Đêm ấy, nửa khuya, ông Tám Huỳnh giựt mình thức giấc vì một cơn nhức ở vai. Vết thương của ông đã lành hẳn rồi, đụng chạm mạnh, mà bóp nặng cũng không đau.
Ông Tám Huỳnh biết ngay rằng cơn nhức nầy do khí trời ẩm ướt đã âm thầm dày vò những tế bào, những dây thần kinh bị tì vết thương bắp thịt của ông.
Đó là khuyết điểm cơ thể mà thuốc men phải bất lực và ông sẽ đau nhức như vậy cho đến ngày xuống mồ mỗi bận trời trở gió.
Năm nay ông bốn mươi chín, sức khỏe và sức mạnh đã bắt đầu xuống. Chứng tật mới nầy, mang sẵn trong người, sẽ hành hạ ông dữ lắm những lúc ông xông pha mưa gió.
“Đã đến lúc phải giải nghệ rồi” ông Tám thở dài mà nghĩ thầm như vậy. Ông thở dài vì nỗi ngậm ngùi phải từ bỏ một nghề mà, mặc dầu nhận là trái đạo đức, ông vẫn thương mến vì nó có vẻ đẹp riêng của nó. Ông thở dài vì viễn ảnh phải nhờ vả con, nó chạm tự ái của ông quá.
Ông nghĩ ra thì cuộc đời thật phi lý hết sức. Mười lăm năm ngang dọc, bât chấp luân lý và pháp luật, đôi khi có thể giết người nữa trong những trận đánh tự vệ, thế mà khi trở về già, chỉ còn hai tay không, muốn dưỡng lão phải nhờ đến một kỳ công của một đứa con gái thơ dại.
Ông Tám đánh diêm lên, thắp cây đèn trứng vịt trên bàn đầu giường rồi mở tủ lấy một viên thuốc an thần uống cho qua cơn nhức nhối. Thuốc nầy cũng có dược tánh dỗ giấc ngủ nên nửa tiếng đồng hồ sau đó, ông thiếp đi và ngủ quên luôn cho tới tám giờ sáng mới thức dậy.
Hôm ấy chúa nhựt. Ông Tám đi ra sau rửa mặt thì thấy “dì Năm” đang ngồi nói chuyện với Nhan.
Đây là lần đầu tiên mà người vợ kế không chánh thức của ông đến đây lúc ông có mặt nên ông Tám ngạc nhiên lắm, và hơi lo. Ông hỏi:
- Dì nó tới có chuyện gì ?
- Để rồi tôi sẽ nói. Ông nghe trong người làm sao ?
- Như thường.
- Nhan nói ông ăn ít lắm mà ?
- Ừ, nhưng không sao đâu. Có lẽ tôi bắt đầu già nên vậy.
- Nhan không đi học sao con ?
- Dạ, bữa nay chúa nhựt ba à.
- Vậy hả. Dì nó lên nhà trên uống nước và có nói gì thì nói.
Ông Tám biết người bạn của ông muốn nói chuyện riêng và sự có mặt của Nhan là một trở ngại.
Nói xong, ông trở gót liền không đi rửa mặt nữa.
Dì Năm bước xuống ván và nói với con ghẻ:
- Để rồi dì sẽ trở xuống với con.
Dì Năm mới lên tới buồng tiếp khách chưa kịp ngồi, ông Tám đã hỏi:
- Có gì, dì nó ?
Di Năm lặng lẽ bước đến ngồi sát ông Tám, hạ giọng xuống mà nói:
- Chú Tư chú nhờ tôi đem tin gắp đến cho ông.
- Tin gì ?
- Là tên Thạch Poul nào đó nhắn rằng trâu đã về.
- Vậy à !
Tám Huỳnh không nói gì nữa, ngó mông ra sân nhà nhưng nhìn rất xa vào một đêm tối mịt kia trước Trảng Sụp.
Thạch Poul đã về, về trước thời hạn là một tháng mà hắn đã hoạch định. Từ ngày hai người chia tay đến nay chỉ mới có mười chín ngày thôi.
Thạch Poul đã về ! Đây là dịp ngàn năm một thuở, nếu không chụp lấy thì không thể có được một may mắn thứ nhì nữa.
Nhưng mà, cứ theo kế hoạch của Nhan, đây là một cuộc cướp giựt, không hơn không kém. Bắt ăn cướp là một chuyện khác. Nhưng phản bội ăn cướp bằng cách gài bẫy chúng để cướp của chúng là một chuyện khác nữa.
Giới giang hồ mã thượng vẫn biết xấu hổ phần nào và vẫn trung kiên với lề lối lương thiện riêng giữa chúng với nhau.
Thạch Poul đã về ! Trâu đã về ! Đó là những con trâu mà có lẽ hắn đã phải hạ sát hằng chục người mới chiếm được. Không, ông Tám không thương xót hắn, cũng chẳng kể đến cho hắn về cái ơn nặng mà ông đã thọ với hắn. Chính ông đã gián tiếp cứu hắn một lần năm I954, khi hắn mới bắt đầu tung hoành trong vùng nầy.
Hắn đã chạm đến dư đảng Bình Xuyên, bị họ gài bẫy bắt sống được và toan mổ mật hắn. Tám Huỳnh đã xin họ xá tội cho hắn, mong kết nạp thêm một thủ hạ giỏi giắn. Nhưng hắn chuộng tự do và không thích trên đầu có ai, nên sau đó, hắn lại hoạt động riêng như cũ.
Nhưng cái nếp lương thiện riêng của giới cường san cứ khiến ông Tám phân vân.
Một trăm con trâu ! Ngót một triệu đồng ! Kể ra thì thằng nầy cũng khá lắm. Hắn dám xài như thế thì biết quí trọng tình yêu song phương, chớ hắn đã có dịp bắt cóc Nhan, để cưỡng hiếp nàng. Nhưng như vậy, nếu cho rằng sự cưỡng hiếp ấy là tình yêu đi nữa thì nó chỉ đơn phương thôi.
Tánh dại gái của tên cướp đường nầy mang một vẻ đẹp độc đáo của man rợ pha trộn với văn minh, khiến ông Tám thấy hay hay, ngồ ngộ.
Dì Năm kính trọng sự im lặng của người chồng mà dì kính phục, nhưng vẫn phải nói hết câu chuyện:
- Chú Tư chú nói người ấy nhờ ông xin ông quyết định mau, và dầu nhận dầu không cũng trả lời cho y rõ kẻo y tốn công chờ đợi.
- Được rồi, bà để tôi tính. Chú Tư nó còn ở trong ấy chớ ?
- Dạ còn.
- Bà nên về ngay, nói với chú đi trả lời thay cho tôi là tôi sẽ đến gặp người ấy. Nhưng nó hẹn gặp tôi ở đâu ?
- Dạ ở “Đồng Cháy”.
- Tốt lắm.
- Ông sẽ ghé tôi hay chăng ?
- Cố nhiên là ghé.
- Thôi tôi về ông nhé.
- Ừ, bà về đi.
Dì Năm lặng lẽ đi ra sau trong khi Tám Huỳnh vẫn thẫn thờ ngồi đó với cái đầu bù, với gương mặt còn ngây ngủ của ông.
Dì Năm ra sau, bắt gặp một cô Nhan còn thẫn thờ hơn ông bố của cô nhiều lắm, khiến dì ngạc nhiên cho gia đình nầy quá, cả cha lẫn con đều như là kẻ mất hồn.
Nhưng Nhan thẫn thờ vì lý do khác cha nàng. Hôm nay là chúa nhựt. Niềm đau của nàng, cứ chúa nhựt là gay gắt hơn lên.
Mới tháng trước đây, sáng chúa nhựt nào Công cũng đến thăm nàng và nàng đã nghe như cầm chắc hạnh phúc tên tay. Tất cả đều qua như trong một giấc mộng, mộng đẹp, nhưng nàng tỉnh giấc mộng một cách bàng hoàng như là ra khỏi cơn ác mộng.
Nhan còn như nghe giọng chàng văng vẳng đâu đây, như thấy bóng dáng chàng thoáng ngoài vườn, rồi in chồng lên hình ảnh mong manh ấy là một hình ảnh mơ hồ khác mà vừa thoáng thấy nàng bắt rùng mình.
Đó là gương mặt rừng rú của tên tướng cướp đàng Thổ nó đưa tay dìu nàng đi một khi cha nàng nhận đủ một trăm con trâu, lễ cưới của nó. Lễ cưới ? Không, đó là giá tiền nó mua một con heo.
Bỗng Nhan nhớ lại mấy lời nói đùa lúc Công chụp ảnh nàng giặt áo trên cầu ao. Đó là những lời nói gở, nói tiên tri một cách đáng sợ về tương lai của đời nàng. Công đã nói: “Trông cô giống như là cô gái giặt sa ở bên Trữ La”.
Cô gái giặt sa ! Thì ra nàng sẽ bị đưa đi cống như Tây Thi !
Nàng đã nói rằng mình không thích bị “cống Hồ”. Đó chỉ là một lời nói thôi, nó theo điển tích, nhắc chuyện Hạnh Nguyên tức Vương Trường bị cống sứ cho rợ Hồ ở miền Bắc Trung- Hoa. Câu chuyện ấy xảy ra sau câu chuyện Tây Thi đi cống Phù Sai những một ngàn năm, nhưng được phổ biến hơn, nên thành điển.
Muốn nói bị cống sang nước Ngô mà nàng nói “bị cống Hồ” và giờ thì, kinh dị thay, bị cống “Hồ” thật sự rồi đây. Một tướng cướp rừng, gốc đàng Thổ không Hồ là gì ?
Công đã hỏi “Cống Hồ để cứu nước, cô cũng không thích sao ?” Và nàng đã đáp: “Có bổn phận thì phái làm, chớ ai lại thích”.
Nàng bị đưa đi cống Hồ để cứu nhà, tuy sẽ không rạng danh sử ký như Tây Thi, như Hạnh Nguyên đã cứu nước, nhưng nàng vẫn thấy đó là bổn phận thiêng liêng mà nàng phải làm. Làm nhưng không thích. Mà còn trái lại nữa.
Nghĩ đến đây Nhan nghe đau một cơn đau thật sự, một cơn đau vật chất nơi dạ dày của nàng và nơi tim nàng. Niềm đau tinh thần, khi to lớn quá, biến thành cơn đau xác thit chăng ?
Rồi Nhan lại tưởng tượng xa hơn, cho đỡ đau xót. Nàng hình dung ra trận đánh sau đó, mà nàng sẽ ngã gục dưới một viên đạn nặc danh, hoặc bị vùi thây trong Trảng Sụp một cách âm thầm, tăm tối.
Nhưng rồi nàng lại đỡ đau xót vì thà là như thế còn hơn phải làm vợ một tên tướng cướp rừng. Phải, nàng đinh ninh rằng kẻ ấy sẽ cứ sống đời sống lục lâm mãi mãi, vì, mặc dầu hắn có thể là sẽ giải nghệ, nhưng Tám Huỳnh thấy đó là một đề nghị điên rồ nên không buồn kể lại lời thề của hắn cho con nghe và về tới nhà, nhắc đề nghị ấy để cười chơi, ông thấy, không cần chi tiết đó Nhan cũng nhận lời thì cũng chẳng kể ra làm gì nữa.
Thà là như thế còn hơn. Mà nếu được ngã gục dưới chính một viên đạn của Công thì càng quí.
Nhan thích chết vì tay Công như trước đây Công thích chết vì tay của cha nàng. Người ta yêu nhiều quá nên người ta hờn, muốn hủy mình không đủ, mà muốn cuộc sống của người ta bị người yêu hủy lấy.
Giữa khuya đêm ấy, ông Tám Huỳnh lại ra đi và hai hôm sau là về, ông đã gạn hỏi con lần cuối cùng để đi thương lượng và thương lượng có kết quả.
Vì thế mà đêm ông về, sáng ra, đi học, thay vì vào lớp, Nhan ra chợ làm bộ mua sắm nầy nọ rồi vào lúc tám giờ, nàng đến ty Quan Thuế.
Thúy đang đọc bản phúc trình hằng tháng phải đánh máy mà ông trưởng Ty viết tháo quá, đọc qua mấy lượt mới mong hiểu hết, thì nghe người khách phụ nữ ấy nói với tùy phái:
- Thưa chú, tôi muốn xin vào thăm ông trưởng Ty.
- Có việc gì cô cứ hỏi các thầy các cô ngoài nầy.
- Không, việc quan trọng cần phải gặp ông trưởng Ty mới được.
- Xin cô cho biết tính cách ấy quan trọng đến mực nào tôi mới có thể vào “tâu lại” với “bệ hạ” của tôi, bằng không...
Viên tùy phái nói pha trò vì hắn ngỡ đây là một nhơn tình vụn vặt qua đường của “xếp” hắn, Nếu nàng là ngươi yêu thật sự của Công, hắn đã chẳng dám dễ ngươi như vậy. Mà người yêu thật sự, chỉ việc đưa thiếp, hoặc sẽ sai khiến hắn bằng gọng hách dịch chớ không nhút nhát như cô học trò nầy, tay ôm cặp, mặt ngây thơ quá chừng.
- Tôi tiếc không thể nói được vì là chuyện mật.
Anh tùy phái nheo mắt rồi cười rất hóm hỉnh và nói cũng bằng giọng hóm hỉnh, như đã cười đã nói với người điềm chỉ đặc biệt mà hắn ngỡ là người đem của đút tới.
- Bí mật à ? Nhưng tôi cũng cần biết quí danh của cô để chủ tôi quyết định có thật bí mật hay không chớ ?
- Tôi là Nhan.
- Vậy cô Nhan đợi một lát.
Nãy giờ Thúy nghe một cách lơ đãng nhưng cái tên vừa thốt ra bỗng làm cho cô tái mặt.
Cô ngước lên và vừa trông thấy cô nữ sinh nầy, cô bỗng rụng rời. Quả thật Nhan đẹp ghê hồn, đúng y như lời của cả chợ đồn đãi về nhan sắc của nàng.
Người như thế nầy thảo nào Công không mất ăn mất ngủ sao được ?
Người tùy phái vào buồng giấy của Công rồi, cô nữ sinh nầy đứng bẽn lẽn ở hành lang ty Quan Thuế vì cô nghe nhột nhạt dưới những cái nhìn soi bói cúa người trong sở nầy, nhứt là của Thúy.
Ấy, đã bảo cô nữ sinh ngây thơ hiền hậu ấy tỏ ra có bản lãnh, dám sống một đời sống oanh liệt của giới giang hồ mã thượng, nhưng cô ta chỉ có thể bảnh trước lằn tên mũi đạn thôi, và vẫn rụt rè sợ hãi trong một xã hội mà người ta trọng sự thạo sống hơn là kẻ dám chết.
Nhưng sao ông Trưởng Ty chưa quyết đinh ? Cả Nhan và Thúy cùng vài nhơn viên được nghe câu chuyện đều nóng lòng đợi anh tùy phái trở ra xem thế nào ?
Họ đoán có lẽ Công sợ mang tiếng và định phủ nhận cô nhơn tình học trò đã liều lĩnh đến đây chớ không an phận núp lén nữa.
Có người còn đoán xa hơn: Họ nghi Nhan đã mang thai với Công và quyết đến làm dữ.
Không một ai có ý mơ màng về sự thật cả. Sự thật là Công đoán Nhan đến để cầu cứu về điều gì liên hệ đến cha nàng. Có lẽ ông ấy bị một nhân viên nhỏ bắt về môt vụ nhỏ nào đó chăng và, là kẻ không biết xấu hổ, nàng mang mặt lì đến để nhơn danh tình bạn cũ mà xin xỏ nọ kia.
Chàng khó nghĩ quá. Thương xót người bạn cũ ấy, chàng vẫn thương xót và hơn thế, tình yêu của chàng vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng chính vì thế mà chàng không muốn thấy mặt nàng nữa.
Tuy nhiên, rốt cuộc chàng cũng nói:
- Thôi, cho cô ấy vào !
Người tùy phái cười bằng mắt, một nụ cười nhiều ý nghĩa rồi mở cửa gật đầu làm hiệu để mời cô học trò vào.
Anh ta đóng cửa lại sau lưng Nhan và Thúy đứng lên. Không có gì xấu hổ bằng rình mò, riêng đối với lương tâm mình cũng đã thế, huống chi trước mặt mọi người.
Thúy đứng dậy rồi do dự thật lâu, nàng mới quả quyềt cầm xấp bản thảo của tờ phúc trình bước tới trước cửa buồng giấy của Công, làm bộ muốn vào có việc cần, nhưng đợi cho khách ra rồi mới dám gõ cửa.
Công nghiêm nghị hỏi, mà không ngước lên khi thấy dạng khách vào phòng:
- Chào cô, có việc gi ?
- Chào ông, một chuyện tối quan trọng và tối mật.
Công châu mày hỏi:
- Chuyện tư hay chuyện công ?
- Dạ chuyện công.
Người Trưởng Ty Quan Thuế nầy ngạc nhiên lắm. Nhưng chàng hành động tức khắc, theo thói quen của chàng. Chàng đứng dậy, bước thụt ra sau mở toát cửa hông buồng giấy ra, rồi lại đi tới phía trước để mở lớn cửa ngoài trổ ra hành lang.
Bắt gặp Thúy giật nẫy mình, toan rút lui mà không kịp, chàng hiểu ngay, mỉm cười và hỏi cho cô ấy đỡ ngượng:
- Đọc không được hả cô Thúy ? Được, cô cứ đánh dấu mấy chữ khó đọc, rồi lát nữa, khách về tôi sẽ bảo cho.
Người trưởng ty Quan Thuế nầy rất bằng lòng về tánh cẩn thận của chàng. Thường, thì khi nào tiếp một người khách khả nghi đối với bên ngoài, chàng mở toang cửa ra để ngăn sự rình nghe có thể có.
Lần nầy sự việc đã xảy ra đúng như chàng nghi ngờ và kẻ tò mò phải tiu nghỉu trở về chỗ ngồi của mình.
Xong đâu đấy, chàng mời khách ngồi lại ở chiếc ghế đặt trước bàn viết của chàng còn chàng thì ngồi bên kia bàn, tức là trên ghế của chàng.
- Chuyện gì cô cứ nói.
Giọng chàng cố bình thản nhưng không thể được. Nhan cũng cố lấy giọng và thái độ thường như hai người xa lạ với nhau nhưng xúc động cứ làm cho nàng nghẹn ngào nói không suông câu.
Cả hai đều ngầm hiểu là tình cảm của họ đối với nhau chưa chết, không thể chết được.
- Thưa ông, tôi đến để báo tin ông biết là một đêm kia một tướng đàng Thổ sẽ đưa một đàn trâu một trăm con về gần thành phố nầy…
- Cô đã gõ lầm cửa rồi đó ! Quan Thuế chỉ bắt hàng lậu, còn bắt cướp là công việc của cảnh sát.
- Nhưng thưa ông, trâu ấy mặc dầu là của cướp giựt, nhưng bọn cướp đem đến đây bán như bán hàng lậu.
- À, cô ăn gian cũng khéo. Được, cứ kể như là hàng lậu đi, rồi sao nữa ?
- Nếu ông nhận một điều kiện của tôi, thì tôi sẽ tiết lộ thời gian và địa điểm giao trâu cho ông bắt kẻ gian.
- Điều kiện gì, cô cứ trình bày thử xem.
- Là ông để yên người mua, chỉ bắt kẻ bán thôi.
Công bật cười, chàng cười ha hả rồi nói:
- Tức là kẻ mua định mượn tay Quan Thuế để cướp giựt hàng của quân cướp: A ha... ha… tài lắm, mưu lược đó. Tôi đoán người mua là thân phụ của cô. Quả thật …
Chàng suýt thốt ra cái câu phũ phàng: “Quả thật: Đầu buôn lậu, đuôi cướp, quả thật con nào cha nấy, cá mè một lứa với nhau”, Nhưng chàng kịp cầm giữ và nói ra ý khác:
- Quả thật là trí Khổng Minh Gia Cát, nhưng tôi rất tiếc mà nói ngay rằng tôi không thể nhận điều kiện của cô. Không, luật nước và lương tâm tôi không cho phép tôi hành động như vậy.
- Thưa ông, giữa hai kẻ gian manh, ông trừ được một kẻ không lợi cho xã hội à. Làm việc cần mềm dẻo chớ nô lệ luật pháp mãi, hay ho gì !
- Không, tôi không thể tùng đảng với một người gian manh.
- Thưa ông, cái tiếng “gian manh” ấy là tôi nói để hợp với lời đoán mò của ông thôi, chớ thật ra bên mua sẽ trả tiền sòng phẳng, lúc nhận hàng. Tiền trao cháo múc họ mới chịu giao hàng chớ.
- Vậy à, tôi quên nghĩ đến chi tiết đó.
- Như vậy, lương tâm ông sẽ yên được.
Công suy nghĩ rất lâu rồi thở dài nói:
- Cũng chẳng yên được. Biết kẻ mua hàng lậu, gặp họ đang hành động quả tang mà nhắm mắt thì...
- Ông nên chọn. Trừ khử một người hay là không làm gì ai được cả.
- Nhưng tôi băn khoăn tự hỏi vì sao mà cô muốn bênh vực người mua.
- Vì người ấy là cha tôi.
- Té ra tôi đoán đúng.
- Dễ đoán quá mà !
- Nhưng tại sao cô lại muốn tôi trừ khử quân cướp ? Đã trả tiền rồi, chúng có bị trừ khử hay không, cô vẫn không thâu được thêm lợi nào kia mà ?
- Ông nói đúng, nhưng tôi cần trả thù.
- Trả thù ? Cô mượn tay Quàn Thuế, tức công lực để trả thù riêng ?
- Vâng. Nhưng nào có gì đáng trách đâu. Một kẻ đã hại ông, ông đi thưa cho hắn bị bắt, bị tù, không là mượn tay công lực sao ?
- Ừ, cũng khá trôi chảy, lối giải thích của cô. Nhưng thù gì mới được chớ ?
- Ông đi xa quá. Chi tiết đó, tưởng ở ngoài phạm vi của ông.
- Xin lỗi. Tôi đi xa quá thật. Vậy xin lập lại một lần nữa là tôi rất tiếc. Và tôi cũng rất tiếc mà được biết rằng cô ác lắm !
- Tôi ác à ? Thưa ông. Tôi ác chỗ nào ?
- Cô trả thù ác quá !
Nhan nổi giận vỗ bàn hét:
- Ông không nhận thì thôi, ông không được quyền mắng tôi. Ông không biết gì hết về những bí ẩn trong vụ nầy thì không được xét đoán.
Công cũng nổi xung thiên hét:
- Tôi không cần biết rõ ẩn tình, mà chỉ biết việc làm hiện giờ của cô thôi. Cô là một người ác.
- Tôi không ác, ông phải biết lý do xui người ta hành động mới xét đoán hành động ấy là không thiên lệch. Ác làm sao mà khi chúng nó muốn dùng thế lực đồng tiền để mua thân thể tôi. Thế có phải là phong kiến hay không, giữa thế kỷ hai mươi nầy ?
Công giật nẩy mình rồi hỏi:
- Thật như vậy à ? Chúng nó mua cô bằng một trăm con trâu ?
- Đúng như vậy.
- Và tiền trả món hàng ấy chính là cô ?
- Đúng như vậy.
Chàng châu mày, lâm thinh một lát rồi mỉm cười, gay gắt nói:
- Nhưng ai bắt buộc cô phải bán thân ?
- Tình thế bắt buộc. Tôi quyết giúp cha tôi giải nghệ cho người đời họ hết khinh rẻ gia đình tôi. Chúng nó biết không ai cưỡng nổi với lòng tham một triệu bạc, nên mới đề nghị cuộc buôn bán bất nhơn đó. Hạng người như thế mà ông thấy rằng không cần trừ khử sao ?
Công cắn môi của chàng thật mạnh, thấy rõ là chàng đang tập trung tất cả tư tưởng của chàng để quyết định. Lý trí của chàng nhủ rằng quả thật cần phải trừ khử tên cướp đó, nhưng thật ra tiềm thức của chàng lại âm thầm xui khiến chàng nhận lời hành động vì một lý do khác: cái thứ tiền mua trâu mà tên tướng cướp sẽ mang đi, chàng không đành để nó mang đi.
Lâu lắm, chàng mới nhìn người khách kỳ dị nầy mà hỏi:
- Nếu tôi không nhận điều kiện của cô thì…
- Thì tôi cũng cứ bán mình.
- Cô liều à ?
- Không liều thế nào được ? Đời tôi còn gì nữa đâu, chỉ vì nghề nghiệp của cha tôi. Giờ tôi không còn mong cứu chính tôi được nữa, nhưng ít ra hành động như thế, tôi sẽ cứu được cha tôi ra khỏi đường tội lỗi.
- Chắc chắn là chúng nó có võ trang ?
- Cố nhiên.
- Và tôi phải hạ chúng nó trong một trận đánh nhau ?
- Cố nhiên, ông sợ à ?
Người trưởng ty Quan Thuế mỉm cười mà rằng:
- Vâng tôi sợ. Sợ lắm. Sợ phải giết chính cô !
Nhan cười lên một chuỗi cười dòn dã mà rằng:
- Ông chớ nên tự tin quá và khinh địch quá. Tôi chỉ lo cho nhơn viên Quan Thuế lâm nguy thôi. Chúng nó nhiều súng lắm, trên hai mươi tay, mà toàn là tay thiện xạ cả.
- Cố nhiên. Nhưng thế nào cũng có một đôi kẻ bị hạ cả bên thắng nữa mà kẻ ấy rất có thể là cô vì cô là phụ nữ yếu đuối rồi không hiểu tại sao thân phụ của cô lại chịu “bán” cô bằng lối đó. “Bán”con đã là một việc không hay rồi, mà bán vào cửa tử thì …
- Ông có dám chắc rằng ông hạ nổi tôi ở loạt súng đầu hay không ?
Công chỉ cười mà không đáp, chàng cười một cái cười chua xót, đau đớn. Nhan tiếp:
- Không bị hạ do loạt súng đầu là tôi thoát được. Vì thế mà ba tôi mới chịu bán tôi trong điều kiện nguy hiểm đó.
Thật ra Nhan không tin rằng nàng sẽ thoát. Nhưng đó là một lối tự tử của nàng thì nàng không băn khoăn lắm về điểm bị hạ hay không.
Và cũng chính vì quyết chí quyên sinh nên nàng mới yên thân được với lương tâm của nàng mà hành động như vậy. Công đã bảo nàng ác và quả nàng ác thật, nếu không có ý chí quyên sinh kia.
Nầy nhé. Cha nàng mua trâu trả tiền sòng phẳng là không lường gạt người bán nữa.
Cái “tiền sống” ấy, khi đã làm tròn bổn phận trả giá cho món hàng rồi, thì nó có quyền tự hủy, người cầm nó phải giữ gìn nó, không giữ được, mất thì rán chịu, không được kêu ca vào đâu.
Vả người vợ bất đắc dĩ có quyền và có bổn phận tố cáo một người chồng cường đồ để xã hội trừ khử hắn. Để trọn niềm chồng vợ, người vợ ấy, làm xong phận sự một công dân tốt rồi tự tử, đạo nghĩa vẹn toàn.
Sự thoát thân trong cảnh hỗn loạn của lằn tên mũi đạn chỉ là cái cớ mà nàng đưa ra để cho cha nàng nhận lời thôi và để cho Công nhận lời mà không ngại ngùng gì cả.
- Vậy thì được. Xin cô cho biết thời gian và địa điểm.
- Nhưng ông có hứa sẽ để yên cho người mua hàng hay không chớ ?
- Hứa !
- Lời hứa danh dự phải không ?
- Xin lấy cả danh dự của tôi để hứa.
- Tôi tin ông bằng lời. Nhưng cần nói rõ chi tiết, ông phục binh, nhưng để cho bầy trâu đi qua khỏi đó rồi mới tấn công.
- Đồng ý.
- Người mua trâu sẽ quất trâu chạy thật mau. Bọn cướp chỉ lui binh theo tốc độ thường thì khỏi lo chúng vượt khỏi tay ông.
- Đồng ý về mọi chi tiết.
- Vậy đêm hăm chín ta tháng nầy tức là tháng âm lịch tức còn bốn hôm nữa, vào khoảng 12 giờ khuya, tên tướng cướp ấy sẽ giao trâu bên nầy Trảng Sụp.
Công kinh ngạc hỏi gạn lại:
- Trảng Sụp gần đây à ?
- Vâng !
- Táo bạo quá ! Thật là táo bạo.
- Ông sẽ cho phục binh ba mặt, trừ mặt Trảng Sụp.
- Ừ. Nhưng sao lại chọn Trảng Sụp ?
- Đó là kế hoạch của chính tôi. Nơi nào khác, tên cướp ấy cũng sẽ khai huyết lộ được cả để thoát thân, cho dẫu ông phục binh bao nhiêu đi nữa.
Chỉ có Trảng Sụp là chướng ngại vật không thể vượt được, mà chắc chắn là hắn sẽ triệt thối vào nẻo đó vì tuy nguy hiểm nhưng không có phục binh, hắn sẽ hy vọng vào một may mắn cuối cùng là Trảng Sụp khá đủ khô cho hắn khỏi sa lầy.
Công kinh dị hết sức, trố mắt mà nhìn trừng trừng nhà chiến lược tập sự nhưng quả thật rất lỗi lạc nầy.
Chàng nghĩ rằng các tay giang hồ mã thượng và con cháu họ, nếu chịu hiến dâng tài sức cho quê hương xứ sở thì họ sẽ phục vụ đắc lực vô song vì đó là những phần tử thích hoạt động, mạnh cá tính. Chàng khen:
- Cô sắp đặt tài như một danh tướng. Tôi tiếc mà …
- Thôi được. Tôi đặt cả tín nhiệm vào lời hứa danh dự của ông. Xin phép ông.
- Chào cô và chúc cô may mắn.
Nhan rời khỏi bàn giấy của ông trưởng ty Quan thuế cùng một lượt với một thiếu nữ nữa từ nãy giờ núp ở bên mép khung cửa hông, và nghe không sót một tiếng câu chuyện “mật” nầy.
Công rất cẩn thận, đã ló mặt ra dòm bên ngoài lúc chàng mở cửa nầy, nhưng chàng sơ ý thăm chừng giữa câu chuyện.
Thúy lặng lẽ và buồn bã trở vào chỗ của nàng, lòng bấn loạn vì những điều mới khám phá được. Nàng đã biết một phần sự thật về mối tình giữa Công và Nhan. Hiện nay họ đã đoạn tuyệt với nhau rồi vì một lý do nào đó, tuy nhiên hai người vẫn còn yêu nhau, bằng vào những cơn nức nghẹn của cả hai, qua suốt cuộc đàm thoại.
Nhưng sự đoạn tuyệt ấy, chẳng những không giúp cho nàng an lòng, mà trái lại còn khiến nàng sợ hãi bối rối.
Rất có thể là cô nữ sinh ấy vì hận nên dụ Công vào chỗ hiểm để sát hại chàng. Mà dầu cô ta có thật tình đi nữa, vụ nầy cũng sẽ gây rối - rối cho Thúy cố nhiên - vì kinh nghiệm tiểu thuyết và phim ảnh đã cho Thúy thấy nhiều trường hợp tương tợ mà một cuộc cứu nguy sẽ xô hai người vào tay nhau, giúp bọ quên hận cũ.
Lại cũng có thể vì nóng lòng cứu bạn đang mắc kẹt trong hiểm địa, Công phải xông pha liều lĩnh hơn là nếu chàng chỉ chiến đấu thường thôi, và như thế thật là nguy cho tánh mạng của chàng.
Thúy bứt rứt muốn ngăn Công, muốn nói thẳng cho chàng biết rằng người ta có thể gài bẫy để hại chàng. Nhưng làm thế nào để cắt nghĩa nhờ đâu mà cô được biết sự thật về cuộc thương lượng, cuộc vận động của Nhan ?
Thú thật đã rình nghe à ? Không, xấu hổ lắm. Công lại có thể nổi giận thì nguy vì giữa nàng và Công chưa có gì cả cho đến một tình bạn sơ sơ cũng không, chỉ có mối tình đơn phương của nàng mà có lẽ Công không hay biết, hoặc biết mà không kể đến.
Sau cuộc hội kiến hôm nay giữa ông Trưởng Ty Quan Thuế và một cô nữ sinh, có đến hai người ăn ngủ không yên. Người thứ nhì bấn loạn tâm thần là Công.
“Vậy nó quyết liều. Công nghĩ. Nếu mình không nhận đi đánh bắt cướp (hay buôn lậu cũng thế) thì nó sẽ lọt vào tay bọn cướp. Mình đã dứt khoát với nó rồi nhưng mà…
“Bằng như mình đi, không chắc cứu được nó, hoặc có cứu nó được trên tay của quân cướp thì cũng chỉ cướp được cái xác không mà thôi: nó sẽ bị bọn cướp làm thịt khi chúng biết nó phản trắc, hay là nó sẽ ngã gục dưới một viên đạn của chính mình.
“Cuộc đánh bắt buôn lậu nầy có tánh cách cảnh sát lắm, vì Quan thuế cần chụp hàng hóa chớ không biết làm gì với mớ xác người Cao Miên ấy. Quan Thuế biên giới vẫn phải hành động như Cảnh Sát là thường vì buôn lậu biên giới quyết tử. Nhưng mà trong trường hợp nầy, mình không bị bắt buộc hành động như vậy mà cố ý hành động như vậy.
“Chắc chắn bọn cướp, một khi nhận được tiền, tức được con người của Nhan, chỉ mong an thân về rừng an hưởng như ngày xưa Đổng Trác mang Điêu Thuyền về xứ Mi-O.
“Mình lại không cho chúng nó làm thế, không phải để chận hàng mà để… !
Công đứng lên, do dự rất lâu đoạn ra sân, lên chiếc xe Díp riêng của chàng chạy thẳng lại tỉnh đoàn Bảo An để xin binh tiếp viện đêm đó. Lần nầy, Quan Thuế không thể giữ bí mật và hành động đơn độc được nữa vì địch thủ mạnh mẽ lắm, theo chỗ Nhan cho biết.
*
* *
Mười giờ đêm. Trời không chuyển mưa nhưng vẫn không có sao. Công bố trí như vầy:
Công lực sẽ tấn công ba mặt trừ mặt Trảng Sụp, đúng y theo kế hoạch hữu lý của Nhan, nhưng chi tiết của cuộc bố trí còn quan trọng hơn.
Cánh tả và cánh hữu của mặt trận do bên công lực dàn ra, phải mạnh mẽ vô cùng còn cánh trung ương thì sao cũng được, mặc dầu chính cánh này khởi sự tấn công trước.
Đối phương sẽ không nhận cuộc chiến đấu mà chỉ lo rút lui thật lẹ, thì cánh ấy bắn cầm chừng là đủ rồi.
Cánh tả và cánh hữu, hỏa lực phải kịch liệt để bắt buộc chúng rút về hướng Trảng Sụp. Hai cánh nầy sẽ kéo dài ra để giáp nối vời cánh trung ương hầu kết cho vòng giây bán nguyệt được liên tục thì bọn cướp dầu có muốn cũng không còn dám mở đường máu phía trước mặt chúng, tức là ở cánh trung ương mà chúng nhớ rằng rất yếu ở những phút đầu.
Hai cánh mạnh mẽ nói trên, do Bảo An đảm nhiệm, Quan Thuế ít người, lại yếu về huấn luyện quân sự hơn Bảo An nên giữ thế trung ương. Vả lại chính Quan Thuế chỉ huy trận đánh này, Bảo An chỉ cho mượn binh thôi, thì Quan Thuế giữ mặt trung ương là hợp lý.
Nhưng Công có một ẩn ý gì bố trí như vậy.
Người của cánh trung ương sẽ thấy rõ là cánh nầy để cho hàng vuột đi rồi mới tấn công. Như thế, trong cánh trung ương không thể cho phần tử lạ xen vào mà sự tiết lộ bí mật nầy có thể gây rắc rối cho chàng.
Thượng cấp sẽ đặt dấu hỏi và chàng không sao giải thích cho trôi.
Cánh hữu đóng phía trong hướng núi Bà Đen, còn cánh tả thì thì đóng phía ngoài hướng quốc lộ đi Vũng Chàm.
Trong cánh tả ấy có một chiến đấu viên kỳ lạ hết sức. Đó là một thiếu nữ mặc y phục Thanh Nữ Cộng Hòa mà Bảo An ngỡ là nhân viên của Quan Thuế vì lúc Công chia quân và chỉ định vị trí cho họ, tự nhiên người nầy len lỏi nhập đoàn với họ mà Công không hay biết nên không nói gì cả.
Người chiến đấu viên nữ phái ấy hồi chín giờ tối đêm nay, đã nai nịt hẳn hòi để đến trình dìện trước Ty Quan Thuế.
Ông Trưởng Ty ngạc nhiên hỏi:
- Cô đi đâu đây ?
- Thưa ông, nhơn đi hóng mát, em thấy các anh em chuẩn bị xuất quân nên em vội về nhà thay y phục để đi theo chơi.
Công cười ha hả rồi nói:
- Bộ cô tưởng chúng tôi đi du lịch sao ?
- Thưa ông, em biết ông đưa các anh ấy đi đâu và…
Hết hồn, Công chận hỏi:
- Cô biết chúng tôi đi đâu ?
- Thì không đi bắt á phiện lậu, cũng bắt tơ lụa lậu không có gì mà lạ.
Công hú vía rồi nói pha trò:
- Cô đừng tưởng chuyện chơi. Cô nghe tiếng súng đầu, cô sẽ sợ đến ngất đi và chúng tôi sẽ phải khiêng cô, rối cho chúng tôi lắm.
- Thưa ông, em đã được huấn luyện bán quân sự, em bắn có hạng lắm.
- Cho dẫu là vậy đi nữa, tôi cũng không có quyền đem một nhơn viên văn phòng đi theo trong các cuộc ruồng bắt hàng lậu.
- Ông cho em đi, ai biết !
- Lương tâm tôi biết. Không thể được.
- Em van ông !
- Cô đừng nài nỉ mà tôi phải nổi giận lên thì không tốt.
Thúy không dám hó hé nữa nhưng lúc dang ra để đi ẩn núp đâu đó, nàng đã rút một cách tài tình cây Colt trong bao da mà Công đeo bên hông trái của chàng.
Vì trời tối nên Công không lo bị thiên hạ thấy mặt, dám ngồi phía trước với tài xế, chớ không núp trong mui xe như trong chuyến đi phục kích Tám Huỳnh ở Đồng Cháy và Thúy thừa dịp đó ra khỏi chỗ ẩn núp của nàng và nhảy lên xe, từ phía sau.
Nhân viên Quan Thuế được lịnh ngậm câm, nên không ai hỏi gì nàng. Và họ cũng ngỡ Công bằng lòng cho nàng theo vì thấy hai người đối thoại với nhau lúc nãy.
Đến trước Bảo An, Quan Thuế đậu lại, nhưng không ai xuống xe cả. Trong khi Bảo An lăng xăng lên xe của họ thì Thúy bước ra đứng ngoài bìa hết cho họ thấy nàng và đinh ninh rằng nàng được tham dự vào trận đánh nầy vì (họ đoán thế) có lẽ bên Quan Thuế thiếu người nên dùng cả nhân viên văn phòng.
Bố trí xong đâu đó thì đã mười một giờ đêm rồi. Cả ba cánh quân đều đinh ninh rằng họ phải đợi ít lắm là một tiếng đồng hồ vì cứ theo tin tức mà Công đã nói lại cho họ biết thì đến nửa đêm, bọn buôn lậu mới tới. Ừ, Công đã cho Bảo An biết rằng đây là một lũ buôn trâu lậu từ bên Vũng Chàm vượt biên giới qua đây.
Nhưng thiên hạ vừa mới nằm yên chỗ thì họ đã nghe tiếng gió ào ào. Trên những cánh đồng quanh Trảng Sụp, cây chồi nho nhỏ mọc lúp xúp, và trâu đi tới là phải tuông lá cùng những cây thấp ấy.
Rồi tiếp theo đó, móng trâu nện đất, nghe như thiên binh vạn mã tiến về đây.
Mặt trận phục kích của công lực là một hình tam giác, diện tích rộng mấy mươi mẫu, và khoảng cách từ góc nầy đến góc kia xa đền hai ba cây số.
Bọn lùa trâu, đi vòng phía trong Trảng Sụp để đổ ra trước trảng. Tới nơi, những con trâu đi đầu được nắm mũi vàm níu lại để đợi những con trâu sau dồn tới.
Khi trâu đã dồn cục lại thành khối, hai cánh quân tả hữu bèn trườn tới để siết chặt vòng vây, đúng y theo chỉ thị của người chỉ huy trưởng của họ, đặt bọn “buôn lậu” trong tầm súng của bọn họ...
Trâu bị mòng đốt, quất đuôi lia lịa lên lưng chúng và bị níu dậy vàm, chúng khịt mũi và dậm cẳng không ngớt nên chi mặc dầu người cố im lặng, trâu đã gây tiếng động ồn ào.
Cầm đầu cánh quân trung ương, Công nằm xa bầy trâu chừng năm trăm thước. Chàng chỉ thấy dạng dạng lờ mờ những bóng đen đang động đậy trước một nền trời tối thui.
Hình như là Tám Huỳnh và đoàn tùy tùng của ông ta đang lướt đi, Công chỉ nghe động mà đoán thế thôi và không biết rằng chính Thạch Pôul cũng lướt tới để gặp Tám Huỳnh.
Bọn nầy quen hoạt động giữa đêm khuya nên thấy được bằng mắt, bằng tai, bằng khứu giác của họ.
Khi họ gần tới bên nhau, Thạch Pôul hỏi lớn:
- Chú Tám đó hả ?
- Ừ.
- Kính chào ba !
Hai bên lặng lẽ tiến lên, Thạch Pôul bỏ đàn trâu lại sau lưng hắn và Tám Huỳnh bỏ cánh quân phục kích lại sau lưng ông ta.
Họ đã gặp nhau. Thạch Pôul nói nho nhỏ:
- Xin lỗi ba.
Rồi hắn bắm đèn rọi, rọi xuống đất. Tuy thế, ánh sáng gián tiếp ấy cũng cho hắn trông thấy rõ là bên Tám Huỳnh không có võ khí.
Hắn yên lòng lắm và nhứt là vui lòng vì hắn thấy Nhan đứng cạnh cha. Tắt đèn xong, bắn hỏi:
- Thưa ba, công việc tiến hành đúng theo chương trình đã thỏa thuận hay có gì thay đổi ?
- Không có gì thay đổi hết.
- Như vậy ba cho phép con rước em con chớ ?
Hỏi câu đó, hắn lại bật đèn lên soi mặt đất và trong ánh sáng phản chiếu lờ mờ, hắn nhìn Nhan và nói:
- Em vui lòng theo anh chớ ?
Bấy giờ Nhan mới kịp nhìn lên và nàng ngạc nhiên hết sức, kêu một tiếng:
- Ông Thạch !
- Ừ, chính anh đây, người đã gặp em trong đêm mưa gió ấy.
Nhan rụng rời. Mãi cho đến bây giờ, nhứt là hồi nãy đây, nàng vẫn quyết tâm thoát khỏi tay tên tướng cướp đã đổ tiền ra để mua nàng, vì tuy định tự tử trá hình, nàng vẫn nghe bản năng tự tồn sai khiến.
Nhưng giờ thì đã khác hẳn rồi, Thạch Pôul là ân nhân của gia đình nàng, theo lời cha nàng đã kể lại tỉ mỉ trận hắn đánh cứu ông thoát khỏi tay Công.
Đã không đáp được ơn hắn, ít ra nàng cũng phải chết tại chốn nầy, chớ không thể phản bội. Ừ, nàng phải chết ! Chết vì không thích làm vợ kẻ nầy mà cũng không thích man trá đối với hắn.
“Trời ơi ! Vĩnh biệt, Nhan than thầm, ba ơi con xin vĩnh biệt ba, vĩnh biệt ai kia đang phục kích sau lưng con và vĩnh biệt cõi đời.”
Ông Tám đáp lại lời yêu sách của Thạch Pôul:
- Không được ! Thạch Pôul được võ trang, bên nầy tay không. Vậy bên ưu thế phải nhượng bộ đôi chút. Cho trâu qua là hơn.
- Thưa ba, như vậy cũng đuợc.
Tên tướng cướp vững tin lắm vì hắn biết tuy Nhan bị gả ép mà lúc chợt thấy hắn là ân nhân, nàng đã đổi ý và vui lòng về nhà chồng, bằng vào tiếng kêu của nàng.
Hắn thò hai ngón tay vào miệng và thổi lên một tiếng oét dài. Tức thì đàn trâu được điều động đi tới. Trâu tiến lên hàng ba, ba con đầu được một tướng cướp nắm dây mũi dẫn đi, những con sau bị lùa.
Tên tướng cướp nầy, giao dây lại cho một tên tùy tùng của chú Tám trong ánh sáng gián tiếp của tia đèn bin rọi xuống đất mà Thạch Pôul mới thắp lên.
Trâu lướt qua, người của chú Tám cũng tách ra khỏi đoàn lần lượt theo bầy và dùng roi mang theo để quất cho những con vật ấy chạy mau.
Trâu lướt qua trước mặt họ. Thạch Pôul kín đáo hườm sẵn cây tiểu liên. Nếu cha con Tám Huỳnh mà ló mòi phản trắc là hắn nổ súng ngay.
Trâu lướt qua, lướt qua ! Chỉ còn độ 30 con nữa thôi, mà chúng sắp hàng ba thì cũng như còn có mười con. Thạcn Pôul sốt ruột hỏi:
- Thưa ba, giờ con rước em con được chưa ?
- Được.
- Cám ơn ba. Con sẽ gặp lại ba. Thôi, đi em !
Nhan nấc lên lột tiếng, cố nuốt nghẹn mà nói:
- Ba ơi, vĩnh biệt !
- Can đảm lên con !
Tám Huýnh ngạc nhiên lắm không hiểu sao con gái ông lại nói như vậy.
Thạch Pôul an ủi cô gái mà hắn xem đã là vợ hắn rồi:
- Có gì đâu mà em nói nghe thảm quá. Anh sẽ ra mặt, đưa em về thăm ba.
Tám Huỳnh đã xây lưng, nhảy theo ba con trâu đuôi đàn. Nhan ngó ngoái lại, nhìn trong bóng đêm và kêu lên một tiếng rất đau thương:
- Ba !
- Con, mạnh giỏi nhé !
Tiếng của hai cha con tan biến, chết mất trong khoảng không mênh mông.
Thạch Pôul nắm lấy vai vợ và nói:
- Em đừng buồn, vài ngày nữa là ta sẽ về thăm ba.
Từ nãy đến giờ Công và Cánh Quan Thuế đã lặng lẽ trườn tới. Khi chàng nghe tiếng trâu đã chạy khỏi đó xa rồi, chàng thò tay vào bao da để rút cây Colt ra, nhưng võ khí nầy không còn trong đó nữa.
Chàng thừ người ra giây lát, không biết cây súng đã mất từ lúc nào và trong trường hợp nào. Nhưng kịp nhận định tình thế là cần phải ra lịnh tấn công ngay, chàng lết lại gần người nhơn viên nằm gần chàng nhứt và kề miệng vào sát tai hắn mà nói thầm:
- Bắn tiếng súng lịnh lên đi. Mà bắn chỉ thiên chớ đừng nhắm cái gì cả.
Chàng mong tiếng súng lịnh chỉ thiên ấy giúp cho Nhan đủ thì giờ nằm xuống trước khi cuộc tấn công thật sự diễn ra. Cuộc tấn công nầy sẽ nhắm vào lửa súng của địch, tức là phải đợi một lát, tức là Nhan đủ thì giờ vuột khỏi tay Thạch Pôul mà lăn đi nơi khác. Thạch Pôul bận chiến đấu phải bỏ nàng.
Tiếng súng lịnh đã nổ lên. Nhưng sự việc lại không xảy ra như chàng mong và như Nhan đã trình bày với cha, mà riêng nàng, nàng cũng định làm thế.
Như cái máy, Thạch Pôul nằm xuống lẹ làng trong nháy mắt. Hắn đã có thành tích đánh trận hồi làm bạc ti dăng cho Pháp và suốt mấy năm cướp đường của hắn.
Hắn kéo vợ hắn theo dễ dàng và Nhan quyết không phản ứng nữa.
Ý nghĩ đầu tiên của Thạch Pôul là sự phản bội của cha con Tám Huỳnh. Nhưng hắn nghĩ lại thì không phải, Nhan đã riu ríu ngã theo hắn, không cưỡng lại chút xíu nào, cũng không có ý vùng vẫy để thoát, một khi đã nằm xuống rồi.
Hối hận lắm và càng thương vợ hơn nên hắn an ủi:
- Em đừng sợ, không sao đâu. Bị lộ tin, nhưng không có gì đáng lo.
Hắn đã quay đầu lại phía phát ra tiếng súng lịnh và Nhan cũng làm theo hắn. Hắn chưa kịp cho lịnh thì một đồng đảng của hắn kém kỷ luật đã bắn vào hướng phục binh. Tiếng súng ấy chọc cho hai mươi cây súng của bọn cướp nổ lên một lượt và bây giờ bên Quan Thuế mới nhắm vào lửa súng của quân cướp để tấn công.
Thạch Pôul hô lịnh bằng tiếng Cao Miên:
- Chỉ bắn cầm chừng để rút lui. Rút vào hướng núi !
Bên Quan Thuế có bảy cây súng mà bắn lơi lắm, nên bọn cướp vừa bắn trả, vừa đùa giởn, vừa lui.
Chúng bò lui chớ không biết chia ra làm ba cánh như tất cả các đơn vị chánh qui trên thế giới đều biết, để một cánh bắn cho hai cánh rút lui thong thả.
Nhan vẫn bò lùi theo Thạch Pôul, lòng nát ngướu như tương. Nàng chết thì đã đành rồi, nhưng dạ không được yên vì vô tình nàng đã xô ân nhân của gia đình vào vực thẳm.
Cô gái không may cho cả đến trong bước liều nầy, trong giây phút, thầm mong hão một phép lạ nào xảy ra để cho người ơn của gia đình nàng thoát nạn chẳng hạn như Trảng Sụp khô thình lình hóa thành đất chắc như những cánh đồng chung quanh:
Thạch Pôul sẽ không sa lầy, trốn thoát được, còn phận nàng thì rất dễ giải quyết. Nàng chỉ vùng đứng lên là sẽ ngã gục xuống vì lát nữa đây đạn sẽ bay tới từ ba phía và sẽ đươn võng nơi đây.
Thình lình trong bóng tối dày mịt bên phía núi Bà loé lên hai ba đốm lửa. Nhiều đốm kéo dài ra thật nhanh chóng như những ngôi sao băng trên trời, rồi kế đó Nhan mới nghe tiếng nổ rồi mấy giây sau nữa mới nghe tiếng đạn bay vèo. Ánh sáng đi nhanh hơn tiếng động, nên bọn cướp kịp nằm rạp xuống liền khi thấy lửa, chừng đạn bay đi đến nơi là chúng đã núp được rồi trừ vài tên bận bắn trả cuộc tấn công của cánh Quan Thuế.
- Lui lại ! Thạch Pôul quát “Ra phía đường cái”
Bây gỉờ bọn nầy không còn dám khinh địch nữa, không phải vì sợ bị đánh ở hai mặt, nhưng vì mặt thứ nhì nầy hỏa lực mạnh quá, số súng không kém số súng của chúng bao nhiêu. Cộng hai mặt đánh lại thì địch hơn chúng rõ rệt.
Tuy nhiên chúng nó không hoảng hốt và chống cự hẳn hòi một cách can đảm và quyết liệt.
Thạch Pôul nói:
- Chắc ba không kín miệng thế nào nên mới lậu sự. Có lẽ ổng đã thương lượng bán trâu và bị họ phản bội chăng ? Khi nãy, anh đã ngỡ chính ba với em man trá nên suýt hại em rồi, thật hú vía ! Rồi thấy em ngoan ngoãn theo anh, anh mới chợt thấy rằng anh lầm.
Nhan cứ làm thinh mà lùi theo Thạnh Pôul. Tên tướng cướp xử dụng cây tiểu liên nhưng không bắn, có lẽ hắn tránh lộ tung tích chớ không phải vì tay trái hắn phải nắm tay Nhan đâu. Hắn bắn một tay dễ dàng như thường.
Bấy giờ chúng nó đã trở về vị trí rút lui ban đầu, tức là ngay trước Trảng Sụp. Chúng lùi lần ra phía đường đi Vũng Chàm, trong khi cánh quân trong phía núi Bà kéo dài ra để giúp sức với cánh quân trung ương, không để lọt kẽ hở nào cả.
Chiếc quần ka ki xanh của Nhan đã rách nát nơi đầu gối và da đầu gối của nàng với lại da cùi chỏ của nàng đã rướm máu, rát như bị phỏng nước sôi.
Đồng trống. nhìn tổng quát xem như là phẳng lặng lắm, nhưng có bò trên ấy mới hay là nó lồi lõm và cây mắc cỡ gai góc mọc đầy mặt đất.
Đây là lần đầu tiên mà thiếu nữ trưởng giả nầy chịu khổ hạnh, nhưng cũng vì đây là lần cuối cùng trong đời nàng, nên nàng xem đau đớn xác thịt như không có. Trước cái chết sắp đến nơi, không gì còn đáng kể nữa cả.
Bỗng sự vỉệc xảy ra y hệt như khi nãy, nhưng lần nầy súng lại từ hướng Qưốc lộ đi Vũng Chàm bắn vào. Ở cánh nầy, lửa cũng đỏ trời, có thể còn đông tay súng hơn ở phía trong núi nữa.
Thạch Pôul giọng bối rối nói:
- Nguy rồi ! Ta bị bao vây cả ba mặt. Mặt không có phục binh lại là nơi sình lầy !
Cánh quân phục kích phía đường cái lại điều động để tiếp hợp với cánh Quan Thuế và cánh trung ương nầy, yếu ở những phút đầu, đã được tăng cường ở cả hai bên hông nên mạnh mẽ ra.
Bấy giờ vòng vây giàn thành vòng bán nguyệt cứ thâu hẹp lại lần lần. Quân cướp đã ngã hết bảy tám đứa dưới cuộc tấn công của cánh quân phía núi, lại ngã thêm bảy tám đứa nữa sau loạt súng đầu của cánh quân phía ngoài đường.
Thạch Pôul nói như nói một mình:
- Coi nào ! Mở đường máu ở phía nào lợi hơn nè ?
Không, không thể liều được. Chúng nó đông quá mà ta lại hao hết phân nửa binh rồi. Trời! Thật là xui xẻo. Nhan ơi ! Có thể ta không được hưởng ngày hạnh phúc nào hết đó, Nhan à !
Ta chỉ còn một đường, ừ, một con đường thối là đường phía sau lưng. Nhưng cứ theo chỗ anh biết thì Trảng Sụp vẫn còn là nê địa.
Nhưng mà… biết đâu ! Có thể có nơi đã khô. Ta nên thử thời vận vậy. Tới cũng chết mà lui cũng nguy thì lui là hơn vì con đường ấy còn cho ta chút đỉnh hy vọng.
Bọn cướp còn được mười một tay súng với cây tiểu liên không bắn. Cánh quân trung ương do Quan Thuế làm nồng cốt tiến thật lẹ vì họ thấy hỏa lực của đối phương giảm lần. Quân cướp gần hết đạn nên chỉ bắn cầm chừng để ngăn các cuộc xung phong thôi.
Bấy giờ, bọn Thạch Pôul chỉ còn cách công lực độ ba trăm thước thôi. Nhơn thấy bên kia bắn quá yếu, Công ngỡ chúng nó đã bị diệt gần hết nên ra lệnh cho cánh trung ương do chàng chỉ huy trực tiếp, tiến lên xung phong.
Bấy giờ cây tiểu liên mới bắt đầu lên tiếng cùng với mười một tay súng kia, tất cả đều nổ già mà lượt.
Công lực bị thương ba người và cuộc xung phong phải tạm hoản. Nhưng nhờ thế mà công lực khám phá được sự hiện hữu bất ngờ của cây súng máy, tất cả hỏa lực của đoàn quân phục kích đều đổ dồn về nơi xuất phát của những loạt đạn tiểu liên.
Thình lình cây súng máy nín bặt và Nhan nghe Thạch Pôul kêu:
- Trời ơi ! Nhan ơi, anh bị đạn rồi Nhan à, ở bả vai !
Sau mấy giây im tiếng của Thạch Pôul, Nhan lại nghe hắn hét lớn:
- Danh Eo ! Đây cây tiểu liên đây !
Rồi hắn buông tay Nhan ra, sang súng qua tay trái đoạn ném mạnh cây súng máy ấy qua cho một chiến hữu của hắn.
Nhan không còn nghe đạn bay vèo vèo sát bên tai của nàng nữa vì Thạch Pôul thôi bắn là nơi hai người nằm, tối om, bên công lực đưa sức mạnh đi nơi khác.
Phía trong núi có tiếng hô:
- Ai muốn đầu hàng thì bỏ súng, bò tới đây, vừa tiến, vừa đánh tiếng nho nhỏ !
Họ biết quân cướp - trừ tên đầu đảng ra - không phải là những chiến sĩ quyết tử, nên mới đề nghị nhận sự đầu hàng riêng rẻ của chúng như thế, chớ đó là một quyết định nguy hiểm: chúng có thể phái kẻ trá hàng đến gần họ để bắn thình lình tấn công bằng những vũ khí đánh gần như lựu đạn chẳng hạn.
Sau lời đề nghị ấy, bên quân cướp im bặt tiếng súng thình lình. Cả bọn đều suy nghĩ để lấy quyết định và mấy mươi giây sau đó, súng lại nổ trở lại, nhưng bấy giờ chỉ có năm cây súng - trong đó có cây tiểu liên - là lên tiếng. Thế tức là có một cường đồ chuẩn bị đầu hàng.
Chúng không sợ bị đồng bọn trừng phạt vì trong khi bọn kia lùi, chúng chỉ còn việc nằm y tại chỗ là rời khỏi khối. Rồi từ vị trí đó, chúng bò tới để liên lạc với địch mà đồng bọn vẫn không thấy được chúng để hạ chúng.
Bên cánh quân án ngữ phía trong núi, chừng như cũng đoán biết được thế, nên ngưng bắn để cho bọn đầu hàng dễ tràn tới và để bọn ngoan cố không còn đích nào nơi phía đó để bắn trả, có thể luôn tiện sát hại bọn đầu hàng.
Lòng Công, từ phút đầu đến giờ, nóng như bị lửa đốt. Chàng băn khoăn, bứt rứt vì tánh mạng của Nhan. Súng nổ rền trời khắp nơi, không thể kêu lên mà Nhan nghe được, mà dầu có nghe, chưa chắc nàng đã chịu trả lời.
Khi nãy cuộc xung phong quá sớm do chàng ra lịnh cũng bị sự sốt ruột của chàng chi phối.
Sau đó, bao nhiêu hỏa lực đổ dồn về phía cây tiểu liên của địch làm chàng lo sợ vô cùng vì có thể Nhan không thoát được và đang nằm cạnh tên tướng cướp cầu hôn.
Kể từ lúc mà cây súng máy ấy nín, chàng xót xa không biết bao nhiêu, cầm bằng như cả hai đứa nó đều tan xương nát thịt dưới trận mưa dạn.
Bấy giờ bên quân cướp chỉ còn có năm tay súng thôi, mà cây tiểu liên phải tiết kiệm đạn hầu chống với các cuộc xung phong thế nào cũng sẽ diễn ra.
Bốn cây súng trường phân công nhau mà giữ ba mặt tấn công, thì kể như là không còn lực lượng nữa rồi.
Thạch Pôul chán nản vô cùng. Phần vết thương ra máu linh láng làm cho hắn bắt đầu mệt, nên hắn xuống tinh thần, bỏ trôi cuộc chiến đấu, không buồn chỉ huy nữa mà chỉ lo lùi cho thật mau để tìm kế thoát thân.
Nhan vẫn bò lùi với hắn. Nàng không nỡ sống sót lại từ giây phút chợt nhận ra kẻ mà nàng lừa gạt chính là người mà đáng lý ra nàng phải trả ơn.
Nếu hắn là một người tạm được, có lẽ nàng đã khuyên hắn đầu hàng, để rồi đáp nghĩa bằng cách đi nuôỉ hắn mỗi tuần tại khám đường và đợi hắn cho đến ngày hắn mãn hạn tù đó.
Nhưng hắn lại chỉ là một tên tướng cướp đàng Thổ thôi thì nàng đành phải chết vậy.
Đã tính đến cái chết, Nhan không buồn chọn lối chết và nơi chết nữa. Chết ngay bây giờ, tại đây với một viên đạn trong đầu, hay lát nữa bị bùn chôn sống cũng thế thôi.
Vì vậy mà nàng không có phản ứng khi Thạch Pôul níu nàng theo hắn.
Đang bò, Nhan bỗng nghe Thạch Pôul kêu lên:
- Đã tới bìa Trảng rồi, coi chừng đa nghen, Nhan !
Vì yếu, vì mệt, nàng đã rớt lùi lại sau nãy giờ. Thạch Pôul không còn nắm tay nàng được nữa mà chỉ nắm cổ chân thôi, nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới quơ nắm cốt để thăm chừng coi nàng có theo kịp hay chăng chớ tay trái của hắn, cánh tay độc nhứt còn dùng được cũng bận làm việc khác trong cuộc bò lùi nầy.
Thạch Pôul kêu lên như thế vì hắn vừa gặp một mực đất thấp hơn cuộc đất mà trên đó hắn đang bò.
Hai mặt đất cách biệt nhau độ bốn tấc. Mũi giày của hắn chạm phải một nền đất phẳng mặt và có vẻ cứng rắn. Hắn mừng rỡ hết sức và tụt xuống đó mà không do dự, không lo sợ gì cả.
Hai gối hắn đã đặt lên mặt đất phẳng và một cảm giác lạ khiến hắn phải dừng chơn để nghe cho rõ. Hình như là mặt đất rung rinh.
Thạch Pôul ngỡ hắn rối trí nên mất sáng suốt thôi, nên bò lùi một bước nữa và quả mặt đất rung rinh thật.
Bấy giờ hắn mới bắt đầu hoảng. Đây là thứ đất mà người Việt Nam gọi là đất “mặt võng”, hoặc đất “không chơn” lớp trên khô cứng, như thường, nhưng chỉ mỏng độ vài tấc thôi, còn lớp dưới toàn là bùn non.
Tuy nhiên nhiều cuộc đất như thế, vẫn dùng canh tác được, vì lớp bùn phía dưới không sâu quá, người bước chân vào đó chỉ bi sụp tới đầu gối mà thôi.
Thạch Pôul tuy hoảng nhưng lại nhiều hy vọng. Nếu đất nầy mà như vậy là hắn được một nơi trú ẩn lý tưởng: Hắn cứ lùi sâu vào trong là công lực không thể dám theo. Suốt đêm nay, hắn sẽ cố vượt hết cái trảng nầy và qua tới bờ bên kia là thoát,
Nghĩ thế, hán lồm cồm chồi dậy thử, nghĩ rằng nếu có sụp thì sụp gần bờ cũng chẳng sao, vả lại hắn còn liên lạc với một người ở trên khô là Nhan, người nầy sẽ níu hắn lại.
Súng không có bắn về hướng Thạch Pôul. Hắn quì gối lên mặt trảng rồi phân vân mấy lát, hắn đứng lên.
- Trời ơi ! Nhan ơi ! Sụp rồi ! Cứu anh.
Thạch Pôul nghe như đất dưới chân hắn là một lớp giấy. Nó lủng đúng nơi bàn chân của hắn đang chở cả sức nặng của hắn. Trong nháy mát hắn đã chìm tới gối và cứ tiếp tục chìm nữa, tuy chậm bơn.
Lẹ như chớp, hắn ngã người tới trước, đưa tay lên để chụp lấy chơn Nhan. Hắn chỉ chụp được bờ đất cứng mà thôi. Bối rối, hắn quờ quạng mò kiếm và mừng rỡ vô cùng mà chạm phải chơn của nguời vợ vừa cuới không đầy một tiếng đồng hồ nầy.
Nhưng Nhan, vì sự dời chỗ tình cờ, đã nằm bên phải của hắn, hơi xa, hắn phải vói mới nắm được cổ chân của nàng bằng tay mặt là cái tay quá yếu vì vết thương nơi vai bên đó.
Nhan thình lình nghe có biến thì thất sắc. Bản năng tự tồn của con người mạnh quá, đánh bạt cả mọi quyết định khi họ đứng trước thềm một cái chết kinh khủng.
Giờ phút ấy, con người chỉ còn là một con vật rất ham sống, chỉ nghĩ đến sự sống sót, hy sinh cao cả vì nghĩa vụ không biết có thắng nổi bản năng cố sống của họ hay không chớ một sự liều chết bá vơ, không căn bản vững, không tồn tại được nơi trí họ mà chỉ có sự sống là còn đáng kể thôi.
Vì thế mà Nhan còn hoảng sợ hơn Thạch Pôul nữa khi nàng nghe hắn kêu lớn như vậy. Nàng hình dung ra một người bị bùn non nuốt lần. Hắn chìm đứng, hết chơn đến bụng, rồi đến ngực. Hắn chới với như kẻ sắp chết đuối, rồi đất bùn đè ngực hắn khiền hắn ngộp thở.
Hai bàn tay của Nhan cố bám vào những cây mắc cỡ yếu không cưỡng lại nổi với sức trì của nàng. Hai cùi chỏ của Nhan cố bám vào những mô đất lồi nhỏ nó tróc đi thành bụi.
Trong giây phút, Thạch Pôul chợt hiểu sự thật là Nhan phản bội hắn, dụ hắn để đưa hắn sa chân vào đây còn chính nàng thì tìm cách ở lại.
Siết chặt bàn tay quanh cổ chơn của cô dâu kỳ dị nầy, Thạch Pôul cười gằn nói:
- Đâu có được em nhỏ ! Anh chết thì em cũng phải đền tội chớ ! A…ha...ha...ta chết vì một đứa con gái kể ra thì cũng ngốc lắm, nhưng kẻ phản ta không thể sống để chê cười ta !
Với bàn chơn ở không, Nhan đạp lên tay của Thạch Pôul, nhưng tay hắn siết chặt lại như gọng kềm. Chẳng những thế, trong lúc hắn chìm hắn níu nàng theo và Nhan cứ bị kéo đi lần lần, chầm chậm nhưng chắc chắn là không thoát.
- A... ha... hạ ! Em nhỏ ơi, em nhỏ phải theo anh xuống âm phủ để trả lời về hành vi của cha con em nhỏ.
Cánh tay của Thạch Pôul yếu đi vì vết thương nơi vai của hắn. Hắn muốn sang tay lắm nhưng vì Nhan nằm trệch một bên, ngay tay mặt của hắn, đã phải vói mới níu nàng được thì ý muốn trên đây không thể thực hiện.
Sức trì của tự hắn giảm dần. Nhan chỉ còn bị lôi theo sức nặng đang chìm của hắn thôi.
Mặt đất dưới vế Thạch Pôul đã bể, rồi bụng hắn lại đè cho lớp đất trước đó bể thêm thành thử cái lỗ dưới người hắn càng giây phút càng rộng thêm ra, bành trướng lên tới bờ đất cứng.
Nhan dang hai cánh tay ra để mò kiếm những chướng ngại vật quanh nó vì trước mặt và dưới ngực hàng không còn gì để bám níu cả.
Bỗng nàng nghe như đang hấp hối mà được uống một liều thuốc hồi dương linh nghiệm: nách nàng vướng phải một gốc cây. Đây là cây nhỏ độ bằng bắp vế bị đốn không sát gốc, cái gốc còn lại khá cao, cao khỏi bề dày thân thể nàng, đủ mạnh để bịn nàng chống lại với sức trì của Thạch Pôul.
Biết rằng tay nàng yếu lắm, Nhan không cử động nữa, không xoay thế nằm để ôm gốc cây đó mà chỉ giữ tình trạng may mắn là để cho nách nàng máng vào gốc cây ấy thôi.
Thình lình nghe sức trì mạnh khác thường của Nhan, Thạch Pôul tức sôi gan. Hắn chuyển vận tất cả tàn lực của hắn để mà lôi kéo “con ác phụ” nầy theo hắn nhưng vô hiệu quả.
Hắn nghiến răng trèo trẹo rồi trong tuyệt vọng, hắn bóp muốn nát xương cô gái tay yếu chân mềm nầy.
Bên phía quân cướp chỉ còn có ba cây súng tiếp tục chống cự thôi. Cả cây tiểu liên cũng đã êm hơi vì hết đạn sau mấy loạt xung phong giả vờ của công lực.
Mấy tên cướp cố lì nầy nằm cách xa bờ trảng lối năm mươi thước vì chúng không vội lùi để thoát thân như chủ soái của chúng.
Bấy giờ, không còn chờ đợi dược nữa, Công hô lịnh cho cả vòng vây xung phong ồ ạt cùng một lúc với nhau.
Đây là cuộc xung phong thật sự và cuối cùng để tận diệt cái ổ kháng cự còn sót lại.
Chính Công đã dẫn đầu cánh chàng trong cuộc xung phong đó. Chàng vừa chạy lên, vừa gọi to:
- Nhan, em ở đâu ? Hãy nằm sát xuống, nếu em còn sống !
Thạch Pôul nghe gọi cười dài:
- Bằng cớ đã hiển nhiên là mi bội phản.
Rồi hắn nghiến răng như muốn nhai xương thiếu nữ phản trắc và bàn tay hắn hóa ra một chiếc kềm vặn siết chặt đến nỗi Nhan suýt ngất đi vì đau đớn đã lên đến độ tột cùng mà con ngườì có thể chịu được.
Bỗng hắn buông tay ra. Sức lực của hắn vừa bỏ hắn mà bay đi, đi theo những dòng huyết từ vết thương nơi vai hắn chảy ra, dòng huyết không khô đọng được bởi cánh tay mặt của hắn đã bị thương lại phải làm việc quá sức.
Bùn non nuốt hắn chầm chậm, chầm chậm khi mà hắn không còn bám được vào chơn Nhan nữa. Nhưng cũng cùng lúc ấy, người nữ sinh mạo hiểm kia cũng ngất đi.
- Nhan ơi !
Ba cây súng kháng cự một cách tuyệt vọng đã nín. Chúng nó bị thương nên rên la om trời.
- Nhan ơi !
Công vừa chạy tới vừa gọi to. Bấy giờ chàng đã vượt qua khỏi mấy tên cướp bị thương, đạp lên thân thể của chúng.
Bỗng từ phía trái chàng, tức là từ phía ngoài quốc lộ 22, trong cánh quân phục kích nơi hướng đó cũng đang xung phong, một tiếng súng lục phát ra.
- Trời ơí !
Công kêu lên rồi té quị xuống. Trong cảnh hỗn loạn nầy, kẻ bắn ra phát súng lục đã trà trộn để thoát được và trở về đoàn của y là cánh Quan Thuế.
Lúc bắn viên đạn ấy, Thúy đã hồi hộp vô cùng. Tin vào tài thiện xạ của nàng, nàng định bắn gãy chơn Công đễ ngăn chàng phiêu lưu mạo hiểm thêm mà lâm nguy, vì chỉ còn có mấy mươi thước nữa là chàng sẽ rơi vào miệng con ác quỷ đã từng hả mồm rình mồi từ đời kiếp nào không ai rõ được là cái trảng sát nhơn kia. Vả lại biết đâu một tên cướp lại không căm hận sâu sắc đến đỗi dùng hơi tàn của nó mà bắn chàng một phát để rửa thù.
Tuy nhiên nàng vẫn sợ hãi. Người bắn giỏi nhứt trên thế giới cũng có lúc nhắm sai, huống hồ gì trong đêm tối, muốn bắn chơn người ta mà đạn lại tìm cách chui vào bụng họ thì sao ?
Nhưng không thể để cho chàng coi rẻ tánh mạng chàng vì một cô gái chưa chắc đã còn sống, mà cỡ “con ấy” còn sống, Thúy cũng phải tìm cách làm cho hai người xa nhau.
Trà trộn được để đổi vị trí, Thúy vẫn không hết sợ hãi, nhứt là cái tiếng kêu của Công ấy, nó làm cho nàng đau xé cả ruột gan.
“Công bị thương nơi đâu và vết thương sẽ đến đỗi nào hay không ?” Thúy nhớ tay nàng hơi run mà nàng thì chỉ thấy được dạng dạng một bóng người lướt tới thôi, nàng đã bằng vào tiếng gọi Nhan của chàng mà bắn hơn là đã thấy rõ và nhắm kỹ bóng người.
Bây giờ người ta bật đèn bin để cứu cấp thương binh. Một người hô lên:
- Ông Trưởng ty bi đạn nơi bắp vế.
Thúy hoàn hồn lần lần và lần bước tới gần Công.
Bên công lực có sáu người bị thương tất cả, kể cả người Trưởng ty Quan Thuế. Không vết thương lào đáng ngại hết. Tuy nhiên viên hạ sĩ quan Bảo An, đặt dưới huyền điều khiển của Công từ đầu hôm tới giờ, cũng nắm quyền chỉ huy và ra lịnh rút.
Họ lượm thêm những tên cướp còn rên siết, tịch thu tất cả võ khí mà bọn cướp tử thương đã ném đi hay còn cầm trong tay khi tắt thở, hẹn sẽ thu dọn chiến trường thật sự ngày mai rồi điểm lại người, họ rục rịch kéo nhau về.
Công kêu lên:
- Anh em tìm dùm xác một thiếu nữ.
Viên hạ sĩ quan Bảo An ngỡ Công chỉ Thúy nên nói:
- Thưa Trung úy, cái cô ở Quan Thuế ấy vẫn được bình an.
- Cô nào mà ở bên Quan Thuế ? Công ngạc nhiên hỏi.
- Em đây, thưa ông ! Thúy lên tiếng trong bóng tối. Ông nghe trong người thế nào ?
- Ai cho phép cô đến đầy ?
Không ai thấy được mặt chàng, nhưng người ta đoán người Trưởng Ty đang tức giận tím mặt.
- Dạ, em có xin phép ông.
- Mà tôi có cho phép hay không chớ ? Được để rồi cô sẽ biết. Không, bà con ơi, xác người thiếu nữ khác kìa !
- Không có xác thiếu nữ nào cả.
- Sao lại không, xem lại cho kỹ giùm tôi.
- Dạ đã xem kỹ lắm, toàn là xác đàn ông không mà thôi.
- Cô ấy có thể mặc y phục đàn ông.
- Nhưng không có người Việt Nam nào tử thương cả, chỉ toàn đàn thổ không mà thôi.
- Kiếm giùm tôi bà con ơi !
Viên hạ sĩ quan không đáp nữa mà cương quyết hô lịnh rút. Mặc dầu Công phản đối kịch liệt, chàng vẫn bị khiêng ra xe như trăm ngàn thương binh khác.
Được đặt nằm trên xe Quan Thuế, Công nghe bên cạnh chơn chàng một hơi người. Vết thương được băng bó sơ sài vẫn để lưu huyết và chàng đã nghe nó bắt đầu nhức nhối, nên rên nho nhỏ.
- Ông ơi, liệu đạn có trúng xương hay không ?
Nhận được tiếng của người bên cạnh ầy là tiếng của Thúy, Công cả giận nạt:
- Tôi không cần cô săn sóc.
Mấy giây im lặng rồi chàng nghe một tiếng nấc nhỏ và ngắn. Cơn giận của người thanh niên nầy nguội được khi chàng ta đã hả hơi, chàng nghe rõ lại lòng chàng thì thấy mình tàn nhẫn quá.
Thật ra, Thúy không làm nên tội gì cho nặng. Nàng không phải là nhân viên hoạt động của Quan Thuế mà khép nàng vào tội bất tuân kỷ luật.
Nhân viên văn phòng có trốn mà theo đoàn thì cô ấy chịu trách nhiệm lấy, rủi ro có chết thì thiệt thân cô ta chớ không ai bắt tội chàng đuợc.
Cô ta cũng chẳng làm vướng chân vướng cẳng ai trong khi xuất quân và trong trận đánh thì... cơn hằn học của chàng thật vô lý hết sức, hay nó có lý mà một lý do rất là quanh quẹo. Chẳng qua chàng tuyệt vọng về sự mất tích, mất xác của Nhan, nên đổ lên đầu của kẻ nào rủi ro quấy rầy chàng, tất cả xót xa bực dọc của chàng.