Làm xong bài toán hình học không gian, Nhan ngáp dài. Nàng xem lại đồng hồ tay thì thấy đã mười giờ bốn mươi rồi.
Cô nữ sinh đệ tứ ấy xếp giấy má sách vở lại, đứng lên toan tắt ngọn đèn tọa đăng rồi đi ngủ, nhưng còn chần chờ đứng lại trước bàn để lắng nghe tiếng mưa đêm xào xạc ngoài vườn, và tiếng gió hú đằng xa, nơi cánh đồng vắng sau nhà. Sanh hứng, cô ngâm lên bài ca dao hay bài thơ của ai, cô không còn nhớ nữa:
Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu
Con trời lấy chú chăn trâu cũng kỳ
Một là duyên,
Hai là nợ …
Bỗng tiếng mở cửa buồng bên trái làm Nhan giựt mình. Nàng day lại thì thấy ông Tám Huỳnh, cha của nàng, hiện ra nơi khung cửa buồng ấy, trong ánh mờ của cây đèn dầu bàn học của nàng.
Tám Huỳnh mặc áo mưa, đi giày ống bằng cao su và tay cầm một chiếc nón lá cũ.
Hai cha con lặng lẽ nhìn nhau rồi Tám Huỳnh như sợ con, trốn mắt nó và ngó xuống gạch.
- Ba ! Trời mưa mà ba đi đâu vậy ba ?
Tám Huỳnh ú ớ không nói được, lâu lắm ông mới thốt ra vài tiếng, nhẹ như hơi gió thoảng, Nhan cố lắng tai mới nghe:
- Ba đi, con ở nhà vài bữa với bà Tư.
Nhan châu mày rồi hỏi:
- Có phải ba đi việc đó không ba ?
Tám Huỳnh đưa ngón tay trỏ lên trước miệng ra hiệu bảo con chớ có to tiếng rồi đáp:
- Ừ …
- Con sợ quá ba à ! Nhan nói mà giọng nàng run run.
- Không sao, con cứ an lòng.
- Con không muốn ba đi nữa …
- Ba đã hứa nghe lời khuyên can của con, nhưng còn phải chờ dịp như ba đã cắt nghĩa, mà dịp ấy chưa đến.
Nhan nghẹn ngào, cố nuốt nước mắt, nàng cắn môi dưới lại để khỏi khóc ra tiếng. Ông Tám Huỳnh bước tới và đứng gần con. Ông xẳng giọng, nghiêm mặt lại mà rằng:
- Con biết tánh ba hay tin dị đoan. Người trong nghề, ai cũng thế. Con đừng làm cho ba sợ, con nghe chưa ?
Nhan sợ hãi, lấm lét, liếc lên nhìn trộm cha. Ông Tám Huỳnh ngày thường trông cũng hiền từ, nhưng hễ ông nổi giận thì gương mặt ông hung tợn lạ kỳ, khiến cho người con gái độc nhứt và được thương mến hết sức của ông cũng phải kinh hoảng, không dám hó hé.
Thương con quá, ông Tám dịu mặt và dịu gọng lại rồi nhỏ nhẹ nói:
- Con ở nhà đừng thức khuya, hôm nào mưa thì đừng đi học, kẻo mắc mưa sanh bịnh. Đây, ba cho con tiền chợ và tiền bánh hàng.
Ông Tám vừa nói vừa móc trong túi ra một ghim giấy bạc một trăm, đặt lên bàn học của con và dặn thêm:
- Ai có hỏi, nói ba đi Sài Gòn uống thuốc.
Nhan nhìn xấp giấy bạc rồi nức nở thêm:
- Nín, kẻo bà Tư hay ! Ông Tám lại xẳng giọng.
Nhưng Nhan không còn sợ nữa, nàng nói:
- Con... thương …ba !
- Cố nhiên, ba lại không biết hay sao. Nhưng chính vì ba cũng thương con nên...
- Con đi buôn gánh bán bưng nuôi ba được.
- Đã lỡ rồi con à, đặt lại vấn đề làm gì. Ba có muốn theo nghề nầy đâu, nhưng hoàn cảnh đã đưa đẩy ba tới đó, rồi ba không thoát được nữa. Nhưng ba sẽ cố gắng làm vừa lòng con. Con nên nén lòng đợi một thời gian. Thôi, ba đi con nhé ! Nhớ đóng cửa cẩn thận.
Tám Huỳnh lặng lẽ bước tới mở hé cửa rồi lách mình ra ngoài. Nhan cũng vội bước theo cha, rồi nhìn vào bóng tối. Chớp nhoáng lên và nàng trông thấy bóng dáng dình dàng của cha nàng dưới chiếc nón lá và chiếc áo tơi, bước mau trong mưa gió: ông Tám quẹo ra sau nhà để tiến vào rừng sâu.
Bóng đêm lại tràn ngập không gian, khiến Nhan kinh sợ, vội đóng cửa lại và cài then cẩn thận. Đoạn nàng tắt đèn và đánh diêm lên soi đường để đi vào buồng nàng ở phía hữu.
Ông Tám Huỳnh góa vợ từ lâu, nhưng ông ở vậy để nuôi con. Nhà chỉ có ba người: ông Nhan và bà Tư, một người dì họ của ông. Bà nầy ngủ ớ nhà sau, vì thế mà ông ra đi bằng cửa trước cho khỏi bị một người như bà bắt chợt bí mật của ông.
Bí mật ấy, cách đây một tháng, do một sự tình cờ; Nhan đã khám phá được, sau nhiều năm nghi hoặc. Nàng đã khóc thầm nhiều ngày, rồi rốt cuộc quyết định cật vấn cha.
Thấy không thể chối cãi được, ông Tám đành thú nhận với con rằng ông buôn lậu, hơn thế ông chỉ huy một toán tải hàng lậu từ biên giới Việt-Miên đến một khu rừng gần chợ Trà Võ để giao lại cho đoàn khác đưa về Sài Gòn bằng xe hơi.
Nhan đã khuyên dứt cha, nhưng ông Tám bảo không khá lắm, phải đợi tìm dịp để xoay nghề mới, mới buông nghề cũ được, và nhứt là phải tìm chỗ ở mới cho thật xa, vì hễ cải tà qui chánh thì phải trốn bọn đồng đảng cũ, chúng sợ bị tố cáo, dám thủ tiêu ông lắm.
Chỉ có một đứa con, mà là con mất mẹ, ông Tám cưng Nhan vô cùng, vì thế nên nàng tríu mến cha y như là tríu mến mẹ. Nên chi nàng đã âm thầm đau khổ nhiều sau cuộc khám phá đó, phần lo sợ cho an ninh của cha, phần ngại cho danh dự của gia đình vì ông Tám Huỳnh đă được thiên hạ kính nể bởi nếp sống ra mặt của ông, không có vết nhơ và không ai biết đời sống thứ nhì bí ẩn của ông hết.
Nhan đi nằm nhưng trằn trọc mãi không sao nhắm mắt được. Nàng lắng tai nghe mưa gió và hình dung ra người cha già đang lướt đi dưới phong vũ, trong bóng đêm, có thể lâm nguy bất cứ vào lúc nào.
Nàng xấu hổ mà nghĩ rằng tiền nàng ăn xài từ thuở giờ do một nguồn lợi bất chính mà ra, và thầm trách cha đã làm xằng. Tuy nhiên đêm nay, như bao đêm rồi, rốt cuộc Nhan vẫn tha thứ cho cha vì có bằng cớ hiển nhiên là ông Tám đã không muốn thế và chỉ bị hoàn cảnh đẩy đưa vào đó thôi.
*
* *
Sáu giờ chiều, giờ tan học. Đường phố tỉnh lỵ Tây Ninh, nhứt là những đường đưa ra ngoại ô, tấp nập học sinh các trường trung học công và tư trong tỉnh.
Nhan đi hàng hai với người bạn học gái, cả hai đều đạp xe chầm chậm để trò chuyện với nhau, thói xấu mà nhiều học sinh không bỏ được. Nàng đi phía ngoài, bạn nàng đi phía trong và họ qua mặt rất nhiều bạn học khác đi bộ cùng chiều với họ.
Nhan và cô gái thong thả đạp xe, vừa gặp một chiếc thổ mộ đi ngược chiều thì bỗng một chiếc xe Jeep nhận còi để qua mặt chiếc thổ mộ và cô bạn gái của Nhan thụt lại đàng sau cho nàng lấy chỗ để nép vào lề hầu tránh xe hơi.
Nhưng Nhan chưa kịp nép thì đã bị chiếc Jeep quẹt xe nàng ngã vào lề cỏ và nàng văng ra, lọt tuốt xuống mương ở ven đường. Xe Jeep còn trớn nên phải qua mặt thổ mộ xong mới ngưng lai được. Người lái xe nhảy xuống liền.
Đó là một thanh niên đẹp trai, sơ mi ngắn tay, quần kaki Thụy Sĩ, mà nhiều học sinh nhận ra là Trung úy Công, viên sĩ quan Quan Thuế, vị trưởng ty Quan Thuế rất trẻ tuổi trong tỉnh.
Công hốt hoảng chạy băng qua đường, leo lề cỏ toan nhảy xuống mương thì Nhan đã lóp ngóp leo lên được rồi. Bộ y phục trắng của nàng hoen ố cả nước bùn và mặt mày nàng tái xanh cỡ cắt không có lấy một chút máu.
- Cô có sao không ? Công hỏi người thọ nạn, giọng run run.
Nhan đã bứt hơi thở hoặc vì thở nhiều quá nên không đáp được. Nàng đứng lặng một hồi mới nói:
- Không việc gì, thưa ông.
- Hú vía, không việc gì thật hả cô ?
Nghe câu hỏi ngớ ngổn ấy, học trò bu quanh đó từ nãy giờ, rộ lên cười. Công cũng cười theo họ, và cô gái thọ nạn cũng cười.
Bấy giờ Nhan đã lấy máu lại. Hơn thế mặt nàng ửng đỏ lên vì thẹn cho quần áo ướt mem và lôi thôi trước một thanh niên lạ.
Cũng vừa bình tĩnh lại được, Công bỗng thừ người ra khi nhìn kỹ lại thiếu nữ lâm nạn. Chàng bị xúc động mạnh trước gương mặt đẹp thùy mị của thiếu nữ và thân thể tuyệt mỹ cúa nàng mà bộ y phục ướt đã phát lộ ra.
Tuy nhiên chàng là người tai mắt trong tỉnh, phải có tác phong đứng đắn. Nhìn thấy chiếc xe đạp bị cong vẹo, chàng xách lên một tay và nói:
- Tôi sẽ đền cho cô một chiếc xe khác, y hệt như thế nầy. Còn chiếc nầy tôi mang về sửa lại tôi dùng.
- Khỏi, ông cứ sửa rồi trả lại tôi cũng được.
- Cô ở xa lắm không, tôi xin đưa cô về nhà.
- Cũng gần đây, thưa ông, để em đi bộ về cũng được.
- Ngày mai cô cứ đi học bằng xe lôi, tôi chịu tiền xe cho cô những ngày cô chưa có lại xe đạp.
- Dạ không sao.
- Tôi xin lỗi cô đã bất cẩn, gây thiệt hại cho cô. Rồi tôi cũng sẽ đền bộ y phục của cô.
- Cũng khỏi, thưa ông.
- Mà thật cô không việc gì chớ ?
Đám học trò lại rộ lên cười.
- Chỉ phải sợ nhiều thôi, Nhan đáp.
- Thưa cô, cô bảo nhà cô ở gần đây là ở đâu ?
- Đằng kia. Cây gõ bên đường đó ông thấy chớ ?
Nhà em ở bên trong, giữa đồng trống, cạnh một con rạch nhỏ, một cái nhà lai cũ.
- Tôi thấy rồi. Xin sẽ mang xe đến tận nhà trả cô. Cô cứ xem số xe của tôi. Tôi ở trong thành phố.
Nhan muốn nói “Em biết ông”. Nhưng không hiểu sao, nàng chỉ làm thinh. Công chào nàng và cả bọn, rồi xách chiếc xe đạp chạy lại ném vào xe Jeep của chàng.
Chàng ngoái lại nhìn đám học trò cất bước rất lâu mới rồ máy cho xe chạy vào tỉnh lỵ.
Hôm sau là ngày chúa nhựt. Cô học trò thiếu xe chắc chắn không khó chịu lắm vì hôm ấy cô không đi học. Trung úy Công dư biết thế nhưng không hiểu sao chàng cứ nôn nao mang xe mới đến cho thiếu nữ gặp rủi ro.
Chàng ăn sáng qua loa rồi thay y phục để ra đi. Hôm nay chưng diện dữ lắm, quần Tergal, sơ-mi ni-lông lụa sọc, cà vạt lòe loẹt, giày đánh thật bóng.
Đứng trước gương để xem lại mái tóc, Công hơi ngượng, nói thầm: “Nàng sẽ nghĩ sao về mình khi thấy mình ăn vận kẻng như vầy ? Nàng sẽ cười mình chăng ? Nhưng mặc kệ. Nào có xấu hổ gì đâu”.
Công vừa lái xe vừa dòm chừng bên đường. Chàng nhận ra được chỗ chàng gây tai nạn chiều hôm qua, rồi sau đó vài phút, lại nhận được cây gõ thoáng thấy hôm trước. Chàng ngừng xe tại nơi đó, đoạn nhìn vào trong.
Một con đường đất đưa thẳng vào nhà ở trong xa kia. Chung quanh nhà có vườn cây trái. Ngôi nhà lai ba căn ấy đã khá cũ vì ngói móc đã ngã màu đen.
Công bỏ xe đạp xuống đường rồi thót lên đó, đạp vào nhà. Cổng không đóng, nhà không có chó thì phải, nên chàng vào tới sân mà không ai hay.
Nhan đang phơi y phục vừa giặt trên sợi đây kẽm giăng ngoài sân. Gió sớm thổi bay phấp phới mấy tà áo dài, và người phơi vừa làm việc vừa hát, giọng rất yêu đời như bất kỳ thiếu nữ nào:
Trời hồng hồng
Sáng trong trong …
Ngàn phượng rung nắng ngoài song.
Cành mềm mềm
Gió ru êm
Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên
Đàn nhịp nhàng
Hát vang vang…
Thiếu nữ mặc đồ ngắn, trông còn đẹp hơn mặc đồ dài nữa. Chiếc áo lỡ và chiếc quần sa teng đen sậm đối chọi một cách nhiệm mầu với nước da trắng hồng của nàng, khiến Công lặng người như chiều hôm qua, đứng nơi sân mà nhìn trân trối cô nữ sinh mới quen sơ có một ngày.
Thấy Nhan sắp phơi xong chiếc áo cuối cùng, Công sợ bị bắt chợt nhìn trộm, vội bóp chuông xe đạp để tránh tiếng. Chàng làm thế thì chính thiếu nữ là kẻ bị bắt chợt chớ không phải chàng, bị bắt chợt đang ca hát, Nhan thẹn quá vì vậy, và vì khách lạ đến quá đột ngột, nên nàng đứng chết sửng mấy giây. Nhưng trấn tỉnh kịp, nàng cúi đầu chào khách và hỏi:
- Thưa ông, có phải…
- Chính là tôi. Đêm rồi cô không nghe gì lạ trong người chớ ?
- Thưa cám ơn ông, em không có sao hết.
- Tôi mang xe lại cho cô, chiếc xe nầy. Nhưng không tới thì thôi mà hễ trót tới đây, tôi cần xin vào nhà chào ông cụ bà cụ của cô để cắt nghĩa sự có mặt của tôi ở đây, nếu không thì không đúng lễ. Vả tôi cũng cần xin lỗi ông cụ bà cụ đã gây thiệt hại cho cô.
- Ông khỏi ngại. Ba em không có nhà.
- Thế còn bà cụ ?
- Má em đã mãn phần từ lâu rồi. Nhưng hình như là ông mua xe mới để …
- Phải. Tôi không làm sao khác hơn được. Người thợ sửa xe cho biết rằng sườn cũ phải yếu đi, và có thể gây tai nạn thình lình cho người cỡi xe. Lương tâm tôi không cho phép …
- Tốn hao của ông quá.
- Không hề gì, lỗi do tôi. Vả tôi vẫn dùng chiếc xe cũ được.
Công đẩy xe tới dựng dựa nền nhà rất cao, đúc bằng đá xanh Biên-Hòa, kẽ da qui. Nhà nầy chắc cất hồi tiền chiến, vật liệu còn rẻ nên chủ nhơn mới dám dùng toàn vật liệu mắc tiền.
Công thấy mình không còn gì để nói nữa, và theo phép thì chàng phải rút lui. Nhưng chàng lại cứ muốn ở lại. Thiếu nữ thật thà cũng không biết nói gì để cầm khách, mặc dầu nàng cũng cảm giác rõ rệt là thanh niên nầy hy vọng được lưu lại một lúc.
Nàng bối rối và ấp úng muốn nói mà nói không được, nên lại thẹn và trông còn ưa nhìn hơn. Công thấy rằng chính chàng phải thủ vai chủ động mới mong được làm quen với cô gái nầy, bằng không, thì phải đoạn giao sau buổi gặp mặt lần đầu và lần cuối nầy. Thế nên, nhìn vào dây áo quần phơi, chàng hỏi:
- Còn bộ đồ trắng lấm bùn hôm qua, cô đã thử giặt chưa ?
- Dạ, em giặt ngay hồi hôm, nhưng không tẩy hết dấu vết, nên hồi nãy em đã nhuộm đen và phơi đây.
Nàng vừa nói vừa chỉ vào một chiếc áo dài.
- Bậy quá, tôi làm cho cô chịu thiệt hại nhiều.
- Không có gì thưa ông, áo trắng em mặc đi học, áo đen em mặc đi chợ cũng chẳng bỏ đi đâu.
- À, cô học năm nào ?
- Thưa đệ tứ, thuở bé em đi học trễ.
Nhan thấy cần phải cắt nghĩa như vậy, kẻo chàng ta chê cô bọc dở, đã mười chín tuổi đầu rồi mà chỉ mới học tới năm đệ tứ thôi.
- Thưa cô, ông cụ bao giờ mới về, tôi đợi có tiện hay không cô ?
Nhan mỉm cười rồi đáp:
- Ba em đi Sài-Gòn nằm nhà thương, có lẽ vài tuần nữa mới về.
Công không tìm được lý do để ở lại, nên tức lắm. Chàng nhìn quanh quẩn và thấy con rạch con chảy cạnh ranh vườn bên hữu, chàng hỏi:
- Chắc cô giặt-giụa dưới rạch nầy ?
Người nữ tiểu chủ biết khách cố kiếm chuyện nói cà kê để ở lại cho lâu, nên cô đâm lo. Quan thuế với buôn lậu là hai điều tối kỵ nhau như Cảnh sát với trộm cướp, không nên để anh chàng nầy la cà ở đây mà sanh chuyện chẳng lành. Vì thế nàng đánh trống lấp và nói:
- Em cám ơn ông về chiếc xe đạp mới, mặc dầu em không có đòi hỏi gì cả.
- Cô đừng ngại, Tôi bị trừng pbạt như vậy là nhẹ lắm đó và tôi gặp may mà khỏi tốn hao nhiều hơn là đã sung sướng lắm rồi.
Công chờ đợi một câu hỏi tất nhiên của thiếu nữ, nhưng nàng không hỏi gì cả, vì rất nóng lòng tống khách, nên chàng đành cụt hứng. Nếu cô gái hỏi câu hỏi phải có nầy: “May gì ạ thưa ông ?” thì chàng sẽ đáp: “May mắn được quen biết với cô” !
Nếu đứng trước người nào khác, Nhan đã hỏi như vậy. Nhưng con gái một tay buôn lậu thì chỉ mong tống cổ ông Quan thuế đi cho rồi, thì còn bụng dạ nào mà hỏi han điều gì, cho dẫu điều đó là điều khiến nàng thèm biết.
Là người có giáo dục và biết điều, Công lại cố lì, lần đầu trong đời chàng. Tác phong không hay của chàng chỉ do chàng đã phải lòng cô gái nầy quá. Chàng đã bị tiếng sét ái tình và thoáng nghĩ đến việc lập gia đình mà chàng trốn tránh từ lâu. Thế nên chàng hỏi một câu rất kỳ cục:
- Sao cô không hỏi tôi may mắn chuyện gì ?
Nhan bật cười, không cầm giữ được nữa vì thấy sự cố lì của anh chàng nầy hay hay, khiến nàng không thể thờ ơ với thanh niên đẹp trai ấy nữa. Tuy nhiên nàng vẫn không dám bỏ thái độ dè dặt của nàng, trước khi cha nàng giải nghệ cải tà quy chánh.
Vì thế mà cười xong, nàng lại bối rối, không biết phải xử sự ra sao.
May quá cho cả hai: một bà lão trạc sáu mươi lăm bước vào sân, tay bưng một rổ đồ ăn mua ở chợ.
- Bà dì em !
Đoạn nàng to giọng, vì bà dì của nàng nặng tai:
- Thưa bà Tư, đây là ông Tào cáo đã đụng xe con chiều hôm qua đó.
Bà lão cung kính chào ông quan to mà chức tước cháu bà vừa nêu ra, đã làm cho bà khiếp vía như vào ngày xưa. Rồi bà nói:
- Xin mời ngài vào trong uống chén nước.
Công nhìn Nhan, cười rất mỉa mai bằng mắt như ngầm nói: “Cô thấy không, cô không mời, tôi cũng vào được” hoặc thầm nói: “Trời định, cô ơi, cô không muốn cũng chẳng khỏi !”
Nhan cũng đương đầu lại với ông khách bướng bỉnh bằng một cái nhìn hùng biện như muốn nói.: “Được, nhưng ông sẽ là khách của bà dì tôi còn tôi thì bận việc ở ngoài sau”.
Tuy nói thầm thế để thách đố chơi với kẻ cố lì, chớ Nhan vẫn vào nhà cùng với ông khách. Cái ông khách mới ham làm khách chớ ! Ông ta vừa nghe mời là mừng quýnh lên rồi hâm hở vào trong ngay.
Bà dì thì bưng rổ đi thẳng ra sau. Bà là một người bà con nghèo, không con cháu, theo ông Tám để dựa mà sống, nên bà biết thân tránh trèo đèo.
Ngôi nhà lai trang trí cũng lai căng, ngoài và trong ăn hợp với nhau một kiểu, cái kiểu khá giả của thời 1920-1940 ở thôn quê miền Nam, bên ngoài mặt tiền xây gạch, nhưng bên trong cột và vách lại toàn bằng gỗ, sa lông Lu Y thập tứ, ván gõ chơn quỳ chạm trổ tỉ mỉ kê cạnh bàn viết tân thời.
Nhan mời khách ngồi tại bộ sa lông, mặt ghế bằng gỗ nu, rồi xin phép đi rót nước. Khi nàng trở lên Công hỏi:
- Sao cô lại gọi tôi là Tào Cáo ? Tào Cáo là gì ?
- Dạ, bà dì của em không biết danh từ mới “Trưởng Ty Quan Thuế” nên em phải dùng danh tư xưa.
- Té ra cô đã biết tôi, hân hạnh ! Tôi xin tự giới thiệu thêm. Tô Ngọc-Công. À, sao cô lại biết danh từ xưa còn tôi thì không biết ?
- Em nghe bà dì em dùng danh tư ấy nhiều lần, em hỏi nên biết.
- Nhưng tiếng Tào Cáo do đâu mà có, nghe lạ như là không phải tiếng Vìệt ?
- Em đọc một quyển khảo cứu, thấy cắt nghĩa như thế nầy: Tào Cáo là do tiếng Toa Cáo, là thổ ngữ Triều Châu mà ra. Toa Cáo nghĩa là con chó lớn…
Công cười ha hả và nói:
- Té ra tôi bị gọi là con chó lớn ?
- Em xin lỗi ông, em không hề muốn ám chỉ như thế. Vả tiếng ấy chỉ gọi Quan Thuế thời Tây thôi.
- Tôi nói cà rỡn chớ không có mích lòng đâu, cô cứ tiếp tục giải thích.
- Dạ ngày xưa trong thôn quê miền Nam, nhứt là ở Hậu Giang, người Triều Châu ở rất đông và họ ưa nấu rượu lậu và rất ghét Tây Quan Thuế, nên mới gọi bọn Tây ấy bằng cái tiếng không hay đó, vì Tây Quan Thuế hay lục lọi, hay đánh hơi.
- Nhưng mà hay, lời cắt nghĩa của cô rất hay.
- Dạ em chỉ nói theo sách thôi.
- À, xin cô cho tôi biết quý danh.
- Dạ em là Nhan, Lý thị Nhan.
Nữ tiểu chủ không thích làm quen với ông khách nguy hiểm, nên không buồn xưng tên họ khi ông ta tự xưng tên ông. Giờ nghe hỏi, nàng chợt thấy mình thật kém lịch sự nên gỡ tội bằng câu nói êm ái đầu tiên mà nàng thấy cần ban cho khách:
- Họ của ông nghe hay quá !
- Cô nghe hay, có lẽ chỉ vì lạ tai thôi, bởi họ Tô rất ít có.
Nói xong, người khách bướng bỉnh nầy xin phép uống miếng nước, rối đứng lên xin về ngay.
Nhan bỗng hối hận hết sức, đã cư xử kém đẹp với con người nầy. Hắn không bao giờ vô lễ trong cử chỉ hay lời ăn tiếng nói. Sở dĩ hắn muốn vào có lẽ vì tự ái bị thương, bởi hắn là khách tử tế lại không được mời vào nên quyết tranh đấu ngấm ngầm cho khỏi bị chạm thể thống. Tranh đấu thắng lợi, hắn về ngay, thật là lịch sự.
Và bỗng nhiên nàng nghe lòng mình có cảm tình nhiều với thanh niên đẹp trai ấy, nên khi tiễn chàng ra cửa, nghe chàng hỏi: “Thỉnh thoảng tôi xin phép ghé thăm cô, cô có bằng lòng hay chăng ?” Nàng vội đáp, quên mất dè dặt cần thiết của con một tay buôn lậu:
- Rất hân hạnh được ông chiếu cố.
*
* *
Sáng thứ hai, ông Trưởng Ty Quan Thuế vào buồng giấy, mặt mày vui tươi như vừa được thăng chức. Cô Thúy, nữ thư ký đánh máy của Ty, liếc nhìn trộm chàng mà mỉm cười. Từ ngày ở bên Hành Chánh được chuyển qua đây, cô Thúy có dịp quan sát ông chủ sở trẻ tuổi nầy, thấy ông có nhiều đức tính, lại đẹp trai nên cô rất mến ông, rồi sau lại thầm yêu ông ta.
Nhưng Công lại bận nhiều công việc, hay cau có, ít để ý đến gái đẹp. Chàng là một công chức có tác phong đạo đức gương mẫu, nên càng tránh thân mật với nữ nhân viên. Hôm nay thấy ông chủ trẻ vui vẻ vừa vào phòng giấy vừa huýt sáo, Thúy bằng lòng lắm. Nếu ngày nào cũng được như thế thì có lẽ hôm nào đây, ông ta sẽ chợt thấy nàng, một thiếu nữ xinh đẹp nhưng lại bị ông ấy xem như là không có, hay xem như là bất kỳ một thầy ký nào.
Thúy mang giấy má đến cho ông Trưởng Ty ký, và khi bước lại gần bàn giấy của Công, nàng nghe chàng lẩm bẩm: “Tào Cáo, Tào Cáo” rồi cười lên khanh khách.
- Thưa ông có ba ước thư gấp.
- Cô nghe trong người có sao không ?
Thúy kinh ngạc hết sực trước câu hỏi kỳ dị ấy. Còn Công thì sực tỉnh, bối rối và vội đính chánh.
- À không, à không phải. Tôi đang đọc một quyển sách. Cô nói gì ?
- Dạ có ba bức thư gấp.
- Được cô để đó cho tôi.
Thúy bước lui nhưng mắt vẫn không rời ngươi chủ sở kỳ dị. Chàng mới vui đó bỗng buồn đó, và bây giờ chàng đang thẫn thờ ngó mông ra ngoài.
Suốt tuần lễ ấy, ngày nào Công cũng muốn trở lại thăm Nhan, nhưng rốt cuộc lại thôi. Chàng sợ cô gái thọ nạn thấy chàng săn đuổi quá mà đâm ra khinh rẻ chăng, nên cứ dời ngày viếng thăm nầy lại mãi. Chàng bứt rứt không an, tối nằm thì trằn trọc, ban ngày vào sở thì đâm chiêu.
Hễ Công bực bội bao nhiêu thì Thúy xao xuyến bấy nhiêu. Mặc dầu chưa được Công để ý đến, nàng vẫn an lòng, vì tuy Công không yêu nàng mà cũng chẳng yêu ai. Nhưng mấy hôm liền nàng quan sát và đoán thấy một biến cố trong đời tình cảm của ông chủ sở độc thân nầy: ông ta không còn sống bình thản nữa mà rất có thể một cô gái nào đó đã len vào đời ông.
Thúy đau khổ vô cùng mặc dầu cái ghen của nàng thật vô lý: ghen với một kẻ không chắc có và ghen vì một người không thèm biết đến nàng.
Công nóng lòng, Thúy xốn xang như vậy cho đến sáng chúa nhựt sau thì chàng ra ngoại ô để thăm người bạn gái mới quen. Lần nầy chàng lại ăn diện kỹ hơn lần trước nữa và khi thoáng thấy cây gõ đàng xa, chàng hồi hộp hết sức, không biết người ta còn chịu tiếp chàng hay không, hay câu nói cuối cùng của người ta chỉ là một câu xã giao vì phép lịch sự thôi.
Có lẽ cũng đoán biết hôm nay có khách nên Nhan đã giặt gịa phơi phóng từ hồi sớm, và đang sẵn sàng nơi sa lông. Nàng bước ra thềm để đón Công và rất bằng lòng mà thấy chàng đến trễ, vì như vậy bà dì đã đi chợ về rồi, đang lui cui đằng sau bếp. Bà điếc lắc, không biết được trên nầy đang có khách. Nàng rất ngại tiếp bạn trai, mặc dầu bà dì cũng dễ tánh.
- Chào ông !
- Chào cô. Thưa cô, ông cụ đã về chưa ?
- Dạ chưa.
- Nhưng chắc cô có được tin tức ở dưới ông cụ có đỡ hay không, thưa cô ? Và ông cụ nằm nhà thương nào ?
Công chỉ vì lịch sự mà hỏi thăm sức khỏe của người vắng mặt, chớ chẳng thiết tha lắm đến ông già mà chàng chưa biết. Chàng ngỡ thiếu nữ sẽ vui vẻ mà được người ta săn sóc đến người thân yêu của nàng, chớ không dè lại thoáng thấy nàng châu mày và không giấu được vẻ khó chịu. Nhưng cô ta khôn khéo hết sức, đổi buồn làm vui ngay và rối rít cám ơn để xí xóa câu hỏi rất khó đáp của khách.
Công cũng thông minh, đoán thấy có bí ẩn gì trong gia đình nầy nên lãng sang chuyện khác:
- Cô đi xe mới, chắc không thích bằng xe cũ mà cô đã quen ?
- Dạ, quả đúng như thế. Nhưng rồi nó cũng sẽ quen đi.
- Năm nay cô thi xong, học thêm hay nghỉ ?
- Ba em tính để em học thêm. Nhưng em thấy là cần phải đi làm. Vì vậy em sẽ cố gắng để lầy bằng rồi xuống Sài Gòn tìm chỗ làm.
- Tôi không rõ gia đạo của cô ra sao, thật không dám bàn góp, nhưng theo chỗ tôi biết thì rất khó mà tìm được một chỗ làm, và tìm được rồi, cũng khó sống với đồng lương họ trả. Cô nên học để lấy tú tài là hơn. Nhưng thôi, đó chỉ là ý kiến vặt của tôi thôi.
- Ông bảo họ trả bao nhiêu mà khó sống ?
Nhan chỉ biết đời học trò của nàng thôi nên hỏi thế.
- Nữ thư ký đánh máy hai ngàn một tháng là cao lắm rồi, bán hàng thì chỉ được một ngàn rưỡi thôi. Nhưng ở Sài Gòn tốn kém chớ đâu phải như ở đây đâu.
Nhan chưng hửng, thật là nàng mới nghe biết lần đầu số tiền mà một thiếu nữ học lực cỡ nàng, có thể kiếm được. Hèn chi cha nàng đã nói nhiều đến sinh kế khó khăn và bảo rằng đổi nghề rất khó.
Hy vọng làm kiếm tiền để nuôi cha cho ông ấy giải nghệ vừa tiêu tan sau tiết lộ của người thanh niên nầy. Nhan ngó mông ra đường mà nghĩ vẩn vơ giây lâu rồi sực nhớ đến khách, nàng hoảng hốt gỡ tội lạnh lạt bằng sự vồn vã:
- Thưa ông, chắc ông không phải là người địa phương ?
- Vâng, tôi từ xa đến. Gốc tôi ở Định Tường.
- Định Tường là tỉnh phì nhiêu trù phú, không khô cằn như xứ tôi. Lên đây, ông có nghe cảm giác nóng bức lắm không ?
- Không… nghĩa là tỉnh nầy tương đối hơi khô khan, nhưng vẫn chưa phải là sa mạc. Người ở đây lại rất tốt và bấy nhiêu đó đủ lắm cho tôi rồi.
- Thưa ông, sao gọi là Quan Thuế ? Thuế nào lại không phải là của … quan tức của nhà nước ?
- Quan đây là cửa ải, chớ không phải ông quan. Quan thuế là thuế đánh vào hàng hóa đi qua các cửa ải ở biên giới. Ngày xưa, có lẽ thiên bạ ít buôn lậu và sở quan thuế chỉ có mỗi một công việc là bắt rượu đế thôi, nên đồng nghiệp thuở ấy của tôi mới bị gọi là Tào Cáo như cô đã cho biết hôm nọ.
Hai người cười xòa với nhau. Tuy nhiên Nhan không trọn vui vì cứ phải nhớ lại chức vụ của Công rất nguy hiểm đối với gia đình nàng.
Một người bạn gái lớn tuổi hơn nàng đã kể cho nàng nghe những nỗi khổ tâm của chị ấy cách đây mười năm. Chị ấy tả tâm trạng của chị ấy hay quá, nhưng chỉ bây giờ nàng mới thấy được tất cả mọi nhận xét, mọi phân tách của chị ấy là đúng vì nàng đang đồng cảnh với chị ấy.
Số là chị bạn nầy, hồi còn quân đội Pháp ở đây, có ông cha đi kháng chiến.
Đơn vị Pháp quân trú phòng trong tỉnh không biết điều đó, và thấy chị đẹp, một viên sĩ quan phòng nhì của Pháp hay lân la nhà chị.
Kháng chiến kỵ với phòng nhì, y như buôn lậu kỵ với quan thuế, và mặc dầu tình quen biết giữa chủ và khách có đẹp bao nhiêu, chủ nhà cứ nghe áy náy không yên trong lòng.
Ác một nỗi là vô tình hay hữu ý, vì lòng tốt hay vì xã giao không rõ, Công cứ quanh quẩn mãi trong những câu chuyện làm cho nàng sợ sệt và khó chịu. Chàng đề nghị:
- Hôm nào cô định đi Sài Gòn thăm ông cụ, cô cho tôi hay. Tôi có xe, sẽ đưa cô đi, để nhơn dịp ấy trình diện với ông cụ luôn thể. Quen biết với cô mà không được ông cụ biết đến là không phải lẽ. Xe tôi là xe riêng chớ không phải công xa đâu mà cô ngại.
Nhan lại bối rối vì Công đã, một lần nữa, đưa nàng vào ngõ bí. Không biết làm sao để tránh khỏi những khó chiu ấy, nàng mời người khách dễ mến nhưng đáng sợ nầy ra vườn để xem con rạch mà hôm nọ y đã ngỏ ý muốn biết. Con rạch chỉ nhỏ bằng bộ ván ba thôi. Khi hai người ra đến nơi, Nhan cười hỏi:
- Ở tỉnh ông chắc mương lớn hơn con rạch nầy ?
Công biết là Nhan bị mặc cảm nhỏ nhoi về xứ sở nên vội xóa ngộ nhận của nàng:
- Quả đúng như vậy. Nhưng cô đừng tưởng tỉnh tôi oai hơn tỉnh cô. Rạch hay mương đều do tính chất của nó chớ không phải do lớn hay nhỏ, mà rạch thì dầu hẹp bao nhiêu, cũng quan trọng hơn những cái mương rộng.
- Tánh cách của các dòng nước khác nhau như thế nào, ông ?
- Rạch là một dòng nước chảy thẳng ra sông. Vì thế mà sông Bến Nghé dưới Sài-gòn rộng là thế mà chỉ được người Pháp gọi là rạch thôi - họ gọi đúng theo nguyên tắc địa lý ấy mà: rạch Bến Nghé chỉ đổ ra sông Đồng Nai, chớ không hân hạnh được chảy ngay ra biển như các con sông xứng danh là sông: Và cũng vì thế mà con rạch danh tiếng bên Tàu, rạch Hoàng Phố, chỉ được gọi là rạch mặc dầu có nơi nó rộng bằng sông Cửu Long của ta.
Con rạch của cô tuy nhỏ, nhưng xứng danh là rạch thì nó vẫn đáng kể hơn những cái mương rộng của tôi nhiều.
Nhan bỗng nghe tủi thân đến rưng rưng nước mắt. Nàng có học cao, có giàu sang đến đâu, cũng chỉ là con gái một người không lương thiện, và những mối quen biết của nàng sẽ lánh xa nàng, khinh rẻ nàng, kể cả mối quen biết mới nầy mà nàng rất có cảm tình.
Cái gì cũng được gọi đúng chánh danh của nó chớ không thể xem mặt đặt tên, mương phải cứ là mương, có rộng lớn bao nhiêu cũng mặc, và nàng vẫn cứ là con của một tay buôn lậu chớ không thể leo lên địa vị con gái nhà lành.
Chủ nhà đã bắt ngang qua rạch một chiếc cầu tre sơn đỏ, trông cảnh mường tượng như cảnh thôn dã đất Phù Tang. Nhan buồn dàu dàu và quên mất khảch, nàng thơ thẩn bước lên cầu, mặt cầu cong hình lưng lừa nên nàng đứng cao hơn người dưới đất khiến Công cảm giác như là nàng vừa xuất hiện thình lình.
Chàng lặng nhìn thiếu nữ đang day lưng lại phía chàng, thưởng thức một thân thể tuyệt mỹ mặc dầu vì tuổi tác nên còn ngập ngừng chưa định hẳn hình thái mà đã khéo tạc như những pho tượng cẩm thạch Hy Lạp rồi.
Công rất mê chụp ảnh và luôn luôn bỏ máy ảnh theo túi khi ra khỏi nhà. Chàng thò tay vào túi quần rút máy ra rồi gọi:
- Cô Nhan, day lại để tôi chụp ảnh
Nhan giựt mình, sực nhớ rằng mình đang có khách, nên vội vã xây lại. Nàng mỉm cười để chuộc tội chớ không phải vì thấy ống ảnh đã chĩa ngay nàng mà lấy bộ mặt vui tươi.
Công không thể biết mà cũng không cần biết lý do nào khiến thiếu nữ mỉm cười vì chàng bận ngắm nghía lại để rồi bấm nút.
Xong đâu đấy, chàng nói:
- May quá, ảnh cô sẽ đẹp lắm vì cô vui.
Chỉ bây giờ, khi chụp xong một dáng điệu lý tưởng mà chàng sợ mất trong nháy măt, Công mới đủ thì giờ nhận thức rằng đó là may mắn cho chàng và cho người có ảnh chụp: Nhan không có vẻ gì chuẩn bị, không có vẻ gì lấy bộ để cho ảnh đẹp cả. Nàng cũng chẳng có lý do để vui tươi thình lình như vậy nhưng cứ vui tươi được. Thế là may mắn tình cờ hẳn đi rồi.
Nhan đang gượng tươi cười để tạ tội đã quay đi nơi khác, thì tươi cười thật sự ra. Từ lâu rồi nàng ao ước được có ảnh chụp nàng đứng trên cầu tre ấy, nhưng bạn hữu của nàng chẳng ai có máy ảnh hết, còn gọi thợ ảnh trên tỉnh xuống vì một bôi hình thì to chuyện quá nên nàng đành thôi.
Nhan lo lắng hỏi Công, như trẻ con đã có chút ít kinh nghiệm về những “cái được” quí báu trong đời chúng nó, một chiếc bánh ngọt, một món đồ chơi, phải cầm chắc quà trong tay rồi mới dám tin tằng mình được:
- Ông chắc rằng ảnh nầy không hỏng chớ ?
- Chắc, tôi chụp hình khá thạo. Vả máy nầy đã tốt lại dễ xử dụng, đương giờ nầy, ánh sáng cũng tốt. Chính tôi cũng thích được chụp một bôi đứng trên cầu, nếu cô vui lòng giúp cho, tôi sẽ chỉ dẫn vài phút là cô chụp được ngay.
- Sao em lại không vui lòng ?
Nói xong, Nhan vội vàng xuống cầu và bước lại gần Công. Viên sĩ quan quan thuế trao máy ảnh cho thiếu nữ và nói.
- Ta đứng yên thì nên lấy tốc độ chậm nhứt. Bánh xe giữa canh ánh sáng, còn cái nút ở dưới hết canh quãng cách giữa người chụp và người được chụp. Cô nhắm vào tấm kính nhỏ nầy cô thấy cây cầu rồi chớ ?
- Dạ rõ lắm.
- Được rồi.
Công giao máy luôn cho Nhan rồi leo lên cầu.
Lần đầu tiên xử dụng máy ảnh, Nhan trông giống như một anh tân binh vừa tập xong võ khí và được cho bắn phát súng đầu tiên, hồi hộp lắm và nhắm mắt bấm bừa, trúng hay trật, thật không bảo đảm chút nào.
Và lần đầu tiên, Nhan ngắm người bạn trai mới nầy. Phải, nàng có thể xem Công là một người bạn được vì họ đã khá thân với nhau rồi, sau mấy lần thăm viếng của Công và nhứt là từ nãy đền giờ.
Công đẹp trai, khoẻ mạnh và hiên ngang. Chàng đứng trong một dáng điệu thường, không làm bộ làm tịch, không kiểu cách để che giấu cái yếu ớt của mình hoặc che giấu sự bối rối trước một thiếu nữ, hai tay xụi xuống chớ không cần trốn vào túi quần.
Dáng đứng ấy là dáng đứng khó khăn nhứt, đứng cho được tự nhiên, hai tay không mắc cỡ, đã là giỏi lắm rồi. Phương chi Công lại có bộ vừa hùng, vừa nhã, không nhơn tạo một chút nào, thì chàng còn hấp dẫn hơn đến đâu.
Bấm máy xong, Nhan lại lo sợ hỏi:
- Ông liệu em thành công hay chăng ?
Công không đáp, xem lại máy rồi hỏi:
- Quãng cách thì tôi đã canh cho cô rồi: cô lấy ánh sáng đúng chỉ còn …
- Chỉ còn gì vậy ?
- Chỉ còn … cô thấy hình tôi đứng ngay giữa tấm kiếng nhắm chớ ?
- Dạ, ngay ở giữa.
- Không mất đầu, mất vai chở ? Công cười hỏi thêm.
Nhan cũng cười mà rằng:
- Trọn vẹn ở trỏng.
- Như vậy thì được rồi. Để cô thấy rõ lòng thành thật của tôi, tôi sẽ trao cuốn phim cho cô đi rửa ở đâu tùy ý cô. Như vậy cô khỏi lo tôi lạm dụng ảnh của cô.
- Em đâu dám nghĩ quấy thưa ông.
Tuy nói thế, Nhan cũng giựt mình mà chợt nghĩ đến điều đó. Ở tỉnh, một cô con gái nhà lành mà có ảnh lọt vào tay con trai sẽ mang tâm mang tiếng rất phiền, cho dầu ảnh không mang lấy một lời đề tặng nào cả.
Và chính vì thế mà nàng vừa chợt thấy rằng người thanh niên mà nàng tiếp đón quá dè dặt, quả là người đứng đắn đáng tín nhiệm.
Công lại nói:
- Cuộn phim nầy được hăm mốt bôi cả thảy. Tôi bỏ ba bôi lót ngoài đầu cuộn, vì ba bôi ấy có thể bị ánh sáng xâm phạm, chụp hay hư, và tôi đã chụp rồi ở nhà hai bôi nữa. Nãy giờ ta chụp hai bôi vị chi là bảy bôi được chụp. Còn những mười ba bôi nữa. Nếu đợi chụp hết cuộn thì lâu quá. Cô cho tôi chụp thêm vài bôi cho mau hết được chớ ?
- Ông lại còn phải hỏi ! Không mấy thuở mà em được chụp hình tại nhà, em xin ông chụp càng nhiều càng hay.
- Tôi muốn chụp một bôi cô ngồi dựa bờ rạch giặt áo, bọt xà bông nổi lên trắng phau phau.
- Được, để em đi chuẩn bị.
Nhan chạy vào nhà để lấy áo, lấy xà bông. Trong nháy mắt, nàng đã trở ra và đi xuống cầu ao.
Đó là một loại cầu đặc biệt rất được thông dụng ở miền Nam nhưng lại không có tên. Danh từ cầu ao là tiếng mượn của miền Bắc để chỉ thứ cầu ván bắt từ trên bờ xuống khỏi mặt nước độ một tấc để ngồi trên ấy giặt gịa, rửa ráy.
Công cầm máy chạy lên cầu tre sơn đỏ để qua bên kia rạch, vì cô gái giặt áo trên cầu ao tức là day mặt qua bờ rạch đối diện.
Bọt xà bông đùn lên, vung cao, trắng buốt như một đống bông gòn, nổi bật lên cái đen huyền của y phục Nhan và của tấm ván cầu lâu đời, bị nước thắm đã xuống màu.
- Trông cô giống như là cô gái giặt sa ở bến Trữ La.
- Mong ông không phải là Phạm Lãi. Em không thích bị cống Hồ đâu.
- Cống Hồ để cứu nước cô cũng không thích sao ?
- Có bổn phận thì phải làm chớ ai lại thích. Nếu thích Trịnh Đán đã không chết.
- A, cái vụ Trịnh Đán ấy khả nghi lắm. Sách Tàu thường nói láo, chớ có ai mà nhớ nhà đến mang bịnh mà chết lận.
Hai người đã trở nên thân, và sau đó, Nhan có chụp thêm cho Công mấy bôi nữa.
Đúng y theo lời hứa, Công vặn nút để cuốn hết cuồn phim vào cái vỏ làm bằng giấy trừ ánh sáng, rồi mở máy lấy gói phim ấy ra trao cho bạn.
- Phải hy sinh năm bôi cuối cùng, nhưng ta khỏi phải đợi, có thể rửa ngay trưa nay. Vả ba bôi chót cũng không chắc xài được thì kể như chỉ lãng phí có hai bôi thôi.
Họ trở vào nhà, vì Nhan đòi đãi bạn nước dừa, người bạn mới mà khi nãy, chụp chàng khoác nước rạch để rửa mặt, nàng đả buột mồm gọi bằng anh. Công đã mừng rỡ hết sức, đã xin nàng cứ giữ mãi lối xưng hô ấy, mặc dầu chàng chưa dám gọi lại nàng bằng em.
- Cô đưa rửa ảnh nầy nội trong ba hôm là họ làm xong. Bôi nào chụp tôi mà được, xin cô cho tôi một tấm mỗi cái hình. Ảnh của cô tôi chưa dám xin vội.
- Nếu không lạm dụng lòng tốt của anh, em mượn anh chiếc máy nầy trong vài hôm nhé ! Em muốn chụp mấy người bạn gái trong khung cảnh quanh nhà.
- Rất vui lòng, nhưng để tôi vô phim mới cái đã.
- Không, em đưa phim họ rửa rồi nhờ họ vô phim mới chớ không dám phiền anh.
- Phiền đâu mà phiền, nhưng thôi tùy cô.
Họ đã trở nên thân ! Công không dè mà chàng làm quen thân được với một cô gái đã có dấu hiệu rõ rệt muốn tránh chàng vào buổi đầu gặp gỡ. Chàng thấy chàng đã hết trơ trọi một thân trên đường đời và nghĩ đến hôn nhơn với Nhan một cách nghiêm trang.
Chàng đã biết Nhan ít nhiều và sẽ biết nàng thêm. Nhan được lắm đó. Nàng dè dặt một cách rất dễ yêu và vui vẻ thân mật trong vòng nết na, thật rất đáng quí.
Chàng đã yêu, chưa nhiều lắm, nhưng đã yêu hẳn rồi, không còn ngờ gì nữa.
Chàng thanh niên hăm tám tuổi ấy mà còn yêu mau như thế, huống hồ gì là cô gái dậy thì mà giấc mơ đầu tiên trong đời là một người con trai như thế… như thế… mà Công đã đáp đúng lại như là tiếng vang đáp lời gọi.
Hình ảnh người con trai dễ mến nầy là hình ảnh đầu tay được ghi vào tấm phim sống của lòng nàng, tấm phim gói kín trong giấy tị ánh sáng từ bấy lâu nay, nàng chỉ bấm vào một cái nút thì tiếp vật kính bịt trước ống ảnh thu hút hình chàng vào tấm phim trinh bạch ngay và không hóa chất, không ảnh hưởng khách quan nào tẩy xóa nổi hình ảnh đó nữa.
Giấc mơ con gái vừa nổi lên là đúng lúc vị hoàng tử đẹp trai xuống ngựa nghiêng mình thi lễ.
Ôi ! Giấc mơ thiếu nữ đẹp biết bao, nàng không phải chờ đợi lâu và mộng đến trong mơ sao mà dễ dàng quá. Hạnh phúc chỉ ở trong tầm cánh tay thôi, nàng vói tới là nắm lấy nó được rồi.
Nhưng mà... ! Nhan ứa nước mắt khi thực tế phũ phàng đánh thức tỉnh phần lý trí nơi nàng vốn bị dòng tình cảm dồi dào và mãnh liệt đè bẹp đi xuống: nàng không thể làm vợ một công chức quan thuế mà không để lụy cho chàng về sau, nếu chàng mù quáng mà cưới nàng đi nữa.
Cuộc vỡ lòng yêu cũng đồng thời là cuộc vỡ lòng đau khổ, và chưa chi cô nữ sinh trong trắng nầy đã phải nhỏ lệ vì cuộc đời mà cô lầm tưởng là dễ dàng và tốt đẹp lắm.
Chiều thứ năm Công đến thăm bạn với chiếc máy ảnh vừa được vô phim mới. Hôm chúa nhựt, khi xin phép ra về, chàng đã len lén nhét máy ảnh vào túi quần, không muốn Nhan tốn tiền phim. Nhan ngỡ bạn không bằng lòng cho mượn máy nên mặc dầu thấy hành động của Công, vẫn không nói gì.
Nhan chạy ra sân đón bạn để khoe:
- Bức ảnh nào chụp cũng được hết thảy anh à. Ảnh của em đẹp lắm, nhưng ảnh của anh thì hơi kém. Thợ họ bảo tại người chụp lấy ánh sáng nhiều quá.
Nhan cầm sẵn xấp ảnh trong tay và chìa ra cho bạn xem. Công đưa tay đỡ lấy mớ hình ấy, xem ảnh chàng trước vì nó nằm trên hết mà cũng vì muôn biết tác phẩm đầu tay của Nhan ra sao, ảnh nào của chàng mà bị chôn ở dưới cuối xấp chàng cũng moi lên mà xem trước. Chảng khen:
- Cô mát tay lắm đó ! Mới chụp lần đầu mà thành công đến thế nầy là giỏi lắm rồi. Quả ảnh tôi bị hơi nhiều ánh sáng, nhưng cũng được.
- Ảnh của anh em rửa mỗi bôi ba bản. Anh cho em xin một bản nha ?
- Tôi chỉ mong được tặng cô mà chưa dám đó thôi.
- Em dán ảnh của anh vào tập an-bum của em.
- A... tập ảnh ! Thế cô đã cỏ nhiều ảnh rồi mà tôi quên mất. Cô cho tôi xem tập an-bum ấy được chớ ?
- Mời anh vào nhà rồi hẳn hay.
Công theo chủ nhà vào ngồi ở ghế sa lông trong khi nàng chạy vào trong buồng một lát. Nhan trở ra ngay với một tập ảnh bìa gỗ sơn mài, vẽ lăng nhăng cầu kỳ. Đó là loại tập ảnh bình dân muốn làm ra vẻ “luýt” một cách ngây ngô hay được người bình dân ta mua làm quà cưới.
Tập ảnh đã gần đầy, chỉ còn có bốn trang ở không.
- Sao cô lại dùng cả hai mặt giấy ? Công hỏi,
Nhan mỉm cười, đáp mà không e thẹn:
- Em cứ tiếc trang giấy bỏ không. Nhưng cái tục dùng giấy tập ảnh một mặt vô lý và vô ích quá !
- Cô nói có lẽ đúng, vì giữa bất kỳ hai trang nào, cũng có giấy lót thì không thể bảo là sợ hư ảnh. Nhưng cô lại dán ảnh vào trang chớ không dùng góc.
Sau thận xét nầy, Công bật cười: Nhan chơi ảnh đúng y tác phong của một nữ sinh ở tỉnh nhỏ, hà tiện từ chút, hoặc không theo đúng lối chơi. Nhưng cô gái lại giải thích rất hữu lý:
- Ấy, dùng góc, tụi nó ăn cắp ảnh hết. Dán dính lại như vậy khó gỡ anh à.
Nhan trình ra trang ảnh chót với những ảnh mới nhứt cứa nàng và của bạn hữu nàng, có lẽ vì nàng ưng ý nhứt mấy bức ảnh đó.
Nhưng Công lại lật lùi các trang của tập ảnh vì cô gái bây giờ, chàng đã biết bằng xương bằng thịt, còn xem ảnh làm gì.
Lội ngược dòng thời gian, Công làm quen với một cô Nhan năm ngoái, một cô Nhan năm kia, còn để tóc thề, rất quê mùa với những ảnh chụp nào cũng cầm một bó hoa, cũng ngoẻo đầu như đã ngửi mùi thơm của chùm bông, với những ảnh chụp nào cũng đứng trước tranh sơn thủy cải lương vẽ nhà lầu, vẽ lầu đài La Mã hay vẽ vườn bông kiểu Patenôtre. Nhưng không vì sự quê mùa ấy mà người chụp ảnh bớt đẹp.
Công lại làm quen với một cô Nhan sáu năm về trước, tóc hớt bom-bê, má phính, trông cứ muốn cắn một cái.
Còn cô Nhan thuở lên bảy, đứng với mẹ cũng dễ thương lắm.
- Hồi đó, hồi em lên bảy, anh đã mười ba rồi.
Công cũng buột mồm mà xưng hô thân mật bằng hai tiếng “anh, em” như Nhan hôm trước. Nói xong chàng sợ hãi nín thinh một hồi. Thấy Nhan không phản đối, chàng đâm bạo nói tiếp, tỏ ý tiếc về một điều:
- Trời ! Sao hồi đó anh không quen với em !
Nhan cười dòn mà rằng:
- Kẻ góc bể, người chơn trời, thì chỉ có lớn lên rồi họa may mới gặp nhau trên đường đời thôi. Trẻ con không dám rời mẹ, còn quen xa làm sao được.
- Cỡ như ta đã quen nhau thuở bé, rồi xa nhau, lâu lâu nhớ nhau, chắc buồn lắm em hớ ?
- Để em tưởng tượng coi ra sao. Ừ …. chắc buồn lắm.
- Anh cảm giác hình như là đã quen với em lâu rồi, lâu lắm rồi, quen với nhau đâu hồi kiếp trước, nên giờ gặp em, anh không lạ bởi hình bóng của em, anh như còn giữ trong nầy.
Công vừa nói những lời chót ấy vừa chỉ vào trán chàng. Cô gái ngây thơ nầy không biết là Công đã bước những bước đầu trên đường tỏ tình nên cười dòn rồi hỏi:
- Anh tin có kiếp trước ?
- Hẳn là phải có. Hai người hoàn toàn xa lạ với nhau không thể làm quen với nhau mau chóng như thế nầy đâu.
- Nghe anh nói, em cũng đâm tin thuyết luân hồi.
- Có phải ba đây hay không em ?
Công vừa nói chuyện vừa xem ảnh vì chàng sợ hãi lời lẽ táo bạo của chàng nên không đám nhìn thẳng Nhan như hôm nay.
Lật tập an-bum tới một trang kia, dán toàn ảnh ông già bà cả, chàng chú ý đến một người đàn ông rất có vẻ gia trưởng lắm, nên hỏi thế rồi ngước lên nhìn bạn.
Chàng ngạc nhiên lắm mà thoáng thấy vẻ kinh sợ, hiện lên mặt Nhan một cách đột ngột liền ngay sau câu hỏi không có gì rắc rối của chàng. Nhưng cô nữ sinh khờ dại nầy có một bản lĩnh thọ hưởng của một ông cha hảo hớn, nên trấn tỉnh rất lẹ rồi đánh trống lấp:
- Anh vô cuốn phim mới tốn bao nhiêu tiền ?
- Giá Sài-gòn thì hăm lăm đồng. Nhưng ở đây họ tính tới bốn chục.
- Còn chiếc máy ảnh nầy anh mua bao nhiêu ?
- Bảy ngàn.
- Trời ơi, nhiều tiền dữ vậy ?
- Vì là máy tốt.
Nhan lấy tập ảnh lại trên tay chàng từ bao giờ, chàng không hay. Công nhận thấy rằng cô học trò ngây thơ nầy chỉ ngây thơ vì còn trẻ tuổi quá và vì chưa sống thôi. Cô ta sẽ oanh liệt vô cùng một khi cô ta sống thật sự, bằng vào tài khéo léo lãng sang chuyện khác của cô ta và tài lấy một món đồ lớn trên tay người khác như chơi thôi, giỏi như một tay làm trò ảo thuật.
- Em lo quá, Nhan cười nói mà tay ôm khư khư tập an-bum vào ngực, chắc em không dám cho tụi nó rớ tới máy nầy đâu. Rủi tụi nó làm rớt một cái, chắc em phải bán nhà để bồi thường cho anh.
Công bận lo ra về người gia trưởng mà Nhan không chịu xác nhận. Thường ở tỉnh, ở làng, mà ngay cả trong các gia đình khiêm tốn ở Sài-gòn cũng thế, người ta tay phóng đại các ảnh gia đình để treo trên vách. Người gia trưởng luôn luôn ngự ở giữa bao nhiêu là ảnh vợ con, khách lạ bước vào nhà nào, trông lên tường thì biết ngay ai là ông chủ.
Nhà nầy vắng bóng loại ảnh đó. Chi tiết kỳ lạ, bất thường ấy, Công đã chú ý ngay từ lúc mới để chơn vào nhà nầy, nhưng rồi chàng quên đi, mãi cho đến nay thái độ của Nhan bỗng làm cho sự quan trọng của nó nổi rõ lên.
Tuy nhiên, Công nghĩ đến những điều khác: đó là một ông cha ghẻ, hoặc một ông cha nuôi, sự kiện không tốt đẹp lắm cho một người con gái sắp lấy chồng, nên Nhan phải xấu hổ.
Nghĩ thế, chàng hết thắc mắc ngay vì cái điều đã khiến bạn chàng mặc cảm, thật ra không có gì. Công là một thanh niên không thành kiến. Vì thế mà chàng vui vẻ lại được như thường và pha trò để đáp lại lo ngại của Nhan:
- Anh đã làm rớt em xuống mương mà có phải bán nhà lần nào đâu. Mà em lại quí báu hơn chiếc máy ảnh nầy nhiều lắm.
Đôi bạn đã đi đến giai đoạn “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
Công đi thăm bạn một tuần lễ hai lần, không lần nào chàng dám ở lâu, nhưng không tới, chàng chịu không được.
Vẫn đứng đắn, chàng cứ bước lần vào sự thân mật với Nhan. Còn Nhan thì cũng vẫn dè dặt, nhưng cũng cứ đi lần tới chỗ cảm thông với một tâm hồn phong phú.