Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Uống Lộn Thuốc Tiên

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9370 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Uống Lộn Thuốc Tiên
Bình Nguyên Lộc

Phần VIII

-     Em đi một vòng nhé.

Chiều hôm nay, ông Hóa khiến vợ đi dạo mát, nhưng đó là một lời mời lơi, ông nói ra mà cứ mong cho vợ từ chối, vì ông cần xe để đi mua búp bê, con búp bê biết cười, biết ngủ mà ông đã hứa với bà khi sáng.

Loại búp bê đó, ở Sài Gòn rất hiếm, vì người ta chỉ nhập cảng có vài con thôi. Đã có mua một lần rồi, ông Hóa biết chỗ bán, không phải ngày Sinh Nhựt thì họ cất trong tủ chớ không có bày ra, phải quen biết, hỏi họ mới đưa, nên ông không mong sai ai làm việc nầy được.

Ông Hóa nhớ lại cái lần mua con búp bê đầu ấy. Số là sau đêm ông đi chơi trà thất với một người bạn làm ăn trẻ tuổi. Người bạn ấy có một cô bạn là ca sĩ ở trà thất đó.

Cô bạn ca sĩ trách bạn ông:

-         Anh tệ quá, hứa mua cho em một con búp bê biết cười, mà để em phải đợi gần hóa đá vọng... búp bê.

Biết tánh bạn ông rất kẹo, mà cũng rất ưa chiều giai nhơn, muốn mua lòng bạn để được việc làm ăn, ông Hóa cười mà rằng:

-         Bạn tôi bận lắm nên cứ quên mãi. Nhưng được, để mai tôi mua tặng cô... thay cho bạn tôi.

Lần ấy ông đã tặng món quà đó một cách miễn cưỡng, hơi tiếc tiền, mặc dầu người nhận quà là một người đẹp.

Nhưng bây giờ ông bồn chồn, háo hức lắm. Ông ở vào thời kỳ chinh phục vợ ông, mà hễ có dịp tấn công tình cảm là ông hăng hái như con trai.

Huyền Trân, sau cơn sợ khi sáng, nhứt quyết không đi dạo mát với Minh nữa, nhưng đến xế là trí và lòng nàng biến chuyển hơi khác đi: nàng phân vân chớ không quả quyết nữa. Nàng phân vân vì tuổi trẻ luôn luôn thèm đi ra ngoài, và phân vân vì... cũng thèm đi với Minh.

Rất thông minh, nàng nghe giọng chồng là biết ông Hóa mời lơi. Lời mời lơi ấy chạm tự ái nàng, nên Huyền Trân tức mình, nhận lời khuyên cho bỏ ghét. Nhận lời mời lơi là làm khổ cho người mời, tức là trả thù cơn tức giận do họ gây ra.

Vì thế mà Huyền Trân ra khỏi được sự do dự của nàng một cách dễ dàng: nàng ra đi mà không đắn đo nữa.

Lúc xe qua cổng, Huyền Trân chợt nhận thức một chi tiết lạ là tài xế không có hỏi nàng đi đâu để mà hướng xe cho đúng nẻo. Quẹo trái hay quẹo mặt lúc ra khỏi nhà là một điều quan trọng tùy thuộc nơi đến của chủ xe. Thường thì khi nào chủ xe quên nói gì, tài xế phải hỏi điều đó lúc sắp qua cổng.

Huyền Trân bỗng giựt mình sau nhận thức nầy. Có lẽ Minh vô tình mà hành động như vậy, nhưng hành động bất giác ấy do ý trí chủ động còn ẩn mặt nơi tiềm thức chàng xui khiến.

Chàng đã nghe chàng có quyền điều khiển chuyến đi nầy. Nếu Huyền Trân định đi mua sắm thì sao ? Minh đã tự ý cho xe quẹo tay phải, nghĩa là để đi đâu đó chớ nhứt định không phải để ra các phố buôn bán.

Khi mà người con trai đã có ý chí lấn lướt như thế, hắn sẽ dám bạo gan lắm, táo tợn lắm.

-         Sao lại đi ngả nầy ? Huyền Trân xẵng giọng.

Nàng bị mích lòng vì uy quyền của chủ nhơn, uy quyền của phụ nữ và uy quyền của một người đàn bà được yêu, tức là phải được nể, vì ba thứ uy quyền ấy bị xem thường nên mới gay gắt hạch sách như vậy chớ không phải là sợ Minh điều khiển lắm. Còn trái lại nữa là khác.

Nghe cật vấn, Minh cũng giựt mình, Chàng nhận thấy ngay sơ sót của chàng nên nói:

-         Xin lỗi bà, tôi cứ ngỡ bà định đi dạo mát.

-         Vậy à ? À thôi hay là ta đi dạo mát luôn cũng được.

Huyền Trân nhìn người con trai bên cạnh, ranh mãnh cười bằng mắt và thưởng thức sự bối rối của chàng, thưởng thức uy lực của nàng, của ba thứ uy lực: bà chủ, người đàn bà và người đàn bà được yêu trộm.

Nhưng người sau cùng ấy xuống nước nhỏ ngay mà thêm:

-         Đi đâu tùy thích Minh.

Đã bảo nàng không sợ bị điều khiển, mà còn trái nữa là khác.

Từ đường Trần Quý Cáp chạy trước nhà, Minh quẹo mặt nên mấy phút sau, đổ ra Lê Văn Duyệt.

Do dự vài . giây chàng hỏi:

-         Bà có thích đi chơi xuồng hay không ?

-         Cũng hay. Nhưng ở đất Sài Gòn nầy...

-         Có, có thể đi chơi xuồng được.

Giây lát sau, xe lại đổ ra Trương Minh Giảng. Mãi cho lúc tới cầu, Huyền Trân không đoán được Minh đưa nàng đi đâu. Muốn đi chơi xuồng, ắt hẳn phải xuống sông chớ sao lại chạy lên hướng bắc của thành phố.

Xe đậu lại dưới chân dốc cầu, họ băng qua đường và đi bộ.

Đến một đám đất trống cạnh đầu cầu, Huyền Trân có ấn tượng như là ai đã trải lên đám đất trống ấy một tấm thảm xanh khổng lồ.

Mấy chiếc cầu ván thật dài bắc lên dó để đi vào xóm trong xa kia, cũng vén khéo lắm, nên cảnh bùn lầy nước đọng ở đây trông khá lên thơ.

Minh dẫn đầu, rẽ vào xóm, đi trên một chiếc cầu ván ấy, Huyền Trân nối gót theo bạn, giờ thì nàng đã hiểu, nhưng không còn phấn khởi như khi nãy nữa, bởi vì con rạch Cầu Bông chảy tới đây là đã gần nguồn của nó rồi. Nó hẹp bằng một cái nhà và bị rau muống trồng từ bờ ra bãi, từ bãi ra mé rạch lấn ra giữa dòng, thâu dòng rạch lại còn nhỏ bằng một căn buồng, vừa đủ chỗ cho một chiếc xuồng quay đầu thôi.

Nãy giờ Huyền Trân mong mỏi khoảng trời cao, đất rộng và gió lộng mát và thơm, giờ nàng thất vọng mà nghĩ rằng mình sẽ khổ vì mùi bùn của bờ rạch, mùi bẩn của nhà cửa cất hai bên rạch, nhà nào cũng day lưng ra đó cả tức là đưa ra đó tất cả bẩn thỉu của gia đình, rác rưới vệ sinh vân vân.

Huyền Trân vừa muốn quay gót lại thì Minh kể lể:

-     Lúc mới lên Sài Gòn, Minh ở trọ trong xóm nầy. Coi vậy mà sạch sẽ lắm vì ở đây không có nước tù như các xóm Sáu Lèo,  xóm Láp Bê.

Cầu ván không dứt tại bìa xóm phía trước mà len lỏi sâu vào rún xóm. Đi trên đó, họ không thấy là đi trên cầu nữa vì hai bên cầu nhà cửa che bít bùn lầy và mặt nước hết.

Con đường mòn - à không, cây cầu - rẽ ra bao nhiêu nẻo và Minh tẻ ra hướng rạch.

Ở đây có một dãy nhà đưa lưng cả ra rạch như quân của Hàn Tín trong cái trận thư hùng không có đường về ấy.

Minh dẫn bạn vào một căn nhà của dãy ấy và họ vào nhà xong chủ nhà còn ngơ ngác chưa nhận ra chàng là ai.

-         Cậu Tám, mạnh giỏi cậu ? Cháu là Minh đây mà.

-         A...ơ... té ra là mầy... a là cậu Minh... trời, cậu mau lớn quá và khác trước nhiều.

Đoạn nhìn Huyền Trân, ông chủ nhà hỏi:

-     Còn mợ đây phải không ?

-         Dạ không. Một người bạn gái của cháu. Cậu còn chiếc xuồng chớ.

-         Không còn thì còn làm ăn gì được. Rau muống phía ngoài mé nước phải hái bằng xuồng mới được.

Thì ra đây là một gia đình trồng rau muống.

-         Cho chúng tôi mượn độ một tiếng đồng hồ được hay không cậu ?

-         Vui lòng. Cậu cứ lấy mà đi. Đây cậu mợ theo tôi ra sau đây.

-         Mặc dầu Minh đã đính chính, người chủ nhà nầy cứ tiếp tục gọi Huyền Trân bằng mợ.

Ông ta đi vào buồng và Minh nối gót theo ông. Huyền Trân ngại ngùng chưa dám bước thì Minh day lại giục:

-     Huyền Trân cứ vào đây chớ.

Đây là một dịp cho chàng bước vào sự thân mật giữa hai người: đang gọi nàng bằng bà khi nãy, đã “Huyền Trân” được rồi.

Huyền Trân, nếu có khó tánh cũng không thể bắt lỗi bắt phải gì được, vì không lẽ chàng mới giới thiệu với chủ nhà nàng là bạn, mà lại gọi nàng bằng bà.

Lần đi chơi mát nào, Minh cũng tìm được một dịp thuận lợi như thế trong phút giao thời giữa hai lối xưng hô.

Mà xưng hô thân mật được là cả hai đều cởi lớp cũ được ngay, gần như quên địa vị thật của họ mà họ muốn quên nhờ điều kiện khách quan giúp cho họ quên.

Qua khỏi cái buồng tối om, họ đến một nhà bếp tương đối sáng sủa. Bà chủ nhà cũng ngơ ngác, nhưng được chồng nhắc cho rằng ông khách sang không ai khác hơn là anh học trò khó ngày xưa, bà ta rối rít mừng, bỏ cả công việc để vồn vã hỏi thăm sức khoẻ, làm ăn của người khách trọ cũ.

-     Mợ nó đây phải không ? Bà chủ nhà hỏi.

Một lần nữa, Minh lại phải đính chính. Tuy nhiên đôi bạn đều nghe một cảm giác lạ kỳ do ngộ nhận ấy gây ra.

Chủ nhà đưa họ ra sân sau. Đây là sàn nước hơn là sân. Bao nhiêu lu hũ, chậu vịm đều dồn lại nơi đây. Nếu không có sự bừa bãi luộm thuộm ấy và nếu để vài chậu hoa, vài chậu cây cảnh thì sân nầy nên thơ lắm. Và nếu các sân sau bên kia rạch cũng đều trang trí như vậy thì có thể hai bờ rạch là cảnh tiên.

Huyền Trân nhìn chiếc thang đứng, đầu gác lên sàn nước nầy, chân chôn dưới bùn và một chiếc xuồng nhỏ xíu cột ở chân thang rồi sợ hãi.

-     Ghê quá ! Huyền Trân xuống không được dâu.

-     Khó nhưng vẫn được.

-     Huyền Trân sợ té lắm.

-     Bảo đảm không té, chỉ phải sợ thôi, mà có sợ mới thú.

Minh nhìn lại Huyền Trân thì rất mừng mà thấy chiều nay nàng mặc toàn đen. Nếu rủi ro y phục nàng có lấm chút ít bùn sình, cũng không thấy bẩn.

Chàng leo thang để xuống xuồng, một là để cho Huyền Trân thấy cách leo, hai là để dọ đường sá xem sao. Thang chắc lắm và đầu xuồng cột vào chân thang cũng khít, xuồng sẽ đỡ chòng chành khi nào có ai bước lên đó.

Trở lên trên, chàng bảo:

-     Huyền Trân xuống trước.

-     Không, Huyền Trân không dám đâu.

Cô bạn hơi tức giận anh con trai dốt khoa săn sóc đàn bà. Ai bắt phụ nữ xung phong vào nơi nguy hiểm.

-     Huyền Trân cứ xuống trước, đã có Minh bảo vệ cho.

Giọng chàng trở nên hách dịch như lúc bất chợt được người thiếu phụ nầy toan quyên sinh. Trước những tình thế cần phải ra oai, phần lớn đàn ông đều phải tỏ ra có tinh thần lãnh đạo phụ nữ.

Minh tự tôn mặc cảm và phản ứng tự nhiên của Huyền Trân là tự ti mặc cảm.

Tuy nói không dám, nàng vẫn bước ra bìa sàn nước, lại gần đầu thang. Minh hỏi:

-     Huyền Trân biết vén áo theo lối thôn nữ hay không ?

-     Vén thế nào ?

-     Kéo vạt áo lên rồi nhét đầu vạt vào lưng quần. Như vậy sẽ gọn như mặc áo bà ba.

Thiếu phụ làm y theo lời của bạn nàng và quả nàng thấy mình hết lượt bượt nữa.

-     Giờ thì bỏ giày đi.

Huyền Trân lại làm theo lời bạn nữa.

Chàng nắm chặt lấy bàn tay của nàng rồi nói:

-           Giờ Huyền Trân bắt đầu bước xuống, lần lần từng nấc thang một.

Một tay vịn thang, tay kia đưa lên cao, bám vào tay thòng xuống của Minh. Huyền Trân nghe vững bước lắm. Minh cũng leo xuống với nàng, và lỡ nàng có trật chơn trật tay cũng không thể rơi xuống bùn vì sẽ được người bạn trai ở trên kéo lại nhờ hai bàn tay nắm chặt lấy nhau ấy.

Họ xuống, họ xuống, họ xuống. Rau muống mọc dầy đặc dưới chân họ, che khuất bùn và nước nên Huyền Trân đỡ nhờm, đỡ sợ phần nào.

Họ xuống, họ xuống, họ xuống. Bấy giờ Huyền Trân mới hiểu vì sao mà Minh bất lịch sự với nàng: leo cây, hoặc leo thang sự tu sỉ bắt buộc người ta phải để đàn bà ở dưới. Hơn thế, chỉ có trật tự nầy mới cho Minh nắm tay nàng mà dìu dắt. Nếu Minh ở dưới, nàng sẽ không biết bám níu vào cánh tay bảo hộ nào.

Huyền Trân đã bước tới nấc thang chót. Mới để một chân qua xuồng, xuồng lắc lư, nàng hoảng, vội rút chân lại ngay.

Nấc thang cuối cùng nầy lớn hơn các nấc thang khác nhiều lắm, nên Minh dám bước xuống đó mà không sợ nó gãy dưới sức nặng của hai người.

Mặc dầu chật chội như nêm, chàng cũng cố nép mình ngồi xuống để vịn mũi xuồng. Tuy bảo đảm nầy không làm cho xuồng nằm yên hơn bao nhiêu, Huyền Trân cũng nghe vững dạ và dám mạnh dạn bước xuống đó.

Theo lời chỉ bảo của bạn, Huyền Trân đi lần vào giữa xuồng và ngồi xuống trên mấy chiếc sạp tre ngang.

Minh mở dây cột và đẩy xuồng đi ngang qua mặt chàng bằng hai tay vịn be xuồng, lần từ mũi ra sau lái, đoạn bước nhẹ lên khi bánh lái qua tới trước mặt chàng.

Chàng chống giầm vào chân thang rồi đẩy cho xuồng dang ra giữa dòng.

Khi nãy Huyền Trân ngồi mà không định hướng. Nhưng sự tình cờ đã sắp họ đối diện với nhau, nghĩa là Huyền Trân day lưng ra phía mũi thuyền.

Nước ròng, Minh chỉ lái cho thuyền đi ngay và thả trôi theo dòng nước.

Không khí ở đây tanh hôi mùi bùn, mùi bẩn thỉu của dòng nước đã thâu nạp tất cả bẩn thỉu của một đô thị đông ngót hai triệu người, và nhứt là mùi bẩn thỉu của những cầu vệ sinh của vô số nhà sàn cất dựa mé rạch.

Đôi bạn khó chịu lắm nhưng cảnh nhà sàn lạ mắt giúp họ quên được phần nào sự khó chịu ấy.

Nhưng được cái là càng đi xa về hướng sông, rạch càng rộng và mùi hôi càng giảm lần và họ bắt đầu nói chuyện với nhau lúc xuồng chun dưới cầu Kiệu.

Khi nào nghe mùi hôi thúi, người ta nhờm không thích mở miệng. Và Huyền Trân cũng hơi tức Minh đã đưa nàng vào một chốn mà nàng thấy không tốt chút nào, nên nàng ngậm câm nãy giờ vì hờn mát.

-     Cóc của Huyền Trân còn nhảy hay đã hư rồi ?

Huyền Trân ngạc nhiên trước câu hỏi mà nàng không chờ đợi. Nàng đang ngắm nhà sàn ở hai bên bờ rạch, đang nghĩ về một bức họa hay một bức ảnh chụp hàng ngàn cây cột tràm nâng đỡ hàng trăm nếp cheo leo ở bờ nước và tưởng rằng Minh cũng đang cùng một ý nghĩ với nàng.

-     Hỏng ngay sau ba tiếng đồng hồ đầu.

-     Của Minh cũng vậy. Có lẽ vì ta bắt nó nhảy nhiều quá. Minh cứ muốn sống lại những phút giây trên vỉa hè, trong Chợ Lớn.

Huyền Trân chưa có hứng, chưa vui được vì bất mãn về nơi đi dạo. Nhưng sự nhắc nhở nầy giúp nàng nghe lòng thơ thới vô cùng. Nàng đã làm học trò suốt buổi mai trên đại lộ Đồng Khánh, về nhà tiếp tục làm học trò với con cóc nhảy. Con cóc hỏng rồi, nàng thương tiếc không biết bao nhiêu cái ảo ảnh đã tan.

Sự nhắc nhở chưa làm sống hẳn được những giây phút thần tiên ấy, nhưng thình lình giúp nàng quên được hiện tại của nàng.

-     Huyền Trân cũng cứ muốn sống lại buổi sáng trên vỉa hè, nên cứ bắt nó nhảy.

-     Hôm nào ta lại vào Chợ Lớn để mua cóc nữa...

-     Ừ, nhưng vô ích. Ảo ảnh không bao giờ hiện lên hai lần, nhứt là Huyền Trân lại muốn già hơn là trẻ lại.

-     Muốn già ? - Minh kinh ngạc trố mắt nhìn bạn. Ai muốn già ?

-     Huyền Trân muốn như thế.

-     Minh thật không hiểu.

-     Có gì lạ đâu. Chồng Huyền Trân gần vợ trẻ nên trẻ lại lần lần.

Sự lây ấy có thật sự một cách khoa học, chớ Huyền Trân không nói chuyện hoang đường đâu. Còn Huyền Trân gần chồng già nên cứ già giặn thêm ra. Sự kiện nầy lấp đầy lần lần cái hố so le tuổi tác giữa hai vợ chồng, đi chung với nhau càng ngày càng ít kỳ cục nên Huyền Trân muốn già giặn cho lẹ, càng già nhanh chóng càng hay, để theo kịp ổng.

-     Trời ơi !

Đây là tiếng kêu than tuyệt vọng của người con trai bị chỉnh mấy lần mà vẫn cứ mơ ước được yêu.

Huyền Trân nói ra sự thật về sự biến đổi nơi ông Hóa và nơi nàng và thật sự về ý muốn của nàng. Nhưng nàng cũng có ý nói thế để cho anh con trai nầy tuyệt vọng mà không còn lôi thôi gì nữa.

Người thanh niên si tình như bị sét đánh lên đầu, thừ người ra, chiếc giầm được buông xuôi, thành thử xuồng không được lái ngay ngắn.

Xuồng day ngang trôi dạt vào chơn Cầu Bông mà họ đang chun qua. Huyền Trân hoảng hốt kêu rú lên khiến Minh giựt mình đưa tay ra đỡ.

Thật là hú vía, trễ mấy giây nữa là xuồng va mạnh vào trụ đá sẽ nát tan ra từng mảnh rồi.

Cầu nầy là cầu xe điện ngày xưa. Công chánh đã trồng thêm cho nó nhiều chân bằng xi măng cốt sắt để biến nó thành cầu xe hơi. Xuồng qua chỗ nầy rất khó khăn bởi tránh được cây trụ nầy, lại đụng đầu với cây trụ khác, đó là nói những chiếc xuồng được điều khiển hẳn hoi kia. Xuồng say rượu như xuồng do anh tài xế nầy lái thì thật là giống một kẻ điên.

Huyền Trân lại kêu rú lên lần thứ nhì vì xuồng lại gần chạm mũi vào một cây trụ khác. Lần nầy nàng ngồi gần trụ xi măng hơn nên chính nàng đã đưa tay ra để chống đỡ.

Tai nạn được ngăn chặn kịp lúc, nhưng Huyền Trân mất thăng bằng và rơi xuống nước. Nàng là một cây bơi lội nhưng Minh không biết thế, nên khủng khiếp, chàng bỏ xuồng mà nhảy theo để vớt nàng.

Minh hành động rất khoa học. Chàng toan kẹp Huyền Trân vào nách trái của chàng để cho tay mặt chàng rảnh rang bơi.

Huyền Trân cười mà mắng:

-     Đồ điên !  Ai chết đuối bao giờ đâu. Hãy rượt theo chiếc xuồng, không nó trôi đi mất.

Minh chợt nhận thấy Huyền Trân quả không gặp khó khăn dưới nước: nàng biết cả lối lội đứng là điệu lội của người mình, giúp cho người ngâm mình dưới nước khỏi ướt đầu ướt mặt, điệu lội phải thành thạo mới áp dụng được.

Hết lo cho bạn, chàng đuổi theo xuồng. Xuồng day ngang và trôi ngang, nhờ thế mà trôi chậm phần nào, không khó rượt lắm.

Không biết vì nguyên nhơn nào mà khi nãy suýt chạm vào một trụ cầu bên hữu của họ, nhưng giờ nó lại nằm phía tả ngạn con rạch.

Minh gần chụp được chiếc xuồng thì dừng lại mà nhìn một cảnh tượng rất ngộ nghĩnh: chiếc xuồng quay tròn, không tiến cũng chẳng lùi.

Chàng xem lại thì nơi đây là ngã ba của hai con rạch. Hai dòng nước giáp lưu với nhau trong lúc nước ròng, chảy xiết tạo nên một xoáy nước khá lớn mà người mình kêu tới bằng ông, ông Xoáy, không ra được nữa và cứ vòng quây nơi đó.

Huyền Trân vẫn ở yên một chỗ đợi xuồng về. Nhưng thấy bạn vừa nhìn cảnh ngộ nghĩnh ấy mà quên mất nàng, nàng lội đến đó để cùng xem.

-     Nó quây mãi như vậy à ?  Huyền Trân hỏi.

-     Ừ, nếu ta không làm gì. Nhưng để Minh ...

Nói chưa dứt câu, Minh phóng vào giữa xoáy, nắm xuồng mà lội ra. Chàng nhảy lên xuồng trước rồi đưa tay để giúp Huyền Trân lên.

-     Xin lỗi Huyền Trân nhé.

-     Thật là phiền. Về nhà không biết ăn nói làm sao.

-     Tội của Minh to lắm.

-     Thôi bỏ. Nhưng phải chờ y phục khô mới về được. Áo quần nhầu nát tuy cũng không đáng được trưng bày ra giữa công chúng, nhưng vẫn tương đối dễ coi hơn là áo quần ướt.

-     Đồng ý.

-     Con rạch con khi nãy từ đâu chảy đến và tên là gì ?

Bấy giờ xuồng đã trôi ra xa gần tới cầu Thị Nghè. Ở khúc nầy nước chảy mạnh kinh hồn, Minh cố hết sức mới bơi ngược dòng được. Chàng sợ xuồng bị đẩy ra sông Bến Nghé thì càng khổ hơn vì sóng gió buổi chiều trên con sông lớn ấy và vì sóng các tàu máy có thể lật úp xuồng.

Rạp mình xuống mà bơi, Minh vừa thở hổn hển vừa đáp:

-     Trong vài bản đồ Sài Gòn và phụ cận cũng thấy ghi rạch ấy là rạch Cầu Bông. Thật ra rạch mang rất nhiều tên và có lẽ một tên đã được thành tên vĩnh viễn, nếu thành phố Sài gòn không bành trướng ra. Giờ thì đã trễ lắm rồi, người thành phố không cần con rạch, không gọi tên nó nữa và nó sẽ mãi mãi không có tên, hay mang những tên lơ lửng không đủ thống nhứt.

-     Nhưng nó chảy đi đâu ?

-     Huyền Trân phải hỏi là nó từ đâu chảy đến chớ. Minh không biết cho rõ nơi phát nguyên của nó, chỉ thấy nó chảy qua Gia Định để đổ ra đây. Hai con đường lớn trong Bà Chiểu là đường Hàng Thị và đường Hàng Xanh đụng đầu nhau và nơi chiếc cầu bắc qua rạch nầy. Để ta vào đó cho đỡ mệt.

Xuồng đã lên gần tới xoáy nước khi nãy. Minh cố gắng hơn lên và chĩa mũi xuồng vào rạch nhỏ.

Nước đã ròng sát rồi nên dòng nước trong rạch nầy chỉ còn vừa cho xuồng của họ day ngang thôi. Sức nước cũng yếu đi nhiều lắm, nên Minh bơi thong thả được.

Bên hữu của họ, tức phía tả ngạn con rạch, ruộng và đồng hoang úng thủy minh mông, trải ra cho tới xa lộ đằng kia. Bên tả của họ... lại là nhà sàn nữa ! Nhưng nhà sàn ở đây có điểm khác nhà sàn ngoài rạch lớn là trụ nhà còn mới, chưa đóng một lớp rêu, một lớp nhớt lâu đời và ghê tởm.

Minh giải thích:

-     Minh còn con nít nên không biết rõ nơi nầy, chỉ nghe người lớn bảo là hồi tiền chiến, nghĩa là lúc ta lên ba, con đường Bùi Hữu Nghĩa chạy trước dãy nhà nầy là đường rầy xe điện Sài gòn - Bình Dương, còn đất cất dãy nhà nầy là bãi bùn.

-     Chắc nhà cửa mới được dựng lên năm ba năm đây thôi.

-     Hình như vậy.

Nước đang chảy yếu, bỗng ngừng chảy. Minh nghe mái giầm nhẹ hểu. Mừng rỡ, chàng reo lên:

-     Nước đã đứng, nghĩa là hết ròng và sắp lớn, lát nữa ta về dễ dàng lắm.

-     Nước đứng ?

-     Ừ, nước đứng nghĩa là lúc mà nó hết ròng, hết chảy xuống nữa và sẽ chảy trở lên nguồn.

Xuồng chun qua một cây cầu mà Minh nhắc lại rằng đó là cầu đường Hàng Xanh. Hai bên bờ rạch bấy giờ đã có biệt thự và nhà cửa đẹp đẽ và ở đây gió nghe nhẹ và thơm chớ không khí không nặng nề như ở đoạn cầu Mới, cầu Kiệu. Nước rạch đã xanh ngắt chớ không vàng khè một màu bẩn thỉu như ở ngoài kia.

Con rạch nầy như không bao giờ được dùng nên nãy giờ họ không thấy bóng xuồng nào qua lại cả. Mặt nước ở đây phẳng lặng như mặt gương và ngôi biệt thự xinh xắn đầu tiên soi rõ bóng trên mặt nước bên cạnh bóng của những bụi ô rô, bụi dừa nước, trông mát mắt vô cùng.

Minh cứ bơi tới. Họ qua một xóm nhỏ rồi đến hai hàng rào dừa nước hai bên bờ, rồi lại đến những rặng bần. Trong kia, có lẽ còn nhà cửa xóm làng nữa. Nhưng Minh cứ với tay lên níu một nhánh bần gie cho xuồng ngừng lại.

Chiều còn sáng tỏ bên ngoài, nhưng cả hai đều như đang ở trong hang vì vòm lá trên đầu ngăn bớt bóng chiều.

Minh đứng lên, hai chơn bước tới mà hai tay lại ôm chặt nhánh bần gie nơi ngực chàng, thành thử chỉ có chiếc xuồng là bị dời chỗ. Nó được dời lùi lại cho tới ngay chỗ Huyền Trân ngồi. Huyền Trân hiểu ý bạn, nên cùng vói tay níu nhánh bần ấy và đứng lên.

Cả hai đứng cạnh nhau, cùng ôm một nhánh bần nơi ngực và cùng lặng thinh nhìn tới trước, tức là nhìn vào hướng nguồn rạch.

Trước .mắt họ là một cái cửa hang hình vòng cung, làm bằng vòm lá bần, thân cây bần và mặt nước. Bên ngoài cửa hang, nước rạch xanh lơ không gợn sóng, phản chiếu nuột tí nắng rớt của chiều tà.

Họ nghe như họ lạc vào giữa rừng rậm hoang vu và loài người đang ở xa nơi đây lắm !

Ảo tưởng sống xa loài người mạnh cho đến đỗi Huyền Trân không thấy rằng không ổn khi đứng sát cạnh Minh. Đã chẳng còn là người, chẳng còn gì hết thì thế nào cũng xong. Lễ nghĩa và luân lý thật không cần, khi mà trên đời nầy chỉ có một mình ta thôi, hoặc còn ta với một người bạn thân.

Nước đã bắt đầu lớn và Minh phải bước tới luôn đẩy xuồng lùi lại vì xuồng trôi chậm vào hướng nguồn. Huyền Trân cũng làm thế cho vui chân.

Đôi bạn như là đang cùng rảo bước trên đường, đành rằng họ bước thật nhẹ, nhưng Huyền Trân không khỏi nín cười được mà thấy rằng họ bước, nhưng vẫn ở yên một chỗ.

Thật là ngộ nghĩnh, cảnh kỳ dị nầy. Trong các phim trường, các nhà quay phim có một mánh khoé để chụp cảnh tài tử đi xe: tài tử cứ ngồi yên một nơi cảnh giả được kéo qua. Thế nghĩa là trong hai thứ thì hoặc người, hoặc cảnh, phải xê dịch. Đằng nầy họ đứng yên mà cảnh cũng đứng yên, mặc dầu họ không bao giờ dừng bước.

-     Huyền Trân cười gì ?

-     Ta giống như hai con chuột bạch của Tàu, cứ bước mãi trên cái lồng kẽm tròn mà vẫn không đi tới đâu cả.

Minh trách:

-     Sao Huyền Trân lại cười được ? Minh thì ...

-     Thì buồn ! Con trai gì mà cứ ủ rũ mãi. Người ta té xuống nước còn không buồn...

-     Sao mà Minh cứ nghe muốn ở luôn nơi đây, cất một cái am nhỏ, rồi tu...

-     Chán đời sớm dữ vậy à ? Sao Minh lại khuyên Huyền Trân nên yêu đời ?

-     Ừ, vì đời đáng yêu đối với Huyền Trân. Còn Minh thì...

-     Thì sao ?

-     Vả lại đi tu, Minh cũng vẫn cứ sống chớ có tự tử như Huyền Trân đâu.

-     Ừ sống, nhưng sống biệt lập một mình, không làm bổn phận của anh con trai.

-     Minh vẫn biết như vậy là bậy, nhưng...

-     Có lẽ tại cảnh nầy hoang vu nên gợi ý đen tối cho Minh.

-     Không phải. Minh chỉ mới đâm ra chán đời khi nãy, lúc sắp đụng vào trụ cầu. Hết rồi Huyền Trân ơi...thật là hết rồi !

-     Cái gì hết ?

-     Hy vọng của Minh. Huyền Trân đã cho Minh biết rõ là Huyền Trân đã chịu được số phận và hơn thế đã dọn lòng để sống cho hạp với số phận ấy !

-     Minh nè !

-     Huyền Trân !

-     Ta nên có lý một chút. Cuộc phiêu lưu nào cũng nguy hại cả. Minh biết điều đó thì nên quên đi.

-     Minh vẫn muốn quên, nhưng làm sao quên được. Chắc Minh phải đi xa. Mai nầy Minh sẽ xin thôi.

-     Đừng có dại mà mất chỗ làm. Đời nầy không dễ tìm kế mưu sinh đâu.

-     Minh đã quyết định rồi. Chỉ có cách ấy Minh mới quên được và mới không làm phiền Huyền Trân.

Huyền Trân chỉ làm thinh.

Nàng buồn vô hạn mà thấy rằng những bài toán của cuộc đời không dễ giải lý lắm như nàng ngỡ. Nếu Minh bằng lòng được với tình bạn bí mật giữa hai người thì tốt đẹp biết bao nhiêu, nàng đỡ cô đơn phần nào trong cảnh đời hiu quạnh của nàng. Nhưng hắn lại yêu, yêu điên dại như bất kỳ người con trai chưa kinh nghiệm nào.

Bóng chiều xuống mau lẹ quá, và trong hang nầy đã gần tối om.

Tiếng chuông chùa xa theo gió văng vẳng ngân nga bay đến, an ủi thì quả có an ủi thật, nhưng đồng thời cũng làm cho cả hai đều ngậm ngùi trước viễn cảnh cô đơn của họ, như cảnh cô đơn của kẻ tu hành mà tiếng chuông chùa gợi đến.

-     Minh ơi, đừng có đi. Minh đã bắt Huyền Trân sống, Huyền Trân đã nghe lời Minh, giờ Minh lại bỏ rơi Huyền Trân sao ?

-     Minh có tội rất lớn với Huyền Trân. Nhưng nếu Minh ở, có lẽ Minh sẽ làm tội nhiều hơn. Minh xin Huyền Trân tha thứ cho Minh.

-     Nhưng chưa chắc Minh sẽ đỡ khổ hơn khi sống riêng một mình ở một nơi hẻo lánh.

-     Minh sẽ sống với ảo tưởng rằng Huyền Trân nghĩ đến Minh, Minh sẽ sung sướng với hình ảnh xa của Huyền Trân và nhứt là với ảo tưởng đó.

-     Không, không phải ảo tưởng đâu, Huyền Trân sẽ nghĩ đến Minh, hơn thế sẽ viết thơ cho Minh nếu Minh cho biết địa chỉ.

-     Không, ảo ảnh là hơn. Như vậy Minh sẽ an phận với nỗi thất vọng của Minh. Thơ của Huyền Trân cứ làm cho Minh hy vọng, thì không hay cho Minh chút nào.

-     Khổ quá, Huyền Trân không dè hôm nay Minh đi đến nước nầy. Cũng tại Huyền Trân phần nào, Huyền Trân đã làm cho Minh tuyệt vọng, nhưng không làm thế lại không được. Minh càng hy vọng, càng trở nên nguy hiểm cho Huyền Trân.

-     Nhưng thôi, đừng ai đổ tội cho ai, cũng chớ nên tự buộc tội mình. Minh phải chịu số phận của Minh không sao khác hơn được. Dầu sao Minh cũng đội ơn Huyền Trân đã cho tình bạn mấy tháng nay. Minh sẽ nhớ mãi mãi...

Minh nghẹn ngào rồi úp mặt lên tay mà khóc nức nở. Huyền Trân để cho bạn khóc cho vơi sầu.

Lâu lắm, nàng khẽ gọi:

-     Minh à ! Minh yêu Huyền Trân phải không ?

-     Minh không hề dám nói. Tự nhiên Huyền Trân hiểu được lòng Minh.

-     Ừ, và Minh không đính chánh, nghĩa là xác nhận rằng Huyền Trân không hiểu sai. Vậy Minh yêu Huyền Trân thì Minh có dám hy sinh cho Huyền Trân hay không ?

-     Nếu cần lên trời, Minh cũng sẵn lòng đi.

-     Khỏi đi đâu cả, còn trái lại nữa, Minh nên ở lại với Huyền Trân.

-     Huyền Trân muốn như vậy à ? Để chi ?

-     Vì Minh đi, Huyền Trân sẽ buồn lắm.

-     Cũng được, nếu làm như vậy mà vui lòng Huyền Trân, Minh sẽ làm. Nhưng có bất công lắm hay không, Huyền Trân ? Huyền Trân sẽ đơn phương vui vẻ, còn Minh sẽ đau khổ không biết bao nhiêu.

Huyền Trân giựt mình mà chợt thấy mình ích kỷ quá. Nàng sợ bạn ra đi rồi đói lạnh, nhưng hóa ra yêu cầu bạn ở lại cho nàng vui và cho bạn đau khổ.

Và nàng bỗng thấy hy sinh của bạn to tát quá. Thương xót bạn hết sức, nàng vịn vai bạn mà rằng:

-     Hay thôi, Minh đi là hơn. Cám ơn nhã ý chịu ở lại của Minh.

Đây là lần đầu tiên trong đời người trinh nam nầy mà hắn được gần gũi đến mức nầy một người đàn bà.

Hắn vừa hoảng sợ đến rụng rời, vừa sung sướng đê mê. Tâm thần hắn bấn loạn nên hắn hành động một cách bất giác: hắn đưa tay lên cầm lấy bàn tay vịn vai hắn.

Huyền Trân muốn rút tay lại nhưng không nỡ. Đây là một chút kỷ niệm mà nàng đành phải tặng bạn để hắn mang theo với mớ ảo tưởng của hắn cho ấm những ngày trơ trọi của hắn. Không thể, không có can đảm ban tình yêu cho hắn, nàng thấy sự thu hồi ân huệ nầy tàn nhẫn quá.

Giây lâu, Minh mới chợt tỉnh. Hoảng sợ cho cử chỉ liều lĩnh của chàng, chàng toan lấy tay ra, nhưng không hiểu sao chàng không cử động được. Không phải chàng hiểu rằng sự bất động của Huyền Trân là ưng thuận đâu. Chàng cũng biết được phần nào tâm trạng của bạn chàng, không nỡ vì thương xót chàng, chỉ có thế thôi. Nhưng biết là một chuyện, hành động hợp với chỗ biết ấy là một chuyện.

Một sự chèo kéo mãnh liệt diễn ra giữa lời khuyên của lẽ phải và xui giục của nhân dục.

Người con trai hai mươi là một chiến trường bất lợi cho lý trí, nên chi rốt cuộc rồi lẽ phải, phải thua.

Minh siết tay bạn trong tay chàng và như là thầm lặng nói: “Huyền Trân ơi, đây là chút CỦA TIN mà Huyền Trân rộng lượng tặng Minh, Minh đội ơn Huyền Trân ngàn ngày và ngàn ngày sẽ nhớ mãi giây phút nầy đây”.

Huyền Trân bất động và cũng như là âm thầm đáp lại:

“Ừ, đấy là một chút CỦA TIN, “của tin gọi một chút nầy làm ghi” và Huyền Trân cũng sẽ nhớ mãi mối tình khôn thỏa của Minh, nhớ mãi rằng có một khi kia, một người con trai đã yêu Huyền Trân, Huyền Trân cảm tình nhiều với hắn nhưng vì có bổn phận...”

Thoáng thấy rằng bấy giờ mới thật là sắp hết, ơn huệ nầy lớn lao quá, chàng không thể mong gì hơn nữa và vài giây nữa đây chàng sẽ trở lại cảnh trơ trọi của chàng, Minh đau xót quá, tủi thân quá. Chàng nấc lên mà khóc và lần nầy chàng úp mặt lên chính tay của Huyền Trân mà khóc òa.

-     Hết... rồi... Huyền Trân... ơi !

-     Ừ, hết rồi.

Huyền Trân lặp lại lời bạn như một tiếng vang. Trong giọng nói của nàng, bàng bạc nỗi tiếc thương những ngày vui sắp tàn, tiếc thương một giấc mơ hoa của ... kẻ khác, nàng muốn mơ lắm, nhưng không dám, không dám nhưng lại phải mơ lây.

-     Ừ... hết rồi.

Hai người thấy không rõ mặt nhau nữa vì trong hang ánh chiều đã hấp hối.

Nếu cảnh hoang vu tùng đảng cho những ý nghĩ buông trôi thì bóng đêm lại là một kẻ tùng đảng đắc lực hơn.

Minh đã thôi khóc. Chàng rút khăn tay ra, bây giờ đã khô rồi như y phục của Huyền Trân, và của chàng, lau tay cho Huyền Trân, bàn tay ướt mem nước mắt của chàng.

-     Huyền Trân ơi, đây là phút cuối cùng của mối tình vô vọng của Minh. Vĩnh biệt Huyền Trân nhé !

-     Vĩnh biệt !

-     Và Minh liều lần cuối cùng, Huyền Trân giết Minh cũng được.

Huyền Trân khủng khiếp, rụng rời trước lời của gã con trai liều mạng. Nàng chưa kịp có phản ứng tự vệ thì hắn đã nâng bàn tay nàng lên và đặt lên đó một cái hôn nhẹ, nhẹ thật nhẹ như là cái hôn chào phụ nữ của đàn ông trong xã hội quí phái Âu châu. Chỉ có thế thôi.

Đang kinh sợ, Huyền Trân bỗng nghe nhẹ cả người. Thì ra nguy hiểm chỉ có thế thôi và chàng thanh niên điên dại nầy chỉ điên dại một cách biết điều.

Vừa hết sợ, người thiếu phụ nầy vụt nghe được cái mơn trớn thần tiên của cuộc gần gũi nầy. Tiếng sáo nhà ai thổi lên một bản nhạc mới và bây giờ người thổi sáo đã tới khúc:

“Mộng ước về đâu,

“Chút duyên tình đầu,

“Nhạc cũ chìm sâu,

“Lắng trong hồn sầu,

“Nhạc khuya thầm nhắc.

“Bao lần lá rơi, lá rơi trên đường chiều.

Không khí tự nhiên thuận lợi cho sự lưu luyến tâm hồn, khiến người nhiều tình hay dễ quên mình lắm.

-     Huyền Trân !

-     Minh.

Chàng kéo nhẹ Huyền Trân vào người chàng, kẹp nách nhánh bần gie và hai tay cầm lấy tay bạn, chàng hỏi:

-     Huyền Trân ơi ! Minh đã quyết đi. Ừ, nhưng Minh sẽ đi cái chuyến đi cuối cùng của con người, đi vào cái u minh để không bao giờ về nữa, vì sau buổi nầy, Minh thật không còn thiết sống ... xa Huyền Trân. Chết được ngay giữa giây phút nầy, giây phút mà Minh đã bước tới trước thềm hạnh phúc, hơn thế, đã để chân vào ngôi đền hạnh phúc, Minh sẽ hoàn toàn sung sướng. Thà là như thế còn hơn.

-     Hay là Minh ở lại ?

-     Huyền Trân đừng gạt Minh. Hy vọng cuối cùng nầy to tát lắm và sự thất vọng sẽ giết được Minh chớ chẳng chơi đâu.

-     Minh ơi, Huyền Trân không đủ can đảm. Ừ, vĩnh biệt vậy.

Nhưng anh con trai nầy bỗng quyết bám níu cái rễ cây trước khi rơi xuống vực. Chàng càng nắm chặt tay bạn, khiến Huyền Trân hoảng hốt giựt tay lại thật mạnh.

-     Vĩnh biệt ! Và ta đi về thôi !

Nàng đã ngồi xuống sạp tre. Minh như từ cung trăng rơi xuống. Chàng thở dài và buông nhánh bần, bước tới vài bước, để trở lại sau lái xuồng.

Uể oải nâng giầm lên khỏi khoang xuồng, chàng thả rơi mái giầm xuống nước rồi nạy để quay mũi xuồng trở ra hướng rạch Cầu Bông.

Nước đã lớn. Thế nghĩa là Minh bơi ngược dòng. Nhưng sức nước ở đây yếu nên chàng không phải rán sức lắm.

Và ra tới ngã ba rạch cạnh cầu xe điện cũ thì chàng thả trôi cho xuồng tự chuồi trên mặt nước.

Đôi bạn không ai nói gì với ai nữa. Họ day đi mỗi người mỗi nơi, không phải giận nhau, mà chỉ vì sầu thôi.

Huyền Trân khi nãy đã hoảng sợ bạn làm xằng nên từ chối giây phút quên mình của hắn do giây phút quên mình của chính nàng khuyến khích. Giờ, qua khỏi cơn kinh sợ, nàng lại tiếc không biết bao nhiêu cái bước sảy chân mà nàng đã không dám bước.

Xuồng trôi xuôi theo dòng nước lớn, và Huyền Trân cảm thấy đời nàng sẽ trôi xuôi như vậy đến ngày nàng trở lên một goá phụ ở giữa hai cái tuổi chưa già để từ bỏ cuộc đời, mà cũng không còn trẻ nữa để làm lại cuộc đời.

Minh lái xuồng rất thạo, xuồng trôi ngay bon, nhưng chàng lại thấy cái mỉa mai nầy là chàng không thể lái đời chàng xuôi chèo mát mái như thế được.

Đời chàng sẽ ra sao khi mối tình vô vọng nầy đã vỡ lẽ ra là thật hẳn vô vọng ?

*

*       *

Hôm nay họ về thật trễ. Điều nầy chỉ làm cho ông Hóa hơi lo lúc họ chưa về, lo một tai nạn xe cộ nào xảy ra, nhưng không ngạc nhiên.

Nhưng ông kinh ngạc mà thấy vợ ông là một thiếu phụ khác hẳn người nội trợ lúc chưa đi dạo chiều.

Huyền Trân là hiện thân của sầu não, mối sầu triền miên của những tháng mới về nhà chồng vừa nguôi ngoai được, hơn thế nàng vừa tìm lại được sự vui tươi hồn nhiên của tuổi trẻ, thình lình nàng rơi trở vào cái buồng u tối và có thể sẽ rút mãi trong buồng đó, không chịu ra để mà sống với ông nữa.

Ông Hóa nằm dựa ngửa trên chiếc ghế bành lớn bọc nhung màu huyết dụ, đặt cạnh bàn giấy của ông. Trước mặt ông, một chiếc bàn con và trên bàn một ly Martini uống hết phân nửa.

Thấy vợ, ông ngồi ngay ngắn lại để mừng rỡ:

-     A, Huyền Trân ! Chắc hôm nay em vui lắm !

Huyền Trân sượng sùng, cúi mặt xuống nhìn gạch, làm thinh mà đi lại chơn thang lầu.

Lời của ông Hóa rất chơn thật. Ông nghĩ rằng hôm nay hẳn vợ ông phải vui mới ở ngoài trễ như thế.

Nhưng Huyền Trân lại nghe đó là sự mỉa mai về cái phút quên mình của nàng.

Vì thế mà ông Hóa vừa thấy nét sầu nơi mặt vợ ông có mấy giây thì bỗng vẻ sượng sùng lại đột hiện lên đó.

Ông kinh ngạc đến cực độ, nhìn theo vợ ông mà nghĩ lung tung. Mấy tháng nay, tuy vợ ông chưa hẳn là vợ ông, nghĩa là nàng vẫn chưa yêu ông, chưa có những giây phút mùi mẫn trong đời sống vợ chồng nhưng nàng đã chịu đàm đạo với ông về đủ cả các vấn đề, chịu đi ra ngoài với ông mà không có vẻ miễn cưỡng như lúc đầu. Cớ sao hôm nay...

Thình lình ông Hóa thấy sự nhàu nát của y phục Huyền Trân.

Khi nãy Huyền Trân đã sợ rất hữu lý là y phục ướt, tuy thế mà dễ giải thích hơn là y phục bèo nhèo.

Một ý nghĩ ghê gớm, khi lại thấy tóc tai bù như ổ quạ của Huyền Trân làm cho ông chồng già nầy chết điếng mấy giây.

Khi bình tĩnh lại được, ông không dám nghĩ tới điều kinh sợ ấy nữa và cố cãi với ông rằng không phải, rằng ông nghĩ quấy cho vợ ông, rằng không thể nào có chuyện như vậy được.

Mặc dầu cao niên hơn Huyền Trân đến ba mươi lăm tuổi, ông Hóa đã kính vợ vì ông đã biết được rằng đó là một người đàng hoàng, được giáo dục rất kỹ, nếp nhà, phẩm cách của nàng và lòng tự trọng của nàng không thể nào để cho chuyện đó xảy ra.

Trải qua lịch sử nhơn loại, những người đàn bà đứng đắn mà lạc bước đều bị người đời soi kỹ vào đời họ và luôn luôn bắt được một vài chỗ yếu trong nền giáo dục gia đình của họ.

Mà Huyền Trân không ở trong trường hợp đó. Ông Hóa đã điều tra kín đáo, qua những câu chuyện hàng ngày giữa hai vợ chồng, và biết được rằng ông Hoạch bà Hoạch kỹ lưỡng cả đến trong việc đọc sách của Huyền Trân lúc nàng còn thiếu thời.

Huyền Trân có thể đòi ly dị, đòi ly thân, có thể cuốn gói theo trai nữa nhưng không thể nào nàng cho ông mọc sừng, một cách thô kệch, lộ lẫy như vậy.

Tuy nhiên, bất giác ông vẫn đứng lên, chạy ra cửa sổ để nhìn kẻ kia coi thế nào.

Minh cho xe vào ga ra xong, lững thững trở ra và ông Hóa cũng thấy y phục của hắn nhàu nát. Ông suýt té ngồi lên gạch, phải vịn chặt bệ cửa sổ không thôi thì ngã. Ông Hóa nghe lòng quặn đau, đau một cách vật chất như có ai nắm ruột, gan, tim, phổi của ông mà vặn y như những cơn đau trong niềm thất vọng trong mối tình đầu của ông thuở mười tám tuổi.

Nhà triệu phú rút khăn mùi soa ra lau trán, lau cổ, vì mồ hôi lạnh rịn ra hai nơi đó đã bắt đầu chảy ròng ròng xuống.

Ông đứng lên, thẫn thờ trước sự bất lực của đại sản nghiệp của ông, trong việc giữ gìn hạnh phúc của ông.

Nhờ sự phát giác tai họa xảy ra đột ngột quá sức nó làm cho ông choáng váng nên phản ứng dữ dội đến kinh hồn của một ông chồng ghen không có xảy ra, và khi lần lần tỉnh lại được, ông lạnh lùng định thái độ chớ không thể làm rầy.

Mình phải làm sao ? Ông Hóa bối rối hết sức, không thể đáp được câu hỏi mà ông đã tự đặt ra. Và ông vụt chợt thấy rằng ông đặt sai bài toán.

Là người cao niên, cẩn thận dè dặt trong mọi việc, ông phải kiểm soát lại để xem hư thực ra sao, chớ không thể hồ đồ rồi hành động vội vàng thì bậy lắm.

Nghĩ thế, ông Hóa nhét khăn vào túi rồi đi lên lầu.

Ông cố bình tĩnh, cố đè nén sôi nổi của tình cảm ông, và lại rút khăn ra lau lại cho thật ráo mồ hôi.

Ông phải tỏ ra với vợ ông rằng ông là một người có tư cách, dầu sao đi nữa, và ghen, đau khổ đều không xứng đáng với một người như ông.

Có những kẻ cứ khoe rằng họ nhiều tình cảm, trái lại có những kẻ thấy rằng nhiều tình cảm là một điều xấu hổ. Cả hai thứ người ấy đều giả dối, một kẻ thiếu và mặc cảm mình khô khan nên tự quảng cáo láo cho mình; một kẻ quá dư và mặc cảm yếu đuối, nên cố tự tạo một tác phong lạnh như một chiến sĩ vô thần.

Ông Hóa thuộc loại người thứ nhì.

Nhưng tình cảm của ông mạnh hơn ý chí ông nhiều. Ông muốn gõ cửa buồng vợ, nhưng lại nắm cánh cửa mà mở ra.

Bà Hóa đang thay áo đưa lưng ra ngoài nên không trông thấy ông.

Cái lưng trắng của vợ khiến ông tưởng tượng mạnh lắm và bỗng nhiên ông nổi giận đùng đùng như một ông chồng đang bắt tại trận vợ đang ngoại tình.

Huyền Trân day lại thì hết cả hồn vía mà thấy đôi mắt sát nhơn của chồng.

Cơn kinh sợ nầy giúp cho nàng bỏ được sự xẽn lẽn khi nãy, sự xẽn lẽn nó khiến Huyền Trân nghĩ tới bữa ăn tối nay mà rầu chín ruột. Một tiếng đồng hồ ngồi trước mặt chồng, nàng sẽ chết lụn dưới sự xét nét của ông, nàng sẽ xấu hổ đến muốn tan thành khói trước hồ nghi có căn cứ phần nào của chồng.

“Không, ta chưa làm gì nên tội - Huyền Trân hét thầm lên trong đầu nàng, trong một phút phẫn nộ. Quả ta đã quên mình trong giây phút thật đó, nhưng, suýt ngã chưa phải là ngã, và ta đã có chiến đấu.

“Nếu ta thành công hay thất bại trên đường đời không phải là điều đáng kể, mà chỉ có sự nỗ lực mới là điểm chánh trong giá trị con người, thì dầu ta có ngã cũng không phải là cái tội tày đình. Cốt là ta có chiến đấu, có cố sức chiến đấu bán sống bán chết với sự yếu hèn của ta. Phương chi, ta lại không phải vô cớ mà toan lạc bước vào mê đạo.

“Không, không ai có quyền hành hạ một người chưa phạm tội, hoặc là đã phạm tội nhưng có trường hợp giảm khinh !”

Huyền Trân không khủng khiếp nữa trước sắc mặt hầm hầm của một người đàn ông đủ sức bẻ cổ nàng và sức lực được cơn ghen tức nhơn lên gấp năm lần nhiều hơn.

Nàng ngoảnh mặt lên nhìn chồng như để nghinh địch. Ông Hóa không mong, nhưng đinh ninh rằng vợ ông sẽ sợ sệt, thu hình lại rất nhỏ nhoi để đầu hàng, để cầu xin độ lượng khoan hồng của ông tha thứ cho, và nhờ thế mà ông có thể tha thứ được mà không bị chạm tự ái - vâng, mặc dầu căm giận, ông Hóa cũng nghĩ đến một cuộc tha thứ, cách duy nhứt để giữ người vợ mà ông yêu quí.

Thái độ ương ngạnh của Huyền Trân bắt chợt ông, khiến ông bối rối hết sức. Ông đã bị mặc cảm đối với vợ ngay từ phút động phòng hoa chúc thì sự đương đầu nầy, chưa chi đã đánh bại ông rồi.

Tuy nhiên, còn giữ được thể thống, ông Hóa nghiêm sắc mặt nói:

-     Hình như là Huyền Trân mệt. Thôi cứ nằm nghỉ, để nó mang cơm lên đây cho.

Nói xong ông đóng nhẹ cánh cửa lại, đi xuống nhà.

Ông Hóa hối hận hết sức, lúc xuống thang và chợt thấy mình hành động sai lầm. Huyền Trân đã phạm tội hay chưa ? Điều ấy không quan trọng. Cốt là làm thế nào cho nàng ăn năn hối lỗi để trở về đường ngay. Con người ấy không phải là con người vứt đi.

Mà không gì hay hơn là lờ đi, giả đò như không hay biết. Có thể nàng mới mãi mãi giừ gìn giấu giếm, rồi thấy một cuộc tư tình lén lút như thế khổ thân quá mà không đưa tới đâu cả, nàng sẽ chán nản mà trở về.

Ông mà biết thì nàng sẽ liều. Hơn thế, biết mà không phản ứng thì nàng sẽ càng ngày càng táo tợn, càng lộ liễu thì ông chịu sao cho nổi với tai tiếng người đời. Tôi tớ sẽ đồn rùm ra, và ông đi dâu, thiên hạ sẽ thấy hai cái sừng thật dài trên trán ông.

Người nhà đang dọn cơm. Ông Hóa gọi một ly huýt-ky. Ông không ưa rượu mạnh nhưng đặc cách tự đầu độc để lên tinh thần.

Thật ra, ông Hóa đã dọn lòng để chịu đựng cảnh nầy từ lâu rồi. Ông khờ dại gì mà không biết kẻ năm mươi đang xuống và tuổi xuân là tuổi đang lên.

Nhưng con người thích sống trong ảo ảnh, biết rằng sự việc rất có thể xảy ra như vậy, nhưng cứ mong nó không xảy ra, và tệ hại hơn, cứ có ảo tưởng rằng mình là một trường hợp đặc biệt, mình có số tốt, có phước nhà thì cái tai họa phải có ấy chỉ sẽ xảy đến cho người khác, còn riêng cho mình thì không.

Nhưng ông không hề nghĩ rằng đệ tam nhơn là người thư ký riêng của ông.

Ông Hóa hằng để ý đến viên kỹ sư trẻ tuổi trong vòng quen biết với ông, những giáo sư, nghệ sĩ con của bạn làm ăn với ông. Ông sợ người nầy, đề phòng kẻ nọ, ông ngán cả bọn học sinh và sinh viên nữa mà Huyền Trân có thể gặp nơi nào đó rồi quen biết với họ.

Nhưng Minh thì ông hoàn toàn quên.

Chỉ hôm nay ông Hóa mới thấy sự sai lầm lớn của ông khi ông khiến người thư ký trẻ tuổi nầy đóng vai chú rể để đi rước dâu thay cho ông.

Cơm đã dọn xong, Chị bếp và chị Lầu đã y lịnh mà ông chủ đã ban nho nhỏ khi nãy, nên chỉ bày ra có một cái chén và một đôi đũa thôi. Một mâm cơm thứ nhì đã được đưa lên lầu trước cả mâm nầy nữa.

Khi con Lầu mời ông dùng bữa, ông uể oải đứng lên rồi thay vì ngồi vào bàn liền, ông bước lại bàn viết lấy điện thoại nội thự mà gọi vợ.

-     A lô, em đã cầm đũa chưa, Huyền Trân ?

-     Thưa, em đang ăn.

Ông Hóa mỉm cười. Bà đã dùng trở lại giọng lễ phép lạnh ngắt của những ngày mới về đây.

-     Em ăn biết ngon không ?

-     Cám ơn, như thường.

-     Có nghe gì lạ nói ngay để anh gọi bác sĩ liền em nhé !

-     Cám ơn.

Hạ ống nói xuống, ông Hóa rất bằng lòng mình. Thế là ông đã gỡ được phần nào sự vụng về của ông. Ông giả bộ như ngỡ Huyền Trân sắp đau ốm gì. Có thể Huyền Trân không tin rằng ông ngốc quá vậy, nhưng dầu sao, nàng cũng bán tín bán nghi và chưa dám liều.

Lạ kỳ quá ! Ông Hóa không hiểu nổi lòng ông. Ông cứ ngỡ hễ già thì tình cảm nguội. Nhưng ông đã qua tất cả những dày vò mà tuổi trẻ đã qua trong sự ghen tương.

Không biết bao nhiêu lần ông tự nhủ với ông, ông ra lịnh cho ông nữa là ông phải xứng đáng hơn phong thể của ông, với tuổi tác của ông, nhưng ông vẫn trẻ con.

Ông đã muốn nhảy ra đánh nhau với Minh, ông đã muốn tát cho Huyền Trân mấy cái như trời giáng rồi gởi trả nàng về cho cha mẹ nàng.

Ông đã, trong mấy giây, định đi tự tử ! Buồn cười chưa ?

Và hôm nay ông ăn sạn chớ không ăn cơm. Khi nãy, đề nghị cho người đưa cơm lên cho nàng, ông chỉ nghĩ đến Huyền Trân thôi, quyết giúp nàng đỡ ngượng, giúp nàng xóa được bối rối nó tố cáo nàng một cách bất lợi cho ông.

Nhưng giờ ông mới thấy rằng cuộc lẩn trốn nhau nầy rất lợi cho ông. Nếu Huyền Trân mà có mặt, chính ông cũng sẽ ngượng ghê lắm.

Ông ngượng với nàng đã không đủ bình tĩnh đúng theo tác phong của một người lớn tuổi như ông. Ông ngượng với ý nghĩ thầm kín của nàng về ông: bị mọc sừng mà không làm gì được ai cả.

Ông Hóa uống rượu, uống thật nhiều, tự bảo rằng để sáng trí mà lập thái độ, nhưng thật ra căn bản hèn nhát nơi ông âm thầm xui ông làm thế để say mà quên và trốn luôn Huyền Trân đêm nay.

Đêm nay nếu ông không say, sẽ xảy ra những chuyện bất lợi cho ông. Một là ghen tức quá, ông làm dữ thì hỏng cả; hai là ông sẽ chiều chuộng Huyền Trân quá lệ thường, cũng hỏng vì Huyền Trân đã đoán biết là ông biết, ông biết mà ông lại đầu hàng thì nàng sẽ lừng đến mức nào ?

Nhưng say vừa vừa thì nguy. Say mà còn nhớ cái vụ đó ông sẽ dữ hơn là tỉnh nữa.

Vì thế mà ông quyết phải ngã tại bàn ăn. Và ông đã ngã.

Khi đợi lâu quá sức mà không nghe ông chủ kêu gọi gì, chị bếp và chị Lầu rón rén lên nhà trên dòm thử thì thấy chủ họ gục ngay trên bàn ăn, mà các dĩa còn đầy nguyên.

Trên bàn, chai huýt-ky đã vơi đến phân nửa. Ngỡ chủ họ thường say sưa như vậy, bọn người giúp việc mới nầy không hoảng hốt. Chị bếp bình tĩnh đưa mâm cơm ra nhà sau, còn chị Lầu thì chậm rãi đi lên lầu để lấy mâm cơm riêng của bà chủ.

Thấy Huyền Trân nằm nghiêng, mặt day vào vách, chị Lầu do dự rồi ấp úng nói:

-     Thưa cô… ơ…

-     Gì đó ?

Huyền Trân day lại hỏi như vậy.

-     Thưa... ơ... hơ... ông say.

-     Ông say

-     Dạ.

-     Ông nói gì ? Nói gì ?

Huyền Trân chỉ hơi lo lo thôi. Có lẽ ổng đã thộp ngực Minh để cật vấn hay đánh Minh cũng nên.

Nhưng sự thật sẽ lòi ra, và hàm oan của nàng sẽ được giải. Tuy rằng như thế thật không đẹp, tôi tớ sẽ đồn đãi ra, nhưng thà như thế còn hơn là để ông cứ nghi nan mà đầu độc không khí trong nhà.

-     Dạ, ông không có làm gì hết, không có nói gì hết. Ông gục trên bàn và không hay biết gì nữa.

Huyền Trân vụt ngồi dậy như bị lò xo bật. Nàng chạy chân không xuống nhà, nhảy từng hai ba nấc thang một.

Huyền Trân nghĩ ngay đến việc ông Hóa tự tử nên run như bị mắc mưa nhiều giờ. Nếu tai họa đó mà xảy ra thì nàng sẽ mang hận suốt đời.

Nhưng khi nàng đến nơi, chai huýt ky lưng và ly rượu chưa cạn cho nàng biết ngay nguyên nhơn bất tỉnh của chồng và thấy rằng chị Lầu đoán không sai.

Ông Hóa toát mồ hôi dầm dề và áo sơ mi của ông ướt dán sát vào lưng ông.

-     Chị Lầu, làm thế nào để khiêng ông lên.

-     Để em chạy kêu chị bếp và thầy ký.

-     Không đừng kêu thầy ký. Ừ, gọi chị bếp mau lên.

Trong nháy mắt, chị Lầu đã biến mất và cũng trong nháy mắt chị bếp lên đến nơi.

Minh ăn cơm trong buồng riêng của chàng, nghe động, bước ra dòm thử và thấy người nhà của biệt thự Hoa Lê chạy như chạy giặc, chàng chạy theo, đinh ninh rằng thế nào cũng có biến. Chàng cũng run bây bẩy vì chàng nghĩ đến Huyền Trân quyên sinh vì hối hận đã quên mình trong giây lát.

Chị Lầu xua tay đuổi chàng lại, khiến chàng nghĩ khác nhưng lại lo hơn. Chàng nghĩ rằng ông Hóa trong một cơn giận vì đoán biết điều gì, đã lỡ tay đánh Huyền Trân và đã... ngộ sát.

Kinh sợ quá sức, chàng bủn rủn tay chân rượt không kịp hai người đàn bà và khi chàng lê bước gần đến nơi thì một cảnh tượng làm cho chàng hiểu cả.

Chàng muốn vào đó để phụ tay với họ, nhưng lại thôi, đứng ngoài bóng tối của sân sau mà nhìn.

Huyền Trân lòn tay dưới nách chồng, định đỡ xốc ông Hóa dậy, miệng nói với chị bếp:

-     Chị ơi, ta khiêng ông lên lầu.

Nhưng ông Hóa đối với sức vóc yếu đuối của Huyền Trân, giống như một bao gạo chỉ xanh đối với một đứa trẻ.

Chị bếp bước tới nói:

-     Cô để đó cho tôi. Lầu, em khiêng đằng chân nghen.

Nói rồi chị ta lòn cả hai tay dưới hai nách của ông chủ của chị ta. Nhưng mặc dầu lớn người và có bộ bậm trợn hơn, chị bếp cũng không thành công hơn Huyền Trân. Chị ta è ạch nhưng vẫn không nhúc nhích được ông chủ.

Huyền Trân lại lòn tay dưới nách chồng lần nữa để phụ với chị bếp.

Ông Hóa ư ư mấy tiếng rồi ngóc đầu lên. Như có ai đè ông trở xuống. Ông suýt gục thì Huyền Trân vội đưa hai tay ra đỡ lấy trán ông rồi cố sức nâng lên.

Ông Hóa nhờ thế mà ngồi dậy ngay ngắn, nhưng đầu lắc lư và mắt nhắm nghiền lại.

-     Chị Lầu, lại đây với tôi.

Huyền Trân đuổi khéo chị bếp vì chị ta hôi mùi bếp núc, nàng đã bắt buộc phải nhờ đến trong lúc cấp bách, nhưng giờ đã có thể thay thế chị ta bằng chị Lầu nầy, mặc trắng, sạch sẽ hơn nhiều.

-     Anh ơi !

Nàng gọi chồng khe khẽ trong khi chị bếp rút chiếc náp trải bàn mà ông Hóa đã đè lên đó nãy giờ khiến chị lấy không được.

Chị bếp rút lui âm thầm còn chị Lầu thì bước lại đứng kề bên trong ông chủ nhà.

-     Ư... ư... ư...

-     Anh à !

Đứng ngoài kia, Minh thấy mặt Huyền Trân buồn vô hạn khiến chàng tức giận vô cùng. Anh con trai nầy ghen ngược. Anh ta đinh ninh rằng Huyền Trân không hề nuôi nấng một chút tình nào với chồng nàng cả, và muốn sự thật được như vậy, cứ như vậy mãi. Thấy một thoáng âu yếm nầy, hắn đau xót khôn tả.

Huyền Trân buồn vì nàng thương xót chồng. Ông Hóa không bao giờ uống rượu mạnh, trừ trong những bữa tiệc mà ông bắt buộc phải làm như bao nhiêu người khác. Nàng đoán biết chồng uống để quên trong sự say chết, và không thể nào nàng khỏi xúc động trước tấm tình của ông.

-     Anh !

Ông Hóa mở mắt ra, ngơ ngác nhìn mọi người bằng đôi mắt lờ đờ.

-     Anh !

-     Ư... ư... ?

-     Lên trên kia nhé !

-     Ừ !

-     Anh chịu khó đứng lên đi.

Ông Hóa gắng gượng đứng dậy. Ông đứng được nhờ hai người đàn bà đỡ xốc nách ông lên. Còn hai người nầy đã làm được công việc mà khi nãy họ thất bại vì bây giờ có sự hợp tác của người say rượu.

Tuy nhiên họ lên lầu vẫn khó nhọc lắm và mấy lần hai người đàn bà nầy ngỡ phải bị ông Hóa kéo theo những lần ông suýt sụm chân.

Ông triệu phú thất tình được đưa vào buồng của Huyền Trân vì buồng nầy gần đầu thang lầu hơn mà cả ba đều đuối sức không đủ can đảm bước thêm.

Được đặt lên giường, ông Hóa ngã xuống như một cây thịt.

Huyền Trân chạy qua buồng chồng để lấy đồ mát, rồi nhờ chị Lầu phụ với nàng mà thay chiếc áo ướt của ông ra. Xong đâu đó, nàng cho chị người nhà rút lui.

Huyền Trân lấy sách mà đọc, cốt tránh trông thấy chồng. Ở không, không làm gì, nàng không thể nào ngăn mình nhìn chồng cả. Mà không có gì xấu xí bằng mặt người say rượu trong lúc hắn hôn mê.

Cũng may là ông Hóa không có nôn oẹ, không có mửa. Nếu có thì trông càng xấu xí và dễ tởm không biết tới đâu.

Huyền Trân không muốn mình có ý nghĩ xấu về chồng. Ông Hóa là người tốt, nàng đã kính phục ông tuy không yêu. Nàng quyết không để cho lòng kính phục ấy bị sứt mẻ bởi một ấn tượng không hay về một việc không đáng kể bao nhiêu là thân xác của ông.

Ngồi trên chiếc ghế bành lớn minh mông đối với nàng, Huyền Trân đã đọc hết hai trang tiểu thuyết rồi mà không hiểu truyện nói gì.

Nàng khổ vì biết mình đang vào một ngõ khó ra. Nếu nàng ngoại tình mà bị chồng bắt được tại trận đi nữa, cũng dễ giải quyết hơn tình thế nầy nhiều lắm. Ông Hóa sẽ đuổi nàng đi hoặc sẽ tha thứ nàng.

Chí như cái việc mờ ám không thể thú nhận nầy, mà ông Hóa lại đoán biết thì nó sẽ đưa tưởng tượng của ông không rõ đi tới đâu.

Thật là khó thú nhận một cái tội mà mình chưa làm. Bảo rằng chỉ suýt làm mà thôi, không ai tin, mà họ lại còn nghi mạnh thêm.

Với lại... với lại Huyền Trân không thể nào để cho Minh bị thất nghiệp.

Thú tội với chồng ! Thật khó lòng mà thú tội. Người ta chỉ có thể thú tội khi bị hành hung hay vuốt ve thôi. Sự nghi kỵ của người có quyền luôn luôn chọc tức kẻ có tội làm y giận, y hờn, y sợ. Không, cái không khí nghi nan không bao giờ giúp cho sự cởi mở cả.

Huyền Trân xếp sách lại, để lên gối nàng. Không làm sao mà nàng không nhìn chồng được.

Ông Hóa tuy phương phi hồng hào, nhưng không nhờ thế mà ông trẻ lại được. Phải nhờ lây cái trẻ của vợ -  như Huyền Trân đã nói với Minh và đã làm cho Minh tuyệt vọng - ông có “hoàn đồng” một tí thật đó. Nhưng ông vẫn già.

Không, nàng không yêu chồng, mà cũng chẳng muốn cố mà yêu.

Nhưng giữa ông Hóa và nàng có một thứ tình gì khó tả lắm. Đó là thứ tình mà người ta gán cho nàng Oona, vợ của nghệ sĩ Charlie Chaplin, người vợ trẻ hơn chồng đến băm sáu tuổi, thứ tình mà người Pháp gọi là Fixation paternelle.

Sự săn sóc, sự che chở của những ông chồng già mang rất nhiều tính cách của một người cha săn sóc con. Tình thương người chồng già nơi những cô vợ trẻ cố nhiên là một thứ tình thương cha, nhứt là khi những cô vợ ấy thiếu hẳn tình gia đình lúc thiếu thời của họ.

Huyền Trân nghe rõ lòng nàng: nàng thương ông Hóa thật tình. Không ý thức về thứ tình Fixation paternelle nói trên, nó thuộc vào loại tâm học rắc rối, Huyền Trân ngạc nhiên lắm mà chợt biết gương mặt thật của lòng nàng nó không dửng dưng đối với chồng như nàng đã quyết tâm lúc về nhà chồng và cứ ngỡ là ý muốn thế nào, lòng cảm thế nấy.

Dã sử đã bỏ sót một điểm rất tế nhị và rất hay trong chuyện Tây Thi và Ngô Vương. Sau khi Cô Tô Đài bị tàn phá và xác Ngô Vương bị chôn vùi trong đống tro của ngôi đền danh tiếng ấy, ắt hẳn Tây Thi sống sót đã đi bơ vơ quanh đống gạch vụn mà khóc vị vua già đã nuông chiều, che chở nàng trong bao năm.

Nàng không yêu vị vua đó, nhưng không thể thờ ơ trước muôn ngàn ân huệ mà nàng đã hưởng. Ngô Vương là kẻ thù, nhưng là kẻ thù của dân tộc nàng tức là cái gì trừu tương quá, nàng không oán hận ông như khi ông là kẻ thù chính của nàng.

Phương chi ông Hóa không hề là kẻ thù của gia đình nàng.

Bất giác nàng đứng lên, bước lại ngồi bên mép giường, nhìn chồng một hồi rồi lấy khăn lau mồ hôi cho ông, bấy giờ đã hết toát ra dầm dề, nhưng còn rịn từng giọt nhỏ.

Rồi nàng buông mùng xuống, mở đèn chong và tắt đèn sáng.

Huyền Trân bước ra ngoài, khép nhẹ cửa lại, đoạn đi qua phòng ngủ của chồng.

Từ ngày về làm vợ ông Hóa đến nay, Huyền Trân chưa qua đây lần nào cả, nên nàng có cảm giác như là một nhà xa lạ nào.

Buồng ngủ của ông Hóa giống hệt buồng ngủ của nàng về mặt kích thước, nhưng màu gỗ và màu vải bọc ghế bành khắc khổ hơn.

Huyền Trân ngạc nhiên mà thấy một bức ảnh phóng đại chân dung của nàng treo trên tường, không phải ở tường phía đầu nằm ông Hóa, mà phía chân của ông. Ảnh treo như vậy, ông Hóa muốn ngắm giờ phút nào cũng tiện cả, khỏi phải ngước đầu lên cho mỏi cổ, hay khỏi phải nằm nghiêng nếu ảnh treo ở tường phía hông giường.

Nhưng Huyền Trân ngạc nhiên vì bức ảnh được phóng đại hồi nào nàng không hay. Ông Hóa đã yêu cầu nàng ngồi cho một họa sĩ danh tiếng vẽ chân dung của nàng bằng dầu nhưng nàng từ chối. Ông xin một bức ảnh của nàng, nàng ngỡ ông chỉ để tủ đầu giường thôi.

Ảnh phóng đại vuông vức một thước, mặt người to như ảnh gros plan xi nê. Ở Sài Gòn nầy, chỉ có một hiệu ảnh là làm được công trình ấy thôi và lấy rất mắc tiền.

Huyền Trân cũng buông mùng ở đây, tắt đèn lớn mở đèn chong, nhưng khóa cửa lại bên trong.

Buồng của nàng, nàng không bao giờ khóa như vậy vì nàng nhận quyền của chồng có tự do muốn đến với nàng bất kỳ giờ phút nào trong ngày hay đêm.

Nhưng cỡ đêm nay mà ngủ bên kia, chắc chắn nàng cũng đã khóa cửa bên trong, không phải để phủ nhận quyền chồng mà để trốn chồng.

Từ bé đến giờ Huyền Trân chưa bao giờ trải qua một ngày đầy xúc động như hôm nay, sự rung động xác thịt lúc quên mình, rồi sau đó là sợ hãi. Về nhà lại sợ chồng, tức giận nghe rằng bị chồng đàn áp, rồi lại ngỡ ông Hóa tự tử nên mất cả hồn vía.

Thần kinh bị kích thích nhiều quá, nên giờ yên lại, nàng nghe mệt nhoài, gân cốt bải oải hết.

Nàng nằm đó như vừa qua cơn sốt rét, dễ chịu thì có dễ chịu thật nhưng mệt nhừ.

Tuy nhiên nàng cũng cố sắp lại những ý nghĩ của nàng cho có thứ tự và mạch lạc.

Thật là khổ ! Càng ngày nàng càng tiến sâu vào sự thân mật với Minh. Giờ khó lòng mà phủ nhận những ân huệ mà nàng đã cho hắn: ban đầu là tình bạn, rồi sau đó là... Huyền Trân không dám nhớ lại cho rõ những gì đã xảy ra trên xuồng. Nàng nhắm mắt lại làm như là hễ nhắm mắt là không thấy, mà hễ không thấy là không có gì xảy ra.

Đó là những hình ảnh đẹp một cách huyền diệu chớ không phải ghê tởm mà nàng muốn xóa đi. Không ghê tởm nhưng ghê gớm vì đó là hình ảnh của tội ác.

Nàng có muốn như thế đâu. Thật chưa bao giờ một ý nghĩ phản bội chồng lướt qua trí nàng. Không thỏa mãn trong hôn nhơn, trí và lòng nàng vẫn trong trắng chưa mơ người thanh niên nào cả. Cho đến đỗi vị hoàng tử đẹp trai của giấc mơ thiếu nữ, người cố nhơn thân mến, vị ấy cũng đi vắng, chưa trở về nơi trí nàng.

Khó lòng mà phủ nhận với Minh đã chịu thân với hắn. Và mỗi lần hy vọng hắn lớn thêm một chút là hắn bạo dạn thêm một chút trong sự tiếp xúc giữa hắn và nàng.

Huyền Trân lại nghe lại lòng nàng đối với anh con trai nầy.

Không, nàng không yêu hắn, vì hắn không phải là thanh niên lý tưởng mà nàng mơ. Nàng cũng không thiếu thốn về sinh lý vì ông Hóa còn khá tráng kiện và đêm tân hôn luôn luôn được kéo dài những năm bảy tháng là thường thì có thể nói rằng xác thịt nàng đã hoàn toàn thỏa mãn.

Nàng chỉ mến Minh và thương xót hắn thôi. Những sự thân mật mà nàng cho hắn đều do hoàn cảnh khách quan tạo ra, khí hậu thuận lợi cho sự ban ân như vậy không thể trách.

Nếu chạm phải một người con trai là thất tiết – theo quan niệm cũ của Á đông ta thì nàng đã thất tiết rồi. Nhưng đó là sự thất tiết vô tội. Mà cỡ nàng đã đi xa hơn, đã hiến thân cho Minh, nàng vẫn phải được hưởng trường hợp giảm khinh, bởi vì Huyền Trân không hề nghĩ đến việc đi lạc bước.

Không muốn phiêu lưu mà vẫn sa chân vào nẻo đường tối, thật là một rủi ro khả hận. Nhưng kẻ gặp rủi chỉ biết hận cho số phận mình chớ không hận được ai cả. Nàng không muốn thế, người con trai gieo họa cũng chẳng trèo đèo.

Nếu có người nào đáng cho nàng giận được thì người đó là ông Hóa. Phải, vì quá cô đơn, nên nàng mới bị đưa đẩy ra xa bổn phận, mà ông Hóa là kẻ để cho nàng cô đơn, không cố ý, không vô tình, mà vì thiếu khả năng làm bạn của nàng.

Thiếu khả năng phải chăng là một cái lỗi ? Nếu ông cứ ở góa, ông không có lỗi gì cả. Tục huyền với người đồng lứa, ông cũng không có lỗi. Nhưng cưới nàng để cho phải thiếu điều kiện, mà sự thiếu điều kiện nầy hẳn ông phải ý thức được trước khi cưới thì ông có lỗi đứt đi rồi.

Huyền Trân không muốn kết tội chồng, nhưng cứ suy luận rắc rối mãi, để trấn an lòng mình, nàng đi đến chỗ nầy là quy lỗi cho ông Hóa. Sự kết án mà không xử tội nầy giúp nàng yên dạ được để nhắm mắt, nhưng nó không chỉ có một công dụng cố ý đó mà thôi đâu. Nó lẩn vào tiềm thức của nàng, nằm vùng nơi đó, để có dịp nào nàng cần đến là nó lại tái hiện, chẳng hạn như những lúc nàng bị giằng co giữa bổn phận và quyến rủ.

Bản án đó sẽ làm giảm uy thế của người chồng, nàng không cố lập ra mà trước sau gì nó vẫn có, lập ra xong, vứt đi không dùng, nó vẫn nằm lỳ trong hồ sơ của cái người rủi ro thứ nhì là ông Hóa.

<< Phần VII | Phần IX >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 918

Return to top