, nàng phải để cho nó trồi lên; nàng ôm mặt rồi khóc oà.
Con Lầu đoán rằng một thiếu phụ trẻ đẹp như nữ chủ của nó thế nào rồi cũng sẽ thắng, và đây là dịp nó tấn công để được thương mến về sau, khi nữ chủ lấy lại được tất cả uy quyền.
Nó siết chặt tay lại làm như để xoa ấm bàn chân phải lạnh của Huyền Trân. Nó không thương nàng nhiều, nhưng cố mà thương nhiều và tự nhiên thương được nhiều.
Bàn chân nhỏ xíu, trắng trẻo, non mịn của Huyền Trân, nó cầm trong bàn tay kịch cợm của nó mà nghe mát rượi, nên nó sung sướng vô cùng mà làm mãi cử chỉ âu yếm đó.
- Cô ơi, sao cô khóc ? Thế nào rồi cũng đỡ chớ. Hay là cô nằm nghỉ kẻo mệt.
Đã trót giả ngốc không biết đau tủi của chủ, con Lầu làm bộ ngốc luôn.
Huyền Trân thiếu thốn tình thương nhiều quá trong tuần lễ nầy, nên nàng xem rất đáng kể lời an ủi của chị người nhà, lớn hơn nàng đến sáu tuổi mà lại xưng con, đêm đầu, rồi sau đó thì xưng em mãi.
Giây lát thôi khóc, Huyền Trân đáp lại thương mến của chị người nhà bằng một cái nắm tay chị.
Cổ tay chị Lầu to lớn quá, khiến nàng nghe mình là một đứa em nhỏ và Lầu cũng nghe y như vậy.
- Chị Lầu ơi ! Chị biết có ai khổ bằng tôi hay không ?
- Thưa cô, em thấy rất nhiều người đàn bà đau khổ, riêng trong gia đình em cũng không thiếu những người như vậy. Nhưng họ đau khổ thật là đau khổ, nghĩa là... ơ… hơ, sánh với họ... cô sướng như tiên.
- Chị lầm ! Phải, tôi có nhiều tiền nhưng mà...
- Thưa cô, em không lầm ! Cô được ông thương yêu chiều chuộng, em nói cô sung sướng là vì vậy, chớ không nói chuyện tiền bạc. Cô có biết không, chị hai em, chỉ lấy một người chồng cũng già hơn chỉ đến hai mươi tuổi mà nghèo lắm. Cái đó thì không sao. Nhưng anh rể em lại coi chỉ như kẻ ăn người ở không bằng, em ở đợ với ông, với cô mà còn sung sướng hơn là chị em ở với anh rể em, em nói sung sướng là nói về phần hồn kia, nghĩa là em không phải chịu tiếng nặng tiếng nhẹ bao giờ như chị em bị anh rể em hành hạ.
- Nhưng sao chị ấy lại...
- Ấy, chị ấy có ba đứa con riêng mà chồng chết, chỉ không biết làm gì để nuôi con, cha mẹ em thì nghèo, nuôi trở lại đứa con gái đã gả đi, còn tạm được, chớ nuôi một bè bốn miệng ăn, cha mẹ em không đủ sức.
Mặc dầu Huyền Trân không quan niệm rằng lấy chồng là một sinh kế, vì nàng không cần sinh kế ấy cũng sống được, nàng vẫn không thể dửng dưng trước tâm sự của chị người nhà nầy.
Nhơn sinh quan của kẻ khác không làm nàng thay đổi lối nhìn đời của nàng nhưng vẫn khiến nàng nghĩ ngợi nhiều.
Yêu là một xa xí phẩm lớn quá, mắc tiền quá mà chỉ có hạng người như nàng mới dám thèm. Hằng triệu người đàn bà khác, không được yêu, không có người để yêu vẫn sống được như thường, mà lắm khi họ tự mãn với hạnh phúc không vẹn toàn của họ, hạnh phúc tầm thường, thiếu cái hoa đẹp tình yêu mà nàng đòi hỏi. Chẳng hạn như người chị cả của chị Lầu nầy, chị ta chỉ cần được chồng không nặng nhẹ là đủ hạnh phúc rồi.
Là xa xí phẩm, tình yêu không thể là sự cần thiết cho con người.
Như thế nàng có thật đáng thương hay không khi nàng thiếu món xa xí tình cảm nói trên, và nổi loạn vì không bị một vấn đề sống chết thúc bách, có phải là đáng tội lắm chăng ?
Huyền Trân lẩm bẩm một mình:
- Kẻ được cái nầy, thiếu cái kia, kẻ được cái kia, thiếu cái nọ. Nhưng được hết vẫn là hơn.
- Dạ, được hết vẫn hơn - Chị Lầu ngỡ nàng nói với chị ta nên xen vào mà bàn góp. Được hết vẫn hơn, nhưng được một nửa cũng hơn nhiều những kẻ không được gì, như chị hai em chẳng hạn.
- Trường hợp rủi ro của chị ấy, chắc cũng hiếm lắm.
- Không thưa cô, nhiều lắm chớ. Em thấy thiên hạ gồm toàn những kẻ thiếu tất cả, hay được một nửa thôi.
- Chị nói thế, để an ủi tôi...
Lầu không cãi, vì không thông minh lắm, nó hiểu lầm câu trên đây, ngỡ nữ chủ nó nói như vậy để mà biết ơn nó, chớ không dè đó là chê nó làm chênh lệch sự thật.
- … nhưng dầu sao, dầu suy luận đến thế nào đi nữa, tôi vẫn không hết khổ …
Huyền Trân không hề khai sự thật, nhưng Lầu vẫn biết sự thật là nữ chủ nó không khổ vì bị chồng bạc đãi, mà khổ vì không được yêu.
Chị ta an ủi hay nói điều gì, cũng ăn khớp với chiều hướng của sự việc mà chị ta đoán biết.
Và Huyền Trân không hề đính chánh.
Thế nghĩa là nàng mặc nhận lối hiểu của Lầu là đúng, và không cần che giấu sự thật với nó.
Tự nhiên hai người biến thành đôi tri kỷ với nhau vì họ là hai người độc nhứt trên đời nầy, giữ chung một bí mật: nỗi lòng của một người trong hai người.
- Em muốn an ủi cô lắm. Em sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì cho cô vui, nhưng cô không hết buồn, em biết sao.
- ... tôi không hết khổ, nhưng đỡ khổ phần nào, vì được nói ra với ai nỗi lòng của tôi. Như vậy, có mặt của chị là đủ lắm rồi, tôi cám ơn chị đó, chị Lầu ơi...
- Dạ.
- Chị có biết hay không, là được yêu chưa phải là tình yêu. Tình yêu của chính mình yêu kìa, còn được yêu hay không, chỉ là chuyện phụ. Lắm khi người ta yêu đơn phương đau khổ vì một mối tình vô vọng mà người ta vẫn sung sướng được như thường, vì yêu mới là tình cảm, còn được yêu chỉ là một sự việc thôi.
- Nhưng tại sao ta lại không yêu người nào yêu ta ?
- Tôi cũng không biết tại sao. Nhưng chắc chắn không phải hễ cứ muốn yêu là yêu được. Tôi rất muốn yêu chồng tôi, nhưng tôi chỉ kính ổng thôi.
Chị Lầu lắc đầu, thở dài, không phải vì ngán ngẩm cho thân phận nữ chủ của chị ta, mà vì chị ta điên đầu không sao hiểu được rắc rối trong lòng của nữ chủ của chị.
Lòng chị giản dị lắm, và chị tưởng ai cũng như chị. Hễ ai tốt với chị là chị thương, và nếu kẻ ấy lại cưới chị nữa thì chị bước từ thương qua yêu rất dễ dàng.
Chị Lầu có yêu hay không ? Có, chị đã yêu một anh con trai hai mươi tuổi thuở chị mười tám. Rồi hai người lấy nhau mà không cưới hỏi và sống chung với nhau những sáu năm mới thôi nhau.
Hai năm đầu, chị hoàn toàn sung sướng. Mấy năm sau họ cứ lục đục với nhau mãi cho đến ngày xa nhau. Tuy nhiên, sung sướng được trọn hai năm cũng đã nhiều lắm rồi đối với một đời người.
Chị Lầu là người giàu có, hay đã qua một thời giàu có về mặt tình cảm, nên chị bảo là không cần thứ xa xí phẩm ấy mà chị đã được thỏa mãn rồi. Chị chỉ cần tiền thôi.
Còn Huyền Trân thì quá nghèo túng.
Quan điểm của hai người không làm sao mà giống nhau được.
Và họ cũng không đủ ý thức mà hiểu giùm cho nhau nữa.
- Thôi chị dẹp giùm mâm cơm. Lúc nào có rảnh lên đây với tôi nhé.
Đây là lần đầu tiên mà Huyền Trân cần chị người nhà nầy ở sát bên cạnh mình. Từ thuở giờ, muốn sai gì, nàng nhận chuông rồi thấy mặt chị ấy, nàng ra một cái lịnh thế rồi thôi, không hề nói nhiều với chị ta bao giờ. Ngày đầu tháng, nàng trả lương cho chị ta, thưởng thêm vài trăm bạc nói một câu an ủi không hồn.
Giữa người chủ mới và người tớ cũng mới, chưa có tình nghĩa gì bao nhiêu. Nhưng từ đây thì đã có rồi.
Chị Lầu bưng mâm cơn ra khỏi phòng, Huyền Trân quên cả uống nước, nằm vật xuống giường.
Thế là nàng đã bị nhốt. Không có bức tường nào cả quanh nàng, nhưng nàng vẫn nghe nghẹt thở như là buồng ngủ của nàng là một buồng giam.
Trước đây, Huyền Trân cũng ít hay đi ra ngoài, lắm khi hai ba hôm mới xuống săn sóc vườn hoa một lần. Những ngày buồn chán như vậy, nàng khóa cửa lại bên trong, rồi nằm lì trong phòng, trừ mấy bữa ăn mới ló mặt ra.
Giờ không được đi, cũng thế thôi. Nhưng không đi và không được đi, thật ra khác nhau rất xa. Đó tức là cái vấn đề cửa đóng cửa mở, lắm khi ta cũng chẳng buồn đi đâu cả nhưng cửa đóng thì ta cứ muốn đi, và rất giận vì không được đi.
Huyền Trân nhắm mắt lại và trên bức màn đen sau trán nàng, hiện lên một ông Hóa bị biến hình ra một vị lãnh chúa của thời xưa, râu ria bụng lớn, mặt mày hung ác vô cùng.
Đối với một người như thế, khuynh hướng phản bội của nàng không còn phải e dè nữa, vì nàng nghe mình bị cưỡng bách làm vợ chớ không còn phải là trao thân vì một lời hứa thầm lặng nhưng long trọng nào mà cần giữ chữ tín nữa.
Ông Hóa đã dại dột đẩy vợ ông vào nước bí và nước liều. Tư tưởng con người rất mong manh. Nó tùy thuộc rất nhiều ở hoàn cảnh, ở điều kiện khách quan. Lối đối xử của thiên hạ đối với ta, ta phàm phu tục tử, chớ không phải ta hiền triết thánh nhơn, vững vàng về suy luận, lối đối xử của họ làm cho ta phải nghĩ khác đi những điều mà ta nghĩ đúng cách đây năm phút.
Đã thế mà tình cảm bị đè nén của ta cứ rình rập, chực chờ để đợi sơ hở hầu xui dại ta nghĩ sai.
Vì vậy mà hình ảnh của vị lãnh chúa trên màn đen tắt đi và được thay thế bằng hình ảnh của một thanh niên anh tuấn đã thấy dưới cửa sổ lầu.
Lúc đó, nàng đã thụt vào để khỏi thấy hắn, vì ý nghĩ của nàng về bổn phận nàng khác bây giờ. Giờ đây, nàng lại tiếc mà đã không nhìn hắn cho lâu để đợi tình cờ hắn ngước lên và thấy nàng.
Bóng dáng người con trai... dễ thương đó làm nảy ra nơi trí Huyền Trân một ác ý mà nàng thấy tương xứng để chống đối với lối trừng phạt tàn nhẫn của ông Hóa.
Cái câu nói thầm: “Được, đã thế thì ta cho…” không có đoạn sau, vì người nói ra câu ấy trong một lúc phẫn uất không tìm được giải pháp nào cả.
Giờ người ấy đã tìm thấy lối ra rồi.
“Được, đã thế thì ta cho lão... mọc sừng cho bỏ ghét.”
Khuynh hướng phản bội của Huyền Trân hôm nay, trong sóng ngầm của gia đạo nàng, tuy thế mà vẫn lương thiện. Nàng chỉ thoáng nghĩ đến việc thôi chồng để sống đời sống hạp với lòng nàng thôi. Nay thì khuynh hướng ấy đã trở thành bất chánh rồi.
Thôi chồng không phải là phản bội, nhưng ngoại tình là một thái độ nó hạ thấp phẩm giá của Huyền Trân, không thể chối cãi được. Nhưng nàng vẫn dám nghĩ đến điều đó và tự bào chữa rằng sở dĩ nàng sẽ làm như vậy là để trả thù sự trừng phạt bất công mà nàng phải chịu.
Thật ra, nàng đã gạt gẫm lòng nàng, hay nàng đã bị cái ý quấy vốn đã đẩy lùi vào tiềm thức, trồi lên để gạt gẫm suy luận của nàng.
Đó là một lối thoát lưu manh của một kẻ sợ hãi thất tín: ngoại tình sẽ giúp nàng giữ trọn chữ tín, lại giúp nàng thỏa mãn tình cảm. Được cả hai một cách tròn trịa, nàng sẽ vừa tiếp tục làm người vợ hiền bên ngoài, vừa hưởng được cái xa xí phẩm tình cảm là yêu đương.
Một người vợ có giáo dục, có căn bản lành không bao giờ tự nhiên mà đi tới ngoại tình một cách trơn tru. Họ phải gặp gỡ rủi ro một đấng nam nhi lý tưởng của họ, họ chạm phải vụng về đối xử của chồng họ để lương tâm họ có cớ nghĩ quấy.
Huyền Trân vụt ngồi dậy và cười gằn: “Được, đã thế thì ta cho...“
Đoạn sau của câu nói thầm nầy làm cho nàng hả dạ hết sức vì thấy mình đã trả được mối thù bị nhốt.
Trong khi ấy thì anh thư ký không có công việc cứ đi thơ thẩn ngoài vườn.
Phải, anh ta mất việc thật. Hai vợ chồng ông Hóa hôm nay không ai đi đâu nữa cả để chàng lái xe. Sáng nào lấp ló nơi cửa chàng cũng bị ông chủ đuổi đi, nên cũng khỏi phải danh máy hay làm bút toán gì.
Ông Hóa đã vụng về với vợ, lại vụng về với anh thư ký nầy nữa. Thái độ của ông đối với hắn hổm nay ngầm nói lên rằng ông đã biết.
Ông đã biết thì hắn không còn phải sợ gì rữa. Đã trót thì liều vậy.
Chàng chỉ khổ là không biết liều thế nào, và khổ nhứt là không biết được việc gì đã xảy ra trên lầu, đã xảy ra trong lòng Huyền Trân.
Sự vắng mặt của người thiếu phụ đã quên mình giây lát trong tay chàng, không làm chàng ngạc nhiên hai hôm đầu. Nàng sợ hãi, nàng mắc cỡ, chỉ có thể là như vậy thôi.
Nhưng Huyền Trân cứ rút mãi trên ấy ngày nầy qua ngày khác khiến gã thanh niên si tình nầy thắc mắc ghê lắm.
Nếu Huyền Trân giận chàng, ghét chàng đã quá trèo đèo quá táo bạo, thì hẳn nàng đã mách chồng và ông Hóa đã tống cổ chàng ra khỏi nhà nầy rồi.
Chàng vẫn còn ở yên nơi đây, chứng tỏ rằng ông Hóa chỉ biết sơ sơ mà thôi, chớ chưa nắm chắc trong tay bằng cớ phản chủ của chàng.
Như vậy, Huyền Trân chưa thay đổi tình cảm đối với chàng. Thế sao nàng cứ lánh mặt ?
Minh sợ những ý nghĩa của Huyền Trân đối với chàng hơn là sự trừng phạt của ông Hóa. Nếu biết chắc Huyền Trân yêu chàng và đang bị chồng hành hạ, chàng dám làm bất cứ chuyện động trời nào để đương đầu với kẻ có quyền, để cứu người đẹp mắc nàn.
Chàng bứt rứt, nóng nảy, sức muốn xông pha tên đạn, đột phá thành trì. Nhưng lại sợ thành trì ấy là sự lạnh nhạt của giai nhơn thì sự liều mạng của chàng sẽ đưa chàng đến chỗ tự tử mất.
Dư hương của người đàn bà trơ trọi, dư vị của một phút yêu đương còn ngọt lịm nơi đầu lưỡi của chàng. Chàng là kẻ đã trót nếm cao lương mỹ vị, chớ không phải chỉ chết thèm thôi, nên không thể chịu số phận nhịn thèm.
Một con chó đói có thể đứng đằng xa để nhìn dĩa đồ xào vì sợ roi của một người nhà. Nhưng nếu nó đã bước đến nơi ngoạm được một miếng rồi, nó sẽ thí thân dưới trận đòn bão tố để ních cho hết dĩa nó mới nghe.
Chàng càng bứt rứt hơn vì chính chàng cũng nghe rằng mình bị cầm tù. Thường thì anh con trai ham học nầy cũng ít đi chơi dâu, lắm khi cả tuần lễ không ra khỏi nhà một lần. Nhưng giờ anh lại nghe tù túng quá vì chợt thấy rằng mình không thể đi đâu cả. Hai ông bà ít đi, và họ sẽ nổi giận không biết bao nhiêu nếu một khi họ định đi mà chàng không có mặt.
Chàng lại sợ dại rằng ông Hóa sẽ đánh vợ, sẽ giết vợ và chàng có bổn phận túc trực ở nhà để canh chừng một tai họa có thể xảy ra hầu can thiệp cho kịp lúc.
Mỗi lần nghĩ đến cái chuyện có thể xảy ra nầy, chàng giận run lên làm như ông Hóa đang đánh vợ trên ấy thật sự. Chàng quyết chết sống với ông ta để bảo vệ người ngọc, dầu có phải ngồi tù cũng cam.
Nổi giận rồi chàng lại đau. Sự bị ngược đãi tưởng tượng của Huyền Trân làm cho gan ruột của chàng như bị vầm; đó là sự đau đớn vật chất, chớ không phải đau xót trong tinh thần vì chàng đã tự đồng hóa làm một với Huyền Trân.
Minh thơ thẩn từ sân trước ra sân sau ngước nhìn lên các cửa sổ, mong hão bắt gặp Huyền Trân đang sầu thảm; tay chống càm ngồi trước các nơi ấy để tìm chàng.
Chàng quên mất sự khước từ của người thiếu phụ đã quên mình, và chỉ nhớ giây phút thần tiên mà chàng cầm tay nàng trong tay chàng. Lịch sử yêu đương của chàng ngừng lại nơi đó, chàng muốn như vậy, tự gạt gẫm lòng mình như vậy mãi rồi sự thật bị xóa phai mất và chàng chỉ còn giữ hình ảnh cuối cùng của một cảnh còn dài nữa, một cảnh còn gồm sự chợt tỉnh của Huyền Trân, sự hoảng hốt của nàng.
Không tìm thấy gì nơi các cửa sổ, Minh thất vọng, ngước xuống và tình cờ bắt gặp đôi mắt của chị Lầu.
Chàng ngạc nhiên trong mấy giây trước cái nhìn kỳ dị của chị người nhà nầy, rồi nhột nhạt vì nghĩ rằng chị ta đã biết cái gì, chàng khó chịu quá, trốn cái nhìn của chị ta và toan bỏ đi.
Bỗng chàng vụt nghĩ ra một điều: chị ấy là người nhà độc nhứt đã tiếp xúc với Huyền Trân hổm nay. Chị có thể cho chàng biết về Huyền Trân, và hơn thế có thể giúp chàng liên lạc với người chàng bồn chồn gặp hay ít ra cũng giúp chàng biết được tin tức.
Như vậy chị ta mà biết điều gì thì càng hay, chớ không phải đáng sợ. Chị ta mà biết thì chàng khỏi phải thú nhận một cách khó khăn điều gì cả, cậy mượn là chị ta hiểu ngay.
Nghĩ như vậy, chàng xâm xâm bước đến trước mặt chị Lầu rồi nói:
- Chị mạnh giỏi. Hổm nay chắc chị bận nên ít gặp chị ra vô.
Mắt chị Lầu sáng lên vì sung sướng. Những kẻ thấp địa vị như chị, luôn luôn hãnh diện được thủ một vai quan trọng trong bất kỳ một vụ lớn nhỏ nào. Chị đã ý thức được rằng chị quan trọng lắm vì là nhơn chứng độc nhứt của tâm sự bà chủ nhà.
- Ừ, bận lắm.
Minh cụt hứng, không tìm được lời khôn khéo nào để phăng lần tới kẻ ở trên lầu.
Chị Lầu đợi mãi mà người đối thoại với chị không hỏi tới, nên chị tức giận, nhưng cố nén và đầu hàng bằng cách tự chị giải thích.
- Ừ, bận lắm, vì bà chủ...
- Bà chủ làm sao ? - Minh hốt hoảng vội hỏi dồn.
- Bà chủ bịnh.
- Bịnh ? Trời, có nặng lắm không. Chắc cảm lạnh ?
Thanh niên nầy nghĩ ngay đến chứng bịnh cảm vì Huyền Trân té xuống nước chiều hôm nào, thì có thể phải cảm lắm.
- Không, không phải cảm, bịnh cũng không nặng nhưng...
- Nhưng làm sao ? - Minh lo lắng nên lại hỏi dồn.
- Nhưng ngặt...
Lầu làm ra vẻ rất bí mật để thưởng thức sợ hãi, lo sợ nơi Minh, và để tăng thêm sự quan trọng của vai trò của chị.
Minh bứt tóc nói:
- Trời, chị làm tôi điên đầu. Bịnh gì mà không nặng lại ngặt.
- Khó nói lắm.
- Chị làm ơn làm phước thử rán tìm cách nói xem.
Lầu ngó dáo dác rồi hạ giọng:
- Nè, bí mật nghe không, nói bậy thì chết. Bịnh ở trong lòng é !
Tâm lý của con người thật là kỳ dị. Lầu đã đoán biết cái người thứ ba gây sóng gió trong gia đạo của chủ chị ta là anh thư ký nầy. Mặt khác chị ta không nhận rằng niềm đau của nữ chủ chị ta là chánh đáng. Như vậy tiết lộ tình trạng sức khoẻ của nữ chủ nhà chị ta để làm khổ, để trừng phạt đệ tam nhơn phá đám nầy là hợp lý. Nhưng chị ta không thể không biết rằng thật ra không phải vậy. Kẻ phá đám chẳng những không khổ lại sung sướng vô cùng vì hắn tin chị Lầu bằng lời, thấy rằng Huyền Trân yêu hắn nên mắc bịnh tương tư. Phản ứng nơi người nghe chuyện tự nhiên là phải như vậy, và chị ta nói láo, cũng để gây phản ứng đó thôi. Chị ta biết rõ là Huyền Trân không phải đau tương tư, hơn thế, không đau ốm gì cả mà chỉ bị chồng trừng phạt không cho xuống dưới nhà thôi. Thái độ của chị là tình nguyện tùng đảng với kẻ mà chị ta không đồng ý. Sự tùng đảng nầy do tánh tào lao của chị và cũng có do lòng thương mến nữ chủ, muốn giúp đỡ bà ấy, dầu sao đi nữa, do lòng thích công bằng của người bình dân, công phẫn thấy cặp vợ chồng già trẻ nầy không ổn muốn ổn định lại, và có thể cũng do ý chí muốn giữ mãi vai trò quan trọng độc nhứt trong đời chị ta mà chị ta không đành để mất.
Thật là lòng người rắc rối, phức tạp vô cùng, mặc dầu người đó chỉ là một người bình dân, dốt nát, mà ai cũng ngỡ là cảm nghĩ của chị đơn sơ, giản dị lắm.
Minh sung sướng và ngẩn người ra rất lâu.
Tuy được Huyền Trân yêu là cái mộng đẹp nhứt của đời chàng, tha thiết nhứt cho đến đỗi chàng cứ ngỡ đó là sự thật, nhưng thỉnh thoảng thực tế cũng bắt chàng chợt tỉnh và định rằng Huyền Trân lánh mặt chỉ vì ghét chàng thôi.
Thật là bất ngờ, cái tin ấy.
Chàng sung sướng và tình yêu của chàng lớn mạnh thình lình, tưởng chừng như không gì ngăn cản nó được cả. Chàng thở hổn hển và nói:
- Xin thề với chị rằng tôi sẽ giữ kín. Nhưng tương tư ai mới được chớ.
- Biết đâu !
Lầu hóm hỉnh cưới như nói thầm: “Thì còn ai vô đây nữa”.
Quả chị ta đã biết rằng đệ tam nhơn phá đám là Minh và chị ta cũng quan sát thấy y phục nhầu nát và lấm bùn đôi chỗ của họ đêm đó, và nhứt là vẻ bất thường của ba người trùng với sự y phục nhầu nát của hai người trẻ tuổi.
Cử chỉ của chị ta xác nhận rằng chị ta biết. Điều ấy giúp Minh dạn ra và xem chị ta là một đồng minh.
- Chị Lầu nè, chàng ngọt giọng hỏi, chị có biết hay không là chính tôi đây cũng lỡ chết lỡ sống ?
- Cái đó không ăn thua gì đến tôi.
- Chị lẽ nào mà nói như vậy. Chị không thương người đau khổ hay sao ?
- Sao không, nhưng chuyện riêng giữa hai người với nhau ai dám biết tới.
Lần nầy thì sự xác nhận thật là đích xác.
- Tôi cũng không dám xin chị biết tới. Chỉ mong chị giúp cho một việc thôi.
- Việc gì ?
- Chị làm ơn trao giùm tôi một bức thư.
- Cho ai ?
- Thì cho cái người đang bịnh ở trong lòng ấy chớ còn ai nữa.
- Úy trời ơi, không được đâu cha nội.
- Chị sợ gì ?
- Ổng mà bắt được thì ổng giết tôi.
- Làm thế nào ổng bắt được, trừ phi chị đi cáo với ổng. Nè, biếu chị hai chục uống cà phê.
- Không, tôi không lấy đâu.
- Tội nghiệp mà chị, chị nỡ nào !
- Thôi thì để tôi giúp không cho, không ăn tiền ăn gạo gì hết, như vậy nhẹ tội hơn.
- Tôi đội ơn chị không biết bao nhiêu. Để trưa tôi viết thư.
- Trưa không được. Nếu nhận trưa, tôi phải cất thư trong mình rất lâu, đợi cô ngủ trưa thức dậy thì nguy hiểm lắm.
- Thì tôi đưa hồi bốn giờ.
- Cũng không được, vì như vậy thì thầy lại phải cất trong mình thầy rất lâu, có thể làm rớt mất.
Minh rất hài lòng trước sự cẩn thận của đồng minh nầy. Chàng nói:
- Thôi để tôi viết ngay cho kịp đưa lên trên ấy trong bữa ăn trưa.
- Rán coi chừng.
- Chị đừng lo.
Sự thật thì Lầu chỉ muốn đọc trộm thư xem Minh nói gì trong đó để biết hai người đã yêu nhau đến giai đoạn nào.
Chị ta chỉ có thể đọc trộm vào giờ ngủ trưa thôi mà chị ta có buồng riêng, làm gì trong ấy không ai biết. Vậy chị ta cần bức thư ấy trước buổi nghỉ trưa.
Thế nên mãi đến bốn giờ chiều, Huyền Trân mới nhận được cánh thư màu xanh lợt mà lem luốc cả vì Minh muốn cho thư thơm lại không biết cách ướp hương, rải nước hoa lên đó, làm hỏng giấy, mực đi tới đâu, chữ rậm tới đó.
Mặc dầu biết rõ tinh ý của chủ chị, Lầu cũng đề phòng bà ta mắc cỡ rồi trở trái làm mặt thì chết chị ta nên chị ta phải đánh một vòng lớn để đi tới đích.
Huyền Trân ngủ dậy, tắm xong đang chải đầu, thì Lầu ló mặt nơi cửa, lấp ló như kẻ trộm, cốt cho nàng đoán biết có gì bí mật và quan trọng.
Chị ta muốn chính Huyền Trân sanh nghi, hỏi vặn, để chị ta phải khai, cho đỡ phải nói vòng vo. Nhưng bà chủ cứ bình thản như thường, khiến chị ta phải hỏi:
- Thưa cô uống gì ?
- Nước trái cây như thường lệ.
Lầu cụt hứng, chạy xuống dưới nhà để lấy nước trái cây trong tủ lạnh. Chị ta trở lên, ngồi dưới đất gần kề Huyền Trân và cũng cầm lấy bàn chân nàng như hôm nọ nhưng chưa biết nói gì.
Huyền Trân hỏi:
- Từ ngày chồng chị bỏ chị tới giờ, đã có nơi nào khác dòm ngó chị chưa ?
- Chưa có.
- Sao họ không bước tới.
- Tại em không bằng lòng.
- Sao vậy ?
- Người đó gốc ở Huế, y nói mẹ y cần một cô dâu để hủ hỉ với bà hôm sớm. Lấy y thì em phải đi Huế, chớ không được ở đây nữa.
- Chị cần ở Sài Gòn lắm sao ?
- Dạ không, em người Phan Thiết, nhưng Huế cũng xa quá.
- Chị nghĩ xằng nếu phải chỗ thì bên Tây, bên Tàu gì cũng không xa hết.
- Cô nói có lý, để em xét lại coi.
Lầu nói láo chớ không có ma nào gắm ghé nó hết. Đó là một thủ đoạn tinh khôn để tỏ cho Huyền Trân thấy rằng nó không phải là một nhơn chứng nguy hiểm, vì nó rất có thể đi Huế nay mai để rồi chết rục xương ngoài ấy. Như thế nàng không phải xấu hổ với nó, và sẽ không trở trái làm mặt.
Nó lại tiếp:
- Thầy ký Minh, thầy ấy cũng biết chuyện của em, cũng khuyên em ưng người đó đi.
Nó rình người nữ chủ thì bắt chợt được sự thảng thốt cố che giấu - nhưng không thành công lắm - trên gương mặt Huyền Trân khi nàng nghe nó thốt đến tên của người thanh niên mật thiết liên hệ đến nỗi lòng của nàng.
Rất thông minh, Lầu biết rằng rất phải lúc đánh bồi thêm cho Huyền Trân ngã quỵ:
- Thầy ấy tốt bụng lắm, ít có người được như vậy. Thầy hay giúp em, nên thầy cậy gì, em cũng không thể từ chối.
Huyền Trân chị làm thinh, cố bình thản.
- Cô nè.
- Gì đó chị ?
- Em có một việc khó nói ra lắm. Em lại sợ cô giết em nên em không biết tính sao.
- Có gì chị cứ nói. Sao tôi lại làm hại chị là người làm việc rất giỏi.
- Em sợ cô lắm cô ơi !
- Tôi có vẻ độc ác lắm sao ?
- Không, cô hiền từ lắm, dịu dàng lắm, nhưng vì chuyện mà em sắp nói ra đây vô cùng quan trọng nên em sợ quá.
Huyền Trân bị kích thích và chú ý lắng nghe chị người nhà. Nàng lại hơi lo lo nên nóng muốn biết. Nàng dỗ ngọt:
- Không sao, chị cứ nói đi. Bề nào tôi cũng phải binh vực chị hết.
Hai tiếng “bề nào” của Huyền Trân ám chỉ đến sự tùng đảng giữa hai người từ khi mà nàng tâm sự với chị nầy.
- Dạ cô thương như vậy em đội ơn lắm. Dạ ơ… hơ… thưa cô … thầy ấy...ơ cậy em trao …ơ … thư cho cô.
Huyền Trân kêu lên một tiếng vô nghĩa và Lầu hoảng bụm chính miệng của nó lại.
Đó là tiếng kêu kinh sợ của một người đàn bà không muốn phiêu lưu và nhứt là không muốn ai biết bí mật của nàng cả.
Đành rằng đã tâm sự với chị người nhà nầy, nhưng không có nói gì rõ rệt, cả tình cảm của nàng lẫn người đã làm nàng xao xuyến.
Đôi mắt hoảng hốt của nàng nhìn trừng trừng vào chị Lầu, chị nầy lại ngỡ đó là trận lôi đình của kẻ xấu hổ toan trở cờ, nên chị van lơn:
- Lạy cô thương em mà tha tội cho em. Đã nói em thọ ơn rất nhiều của thầy ấy nên không thể từ chối.
Huyền Trân đã tự trấn tĩnh lại được, nhưng hết sợ chớ không hết xúc động tình cảm của người con trai mà nàng quyết lánh mặt.
Nàng thở hổn hển nói:
- Chị đã trót nhận thì không lẽ lại giết chị, nhưng không thể để chị mang trả bức thư ấy. Nguy hiểm lắm vì chị có thể đánh rơi dọc đường. Vậy chị đưa đây tôi để tôi thủ tiêu.
Trong lúc Lầu thò tay vào túi thì Huyền Trân lấm la lấm lét liếc ra cửa cứ lo chồng nàng lên đây mà không hay, đi ngang qua buồng nàng, liếc vào đúng ngay lúc mà Lầu đưa thư ra thì thật là chết.
Vì nóng nảy, nên Huyền Trân thấy chị ta làm chậm quá, khiến nàng bực mình không biết bao nhiêu.
Rốt cuộc chị ta cũng lấy ra được cái phong bì mà chị ta đã thấm nước cho lỏng keo và dán lại bằng bún.
Huyền Trân nhét vội phong thư xuống nệm rồi đứng lên, đi lại tủ lấy cho chị Lầu năm chục bạc mà rằng:
- Nè, tôi đã trót hứa nên tôi tha chị lần nầy. Từ rày mà còn như vậy nữa thì chết đa nghẹn !
- Dạ, đội ơn cô.
- Thôi đi làm công việc đi.
Chị Lầu lật đật bước ra khỏi buồng nầy, miệng cười ngỏn ngoẻn vì chị ta hiểu được rằng lời răn đe hăm dọa của nữ chủ chị chỉ là giả vờ. Hăm he nhưng lại thưởng bạc.
Chị người nhà đi xong, Huyền Trân bước ra khóa cửa lại. Kiên thủ như thế, nàng vẫn chưa an tâm, còn lấy áo máng nơi hột xoài để che lỗ khóa lại làm như chồng nàng ở không để rình nàng từng giây từng phút.
Huyền Trân hồi hộp hết sức, cứ sợ đó là tin loan báo một nước liều nào của người con trai dại dột kia.
Tuy nàng đang ở trong thế bí, nhưng dầu sao cũng sẽ thoát ra được. Nếu hắn lại liều thì thật là hỏng cả.
Tay run run, Huyền Trân xé bì thư ra, quên để ý đến lối dán lại một cách thô kịch của kẻ tò mò đã bóc thư ra để đọc trước.
Thư rằng:
“Huyền Trân ơi ! ! ! ! ! !
Huyền Trân bật cười. Rõ ràng đồ gàn. Tại sao hắn lại bỏ tới sáu dấu chấm than !
“Huyền Trân ơi ! Minh sắp chết đây.
“Nói làm sao cho hết được tất cả nỗi xốn xang của Minh, nỗi đau khổ của Minh !
“Thà là Huyền Trân hất hủi ngay Minh từ buổi đầu thì Minh đã biết thân, an phận với mối “tình vô vọng của Huyền Trân, chớ còn Huyền Trân mà khuyến khích Minh nhiều lần rồi bỏ “rơi Minh một cách tất tửi như thế nầy thì cũng bằng như là giết Minh đó.
“Nhưng giết Minh bằng một lời dứt khoát nào, sẽ ít ác hiểm hơn là giết mòn Minh mỗi ngày “một chút bằng im lặng và lẩn tránh của Huyền Trân.
“Minh van lạy Huyền Trân cho Minh một lời, chỉ một lời vắn tắt thôi. Lời ấy, lời vĩnh biệt “cũng được, có thể xô Minh vào đau khổ vô biên, nhưng không treo lơ lửng Minh trong lo sợ “như bây giờ.
“Đây là ơn huệ cuối cùng mà Minh thành khẩn xin, Huyền Trân không lẽ nhẫn tâm mà nỡ để “lời kêu gọi nầy không có tiếng vang.
“Thôi, chúc Huyền Trân an vui và mong tin Huyền Trân lắm.
“Ký tên: Người đau khổ”.
Huyền Trân không bị xúc động vì bức thư nầy. Nàng đã quên mình trong chốc lát, chỉ có thế thôi, và mặc dầu đã nghĩ xằng tại sao nàng không thôi chồng để sống cuộc đời mà nàng thích sống, nàng vẫn không có gan phiêu lưu để ra khỏi ngõ bí.
Nhưng nàng sợ. Dễ sợ nhứt là đoạn: “... khuyến khích Minh nhiều lần rồi bỏ rơi...”. Thật là nói thêm nói bớt !
Nếu bảo rằng nàng quên mình là khuyến khích thì cũng được đi, nhưng chỉ có một lần ấy thôi, sao hắn lại bảo là nhiều lần ? Những lần cùng nhau đi mua sắm nầy nọ, có thân mật thật đó, nhưng nàng đã giao ước rành rẽ rằng đó là tình bạn, không thể ngộ nhận được kia mà !
Thật là khổ ! Hắn còn trẻ quá, yêu một cách say đắm, dại dột và có thể đi đến chỗ liều mạng thì thật là nguy hiểm vô cùng.
Tình thế đã rối ren, hắn không lo mà gỡ cho qua bước khó khăn, lại bày đặt gởi thư gởi từ, rủi thư mà lọt vào tay chồng nàng thì bão tố đã ngấm ngầm sẽ nổ bùng lên sự đổ vỡ không lường được.
Huyền Trân thấy phải thủ tiêu bức thư nầy ngay nhưng chưa biết phải làm sao. Đốt là chắc ăn hơn hết nhưng trong lúc thư cháy, ông Hóa có thể lên đây và đòi vào và nàng bắt buộc phải mở cửa.
Huyền Trân suy nghĩ một lát rồi đứng lên đi qua buồng vệ sinh. Nàng xả nước ào ào như đang tắm, như thế có ai gọi cửa, nàng không mở là tự nhiên vì họ sẽ đoán rằng tiếng nước của cái “đút” ngăn nàng nghe tiếng gõ cửa.
Đồng thời, nàng đánh diêm, hộp diêm để hờ thắp đèn cầy khi nào có banh điện, rồi đốt thư trên bồn rửa tay.
Một lát đây, nàng sẽ bóp nát tro thư rồi nước sẽ phi tang mọi dấu vết.
Nhưng nguy hiểm không thể hết. Hắn có thể viết thư nữa và đi đêm có ngày gặp ma, một bức thư ấy sẽ lọt vào tay ông Hóa.
Khi tro thư trôi theo dòng nước vòi chui vào miệng ống nơi đáy bồn và bị tống khứ đi hết sạch. Huyền Trân trở ra ngoài mở cửa và bấm chuông gọi chị Lầu.
Nàng không phải đợi lâu vì chị nầy biết bà chủ có việc gấp do bức thư gây ra nên bươn bả chạy lên, không kịp thở.
Huyền Trân nghiêm sắc mặt mà rằng:
- Nè, tôi đã căn dặn chị, chị nhớ nhé. Nếu chị còn mang thư lên nữa thì tôi không tha. Chị liệu hồn. Thôi cho chị xuống.
Nàng xẵng giọng để chị người nhà không còn lầm lẫn về quyết định của nàng.
Chị Lầu tái mặt ríu ríu rút lui, đoán rằng bức thư ấy không mang đến cho chủ chị những gì nàng mong mỏi, nên nàng mới đổi ý thế, chớ còn năm chục bạc mà nàng đã thưởng chị, là ngầm mời chị tùng đảng với họ vậy.
Quả chị có lén mở thư ra đọc trộm, nhưng không hiểu gì cho rõ ràng, nên sự đổi ý của Huyền Trân mà chị đoán, không làm chị ngạc nhiên.
Chị Lầu đi rồi, Huyền Trân vừa khép cửa lại thì bỗng nghe choáng váng muốn ngã. Nhà cửa bàn ghế như quay cuồng trước mặt nàng và thân thể của nàng, nàng nghe nó nhẹ nhõm như muốn bay bổng lên.
Huyền Trân nắm chặt hột xoài úp mặt vào cửa cho khỏi ngã và lâu lắm nàng mới nghe đỡ và bước lần lại giường.
Nàng nằm xuống và lại nghe choáng váng. Có lẽ hễ cử động là chóng mặt, nên Huyền Trân cố nín, không cựa quậy để xem sao.
Giây lát sau, quả có đỡ thật, nhưng nàng nghe bợn bạ bắt buồn nôn. Làm như là nàng nhờm gớm cái gì ấy.
Bỗng đâu, mùi cá đồng tươi mà người ta đang đánh vẩy như phảng phất đâu đây, khiến bao tử nàng như bị lộn ngược.
Huyền Trân trườn mình tới, đưa mặt ra khỏi giường rồi nôn oẹ ầm ĩ, thót cả ruột gan. Mửa một hơi thì bớt nhưng nàng mệt lả người.
Thụt trở vào, Huyền Trân nằm sấp trên nệm để thở, áo quần ướt đẫm mồ hôi.
Mới nghỉ yên được có năm bảy phút thì một cơn buồn nôn thứ nhì lại đùng đùng nổi lên. Nó nổi lên từ bao tử và từ hai bắp thịt ở hai bên má, dưới lưỡng quyền.
Huyền Trân lại trườn ra để ói.
Chị Lầu bưng mâm cơm tối lên, mở cửa vào phòng và bắt gặp Huyền Trân đang mửa nhớt ra linh láng dưới gạch.
Hoảng hốt chị ta đặt mâm cơm trên chiếc bàn con ngoài cửa rồi chạy tới hỏi:
- Trời ơi, cô làm sao vậy cô ?
Huyền Trân cứ tiếp tục ói một hơi nữa rồi thụt vào mà nằm sấp như khi nãy để thở.
- Trời ơi, cô tôi sao lại thế nầy !
Chị ấy lăng xăng chạy, rối rít hỏi và kêu than, nhưng không có sáng kiến nào hết.
Giây lát, Huyền Trân lại đỡ, ngóc lên thở hổn hển nói:
- Chị vào buồng tắm, rút cho tôi cái khăn lau mặt ướt.
Huyền Trân dùng khăn ấy để lau miệng, vì nàng nghe không thể nào mà còn nôn nữa được, bởi vì cái gì cũng có giới hạn của nó.
- Chị mở tủ lấy khăn khô, lau lưng lau cổ giùm tôi, rồi lấy một bộ đồ khô cho tôi thay.
Chị Lầu lau xong mình mẩy của chủ chị thì lại nghe Huyền Trân ra lịnh nữa:
- Giờ chị để tôi thay đồ, chị xuống dưới nhà lấy tấm bố lên lau dọn chỗ gạch dơ đi.
- Dạ.
Chị Lầu mừng quýnh lên sau lịnh đó, vì chị nóng báo tin dữ cho chủ hay, để được làm một công việc quan trọng, và để được giao lại cho người khác một cái tai nạn làm chị rối trí không biết phải hành động, phải xử sự như thế nào.
Chị hớt hơ hớt hải nhảy xuống thang lầu từng hai ba nấc một, chưa tới nơi đã vội kêu lớn:
- Ông ơi !
Nghe giọng của chị ta, ông Hóa hết cả hồn vía. Đó là giọng báo động cháy nhà, hay báo động có kẻ rơi xuống giếng.
- Gì đó ? Ông nhảy dựng lên và hỏi thế, muốn chạy đi lắm, nhưng còn phải đợi chị ấy trả lời xem sao.
- Dạ, ơ hơ... cô bịnh !
- Ngỡ gì.
- Nhưng bịnh thật tình, chớ không phải như hổm nay.
Ông Hóa châu mày hỏi gằn:
- Bịnh thật là bịnh thế nào ? Còn hổm nay là bịnh giả à ?
Đã trót lỡ lời, Lầu hoảng sợ cải chính trong lời giải thích của chị.
- Dạ không, dạ... ơ... hổm nay cô bịnh sơ, giờ bịnh nặng.
- Bịnh thế nào mà nặng ? Sốt ruột ông Hóa hét.
- Dạ cô chóng mặt rồi mửa.
- Hồi sáng cô đã ăn gì ?
- Dạ, không có ăn gì hết.
Bấy giờ ông Hóa mới cuống lên. Ông ta cũng chạy lên gác bằng cái nhịp hối hả của Lầu và nhảy vào buồng vợ như giông như gió.
Huyền Trân đang nằm ngửa, sải tay sải chân mà thở dốc. Mặt nàng hơi tái và tóc tai nàng bờm xờm.
Ông Hóa rón rén ngồi xuống bên cạnh vợ đang lim dim đôi mắt và hỏi khẽ:
- Gì đó Huyền Trân ?
Huyền Trân chỉ lắc đầu mà không đáp. Nàng còn mệt ghê lắm, không đáp được đó thôi chớ không phải là chống đối lại với chồng. Còn trái lại nữa.
Nàng mừng rỡ vô hạn mà thấy ngã bí đã có lối ra. Ông ấy đã đầu hàng khi hay tin vợ ông bịnh nặng. Đây là lối thoát may mắn mà có, chớ không do nàng tìm ra, nhưng chính nhờ vậy mà nàng khỏi chạm tự ái.
Ông Hóa rờ thử trán vợ. Nàng không có sốt, nhưng da nàng cũng chẳng bình thường, nó lạnh ngắt một cách dễ sợ. Chẳng, Huyền Trân vừa đổ mồ hôi chớ không có lạ gì. Nhưng ông Hoá không biết điều đó nên hoảng lắm.
Ông vội chạy xuống dưới nhà, cũng chạy bán sống bán chết như Huyền Trân đã chạy hôm ông say rượu.
Ông chụp lấy điện thoại trên bàn viết, quay lẹ năm con số rồi với giọng kẻ bị ăn cướp đang phá cửa ngoài kia, ông kêu:
- A lô ! Có phải bác sĩ Quỳnh đó hay không ?
Từ ngày cưới vợ, ông Hóa đã nhờ bà nầy làm bác sĩ gia đình cho ông, nhưng đây là lần đầu mà ông nhờ đến bà ta.
- Phải, chính tôi đây, ai đó ? Ở đầu dây, giọng trầm tĩnh của một người đàn bà đứng tuổi đáp như vậy.
- Chào bà. Tôi đây, Hóa, thương gia.
- À, chào ông Hóa. Có gì lạ ?
- Ơ, bà đang làm gì ?
- Tôi vừa ngồi lại bàn ăn.
- Hư... ừ m… ! Bà đến ngay được không ?
- Cái đó thì tùy. Nếu đáng đến thì gì tôi cũng bỏ được, chớ đừng nói đến bữa ăn. Nhưng có ai đau đớn gì ông thử nói nghe.
- Đàn bà tôi nó bịnh.
- Bà ấy làm sao ?
- Nó ói, mửa, chóng mặt.
- Hồi nào ?
- Cách đây độ nửa tiếng đồng hồ.
- Bà ấy vẫn còn như thế chớ ?
- Đã đỡ rồi.
- Từ sáng đến giờ bà ấy ăn gì ?
- Không có ăn gì hết.
- Đã ăn cơm tối hôm nay chưa ?
- Cũng chưa.
- Ông bảo từ sáng đến giờ không có ăn gì hết, thế còn bữa cơm trưa ?
Ông Hóa bứt tóc, không biết đáp thế nào cho trôi. Chẳng ông dò hỏi nơi con Lầu thì biết vợ ông chỉ liếp láp qua loa, nhưng đó là vì nàng buồn. Nhưng không thể, và chưa cần thú nhận việc gia đạo bất hòa với y sĩ vì một chứng bịnh không do sự bất hòa ấy gây ra.
- Ơ hơ... Bữa cơm trưa bà ấy cũng chỉ ăn qua loa chút ít thôi.
- Như vậy là bà ấy đã nghe khó ở từ trước đây rồi có phải không ?
- À, cái đó thì không. Nếu vậy thì tôi đâu có phải lo.
- Nhưng sao lại chỉ ăn qua loa trong bữa cơm trưa ?
- Bà cứ đến, đừng hỏi lôi thôi. Bí quá, ông Hóa nổi giận, đáp xẵng lè.
- Tôi không có tò mò đâu, nhưng phải hỏi chớ.
- Xin lỗi bà, thật tôi không biết đâu là đâu cả.
- Như vậy thì tôi sẽ đến sau khi tôi ăn cơm xong.
- Vâng, nhưng xin bà nhớ cho.
- Nhớ mà, làm thế nào tôi quên được.
Ông Hóa hạ ống nói rồi thấy Lầu từ trên kia xuống đến nơi, ông ta chỉ bàn ăn mà rằng:
- Dẹp hết đi !
Đoạn ông trở lên lầu.
Minh không thể không chú ý đến sự chộn rộn ở nhà nầy. Chàng càng bứt rứt, càng nóng nảy hơn, chận chị Lầu ở sân sau mà cật vấn.
- Gì đó chị ?
- Thôi đi tía nội đừng hỏi gì nữa hết.
Minh sợ lắm, ngỡ thư mình chọc giận Huyền Trân, hoặc lọt vào tay ông Hóa nên van lơn :
- Tôi lạy chị, chị làm tôi sợ quá, xin chị cho tôi biết sơ bằng một tiếng thôi, coi nàng nghĩ sao.
- Nhưng rồi thôi đa nhé ! Bả hăm đuổi tôi, nếu tôi tái phạm. Không, tôi không biết bả nghĩ sao cả. Có lẽ bả không nghĩ gì cả.
Minh nhẹ nhõm người. Ít lắm chàng cũng chắc bụng được rằng thư đã tới tay người nhận và không gây sóng gió nào cả. Nhưng vẫn chưa hết lo. Chàng lại hỏi:
- Nhưng gì mà chộn rộn dữ vậy ?
- À, bà ấy cắt móng tay, cắt phạm tới phao nên chảy máu.
- Chỉ có như vậy thôi à ?
- Thì nhà giàu đứt tay, bằng ăn mày đổ ruột, thầy biết chớ ? Vợ trẻ nhõng nhẽo với chồng già là chuyện thường mà.
Lầu đã nghe chủ chị gọi bác sĩ. Nếu chị nói không có gì thì không thể cắt nghĩa được sự viếng thăm của bác sĩ lát nữa đây. Bằng như mà nói thật thì gã con trai nầy rối lên thì rầy lắm.
Chị hiểu rõ ý của nữ chủ của chị qua giọng nói của cô ta. Nên chị quyết tự hủy cây cầu ô thước là chị, cho khỏi hậu hoạn.
Minh còn xốn xang, cái xốn xang hôm nay, nhưng đã an lòng về những gì xảy ra từ sáng đến giờ. Hắn ăn cơm rồi vào phòng của hắn mà học.
Ông Hóa vào buồng vợ và thấy Huyền Trân đã mở mắt ra và nằm lại ngay ngắn.
Ông ngồi xuống thật nhẹ và hỏi:
- Em đã nghe đỡ chưa ?
Huyền Trân nghe cả một lời van lơn cầu khẩn qua giọng hỏi của chồng. Ông ấy như ngầm nói, cùng một lúc với câu hỏi đó: “Em tha tội cho anh nhé !”
Để thay câu trả lời, Huyền Trân mệt nhọc nắm lấy tay chồng.
Nàng muốn nói thật nhiều bằng cử chỉ đó mà không lời lẽ nào nói đủ cho bằng, nàng muốn nói lên tiếng cám ơn của nàng, tạ ơn tấm lòng ông không bỏ bê nàng lúc nàng ương yếu, nhứt là sau một câu chuyện như câu chuyện hổm nay, nàng muốn nói lên tiếng cám ơn tạ lòng khoan dung của ông, đã quên được một mối nghi ngờ lớn, tức là đặt tín nhiệm vào nàng. Điều nầy quan trọng lắm, đối với nàng là người có giáo dục, bởi vì kẻ khác mất tín nhiệm nơi nàng, nàng nghe nhơn phẩm nàng bị mang vết mang tì.
Hai người làm thinh, không nói để lắng nghe như là lòng họ là một chất lỏng, chảy đi được, chảy qua hai cánh tay của họ và giao lưu nhau ở một chỗ giáp nước nào nơi đó.
Ông Hóa biết chắc rằng vợ ông chỉ cảm mến và giờ chỉ thương xót ông mà thôi chớ không yêu ông. Nhưng như thế là đủ cho ông lắm rồi, ông không dám đòi hỏi nhiều hơn. Ngay như trong những cặp vợ chồng xứng đôi vừa lứa với nhau kia mà mười cặp chưa dễ có quá tám cặp yêu nhau bằng ái tình thì...
Ông Hóa cúi xuống hôn lên cái trán còn lạnh ngắt của vợ và nói lớn ra, cái điều Huyền Trân đã ngầm đoán hiểu.
- Em tha lỗi cho anh nhé !
Huyền Trân cũng chỉ đáp bằng cái siết tay chồng thôi.
Ông Hóa chưa ngồi thẳng dậy thì đã nghe tiếng giày đi lên lầu. Đó là tiếng giày đàn bà. Ông vừa giựt mình tự hỏi ai cả gan đã lên đây để quấy rầy thì chợt nhớ đến bà bác sĩ Quỳnh, ông mừng rỡ hết sức.
Ông nhìn vợ, cười mà rằng:
- Bà bác sĩ đến, em có gì cứ khai với bà ấy.
Nói xong ông đứng lên và bước ra cửa thì thấy Lầu dẫn vị nữ lương y của gia đình ông đến gần tới đây.
- A, bà Quỳnh, mạnh giỏi, thưa bà ?
- Cố nhiên là thầy thuốc phải mạnh giỏi luôn luôn.
- Còn ông Quỳnh, ông ấy có thư từ về thường chớ.
- Cám ơn ông, bà ấy đâu rồi.
Ông Hóa lui lại một bước, và bà Quỳnh bước tới một bước, trong khi con Lầu trở xuống dưới nhà.
- Em à, đây là bà thầy thuốc của gia đình ta.
Người nữ bác sĩ vừa đứng tuổi nầy ngạc nhiên hết sức trước sự trẻ trung của người chủ nhà, bối rối mấy giây rồi cười nói:
- Chào bà Hóa.
- Chào bà bác sĩ.
- Ông để chúng tôi một mình.
Câu sau đó, bà thầy thuốc nói với ông chủ nhà và ông Hóa hiểu ngay, khép cửa buồng của vợ ông lại rồi đi xuống dưới nhà.
Mâm cơn của ông vẫn còn nguyên chớ không được dẹp đi sau lịnh của ông. Ông thầm biết ơn người nhà đã lo nghĩ đến ông, vì bây giờ đỡ lo ông lại nghe đói.
Ông lấy thuốc ra hút rồi ngồi lại nơi ghế bành để đọc báo cho đỡ sốt ruột, nhưng đọc hết hai trang lớn của một tờ hàng tuần nhiều tranh ảnh, viết bằng chữ Pháp, mà ông không hiểu gì cả, nên ông lại đứng dậy, chắp tay sau mông, đi qua đi lại trong phòng, cứ thỉnh thoảng lại liếc nhìn lên đầu thang lầu, sợ bà thầy thuốc đi xuống mà không hay.
Ông đi được bốn vòng thì bỗng nghe tiếng giày phía trên đầu ông. Nóng nảy quá, ông chạy lên gác, mặc dầu ở vào tuổi ông, lên xuống thang lầu không phải là một thú vui dễ mê lắm, thế mà ông đã chạy lên chạy xuống như vậy mấy lần rồi.
Ông gặp người nữ bác sĩ gia đình ông tại đầu thang lầu:
- Thế nào, thưa bà ? Ông Hóa lo lắng hỏi.
- Không có gì đáng lo. Trái lại nữa.
- Gì mà trái lại nữa ?
- Vì có thể đó là tin mừng.
Ông Hóa suýt sụm xuống. Ông thở hổn hển hỏi:
- Có thiệt như vậy không bà ?
- Tôi chỉ thấy dấu hiệu thôi, không dám chắc một trăm phần trăm. Đợi vài hôm, thử thỏ mới biết rõ được.
- Nhưng đấu hiệu rõ rệt lắm chớ ?
- Khá rõ rệt.
Ông Hóa muốn tống cổ bà bác sĩ ngay để chạy lên với vợ ông. Nhưng lịch sự, ông phải đưa bà ta ra tới đường.
Từ giữa thang lầu, xuống tới dưới nhà rồi ra sân, ông Hóa thấy là xa hàng vạn dặm. Hai chân ông như bị kiến cắn, ông cứ muốn chạy, muốn đạp muốn đá cái gì.
Ra tới sân, không thấy xe bà bác sĩ, ông chưng hửng hỏi:
- Xe bà đậu ngoài đường à ? Tụi nầy tệ quá, chúng nó không mở cổng cho bà vào, nhưng tôi đã ra lịnh rồi kia mà.
- Có, khi tôi đến đây thì cổng mở. Nhưng xe tôi hư, tôi đi tắc xi.
- Để tôi bảo sớp phơ nó đưa bà về.
- Cám ơn, tôi còn ghé qua một con bịnh khác.
Ông Hóa không nài nỉ, vì ông không muốn người khách nầy ở trễ lại đây thêm một phút nào cả. Ông rán bền chí đưa bà Quỳnh ra tới đường, đợi một chiếc tắc xi rồi bà ấy chưa lên xe, ông đã vội quay gót.
Ông Hóa nhớ rõ là nỗi vui mừng lớn nhứt của ông là cái lần mới ra làm ăn, trúng một mối rất to, cách đây mười sáu năm, cái mối nó tăng vốn cho ông và giúp ông làm được những cú áp phe lớn lao để dựng sự nghiệp.
Nhưng nỗi mừng ấy không thấm vào đâu với sự chộn rộn trong lòng ông như đêm nay. Gần hai mươi năm rồi, ông chờ đợi một đứa con thừa tự, và sự nghiệp ông càng phát triển, sự chờ đợi ấy càng to thêm, cho đến ngày bà trước mãn phần thì ông hoàn toàn tuyệt vọng.
Từ ấy đến nay, ông nhẫn lại chịu số phận không người nối dõi, và cuộc hôn nhơn thứ nhì nầy không giúp ông mong mỏi bao nhiêu vì ông đã quá tuổi có con.
Ông Hóa ba chân bốn cẳng chạy lên lầu với sức lực bỗng nhiên trẻ mạnh lại như ngày ông còn xuân. Ông đã lên xuống năm lần rồi, lần nào cũng nghe mỏi, riêng lần nầy thì không.
Nhưng tới trước buồng của Huyền Trân, ông chậm bước lại, bước thật nhẹ, mà mở cửa cũng thật nhẹ: ông sợ đứa bé giựt mình, mặc dầu hiện giờ nếu có nó, nó chỉ bằng một con vi trùng là cùng.
Ông nhìn vợ mà cười hỏi:
- Em đã biết tin chớ ?
- Đã. Nhưng chưa có gì chắc hết.
- Bà ấy chỉ dè dặt thôi, chớ sao lại không chắc.
Câu nói của Huyền Trân làm ông Hoá hơi lo, và hơi tức giận. Thoạt tiên, ông nghĩ ngay rằng vợ ông không thích có con với ông, nhưng quan sát, thấy được sự vui mừng hiện ra trên mặt Huyền Trân, ông thay đổi cảm tình ngay đối với nàng.
Bản năng làm mẹ bao giờ cũng sẵn có nơi người đàn bà, kể cả những kẻ ích kỷ nhứt. Tự nhiên họ thích có con và có con là hãnh diện bên ngoài của họ.
Nghe bà bác sĩ báo tin mừng với sự dè dặt thường lệ của con nhà nghề, thoạt tiên, Huyền Trân rụng rời như vừa đánh mất một món của quí báu nhứt trên đời nàng. Của quí báu ấy là đời con gái của nàng. Vâng, nàng tiếp tục nuôi mộng ảo là mình còn con gái với ý chí thoáng qua sống một cuộc đời khác.
“Thế là hết rồi ! - Huyền Trân chán nản nghĩ thầm. Mình đã vượt qua một biên giới, không hy vọng trở về ! Người con gái chưa sống đời sống con gái ấy đã mất rồi !”
Nhưng liền ngay những ý nghĩ chán nản ấy, thình lình nàng nghe một sự có mặt trong người của nàng.
Tình mẫu tử không đợi sự sanh nở mới hiện ra nơi người đàn bà mà có ngay từ lúc họ biết mình cấn thai.
Bào thai chỉ mới biết rằng có, nhờ ý thức, chớ chưa nghe gì cả, bào thai ấy, người đàn bà họ nghe là của họ, của riêng họ, và những kẻ bị hiếp dâm, vẫn thương con như thường.
Lắm người, trong những cuộc hôn nhơn miễn cưỡng rồi lại yêu chồng được, qua đứa con mà họ thương yêu.
Huyền Trân không biết có yêu chồng được hay không, nhưng nàng bỗng nghe thương mến lạ lùng bào thai mà nàng vừa biết là bắt đầu mang trong lòng.
Cảm nghĩ của nàng về cuộc đời cũng bỗng dưng khác hẳn đi, khác thế nào, nàng chưa thấy rõ lắm, nhưng chắc chắn là không phải như trước nữa.
Có lẽ những cảm nghĩ nầy chỉ sẽ rõ rệt ra khi mà bào thai thành hình hẳn, ảnh hưởng vào đời sống sinh lý của cơ thể nàng và đời sống sinh lý mới ấy sẽ lại ảnh hưởng nhiều đến tâm trí nàng.
Hiện giờ sự biến đổi của trí và lòng nàng còn lờ mờ lắm.
Tuy thế, một điều chắc chắn là nàng nghe mình nhẫn nại chịu số phận được với bổn phận làm vợ và làm mẹ. Ý chí nổi loạn đã nhụt đi, mà dễ thường cũng đã tiêu tan mất rồi.
Nỗi tiếc thương của người con gái son trẻ quả có, còn làm cho nàng ngậm ngùi và nao nao buồn cả lúc mà tình mẫu từ bắt đầu dậy lên, nhưng Huyền Trân biết chắc rằng đó là sự vùng dậy lần cuối cùng của một con người đang hấp hối, con người bỏ lại sau lưng cả một thời thơ mộng không sống được, hóa kiếp thành một con người khác, trong một giai đoạn khác.
- Em chỉ mới nghe khó chịu hôm nay sao ?
- Dạ, chỉ mới nghe hôm nay thôi.
- Còn kinh kỳ ?
- Mất đã hơn mười ngày, nhưng em ngỡ trồi sụt là sự thường.
- Ông trời thương anh. Cả đời, anh chưa làm gì quấy cả nên rốt cuộc rồi cũng được mụn con.
Những tiếng sau giọng ông Hóa run run. Ông cảm động đến ứa nước mắt.
- …Chưa làm điều gì quấy, chưa hại ai bao giờ, Ông Hóa tiếp, chỉ trừ... làm cho em không được... thỏa mãn trong đời của em... Em tha lỗi cho anh nhé…
- Anh cũng tha lỗi cho em... em sẽ làm mẹ… cho đến trọn đời em.
Ông Hóa ngơ ngác, không hiểu vợ muốn nói gì. Nghi kỵ của ông đã tiêu tan trong nỗi mừng của ông. Ông suy luận rằng vợ ông không thể ngoại tình được khi mà nàng mang thai với ông. Đó là lối suy luận khoan hồng của những kẻ sung sướng, sẵn sàng quên tất cả mọi khía cạnh xấu của cuộc đời.
Không hiểu, nhưng ông cũng không hỏi làm gì vì ông bận lo cho tương lai.
Đêm nay, ông Hóa ngủ ở đây, lần đầu trong đời vợ chồng của ông. Hai vợ chồng rù rì với nhau, mãi cho tới khuya, về những dự định sẽ tới, sanh ở đâu, trang hoàng phòng đứa bé như thế nào, nên mướn người mình hay xẩm làm vú cho đứa bé.
Trong khi đó thì Minh ở dưới nhà, thức sáng trắng mà không học được chữ nào.
Chàng không hay có bà bác sĩ đến, nên ngỡ Huyền Trân vẫn yên lành như thường. Vì thế mà chàng tức giận con người đã có cảm tình đặc biệt với chàng và chàng cho rằng chàng bị phụ rảy.
Đau khổ băn khoăn suốt đêm, Minh quyết định được một thái độ. Sáng nay chàng sẽ hành động, một hành động đầu tay xem sao rồi sẽ hay.
Chàng ngồi dậy viết một bức thư và viết xong, an lòng nên đi ngủ được.
Sáng ra ông Hóa và Huyền Trân dậy cùng một lượt, họ hẹn nhau xuống dưới nhà ăn sáng rồi ông về buồng ông rửa mặt và thay y phục, còn Huyền Trân thì đi tắm giấc tắm sáng sớm thường lệ của nàng.
Đàn ông không trang điểm nên sửa soạn rất mau. Ông Hoá đã xong cả rồi, năm phút sau đó, trở lại buồng vợ thì Huyền Trân chỉ mới bắt đầu tắm trong ấy thôi.
Ông chồng sung sướng nầy ngồi lại trên ghế bành để tận hưởng hạnh phúc mới của ông.
Ông lấy thuốc ra thồn vào ống cối, chưa kịp bật diêm thì một vật gì bay từ cửa sổ vào rồi rớt xuống ngay giữa giường của Huyền Trân.
Ông Hóa hết hồn, nhưng xem lại thì đó chỉ là tờ giấy viết thư xếp nhỏ cột vào một viên sạn trắng trải sân.
Ông nhảy ra cửa sổ dòm xuống thì không thấy ai dưới sân cả.
Ông Hóa run lên, mồ hôi toát ra dầm dề:
“Thì ra, ông nghĩ, Huyền Trân đã ngoại tình và nghi ngờ của ông không lầm, đây là bằng cớ không thể chối cãi. Đứa con trong bụng nàng, vậy thì không phải là con ông nữa rồi.”
Ông nghĩ đến đứa con ấy trước hết, trước hơn thái độ mà ông phải có đối với hạnh kiểm của vợ ông.
Ngồi phịch xuống giường, ông Hóa chết sững trong mấy mươi giây rồi mới lượm thư lên, tháo sợi cao su màu quấn quanh bức thư gói hòn sạn ấy.
Thư rằng:
“Huyền Trân ơi !
Ông Hóa nghe đau nhói nơi tim mà nghe một kẻ thứ ba gọi vợ ông bằng cái tên thân mật mà chỉ có ông là có quyền dùng đến thôi.
“Huyền Trân nhứt định không trả lời thư của Minh phải không? Đây là bức thư chót nếu Minh không nhận được lời nào thì Minh sẽ có thái độ.”
Ký tên: Người đau khổ.
Tiếng nước “đút” trong kia đã thôi chảy. Ông Hóa vội nhét thư vào túi quần, ném viên sạn trở ra cửa sổ.
Ông đã hiểu được phần lớn mọi việc: Minh đã ngộ nhận rằng Huyền Trân yêu hắn nên đeo đuổi mãi, hoặc là Huyền Trân đã suýt phản bội ông, nhưng hồi tâm kịp lúc.
Đằng nào, điều đáng tiếc cũng chưa xảy ra cả.
Cơn giận của ông, bây giờ đổ dồn về một người mà khi nãy là Huyền Trân. Huyền Trân không phản bội ông, nhưng người nầy hẳn là phản bội rồi.
Ừ, ông sẽ bẻ cổ Minh, nó chỉ xứng đáng được hưởng sự trừng phạt ấy thôi. Con người như nó thì mắng chửi thật là uổng lời.
Huyền Trân sửa tóc trước khi tắm, và tắm xong, nàng mặt bi da ma nên trở ra đây rất lẹ.
Ông Hoá nhìn vợ và cười nói:
- Trông em càng đẹp hơn lúc trước nữa.
- Nịnh vô ích.
- Thật đó chớ. Nhưng rồi em sẽ đẹp hơn. Mấy tháng đầu mới cấn thai con so, ai cũng vậy cả. Em nên đi chụp ảnh mỗi tháng từ đây đến ba tháng nữa.
Huyền Trân vừa mặc xong chiếc ki mô nô vào để xuống dưới nhà với chồng thì ông Hóa nói:
- Cho em xem cái nầy ngộ lắm.
Vừa nói ông vừa thò tay vào túi lấy ra bức thư. Thấy màu giấy, Huyền Trân tái mặt, vì biết đó là giấy riêng của Minh mà nàng đã nhận được một lần rồi.
Bấy giờ chính Huyền Trân run tay. Nàng tiếp lấy thư và đọc xong, nàng nổi giận vò bức thư lại, ném xuống đất.
Giọng hăm dọa của người con trai vụng về ấy đã làm nàng phẫn uất đến không còn biết sợ chồng nữa.
Nàng vụt đi ra cửa, quyết xuống mắng cho Minh một trận, nói tạch hoạch cả ra rồi ông Hóa xử nàng sao tùy ông, nàng không cần cứu vãn gì cả. Đã trót làm tội thì thế nào cũng được.
Nhưng ông Hóa đã vội níu vợ lại:
- Em nên bình tĩnh, để anh xử cho thì phải hơn.
Nói xong, ông cúi xuống lượm bức thư lên, rồi hai vợ chồng xuống lầu, ông đã thản nhiên lại được, nhưng Huyền Trân còn giận hầm hầm.
Ông Hóa đã bình thản lại được, không phải vì ông mau nguội, mà vì ông chợt thấy quan niệm rằng Minh “phản bội” của ông là sai.
Thật ra Minh chỉ là người thường thôi, đối với ông, thì không thể bảo hắn phản bội được.
Quả hắn đã được ông ưu đãi, nhưng đó là ông thưởng công hắn để cầm chân hắn, chỉ có thế thôi. Quan niệm “chủ tớ”, quan niệm “trung thành” thật là phong kiến, ông đã khá tiến bộ nên chợt nhận thấy mình sai lầm ngay.
Minh có tội chăng là đã quấy rầy một người đàn bà có chồng, chỉ có thế thôi.
Mà sở dĩ hắn táo bạo thế là cũng tại ông phần nào. Huyền Trân mà có suýt quên bổn phận, vẫn cứ tại ông phần nào.
Chính ông đã vô tình xô hai người trẻ tuổi nầy vào đường tội lỗi, và họ chưa kịp phạm tội là may mắn lắm rồi.
Hai vợ chồng ngồi lại bàn ăn. Ông Hóa gọi Lầu, bảo nó mời thư ký của ông vào.
Sau sáu bảy hôm không được đếm xỉa tới, Minh ngạc nhiên và lo sợ khi nghe có lịnh gọi.
Chàng rụng rời lúc bước vào phòng, thấy Huyền Trân ngồi trước mặt chồng, như là không có gì xảy ra giữa đôi vợ chồng ấy.
Ông Hóa chìa bức thư rồi hất hàm hỏi:
- Thế nào ?
Minh chết điếng, không còn biết chui đâu cả.
Ông Hóa:
- Vậy tự xử đi.
- Vâng.
- Tôi sẽ cho một số tiền.
Huyền Trân đã nguôi giận trước cơn sợ sệt của người thanh niên đã đưa nàng vào một thế giới huyền ảo trong một lúc. Nàng dịu dàng hỏi:
- Rồi Minh đi đâu ?
- Thưa bà, tôi sẽ tình nguyện xin vào Hải quân.
Chàng rơi nước mắt mà nói câu nầy.
- Ừ, hay lắm. Tôi đã khuyên Minh nên tình nguyện nhập ngũ. Vào Hải Quân càng hay vì trong binh chủng đó, Minh sẽ phải xa nơi đây rất lâu, có thể quên được. Rồi Minh sẽ thấy, gió lành nước mặn của biển khơi sẽ thay đổi tâm trí của Minh khác hẳn đi.
- Vâng, tôi chỉ mong thế. Xin cám ơn ông bà và vĩnh biệt.
NXB Miền Nam5.10.1967 Chú thích:[1] Nhân vật điển hình của tiểu thuyết Việt Nam, tác giả là Vũ Trọng Phụng[2] Huyền Trân sắp bị đưa lên giàn hỏa đã xây cất xong. Xuống thang là xuống thang giàn hỏa, chớ không phải lên thang như nhiều người đã hát.